Quê Hương Của Tôi (Chu Lynh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

   Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

View photo in message

Ngày rời Việt Nam, mẹ tôi đưa cho tôi một nắm đất lấy từ sau vườn. Không hiểu sao mỗi lần nhìn lại nắm đất đựng trong chiếc hộp nhựa trong suốt, tôi luôn luôn nghĩ trong nắm đất có giọt nước mắt mẹ tôi. Mẹ tôi bảo khi đến nơi lạ, nướng nắm đất lên rồi nấu nước uống, sẽ tránh được bệnh “lạ nước lạ cái”.

Tôi không làm theo lời mẹ tôi khi đến nước Mỹ. Tôi muốn giữ nguyên nắm đất quê nhà. Tôi cũng không muốn nước mắt mẹ tôi tan loảng vào thứ nước lạ. Dường như nắm đất đã đem lại cho tôi những may mắn nào đó trên bước đường tha hương, nên di chuyển đến nơi nào, tôi cũng mang theo. Lúc nào nắm đất cũng nằm cạnh hình ba tôi trên bàn thờ.

Tôi sinh ra bên kia bờ vĩ tuyến, cuộc đời nổi trôi dọc theo chiều dài đất nước. Một tuổi thơ bơ vơ nơi làng quê nghèo đói, được kết thúc bằng chặng đường cam go để vượt qua giòng Bến Hải gặp lại ba tôi. Những năm tháng miệt mài trong các trường nội trú.   Nghiệp thư sinh đầy hứa hẹn đành dang dở để đi theo tiếng gọi của non sông. Hết chiến tranh, tôi bị lùa vào hơn mười trại tập trung đầy ải và thù hận của Bắc quân. Ra khỏi vòng lao lý là những ngày mưu sinh cùng cực bằng đũ phương kế để sống sót. Rồi bổng nhiên như có tấm thảm thần đưa tôi đến một thế giới khác.

Những năm tháng cuối đời tha hương, ngày lao đao với sinh kế, đêm về bồi hồi nhớ người nhớ cảnh, cái đau thân xác sao bằng cái đau trong hồn. Có khi nghĩ về cuộc đời bèo dạt của mình đã gắn liền với vận nước, như đứa bé bám vào vú mẹ đầy thương tích trên quốc lộ máu trong chiến trận Bình Long. Người mẹ cuối cùng đã chết, nhưng đứa con mồ côi phải sống. Tự thâm sâu của lòng mình, như có một chất liệu còn sót lại, không là hoài bảo ngày xưa, không là mưu cầu hôm nay, cũng chẳng phải là ước vọng ngày mai cho riêng mình: tình yêu quê hương và món nợ đất nước.

 

Tôi muốn về thăm mẹ tôi lần cuối trước khi bà ra đi.

Trước ngày trở về, tôi nhìn nắm đất hằng giờ, ước hẹn ngày trùng phùng một quê hương đã bỏ lại sau lưng. Quê hương chính là người mẹ đưa tôi vào đời, dẫn tôi đến trường, nhắn nhủ ngày tôi lên đường nhập ngũ, vỗ về tôi trong cơn tuyệt vọng chốn lao tù, và đôi khi trong đêm tối loé sáng mời gọi về tương lai.

Như chuyện thần thoại bí ẩn hay chuyện võ lâm hoang đường, ai đã cấy vào lòng đứa bé một hạt giống ngày cất tiếng khóc chào đời: làng quê tôi. Mảnh đất chôn nhau cắt rốn ấy đã ấp ủ tôi, nuôi tôi khôn lớn, và theo tôi suốt cuộc đời.

Làng tôi nghèo nhất vùng, không có sông, chẳng có núi, chỉ có những mảnh ruộng nhỏ. Nuôi sống dân làng vào mùa khô là những gánh củi, bó mây, lấy từ những cánh rừng rất xa. Nghề đan lát là sở trường của dân làng giúp miếng cơm manh áo vì lúa khoai không đũ ăn. Mùa đông, những ngọn gió thổi từ Lào qua lạnh thấu xương. Không có chăn mền, anh em tôi phải vùi vào lớp rơm vây quanh dưới giường. Không manh áo, lạnh run với cái quần cụt, chiều chiều ngồi ở ngạch cửa, anh em tôi ngóng chờ mẹ trở về từ cánh đồng Lâm Xuân hay từ ngôi chợ Hòa Ninh ở đâu đó thật xa.

