SÁU CUỐN SÁCH ĐẤU TRANH CỦA PHẠM ĐOAN TRANG
* Trịnh Bình An
Phạm Đoan Trang bị bắt ngày 6/10/2020 sau khi đã bị hàng loạt khủng bố, kể cả từng bị đánh gẫy chân. Từ một nhà báo viết cho hơn mười tờ báo chính tại Việt Nam, Đoan Trang trở thành một nhà hoạt động chống cường quyền. Năm 2014, cô được học bổng Feuchtwanger của Villa Aurora ở Los Angeles (dành riêng cho những nhà văn, nhà báo đấu tranh cho nhân quyền). Nhưng sau khi hoàn thành việc học, Đoan Trang đã từ chối ở lại Hoa Kỳ mà quyết định trở về Việt Nam dù biết con đường phía trước đầy dẫy hiểm nguy.
Tại sao cộng sản lại khiếp sợ cô gái này đến thế?
Phạm Đoan Trang là tác giả/dịch giả của gần 10 cuốn sách và rất nhiều bài viết đấu tranh.
“NẾU TÔI CÓ ĐI TÙ…”
“Gửi các anh chị em, bạn bè thân yêu của tôi.
Không ai mong muốn phải ngồi tù, nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù.
Tôi có một số mục đích định trước như vậy. Thế nhưng đi tù chỉ là bước đầu để thực hiện các mục đích này, còn muốn hoàn thành thì rất, rất cần sự tiếp sức của các bạn”.
Trên đây là trích đoạn lá tâm thư của Phạm Đoan Trang viết ngày 27/5/2019 – hơn một năm trước ngày cô bị bắt. Trang đã nhờ người cộng sự Will Nguyễn phổ biến trong trường hợp cô bị bắt.
Mời đọc “Nếu Tôi Có Đi Tù…” trên trang mạng báo Tiếng Dân theo link sau:
https://baotiengdan.com/2020/10/07/neu-toi-co-di-tu/
Trong tâm thư, Phạm Đoan Trang nhấn mạnh: “Tôi mong rằng việc mình bị bắt, đi tù hoặc gặp bất kỳ điều gì khác, nhất là đi tù, sẽ là cơ hội để quảng bá các cuốn sách tôi viết, giúp sách được nhiều người đọc hơn”.
Trong bài viết này, xin mời các bạn cùng điểm qua 6 cuốn sách tiêu biểu nhất của Trang như một cách ủng hộ tinh thần người con gái can đảm ấy.
- CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN (2017)
Ngày 28/8/2009 – khi còn là phóng viên của VietNamNet và đã gây tiếng vang lớn với các bài viết sắc sảo về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng như các bình luận chính trị – Phạm Đoan Trang bị giam giữ chín ngày tại Trại Tạm Giam B14 (Hà Nội). Sự kiện đó là bước ngoặt khiến nhà báo “lề phải” Đoan Trang dấn thân vào con đường đấu tranh.
Viết trên Facebook về biến cố này, Đoan Trang cho biết:
“Trong những ngày ấy và những tháng rất đen tối sau đó, tôi sợ công an lắm. Nhưng trong đầu tôi cũng hình thành một câu hỏi: Tôi là nhà báo, nghĩa là tạm được gọi là có nghề nghiệp, học vấn, địa vị trong xã hội, mà còn bị công an đè bẹp như một con gián, để từ chỗ vô tội trở thành có tội, nhận tội như bổ củi. Vậy thì những người dân thấp cổ bé họng, khi giáp mặt cơ quan công quyền, họ còn bị chà đạp tới mức nào? Ai bảo vệ họ? Ai xót thương họ? Ai cứu họ?”
Và, “Chính Trị Bình Dân” ra đời!
Sách trình bày những vấn đề như sau:
Chính Trị Là Gì? [Định nghĩa chính trị – Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta – Hoạt động chính trị – Vì các vị độc tài, chúng tôi mới phải đi vận động quốc tế cho nhân quyền – Mặt trái của biểu tình – Về môn học “Khoa Học Chính Trị”]
Chính Quyền Và Nhà Nước [Định nghĩa chính quyền – Tính chính danh – Nhà nước]
Dân Chủ [Định nghĩa dân chủ – Các hình thức đại diện – Bốn cột trụ của dân chủ – Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện – Lợi ích và mặt trái của dân chủ]
Các Chủ Nghĩa [Thế nào là một chủ nghĩa? – Chủ nghĩa tự do – Chủ nghĩa bảo tồn – Chủ nghĩa xã hội và dân chủ xã hội – Một số chủ nghĩa khác – Nếu đàn ông có kinh nguyệt – Dân túy và mị dân – Tinh thần yêu nước – Yêu nước là gì? – Ý thức hệ có cần thiết không?]
