Tôi mượn mấy chữ ghi ở trang đầu tác phẩm “Ải Trần Gian” của Phan Nhật Nam xuất bản năm 1970: “Tặng Phan Duy Nhân – Kẻ Hào Kiệt” để viết về “Người Lính-Viết Văn” Phan Nhật Nam. Bấy giờ Phan Nhật Nam, nhà văn lính nổi tiếng với các bút ký chiến tranh “Dấu Binh Lửa”, “Dọc Đường Số 1”… Còn nhà thơ Phan Duy Nhân – bạn học cũ của Phan Nhật Nam – vốn là cán bộ cộng sản nằm vùng, bị thương trong một trận đánh Tết Mậu Thân, 1968 tại Đà Nẵng, bị bắt và bị xử lưu đày ra Côn Đảo. Không những thế, cuối năm 1971 khi nghe tin Phan Duy Nhân đã chết trong nhà tù Côn Đảo, tại buổi gặp mặt mấy người bạn ở một quán cà phê trên đường Lê Lợi, Sài Gòn, Phan Nhật Nam đã đặt ly cà phê và châm điếu thuốc lá để tưởng niệm Phan Duy Nhân! Thật ra đó chỉ là tin vịt. Phan Duy Nhân không chết. Tôi nghĩ, cách hành xử của Phan Nhật Nam đối với người bạn cũ đang ở phe đối nghịch như thế mới đáng gọi là “Kẻ Hào Kiệt”.
Phan Nhật Nam và Phan Duy Nhân, tên thật Phan Chánh Dinh cùng gốc Quảng Trị nhưng lớn lên ở Đà Nẵng. Họ vốn là đôi bạn thân học chung Trường Trung Học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng từ năm 1954 – 1961. Nhưng sau này họ đi theo hai con đường đối nghịch: Phan Nhật Nam vào trường Võ Bị Đà Lạt Khóa 18 (1961- 1963), ra trường anh chọn binh chủng nhảy dù. Trong khi Phan Chánh Dinh theo ngành sư phạm, dạy học ở Điện Bàn, Quảng Nam và hoạt động ngầm cho cộng sản, len lỏi vào các phong trào sinh viên học sinh ở Huế, Đà Nẵng những năm 1965 – 1967. Cao trào là Tết Mậu Thân 1968, Phan Chánh Dinh ra mặt cs hoạt động công khai, tham gia chiến đấu, bị thương và bị bắt đày Côn Đảo. Sau khi Hiệp Định Paris được ký kết đầu năm 1973, Phan Chánh Dinh được trao trả cho phía cộng sản (do chính Phan Nhật Nam nhận từ Côn Sơn, Phú Quốc về trao trả tại Lộc Ninh vào Tháng 3/1973, nhưng anh không dám nhận quen vì sợ ảnh hưởng tới an ninh của Phan Chánh Dinh. Với bí danh Nguyễn Chính, sau ngày 30.4.75, PDN từng bước leo lên những bậc thang danh vọng, từ địa phương Đà Nẵng lên trung ương Hà Nội. Chức vụ cuối cùng trước khi về hưu của Nguyễn Chính là Quyền Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ. Sau khi về hưu một thời gian, Nguyễn Chính bị đột quỵ, phải ngồi xe lăn. Những ngày cuối đời bệnh tật, ông ta cạo đầu, khoác áo già lam, làm thơ về Phật pháp…Phan Chánh Dinh, tức Phan Duy Nhân, tức Nguyễn Chính mất vào ngày 8 tháng 7 năm 2017, thọ 77 tuổi. Tôi nghe nói Phan Nhật Nam ở Mỹ có viết một số bài về Phan Duy Nhân rất bi phẫn nhưng tôi không được đọc.
Năm 2007, Phan Nhật Nam về Việt Nam làm mộ cha mẹ anh ở Huế. Vào Sài Gòn trước khi trở lại Mỹ, anh ghé quán “Nhà Tôi” của bạn cũ Lê Cung Bắc. Nam và Bắc đều gốc Quảng Trị, những năm đầu 1970 cả hai cộng tác thường trực với nhật báo Sóng Thần nên khá thân. Tôi nhớ buổi tiệc tiễn Phan Nhật Nam đi Mỹ năm 1993 ở nhà Lê Cung Bắc khá ấm cúng, chỉ có vài bạn thân của hai người – trong đó có Ngụy Ngữ và tôi. Năm 2017, Lê Cung Bắc sang Mỹ có đến ở chơi với Phan Nhật Nam mấy hôm. Nay cả Lê Cung Bắc và Ngụy Ngữ đều đã ra người thiên cổ! Bắc mất vì ung thư phổi ngày13/6/2021. Hơn năm sau, Ngụy Ngữ chết vì ung thư thực quản ngày 9/9/2022.
