Phần IX: Thân Mẫu Tại Đường – Như Lai Tại Thế
Cuộc đời của con người nếu trải dài được một trăm năm thì có lẽ không đêm nào mà chúng ta không thấy một giấc mơ dù là ngắn hay dài, và sẽ không thể đếm được bao nhiêu đêm đã ngủ say trên gối mộng.
Hai bên vị Thánh Mẫu có hai tiên nữ cầm quạt phe phẩy đứng hầu. Hai con mắt Ngài sáng như sao nhưng nhìn tôi thật là hiền từ và vẫy gọi tôi lại gần rồi hỏi tôi đúng một câu và Ngài phán cũng đúng có một câu.
“Con có phải tên họ là Đại, Phạm Gia Đại?”
Lý do rất dễ hiểu như họ giải thích là: “Nhà Nước đã nuôi các anh đầy đủ và cho gia đình đến “thăm gập” các anh mục đích là để “động viên” cho các anh lên tinh thần và…lao động tốt hơn để sớm được đoàn tụ”.
Họ nói một cách rất là thuộc bài bản, rất ư là tự nhiên và có vẻ như là tự hào nữa về cái chế độ “tập trung cải tạo” và về vấn đề cho phép gia đình đến “thăm gặp” trước hàng trăm tù nhân chính trị mà thân hình chỉ còn hơn que củi và quần áo không vá trên thì vá dưới nhưng những nét tinh anh trong con người họ thì vẫn chưa biến mất sau nhiều năm trong ngục tối và hành xác.
Lúc đó là đầu năm một chín bẩy chín khi lệnh cho thăm nuôi chính thức được loan báo sau một biến cố quân sự. Vì quyền lợi đôi bên đụng chạm với nhau tại Campuchia nên hai thầy trò Trung Cộng và Bắc Việt đã choảng nhau một trận nên thân tại sáu tỉnh biên giới Việt Trung, mà kết quả là một số đất của cha ông chúng ta đã lọt vào tay Trung Cộng vì kẻ thù muôn đời phương Bắc đã dời cột mốc sâu hơn vào lãnh thổ VN khi tiếng súng vừa ngưng.
Miền Nam thì được thăm nuôi sớm hơn có lẽ vì gia đình gần hơn; hay là vì các tù nhân chính trị trong Nam không bị coi là thành phần nguy hiểm nhiều hơn hay “tội với cách mạng và nhân dân” nặng như các tù nhân đã bị đưa ra Bắc kể từ năm một chín bẩy sáu thì cũng không hiểu được.
Có một niềm tin mà không lay chuyển trong tôi là có một sự mầu nhiệm nào đó của Ơn trên đã xui khiến cho cái cánh cổng sắt nặng nề và hắc ám đó của trại giam phải mở ra cho thân nhân của các tù nhân chính trị vào thăm để tiếp tế cho họ kịp thời. Bởi lẽ nếu chậm hơn nữa thì không rõ tôi và các bạn tôi có còn đủ sức đi nữa trên con đường lưu đầy khổ sai hay không?
Cộng Sản miền Bắc họ muốn chúng tôi phải trả một cái giá thật đắt để trả thù lại việc đã chiến đấu chống lại họ trước kia cho nên chỉ được cấp cho một khẩu phần ăn ít ỏi để phải chịu đói rét quanh năm và đói khổ ngày đêm nhưng không thể chết được mà sống lây lất để còn làm ra của cải cho trại qua những hình thức lao động quá sức người.
Nhiều tù nhân sau vài năm không chịu nổi những giá lạnh rét mướt và đói khát bệnh tật thì đã đều lên nằm yên nghỉ trên ngọn đồi nghĩa trang, hay đang nằm tại bệnh xá của trại trong tình trạng không thuốc men và dinh dưỡng nên cũng đang chờ Thần Chết đến để “thăm gập”.
Bởi thế, phải mở cửa sau bốn năm giam cầm cho gia đình đến thăm thì thực tâm họ không muốn đâu nhưng bàn tay Trời Phật đã ban xuống để cứu lấy những người tù.
Tuy nhiên có những người tù đã không còn đủ hơi sức để chờ đợi người thân đến thăm, và nhiều chị khi đến trại thì mới hay là chồng mình đã qua đời. Trong niềm đau tột cùng đó, chị đã cắt mái tóc của mình vùi sâu trên mộ phần của chồng để “anh không còn lạnh lẽo nơi hoang vu này vì có một phần của em nằm bên anh”, và trong tiếng gió chiều vi vu qua rừng cây vắng lặng của núi rừng trùng trùng điệp điệp miền Bắc, hình như Trời cao và cũng chẳng có ai thấu hiểu nỗi tang tóc đau thương vụt đến của mình, người phụ nữ nhỏ bé đơn côi đã chít khăn tang cho con rồi bái biệt ra về.
Có chị rất là bình tĩnh, không khóc mà ghi lại hết lại các chi tiết và quỳ xuống khấn nguyện sẽ có một ngày quay lại để đem anh về miền Nam ngắn ấm và được chôn cất bên những ngôi mộ của người thân – để anh không còn cô đơn giá lạnh nơi rừng thiêng nước độc.
Những tình cảm thủy chung đó, hình ảnh những người vợ từ trong Nam ra Bắc, vất vả ngược xuôi thăm chồng ba ngày đêm trên xe lửa cũ kỹ, phải băng rừng lội suối bao gian nan để đến bằng được trại giam thăm chồng với những thứ thực phẩm, vật dụng mà cán bộ họ chưa bao giớ trông thấy, đã từ từ thay đổi cách nhìn của họ với người tù chính trị và họ cũng không dấu được sự kính nể đối với các người vợ tù.
Sự mở cửa cho thăm nuôi chính là luồng gió mới trong lành mà Trời Phật đã ban cho để xua đi bớt những tăm tối u minh ám chướng của trại giam; và sự hận thù của kẻ chiến thắng và những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc với tù chính trị cũng dần dần phai nhạt như một điều thực sự là huyền diệu.
Cuộc đời tù tội của những người tù chính trị chế độ cũ đang bước sang một chương mới dễ thở hơn.
Các trại giam cho thăm nuôi thì thời khóa biểu có thay đổi khác nhau do quân đội hay công an “quản lý”, từ những liên trại trên Hoàng Liên Sơn, xuống đến Vĩnh Phú, xuống đến Hà Tây, Nam Hà, Thanh Cẩm trong Thanh Hóa, nhưng tựu trung thì khoảng cuối năm một chín bẩy tám đầu bẩy chín, tức là khoảng bốn năm sau khi bước chân vô trại tập trung thì chúng tôi ngoài Bắc bắt đầu biết thế nào là thăm gập gia đình.
Người mà đầu tiên đến thăm tôi trong trại giam lại là chị Liên, một bà chị họ con bác ruột tôi mà gia đình thường gọi là bác Phán ở Hà Nội, chị là người mà ngày xưa vẫn thương tôi nhất trong các anh em. Các anh chị và hai bác vẫn mang một cái ơn của Ba Mẹ tôi khi mà năm 1954 di cư vào Nam thì Ba Mẹ tôi đã để lại hết tài sản kể cả ngôi dinh thự trên đường Cầu Đất tại Hải Phòng cho hai bác và các anh chị trông coi. Nhờ thế mà gia đình bác tôi mới có tiền sống sót được sau khi Hiệp Định Genève chia hai đất nước.
Chị đã khéo léo gửi một lá thư cho tôi biết là Mẹ tôi nhờ chị vào trước xem tôi ra sao và chị cho tôi biết là chị đã già rồi và không còn đẹp như ngày xưa nữa để tôi chuẩn bị tinh thần, nhưng khi đi ra gập chị thì hình ảnh của một thiếu nữ đẹp đẽ duyên dáng của Hà Thành ngày xưa ấy giờ là một bà lão già gầy ốm da mặt đã nhiều nếp nhăn dù là chị chỉ vào khoảng ngoài năm mươi mà thôi. Cuộc thăm viếng ngắn ngủi ấy đã để lại lòng tôi nhiều chua sót và ngậm ngùi khi thấy rằng chị tôi cuộc sống cũng không đến nỗi quá kham khổ mà còn biến đổi nhanh chóng như vậy thì người dân ngoài đó họ đã khổ cực và lam lũ như thế nào dưới cái chế độ mới sau năm 1954?
Lúc tôi vào trại và đổ hết ra xem các thứ bà chị mua cho lên chiếc chiếu ở từng trên thì một anh bạn lò đầu lên hỏi tôi cái gì cũng không nhớ, tôi đưa cho anh một gói mì gói. Sau này anh cứ thắc mắc hỏi là làm sao tôi biết anh đang thèm gói mì, tôi trả lời là quà thăm nuôi của tôi lần đầu ấy chỉ lỏng chỏng những gói mì, vài bao thuốc lá và các cube súp bò để nấu canh, đâu biết cho gì khác, vả lại đang đói thì cái gì làm cho ấm lòng như gói mì là đáng giá nhất.
Đầu năm bẩy chín khi đó đã vào đầu mùa Xuân nhưng vẫn còn rất lạnh , tôi đang ở đội gạch và ngày ngày vẫn cùng với các bạn tù vật lộn với những tảng đất sét, đứng lao động ngoài trời nơi đồng không mông quạnh phơi mình trong từng cơn gió, và nhờ Trời không hiểu sao tôi và các bạn tôi vẫn còn sống.
Chúng tôi cố tưới nhiều nước cho các tảng đất sét cứng như đá đó mềm bớt đi rồi mới dùng chân trần mà đạp từ từ lên cho đến khi nó mềm nhũn ra thì mới sang mai được thành từng bánh để cắt cho ra thành từng cục gạch ướt mà phơi cho khô mới gánh vào lò nung, và hai vai cũng bắt đầu quen với đòn gánh không còn đau ê ẩm nữa.
Khi đi lao động, tôi thường thủ trong túi các cục kẹo mà bà chị vừa cho và chia cho các bạn mỗi người một cục để vừa ngậm vừa tán dóc, trong không khí lạnh buốt của một ngày trời u ám không một ánh nắng, vừa đạp đất vừa kể chuyện ngày xưa khi đi uống cà phê Brodard, Givral, hay ngồi quán kem Mai Hương, đi dạo phố Bô Na như thế nào ở Sàigòn. Các anh đại úy như Trung, Thế, Tâm, Cảnh, hay anh Trãi, Quốc Gia Hành Chánh, có khi anh Võ, và cậu Út tăng phái cho tổ đất, đều là những người kể chuyện có duyên lôi cuốn làm cho chúng tôi vừa lao động mà quên bớt đi nỗi nhọc nhằn.
Khi tôi đang đạp đất, chân lấm tay bùn thì nghe tin báo là Mẹ và em gái tôi từ trong Nam ra thăm. Cảm giác lúc đó thật là khó tả, tôi đứng ngây người xúc động trên đống đất sét. Các bạn tôi thì phát vào vai dục đi rửa tay chân vào trại chuẩn bị ra thăm. Có anh chỉ vào hai mắt ra dấu là đừng khóc trước mặt họ. Tôi gật đầu rồi vội vã vào trại thay quần áo.
Ra tới khu thăm nuôi, tôi được cho biết là thời gian thăm là 15 phút. Mẹ tôi có hỏi là đi từ Nam ra Bắc ban ngày trên xe lửa, qua một đêm chờ đợi mà vào gập con có 15 phút sao thì tay phụ trách thăm nuôi chỉ trả lời vỏn vẹn là:
-”Đó là lệnh trên đưa xuống”.
Nhìn Mẹ tôi tóc đã ngả mầu sương và bàn chân thì bị sưng vì vấp thanh sắt trên tầu, tôi cố ngăn giòng nước mắt cứ chực tuôn ra và vội vã hỏi thăm gia đình. Mẹ tôi và em gái tôi ngồi một đầu bàn, tôi một đầu và tay cán bộ ngồi giữa nghe hết các lời đối thoại nên không nói gì được nhiều.
Lợi dụng lúc Mẹ tôi đến chỉ các thứ đem ra cho tôi, tôi nắm lấy tay Mẹ:
-”Mẹ à! Con không muốn Mẹ ra thăm con nữa, Mẹ cứ gửi quà các thực phẩm khô qua bưu điện được rồi.”
Mẹ tôi chỉ tay qua bàn bên cạnh và nói rằng chị vợ đang nói chuyện với chồng, tối qua cũng ở ngoài khu thăm nuôi này và bị trúng nước tiêu chẩy nằm luôn không ngồi dậy được, may mà Mẹ tôi có đem theo thuốc và chai dầu cù là nên chị đã tỉnh lại sáng nay.
