Tôi thường nghe nói, trước khi một đứa trẻ sinh ra, cha mẹ đã chuẩn bị một cái tên thích hợp cho đứa trẻ. Thường cái tên này được chọn một cách kỹ lưỡng và luôn mang một ý nghĩa nào đó. Tuy vậy, tôi không hiểu sao vẫn có những cái tên nghe kỳ lạ, thậm chí không được thanh nhã nữa!
Nhớ lại trong lớp đại học sư phạm của tôi có bạn tên Thái Văn Cu. Dĩ nhiên ngay trong thời gian học này, bạn tôi cũng vẫn thường bị trêu chọc. Thỉnh thoảng đang trong giờ học, khi được thầy, cô hỏi tới thì đã có bạn nhanh nhẩu nhắc ngay “Cu … đứng!”. Trong lớp toán cũng có bốn nữ sinh viên làm cho bạn tôi cũng hơi mắc cở. Khi ra trường, bạn về dạy ở một trường trung học tỉnh lẻ, nghe nói ông hiệu trưởng đã đề nghị gọi bạn tôi là Thái Văn Cư. Chắc ông hiệu trưởng muốn tránh những phiền phức cho bạn tôi khi phải xử phạt lũ “nhất quỷ nhì ma thứ ba …”.
Một đàn anh của tôi, anh này vốn là người Việt gốc “Bông”, anh tốt nghiệp giáo sư ban Việt Hán đệ nhị cấp đại học sư phạm Sàigòn. Anh tên Phạm Văn Phét! Có lần tôi hỏi anh về nghĩa của chữ “Phét” trong tên của anh và nói với anh, chữ “phét” theo người miền Bắc có nghĩa là “dối” hay “dóc” … Thí dụ, thằng đó nói phét hoặc đồ phét lác! Anh trả lời: chữ “Phét” trong tên anh chỉ là một hư tự và không mang một ý nghĩa nào. Anh là giáo sư Việt Văn nên tôi tin câu trả lời của anh là đúng. Có điều tôi không hiểu sao anh lại được đặt cho cái tên này. Hình như cái tên “Phét” cũng làm phiền anh khi anh dạy ở những trường trung học có mấy cô cậu học trò gốc “Bắc Kỳ” di cư thì phải. Tôi cũng không biết anh đổi tên từ khi nào. Bây giờ anh đang định cư ở Mỹ với một cái tên Việt mới hoàn toàn khác với cái tên ngày xưa.
Trên blogs NPN cũng có một phụ nữ “Khổ vì cái tên ”Đái Thị Xinh Xinh”” và sau này dù đổi sang tên Mỹ cũng vẫn bị phiền với cái tên Mỹ “Cindy Dai”.
(https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2021/10/kho-vi-cai-ten.html)
Thời gian gần đây, ở Việt Nam cũng có một vài người làm khổ con mình với họ tên dài lê thê như: “Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn”, dài tới 35 mẫu tự!
(https://danviet.vn/ky-luc-nhung-cai-ten-dai-va-34doc-nhat-vo-nhi34-viet-nam-7777498063.htm).