Phan Nhật Nam nhờ Bắc gọi tôi đến quán “Nhà Tôi” gặp vài người bạn, có Nguyễn Quốc Thái. Chiều đó tôi chở anh đi thăm Huy Tưởng đang bệnh, rồi tiện đường ghé quán Đất Phương Nam ăn tối, nhâm nhi mấy chai bia, nhắc chuyện xưa, bạn cũ… Tôi hỏi Phan Nhật Nam về Phan Duy Nhân. Anh ngập ngừng, hình như không muốn nhắc đến tên người bạn cũ này. Anh bạn nhà thơ Trần Từ Duy ngồi bàn bên cạnh tình cờ nghe tôi nhắc Phan Duy Nhân, buột miệng nói là bạn ấy quen và có số điện thoại ông Nhân. Duy hỏi anh Nam có muốn nói chuyện với ông ấy không? Phan Nhật Nam gật đầu. Duy bấm điện thoại cho Phan Nhật Nam nói chuyện với Phan Duy Nhân. Anh cầm điện thoại ra ngoài nói chuyện khá lâu. Không biết họ nói chuyện gì với nhau, nhưng sau đó thấy anh Nam có vẻ không vui. Đêm đó chúng tôi uống khá say, trên đường về nhà bạn anh ở Gò Vấp, tôi mời anh ghé nhà tôi uống trà cho tỉnh rượu. Khi chở anh về nhà bạn anh trên đường 26 tháng 3 – Gò Vấp, loanh quanh mãi vẫn không tìm ra nhà, bởi anh chỉ ở tạm vài hôm nên không chú ý số nhà hay đặc điểm gì của căn nhà! Tôi nói thôi về nhà tôi ngủ, nhưng Phan Nhật Nam bảo đồ đạc anh để cả đó, bạn lại giao cả căn nhà cho anh nên không thể không về. Loay hoay mãi mới tìm ra nhà khi đã khá khuya! Đây là chuyến về Việt Nam duy nhất của Phan Nhật Nam từ khi định cư ở Mỹ đến nay. Chưa biết mai này anh có về nữa hay không.
Vài năm trước, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam gửi thư mời Phan Nhật Nam về Việt Nam tham gia Hội thảo “Hòa hợp hòa giải trong văn học” – hay đại loại như vậy. Trong thư mời, Hữu Thỉnh ghi rõ mọi chi phí, từ vé máy bay đi về giữa Hoa Kỳ – Việt Nam và đi lại, ăn ở tại Việt Nam đều do Hội Nhà văn lo hết. Phan Nhật Nam thẳng thừng từ chối. Trong thư trả lời, anh tự nhận chỉ là “Người Lính – Viết Văn”. Anh viết đại ý: Nếu muốn hòa hợp hòa giải thì trước hết hãy hòa giải với các nhà văn nhà thơ trong nước bị áp bức trước kia như nhóm Nhân Văn Giai phẩm hay lớp nhà văn ở miền Bắc sau đó bị kết tội chống đảng, đến giờ vẫn còn khốn đốn. Hãy hòa hợp với người trong nước trước, cụ thể thương phế binh, gia đình tử sĩ QLVNCH” Không hiểu ông Hữu Thỉnh đã nghĩ gì? Và có báo cáo sếp lớn tuyên giáo hay không? Nhưng sau đó là sự im lặng.
Tôi nhớ trong bài “Bay theo đường dân tộc đang bay” của Chế Lan Viên đăng trên tờ Văn Nghệ Giải Phóng khoảng Tháng 3 năm 1976 (sau in lại trong tuyển tập cũng với tựa này) có nhắc đến Phan Nhật Nam. Chế Lan Viên là nhà thơ nhưng cũng là tay phê bình sắc sảo. Ông ta chê Doãn Quốc Sỹ, nhưng khen văn Phan Nhật Nam trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” rất hay. Rồi ông ta sợ hố nên chua thêm một câu: “Hay thì hay, nhưng nói như Nietszche: Anh viết bằng máu, nhưng máu anh toàn nước lã!” Bấy giờ tôi nghĩ, câu này đúng ra phải nói về chính Chế Lan Viên đã từng làm thơ phản tỉnh tự phê phán mình và các nhà thơ cùng thời (*) và ca tụng Tố Hữu tới mây xanh! Nhưng đến những năm đau yếu cuối đời, ông ta đã nhìn ra sự thật và đã tự dằn vặt mình trong “Di Cảo”.
