Phần I: Khu Rừng Lá Buông
Trời đã sẫm lại từ lúc nào, bóng tối đã bao phủ cả khu vực trại giam Z-30D Hàm Tân,Thuận Hải, tất cả đều yên tĩnh và chỉ còn nghe vẳng từ thật xa tiếng gió xào xạc qua những khu rừng lá.
Bên phía các buồng giam tù hình sự im ắng lạ thường bởi vì hầu hết đều kéo lên hội trường để xem phim bộ và những ngọn đèn vàng không đủ chiếu sáng cái sân trại quá rộng.
Tôi ngồi trên chiếc ghế đá trước cửa buồng và nhìn lên bầu trời xanh thẳm không một gợn mây với những ngôi sao lung linh như muốn đem thêm chút ánh sáng xuống cho một vùng trái đất đang đi vào bóng đêm.
Chợt một ngôi sao đang đổi ngôi. Tôi nhớ có ai đó nói với tôi rằng nếu mình ước nguyện điều gì khi có một vì sao đang đổi ngôi thì sẽ được toại nguyện, nên vừa nhìn ngôi sao đó tôi vừa cầu nguyện cho tất cả các tù nhân chính trị chế độ cũ đang bị giam giữ ngay chính trên quê hương họ sẽ sớm được trả tự do.
Sau bữa cơm chiều, tôi đã ngồi đó một mình trên ghế đá.
Trong buồng, các bạn tôi đang đọc sách báo, nằm nghỉ trên giường, hay đang ngồi uống trà hàn huyên để chuẩn bị đi ngủ.
Phía bên phải căn buồng là một căn phòng được xây cao hơn với bực tam cấp và dành cho bốn ông Tướng còn lại là Lê Minh Đảo, Trần Bá Di, Lê Văn Thân và Đỗ Kế Giai.
Mỗi ông tướng đều có một nét riêng mà anh em chúng tôi đều kính mến như những người anh cả trong gia đình.
Anh Đảo thì văn nghệ, và là người hùng của trận Xuân Lộc nơi mà sư đoàn 18 bộ binh của ông dù súng đạn đã cạn nhưng tinh thần vẫn bất khuất và vẫn anh dũng chặn đứng và cầm chân bốn sư đoàn Bắc Việt trong tỉnh Long Khánh hơn hai tuần lễ và chúng đã không thể tiến thêm được một bước nào về Sàigòn như kế hoạch đã chỉ thị. Anh Di thì luôn tươi cười khi nói chuyện với anh em. Anh Thân thì hoà nhã, và anh Giai thì luôn thâm trầm nhưng lại rất cởi mở và rôm rả khi chúng tôi ghé lên mấy bậc tam cấp thăm các anh.
Tôi nghe thấy tiếng sáo du dương của ông Thân hòa với tiếng đàn ghi ta của ông Đảo vẳng xuống trong một bản nhạc mà ông Đảo đã sáng tác riêng để tặng cho Mẹ. Chợt tôi thấy lòng mình như lâng lâng theo tiếng đàn và tiếng sáo và một nỗi buồn man mác từ đâu đưa tới vì mới đó mà đã bốn năm rồi kể từ khi chuyển trại vào miền Nam và chúng tôi vẫn còn ở lại nơi đây.
Quả là thời gian thật vô tình và lạnh lùng như giòng suối ngày đêm róc rách không ngừng chảy qua khu rừng lá Buông này vậy.
Bây giờ là tháng Tư năm một chín chín hai và chúng tôi vỏn vẹn chỉ còn đúng hai mươi người trong đó có bốn tướng và mười sáu anh em từ cấp đại tá, trung tá, thiếu tá, trung úy, một anh hồi chánh viên, một thiếu úy trinh sát tỉnh (PRU), hai anh trong Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo (PĐUTƯTB) và một anh về từ tầu Việt Nam Thương Tín (VNTT).
Mỗi người đúng là một vẻ khác nhau nhưng thẩy đều có một điểm chung là đang đi trên quãng đường gian nan cuối cùng của một cuộc hành trình tưởng rằng sẽ không bao giờ tới đích.