Tôi thầm cám ơn Mẹ đã giúp đỡ nhưng người đồng cảnh ngộ bởi vì đã xẩy ra nhiều trường hợp người vợ ngã bệnh ngay tại khu thăm nuôi và qua đời khi chưa được nhìn thấy mặt chồng sau bao năm xa cách vì tình trạng vệ sinh tồi tệ tại khu thăm nuôi, hay người vợ ngã bệnh trên đường trở về sau khi gập mặt chồng.
Tôi cám ơn Mẹ và em gái rồi quay người vào trại mà không dám ngoái đầu nhìn lại. Khi vào đến cổng trại họ chận lại khám xét. tịch thu một số tiền “ngân” nói là sẽ cho mua hàng “căng tin” sau này, một số thuốc men, một số thực phẩm gia vị vì không được đem vào trong trại. Tôi lẳng lặng thu gom những thứ còn laị vào bao và xách vào buồng.
Luồng gió thăm nuôi như chiếc đũa thần đã giúp cho chúng tôi dần lấy lại sức mau chóng y như những cây khô được tưới nước đúng lúc và khi ra lao động chúng tôi nhìn nhau đã thấy có da có thịt và sức khỏe đang hồi phục.
Tôi nhớ một câu chuyện thăm nuôi đầy nước mắt là anh Cư, một đại úy truyền tin rất hiền lành chân thật của người sinh trưởng trong miền Nam, sau khi có vợ đến thăm thì tự dưng anh như người bị lãng trí, anh thường nói với anh em là anh đang ngày nào cũng đánh tín hiệu ra vũ trụ, anh cười cười chỉ tay lên trời. Hễ có ai hỏi gì thì anh lúc nào cũng trả lời “Yes” hết, khiến sau đó anh được mệnh danh là “Yes Man” luôn.
Quà cáp của vợ đưa cho anh hôm thăm nuôi, anh lấy ra phân phát hết cho tất cả trong buồng, anh nói là ăn một bữa no rồi cần gì giữ nữa, cho hết cho hết; cũng giống như tình trạng của một anh đại tá buồng bên cạnh sau khi nhận được gói quà của vợ gửi về từ Pháp thì anh như người điên chạy trong sân rồi vứt hết các thực phẩm kể cả thuốc men vào thùng rác. Các anh trong buồng biết anh Cư đã bị một cái gì “sốc” nặng lắm nên không còn tỉnh táo nữa cho nên thâu giữ dùm các quà gia đình mà anh đã phân phát để từ từ đưa lại cho anh dùng sau này.
Một hôm, anh lui cui nấu nước trong phòng tắm thì đám lính đi tuần tra trông thấy lửa bèn bất ngờ mở cửa buồng giam ban đêm xông vào hỏi anh đang làm gì thì anh trả lời rất là tự nhiên:
Họ muốn hỏi anh nấu gì và đã vi phạm nội qui trại cấm nấu nướng nhưng anh cứ một mực nói là Đại Úy và không hiểu sao tối hôm đó họ lại bỏ đi.
Tuy nhiên không phải tất cả đều có được gia đình đến thăm bởi đường xá rất xa xôi và vì ngay tại “khâu” xin giấy tờ ở địa phương để ra Bắc thăm nuôi cũng đã là cả một vấn đề khó khăn rồi, chưa nói đến một chuyến đi như vậy rất là tốn kém, nên nhiều người vợ dù thương chồng và muốn đi thăm chồng nhưng không có khả năng tài chánh.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn trong tù thì con người ta hay tìm ra những phương tiện để “cải thiện” sức khỏe. Thí dụ như nhờ vào những đồ hộp mà trong chúng tôi có anh đã phát minh ra chiếc lò dầu hôi để đun nước và nấu đố ăn, vừa nhỏ gọn lại dễ cất dấu hơn là nấu củi rất lích kích, và ban đêm khó mà dấu được ngọn lửa và khói trong phòng tắm và vệ sinh tỏa ra qua khung cửa thông hơi.
Anh Tính là người rất khéo tay và đã làm được nhiều chiếc lò dầu hôi này và anh có đưa cho tôi một cái, ban đầu tôi không lấy nhưng anh cứ bỏ lại chỗ tôi nằm, thấy vậy tôi bèn lại biếu anh một hộp cá. Anh mừng quá và nói:
-”Để tôi sẽ gửi về nhà!”.
Tôi rất ngạc nhiên tưởng mình nghe lầm vì thường là từ ngoài gửi vào trong tù chứ ai lại làm ngược đời như vậy:
-”Anh gửi về nhà?”
-”Đúng vậy! Để tôi cho anh xem cái này.”
Trong thư vợ anh viết là chị không thể ra thăm anh được dù rằng rất mong muốn và các con anh cũng nhắc đến ba nó hoài bởi vì ở nhà đã hết gạo và chị đang bịnh không khỏe nên cũng không biết sẽ phải xoay sở ra sao.
Tôi nhìn anh, đầu anh hơi cúi xuống và hai con mắt như thất thần, hai mắt tôi tự dưng đỏ hoe với một niềm xúc động bất ngờ chợt đến dù là sau bốn năm tâm hồn tôi cũng phần nào chai đá rồi. Không biết ngoài anh ra thì còn bao nhiêu người tù khác hiện đang phải chịu đựng cảnh lưu đầy mà còn mang nặng thêm nỗi đau khôn nguôi của vợ con nheo nhóc ở nhà nữa, hai niềm đau cho một kiếp người?
Tôi kéo anh lại chỗ tôi nằm từng trên, mời anh một chung nước trà và đưa cho anh một ít đồ hộp, mì gói, và ít thuốc vitamins, ít tiền và nói anh hãy mau tìm bạn nào ra thăm để gửi ngay về cho chị và nếu tôi quyên thêm được sẽ đưa sau.
Một tháng sau, anh được thư gia đình và anh đến cám ơn tôi là món quà nhỏ đã về đến nhà kịp thời. Tôi rất mừng nhưng nhất là chỉ khoảng một thời gian sau thì anh có tên được tha ra về vì anh chỉ là cấp đại úy bộ binh. Tôi tin rằng ông Trời có mắt cho anh về kịp lúc để giúp gia đình đã quá túng quẫn.
Từ khi có thăm nuôi, chúng tôi được ăn mặc tươm tất hơn nhưng thời gian đầu họ bắt đóng dấu sơn hai chữ “cải tạo” đỏ lòm sau áo và quần.
Rồi có một vài tay tự giác vào tiếp xúc làm quen với chúng tôi, lúc đầu là bán trà móc câu hay trứng gà, dầu hôi,v.v., sau từ từ móc nối để mua lại các quần áo dân sự. Lúc đó tôi mới biết là người dân bên ngoài rất là thiếu áo quần, nhất là những bộ quần áo đẹp may trong Nam hay cả bộ Treillis rằn ri của lính VNCH cũ nữa thì họ cũng rất ưa chuộng vì đi rừng rất bền.
Khi mới ra tới miền Bắc còn chân ướt chân ráo thì bên hình sự khu B có lẽ bị đám cán binh trại xúi dục đã lên tiếng mắng chửi chúng tôi thâm tệ mỗi khi đi lao động ngang qua họ hay khi họ đi ngang qua khu A chúng tôi. Qua một thời gian liên lạc và tiếp xúc, tự dưng bên hình sự họ thay đổi hẳn cách xưng hô và tỏ ra kính trọng bên A chúng tôi nên nhờ Trời cũng dễ chịu hơn trong môi trường phức tạp đó.
Ngay cả dân làng ở các thôn xóm hai bên đường hay các thị trấn mà gia đình hay các chị tải hàng đi qua trên đường đến trại thăm chồng thì họ cũng không thể ngờ rằng miền Nam lại giầu có đến như vậy; và sự tuyên truyền về một miền Nam nghèo đói bị “Mỹ Ngụy” áp bức dần tan theo mây khói, nhất là khi thấy người miền Nam đều thật thà, giản dị nhưng nhiều tình cảm.
Mỗi lúc thăm nuôi vào trại, thủ tục bao giờ cũng phải qua cuộc kiểm tra tại cổng từng thứ một. Có lần Mẹ tôi gửi vào cho hai anh em tôi mỗi người một cái bật lửa gas thật đẹp và tiện lợi vì không cần xăng. Tôi thấy cặp mắt của tay trực trại tỏ vẻ thèm thuồng nhưng hắn sau đó ra dấu kiểm tra xong. Ngày hôm sau một tay tự giác bên B qua gập tôi và xin cái bật lửa cho tay trực trại. Tôi nghĩ là hai anh em dùng chung một cái cũng được rồi vì không cho là hắn kiếm chuyện đấy, nhưng chính tôi lúc đó không ngờ rằng cái bật lửa ấy đã cứu tôi một lần.
Số là anh tôi theo đoàn tù từ Hoàng Liên Sơn xuôi về miền trung du và hai anh em bất ngờ lại gập nhau trong cùng một trại giam nhưng ở hai khu khác nhau. Chúng tôi phải lao động sáu ngày một tuần, có khi Chủ Nhật họ cũng bắt đi lao động luôn gọi là “lao động xã hội chủ nghĩa” để tăng gia sản xuất; những chủ Nhật như thế thì không có gì chán nản hơn nhưng thân phận tù đầy đành phải chịu. Mỗi sáng Chủ Nhật được nghỉ trong trại không phải lao động thì anh tôi chờ mở cửa buồng bên ấy xong thì khi bên tôi mở là vù chạy qua để hai anh em có dịp nấu nướng ăn uống chung vì tôi biết nấu nướng chút ít và có lò dầu hôi, và chiều thì anh tôi lại vù về; thời gian chỉ trong vài phút, nếu chậm là cả hai cửa buồng đều khóa lại.
Một sáng Chủ Nhật, tôi đứng ngay cửa khu chờ mãi không thấy anh tôi qua, rất sốt ruột không biết anh tôi ra sao nên tôi đánh liều bảo mấy người bạn canh chừng dùm cho tôi chạy qua khu bên kia để đem thức ăn cho anh tôi.
Hai khu ngăn cách nhau bởi một cái sân rộng và hai bức tương, từ bên cạnh hai cái cổng sắt là văn phòng trực trại từ đó họ nhìn suốt chiều dọc cái sân nên không có gì qua mắt được họ.
Hai người bạn hai bên tôi đều ra hiệu cho tôi là mọi việc thuận tiện.
Vì trước kia cũng có thời gian học Thái Cực Đạo và luyện tập thể dục nhiều nên tôi nhẩy xuống sân dễ dàng và đang định lấy đà chạy qua sân thì cổng trại nặng nề ấy tự dưng mở ra ken két và một cái nón cối bước vào. Tôi đứng như trời trồng và viễn ảnh sáng thứ Hai phải đứng trước hàng quân nghe bản án kỷ luật hiện nhanh trong đầu.
Cái nón cối kia từ từ quay lại nhìn thấy tôi, chưa biết sẽ phải biện hộ ra sao cho việc nhẩy qua tường này thì tôi nhận ra nón cối này là tay trực trại đã xin tôi cái bật lửa gas. có lẽ hắn cũng nhận ra tôi nên sau vài giây lưỡng lự thì không hiểu sao hắn quay lưng đi ra và đóng cánh cổng lại.
Hai tên bạn tôi lại lò đầu lên cho tôi nắm tay leo vào nhưng tôi khoát tay và chạy lẹ qua sân và nhẩy vào khu bên anh tôi để đem đồ ăn cho anh và ngồi hồi hộp chờ đến trưa khi họ mở cửa khu hai bên để phát phần ăn trưa thì mới vù về được.
Đến năm một chín tám ba thì một phần ba trại được lệnh di chuyển tù chính trị vào Nam trong đó có anh tôi và một số bạn thân của tôi, rồi tất cả còn lại thì nhổ neo khỏi Hà Nam Ninh về trại Ba Sao ở Nam Hà.
Các bà vợ tù lại lếch thếch cùng nhau đến trại Ba Sao để thăm chồng mình trong suốt năm năm trời tại đây khi mà chung tôi sau nhiều đợt thả chỉ còn vỏn vẹn chín mươi người trên toàn miền Bắc vào năm một chín tám tám.
Tôi nhớ không quên được của một anh trung tá được thả về từ trại Nam Hà viết thư vào cho tôi có đọan: “chúng tôi về với gia đình rất mừng nhưng rất thông cảm các anh còn ở lại quá ít ỏi. Chúng tôi dù mười ba năm trong tù cũng mới chỉ được huy chương Bạc, các anh còn lại mới xứng đáng là huy chương Vàng.”