Khi ba tôi trốn chạy Việt Minh rồi biền biệt phương Nam, thì ở quê nhà mẹ tôi tất bật với ruộng đồng nuôi đàn con thơ dại. Những khi nghe ai hát bài Bà Mẹ Quê, tôi cứ nghĩ bà mẹ trong bài hát chính là mẹ tôi vất vả trăm chiều nuôi một đàn con chắt chiubà mẹ quê, hôm sớm không nề hà chi – bà mẹ quê, ngày tháng không ao ước gì, nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui …

Nhưng rồi, mẹ và anh em tôi phải rời quê cha đất tổ, theo đoàn người di cư vào Nam. Tôi mang theo trọn vẹn hình ảnh ngôi làng quê và những kỷ niệm tuổi ấu thơ.

Anh em tôi gặp lại ba tôi mừng mừng tủi tủi, khi ông trở về từ một cuộc hành quân dài ngày ở Quảng Trị. Một đời cho gia đình, thế mà ba tôi đành biệt âm trong Nam mấy năm trời, sau này tôi mới biết, nếu ở lại quê nhà, ba tôi sẽ bị quy chụp là phản động, làm sao thoát được những màn đấu tố man rợ của Việt Minh. Đối với tôi, ba tôi là hình ảnh của lòng chung thủy, là cây đại thụ của gia đình. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, trong cơn đau nát ruột của căn bệnh, với trí nhớ khác thường, ba tôi đã kể lại cho tôi nhiều chi tiết về giòng họ, để có cuốn gia phả đầy đũ ngày hôm nay.

Từ miền Trung xuôi về Nam như đi trong khung trời mới thênh thang, nhưng dường như vẫn có gì trống vắng, như thể nửa phần hồn tôi đã để lại quê nhà.

Ngày đi học ở Tam Kỳ, một hôm tôi bỏ học theo một đứa bạn cùng lớp, lang thang vào một ngôi làng. Lạc đường, mỏi chân, đói bụng, hai đứa ghé vào một ngôi nhà tranh. Nghe tiếng chó sủa, một bà cụ già chầm chậm chống cửa lên. Khi biết chúng tôi đi lạc, bà kêu một đứa cháu dẫn đường.

Trước khi đi, bà lấy cây sào chọc trái đu đũ chín cho chúng tôi ăn. Bà nhìn hai đứa bé đói ăn sạch trái đu đũ. Tôi ngước mắt nhìn lên khuôn mặt bà. Ôi chao, khuôn mặt bà sao giống khuôn măt bà cố ngoại tôi ngày tiễn gia đình tôi vào Nam. Da nhăn nheo, mái tóc bạc, mắt xa xăm, nhưng sao nét mặt đầy nhân hậu. Phải chăng, đó là nét nhân hậu trên mọi khuôn mặt những người mẹ Việt Nam.

Năm lớp ba Tiểu Học ở Mộ Đức, để đến trường, tôi phải đi bộ mỗi ngày gần bốn cây số đường làng. Ngôi trường mái ngói chỉ một gian dành cho hai lớp học chung nằm giữa ruộng mía. Giơ tay xin thầy đi tiểu là tôi lọt giữa ruộng mía ngọt lịm tha hồ mà cạp.

Thầy Ba thương tôi nhất lớp vì tôi không can dự vào việc chia phe đánh lộn. Tan học, thầy bắt tôi đi theo thầy một đoạn trên đường về, đôi khi mưa gió, tôi được nép sát vào lòng thầy. Một hôm, sau bài tập đọc Ngày Nay Học Tâp, Ngày Mai Giúp Đời, thầy xoa đầu tôi và hỏi tôi lớn lên có muốn làm tổng thống không. Cho đến bây giờ, đã học qua bao nhiêu thầy, đối với tôi, thầy Ba là người thầy tôi ngưỡng mộ nhất, vì thầy đã gieo vào lòng tôi ý niệm giúp đời ngay từ khi còn nhỏ.

Tôi không được làm tổng thống như thầy mong muốn, nhưng tôi hãnh diện đã đứng trong hàng ngũ cầm vũ khí bảo vệ mảnh đất quê hương mình. Ước gì tôi được về lại Mộ Đức tìm thăm mộ thầy để thắp một nén nhang của đứa học trò thầy thương nhất lớp. Thầy Ba, chẳng bao giờ con quên được thầy, dù đã hơn năm mươi năm trôi qua.