Đây là những người tù cuối cùng đã bị bắt hay “tập trung cải tạo” từ sau khi mất miền Nam, những người đã cùng tôi đi suốt chặng đường dài lịch sử của mười bẩy năm “tập trung cải tạo” ròng rã. Một quãng thời gian mà không một ai dù là có một trí tưởng tượng phong phú đến cách mấy có thể hình dung được chiều dài của nó với bao nhiêu là biến động thăng trầm và sóng gió của một đời người trong trại giam Cộng Sản, nhất là ở một đất nước nghèo đói và lạc hậu nhất thế giới như tại Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ngoài các vị tướng lãnh và đại tá, trung tá An Ninh Quân Đội (ANQĐ) hay các thiếu tá Cảnh Sát Đặc Biệt (CSĐB) là những người mang “nợ máu với nhân dân” như Cộng Sản vẫn tuyên truyền thì anh Hoà chỉ là thiếu úy trinh sát tỉnh (PRU) và anh Miên một hồi chánh viên hay anh Bửu Uy, một nhân viên PĐUTƯTB mà không hiểu vì sao cũng mang một lý lịch thật “nặng ký” mà Bộ Nội Vụ họ không muốn thả.
Cũng như anh Hiểu, người về từ tầu VNTT, chỉ vì nhớ vợ nhớ con mà đã nhất định bỏ bến bờ Tự Do mà mình vừa đặt chân tới để bước lên con tầu định mệnh mà trở về.
Nhưng than ôi khi tầu vừa vào hải phận Nha Trang thì các người trên tầu đều bị điệu ngay vào bờ và nhốt ngay vào trại giam không cần xét hỏi gì trước. Anh Hiểu thì bị kiên giam ngay trong điều kiện vô cùng ngặt nghèo bởi vì lý lịch anh là làm việc cho toà lãnh sự Mỹ tại Vùng II trước đó, cho nên họ nghi anh và các người trên tầu đều là gián điệp của Mỹ gửi về để đánh phá “Cách Mạng”?
Anh không những không về được căn nhà cũ để thăm vợ con để được nhìn mặt những người thân yêu một lần nữa mà cũng không ra khỏi khu biệt giam để rồi bất ngờ bị ném vào một cuộc hành trình kéo dài tới mười bẩy năm “tập trung cải tạo” tưởng như dài vô tận đầy những gian nan và uất hận.
Tổng kết một cách sơ lược thì thấy số tù nhân còn lại đều thuộc về những ngành dính dáng đến an ninh và tình báo như ANQĐ, CSĐB, và PĐUTƯTB, họ được xem như những nhân vật “nặng ký” nên được “chiếu cố” một cách kỹ lưỡng suốt mười bẩy năm, qua bao nhiêu là trại giam từ Nam ra Bắc và lại từ Bắc xuôi về Nam.
Nhưng nhìn những nét mặt bình thản có vẻ vô tư của họ và những nụ cười mà họ trao đổi với nhau, ít ai hiểu được bao nhiêu là gian truân hiểm nguy, nhọc nhằn, và tủi nhục mà họ đã phải đi qua trong suốt chiều dài của mười bẩy năm tù đầy và lao động khổ sai triền miên trên chính đất nước và quê hương của họ dưới mũi súng của quân thù nay là kẻ chiến thắng. Nhiều lúc nhìn lại chính tôi cũng không hiểu tại sao mà mình còn sống sót đến giờ phút này.
Phải chăng ông Trời phú cho con người một sức chịu đựng phi thường, một tiềm năng vô tận để đáp ứng lại mọi tình huống khó khăn nhất, căng thẳng nhất cả về tinh thần lẫn vật chất?
Phải chăng những lời cầu nguyện của chúng tôi hằng đêm đã động đến lòng thương xót của Trời Phật và Ơn Trên đã cứu giúp?
Có những tai nạn xẩy ra hầu như hàng ngày mà chúng tôi vẫn thoát khỏi trong đường tơ kẽ tóc bao nhiêu năm qua có phải đã có bàn tay mầu nhiệm nào che chở?
Tôi chợt nhớ tới một đoạn trong thông điệp gửi nhân dân Mỹ vào dịp Giáng Sinh vào khoảng năm một chín tám ba, Tổng Thống Ronald Reagan “đã đề cập đến tình hình thế giới, chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Nga Sô, và cuối bản thông điệp Tổng Thống có gửi lời thăm hỏi đến gia đình và những tù nhân chính trị tại Việt Nam; những con người trước kia đã hằng ngày đối mặt với quân thù ngoài chiến trường, và nay trong trại giam vẫn hằng ngày đối diện với kẻ thù, đang phải chịu những sự trả thù một cách tàn bạo và hy sinh trong lặng lẽ âm thầm, và Tổng Thống nhắn nhủ rằng ông và chính phủ Hoa Kỳ không bao giờ quên họ – những vị anh hùng”.