Trở lại với tên của tôi, tôi được ông cụ đặt tên “Phạm Doanh Môn “. Thoạt đầu, tôi nghĩ tên Môn cũng chỉ là một cái tên bình thường như những tên Hưng, Minh, Hoàng Thành…khác thôi. Ngay từ những ngày thơ ấu, khi tham gia những trò chơi như trốn tìm, cướp cờ, đánh khăng … hay những lúc đi tắm sông … tôi đã bị những đứa đồng trang lứa chọc ghẹo là “khoai môn “. Nhiều khi đang chơi vui vẻ, có thằng nói trỏng: “Chiều nay má tao nấu canh khoai môn”. “Má tao hôm nay mua nhằm củ khoai môn thúi,”. Đại khái là như vậy nhưng tôi cũng chẳng thèm để ý tới hoặc théc méc làm gì cho rách việc… nhưng sóng gió đã xẩy ra khi tôi học lớp nhì (lớp bốn bây giờ). Số là lớp nhì có học môn Cách Trí. Môn này dạy về thân thể con người, đại khái thân thể con người gồm có ba phần: Đầu, mình, chân tay… Khi dạy môn này cô giáo thường vẽ hình người trên bảng và chú thích những bộ phận trong hình như: đầu, cằm, cổ, ngực … và dĩ nhiên có cả “hậu môn” nữa. Từ đó mấy thằng bạn trời đánh luôn gọi tôi là “hậu môn” và nhiều thằng còn giải thích thêm là cái “lỗ đ. “ nữa!. Cứ hàng tuần, tới giờ Cách Trí, khi cô giáo vẽ hình người trên bảng và đang từ từ ghi chú từng bộ phận … thì thế nào cũng có một thằng nhắc cô: “Cô nhớ ghi hậu môn!”. Thế là cã lớp lại được một dịp nhìn tôi cười chế diễu! Một số bạn gái cũng cúi xuống bàn cười khiến tôi xấu hổ lắm! Ngay sau buổi học đó, trên đường về tôi đã đánh thằng bạn trời đánh đó mấy cái. Ngày hôm sau, khi vào lớp cô giáo đã gọi tôi lên cảnh cáo. Tôi cảm thấy bị oan ức vô cùng. Cũng chưa hết chuyện, khi về nhà tôi ấm ức khóc về chuyện này. Khi bố mẹ hỏi tôi chuyện gì thì tôi đã thành thực kể lại diễn tiến câu chuyện từ đầu đến cuối và sau cùng xin bố mẹ đổi tên cho tôi vì tôi không muốn mang cái tên này nữa. Nhân tiện cũng hỏi bố tại sao lại đặt tên tôi là Phạm Doanh Môn? Bố tôi từ tốn giải thích đại ý: “Ngày trước bố có một số bạn thân, trong số này có ông Lương Doanh Môn làm tri phủ là thân nhất, ông này rất quý bố và cũng thường đánh tổ tôm, sóc đĩa… với ông và các bạn của ông. Chính vì quý mến ông tri phủ này mà khi sinh tôi bố đã chọn tên Phạm Doanh Môn đặt cho tôi. Mèn đét quỷ thần ơi! Chuyện đặt tên chỉ đơn giản vậy thôi và bố an ủi tôi là sẽ thưa với cô giáo về chuyện này cũng như khi học lên những lớp trên thì tôi không còn bị ai chọc nữa. Bố nghĩ đây chỉ là sự chọc ghẹo của mấy đứa con nít rắn mắt thôi. Bố còn giải thích ý nghĩa hay, đẹp của tên tôi theo chữ Nho nữa… nhưng tôi chẳng nhớ gì vì thực sự tôi chỉ muốn được đổi tên khác thôi!
Những ngày sau đó, có lẽ do bố tôi đã gặp cô giáo để nói về chuyện này nên không thấy bạn nào chọc ghẹo tên tôi trong lớp nữa. Thỉnh thoảng có vài đứa len lén gọi tôi là “hậu môn“ trong giờ chơi khi tức tối với tôi về một chuyện gì nhưng tôi chẳng thèm để ý. Tôi không còn nghĩ đến chuyện xin bố tôi xin đổi tên nữa.
Rồi thời gian dần trôi, tôi lên học trung học, cũng thỉnh thoảng có vài đứa gọi tôi là “Phạm Hậu Môn “ nhưng tôi cũng chẳng quan tâm! Nhưng không hiểu sao khi lên lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ), do sự sắp xếp học sinh lại theo từng ban nên lớp đệ tam B tôi học có thêm một số bạn mới. Có vài thằng bạn mới tự nhiên lôi tên tôi ra ghép thêm chữ khác vào để nói lái thành những từ hơi tục. Chúng luôn dặn dò tôi đại ý như: “Môn, mày viết bài nhớ chừa lề nghe!” hoặc “Môn, khi tan học về nhà, mày nhớ đi trên lề kẻo bị xe đụng nhé”. Mới đầu tôi không hiểu nhưng sau biết được ý đồ đen tối của chúng thì tôi tức lắm và đã có những chuyện cãi cọ xẩy ra và đôi khi đã phải giải quyết chuyện này bằng vũ lực (nghe ghê quá!). Tôi bực mình lắm nhưng vì thấy mình đã lớn rồi nên không còn xin bố tôi đổi tên nữa. Có lần bực quá, tôi đã chỉ vào mặt mấy thằng bạn trời đánh nói: “Bộ tụi mày không mê l. à, bố tụi mày cũng mê l. chứ bộ!”