Tết Trung Thu ở Sa Kỳ, trường tổ chức rước đèn. Trên đường quê leo lét những ngọn đèn dầu, đoàn người với những lồng đèn Trung Thu đũ loại, xen kẽ những con ngựa giả đi một vòng ngôi làng. Đi qua mỗi nhà, lại thấy dân chúng và trẻ con thích thú nhập vào giòng người.

Trở về lại trường, học sinh reo lên khi nhìn một dảy thúng kẹo của quân đội mang đến. Đứa nào cũng căng đầy túi bánh kẹo. Chiến tranh ở một nơi nào đó, còn xứ Sa Kỳ này vẫn thanh bình êm ã. Không phải ngôi làng tôi, nhưng sao tôi yêu thương mảnh đất này như chính nơi mình đã sinh ra.

Năm 1962, trường Thiên Hữu ở Huế tổ chức đi xe đạp xuyên tỉnh. Hơn ba mươi học sinh vượt đường dài sáu mươi cây số, ghé Quảng Trị một đêm, sáng hôm sau đi xe đò ra Bến Hải. Đứng bên này cầu Hiền Lương, tôi nhìn lá cờ thật dày cứng đơ bên kia sông, trong khi lá cờ vàng bên này uốn lượn trong gió ban mai. Nhìn về xa xăm, tôi tự hỏi, làng tôi đâu đó cuối chân trời, bây giờ ra sao? Bà cố tôi còn sống hay đã đi vào lòng đất?

Mấy anh lính chèo đò đưa học sinh ra gần giữa sông.   Lảng vảng gần giữa giòng vài chiếc thuyền nhỏ. Một người lính cho hay, đó là thuyền của những nhân viên hợp tác xã miền Bắc, nhưng họ là những tên do thám thay nhau dò chừng phía Quốc Gia. Tôi hỏi người lính làm sao có thể về thăm quê tôi, anh trả lời: “Họ sẽ cho em về, nhưng không bao giờ em được trở lại miền Nam”…

Tôi thầm thì với nắm đất, như thì thầm với bà con nội ngoại ngày xưa đã nuôi tôi khôn lớn…

Số phận tôi luôn luôn sống xa gia đình. Ngay từ ấu thơ, tôi đã không có vòng tay ba tôi. Di cư vào Nam, tôi ở với gia đình được vài năm, sau đó ba tôi gởi vào các trường nội trú. Khi lớn lên, ba mẹ tôi vào lập nghiệp mãi tận rừng già Bình Long, tôi vẫn ở lại Huế đi kèm trẻ để có phương tiện tiếp tục học hành. Bước vào quân ngũ, tôi đóng quân những đơn vị xa nhà. Những ngày về phép đối với tôi quý như vàng. Tôi thích lẩn quẩn bên gia đình vui đùa, ăn uống, chụp hình kỷ niệm. Đôi khi tôi tự hỏi, sao các anh em khác luôn luôn được sống bên cạnh ba mẹ, mà tôi lại chịu cảnh xa gia đình. Có phải vì thế mà tôi thường hay tủi thân mỗi khi nhìn thấy một gia đình ấm cúng.

Đời lính ngang dọc, đi qua những ngôi làng, tôi thường liên tưởng đến ngôi làng nghèo đói của mình. Tiếng chó sủa về đêm, tiếng khóc trẻ thơ, ruộng bắp sắp đến ngày hái, những ống quần xăn cao trên cánh đồng vào mùa cấy lúa, những ánh mắt ngây thơ hay những khuôn mặt nhăn nheo là những hình ảnh dễ làm tôi xúc động. Một đôi khi, nhớ tuổi thơ, ao ước một ngày nào đó được về lại quê mình, tôi thường rướm rướm nước mắt như một đứa bé.