Sau đợt thả Tết năm Nhâm Thân đầu năm một chín chín hai thì tổng số những người tù cuối cùng của Ba Sao chuyển vào Hàm Tân bốn năm trước từ một trăm năm mươi tư người bây giờ chỉ còn lại đúng hai mươi người. Hai mươi người này được tập trung hết vào đội 23 để tiếp tục lao động mỗi ngày, nhưng tình hình đã hoàn toàn đổi khác thuận lơị một cách bất ngờ. Chúng tôi chỉ đi ra hiện trường lao động cho có lệ chứ không còn phải lao động theo chỉ tiêu như trước.
Quân số đội 23 là hai mươi người, nhưng đúng ra phải kể cả con chó Pepsi rất là dễ thương của Hoàng Hiểu -người về từ VNTT- nữa là hai mươi mốt.
Con Pepsi này anh Hiểu đã xin khi nó mới sanh ra và nuôi nó lớn lên thành con vật được cưng chiều nhất của đội, được mọi người yêu thích và mỗi khi đội xuất trại lao động là nó chạy theo.
Anh đặt tên cho nó là Pepsi không biết có phải để nhớ lại vùng đất Tự Do mà anh vừa đặt chân đến nhưng đã chối bỏ nó rồi bước lên tầu VNTT để tìm về với vợ con và sa chân vào gông cùm xiềng xích?
Khi anh Hiểu vào rừng đi đốn củi cho đội thì con Pepsi cũng chạy theo, hay lẽo đẽo theo tôi ra chỗ lao động nằm trong bóng mát nhìn các ông chủ của nó cuốc đất hay trồng cây, hoặc theo anh Thắng, đầu bếp của đội nằm trong lán để chờ đến chiều trước khi về trại là được anh Hiểu, tôi hay anh Thắng tắm cho nó bên cạnh giòng suối. Những lúc nó được tôi sát sà bông và tắm rửa sạch sẽ xong thì thường nhìn tôi với cặp mắt biết ơn rồi lon ton theo đội vào trại.
Có lần nó chạy vào rừng sâu rỡn chơi cái gì không biết, khi về thì ôi thôi hôi hám chịu không nổi và tôi đã phải nhấn đầu nó xuống giòng suối một lúc rồi mới dám sát sà bông và cọ rửa cho nó. Bực quá, tôi phát cho nó mấy cái thật mạnh vào mông vậy mà nó biết lỗi và im lặng chịu đòn đuôi cúp xuống va không dám phản ứng gì.
Có những lần tôi được gọi ra khu thăm nuôi và trong khi đang ngồi nói chuyện với gia đình, tôi nghe thấy tiếng cào cào vào cánh cửa và cái đầu của con Pepsi ngó vào trong để cho tôi thấy là nó cũng có mặt như là một thành viên trong gia đình vậy, thật là dễ thương hết sức. Nó chờ cho đến khi tôi bước ra vuốt đầu nó khen ngoan thì mới vẫy đuôi chạy mất về đội.
Nhiều lúc tôi cũng không giải thích được, y như là nó nghe được tiếng người vậy nên khi thấy tôi chuẩn bị vô trại thì sau đó nó chạy theo và ra tận khu thăm nuôi để tìm tôi cho bằng được.
Trong thời gian tại trại Hàm Tân, một điều đặc biệt là buồng giam chúng tôi không có khoá cửa ban đêm, trong khi cứ sáu giờ chiều là khu bên trại hình sự cửa ngõ đều khoá trái. Chỉ có điều là đúng chín giờ tối thì có một cán binh bảo vệ đi tuần ngang qua và nhắc chúng tôi vào trong buồng không ở ngoài sân nữa và khép hờ cửa lại mà thôi. Điều này làm tôi nhớ lại khi mới bị tập trung vào “cải tạo” tại trại cô nhi Long Thành thì chung quanh chỉ có một hàng rào dựng lên với những tấm liếp bằng tôn đơn sơ mà thôi và các căn phòng thì không có cả cửa sổ và cửa ra vào nữa, không khóa cửa y như bây giờ, một chu kỳ đã khép kín lại chăng?
Một đặc biệt nữa của trại Hàm Tân này mà thiếu tá Nhu trưởng trại dành cho chúng tôi là tù nhân chính trị được mời đi xem các phim bộ mỗi đêm trên hội trường miễn phí trong khi hình sự nam và nữ phải mua vé. Đây cũng là một hình thức kinh doanh rất thành công của thiếu tá Nhu vì trong tù có gì mà giải trí đâu cho nên tối đến là hội trường đông nghẹt tù nam và tù nữ trong những bộ quần áo thời trang và cũng là dịp cho họ hò hẹn gập gỡ nhau.