Thời gian đó, tôi có sinh hoạt trong đoàn Thanh Thiếu Niên Thiện Chí của tỉnh, khi khai tên sinh hoạt, tôi đã khai tên “Phạm Xuân Đức”. Có một lần, anh huynh trưởng cần tôi giúp việc gì gấp nên đến nhà tìm tôi, anh gặp bố tôi hỏi xin gặp Phạm Xuân Đức. Bố tôi ngẩn người không hiểu gì và trả lời anh không có ai là Phạm Xuân Đức ở đây cả. Anh huynh trưởng cũng hơi ngỡ ngàng chẳng hiểu mô tê gì hết và đành ra về. Hôm sau gặp tôi, anh kể lại chuyện đó, cả anh và tôi đều cười bể bụng và cũng từ hôm đó anh mới biết tên thật của tôi.
Những ngày tháng sau, tôi cũng chẳng thèm để ý tới những lời chọc ghẹo của mấy đứa rắn mắt đó nữa. Có thể vì tôi không thèm để ý nên dần dần chúng cũng chán không đem tên tôi ra làm trò cười nữa.
Sau này khi lên học năm cuối ở trung học Nguyễn Đình Chiều, tên tôi lại bị đem ra ghép với chữ “lề”. Trong giờ lý-hoá của thầy Kiến, vài đứa còn cả gan méc thầy nào là “thằng Môn nó lười lắm”, “thằng Môn nó lì lắm”, “thằng Môn trông to con vậy mà lù đù”. Thôi thì đủ kiểu nói để chọc tôi nhưng tôi chỉ cười cười chẳng có vẻ tức giận nên riết rồi mấy đứa quỷ đó cũng thôi không nói nữa. Cũng may, trường trung học Nguyễn Đình Chiểu là trường nam, lớp đệ nhất B2 của tôi cũng chẳng có bông huê nào!
Những ngày tháng học ở đại học sư phạm Sàigòn, tôi cũng vẫn bị trêu chọc nói lái cái tên của tôi của mấy bạn HKN, TCK, TLC, NVT … nhưng lúc nảy chúng tôi đã trưởng thành nên chỉ thấy vui vui thôi!
Tôi cũng không còn có ý định xin bố tôi đổi tên nữa và lạ thay, thời gian sau này tôi lại thấy cái tên “Phạm Doanh Môn “ cũng hay hay, cũng khá đặc biệt và tôi chưa thấy một ai có họ, chữ lót, tên giống tôi. Thỉnh thoảng thấy có người tên Môn nhưng chưa bao giờ thấy “Doanh Môn “ cả!
Ngồi tính sổ lại tôi thấy họ tên Phạm Doanh Môn cũng đem lại cho tôi một số lợi ích mà chưa chắc những tên khác đã có. Xin được kể hầu quý vị vài chuyện:
– Khi dò tên trên bảng kết quả tú tài I & II, tôi tìm được tên tôi một cách dễ dàng, nhanh chóng và chắc chắn không sợ lầm lẫn với những tên khác, trong khi bạn tôi, tên Nguyễn Văn Minh khi dò kết quả thì có cả gần chục người tên Nguyễn Văn Minh, do đó bạn tôi lại phải dò tìm thêm các chi tiết kèm theo bên cạnh (như số ký danh, ngày sinh …) để biết chắc là mình đã không bị “trượt vỏ chuối”. Nên nhớ là trong ngày đầu khi niêm yết danh sách trúng tuyển tú tài I & II có rất nhiều thí sinh tới xem và thường xảy ra những cảnh chen lấn, giành giựt vào xem.