Năm một chín tám tám, toàn bộ chín mươi người còn sót lại tại trại Nam Hà được lệnh vào Nam và tiếp tục “cải tạo” tại Hàm Tân Z-30D, nhưng các chị có chồng còn trong tù đi thăm đã được mọi sự dễ dàng đỡ mệt nhọc hơn vì từ Sàigòn ra Bình Thuận vào tới trại chỉ mất khoảng nửa ngày.
Hàm Tân tuy nằm trong khu rừng lá Buông và có núi đồi bao quanh nhưng thuận tiện vì gần đường Quốc Lộ và bên cạnh ngay một con sông với các nhánh chẩy xuyên qua trại róc rách ngày đêm nên mát mẻ và thời tiết hiền hòa hơn ngoài Bắc.
Trong bốn năm còn lại trong trại Hàm Tân từ một chín tám tám đến chín hai, có lẽ đó là thời gian đặc biệt nhất trong suốt cuộc đời tù đầy của tôi vì với một số lượng còn lại là một trăm năm mươi tư người tù cuối cùng so với hàng triệu người vào tù sau ngày mất nước một chín bẩy lăm, hình như ngoài cái lao động vẫn còn căng thẳng ra thì cách đối xử của các cán bộ trại nhất là tay trại trưởng Thiếu Tá Nhu là dành mọi sự dễ dãi cho tù chính trị.
Họ đã cho đem vào trại cả những băng cassette nghe nhạc kể cả những máy cassette radio, có thể đem bia và các sách tạp chí ngoại quốc vào nữa. Căng tin thì bán đủ loại cần thiết và đặc biệt là họ cho chúng tôi tiêu tiền mặt và gia đình đến có thể ở lại vài ngày trong khu nhà tranh rất mát ngay bên cạnh dòng suối.
Khi về đến trại Hàm Tân trong Nam, anh em chúng tôi đều thở phào ra nhẹ nhõm vì đã qua được một cửa ải khủng khiếp là mười hai năm lưu đầy khắp các trại giam từ vùng Thượng du xuống đến Trung du ở ngoài miền Bắc. Bốn năm tại Z-30D có lẽ cuộc đời tôi không bao giờ quên được vì nó chứa đựng bao kỷ niệm đau thương và êm ái vụt đến rồi vụt bay đi của những lần thăm nuôi.
Thời gian tôi ở trại Ba Sao, Nam Hà thì sinh hoạt đã cởi mở nhiều, vấn đề nấu nướng trước kia đụng tới là đi kỷ luật, nay đã thành sự thường tình và người người nấu nướng, buồng buồng nấu nướng. Nhất là sau khi trại mở cửa cho thăm nuôi thì mỗi chiều khi đi lao động về thì ai cũng vội vã nấu thêm một chút để “bồi dưỡng” và bếp lửa hồng reo vui ở mọi nơi.
Chính nhờ nấu ăn được thoải mái mà sức khỏe nói chung đều khá lên và có thêm sức chịu đựng được thêm những mùa Đông băng giá nữa giữa núi rừng thâm sơn cùng cốc ở miền Bắc.
Trước sân mỗi buồng đều rất rộng và trở thành phòng ăn lộ thiên cho từng nhóm hai , ba người quây quần ăn chung trước khi kẻng vào buồng, chỉ có nhóm của hai anh em ông Quy, Đại tá đội trưởng và anh Tấn Trung tá, là đông nhất với bẩy anh em kể cả anh Toan nghị sĩ, Thanh Thiếu tá, ông Hợp Đại tá, anh Tôn, vừa ngồi ăn vừa nói chuyện huyên thuyên cả một góc sân.
Ở đây cần mở ngoặc ra là một số anh em không biết từ bao giờ đã được đặt cho những biệt danh bởi một số anh dù là trong tù nhưng vẫn không bỏ được cái tính hay chọc phá của mình, và sau đó chúng tôi cứ quen gọi theo biệt danh mà nhiều lúc quên khuấy luôn cả tên thật của họ.
Thí dụ như một hôm tôi nghe đươc các anh báo tin về tình hình thăm nuôi hôm đó như sau: Cậu Ba ra thăm nhưng “Hốt Ổ”, “Tấn É” cũng ra theo, những người cùng ra khu thăm nuôi còn có ”Gà Tre”, “Con Trâu”, “Y Trong”, “Cả Đẫn” và “Quách Tĩnh”.
Cậu Ba là ông Quy, Tấn É là em ông Quy để phân biệt với “Tấn Bầu” thuộc Phủ Đặc Ủy, Hốt Ổ là Thanh, Gà Tre là Sơn Thiếu tá cảnh sát đặc biệt, và Y Trong là anh Trọng Thiếu tá quận trưởng, Cả Đẫn là anh Đệ Đại úy và Quách Tĩnh là anh Tĩnh Đại úy cảnh sát.
Ông Quy có gia đình bên Pháp và là một trong những người có thực lực nhất về phương diện thăm nuôi. Ông cũng rất khéo trong xã giao, giống như một số anh em có thăm nuôi khác, cho nên nhờ thế mà không khí trong trại cũng từ từ được để cho thoải mái hơn.
Không những các cán bộ trại mà cả các cán binh cũng ra vào trại thường xuyên để uống cà phê, uống trà, hút điếu thuốc với các tù nhân chính trị và khi đi ra cũng không quên dắt trên vành tai một điếu thuốc nữa. Họ rất là mê cà phê phin và thuốc lá ngoại quốc nhất là ba số năm.
Một trong những kỷ niệm khó quên là khi tất cả các trại tụ hội lại tại Nam Hà năm một chín tám ba thì để đánh dấu cho sự hội tụ này một buổi “đại nhạc hội” đông nhất từ trước đến nay trong trại giam quy tụ cả hàng trăm người ngồi đầy trong sân và cả trong buồng nữa, đã được tổ chức thành công ngay trong sân của buồng giam số Một với bánh kẹo trà thuốc đầy đủ không thiếu gì nhờ các anh mới có thăm nuôi yểm trợ.
Buổi sáng đó vào ngày Chủ Nhật, ban nhạc có đủ trống, ba cây đàn ghi ta và và đầy đủ mặt anh hào trong làng văn nghệ như anh Quí Lùn Đại tá, Bửu Uy, ca sĩ hát được ba thứ tiếng, “Y-Trong”, và một nhân vật rất tài hoa là anh Hiến Đại úy Biệt Động Quân vừa là nhạc sĩ vừa ca sĩ – người đã sáng tác những bài hát bất hủ trong tù như “Chuyến Tầu Xuôi Phương Nam”, “Biệt Động Quân”, v.v.
Các bài hát ngày xưa và các bài về di tản của nhạc sỹ Nam Lộc và Việt Dũng như “Người Di Tản Buồn”, “Món Quà cho Quê Hương” được trình bầy xen kẽ với các bài sáng tác trong tù đã đem lại một niềm vui bất ngờ, một cái gì thật hào hùng hòa lẫn vào với những xúc động của thân phận tù đầy, và tiếng ca tiếng đàn như bay vút lên đến từng mây xanh trên Trời.
Buổi đại nhạc hội đó đã thành công ngoài dự tính và có điều lạ lùng là suốt buổi sáng hôm ấy không thấy bóng dáng một tay “chèo” nào – tiếng anh em vẫn gọi các cán bộ trại – xuất hiện vào trong các buồng.
Chỉ vài ngày sau thì khoảng phân nửa trại bên tù chính trị được lệnh chuyển vào miền Nam và trại đã thưa vắng hẳn đi. Trong chúng tôi còn ở lại, tuy không nói nhưng ai cũng vẫn còn luyến tiếc buổi ca hát đó; nhưng phải công nhận một điều là sự thành công ấy đã nhờ một phần vào phương tiện do thăm nuôi đem lại nên được trang bị với nhiều loại nhạc cụ đầy đủ.
Nam Hà là nơi để lại nhiều kỷ niệm nhất về thể thao, không hiểu bắt nguồn từ đâu mà một nhóm cán bộ trẻ và chịu chơi mà anh em thường gọi chung là “chèo” từ ngoài vào trong trại và dùng cái sân rộng giữa hai khu trại giam làm sân đá bóng.
Rồi sau đó bất ngờ hình thành những trận “đọ sức” giữa đội tù chính trị bao gồm những anh em tương đối trẻ sau thời gian được thăm nuôi đã lấy lại phong độ như Bích Thiếu tá không quân, Hóa Trung úy người về từ tầu VN Thương Tín, Thân tự giác, Chí “nhỏ” Phục Quốc đang làm trật tự, các anh trong bếp và bên Văn Hóa để đấu với nhóm “chèo” đó, và anh Phạm Bá Hoa Đại tá bên Văn Hóa làm trọng tài.
Anh em chúng tôi ùa ra để cổ vũ đội nhà. Cứ một hai tuần lại có một trận đá banh rất hào hừng để “phục thù” vì hai bên hầu như ngang ngửa dù là bên tù chính trị nhiều anh tuổi tác cao hơn bên “chèo” nhưng không vì vậy mà bị thất thế và phía bên “Chèo” cũng không làm sao mà áp đảo được. Sau cả năm trời thi đấu “giao hữu” với nhau, cuối cùng hai bên đều công nhận là không mèo nào cắn mỉu nào và chấp nhận hòa.
Tuy nhiên trong con mắt chúng tôi thì đội nhà đã thắng oanh liệt trên phương diện tinh thần.
Nhưng trận đấu banh volley biểu diễn trong sân trại mới làm cho hầu như toàn thể các cán bộ trại họ nể vì nhất, bởi lẽ họ tưởng là chúng tôi không biết gì về các bộ môn thể thao này, cho nên đã thách đấu qua các trận đá banh rồi họ kéo vào sân trại, tay đóng cọc tay dựng lưới lên biểu diễn đánh volley ball.
Một hôm, anh em mới thúc anh Tuấn là cầu thủ dự bị hạng C về volley ball trong thời VNCH ngày trước ra biểu diễn; và anh Tuấn chấp sáu tay “chèo” một bên và chỉ mình anh một bên và đã thắng họ một cách dễ dàng trước những con mắt không dấu được sự thán phục của bên hình sự và cán bộ trại.
Hoặc như anh Xuân, Đệ Tam Đẳng Thái Cực Đạo và là Đại úy huấn luyện viên Cảnh Sát Quốc Gia một hôm nhân ngày lễ của họ đã biểu diễn cho một tay đô vật trong vùng tha hồ muốn khóa anh như thế nào thì khóa. Anh cứ nằm yên trên đất và chỉ một loáng sau là anh gỡ được và thoát ra khỏi hai tay như gọng kìm của anh chàng đô vật đó. Sau khi thử hai ba lần cuối cùng anh chàng đô vật cúi mình chịu thua trong sự nể phục, vì họ không ngờ trong Nam có những người võ nghệ giỏi như vậy.
Các tin tức thể thao về đá banh, volley ball trong trại lại được chính những tay cán bộ trẻ và chịu chơi này trong lúc trà lá đã phổ biến cho họ hàng và dân chúng ngoài mãi tận thị xã Phủ Lý.
Những hoạt động thể thao vui chơi trong những ngày Chủ Nhật được nghỉ lao động, nhìn bề ngoài chỉ như là cho qua ngày đoạn tháng nhưng trên thực tế đã giúp cho uy tín của bên tù chính trị lên rất cao vì đó là một giai đoạn rất quan trọng đánh dấu sự phục hồi của người tù cả về thể lực lẫn danh dự sau gần mười năm bị giam giữ mất Tự Do, bị tước hết nhân phẩm.
Đây cũng là một cái mốc cực kỳ to lớn đánh dấu sự cáo chung và thất bại thảm hại của các âm mưu nham hiểm của kẻ thù muốn từ từ tiêu diệt hết các tù chính trị là giai cấp tiểu tư sản chế độ cũ trong tù bằng hành động vô nhân đạo là bỏ đói họ và bắt lao động khổ sai cho đến chết nơi rừng thiêng nước độc trong mười năm qua.
Ẩn dấu đằng sau của cái “chính sách khoan hồng nhân đạo” lùa hàng triệu người trong quân dân cán chính của chế độ VNCH cũ vào hết trong “tập trung cải tạo” là ý đồ của họ nhằm tiêu diệt giai cấp tư sản trong chế độ cũ, và mục đích đó đã chỉ thành công được một phần mà thôi.
Họ đã thành công trong việc vừa cô lập hàng triệu người này trong tù, tách họ ra khỏi gia đình và xã hội, vừa cắt đứt con đường sinh sản của thành phần “kẻ thù của giai cấp” này, trong khi đồng thời thẳng tay san bằng các lực lượng đối kháng trong miền Nam như họ đã làm tại miền Bắc sau Hiệp Định Genève năm 1954.