Phan Nhật Nam là thành viên phái đoàn quân sự Việt Nam Cộng Hòa trong “Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên & 2 Bên/TƯ” theo Hiệp Định Paris – trú đóng trong phi trường Tân Sơn Nhất. Anh thuộc Tiểu Ban Tù Binh, có nhiệm vụ thiết lập kế hoạch và thực hiện trao trả tù binh từ Năm Căn, Cà Mau đến Hà Nội. Trong một chuyến đi cùng phái đoàn quân sự VNCH ra Hà Nội (4/3/1973), Phan Nhật Nam tận mắt chứng kiến “thiên đường cộng sản” ở ngay thủ đô nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – “Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc” những ngày đầu đình chiến. Trở về Sàigòn, anh viết bút ký “Đi Bắc-Về Nam” (sau in trong tác phẩm “Tù Binh và Hòa Bình”) ghi lại những điều mắt thấy tai nghe về Hà Nội với tù binh Mỹ (Thiếu Tá John McCain, Peter Parterson…) và những tù binh cộng sản được anh trao trả. Tôi nhớ một đoạn trong bút ký, Phan Nhật Nam kể: Đoàn xe chở phái đoàn VNCH từ phi trường Gia Lâm về Hà Nội vào một ngày cuối xuân lạnh lẽo. Dọc hai bên đường, hàng trăm băng-rôn, biểu ngữ cùng cờ xí rợp trời. Lác đác trên đường vài người đi xe đạp cùng nhiều người đi bộ co ro trong những bộ áo quần vá chùm vá đụp.. Anh viết, phải chi hàng ngàn, hàng vạn mét vải may cờ xí, bang-rôn, biểu ngữ rợp trời kia đem phân phát cho những người dân khốn khổ rách rưới này để họ may quần áo mặc chống rét’.
Trước 1975, tôi đọc hầu hết tác phẩm của Phan Nhật Nam, nhưng tôi thích nhất “Tù Binh và Hòa Bình”. Tác phẩm do nhà Hiện Đại ấn hành cuối năm 1974 – thời điểm chiến cuộc ác liệt, Phước Long thất thủ, cao nguyên và miền Trung bị đe dọa, sách không được phát hành rộng rãi nên nhiều độc giả không mua được. Theo tôi, đó là tác phẩm chống cộng sâu sắc nhất của Phan Nhật Nam bấy giờ. Năm 1978, tác phẩm này được in lại ở Mỹ bằng tiếng Anh với tựa “Peace and Prisoners of War”. Ấn bản sau cùng do Thượng Nghị sĩ Jim Webb – Ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016 của đảng Dân Chủ hiệu đính và viết lời giới thiệu. Sách do Nhà Xuất Bản Naval Institute Press (US. 2020) ấn hành dùng để giảng dạy trong giới học thuật, chính trị, quốc phòng, ngoại giao Mỹ.
Sau 30 Tháng Tư, 1975, Phan Nhật Nam được/bị chính quyền Hà Nội đánh giá cao (không chính xác) vì (nghĩ), anh là thành viên trung ương (số # 41) của phái đoàn quân sự VNCH trong “Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự 4 & 2 Bên/ TƯ, nên tuy chỉ là đại úy nhưng đã bị đi tù cải tạo đến hơn 14 năm. Anh bị đày đọa khắp các trại cải tạo khắc nghiệt ở miền Bắc, bị biệt giam gần mười năm trong ngục tử hình. Đến năm 1989, Phan Nhật Nam mới được thả. Khi mới tù cải tạo về, anh ở nhà mẹ vợ anh. Chị Cẩm vợ anh đã vượt biên sang định cư tại Mỹ mấy năm trước. Phan Nhật Nam kể, thời gian chị Cẩm đi vượt biên, mẹ chị đã thay chị lặn lội đi thăm nuôi anh mấy năm trời khắp các trại cải tạo vùng Tây Bắc xa xôi, cách trở. Anh rất quý trọng mẹ vợ không khác