Lúc còn dưới mái học đường hay khi đã vào lính, tôi thường nắn nót chép lại những bài hát về quê hương. Tôi thích những bài hát nói về xóm nghèo, cánh đồng, cây đa đầu làng, những con đường xưa lối cũ, hát lên là nghe rung động từng đường gân thớ thịt…

Tôi ngắm nhìn nắm đất quê hương, muốn một lần tạ tội với tổ tiên bởi mình đã không được làm gì để ngăn giòng thác bạo lực…

Một miền Nam đang sống no ấm với ruộng đồng, bỗng nhiên những kẻ lạ mặt đến ép buộc tiếp nhận những điều họ không bao giờ cần đến, và bị tước đoạt đi những thứ họ đang cần cho cuộc sống. Tàn phá và gieo chết chóc được biện minh cho những nhu cầu xây dựng một thiên đường xa vời. Trong đầu óc non nớt, đứa bé như tôi chỉ thấy sự tàn ác và phi lý. Người lính chết ngoài trận địa, nhưng bom đạn cũng không tha người dân quê. Nhà cháy, cầu sập, những thi thể máu me của người dân lành đã tạo ra những câu hỏi nhức nhối cho cậu bé còn trên ghế nhà trường. Tôi chưa hiểu được những nguyên nhân gây nên chiến tranh, nhưng tôi mơ hồ những thôn tính miền Nam được điều khiển từ một nơi nào đó rất xa. Có lẽ những đêm đấu tố ở làng Thọ Linh anh em tôi chứng kiến trước ngày di cư vào Nam như là những cảnh báo một miền Nam yên lành sẽ đến phiên mình.

Cuộc đổi đời bắt đầu từ ngày 30 tháng tư năm 1975, đã tạo ra một thảm kịch toàn diện. Kẻ ra đi chia lìa thân thuộc, để tìm hơi thở tự do bất chấp sống chết trong rừng sâu hay biển rộng. Người ở lại bị tước đoạt gia sản, bị kiểm soát lối sống và cả giòng tư tưởng. Những người vô sản từ rừng núi nào đó chui ra thành phố, trong phút chốc nghiểm nhiên thành những tay giàu có, mà hai mươi năm trước đây chính họ đã mở chiến dịch đấu tố.

Một khuôn mẫu tổ chức kỳ lạ vay mượn từ một nơi xa lạ, bỗng nhiên áp đạt vào một xã hội được xây dựng từ hằng ngàn năm nay. Nền móng bị xới tung, thay vào đó những luật lệ kỳ quái, những lời dạy bảo của những con người rừng rú không cần chữ nghĩa. Gia đình, đạo đức, truyền thống, tình tự dân tộc trở thành vô nghĩa. Cướp bóc, tận diệt, dối trá trở thành những tiêu chuẩn đạo đức của một chủ thuyết lạ lùng không có huyết thống nào với dân tộc. Cùng khắp miền Nam phủ trùm nỗi sợ hãi, khiến có người hăng say phất cờ mọi nẽo phố chứng tỏ đồng tình, rút vào rừng sâu làm kẻ tiền sử, hay đành phó mặc số phận cho chủ nhân mới định đoạt.

Có phải họ là những sứ giả đến từ địa ngục? Họ say sưa triệt phá xã hội hiện tại, hứng thú thiết lập xã hội mới, sẽ đi về đâu có lẽ họ cũng chưa hình dung được. Họ gọi đó là xã hội chủ nghĩa. Từ đây, bào thai mới tượng hình hay cụ già cong lưng trên thửa ruộng cần phải được thay máu mới. Họ gọi máu đó là tư tưởng mác lê. Theo lời họ, thiên đường cộng sản với thế giới đại đồng, một ngày không xa nữa, chỉ cần đưa tay ra là có thể đón lấy.

Tôi hăm hở trốn chạy cái thiên đường đó, bỏ lại gia đình, quê hương, ngôi làng. Tôi không nghĩ mình sẽ có ngày trở lai. Ngày rời quê hương, tôi không biết mình may mắn hay bất hạnh. Ngôi làng tôi, quê hương tôi dường như đã thuộc về quá khứ.

Nhìn nắm đất, tưởng như đây là nắm đất thành Sion mà dân Do Thái mơ về, những ngày lưu đày bên bờ sông Babylone.

 

Suốt một tuần lễ chăm sóc mẹ tôi vừa thoát cơn bệnh thập tử nhất sinh, hầu như tôi không có thì giờ để nhìn sự đổi thay của đất nước. Cho đến khi về Sài Gòn chuẫn bị về quê, tôi mới giật mình. Xứ sở này đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Chiều hướng thay đổi rõ ràng không nhắm vào những công ích xã hội hay những người nghèo khổ, mà như chỉ phục vụ tầng lớp cầm quyền.