Họ đã thành công một phần những năm đầu chiếm đóng miền Nam trong việc đàn áp, kỳ thị, và tiêu diệt gia đình của những tù nhân này ngoài xã hội bằng cách đầy đọa đi vùng kinh tế mới, tịch thu nhà cửa, tài sản, khủng bố tinh thần, cấm con cái ”Ngụy” học lên đại học, từ chối không cho việc làm, v.v., nhưng Ông Trời có mắt.
Những tù nhân bị lưu đầy khổ sai đã không bị tiêu diệt vì gia đình họ Trời Phật đã mở đường cho đến thăm nuôi kịp lúc và xui khiến cho gia đình họ ở nhà đã xoay sở và bươn chải được sau một thời gian ngộp thở dưới sự cai trị tàn bạo của chế độ mới xã hội chủ nghĩa.
Vợ con, cha mẹ, anh chị em của họ vẫn nhớ thương họ và giữ gìn bao bọc lẫn cho nhau nên nền tảng giá trị và căn bản gia đình từ thời cêế độ cũ đã không bị hủy diệt.
Âm mưu cực kỳ sâu độc của kẻ chiến thắng đã thất bại trước những tấm lòng trung kiên của vợ con họ ở nhà, và của chính họ trong bốn bức tường vây hãm của trại giam. Bởi vì sau thời gian đầu mới vào trại giam ai cũng như đám bèo bị đánh trôi dạt khắp nơi nhưng từ từ vài năm sau những cánh bèo đó đã hội tụ lại, trụ lại được thành một khối, đoàn kết lại với nhau và tương trợ lẫn nhau nên đã sống sót và tồn tại.
Bởi thế những người tù nào ở ngoài Bắc đã đi qua ngưỡng cửa của trại Ba Sao Nam Hà hay sau năm một chín tám tám còn bị giam tại trại Hàm Tân trong Nam là những người đã sống và trải qua những năm tháng lịch sử của chương bi hùng ca “tập trung cải tạo” khi mà những người tù chính trị đã lật ngược lại được thế cờ.
Từ khi các trại mở cửa cho thăm nuôi, thấm thoát mà gia đình đi thăm từ Nam ra Bắc đã được bốn năm rồi, nhưng chỉ khi tù nhân ở các trại khác ngoài Bắc đồng loạt được chuyển về hội tụ tại trại Ba Sao Nam Hà thì việc thăm nom đó mới nở rộ. Các chị đã liên kết lại thành những hội và nhóm nhỏ không tên tuổi của các bà vợ còn thủy chung để tương trợ lẫn nhau trong các chuyến hành trình gian nan ra Bắc thăm chồng.
Mỗi chuyến đi các bà vợ thẩy đều có kinh nghiệm cho nên thường đi chung với nhau ít nhất là hai hay ba chị để thay phiên canh cho nhau ngủ và canh chừng luôn cả một rừng các kiện hàng và túi xách của mình trên xe lửa nên cũng bớt phần vất vả và nguy hiểm vì các thành phần bất hảo đủ loại có đầy rẫy trên tầu.
Tuy vậy vì đường xá rất là xa xôi diệu vợi từ Nam ra Bắc nên không phải gia đình nào cũng đi thăm được và cũng không thể thăm nuôi thường xuyên vì khả năng tài chánh hữu hạn dù rằng các bà vợ đều có một tấm lòng vàng quí giá hầu như muốn mua hết cả Sàigòn mà đem ra cho chồng. Bởi thế những gia đình không đi được thì lại nhờ các chị mang dùm ra cho chồng mình hay gửi quà tiếp tế qua đường bưu điện.
Nhưng trại chỉ cấp phát cho mỗi tù nhân một cái phiếu gửi quà cho mỗi quí là ba tháng mà thôi, nhưng dần dà không hiểu làm cách nào mà các chị ở nhà lại kiếm ra nhiều phiếu “ngoài luồng” cho nên nhiều người lại nhận được các bưu phẩm gửi ra đều đặn hàng tháng.
Các gia đình ở nhà còn phải nặn óc nghĩ cách nào để gửi tiền “ngân” vào cho trong tù có tiền mặt mà chi tiêu khi cần thiết nữa bởi trại mà họ thấy tiền “ngân’ là tịch thu ngay không cần nói một lời.
Tôi phải nói rằng rất là phục Mẹ tôi vì Mẹ tôi đâu có được học nhiều đâu vì vừa lớn là phải tần tảo buôn bán giúp Bà Ngoại tôi nuôi các em, rồi Thế Chiến Thứ Hai nổ ra thì Mẹ tôi lại phải lo cho chồng và cho con là ông anh cả mới sanh và đi tản cư; nhưng Mẹ tôi tính đâu ra đấy.
Khi tôi nhận được thùng quà gửi qua bưu điện thì hai ngày sau thư của Mẹ tôi họ kiểm duyệt xong mới đưa lại cho tôi trong đó có đoạn viết:
Thảo nào, khi có bịch kẹo dừa buổi tối, tôi mừng quá mời bạn bè tía lia uống trà, có mấy tay ngậm kẹo mà cứ ú ớ mãi, sau nhè ra thì hóa ra là tiền đã được gói nhỏ xíu lại rất là khéo bọc trong vỏ kẹo, thoáng nhìn thì không nhận ra sự khác biệt. Tôi bèn nắn lại hai nắp thùng các tông thì quả nhiên thấy cái gì cồm cộm bên trong. Anh Cả tôi cũng lần mò tìm trong cái chăn được một số tiền nữa.
Những gói quà bưu điện tôi nhận được đều lần nào cũng có bịch kẹo dừa, mỗi lần qua cổng trại phải kiểm soát là tôi lại hồi hộp bởi lẽ trực trại họ cắt bao ra hết và đổ các viên kẹo lẫn vào các món khác như tôm khô hay đậu phọng da cá nhưng rất may là họ không để ý thấy những cục kẹo dừa này lại mập ốm khác nhau. Nói đúng ra họ không thể ngờ rằng vì tình thương yêu vô bến bờ của gia đình dành cho những tù nhân mà đã ngồi tỉ mỉ gói từng viên kẹo như vậy rồi sắp xếp lai ngay ngắn vuông vức trong chính bao kẹo dừa ấy.
Thời gian đó, các cục cube thịt bò để làm soup nấu canh rất là quí và mới mẻ chưa ai biết dùng hết. Tôi nhận được mười viên thì mừng quá nghĩ rằng đó là loại kẹo thật là quí mới bọc trong giấy bạc nên mắt nhắm mắt mở chia cho các thằng bạn chung quanh mỗi đứa một cục ngậm chơi. Một lát sau, tụi nó nhìn tôi hỏi:
-”Ê, mày chắc là kẹo chứ?”
-”Kẹo ngon mới bọc trong giấy bạc đó.”
-”Mày ăn thử chưa?”
Tôi đang soạn đồ đạc lấy làm lạ bèn bóc một cục bỏ vào miệng thì ôi thôi nó mặn cái gì đâu. Tội nghiệp mấy thằng bạn nghe nói kẹo quí lắm nên dù mặn chát cứ ngậm bồ hòn làm ngọt không dám nhè ra.
Hai hôm sau có thư gia đình kiểm duyệt xong đưa vào thì tôi mới ngã ngửa ra và đếm lại chỉ còn ba viên cube làm vốn.
Sau đó tôi rút kinh nghiệm, món gì lạ thì bỏ qua một bên chờ thư vào mới đem ra dùng cho chắc ăn. Mỗi lần nhắc lại”kẹo tiền” và “kẹo cube thịt bò” thì tôi không nhịn được cười khi nhớ lại những bộ mặt nhăn nhó vì mặn của mấy thằng bạn.
Một kỷ niệm khó quên là tình cờ tôi được uống rượu Mơ nguyên chất khi mà một bà chị ngoài Hà Nội vào thăm theo yêu cầu của Mẹ tôi, đã mua cho tôi một số thực phẩm khô và một số trái Mơ chín bỏ trong một hũ đường trắng. Lúc đầu tôi cũng hơi thắc mắc là sao không bỏ mấy chục quả Mơ đó bên ngoài. Tôi để hũ đường trộn Mơ đó trên cái giá trên đầu và quên đi cho đến một hôm chợt thấy nó sủi bọt lên, mở ra thì đã thành rượu Mơ thật là ngon. Bấy giờ tôi mới biết vì sao trái Mơ lại để lẫn vào trong hũ đường.
Ngoài ra vì thấy tôi không khỏe nên Mẹ tôi cũng gửi ra một hũ nhau có pha ít rượu, ngụy trang là hũ thịt, để ăn cho bổ nhưng mà tôi không cách nào ăn được nên đành giao lại cho một bạn thân lúc đó là anh Kinh để đem về nhóm ba người của Kinh là Đạt và Lê Bá Cường, đều cấp Trung tá và họ rất là “hoan hỉ” giúp dùm.
Thăm nuôi cho tù chính trị có thể được ví như một luồng gió trong lành thổi vào tới từng ngõ ngách trong trại giam, quét đi những nặng nề và tạo ra nhiều sự chuyển biến thật diệu kỳ.
Ngoài vấn đề sức khỏe của mọi tù nhân nói chung đều khả quan rõ rệt cả về thể chất lẫn tinh thần, trí nhớ dần trở lại, thì mặt khác các bệnh tật cũng lui dần và không còn ai bị chết oan do những trường hợp vì thiếu thuốc hay thiếu dinh dưỡng như trước nữa – trừ phi vướng vào những căn bệnh nan y.
Các loại thuốc tây mà gia đình gửi vào trong trại giam đã phát huy tác dụng như thần dược và đã cứu nguy không những các tù nhân mà cả một số gia đình dân làng gần đó hay cho cả môt vài gia đình trong khu gia binh nữa.
Một hôm buổi chiều đang chờ kẻng điểm danh vào buồng thì có một tay cán binh vẫn đi theo đội chạy vào xin ít viên thuốc vì đứa con trai ba tuổi của anh ta đang sốt rất cao và dang mê sảng mà bệnh xá khu gia binh không có một viên thuốc nào cả.
Các anh em nhìn nhau, phần vì không có thuốc phần không biết chữa ra sao. Tôi sực nhớ trong bản hướng dẫn của ông anh thứ hai của tôi trong Quân Y vẫn gửi kèm với thuốc cho tôi có ghi là Aspirine trị được đau nhức và sốt. Tuy không biết Aspirine hữu hiệu bao nhiêu nhưng tôi lấy đưa cho anh ta hai viên và bảo cho cháu nó ăn ít cháo rồi uống hai lần mỗi lần nữa viên thôi.
Không ngờ ngày hôm sau, anh ta nét mặt hớn hở chạy vào cám ơn tôi và hỏi là thuốc gì mà hay như thần vậy vì cháu nó đã dứt sốt và tỉnh lại. Từ đó nhiều lần anh ta vào trại lấy một mớ thư “chui” của chúng tôi ra bỏ dùm ngoài bưu điện thị xã.
Cuộc đời quả thật nhiều lúc nhân quả ngay trước mắt chứ chẳng phải chờ đến kiếp sau.
Thăm nuôi đúng là đã đem đến cho chúng tôi sự may mắn y như từ trên trời rơi xuống vậy vì lần lần nó đã giải tỏa đi bao nhiêu là sự tuyên truyền xuyên tạc đầy ác độc của kẻ thù nhằm làm cho dân chúng, cho chính cán bộ họ và bên tù hình sừ thù ghét bên tù chính trị.
Bởi lẽ đó nên năm một chín tám ba khi chúng tôi rời Hà Tây, Hà Sơn Bình để chuyển về Ba Sao, Nam Hà thì khu gia binh họ kéo ra đứng dọc theo bên đường với các bà mẹ mắt đỏ hoe, nắm tay con mình giơ lên vẫy chào tiễn đưa chúng tôi như những ân nhân của họ – những con người bình thường nhưng họ không thể tìm thấy được trong cái tập thể thiếu lòng nhân chung quanh họ.
Hoặc như năm năm sau, một nữ cán bộ trẻ và có một tấm lòng tốt với bên tù chính trị tên Thư vẫn thường giao dịch với anh em chúng tôi về mua bán ở căng tin trại Nam Hà, đã lái xe đạp vào tận trong sân buồng giam một mình, đứng nói chuyện với tụi tôi rất lâu, rồi khóc một cách rất tự nhiên, khi hay tin chúng tôi đang chuẩn bị ra nhà ga Nam Định, và chúc anh em chúng tôi xuôi về miền Nam bình an.
Trong họ có nhiều người rất tình cảm nhưng sống trong một xã hội đầy dối trá và lừa lọc thì họ phải dấu con người thật của mình đi mà sống giả dối nếu muốn sống còn như một tay quản giáo già đã tâm sự.