– Cô LTKO, cựu học sinh trung học Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho), một hội viên đang sinh hoạt trong hội ái hữu NĐC-LNH Âu Châu, hiện đang định cư ở nước Đức, khi đọc những bài viết của tôi trên đặc san NĐC-LNH Úc Châu thấy tên tôi liền gửi email liên lạc và nhờ vậy mà chúng tôi đã liên lạc được với nhau sau mấy chục năm. Cô LTKO trước đây là đồng nghiệp và có thời gian dạy chung ở trung học Kiến Tường với tôi. Qua tôi, cô cũng liên lạc được một số đồng nghiệp ngày xưa ở Melbourne. Cô nói: Tên tôi hơi đặc biệt, nên thấy Phạm Doanh Môn là nhớ trước đây có dạy chung ở trung học Kiến Tường.
– Tôi có một người thầy dạy Pháp Văn cách nay hơn 50 năm, hiện đang định cư ở tiểu bang Oregon (Hoa Kỳ), khi tôi tìm được và gọi điện thoại hỏi thăm. Vừa mới xưng tên Môn và thưa ngày xưa học Pháp Văn với thầy là thầy đã nhớ ra ngay và thầy đọc đầy đủ họ, chữ lót, tên của tôi không sai chút nào. Thầy nói thêm “tên em hơi lạ! Thầy có rất nhiều học trò nhung chưa thấy ai giống tên em, do đó khi em nói tên là thầy nhớ liền.
– Khi làm công chức cho chính phủ Úc, tôi thấy tên MON (bây giờ mất dấu ^ rồi) thật dễ gọi đối với người Úc cũng như những người thuộc các sắc dân khác. Có bạn tên Phước cũng khó gọi, tên Dũng thì thường phải đối tên chứ không dùng chữ “DUNG” được. Một số người phải thêm Z vào để thành DZUNG!
– Và sau cùng, khi các bạn vào Google search “Phạm Doanh Môn”, (nhớ để trong ngoặc kép nhé) thì bảo đảm rằng chỉ có những gì dính dáng với tôi hiện ra thôi vì chắc chắn không có ai trùng với “Phạm Doanh Môn “ cả, trong khi nếu search với những tên khác, như “Nguyễn Văn Minh “ chẳng hạn thì kết quả sẽ cho rất nhiều tên Nguyễn Văn Minh. Có đúng vậy không các bạn?
Lúc đầu, khi viết bài tôi chỉ dùng bút hiệu Mai Khánh Thư, nhưng sau này tôi thường ghi thêm tên thật sau bút hiệu và nhiều bạn bè từ hồi xửa hồi xưa khi đọc bài đã liên lạc được chính là nhờ cái tên “không giống ai” này!
Vâng ngẫm nghĩ lại, khi cha mẹ đặt tên cho con thường ít nhiều cũng mang một ý nghĩa hay gửi gấm điều gì trong đó. Tốt hơn hết chúng ta nên trân trọng cái tên mà cha mẹ đã chọn cho mình.
Sau cùng, tưởng chuyện “Rõ … khổ vì cái tên!” đã đi vào quên lãng, nào ngớ cách đây vài năm, năm 2019, khi báo tin cho một số bạn bè sẽ về Việt Nam. Một số bạn thân của tôi trong đó có THĐ, TVN … đã gửi email và lên facebook báo tin cho nhiều bạn khác (dĩ nhiên có cc cho tôi) “Thầy Môn sắp về làng!”. Thật hết biết!!!
Tôi đúng là đã khổ vì cái tên bao nhiêu năm … nhưng nay thì tôi hoàn toàn thích cái tên của tôi “PHẠM DOANH MÔN”. Còn các bạn nghĩ sao về tên của mình ???
MAI KHÁNH THƯ – PHẠM DOANH MÔN