Ngoài đường xe cộ đũ loại lao đi như bị một lực phía sau thúc đẩy, để phóng đến những mục tiêu nào đó thật xa không định hình được. Nhà cửa nguy nga mọc lên phô diễn quyền uy của những chủ nhân mới. Trên đường phố, trong chợ, nhan nhản hàng giả bày bán công khai. Sự gian dối trong buôn bán hay giao tiếp như một nhu cầu để sống còn.

Trong câu chuyện với những người tiếp xúc, tôi không gặp được mấy người lưu tâm đến sinh tồn của đất nước. Đôi khi họ mù mờ về những thông tin trong nước mà người hải ngoại biết rất rõ. Giới trẻ hối hả lao vào những dịch vụ mới lạ có thể đem về lợi tức nhanh chóng. Có lẽ bởi không còn khả năng nhồi nhét lý thuyết không tưởng vào giới thanh niên, để sống còn, người cộng sản đành dùng sách lược cuối cùng, là tạo ra một lớp người chỉ biết kiếm tiền và hưởng thụ để tiêu diệt mọi mầm mống thay đổi hay phản kháng.

Trong một quán phở ỏ ngoại ô Sài Gòn, một em bé đến mời tôi mua vé số. Trên ngực còn phù hiệu học sinh, cô bé khoảng mười tuổi, hơi nhỏ con, mắt rất sáng nhưng tiếng nói lại quá nhỏ. Tôi lấy một tấm vé và đưa cho em tờ hai mươi đô. Em ngơ ngác không dám nhận, em nói chưa bao giờ thấy loại tiền này, chỉ xin một ngàn đồng tiền Việt. Tôi hỏi thăm em vài câu trong lúc vét hết mớ tiền Việt trong túi.

Cha em đạp xích lô vừa bị tai nạn đang nằm bệnh viện, mẹ em bỏ gánh hàng rong vào nuôi người bệnh. Hai đứa em nhỏ gởi ông bà nội. Tan học là em ra đại lý nhận vé số đi bán, mỗi ngày kiếm được mấy lít gạo cho gia đình.

Cầm mấy trăm ngàn trong tay mà môi em run run, mắt em ươn ướt. Em lí nhí cám ơn, rồi lặng lẽ ra đi. Trước khi khuất vào một con hẻm, em còn ngoái lại nhìn tôi thật lâu. Ước gì có một tay nhiếp ảnh nhà nghề lúc này. Ông ta sẽ làm mờ đi mọi thứ chung quanh, điều chỉnh máy vào đôi mắt của em, để có tấm hình về một sản phẩm của xã hội. Trong đôi mắt em, có nét đẹp của lòng hiếu thảo, có nét ngây thơ của thiên thần, thiên thần bị đọa đày xuống trần gian Việt Nam.   Có khác chi tấm ảnh đã phổ biến rộng rãi trên truyền thông, vào giai đoạn thế giới đã cạn nguồn từ tâm với những người tỵ nạn khốn khổ: tấm hình đứa bé ngồi sau hàng kẻm gai trại tỵ nạn Hồng Kông trước ngày đóng cửa.

Tận cùng một con hẻm ở quận Ba, tôi gặp một cựu viên chức chế độ miền Nam. Ông nguyên là giáo sư Sử Địa. Ông quanh quẩn trong căn phòng với sách vở, dạy dỗ con cháu, chiều chiều làm bạn với bông hoa. Ông thường không trả lời các câu hỏi, chỉ thở dài. Ông nói ông không muốn dạy địa lý cho con cháu, e rằng không thể cầm phấn mà vẽ lại bản đồ Việt Nam. Ông cũng không muốn dạy lịch sử, e rằng không còn đũ sức nói hết pho sử của những tên gian hùng thời đại. Ông lại thở dài. Ông chỉ dạy con cháu đạo lý làm người.

Cuối cùng, ông cũng có cái nhìn rốt ráo về những người đang cai trị: đừng mong cảm hoá người cộng sản. Nói rồi ông lại thở thật dài.