Tương Tác Chính Trị [Thay đổi xã hội – Làm truyền thông: công luận, truyền thông chính trị, và tuyên truyền – Công luận và việc làm chính sách – Tự do báo chí kiểu Việt Nam – Đảng và hệ thống đảng – Bầu cử – ABC về bầu cử quốc hội ở Việt Nam – Hội nghị cử tri, nét quái đản trong cơ chế bầu cử quốc hội – Tại sao đảng cố “lùa” dân đi bầu cử? – Tổ chức và nhóm lợi ích – Khi có quá nhiều một thứ tốt đẹp – Cái gì quyết định sự phát triển của phe nhóm lợi ích?]
Xã Hội Dân Sự [Xây dựng không gian cho xã hội dân sự – Xã hội ảo… nhưng thật – Phong trào xã hội – Bộ máy nhà nước, Hiến pháp và pháp luật – Bản hiến pháp vang vọng tiếng dân – Lược sử cuộc sửa đổi hiến pháp Việt Nam – Lập pháp – 10 đầu việc của một đại biểu quốc hội – Cách đo chất lượng hoạt động của quốc hội – Hành pháp – Nhánh hành pháp ở Mỹ – Tư pháp – Tòa án độc lập – Chế độ đại nghị và chế độ tổng thống – Bộ máy hành chính]
Hệ thống chính trị CHXHCN Việt Nam [Quân đội và công an – Nghề công an trong chế độ dân chủ – Nguyên tắc “dân quản quân” và vấn đề tướng lĩnh nắm quyền cơ quan dân sự Việt Nam]
Phụ lục [Kỹ thuật tuyên truyền – Tài liệu tham khảo – Từ điển thuật ngữ]
Tải sách dạng pdf từ trang Luật Khoa (luatkhoa.org) theo link sau:
https://www.luatkhoa.org/2018/08/chinh-tri-binh-dan-ban-moi-pdf/
- PHẢN KHÁNG PHI BẠO LỰC (2019)
Nội dung sách trình bày những nguyên tắc căn bản và kinh nghiệm đấu tranh phi bạo lực dựa theo tác phẩm “Blueprint for Revolution” của tác giả Srdja Popovic. Đoan Trang mô tả ngắn gọn những nguyên tắc đấu tranh và đưa ra ứng dụng vào tình hình Việt Nam.
Cẩm nang “Phản Kháng Phi Bạo Lực” (110 trang) trình bày những vấn đề như sau:
Hiểu đối thủ – Làm tốt từng việc nhỏ “Tôi được gì trong chuyện này?” – Tốt gỗ, tốt cả nước sơn – Vô hiệu hóa sự đàn áp – Đại chiến hành tinh khỉ: “Cùng nhau, khỉ sẽ mạnh” – Cần cả chiến lược lẫn chiến thuật – Phi bạo lực, phi bạo lực, phi bạo lực – Trí tuệ và lòng dũng cảm sẽ được tưởng thưởng – Nhà hoạt động hiệu quả – Chống nạn thu phí ở BOT Cai Lậy: mẫu mực về phản kháng dân sự phi bạo lực.
Tải sách dạng pdf từ trang Luật Khoa (luatkhoa.org) theo link sau:
- CẨM NANG NUÔI TÙ (2019)
Trong lời tựa, Đoan Trang viết:
“Đây là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam dành cho những gia đình có người thân bị tù, đặc biệt khi người thân là tù nhân lương tâm, tù chính trị. Nó nêu rõ, cụ thể, chi tiết tất cả những gì gia đình phải làm để hỗ trợ và bảo vệ người thân trong trại giam/nhà tù, suốt từ những ngày đầu khi mới bị bắt, trải qua giai đoạn tạm giam chờ xét xử, rồi ra tòa và có án, cho đến những năm tháng thụ án”.
“Cẩm Nang Nuôi Tù” không chỉ được đúc kết ra từ kinh nghiệm tù tội của riêng Đoan Trang. Đây là bản tổng kết quá trình tác giả theo dõi hoạt động của công an và hệ thống cơ quan tư pháp Việt Nam qua nhiều vụ án chính trị và hình sự. Đoan Trang vạch trần các thủ đoạn công an thường xử dụng, gọi tắt là: trấn-phân-cô-kéo, nghĩa là trấn áp, phân hóa, cô lập và lôi kéo; Một biến thể từ thủ đoạn thâm độc: “Thứ nhất rỉ tai – Thứ hai mã tấu”.