Nếu như thời gian năm năm trời tại Ba Sao Nam Hà, các người vợ tù đã thành công khi đoàn kết với nhau trong những chuyến ra Bắc thăm nuôi chồng thì khi chúng tôi vào đến trại Hàm Tân Z-30D trong Nam năm môt chín tám tám, thì nhịp độ thăm nuôi và sinh hoạt còn cao hơn và mang tính rất là đặc thù mà có lẽ không có một trại giam nào có được.
Khi bước chân vào trại Hàm Tân, chúng tôi chín mươi người tù chân ướt chân ráo từ Bắc vào Nam được tay trại trưởng là Thiếu Tá Nhu và các cán bộ dưới quyền ông ta dàn chào ngay tại sân trại, và được ông ta cho biết là các anh vào đây để tiếp tục cải tạo chờ ngày về mà thôi.
Sau đó thì một loạt các căn nhà tranh xinh xắn được lệnh dựng lên vội vã dọc theo con suối của khu thăm nuôi. Nếu đừng nghĩ đến thân phận tù tội thì con đường này khá là nên thơ vì nó có những ghế đá cạnh bờ suối, những hàng cây cao vút lên trên cả những mái tranh và những nhánh cây vươn dài ra tới suối và che cái ánh nắng oi bức của mùa Hè nên con đường ấy rợp bóng mát kéo dài ra tận cây cầu bắc qua con suối dẫn qua khu căng tin.
Mỗi lúc đi ngang qua khu nhà tranh đó thì chúng tôi đều nhìn với sự thắc mắc không biết khu nhà mới này dành cho ai nhưng không ngờ rằng khu này được dựng lên chính là để chờ đón gia đình chúng tôi đến thăm.
Thế rồi tin tức chúng tôi đã vào Nam lan đi như tin điện về Sàigòn và các tỉnh có lẽ nhờ các mẩu giấy chúng tôi vứt xuống đường khi xe lửa chạy qua Nha Trang vào Sàigòn. Các gia đình nhất là các chị lại bảo nhau tay xách tay nải đến Hàm Tân.
Khi tôi đang cuốc đất trồng các loại rau cải tại đội 20 thì anh Lộc cũng tù chính trị phụ giúp tại khu thăm nuôi lóc cóc đạp xe đạp ra đưa danh sách các người có thân nhân đến thăm trong đó có tôi.
Buổi trưa lúc ra đến nơi thì tôi thấy cả một đại gia đình đầy đủ hết các em tôi và hai đứa con đều có mặt. Nhiều em tôi còn nhỏ chỉ mười mấy tuổi lúc tôi vào tù nên Mẹ tôi không cho ra Bắc thăm tôi, nay nghe tin anh vào Nam nên kéo rốc hết đến thăm.
Hai con tôi lúc ngoài Bắc có theo Mẹ nó ra thăm được vài lần khi cháu gái mười hai tuổi và cháu trai mười một, bây giờ nhận không ra vì con gái tôi đã mười tám thành một thiếu nữ đẹp và dịu dàng như một nàng tiên, cháu chạy ngay lại nắm cánh tay Bố, còn con trai đã lớn bổng ra dáng một thanh niên bảnh trai đến cạnh tôi.
Thời gian trôi quá nhanh chăng, mới ngày nào tôi giã từ gia đình ra đi thì hai cháu chưa đầy bốn và năm tuổi nay đã là thanh niên thiếu nữ cả rồi và chỉ nhận ra thoáng qua được vài nét.
Cậu em út thì tôi hoàn toàn không còn nhận ra nữa vì khi tôi đi tù mới mười lăm tuổi, bây giờ đã hai mươi tám, trưởng thành và đang là giáo sư Anh Văn; nhưng tôi hơi thắc mắc vì không thấy có mặt vợ tôi và ông anh Cả đã cùng ở trong trại tù với tôi ngoài Bắc.
Gia đình đã cố dấu tôi đến vài năm sau tôi mới biết là anh Cả tôi đã qua đời tại Bình Dương vì xuất huyết não sau ba năm được thả về và đã mất vào khoảng thời gian vài tháng trước khi tôi chuẩn bị chuyển trại theo chuyến tầu xuôi về phương Nam năm một chín tám tám.
Còn vợ tôi thì các em tôi đều lảng tránh không đề cập đến mà chỉ nói là gia đình mừng lắm vì anh đã vào Nam sau mười hai năm sống đói lạnh khổ cực ở Bắc và về đây thì gần Sàigòn hơn nên các em tôi và hai con tôi sẽ đến thăm thường xuyên hơn.
Các bạn tôi thì ở những bàn bên cạnh cũng tíu tít không kém với vợ con và cười nói như chợ vỡ. Tôi nhìn thấy các chị quen vẫn hay ra thăm chồng ở Ba Sao Nam Hà vẫy tay chào tôi, các chị miệng thì cười mà hai mắt thì hoen lệ nhìn chồng trong khi các đứa con nay đã lớn thì vây quanh người Bố hỏi han đủ thứ, hình ảnh đó không khỏi làm cho tôi chạnh lòng nhưng lại gạt đi.
Có thể bà xã tôi bận việc gì đó. Nhưng bận gì thì bận, chồng đã vào đến miền Nam rồi mà không đến thăm ngay thì quả là một chuyện bất thường.
Các bạn tôi ai có vợ đến thăm thì được ở lại ngoài khu nhà tranh cạnh con suối ấy để chuẩn bị bữa cơm chiều gia đình, còn không như tôi thì vào lại trại tiếp tục “lao động là vinh quang”.
Các nữ tù hình sự này nghe nói là đích thân trại trưởng Nhu lựa chọn mới được ưu đãi ra căng tin để bán nước uống, cà phê, trà, thuốc lá, và nấu đủ món từ hủ tíu, mì đến bánh canh giò heo vừa bán cho cả tù chính trị và hình sự và gia đình họ nữa để kiếm thêm cho trại, là điều mà mười ba năm nay, từ Nam ra Bắc và bây giờ từ Bắc vào Nam, tụi tôi mới thấy cách kinh doanh có sáng kiến độc đáo như vậy trong khuôn viên của một trại giam.
Ngày hôm sau, lợi dụng khu lao động gần bên khu nhà tranh thăm nuôi tôi ghé vào mấy căn để thăm gia đình bạn mình và cám ơn các chị đã đến thăm nhất là để thăm chị Sơn là vợ của Sơn “Gà Tre”, Thiếu tá trẻ tuổi nhất của ngành cảnh sát đặc biệt vì nghe chị bị chứng bịnh nan y.
Chị Sơn ngồi trên chiếc ghế dáng người bé nhỏ xanh xao nhưng tinh thần rất là vững vàng và cố gắng đến thăm chồng kỳ này có lẽ là lần cuối. Tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe của chị ra sao, thì chị nắm lấy tay tôi nói rằng nó đã di căn ăn lan hết hai bên ngực ra tới cánh tay rồi, chỉ còn chờ ngày thôi.
Tôi nhìn Sơn mấy hôm nay nghe tin vợ ra thăm mà mất ngủ, và thấu hiểu nỗi đau đớn của bạn mình bởi vì gia đình ở nhà đều dành tất cả cho người tù trong trại cho nên khi tìm ra căn bệnh thì chị cũng không có đủ tiền để chữa chạy kịp thời nên bệnh phát ra nhanh chóng.
Một vài tháng sau tôi nghe tin chị đã mất và Sơn cũng có tên trong danh sách được thả ra khỏi trại.
Bao nhiêu năm trời chị gồng gánh mọi thứ để nuôi con và nuôi chồng trong tù, đến bây giờ khi chồng đã vào Nam, gần hơn và sắp được thả về thì chị lại ra đi, hoàn cảnh thật éo le và quả thật nhiều lúc không ai qua khỏi được Định Mệnh.
Thời gian lặng lẽ trôi qua cho đến một ngày bất ngờ tôi được báo là có em gái đến và ra thăm nuôi cùng với một số bạn trong đội 20.
Khi vào khu thăm nuôi thì tay cán bộ phụ trách hỏi tôi có muốn ở lại không. Tôi trả lời là em mà ở lại cái nỗi gì. Hắn ta nhìn tôi cười và nói là bà xã tôi chứ em nào.
Hóa ra là bà xã tôi thật nhưng khi gập trong khu thăm nuôi bà ấy bỏ phịch cái giỏ mây mà Mẹ và các em gửi cho tôi xuống đất, và nói là rất bận và nhờ người ta chở đi nên phải về ngay không ở lại được.
Tôi chưa hết ngỡ ngàng thì sau vài câu xã giao bà ấy quay lưng bước về phía căng tin. Tôi cũng không biết phải làm gi hơn là theo ra căng tin ngồi đợi cho các gia đình thăm nom xong xuôi rồi vào trại.
Lúc tôi ra tới nơi thì vừa kịp thấy bà xã tôi leo lên sau xe Honda 90cc và tài xế không ai khác hơn là bạn của anh bà ấy ngày xưa. Anh chàng này là trung ùy Nhẩy Dù bị thương giải ngũ nên không bị đi tù và lại là em trai của vợ một anh bạn tù cùng đội 20 với tôi ở đây.
Tôi chưa hết thắc mắc thì chiều hôm đó anh bạn tôi là H., Thiếu tá cảnh sát đặc biệt, kéo tôi qua một chỗ vắng và nói sự thật cho tôi biết là vợ tôi và em trai của vợ H. đã thân mật với nhau từ nhiều năm nay rồi nhưng gia đình nhất là Mẹ tôi và cả vợ chồng H. cũng biết từ hồi còn ngoài Bắc nhưng hết sức dấu vì sợ tôi buồn và không đủ sức mà sống sót được ra khỏi tù nữa.
Ban đầu thì tôi không tin nhưng H. nói rằng cậu em trai này vẫn ở chung nhà với người chị là vợ H. và chị H. đã mục kích hết từ nhiều năm nay thì tôi mới tin.
Ngày hôm sau khi ra lao động, tôi tìm một gốc cây Buông xa nơi làm việc bên cạnh con suối đang róc rách chảy xuôi về các mái nhà tranh êm đềm và vắng lặng của khu thăm nuôi và ngồi đó không biết bao lâu, cứ nhìn giòng suối chảy miết mãi không biết nên làm gì.
Những con chim bé nhỏ vẫn chuyền từ cành này qua cành kia hót líu lo hay bay từng cặp bên nhau một cách vô tư lự, những chiếc lá vàng vẫn theo từng cơn gió bay là là xuống mặt nước, nhỏ dần rồi mất hút về hạ nguồn.
Một sự trống rỗng xâm chiếm tâm hồn mình trước một sự việc mà tôi không bao giờ nghĩ có thể xẩy ra được, cực kỳ vô lý.
Mười bốn năm nay chịu đựng mọi gian nguy, khốn khó, đói rét, nhọc nhằn trong tù đầy, tôi không hề bao giờ thốt một lời oán trách Trời Phật và vẫn cam tâm chịu đựng những hình phạt khủng khiếp đó, những tưởng sẽ có một ngày đẹp trời nào đó thì đoàn tụ.
Nay tôi như thân chiếc lá vàng khô kia đang bị giòng suối cuốn trôi đi về đâu, về đâu bây giờ hỡi Trời?
Khi vào đến trong Nam thì chúng tôi nhìn thấy một điều khá chắc chắn là mình sẽ không thể chết được nữa vì khí hậu miền Nam hiền hòa và ở gần gia đình thuốc men tiếp tế nhanh chóng hơn; nhưng ở đời ai học được chữ ngờ và một lần nữa tôi lại thấy mình quá lạc quan vì một ngày còn trong tù là một ngày tính mạng mình còn trong vòng nguy hiểm.
Mấy ngày khi Sàigòn đang trong cơn hấp hối, tôi cứ cầm cái thẻ nhân viên của Tòa Đại Sứ Mỹ trong tay và khi có cơ hội tôi đã từ bỏ ý định ra đi một mình chỉ vì vợ và hai đứa con còn quá nhỏ sợ bỏ lại Cộng Sản sẽ trả thù. Nay thân tôi tù tội lê bước từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vào Nam không biết ngày nào ra và gia đình là cái phao cuối cùng để bám víu thì cái phao đó không còn nữa. Tôi cũng vừa được tin là Mẹ và các em tôi đã lên đường bay qua Mỹ dưới sự bảo trợ của ông anh thứ hai tại California.
