PHỤ NỮ MIỀN NAM SAU 30-4-1975 (Sơn Lâm)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

ĐIỆU RU NƯỚC MẮT
Sáng tác : Vũ Lai – Anh Sơn
Nhạc đệm : ASIA
Bạn ơi!
Còn ít ngày nữa là tròn 44 năm ngày miền Nam Việt Nam thất thủ.
30 tháng Tư 1975 là ngày mà cố Thủ Tướng CHXHCNVN Võ Văn Kiệt từng cho là “ngày có hằng triệu người vui, mà cũng có hằng triệu người buồn”.
Xin nói thật và thẳng là cá nhân tôi nằm trong số triệu người buồn nhưng chủ đề chính của status này không về chuyện vui buồn của tôi mà về những người, theo tôi nghĩ, đã chịu cái gánh nặng nề nhất trong suốt cuộc chiến kéo dài mấy mươi năm (và cả nhiều năm sau đó). Họ là người lo lắng nhất, ưu phiền nhất, lao đao nhất trong chiến tranh.
Họ là ai?
Đó chính là những người bà, người mẹ, người vợ, người yêu, người chị, em gái, con gái của người lính miền Nam.
Trong cuộc chiến mà tự bản chất, phía miền Nam chỉ có từ hòa đến thua (vì chỉ chủ trương bảo vệ người dân và lãnh thổ Nam phần được an toàn chứ không chủ trương giành dân chiếm đất), chúng ta cần thấu nỗi lo tột cùng của những người thân của lính, từng đêm giật mình khi nghĩ về những hiểm nguy mà con, chồng, cha, anh mình đang phải đương đầu ở chốn lằn tên mũi đạn xa xôi, nơi mà tính mạng chỉ như trò đổ xí ngầu may rủi.
Họ rất sợ cái cảnh:
… Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình …
… Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng …
… Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai …
(Bài thơ Thương Ca 1 của Lê Thị Ý)
Cái tâm trạng của người góa phụ thời chiến, trong nỗi đau tận cùng, “mùi hương cứ tưởng hơi chồng”, cứ tưởng người chồng vừa đền nợ nước vẫn còn bên mình! Chao ôi, thương quá! Người quân nhân hy sinh vì Tổ quốc là một sự hy sinh cao cả mà Tổ quốc mãi mãi ghi ơn nhưng hình ảnh người quả phụ, người vợ của các thương phế binh gánh vác gia đình sau khi chồng tử trận hay bị thương tật cũng không kém phần cao cả như sự hy sinh của chồng họ nơi chiến trường.
Trong chiến tranh, đặc biệt là trong các cuộc chiến kéo dài, sự hy sinh và chịu đựng của người phụ nữ thật là lớn lao.
Đứng từ một góc nhìn khác, sự chịu đựng đó còn nặng nề hơn người đang trực diện với cái chết nơi chiến địa. Bao nhiêu gánh nặng thời chiến đã làm oằn vai người vợ lính. Ngoài nỗi lo lắng về sự an nguy của chồng nơi sa trường, họ còn phải quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc con cái, giữ tình thân gia đình quyến thuộc, tình bằng hữu, v.v.
Rồi ngày 30 tháng Tư năm 75 đến …
Những tưởng từ đây đất nước thanh bình, mọi người cùng góp sức chung tay xây dựng tổ quốc nhưng với chủ trương trả thù của những người thắng trận, người lính Cộng Hòa bị đẩy vào các trại cải tạo mà thực chất chỉ là những trại tù chính trị khổ sai, không bản án. Thế là một lần nữa, mẹ, vợ, con, chị, và em họ lại phải khắc khoải lo âu, sầu muộn về sự an nguy của họ (rất nhiều người đã chết trong các trại tù này).
Những người vợ lính lại phải thay chồng nuôi con trong hoàn cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn, thiếu thốn của những năm sau “giải phóng” cộng thêm chính sách phân biệt đối xử của nhà cầm quyền đối với Quân Dân Cán Chính chế độ cũ. Nhiều người bị tịch thu nhà cửa, đất đai, tài sản, bị đày đi những vùng kinh tế mới.
Trích đoạn bài thơ sau đây của nhà thơ Song Hồ viết vào năm 1981 có thể nói lên phần nào bức tranh nhếch nhác, ảm đạm vào thời đó:
“Hỡi em nhỏ cô đơn
Đang lang thang ngoài phố
Em ơi đi đâu đó?
Cho ta hỏi đôi lời:
– Cha đâu? – Bị cải tạo!
– Mẹ đâu? – Buôn chợ trời!
– Anh đâu? – Ở Cam Bốt!
– Chị đâu? – Vượt biên rồi!
– Ông đâu? – Đấu tố chết!
– Bà đâu? – Buồn qua đời!
– Cô đâu? – Kinh tế mới!
– Bác đâu? – Tự tử rồi!
Thôi! Thôi! Không hỏi nữa!
Tim ta quá bồi hồi!
Sao em còn nhỏ tuổi
Đã biết nhiều chuyện đời
Sao mảnh đất nhỏ bé
Xẩy nhiều chuyện rụng rời…”
Trên mảnh đất nhỏ bé đã xẩy nhiều chuyện rụng rời đó người vợ lính Cộng Hòa vừa nuôi con trong một xã hội đầy hận thù và kỳ thị, vừa nuôi chồng trong những trại tập trung nghiệt ngã:
…”Cái cò lặn lội bờ ao
Bán giọt máu đào, nuôi dưỡng đàn con
Thương em lội suối trèo non
Vùng Kinh Tế Mới, nuôi con thay chồng
Biển dâu đã hóa ruộng đồng
Nhà tan nước mất, vợ chồng chia ly
Chồng đi cải tạo không về
Vợ đi tay cuốc, tay cày đất hoang …”
(Trích từ bài thơ Cái Cò của Nguyệt Ánh)
Những cảnh đời bi thương, những khổ đau sầu muộn, nước mắt, mồ hôi, được khơi lên từ những góc cạnh li ti trong hằng vạn hằng vạn cảnh đời như vậy, mà những người vợ lính đã chịu đựng trong những năm dài thật dài! Họ thay chồng làm đủ mọi việc để nuôi gia đình, chăm sóc con, lặn lội đi thăm chồng đang bị giam cầm trong các trại cải tạo heo hút, xa xôi. Có người phải bán tất cả những gì có thể bán cho các chuyến đi thăm này. Rôi, vâng lời chồng, dẫn hết các con hoặc nếu không đủ điều kiện kinh tế thì đứt ruột gởi một hay vài đứa con vượt biển sang xứ người đế cho con có tương lai vì với lý lịch con của quân nhân chế độ cũ thì dù chúng có thực tài, thực học cũng khó mà tiến thân trong xã hội này.
Và cứ thế, số phận của người vợ lính Cộng Hòa là luôn thay chồng làm trụ cột gia đình trong thời chiến và cả thời hậu chiến. Với sự hy sinh vô bờ bến cho chồng, cho con, bao nỗi âu lo, nhọc nhằn mà họ đã gách vác, người vợ các quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa rất xứng đáng dược thương yêu và tôn vinh.