mẹ ruột, cũng bởi mất mẹ sớm (1961). Anh tính dời đi nơi khác để khỏi làm phiền bà vì ngày nào cũng có người đến thăm gặp gỡ – cả bạn bè cũ và những người không quen biết nhưng tò mò muốn gặp anh. Như cô nhà báo người Nga, trưởng ban biên tập một đài truyền thanh hay truyền hình của Nga vừa tách ra từ Liên Bang Xô Viết tan rã. Cô nàng tên Irina Zisman, nổi tiếng chống cộng, đến phỏng vấn nhà văn chống cộng Phan Nhật Nam. Sau đó nàng còn trở lại thăm anh mấy lần nữa. Phan Nhật Nam bảo, cô nàng thông minh và đầy cá tính. Rồi mấy ông bạn sĩ quan đi cải tạo về trước cũng thường ghé thăm anh. Có người mang rượu đến nhà lai rai. Phan Nhật Nam rất áy náy. Anh muốn dời đi để khỏi phiền nhà vợ. Anh bèn xin bà dọn về khu vườn của chị Cẩm mua trước đây ngoài Suối Nghệ, cách thị xã Bà Rịa mười mấy cây số để nghỉ ngơi và viết lách. Nhưng ở Bà Rịa, Phan Nhật Nam cũng không tránh khỏi những cuộc thăm viếng ngoài ý muốn. Tôi nhớ có cả phái đoàn của văn phòng một thượng nghị sĩ Mỹ sang Việt Nam cũng tìm ra tận Bà Rịa thăm Phan Nhật Nam. Nên chỉ một thời gian ngắn anh lại quay về Sài Gòn. Và trong một đêm đi nhậu với tôi về, anh bị té gãy chân khi anh leo lên chiếc ghế bắc trên bàn để vặn con chuột bóng đèn néon! Cùng đêm đó, trên đường về, tôi bị bọn lưu manh chặn cướp xe nhưng tôi giành lại được và tri hô “cướp, cướp”. Chúng bỏ chạy, nhưng còn kịp dùng gậy đánh tôi gãy tay! Sáng mai tôi đi băng bó, treo tay lên cổ xong, ghé Phan Nhật Nam thì thấy chân anh đang bó bột! Anh ta thán, ngày xưa moa nhảy dù từ trên trời xuống đất không sao, giờ chỉ leo lên cái bàn cao một mét-rưỡi lại bị té gãy chân!
Tôi rủ anh về ở tạm nhà tôi một thời gian để dưỡng thương. Nhà tôi ở tận đường Lạc Long Quân, Tân Bình chắc không ai tìm ra đâu. Nhà có một căn gác lửng bỏ không, giao cho anh. Vợ tôi cũng rất quý anh, sẵn sàng chăm lo ăn uống cho anh. Tuy vậy anh chỉ ở nhà tôi một thời gian ngắn. Khi chân tạm ổn, anh dời lên thuê nhà ở Tân Định để tiện việc lo giấy tờ đi Mỹ. Sau đó anh lên Lái Thiêu mua một khoảnh đất nhỏ trong vườn măng cụt (tài chánh do Bà nhạc mẫu, các bạn văn, bạn lính ở Mỹ gởi tặng), cất một căn nhà lá nhỏ, rộng chừng vài chục mét vuông, ẩn cư chờ đi Mỹ. Chỉ vài người bạn thân thiết biết nơi ẩn cư của Phan Nhật Nam – có Trần Tuấn Kiệt và tôi, thỉnh thoảng lên thăm anh, uống với nhau năm bảy chai bia. Mươi bữa, nửa tháng Phan Nhật Nam lại chạy xe về Sài Gòn mua sắm lặt vặt hay bổ sung giấy tờ gì đó.
Trước ngày anh đi Mỹ mấy hôm, khi chạy từ Sàigòn trở lại Lái Thiêu, đến cầu Bình Lợi, anh thấy một thiếu phụ ôm con nhỏ đang tính nhảy xuống sông, anh vội vàng quẳng xe máy, chạy tới chụp kịp cứu sống hai mẹ con. Người phụ nữ nói chị buồn chuyện gia đình và bế tắc kinh tế nên nghĩ quẩn. Anh khuyên bảo, an ủi và giúp đỡ chị chút đỉnh. Sau đó, anh đưa hai mẹ con lên Lái Thiêu, tặng chị căn nhà lá và tất cả mọi thứ trong nhà. Vài ngày sau anh đi Mỹ.