Một nhóm chúng tôi thường hay đi cùng với nhau những buổi tối để xem những phim bộ nổi tiếng lúc bấy giờ như “Võ Tắc Thiên”, “Thái Bình Công Chúa”,v.v., và mỗi khi đến cổng hội trường thì các anh chị trật tự đều chào hỏi chúng tôi một cách trân trọng, và đứng qua một bên nhường đường cho chúng tôi vào và hai hàng ghế trên cùng là ưu tiên để trống dành cho các bác, các chú, các anh tù chính trị.
Nơi ăn ở của chúng tôi vì số lượng còn lại quá ít nên được dành cho hai buồng nhỏ nhưng sạch sẽ trong một góc trại, và có giường đơn riêng cho mỗi người chứ không còn phải nằm xếp lớp như cá mòi trước kia trên những phản gỗ hay xi măng; còn toàn khu trại rộng mênh mông là dành cho tù hình sự nam và nữ.
Trong thời gian này, chúng tôi có phần may mắn vì dù là ít người nhưng phía bên hình sự từ trật tự viên đến tù nhân nam nữ thẩy đều tỏ ra có thiện cảm với chúng tôi nên những năm tháng cuối cùng ở đây cũng dễ chịu và không có gì nguy hiểm. Một phần cũng do khi họ có cần gì thì anh em chúng tôi đều bảo nhau giúp đỡ cho họ về thuốc men hay thực phẩm khô khi gia đình họ chưa tới thăm kịp thời. Đây cũng là phẩm chất của người Quốc Gia trong con người tù nhân chính trị, cho nên khi đi đến đâu cũng đối xử với lòng hảo tâm và nhờ đó mà chiếm được nhân tâm mọi người, làm dịu đi sự căm thù của tuyên truyền chống lại họ hay chuyển thù thành bạn.
Thật là hoàn toàn trái ngược với thời gian khi mới chuyển trại từ Nam ra Bắc sau khi mất miền Nam, và phải ở chung với bên hình sự với sự đối xử như muốn nhận chúng tôi xuống bùn đen.
Ban ngày thì lao động và khẩu phần ăn thiếu thốn đã làm chúng tôi kiệt quệ về sức khoẻ, ban chiều về trại lại phải nghe những tiếng mắng chửi thậm tệ nào là “bán nước” nào là “Mỹ Ngụy”,v.v., từ phiá các đội lao động hình sự mà tôi tin là có bàn tay khích động của các cán bộ của họ đằng sau lưng. Mục đích là làm cho chúng tôi thêm ê chề và là một hình thức trả thù cả về thể xác lẫn tinh thần đối với những người bại trận.
Nhìn lại bốn năm trước, khi chuyển trại từ Ba Sao Nam Hà về Hàm Tân Z-30D, miền Nam, chúng tôi chín mươi người tù cuối cùng tại miền Bắc được tập trung với những anh em còn lại trong Nam thành tổng số khoảng một trăm năm mươi tư người và chia ra thành hai đội để đi lao động.
Đội 23 gồm các tướng và các anh tuổi từ năm mươi lăm trở lên và được lao động nhẹ hơn, và phần còn lại dưới năm mươi lăm tuổi thì được “biên chế” về Đội 20 và lao động chỉ tiêu theo như bên hình sự. Được cái thuận lợi là khí hậu miền Nam dù ban ngày có nóng nực đi chăng nữa nhưng ban đêm thì rất dễ chịu chứ không nóng như nung người về đêm của mùa Hè hay giá lạnh căm căm của mùa Đông mưa phùn gió bấc của xứ Bắc nên sức khoẻ chúng tôi cũng dần dần khá lên. Gia đình cũng ở gần nên sự tiếp tế được thường xuyên hơn.
Nhưng sau mười ba năm lưu đầy từ Nam ra Bắc, không ngờ cuối cùng về Hàm Tân chúng tôi lại bị cưỡng bách lao động khổ sai trong khi tay trưởng trại công khai tuyên bố là các anh về đây để được ở gần gia đình và chờ ngày được thả về mà thôi.
Một hôm, có bão rớt ở miền Trung và vùng khu rừng lá Buông này thì chỉ mưa lất phất nhưng gió mạnh, và tụi tôi được lệnh “vô thung” tức là theo các đội hình sự vào sâu trong thung lũng để trồng cây đào lộn hột bấy giờ là mục tiêu sản xuất chính của trại.
Khi đi qua một khu rừng thưa, dù là vác trên vai cuốc xẻng mà chúng tôi vẫn cố lần từng bước một để bám chặt chân xuống đất vì gió thổi quét ngang rất nguy hiểm. Mãi mới di chuyển ra khỏi được vùng gió xoáy đó.