“Cẩm Nang Nuôi Tù” tuy chỉ dày 300 trang nhưng bao gồm nhiều vấn đề quan trọng sau:
- Vì sao bạn nên đọc cuốn sách này? [Giải thích một số khái niệm căn bản]
- Khi sự khủng khiếp bắt đầu: [Dỗ dành, đe dọa, sách nhiễu – Bắt bớ, khám xét: Những việc cần làm ngay – Làm gì khi nhận giấy mời, giấy triệu tập? – Tại sao an ninh bắt một nhà hoạt động? – Đối phó với “kiêu binh”]
- Nhà nước cảnh sát: [Đặc điểm của nhà nước cảnh sát – Vài đặc điểm tâm lý của công an trong chế độ công an trị – Trấn-phân-cô-kéo: Chiến lược, sách lược chống phản động – Tính chất khủng bố của lực lượng an ninh bảo vệ Đảng •]
- Đấu tranh pháp lý: [Theo luật quốc tế – Theo luật Việt Nam – Nhà nước Việt Nam lách luật quốc tế như thế nào? – Tìm kiếm luật sư – Tạm giam điều tra: sự tàn phá thể xác và hủy hoại lương tâm con người]
- Làm truyền thông: [“Làm truyền thông” là làm gì? – “Làm truyền thông cho người bị bắt” – Làm truyền thông như thế nào? – Tuyên truyền phản tuyên truyền – Chống nạn dư luận viên – Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về làm truyền thông – Vượt qua nỗi sợ hãi – Công an cũng… làm truyền thông!]
- Vận động: [Vận động là gì? – Tại sao nên vận động cho tù nhân lương tâm? – Vận động trong nước – Vận động quốc tế – Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về vận động quốc tế – Làm thế nào vận dụng cơ chế LHQ để bảo vệ nhân quyền? – Những lá thư gửi người trong ngục]
- Bảo mật: [Tại sao phải bảo mật? – Cần bảo mật những gì? – Tại sao lại bị lộ? – Bảo mật vật lý – Bảo mật thiết bị – Quyền im lặng gây “phiền nhiễu” như thế nào? – Chặn xuất cảnh]
- Thăm nuôi: [Vẫn cần biết luật – Chuyện thăm gặp – Chuẩn bị đồ ăn và đồ dùng sinh hoạt – Đương đầu với những khó khăn do trại giam gây ra – Làm truyền thông về chuyện thăm nuôi – Cai ngục thời nay]
Tải sách dạng pdf từ trang Luật Khoa (luatkhoa.org) theo link sau:
- POLITICS OF A POLICE STATE (2019)
Nếu muốn trình bày về chính trị Việt Nam ngày nay cho người không biết tiếng Việt, bạn chỉ cần đưa cho họ cuốn cẩm nang mỏng này.
Gói gọn trong 150 trang, sách tóm tắt những điều chính yếu nhất từ hai cuốn sách “Chính Trị Bình Dân” và “Cẩm Nang Nuôi Tù”.
* VOLUME I: POLITICS FOR THE COMMON PEOPLE
What is politics? – The government and the state – Pro-government Mob Harasses Activists – Democracy – Ideologies – Political interaction – How a society changes from dictatorship to democracy – Public opinion, political communication, and propaganda – Further reading: Freedom of the Press, Vietnam style – Parties and party systems – Election – A Guide to the National Assembly Election – Political organizations and interest groups – Civil society – Cyber Civil Society… But It Is Real – Social movements – Timeline of the Tree-felling Projects and Tree-protecting Campaign in Hanoi – Machinery of government – The Constitution That Echoed All People’s Voices – A Chronology of the Constitutional Amendment in Vietnam – Crazy about “High Consensus”.
* VOLUME II: A HANDBOOK FOR FAMILIES OF PRISONERS
Why should you read this book? – Basic law concepts you need to know – When the terror begins – Encountering the police – Further reading: Four Ways the Vietnamese Government Controls Religious Practitioners – Using the law to fight – The Danger That Is Article 258: How Law Criminalizes Disagreement – Communication and mass media as your tool – If You Fail to Conduct Communication, the Police Will Do – Advocacy campaigning – Your personal and digital security – Basic supplies for prisoners – Conclusion – The story of an independent journalist under totalitarianism.