Tối hôm đó trong buồng giam, tự dưng tôi thấy khó thở và đau nhói bên ngực trái và hoa mắt không còn nhìn rõ chung quanh. Mấy anh bạn nằm cạnh như Nhơn, Trân, thấy vậy vội chạy ngay sang khu đối diện kêu cứu với vị bác sỹ dân y là người của chế độ cũ bị bắt vì âm mưu lật đổ chính quyền.
Anh bạn bác sỹ này cho tôi biết là tôi có triệu chứng đau tim và bảo tôi phải bình tĩnh thì mới qua khỏi được vì trong này không có thuốc men hay phương tiện cấp cứu nào hết. Tôi không tin vì trước nay tim tôi không có vấn đề gì nhưng anh quả quyết là tôi phải thật bình tĩnh nếu không nhịp tim rối loạn lên thì không làm sao được trong tình cảnh này.
Lúc ấy không hiểu sao đầu óc tôi còn tỉnh táo và chợt nhớ tới các lời dậy của thầy tôi khi hai thầy trò còn bên nhau trong tù ngoài Bắc:
-”Nếu có gập chuyện gì hung hiểm, con cứ niệm Phật, đừng cưỡng lại nó, hãy chấp nhận nó thì từ từ sẽ qua.”
Tôi nhìn anh bác sỹ ra hiệu cám ơn, nhắm mắt lại rồi cố hít vào thở ra nhè nhẹ để Tâm an trong khi cố niệm Phật trong đầu.
Trong thâm tâm tôi nghĩ rằng hôm nay là ngày cuối cuộc đời mình ở nơi đây, Cũng xong một kiếp tù đầy. Nhưng thật là vô lý bởi vì khi vào tới trong Nam, tôi vừa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm sau bao nhiêu năm dài tăm tối lại là lúc tôi phải ra đi một cách phi lý như vậy.
Tôi cứ niệm Phật trong đầu miết và chìm vào trong giấc ngủ lúc nào không hay. Tối hôm đó thứ Bẩy, theo thông lệ anh em đều tổ chức party trà lá tán dóc cho vui trong tù, và đó là lần đầu tiên tôi không tham dự được, không biết đứa bạn nào đã bỏ mùng dùm và đắp cho tôi cái chăn ngang bụng.
Buổi sáng hôm sau tôi thức dậy vì ánh nắng ban mai đang lung linh xuyên qua các kẽ lá của hàng cây trong sân lùa vào qua khung cửa sổ nhỏ hẹp trên đầu và chiếu rọi vào mắt.
Tôi rờ lại chung quanh, mình còn sống ư? Hơi thở chợt dễ chịu và ngực không còn cảm giác nhói đau nữa.
Phép lạ nào đã cứu tôi sống sót?
Bên ngoài, như mọi sáng Chủ Nhật nghỉ lao động, dọc hàng hiên của buồng giam mấy bạn thân của tôi đang bầy mấy cái tách, ấm trà trên cái bàn gỗ mộc tự tạo, bên cạnh lò dầu nước đang bốc khói để chuẩn bị cho một ngày mới.
Những hành trình thăm nuôi đầy gian nan ấy trải rộng và chạy dọc suốt một chiều dài của đất nước từ miền cực Nam của quê hương ra đến tận biên giới Việt – Hoa.
Sự kỳ diệu của thăm nuôi cũng không có bút mực nào tả ra được hết bởi vì nó không những đem lại sức khỏe, chữa được các bệnh tật cho các tù nhân chính trị chế độ cũ trong trại giam tập trung và nâng tinh thần họ lên cao; mà còn làm thay đổi hoàn toàn thái độ và cách đối xử với tù chính trị của người dân, của tập thể cán bộ trong những ngôi làng, những xã hội nho nhỏ chung quanh hay ngay trong các trại giam có tù chính trị đi qua.
Người dân chung quanh trại đều bị choáng ngợp bởi các thứ quà cáp thực phẩm vật dụng chất đầy trên những chuyến xe thồ hay xe cải tiến hoặc xe ngựa mà các chị và gia đình đem từ trong Nam ra Bắc nuôi chồng trong tù.
Ngay cả các cán bộ tại cổng khi kiểm tra các thùng quà này trước khi cho vào trại cũng phải công nhận là có nhiều thứ cả đời họ chưa từng thấy bao giờ như các hộp thịt bò, thịt heo, thịt gà ngoại quốc, đôi bao tay bằng da vừa mềm vừa ấm, những bút nguyên tử loại mới nhỏ mà đẹp, bật lửa gas, và các thứ thuốc tây đủ loại.
Nhắc đến lạp xưởng thì tôi không quên được anh bạn Lực Trung úy to con nằm bên trái vừa nhận hồi chiều gói quà trong đó có nữa ký lạp xưởng. Anh giở gói quà ra ngắm nghía một lát rồi lấy từng cái lạp xưởng sống bỏ vào miệng ăn một cách ngon lành. Tôi nhìn anh:
-”Ông không sợ ăn vậy đau bụng hay sao?”
-”Ê! Đại ơi, sao nó ngon quá hà.”
Anh vừa ăn vừa xoa xoa cái bụng ra chiều rất ư là hài lòng vì đã lâu lắm rồi nó không được ăn một bữa nào ngon và no nê như vậy.
Và chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ thì nửa ký lạp xưởng đó – nửa ký tức là năm cặp hay mười cái lạp xưởng – đã nằm gọn trong bụng anh ta rồi, và cái điều lạ lùng là anh ta không có đau bụng đau bão gì cả. Có lẽ cơ thể nó quá thiếu chất béo nên cho vào bao nhiêu nó cũng hấp thụ hết mà không gây ra phản ứng gì.
Anh Miên đang “xơi” hũ đường trắng đựng trong cái lon Guigoz.
Ban đầu anh lấy lon Guigoz xuống, ngồi xếp bằng tròn lại một cách trịnh trọng xong rồi lấy cái muỗng súp ra xúc đường ăn, thấy tôi nhìn anh chìa hũ đường, tôi lắc đầu, thì anh bỏ thìa đường vào miệng ngậm cho nó tan ra từ từ để thưởng thức cái vị ngọt của nó.
Sau đó với một động tác dứt khóat đóng nắp hộp lại cẩn thận rồi đứng dậy cất cái hộp lên giá trên đầu nằm rồi nói một mình như vừa quyết định xong một việc gì rất là hệ trọng: “Để dành ngày mai”.
Anh nằm xuống và đắp chăn lại đàng hoàng tìm giấc ngủ nhưng chỉ một lúc sau tôi thấy anh cựa quậy hình như không ngủ được; và vụt một cái anh đứng dậy lấy lon Guigoz xuống với động tác cũng dứt khoát như khi anh bỏ nó lên trên cái giá và xúc ăn một lúc hai ba muỗng đường cho đã cơn thèm chất ngọt. Xong lại cũng trịnh trọng như lần trước, cất nó về chỗ cũ.
Trong vòng hai ba tiếng đồng hồ buổi tối, tôi thấy anh nằm xuống và đứng dậy khoảng chừng bốn năm lần là “xơi” sạch luôn hơn nửa cái lon Guigoz đựng đường ấy. Ngó tới ngó lui thấy nó đã trống trơn, khi đó, anh mới yên tâm nằm xuống lần chót, quấn tấm mền phủ kín từ đầu xuống chân và ngủ yên không thấy cựa quậy nữa.
Tôi nhìn anh ngủ yên và đang ngáy nhè nhẹ mà không nhịn được cười dù là tôi cũng đã qua những cơn đói khát không kém gì anh.
Điều may mắn là mấy ngày hôm sau anh cũng không bị phản ứng hay nổi mụn nhọt gì vì ăn một lúc hơn nửa lon Guigoz đường cát.
Cơ thể con người ta ông Trời sanh ra cũng thật là kỳ diệu.
Tôi không nhịn được cười vì tuy rất là thèm chất mỡ và chất đường sau bốn năm bị ăn “chay trường” và bỏ đói nhưng chưa lần nào dám thử xơi một lúc nửa ký lạp xưởng sống hay cả nửa lon Guigoz đường cát như hai người bạn nằm bên của tôi.
Thời gian đó anh Lạt là Tổ Trưởng tổ Đất vừa được may mắn cho qua đội văn nghệ và anh đề cử tôi thay thế anh.
Lúc đầu tôi từ chối lời đề nghị của anh Lạt vì không muốn mang thêm trách nhiệm vác ngà voi làm gì nhưng anh cương quyết nói là trong đội ít ai hơn tôi trong cách ứng xử và nên giúp anh em vì tổ Đất giống như là linh hồn của đội; cả đội là 36 người thì tổ Máy chỉ có 6 còn tất cả 30 người đều nằm trong tổ Đất. Cuối cùng tôi đành nhượng bộ.
Phải nói là nhờ Trời nên đội lúc đó lại có một tay quản giáo dễ chịu như anh chàng Tâm này vì anh ta luôn ăn nói từ tốn và tôn trọng chúng tôi, chứ nếu gập phải một quản giáo khác mà dùng những lời lẽ nặng nề trong lúc chúng tôi hàng ngày đánh vật vất vả với đống đất sét đã muốn khùng rồi thì chắc nhiều người trong chúng tôi có thể đã tiêu diêu từ lâu vì những va chạm giữa tù và quản giáo như đã xẩy ra ở những đội khác.
Mặt khác cũng nhờ thái độ đứng đắn của anh em chúng tôi nên ngay cả tay tự giác lớn tuổi của đội cũng có cảm tình nói chung với đội.
Mỗi khi có gia đình đến thăm thì anh em chúng tôi có truyền thống là chiêu đãi toàn đội trà thuốc bánh kẹo tùy hỉ và chúng tôi đều mời anh tự giác này tham dự cho vui vẻ cả làng nên cũng tránh được những va chạm không cần thiết giữa các anh em và tự giác.
Tôi cũng có một kỷ niệm nho nhỏ với anh tự giác này khi mà nguồn tiếp tế dầu hôi từ ngoài bị chặn bắt gần hết qua ngả cổng trại thì anh em trong đội bảo là cần có người mạo hiểm đột nhập vào buồng ngủ của anh tự giác và cũng là nhà kho chứa đồ của đội đang có một phuy dầu dành để chạy máy.
Nhiệm vụ này bàn tới bàn lui thấy ai cũng “nhường” nhau nên tôi cầm lấy cái lon Guigoz và bảo mấy bạn thân ở ngoài canh chừng dùm.
Khi vừa múc đầy lon thứ ba thì tay tự giác quên cái gì và y vội quay vào nhà kho và anh em bên ngoài không kịp ra dấu cho tôi nên tôi bị anh ta bắt quả tang. Không hiểu sao lúc đó tôi rất là bình tĩnh và nói thật là tôi cần ít dầu để nấu ăn và cũng không hiểu sao anh ta không nói gì và lấy cái xới đất rồi trở ra vườn rau.
Ít hôm sau tôi phải nhờ một anh làm cho tôi một cái bếp dầu hôi và đem ra đội cho anh ta để có dịp thì gửi về quê Nghệ Tĩnh của anh làm quà.
So với tính tình nhẫn nhục của anh Miên thì Anh Lực lại bộc trực và thẳng thắn của người miền Nam chính hiệu, cho nên có một hôm anh nổi nóng ngay khi đang lao động- có thể vì trời quá nóng như nung người mà cứ đứng đạp các cục đất sét cứng còng giờ này qua giờ kia – nên anh vứt cuốc vứt cái mai qua một bên để phản đối.
Mọi người tự dưng đều ngưng làm việc khi nghe anh Lực la hét và chờ xem chuyện gì sẽ xẩy ra. Tay tự giác phụ trách về kỹ thuật cho đội cũng bước cùng với quản giáo Tâm về phía anh Lực trong khi tay quản giáo cho gọi tôi lại để cùng phân xử thì du tôi vào một tình thế rất là khó khăn và tế nhị.
Lúc đó anh Lực vẫn còn đang nhìn quản giáo mà vẫn còn la hét:
-”Ông muốn làm gì thì làm, tôi hết chịu nổi rồi”.
Tôi từ từ rời bỏ cái đống đất sét nghiệp chướng kia và bước lại cạnh anh Lực, nếu tôi bênh anh thì chắc chắn là anh và có thể cả tôi sẽ vào kỷ luật , nếu tôi để cho quản giáo và tự giác phân xử thì anh Lực cũng khó thoát kỷ luật.
Cái khó chịu nhất của bị đi kỷ luật đầu tiên hết là phải đứng trước hàng quân một bên là tù chính trị và một bên là các đội hình sự để nghe trực trại hay cán bộ “giáo dục” họ sỉ vả và “xử” mình.