Tôi ra về, bị ám ảnh về tiếng thở dài sau năm 1975. Một cán bộ cao cấp của Mặt Trận Giải Phóng bị lột sạch công lao, bị tước đoạt mọi quyền làm người, chỉ được tự do … đi lại trong nhà, không một phản ứng nào ngoài tiếng thở dài. Một điệp viên nhị trùng sau khi hoàn tất sứ mạng trong lòng đối phương, tưởng rằng sẽ trở thành anh hùng đi vào lịch sử, đâu ngờ phải ký tên vào bản cam kết im lặng cho đến khi bước qua thế giới bên kia. Đành thở dài cho hết kiếp. Một cán bộ “Câu Lạc Bộ Kháng Chiến”, ngao ngán tình đồng chí, bị cô lập, ôm mớ huy chương trong tay mà thở dài.

Tôi đi giữa phố phường, bàng hoàng nhìn lớp son phấn mới, bỗng thấy mình như một Từ Thức từ cảnh tiên trở về, không phải ngỡ ngàng nhìn quê hương không còn người xưa cảnh cũ, mà nghĩ đến những câu thơ của nhà thơ Trần Dần:

 “Những ngày ấy bao nhiêu thương xót

Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.”

Tôi trở về ngôi làng yêu dấu của tôi.   Mới đó mà đã năm mươi năm như bóng câu qua cửa. Câu hỏi lẩn quẩn trong đầu tôi suốt chặng đường dài xuyên Việt: làng tôi, ai còn ai mất?

Đón tôi ở nhà ga Minh Lệ, những người bà con vẫn với cái giọng miền quê ngồ ngộ, họ ôm chầm lấy tôi như vừa tìm lại đứa con thất lạc nửa thế kỷ nay. Tôi đã về lại giữa vòng tay của thân thuộc và xóm làng. Một vài đứa em lặng lẽ lau nước mắt. Bút nào tả hết cái tình người cùng quê cha đất tổ, chỉ có những người trong cảnh ngộ mới hưởng được thứ hạnh phúc đẫm nước mắt này.

Việc đầu tiên là nhờ mấy cậu dẫn tôi tìm lại căn nhà ba mẹ tôi. Tất cả đã thay đổi. Mảnh đất hiện do một người người cậu tàn tật ở, với căn nhà tranh xiêu vẹo, khác xa với căn nhà ba gian xinh xắn ngày xưa, cột bằng gỗ lim, mái bằng cây vọt, với hai cây mít sây trái sau nhà.

Chỉ còn vết tích cây khế cuối vườn, ai đã cưa đến tận gốc, nhưng vẫn còn mọc ra những nhánh con xum xuê. Tôi đứng lặng người nhìn cây khế mà nhớ đến ba mẹ tôi đã đổ bao mồ hôi gầy dựng cơ ngơi này.

Tôi nhắm mắt lại hồi tưởng những ngày thơ dại. Ôi chao, đây là mảnh đất tôi đã sinh ra, lớn lên giữa vòng tay nội ngoại. Một tuổi thơ nghèo đói nhưng êm ái biết dường nào. Cho đến khi Việt Minh về làng mở những cuộc đấu tố ngay trước nhà thờ, bắt trẻ con học nhảy những vũ điệu Trung-Xô, thì tuổi thơ tôi là những ngày nơm nớp sợ hãi.   Co ro trong đống rơm dưới giường, anh em tôi cứ mơ tưởng ba tôi trở về đem mấy mẹ con đến một nơi nào đó.

Tôi đã về lại với những dấu tích xưa. Nhưng dường như những dấu tích ấy đang bị phủ lên một màu sắc kỳ lạ. Toàn thể ngôi làng được phân từng lô nhỏ vì dân làng sinh nở đông đảo, cây lúa được cấy sát vách nhà vì không đũ đất. Lủy tre xanh, con đường um tùm cây dứa xuyên qua làng dẫn đến một đầm nước nổi tiếng nhiều ma trơi, hai cây ngô đồng trước nhà thờ, nơi diễn ra những cuộc đấu tố cuối cùng, tất cả đã biến mất. Cái nghèo dường như còn nghèo hơn năm mươi năm trước. Cảnh vật cũ không còn nữa mà là một bức tranh xa lạ. Ngôn ngữ dân làng dùng trong giao tiếp mang một âm điệu khó nghe. Cung cách nói năng như phải tuân theo một khuôn mẫu nào đó.