Tải sách dạng pdf từ trang the88project.org theo link sau:
https://the88project.org/wp-content/uploads/2019/08/POLITICS-OF-A-POLICE-STATE-2208-BAN-EBOOK.pdf
- TỘI ÁC PHẢI BỊ TRỪNG PHẠT (2019)
Nguyên tác “Fighting Impunity – A Guide on How Civil Society Can Use Magnitsky Acts to Sanction Human Rights Violators”. Phạm Đoan Trang cùng một số dịch giả trẻ chuyển ngữ với tựa đề: “Tội Ác Phải Bị Trừng Phạt: Hướng Dẫn Áp Dụng Luật Magnitsky Để Trừng Phạt Kẻ Vi Phạm Nhân Quyền”.
Luật Magnitsky được dùng để trừng phạt các quan chức, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm nhân quyền bằng cách cấm nhập cảnh và tịch thu tài sản của họ.
“Tội Ác Phải Bị Trừng Phạt” – cuốn cẩm nang chỉ dày 50 trang này gói ghém nhiều kiến thức hữu ích như sau:
PHẦN I – Những khái niệm căn bản: [Luật Magnitsky là gì? – Luật Magnitsky có những ảnh hưởng gì? – Ai có quyền áp đặt các chế tài của Luật Magnitsky? – Hướng dẫn từng bước: Quy trình thực hiện một hồ sơ Magnitsky]
PHẦN II – Quy trình: [Vụ của tôi có áp dụng Luật Magnitsky được không? – Tôi phải nộp hồ sơ ở đâu? – Trước khi nộp hồ sơ, cần xác định các đối tác – Thời hạn, thời hiệu – Bảo mật danh tính]
PHẦN III – Làm hồ sơ: [Danh mục các việc cần làm – Xác định đối tượng cần nhắm tới – Thông tin nhân thân – Lập hồ sơ vụ việc: thu thập bằng chứng – Các luận điểm về “lợi ích quốc gia” – Tình tiết bào chữa – Nộp hồ sơ]
PHẦN IV – Các kỹ thuật điều tra: [Tổng quát – Phương pháp lập hồ sơ – Tìm kiếm online – Một vài ví dụ]
PHẦN V: Vận động – phần tiếp sau công đoạn nộp hồ sơ: [Điều gì xảy ra sau khi bạn nộp hồ sơ? – Vai trò của vận động trong các vụ kiện theo Luật Magnitsky – Làm thế nào kết nối và liên lạc với nhà nước một cách hiệu quả? – Tiếp cận các tổ chức chuyên vận động – Thông tin bổ sung]
Phụ lục: [Thông tin cần biết về Luật Magnitsky ở Mỹ và Canada – Những câu hỏi thường gặp về Luật Magnitsky của Mỹ – Mẫu hồ sơ theo Luật Magnitsky của Mỹ]
Tải sách dạng pdf từ trang safeguarddefenders.com theo link sau:
https://safeguarddefenders.com/vi/t-i-c-ph-i-b-tr-ng-ph-t-0
- BÁO CÁO ĐỒNG TÂM
Nội dung của “Báo Cáo Đồng Tâm” xoay quanh vụ công an tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đêm 8/01/2020, và các diễn biến kể từ đó cho tới hết phiên xét xử sơ thẩm (14/9/2020).
“Báo Cáo Đồng Tâm” (ấn bản thứ ba) được hai nhà hoạt động Phạm Đoan Trang và Will Nguyễn công bố vào cuối tháng 9 năm 2020. Trong dịp này, Đoan Trang đã trả lời cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do (RFA), trình bày những động lực đưa tới việc cô cùng các thân hữu quyết tâm thực hiện và phổ biến bản Báo Cáo này.