Tôi nắm nhẹ cánh tay anh và nói nhỏ là anh nên vào trong bóng mát để nghỉ ngơi để tôi nói chuyện với quản giáo. Anh hơi ngần ngừ một chút rồi nghe lời tôi có lẽ cũng vì là tình hàng xóm láng giềng nằm cạnh nhau.
Đến cạnh quản giáo và tay tự giác hình sự tôi bình tĩnh giải thích rằng có thể anh bị khó khăn về mặt tâm lý vì lo lắng cho gia đình nên tinh thần bị căng thẳng, để anh nghỉ ngơi một lát thì hy vọng anh sẽ bình tĩnh lại.
Quả thật khoảng một giờ sau thì thấy anh đứng đậy từ từ bước về phía chúng tôi, nhập vào tổ và lao động lại như thường. Tôi thở ra nhẹ nhõm.
Có thể vì anh em nhận được tin tức gia đình đều đặn hơn và sự căng thẳng cũng bớt dần đi và chúng tôi có thêm phương tiện để giúp cho mình quên đi hoàn cảnh hiện tại và cố mà vui sống.
Hai phương tiện đã giúp cho chúng tôi thêm thư giãn nhiều nhất chính là trà lá và văn nghệ.
Mặt khác, nhiều nhạc cụ cũng đồng thời được đưa vào trong trại như đàn ghi ta, violon, accordion nữa và các buổi văn nghệ trong buồng giam mỗi đêm thứ Bẩy đã có cơ hội thành hình.
Lúc đó tôi mới thấy tại sao trong truyện “Người Tù Khổ Sai Papillon” một thời nổi tiếng và có phim do Steve McQueen đóng và chiếu tại Sàigòn trước kia lại đề cập đến sự tối cần thiết phải bằng mọi cách đem tiền vào trong trại giam.
Nhóm mà nổi đình đám nhất vẫn là do Cậu Ba Qui tổ chức với đôi lúc Cậu Ba kéo assordion hay đàn ghi ta phụ theo, anh Quí Lùn là tay ghi ta chính và Thanh Hốt Ổ cũng cầm một cây nữa hòa theo anh Quí hay đi Bass, cò Lạt Thiếu tá Cảnh Sát Đặc Biệt là cây ghi ta chủ lực thứ nhì sau anh Quí và đôi lúc cò Ngưu cũng nhảy vô đờn và hát nghêu ngao nếu hôm nào thiếu.
Ca sĩ thì rất nhiều và đa dạng như cò Hoan “Ngố” luôn mở màn với bản Paso “Dừng Bước Giang Hồ” , Dũng Thiếu Tá ANQĐ với “Mộng dưới Hoa”, “Quách Tĩnh”, “Cả Đẫn” rất được hoan nghênh với các bài như ‘Mầu Tím Hoa Sim”, “Cười Lên Đi Em Ơi”.
Tôi thường tham gia hát bè cùng Bửu Uy -là một nghệ sĩ rất dễ thương và người hát không bao giờ biết mỏi mệt – các bài song ca như “Thiên Thai”, “Suối Mơ”, nhưng nhiều nhất vẫn là các bài nhạc Pháp và Mỹ “Main dans la Main”, “A summer Place”, “Besame Mucho”, “A time for us”…
Mỗi tối thứ Bẩy, khi nghe tin có văn nghệ là tự động trong buồng các anh em đóng góp nào trà, thuốc lá, bánh kẹo hay lo phụ trách nấu nước trà cà phê cho ban nhạc rất là vui. Nhờ có lò nấu bằng dầu hôi làm từ các vỏ đồ hộp mà hầu như buồng nào cũng có bếp dầu này rất tiện lợi.
Khi ban nhạc bắt đầu vào chương trình thì hầu như trong buồng im ắng hẳn đi, nhiều anh chui vô mùng nằm trong chăn ấm, hay hai ba người chụm lại một góc uống trà hút thuốc để thưởng thức các bài nhạc ngày xưa hay cho hồn mình cùng bay bổng với bài hát để nhớ về Sàigòn những ngày tháng cũ đầy kỷ niệm và mộng mơ.
Có những bài khi hát lên đã làm cho con tim người tù xa nhà nơi xứ Bắc thật xúc động như “Chiều trên Phá Tam Giang, anh chợt nhớ em, nhớ ôi là nhớ ôi là nhớ đến bất tận em ơi! em ơi! em ơi!…”.
Có lần Bửu Uy, người hay hát “duo” với tôi, đã không ngăn được cảm xúc và phải ngưng lại bất ngờ trong khi đang hát bài “Món Quà Cho Quê Hương” của Việt Dũng; hoặc mỗi khi hát bài “Trộm Nhìn Nhau xem dung nhan đó bây giờ ra sao, em có còn đôi má đào như ngày nào…”, thì tôi thấy bác Tư ngồi ở từng dưới lần nào bác cũng lấy cặp kiếng ra và chấm hai giọt nước mắt, chắc bác đang nhớ đến người vợ hiền ở nhà quá xa xôi bây giờ không biết ra sao.
Chương trình hình như càng về khuya thì càng hấp dẫn hơn, văn nghệ thì luôn luôn tổ chức ở từng trên cho kín đáo nhưng nhiều lần các cán binh cũng bỏ luôn ca tuần tra canh gác của họ mà ngồi bên cạnh cửa sổ để cùng nghe chương trình này. Các anh từng dưới lại đưa cho họ điếu thuốc hay chung trà và họ đều thành thực nói rằng nhạc của các anh trong Nam hay quá.
Có lần tôi đang ngồi quay lưng lại cửa sổ từng trên thì thình lình một cái nón cối leo lên ló đầu ngoài khung cửa, hóa ra anh ta yêu cầu hát bài “Nha Trang Ngày Về”, báo hại tưởng chuyện gì.
-”Thôi cũng khuya rồi chắc mình ò e con ma đánh đu nhe!”
Thì nghe ngay nhiều câu phản đối:
-”Chơi nữa đi, cần thì tôi nấu thêm trà cho”
-”Ngày mai nghỉ mà, tới luôn đi bác tài.”
Trong buồng có anh chàng Tiến mà anh em vẫn gọi là “Tiến mù” có lẽ tại cận thị nặng quá hay “chành Tiến” vì anh ta thường đứng trung gian liên lạc được với mấy tay cán binh hay tự giác để mua dùm đồ ăn thức uống cho anh em. Có hôm Tiến đi ngang qua bên dưới chỗ văn nghệ đang chơi và nhìn lên tôi và Bửu Uy rồi nói:
-”Hai cha này đeo kiếng nhưng sao hát hay quá mà tôi cũng đeo kiếng mà sao hát hổng được.”
Thì nghe có tiếng người nói:
-”Tại mày là “Tiến mù” mà là “chành” nữa thì hát với hò gì”.
Vậy là anh em còn thức cả. Cũng vui qua được một vài trống canh.
Trà lá là hai chữ được ghép lại bởi uống trà và hút thuốc lá hay thuốc lào, có lẽ xuất phát đầu tiên từ bên phía tù hình sự và tụi tôi dùng luôn cho tiện việc sổ sách.
Các quán trà lá này và những buổi văn nghệ cuối tuần cứ tuần tự bung ra nhiều nhất là trong những năm tôi ở trại Ba Sao Nam Hà ngoài Bắc và chỉ nhạt dần đi khi các “ông bầu sô” và các ca nhạc sĩ được lần lượt ra về vào cuối năm một chín tám bẩy cho tới ngày chúng tôi chuyển vào trong Nam .
Những người mà nổi tiếng nhất về chiêu đãi anh em về trà lá phải kể đến ông bầu Ngọc Thiếu Tá ANQĐ, Sơn cao kều Đại Úy KQ, Y-Trong Quận Trưởng, anh Xuân võ sư, chú Wòng người Tầu, không biết phạm tội gì mà cũng bị đưa tuốt ra Bắc.
Vào những buổi chiều khi đi lao động về hay ngày Chủ Nhật thì các anh bầy “quán hàng” ra, nấu nước pha trà “móc câu” ngon rồi ủ nó lại bên cạnh mấy cái chung và anh em nào nghiện trà đều có thể ghé qua ngồi nhâm nhi và tán dóc hay trao đổi những tin tức thời sự mới nhất trong ngày.
Tôi cũng là một trong những người thường xuyên ghé lại các “quán trà” ấy bởi vì lúc đầu thì uống trà thấy nó có vẻ hơi chan chát thế nào nhưng dần dà nghiện nó lúc nào không biết, và nghiện ngay cả cái khung cảnh thật là đơn sơ và thân tình của cái ghế gỗ thấp lè tè bên cạnh cái bàn gỗ mộc cũng thấp chủm và ấm trà nóng với nụ cười của các chủ “quán”.
Gọi là “quán trà” nhưng nhiều khi các anh cũng nấu những món rất là hấp dẫn như hủ tíu, mì gói ăn liền. Tôi mê nhất là món cá Nục kho hấp mía của Y-Trong, các con cá Nục làm sạch xong xếp ngay ngắn trên các khúc mía chẻ hai rồi cho nước mắm vào hầm cho đến khi khô queo lại ăn với cơm thì tuyệt cú mèo. Vì vậy khi tôi có mì bún và gia vị nhà gửi vào thì đưa cho mấy tay “chủ quán”này nấu rồi ngồi cạnh cái bàn thấp chủm đó cùng ăn với nhau rất là vui.
Những khoảnh khắc ngồi giữa sân trước buồng giam nhìn lên trời trên cao lúc mây xám bay ngang qua đầu với núi biếc non xanh mờ nhạt chung quanh nhất là những chiều cuối Thu se lạnh sang Đông, và nhâm nhi chung trà hay ly cà phê, hút điếu thuốc lá hoặc rít điếu thuốc lào ba số tám thì cảm thấy thật là sảng khoái và nếu quên đi thân phận tù đầy thì chẳng khác gì như người đang tu khổ hạnh trên đỉnh non cao vậy.
Tôi thường ghé lại hầu hết các “quán” này ngoài sân hay ngay tại chỗ nằm của các bạn cùng chung một sở thích là uống trà.
Có khi thấy tôi vừa ghé lại thì Y-Trong hay anh Xuân xúc ngay ấm để pha trà mới và rót cho tôi thưởng thức một loại trà ngon mà các anh vừa mua được. Trà ngon thường là pha đậm nên khi uống thì có vị hơi ngọt qua cổ họng nhưng phải uống quen vì có lần bụng trống tôi uống mấy chung xong thì lần đầu tiên trong đời biết thế nào là say trà.
Say rượu thì đã khó mà chịu được rồi nhưng có lẽ say trà mới làm cho con người mình trong tình trạng say vào trong bao tử còn khó chịu hơn nhiều lần nữa.
Không hiểu sao cái thú trà lá này chỉ phát triển mạnh tại Ba Sao Nam Hà nhưng cho đến khi di chuyển vào Hàm Tân trong miền Nam thì tự dưng nó biến mất, có phải chăng là đa số các chủ quán trà đều đã được thả ra về? Hay vì miền Nam nắng ấm và các thức uống trong Nam dồi dào hơn nên chuyển qua cà phê đá và đôi lúc là bia? Dầu sao cũng mất đi một cái thú rất là tao nhã.
Phải nói rằng hầu như tất cả các loại trà ngon ngoài Bắc tôi đều được thưởng thức qua hết từ những trà móc câu nguyên chất đến các loại ướp hoa Nhài, hoa Cúc, nhưng có lẽ chỉ khi vào đến trong Nam tôi mới tình cờ có cơ hội được uống một loại trà ướp Sen mà khó có loại trà nào sánh bằng bởi vì nó được ướp thực sự trong những búp Sen chứ không phải là hương thơm của hóa chất giống mùi hoa Sen trộn vào. Bởi vậy, tôi chẳng thể nào quên được.
Cậu em rể tôi là Dũng Anh – để phân biệt với cậu em rể nữa là Dũng Em đã đi vượt biên từ hơn hai mươi năm nay rồi – Dũng Anh đang làm cho một nhà hàng ở Sàigòn và có tài nấu nướng rất là tài giỏi và biến báo cho nên khi nào có em tôi hay con tôi đi thì cậu em rể này đều đi theo và ở lại để phụ trách vấn đề ẩm thực. Nhờ vậy thời gian ấy tôi cũng được ăn nhiều món ngon không ngờ và nóng hổi ngay trong tù, trong căn nhà tranh bên dòng suối.
Những hôm được ở lại thì em gái tôi hay chạy sang mời các anh chị ở những căn nhà tranh bên cạnh qua cùng ăn cho vui các món ăn ngon và lạ mà cậu em rể vừa nấu xong và tình thân của những gia đình đồng cảnh ngộ lại càng thắt chặt hơn.
Có thể cái nghiệp chướng tù đầy này sắp hết chăng nên những niềm vui đang đến trở lại?
Lúc ra đến nơi thì ôi thôi cả một phái đoàn y như ngày xưa các bà đi thăm và ủy lạo các thương bệnh binh chúng ta trong Tổng Y Viện Cộng Hòa vậy. Đông mà vui như Tết và như thể ai cũng giành nói và chẳng có người nghe. Hướng dẫn phái đoàn là chị Lãm và khoảng một chục chị nữa đi thăm chồng và các bạn của chồng và các giỏ thùng quà thì chất hết cả một góc phòng chưa kể các túi xách tay đựng thức ăn tươi mà các chị luôn để bên cạnh mình.
Phái đoàn được thăm nuôi cũng đông không kém đến hai chục anh em cùng đi ra một lúc trong đó có đủ cả bốn ông Tướng Lê Minh Đảo, Trần Bá Di, Lê Văn Thân và Đỗ Kế Giai nữa.
-”Anh không có thân nhân đến thăm sao?”
Tôi giật mình vì thấy đứng ngay trước mình là một người con gái dáng lịch sự và giọng nói rất là dịu dàng.
-”Xin lỗi cô! Tôi tưởng cô hỏi ai chứ. Hôm nay tôi ra nhận quà gia đình thôi.”
Thế rồi nàng xin phép ngồi xuống bên cạnh tôi và khi biết hoàn cảnh của tôi thì nàng chợt bối rối và có vẻ xúc động, nhưng trấn tỉnh lại:
-”Xin lỗi anh! Phượng hơi tò mò làm cho anh buồn. Hôm nay Phượng theo phái đoàn của chị Lãm lên đây cũng là vì nghe nói nhiều về các anh nên muốn gập xem các anh là ai mà sao ở tù lâu thế vẫn còn trong đây chưa được thả. Bên ngoài họ cứ nói đùa là tại các anh không thuộc bài.”
Tôi bắt đầu có cảm tình với nàng bởi nàng dùng chữ “ở tù” chứ không dùng từ “cải tạo” như nhiều người khác.
Bấy giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ Phượng. Nàng chạc ngoài ba mươi, khuôn mặt đẹp một cách thông minh, tóc xõa hai bên vai trên cái áo sơ mi xanh nhạt và cái quần jeans cũng mầu xanh và đôi guốc mộc.
Nàng cũng nhìn tôi đăm đăm và tôi bắt gập cái nhìn ấy rồi vội quay đi.
Sau này nàng thổ lộ rằng nàng thấy tôi trông rất quen như có gập ở đâu rồi và không hiểu sao nàng bị cuốn hút có lẽ bởi sự trầm tĩnh cam chịu số phận của tôi? Hay như nàng tâm sự sau này vì nàng chưa thấy ai phái nam mà có hàng lông mi cong đẹp như vậy?
Nói chuyện chưa bao lâu thì tay cán bộ thăm nuôi hối các gia đình ở lại qua bên khu nhà tranh và ai vào trại thì ra căng tin chờ.
Nàng hỏi tôi họ tên và ở đội nào, tôi cũng trả lời cho có vì hiểu rằng thân mình tù tội biết ngày nào ra khỏi chốn này và nghĩ rằng chẳng bao giờ gập lại nàng lần thứ hai.
-”Anh ráng giữ gìn sức khỏe nhe!”
-”Cám ơn Phượng! Cầu Trời Phật phù hộ cho những người có một tấm lòng như cô.”
Ngày hôm sau ra lán lao động cuốc đất mà tôi cứ nghĩ đi đâu đâu trong khi tụi bạn thì tha hồ châm chọc. Nibubư thì cười cười:
-”Tay Đại này khờ quá! người đẹp đã đến làm quen mình mà không dám nói năng gì cả. bây giờ nàng đi mất rồi mới tiếc?”. Tôi trả lời:
-”Thì mình có nói với cô ấy rằng có Duyên sẽ có ngày gập lại mà”.
Nibubư là biệt hiệu anh em đặt cho cò Niệm bởi lẽ từ ngày có thăm nuôi ở ngoài Bắc vào đến trong Nam thì anh ta có vẻ phát triển theo bề ngang thành Niệm bụng bự.
Có lúc cu cậu cũng tức tối muốn tìm xem tên nào cả gan đặt tên cho anh ta như vậy mà còn kêu biệt danh đó công khai trước mặt vợ anh ta ngoài khu thăm nuôi nữa chứ, làm mất mặt bầu cua quá.
Thực tâm mà nói sau này tôi cũng rất thân với Hoan nhưng cũng phải công nhận là anh ta…Ngố thật.
Có lần anh ta nói làm tôi phục sát đất vì không biết tại sao anh ta kiến thức còn hơn tôi xa:
-”Ông biết thuốc lá Kent không? Biết ai là nhà sản xuất nó không?”
Tôi đang bối rối chưa biết trả lời sao thì anh ta mau mắn:
-”Đô Đốc Mc Cain đó!”
-”Sao ở trong tù mà ông hay quá vậy?” Tôi nói với sự cảm phục bạn mình vì trong đó tụi tôi cũng rất thích các loại thuốc lá nhẹ như Kent, Salem.
-”Thì ông không thấy Kent và Cain nó vần âm giông giống nhau sao?”
Chả trách tay nào đặt cho biệt danh Ngố như vậy cũng đúng nhưng từ đó về sau tôi phải rất cẩn thận mỗi khi anh ta đố câu gì.
Cho nên sau này mỗi khi Tấn Bầu kể chuyện là anh em biết tính nên thường chặn ngang:
-”Này! Ông vào phim đi chứ loanh quanh cuối thế kỷ hai mươi rồi đến thế kỷ hai mốt cũng vẫn còn quảng cáo?”
Các bạn thân của tôi nhiều khi như vậy đấy nhưng chúng tôi sau này không nói ra mà thương nhau còn hơn anh em trong gia đình.
Nàng cho tôi biết rằng đã xin phép địa phương nên hôm nay là thăm tôi là chính thức chứ không phải đi theo các chị như lần trước.
Tôi cám ơn nàng nhưng Phượng gạt đi và nói là nàng rất vui gập lại tôi và hỏi thăm tôi có khỏe không. Tôi thấy nàng trông “mi-nhon” hơn trong cái váy đầm mầu hồng nhạt nhưng dáng có vẻ không tươi như lần trước thì được biết là nàng hay mất ngủ kể từ hôm lên đây kỳ rồi.
Tôi đưa Phượng ra căng tin và chọn một cái bàn bằng gỗ mộc đặt ở ngoài trời cho mát, phần của căng tin xây nhô ra bên trên dòng suối với một cái lan can gỗ đơn sơ bao quanh trông cũng rất là nên thơ.
Vừa ngồi xuống ghế thì Phượng nói là trong giỏ quà có một món rất đặc biệt mà hy vọng là tôi thích là lạng trà búp ướp Sen.
Nhờ nàng quen với một gia đình ở Ngã Ba Ông Tạ có hồ Sen và chính tay họ đã tự ướp lấy nên trà này là trà Sen thực, lâu lắm mới có dịp mua được.
Tôi không ngờ hôm trước cũng tại nơi đây, tôi ngồi uống với nàng ly trà nóng và nói trà không ngon mà nàng nhớ và mua cho tôi thứ quà giá trị này hôm nay.
Nhìn xuống dòng suối bên dưới chân mình đang chẩy róc rách qua những phiến đá mầu ngà, từng phiến, từng phiến một con suối cứ chẩy mãi qua những phiến đá. Trên đầu là bầu trời xanh xanh không gợn áng mây, bên kia bờ suối là khu rừng lá Buông thật tĩnh mịch khi chiều đang xuống dần, ráng chiều đang hắt những tia nắng yếu ớt xiên xiên lấp lánh từ bên kia qua các cành cây Buông rọi sang phía bên này trong tiếng gió rì rào thổi lướt qua cái bàn gỗ như thì thầm muốn nói điều gì đó với hai người vừa mới quen nhau.
Một con cá chợt quẫy đuôi nhẩy lên khỏi mặt nước như chào mừng hai đứa tôi rồi lặn sâu xuống dòng suối mát, trở về cái không gian mênh mông của nó để xuôi nguồn.
Tôi ước gì giá mình không còn thân phận tù đầy.
-”Anh đang nghĩ gì vậy?”
-”Không có gì! cám ơn em trà Sen nhé, anh rất thích. Anh chỉ nghĩ giá như…” Nàng khoát tay như không muốn tôi nói nữa:
-”Em đang đến thăm anh đây, anh đừng có buồn nữa nhe. Anh còn buồn thì…em không ngủ được”. Phượng ngừng một chút rồi nói:
-”Tôi nghiệp anh quá. Anh đâu có làm Tướng Tá gì đâu mà sao họ giam anh lâu quá vậy?”
-”Sao em lại mất ngủ? Xin lỗi em, anh vô ý quá.”
Tôi trong lúc xúc động đã nắm lấy tay nàng, những ngón tay búp măng ấy cũng siết lấy bàn tay tôi. Hai bàn tay đều hơi lạnh vì ngồi trên bờ suối đã lâu như đang muốn tìm hơi ấm cho nhau:
-”Anh mà cứ buồn mãi thì…em không đến thăm anh nữa đâu!”
Tôi nhìn vào khuôn mặt thông minh nhưng hơi bướng bỉnh ấy:
-”Em à! Cho phép anh nói điều này nhe. Thực sự ra, anh không biết anh còn ở tù đến bao giờ. Bạn bè anh còn lại ở đây chẳng bao nhiêu nhưng tụi anh cũng được gia đình lo cho đầy đủ cả, anh không muốn em tốn kém vì anh.”
Rồi tôi ngập ngừng:
-”Nếu…nếu mà em có lòng tốt lên thăm anh thì đi tay không thôi, mình ra đây ăn trưa cũng được anh có tiền mà, anh rất cám ơn nhưng đừng mua gì hết.”
Văng vẳng đâu đây tiếng người nói lao xao, có thể các đội lao động giờ đang đổ dồn về phía cuối dòng suối này cho các tù nhân tắm giặt trước khi vào trại.
Đã đến giờ chia tay, nàng đứng dậy với một thoáng buồn lướt nhanh trên khuôn mặt, tôi đi theo vào căng tin. Mấy cặp mắt của những tù nữ phục vụ phía sau quầy đang ngó ra nhìn tôi và nhìn Phượng, có lẽ bộ áo đầm thanh nhã của nàng?
Bất ngờ nàng khoác tay tôi và nhìn tôi với ánh mắt hãnh diện rồi liếc về phía mấy cô phục vụ sau quầy mỉm cười chào họ.
-”Anh không có quen các cô đó!”
-”Em có nói gì đâu?”
Kể ra phụ nữ họ tinh thật, tôi thì ngốc ngếch chả hiểu gì tâm lý phụ nữ vì thế sau này nghĩ lại mới thấy Phượng thật khôn, nàng muốn ra dấu cho các cô tù nữ rằng tôi là của nàng đấy, đừng có léng phéng.
-”Anh chỉ được đưa tiễn em tới mấy bực thềm này thôi. Anh không ra ngoài khu căng tin đến tận xe đò để tiễn em được. Em đừng buồn nhé!”
Nàng vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trước trán nhìn tôi:
-”Không sao anh. Em hứa là sẽ lên thăm anh nhưng chưa biết khi nào, anh đừng có mong nhe, tôi nghiệp anh.”
Căng tin chỉ còn lại một mình tôi đứng đó trên mấy bực thềm, các gia đình được ở lại thì đều đã nhờ anh Lộc hay anh Trí kiếm cho một xe cải tiến để chở đồ đạc qua khu nhà tranh chuẩn bị cho bữa cơm chiều đoàn tụ. Mừng cho các bạn mình được ở lại, một chút đầm ấm với gia đình.
-”Thôi mình vào trại đi anh Đại”.
Tiếng của tay cán bộ phụ trách khu thăm nuôi như đưa tôi trở về thực tế. Anh ta đến bên tôi lúc nào tôi không hay.
Ừ thì vào trại, con đường này tôi đã đi qua lại nhiều lần nhưng sao lần này thấy nó có vẻ dài lê thê và vắng lặng như vậy? Hay là tâm trí tôi đang bay theo chuyến xe đò xuôi về Sàigòn?
Dẫu sao thì lòng tôi ngày hôm nay cũng đang được sưởi ấm rất nhiều vì trong giỏ quà nhỏ bé tôi đang xách trên tay, mùi hương của hoa Sen đang tỏa ra thơm ngát với lời nói của nàng như còn đâu đây:
-”Em hứa là sẽ lên thăm anh nhưng chưa biết khi nào”.