Chỉ còn một thứ quen thuộc: tiếng chuông nhà thờ. Nhưng là tiếng chuông mời gọi tín đồ đến sám hối, nghe ra không là tiếng chuông loan báo điềm lành tương lai. Những kẻ tội đồ của dân tộc sao không đến tòa giải tội, mà nạn nhân lại cầu xin Chúa thứ tha? Thôi thì nghe theo lời một linh mục, việc Chúa làm người thế gian không tài nào hiểu được.

Buổi sáng từ giả, đứng trên mảnh đất thân yêu, nước mắt lưng tròng, tôi mơ hồ làng quê tôi đã mất. Chiếc túi đang mang trên vai đựng máy chụp hình, máy quay phim, trở thành vô dụng. Thôi thì tất cả hình ảnh thu được bằng mắt hôm nay hảy để vào một góc trong tâm tưởng.

 

Quê hương tôi, sau ngày im tiếng súng, tưởng đã thấy hòa bình, lại vỡ ra từng mảnh. Mẹ lên núi tìm xương con mình, con bỏ trường bỏ lớp bươi rác kiếm ăn, cha đi hết trại giam nầy đến trại tập trung khác. Mảnh vỡ văng bốn phương trời, qua các nhà chứa trên đất Miên, đến hòn đảo xứ Tàu làm nô lệ, trôi dạt mãi tận phương Tây mà sống sót, và một mảnh vỡ bất hạnh đã chìm xuống tận biển sâu làm những oan hồn lịch sử. Bên kia biển Thái Bình, ruột đã đau chín chiều, về đây lòng bỗng quặn thắt.

Nhưng người Việt Nam sẽ không là người Do Thái bên bờ sông Babylone, than khóc thành thánh Sion.  Người Việt Nam nặng nợ với non sông biết mình sẽ phải làm gì để mời gọi con cháu dự phần vào việc xây dựng tương lai Việt Nam. Một Việt Nam cho dân tộc Việt Nam, với màu lúa chín vàng rực, không là màu máu đang nhuộm lên đất nước này.

Tôi có một người bạn đến cư ngụ tại tiểu bang Massachussetts, lúc mà đốt đuốc ngày đêm mới tìm được vài người Việt Nam. Anh cảm thấy lạc lõng từ ngoài đường phố, nơi làm việc đến khi về nhà. Một hôm ghé vào tiệm thuốc tây, anh chợt nghe phía sau kệ hàng tiếng hai mẹ con nói chuyện. Giọng nói nghe quen quen. Lại gần, anh sững sốt nhận ra họ nói tiếng Việt.

Bà mẹ trẻ chưa đến ba mươi, đứa bé gái khoảng sáu bảy tuổi. Anh lặng lẽ theo sau họ một khoảng cách thật lâu, cho đến khi hai mẹ con hốt hoảng biết có người theo dõi. Anh luýnh quýnh, thú thật bao nhiêu năm nay không được gặp một người nào nói tiếng mẹ đẻ của mình. Đối với anh, nghe họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt như thấy lại được quê hương.

Lần đầu tiên trong đời, tôi tổ chức mừng sinh nhật cho mình. Tôi không mời một ai ngoài con cháu. Nhìn mấy đứa cháu ngoại quanh quẩn bên mình, tôi cảm nhận một thứ hạnh phúc lạ lùng vượt lên những hạnh phúc riêng tư đời thường. Ðứa nhỏ nhất bốn tuổi, đứa lớn nhất đã lên tám. Sau cái chết tức tưởi của đứa con đầu lòng, hôm nay tưởng chừng Thượng Ðế đã bù đắp lại cho tôi bằng những đứa cháu xinh ngoan. Chúng nói tiếng Mỹ như suối chảy ở trường học, chúng ăn đồ ăn Mỹ mỗi ngày, chúng hưởng tiện nghi dồi dào của xã hội, nhưng chúng vẫn nói tiếng Việt mỗi khi sà vào lòng tôi.

Hôm nay tôi cũng hưởng được thứ hạnh phúc tuyệt vời như người bạn khi nghe bên tai những đứa cháu líu lo tiếng mẹ đẻ – tiếng của quê hương ngàn đời, từ lúc chào đời đến khi về với lòng đất. Trong nỗi đau chín chiều nơi xứ lạ quê người, tôi vẫn còn quê hương bên mình.

 Nén hương lòng cho người đã sinh ra con

October 14, 2008

Chu Lynh