“Chúng tôi hay nói đùa rằng “Nhà Sản sợ văn bản”, tức là, cái gì được ghi lại thì cộng sản ghét và sợ. Bởi vì, họ quen với mọi thứ bằng miệng, tin nhắn, lệnh miệng… để dễ chối tội sau này. Đặc biệt họ rất ghét những hành động sai trái, những tội ác của họ bị ghi chép lại. Dù chưa được công bố thì họ cũng vẫn ghét và sợ. […] Chúng tôi muốn Báo Cáo được viết một cách khoa học, tức là phải dựa vào sự thật, bằng chứng… nhưng phải được viết dễ hiểu, ai đọc cũng hiểu. tức là, những người không hiểu biết gì về pháp luật, không cần biết gì về lịch sử tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm… Họ chỉ cần đọc Báo Cáo này thì có thể hiểu toàn bộ vụ án”. (PĐT)
“Báo Cáo Đồng Tâm – A Report on the Dong Tam Village Attack” bao gồm 11 Chương và 5 Phụ Lục như sau:
1 – Tóm tắt sự kiện (Event summary)
2 – Hỏi nhanh đáp gọn về vụ Đồng Tâm (Brief Q&A regarding the Dong Tam attack)
3 – Bối cảnh vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm (Background of the Dong Tam land dispute)
4 – Các mốc thời gian trong vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm (Chronology of the Dong Tam land dispute)
5 – Đối sách của chính quyền: thông tin bất nhất và đàn áp (Government response: inconsistent information and suppression)
6 – Các điểm còn gây tranh cãi trong vụ tấn công (Points of contention around the Jan 9 attack)
7 – Phiên tòa sơ thẩm (The preliminary September trial)
8 – Bình luận và lời chứng về vụ tấn công Đồng Tâm và phiên xử sơ thẩm (Commentaries and testimonies on Dong Tam attack)
9 – Các vi phạm của cơ quan tố tụng đối với chính luật pháp Việt Nam (Legal violations of Vietnamese domestic laws)
10 – Các vi phạm xét theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế (Violations of international human rights standards)
11- Khuyến nghị (Recommendations): (A) Dữ kiện và số liệu thực tế về vụ tấn công Đồng Tâm – (B) Bào chữa của luật sư – (C) Lê Đình Công trả lời luật sư trước tòa – (D) Bản câu hỏi của tạp chí Luật Khoa gửi Bộ trưởng Công An – (E) Những câu hỏi sau phiên tòa sơ thẩm.
Tải sách (song ngữ Anh Việt) dạng pdf từ trang phonhonews.com theo link sau:
https://phonhonews.com/wp-content/uploads/2021/04/Bao-Cao-Dong-Tam.pdf
oOo
Trong tâm bút “Tôi Đi Tìm Một Cuốn Sách Để Giúp Mình Nuôi Hy Vọng” trên trang mạng www.luatkhoa.org, tác giả Nguyên Sa có viết như sau:
“Ở Việt Nam bây giờ cũng tối. Trong mắt tôi, những động lực thay đổi chưa từng yếu như lúc này. […] Chuyện có thêm ai đó bị bắt không nên khiến tôi tuyệt vọng, thay vào đó, tôi nên bắt đầu tìm hiểu về những việc họ làm trước khi bị bắt, và kể lại những thay đổi nhỏ mà họ đã góp phần tạo ra. Những ký ức đó sẽ giúp chúng ta không bị hiện tại tối tăm đánh lừa rằng mọi thứ lâu nay vẫn thế”.
Chẳng lẽ sự tối tăm sẽ mãi phủ trùm đất nước hay sao?
Phạm Đoan Trang bị bắt giữ trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 phủ trùm khắp toàn cầu. Người Việt truyền cho nhau những “bài thuốc” chữa bệnh với mong mỏi bạn bè thân thuộc sẽ tai qua nạn khỏi. Vậy, với “đại dịch cộng sản” đã hành hạ dân tộc ta suốt gần một thế kỷ thì sao? Chúng ta có bài thuốc nào không?
Phạm Đoan Trang đã dám sắn tay áo “kê toa, bốc thuốc” qua những cuốn sách của cô. Khó nói tác dụng sẽ được tới đâu, nhưng khi cộng sản phải bắt giam Phạm Đoan Trang chứng tỏ “thuốc” có tác dụng.
Trong lá tâm thư “Nếu Tôi Có Đi Tù...”, Phạm Đoan Trang nhấn mạnh:
“Tôi sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng, cho nên mọi điều công an nói hoặc làm mà có thể khiến dư luận tưởng như vậy thì đều là bịa đặt, lừa dối.
“(Nhưng) tôi nhận hành vi: Tôi luôn khẳng định tôi là tác giả của các cuốn “Chính Trị Bình Dân”, “Cẩm Nang Nuôi Tù”, “Phản Kháng Phi Bạo Lực”, cũng như tất cả các sách và báo cáo khác tôi từng viết và để tên thật. Tôi cũng khẳng định là tôi luôn muốn xóa bỏ chế độ độc tài ở Việt Nam. Tôi muốn được mọi người nhắc đến như một người viết, luôn cố gắng để góp phần khai dân trí về các giá trị tự do, dân chủ, và luôn đấu tranh để thay đổi xã hội”.
Nếu bạn đã đọc tới những dòng chữ này, xin chân thành cảm tạ. Và cũng mong bạn hãy chuyển bài viết tới người khác. Vì, khi nào còn “đại dịch cộng sản” thì không ai trong chúng ta có thể được sống bình an.
Trịnh Bình An
(Tháng 7/2021, khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam)