SỎI ĐÁ BUỒN (Chúc Thanh/Vietbao)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

boat-people 2

Hải đảo Ga Lang vào thời điểm 1978. Hải âu bay rợp trời. Cơm xấy, cá khô, đậu hộp và là những món ăn quen thuộc của người việt tị nạn trên đảo. Cứ đến giờ là mọi người xếp hàng đi ăn, có khi không phải là đói mà vì cả thói quen, kể cả thói quen chờ đợi, chờ đợi được làm giấy tờ. Chờ đợi được ra đi đến một quốc gia nào đó… Mỹ, Pháp, Úc, Đức… đâu cũng được thôi. Quê hương Việt Nam đã rời bỏ đi rồi, thì nổi trôi đến đâu bám tới đó.

     Lênh đênh qua cửa thần phù,

     Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm…

     Titi và bé Hà là hai thuyền nhân nhỏ bé, lẫn lộn vô tình trong khối người vượt biển đến được Galang. Vì không còn có cha mẹ ở bên, nên chúng sợ hãi đủ thứ, sợ hãi vô cùng, cái gì cũng sợ!
     Chúng như hai giọt nước bị đẩy qua đẩy lại. Chúng vô tình đứng sát nhau và thân quen nhau không mong, không ước, không định hướng… trẻ con bơ vơ, lạc cha lạc mẹ trong cảnh hỗn loạn, y là những con diều đứt dây.
     Ngày mới tới hải đảo này, hai bé sống chung với các người lớn xô bồ giữa các lều trại, ai cho gì ăn nấy. Một ngày vô tình ngồi sát bên nhau, tay nắm tay vỗ về nhau rồi tò mò nghe người xung quanh thì thầm kể chuyện, xem có ai đó biết về cha mẹ chúng không. Tuyệt nhiên không, nhưng có hàng trăm ngàn chuyện vu vơ ngổn ngang, có cả những tiếng khóc, có lời rù rì đọc kinh cầu nguyện, có tiếng thở dài, có một chút tiếng cười hy vọng. Nhưng hai đứa bé chơ vơ không hiểu hết. Chúng rất sợ một mình và vô tình nương tựa vào nhau như hai cái phao nổi giữa dòng nước lũ.
     Rồi hình như một ngày sau đó, các Sœur bên nhà nguyện đã đến, đã nhìn ra những bé mồ côi, Sœur Linda, người Mỹ làm công tác thiện nguyện ở Galang đầy từ tâm, mang các em nuôi riêng trong barrack K của viện mồ côi. Sœur hỏi chuyện mỗi em bằng tiếng Việt. Sœur dạy cho các em học vỡ lòng tiếng Anh. Soeur vỗ về an ủi từng em, từng Titi một, từng em từng em như con của Sœur… Sœur nói có đông con lắm!
     Sœur tiến hành hồ sơ và thủ tục gấy tờ hội đủ chuyển về American Red Cross ở Chicago II USA. Sœur ấp ủ dậy dỗ khéo léo đến nỗi các em cùng tin tưởng như Sœur là có thể khi nào về Chicago, có thể là còn gặp lại ba mẹ các con, với tâm nguyện từ bi, bác ái, Sœur tin tưởng vào sự ổn định của ơn trên, nhất là của mẹ Maria.
     Hay nếu như không được như ý đó, hoặc giả cha mẹ các con của Sœur không còn sống, thì ít ra Red Cross sẽ tìm ra cho các con bé dại, cho Titi, cho Hà một Mom một Dad. Biết đâu, vì Chúa ở khắp mọi nơi. Sœur có một niềm tin mạnh mẽ như vậy để vui vẻ và sung sướng lo cho các em không cha không mẹ. Bên cạnh, còn có Sœur Thérèse thu xếp ổn định giờ học, giờ chơi, giờ ngủ, giờ ăn, với thời khóa biểu thích hợp cho cả mấy chục em vào mùa đó. Một hôm, hai đứa vừa ăn xong buổi trưa, cơm vẫn ngon vì chúng không khó nuôi. Chúng rủ nhau ăn mau hơn thường lệ, để cùng nhau đi chơi lâu lâu một lúc trước khi vào lớp học Anh văn buổi chiều.
     Cả hai Titi và Hà len lỏi qua các hàng ghế trong phòng ăn tập thể, cùng tiến ra cửa. Chúng băng qua khoảng sân rộng, rồi biến khuất sau dẫy nhà ngủ, một lát chúng gặp lại nhau giữa bãi cỏ non hiếm hoi.
     – Titi ơi, tụi mình xuống bãi cát bắt còng về nuôi đi.
     – Thôi thôi, em sợ bà mẹ la, bà mẹ không bằng lòng tụi mình đi chơi xa, xa đây đâu.
     – O.K. Thế để Hà lên đồi lượm trái thông khô về làm ô quan, còn Titi đi lượm sỏi về làm ô quân nhé.
     – Được mà, em sẽ lượm sỏi trắng và đá có nhiều vân nhiều màu. Em lượm lẹ lắm.
     Hai đứa nhỏ vội chia tay sau khi phân chia công việc, hai đứa đi ra hai ngã rẽ khác nhau và thỉnh thoảng chúng cùng quay lại như ngó chừng nhau, có lúc đưa tay vẫy vẫy nhau. Chúng thân nhau lắm! Chúng thương yêu nhau vô cùng! Hai đứa trẻ này trôi lênh đênh qua đại dương như hai con cá hồng bé bỏng. Tại nhỏ nhẹ mà chúng nổi trôi theo số mệnh.
     Chúng ở đây chờ, chờ một cơ quan thiện nguyện đón đi, chúng chỉ mong ước được đi chung một nơi nào đó. Đó là nguyện ước duy nhất. Chúng cũng thầm kín mong mỏi được vậy thôi, chúng chưa hề ngỏ ý ấy ngay cả với Sœur Thérèse.
     Hai đứa sẽ không bao giờ quên buổi đầu tiên rụt rè, bỡ ngỡ gặp nhau.
     Đứa nọ nhường đứa kia quả chuối và đứa kia cho lại quả cam. Hà 10 tuổi, Titi 8 tuổi. Chúng tự coi nhau là chị em, có lúc hơn thế nữa, gần như là cha là mẹ của nhau trong cơn hoạn nạn. Titi ngây thơ hồn nhiên kể với Hà ở Việt Nam em tên Tí, vì mẹ em bảo là nuôi hoài lâu lớn, có lúc được gọi là mắm nữa, mắm phơi khô. Ở đảo mẹ bề trên gọi em là Titi đã quen và ghi trên giấy tờ cũng như vậy. Titi nói là em không có cha, chỉ có mẹ. Mẹ em bảo là em mồ côi cha từ lúc bé lắm. Hai mẹ con, sau năm 1975, bán thuốc lá lẻ ở lề đường Nhất Linh, lối dẫn ra bến Ninh Kiều, Cần Thơ, bằng ấy tuổi mà em nhớ khá nhiều chi tiết, ngay cả các Sœur cũng thường hỏi đi hỏi lại nhiều lần về thân thế, tên cha mẹ và tại sao em lại đi vượt biển tới nơi này. Với tủ thuốc lá nhỏ bé, mẹ con sống độ nhật qua ngày. Có những tối bán khuya với ngọn đèn hoa kỳ leo lét. Kế bên, có cô Năm bán hột vịt lộn với rau răm, có chị Chín bán cháo cá thơm phức rồi kế bên là bà tám Đởm, bà chỉ bán các bắp nướng trên bếp than hồng rực rỡ và ấm áp.
     Khách lạ quây quần bên họ, hình như họ ít nói chuyện với nhau, như mọi người đều ngầm hiểu khách của họ là phần lớn lỡ độ đường, toàn là khách lạ, từ đâu đến bất chợt và ra đi vội vàng. Bỗng một hôm trời tối không trăng sao, đèn phụt tắt, có người ta đuổi nhau, chạy tới chạy lui, từ phía chợ có tiếng la khóc, hình như có tiếng súng bắn, bóng đen và người ta xô đẩy chen chúc, Ti bị ai đó, đông người, chen xô rớt xuống một khoảng không. Sau đó em tỉnh lại, trời lờ mờ sáng. Ti khát nước và khô cổ gọi mẹ. Không thấy mẹ đâu cả, em nức nở khóc và rồi Sœur Linda đến bên em dỗ dành bằng tiếng Việt!
     – Nín đi con, ngoan, ăn một chút cháo đi, rồi Sœur sẽ gọi mẹ con tới.
     – Nhưng mà em đợi mãi, có lẽ mẹ em không còn tới, không còn về với em nữa chị Hà.
     – Thế nào mẹ em cũng đến đây tìm em mà. – Hà nói câu an ủi cô bạn nhỏ, mà chính Hà, em cũng chớp mắt xúc động, giọt lệ đong đầy và lăn dài nóng nóng một bên má, không hiểu Đức Mẹ hằng cứu giúp có nghe thấu lời cầu xin của hai đứa chưa.
     Chính Hà, Hà cũng nhớ bố nó lắm, chả thua gì Titi khóc mẹ đâu. Hà cứ thắc mắc mãi, không hiểu là bố nó bỏ đi đâu mất biệt vậy. Hôm ra đi, lúc biểu Hà ngồi yên vị trong xe lam, bố nói nhỏ: « Con ngồi đây, ngồi sát cô Tư đây, ba quay lại quán bỏ quên cái áo lạnh của con, ba sẽ trở lại ngay. » Hà nôn nóng chờ ba và xe chạy bất tử. Hà ngơ ngác thì cô Tư bụm miệng em trấn an: « Đừng lo, có cô đây, ba con đi xe lam kế sau, ra bến, con gặp lại ba con liền. »
     Nhưng những ngày kế tiếp, em không gặp lại ba nữa, những xô đẩy dồn dập, có lúc cô Tư kéo đi. Rồi cô Tư cũng biến đâu mất. Người ta nói cô Tư bị lạc đường bị rớt lại rồi. Hà có hỏi vài người lớn, họ đều không biết ba em ở đâu. Người ta nói lung tung và nói lăng nhăng. Có lẽ người lớn còn sợ hãi và quay cuồng hơn con nít. Thôi đừng mất công đi hỏi nữa!
Giờ hai đứa có nhau, chúng quanh quẩn chơi với nhau, học Anh văn và cười vì cách phát âm ngộ nghĩnh như ca hát, chúng thủ thỉ tâm sự cùng nhau là có lẽ bố, mẹ chúng đã bị công an bắt hay bị chết thật rồi, chứ lẽ nào không đi tìm con? Điều kỳ diệu là Hà còn giữ được trong túi áo trong, một mảnh thư mà ba Hà viết cho má Hà lúc ổng còn trong trại cải tạo tập trung của cộng sản, khi thơ về tới nhà Hà, thì má Hà đã bị bạo bệnh qua đời được một năm, vì thế Hà luôn luôn giữ kín mảnh thư của ba má như một vật quý giá. Em đã đọc nó nhiều lần, mảnh thư có chỗ đã nhạt nhòa nước mắt:
     « … Em ơi, nếu kiếp sau chúng ta còn có duyên gặp gỡ, thì anh ước mong rằng chúng ta sẽ là những con chim hải âu không làm tổ, nương theo nhau và theo bóng những con tàu, đại dương mênh mông sẽ cho mình chỗ ở và ánh trăng vàng biển cả là ánh trăng muôn thuở của chúng mình. Đêm qua anh vẫn nghe tiếng em gọi và tiếng bé bỏng của con Hà gọi anh: Ba ba! »
     Chuyện là hai đứa bé gái mồ côi gặp nhau, cái ơn tri ngộ thì nhỏ lờ mờ mà niềm tin yêu vào nhau thì thiệt là lớn. Hai đứa tin yêu nhau, lúc nào cũng ở gần nhau và hay kể chuyện cho nhau nghe. Toàn những chuyện kể đi kể lại nhiều lần mà chúng không chán. Titi rất thích nghe Hà kể chuyện. Hà lớn hơn và kể chuyện rất có duyên. Titi thì nghe rất chăm chú. Lần nào thì em cũng ngồi xếp bằng tròn trên bãi cỏ, hai khuỷu tay chống lên hai đầu gối, hai bàn tay đỡ lấy cái cằm nhỏ và mặt hơi ngẩng lên, chăm chú nhìn bạn, Titi yêu nhất nơi bạn mình là đôi mắt sáng long lanh và cái miệng tròn vo, khi nào Hà cũng bắt đầu như sau:
     « Ngày xửa ngày xưa, xưa lắm rồi, có một nàng công chúa tóc vàng, vàng óng như tơ, mẹ mất sớm, công chúa ở với cha và cha cô có vợ bé, người mẹ kế hiểm độc giam nàng ngủ ở một lâu đài trong rừng kín, nàng phải ngủ một giấc ngủ thật dài, đợi cho tới khi có một hoàng tử đến đón dậy. »
     Hà cứ say mê kể, Titi cứ say mê nghe. Rồi một lúc Titi ngắt lời bạn:
     – Rồi hoàng tử có đến không?
     – Đến chứ, hoàng tử không bao giờ sai hẹn cả.
     Hà quả quyết như vậy và hai đứa ôm nhau phá lên cười sung sướng, chúng sung sướng với cái hạnh phúc gặp gỡ của hoàng tử và công chúa. Mỗi khi rảnh, một lúc sau giờ ăn trưa là hai cô bé lại cùng nhau ngồi trên thảm cỏ, lại bắt đầu câu chuyện công chúa ngủ trong rừng. Toàn là những câu chuyện thần tiên tưởng tượng. Hà đã kể đi kể lại bao nhiêu lần mà vẫn không chán kể. Titi cũng đã từng nghe không biết bao nhiêu lần mà cũng không chán, lần nào em cũng cảm thấy thích thú như mới được nghe lần đầu. Em yêu nhất đôi mắt sáng và cái miệng tròn vo uốn éo của bạn. Lần nào thì kết cục là hoàng tử cũng đến và hai đứa bạn lại ôm nhau, phá lên cười sung sướng. Cả hai hả hê vì hoàng tử không sai hẹn bao giờ và công chúa đã thức dậy, rất đẹp, sau một giấc ngủ dài!
     Nhưng rồi có một hôm, có thể công chúa và hoàng tử đi nghỉ vacances – dĩ nhiên những nhân vật tưởng tượng cũng có quyền đi hè đi du lịch nên hôm đấy, ăn cơm xong, cả hai tạm gác mục kể chuyện, bày trò chơi khác, đi lượm trái thông khô và lượm sỏi, đá về chơi ô quan ô quân hay là để xây lâu đài cho công chúa và hoàng tử? Hai em đi một đỗi quay về với nhau, cả hai đổ đồ lượm được đầy trên bãi cỏ xanh. Ô sỏi Titi lượm đẹp quá, sạch và có vân như ngọc. Thì những trái thông của chị cũng giống y như những tháp chuông trên nhà nguyện.
     Titi xúc động gọi Hà bằng chị:
     – Này chị Hà, em mà có cây kim thần, em sẽ xâu tặng chị một chuỗi ngọc sỏi, chị đeo vô cổ, khi kể chuyện, chị sẽ rất giống cha xứ khi ngài giảng kinh trên nhà thờ.
     Titi vừa nói vừa xoa tay mơn man trên đám sỏi lạo xạo, cùng lúc Hà khéo léo hốt một mớ  làm một vòng tròn ngoài, rồi một vòng tròn trong, rồi chất cao lên như một cái đồi sỏi nho nhỏ. Sau cùng em cắm lên đỉnh đồi một quả thông xinh xắn.
     Cô bé làm xong, ngồi im, mắt mơ màng, hai tay bất động, nhưng Titi chợt phá tan cái im lặng đó:
     – Ô, đẹp quá nhỉ, núi của chị có cây tùng, chỉ thiếu một con, hai con chim hạc là rất giống một bức vẽ của nhà ông bà ngoại em ở Việt Nam.
     Hà vẫn ngồi trong tư thế bất động, chưa bao giờ em trả lời cô bạn mình với vẻ trang nghiêm như bây giờ:
     – Không không phải vậy đâu. Đây là một cái mộ, mộ của ba chị đó!
     – Vậy thì chị làm một cái nữa đi, nhỏ hơn cũng được, là em cũng muốn xây một nấm mồ cho má em!
     Lần này, kết thúc câu chuyện, hai bé không phá lên cười. Cả hai nhìn nhau, rồi lặng lẽ cùng nhìn xuống biển nghe sóng ngoài xa rì rầm, rì rầm lui tiến không ngừng.

*

Đã mấy mươi năm qua đi, năm 2020 và tháng tư, mùa lễ phục sinh người ta thấy có ba người đàn bà, một đã khá già dáng lòm khòm, và hai người còn tương đối trẻ trung, họ dắt nhau về hải đảo này. Nếu hai người thì là một, tri kỷ tri bỉ?

     Nhưng đây là ba người, tam nhân đồng hành, đó là Soeur Linda, Tityfany và Anna Hà vừa từ Chicago bay qua Londres, rồi qua Jakarta (thủ đô Indonésia) cuối cùng họ đặt chân đến vùng đất thiêng của họ: hải đảo Galang.
     Đảo Galang đánh dấu một khúc quanh gấp của cuộc đời tị nạn. Titi bây giờ là một kỹ sư làm việc cho hãng Intel, Hà được gia đình bà bảo trợ Margie nuôi nấng cùng thời với Titi, cô lấy xong Master ra dậy học ở  Milpitas, bắc California. Cả hai thành công nhờ sự giúp đỡ không vụ lợi, lại đầy tình thương của hội American Red Cross và các gia đình Mỹ bảo trợ săn sóc chu đáo.
     Galang đầy thay đổi, nhưng với Soeur chuyên làm từ thiện, với Titi, với Hà, thì Galang vẫn thế! Bờ biển vẫn cong cong và nhấp nhô từng cơn sóng như được viền đăng ten khéo léo và tỉ mỉ. Thiên nhiên vô tình và đầy mầu nhiệm, còn Thượng Đế, ngài ở mọi nơi, trong thiên nhiên và đầy ắp trong trái tim nhân ái. Titi và cả Hà và cả Soeur Linda cùng khẽ cất tiếng hát:

 

I love Jesus, I love Buddha

Yes I do, yes I do, yes I do

Jesus is my teacher

Buddha is my sister

Dieu is my teacher

Teach my free

Teach my free

Teach my free…” (1)

Tiếng hát tan loãng vào hư không. Trên không đó, từng đàn hải âu vẫn bay lượn, chao qua chao lại. Có những con sà xuống thật gần, thật thấp, tưởng như có thể giơ tay lên và với được.

Mải mê tay với mây trời,

Lòng như chùng lại rớt vào hư không!

Một cái bóng xẹt ngang rất nhanh trên đầu. Titi và Hà giật mình đều ngó theo. Chim hải âu ở Galang này dạn người quá. Cả hai, Titi và Hà thì thầm rồi như muốn nói một lời gì. Họ muốn nói chuyện với chim trời? Họ muốn có một lời cám ơn tất cả, hay cả hai cùng muốn gọi thầm cha, gọi thầm mẹ? Soeur Linda từ tốn làm dấu thánh giá và đứng lên: Let’s go!

 Chúc Thanh

(Paris Mars 2023)

(1)  Phỏng theo bài « Love Buddha», trang 63 báo Viên Giác số 232.