Phan Nhật Nam tính tình rộng rãi, sẵn sàng móc túi đến đồng bạc cuối cùng để giúp đỡ những trường hợp khó khăn dẫu chỉ quen biết hay sơ giao. Hiện nay dù đã cao tuổi và thu nhập từ việc viết lách không bao nhiêu, nhưng Phan Nhật Nam cũng gây riêng một quỹ nhỏ để giúp những chiến hữu của anh ngày xưa hiện ở quê nhà, già yếu bệnh tật. Bạn bè có người nào gặp chuyện khó khăn là anh gom góp gửi tặng một vài trăm… Lần nào tôi qua Mỹ, anh cũng gom góp mua tặng tôi quần áo, đồng hồ. Mặc dù tôi nói các con tôi đã lo cho tôi chu đáo, nhưng anh bảo, của moa khác, của các con cậu khác! Khi tôi về lại Việt Nam, anh móc hết túi gửi cho mấy người bạn già và những người anh em ở Việt Nam mỗi người một trăm, năm bảy chục!..
Phan Nhật Nam có sức làm việc rất đáng nể. Từ ngày đi tù về anh có thói quen lấy đêm làm ngày. Ban ngày ngủ, tối thức viết tới sáng. Anh bắt tay viết ngay từ khi mới ở tù về. Tôi không hỏi anh viết gì, nhưng thấy từng xấp bản thảo viết tay dày cộm. Rồi anh nhờ ai đó hay thuê người đánh máy làm nhiều bản, gửi nhiều chỗ đề phòng thất lạc. Lỡ mất bản này còn bản khác. Ngày đó – đầu những năm chín mươi còn dùng máy đánh chữ chứ chưa có máy vi tính. Photocopy cũng thuộc loại xa xỉ và dễ bị công an theo dõi. Cũng may khi đi Mỹ theo diện HO (đúng ra đi theo diện Rapide Departure/RD #4, cuối 1993/đầu 1994), Phan Nhật Nam mang được hết các bản thảo theo. Sang Mỹ có điều kiện và gõ vi tính thoải mái nên anh “cày” còn dữ hơn. Bảy tám năm trước, khi gặp nhau ở Mỹ, Phan Nhật Nam bảo anh vẫn giữ thói quen chỉ viết ban đêm. Chỉ thỉnh thoảng mới ngủ ban đêm khi có việc cần đi đâu vào ban ngày. Như lần anh lái xe chở tôi đi từ Westminster xuống San Diego thăm người thầy cũ. Thầy vốn là hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng, đã ngoài chín mươi nhưng rất minh mẫn. Tôi đi theo và “ ăn theo” nhưng Thầy vẫn đối với tôi như học trò cũ của Thầy. Vợ thầy còn nấu bún bò Huế rất ngon đãi anh Nam và tôi.
Bấy giờ tuy đã ngoài bảy mươi nhưng anh chạy xe đi về trong ngày rất tỉnh táo. Một mình anh giữ mấy mục ở tuần báo Sống (trước 2014). Hiện nay, 2022, 2023 tuy đã bước sang tuổi tám-mươi nhưng Phan Nhật Nam vẫn viết Freelance cho SàiGòn Nhỏ và Show Script, Talk Show cho các đài truyền hình, truyền thanh vùng Bắc Mỹ. Trước năm 2021, anh là Biên tập viên thường trực các chương trình ca nhạc của ASIA, Talkshow cho KimNhung Show/SBTN. Tôi quá nể ông bạn “không chịu già” này quá. Lần tôi qua Mỹ sáu bảy năm trước, còn đủ cả bốn ông bạn già thân thiết: Huỳnh Phan Anh, sinh năm 1940; Rừng/Kinh Dương Vương sinh năm 1941, Du Tử Lê sinh 1942, và Phan Nhật Nam sinh 1943. Nay ba ông đã lần lượt ra đi. Du Tử Lê mất 7/10/2019; Huỳnh Phan Anh ra đi 31/8/2020 và Rừng từ giã cõi người 8/6/2022. Chỉ còn Phan Nhật Nam. Giữ sức khỏe, hào khí và tiếp tục cuộc lữ nhé, “Kẻ Hào Kiệt”.
- C. S
(*): Thơ phản tỉnh của Chế Lan Viên: “…Tôi đến Nha Trang ngắm trời biển đẹp / Có hay đâu hang Pắc Pó gió lùa / Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép / Chiếc áo chàm Bác mặc quá đơn sơ…/ Tôi làm con nai đứng giữa rừng thu / Làm hổ sa cơ của vườn bách thú / Làm bóng ma Hời sờ soạn níu nhau đi / Làm tất cả mọi điều – Trừ không đổ máu!” – Ám chỉ Lưu Trọng Lư, Thế Lữ và chính Chế.