Không ai bảo ai chúng tôi đều quẳng các đồ nghề xuống bên đường và ngồi nghỉ, người vấn điếu thuốc, người nhấp ngụm nước trước cặp mắt ngạc nhiên của tay quản giáo và bảo vệ trong khi các đội hình sự khác vẫn từ từ qua mặt. Tay quản giáo kêu anh đội trưởng cho đội tiếp tục lên đường để vào khu sản xuất, anh đội trưởng nói là anh em đều đã mệt và phải nghỉ một chút rồi mới đi được. Thường thì bao giờ quản giáo ra lệnh thì đội mới được nghỉ ngơi, bây giờ tự dưng tất cả đội nghỉ ngang xương làm cho tay quản giáo vừa tức giận vừa ngạc nhiên. Y sợ trách nhiệm nên hối thúc mọi người đứng dậy.
Có lẽ tức nước vỡ bờ vì tuổi đời đều đã cao, sức khoẻ không còn mà vẫn bị cưỡng bách lao động theo các đội hình sự trẻ tuổi nên anh em mỗi người một câu để chống đối lại sự cưỡng bức lao động phi lý đó nên như ngọn sóng càng lúc càng lên cao dần và bùng nổ ra thành một cuộc biểu tình ngồi lần đầu tiên xẩy ra của đội 20 trước con mắt tròn xoe của tay quản giáo và đám cán bộ của các đội khác đang xúm lại chỉ chỏ.
-”Ông vào trong trại thông báo cho Ban biết rằng chúng tôi không thể lao động như thế này được nữa và tùy Ban quyết định.”
Tay quản giáo đành phải bảo chúng tôi vào một căn nhà hoang bên đường để tạm nghỉ trong khi hắn đạp xe đạp vào trại để xin chỉ thị.Đến nước này rồi thì không thể lui lại được nữa và anh em chúng tôi nhìn nhau và sẽ chấp nhận bất cứ hình phạt nào chứ nhất quyết không lao động ngày hôm đó.Một giờ đồng hồ trôi qua không thấy gì, rồi một giờ nữa thì có tay thượng úy, phó trại và hai cán bộ đến nói chuyện. Sau khi nghe các anh em trong đội phân tích và phản đối cách lao động không hợp lý dành cho đội 20 thì tay thượng úy có lẽ đã được chỉ thị trước, đồng ý cho đội rút về trại.Kể từ ngày hôm đó thì đội 20 sẽ chỉ lao động chung quanh trại mà thôi và không phải theo chỉ tiêu như bên hình sự nữa. Anh em chúng tôi thở ra nhẹ nhõm với chiến thắng bất ngờ đó và lục tục kéo về trại trước những cặp mắt ngạc nhiên của các tay cán bộ và cán binh bảo vệ vì nếu như bên hình sự mà chống đối như vậy thì cùm ít nhất hai tuần lễ, biệt giam và cắt thăm nuôi.
Trong bốn năm chúng tôi ở trại Hàm Tân, quy chế về thăm nuôi cũng được nới lỏng nên gia đình đến thăm có thể truyện trò thoải mái chứ không bị khó chịu vì sự hiện diện của tay cán bộ phụ trách như những năm mới được gia đình đến thăm tại các trại ở miền Bắc.
Tay trại trưởng thiếu tá Nhu cũng tỏ ra rất nể trọng các cấp chỉ huy của tù chính trị và thỉnh thoảng buổi tối lại mời mấy ông tướng tù chính trị ra nhà riêng để uống trà và thăm hỏi.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, vậy mà chúng tôi đã trải qua bốn năm rồi ở trại Hàm Tân, ngồi trên chiếc ghế đá hơi sương đêm bắt đầu thấm lạnh. Tôi đứng dậy bước vào buồng để lại một đêm nữa sắp qua đi. Cái lạnh làm cho tôi nhớ lại một đêm về sáng, một đêm mà suốt cuộc đời tôi không sao quên được.
Lúc đó trời đã rạng sáng và vào cuối mùa Hè, chúng tôi đặt chân xuống đất bên cạnh những túi xách hay ba lô cá nhân, hai người một vẫn bị còng lại với nhau suốt chặng đường từ trại Cải Huấn Thủ Đức ra sân bay và trên máy bay.
Mỗi năm cứ vào tháng Tư âm lịch thì chúng ta lại liên tưởng đến lễ Phật Đản, đến đạo Phật thậm thâm vi diệu đã ăn sâu trong đời sống dân gian từ hàng ngàn năm nay và đã trở thành mẫu mực cho một xã hội đạo đức và thịnh trị từ ngàn xưa .
Đó là Trung Tá, quyền giám đốc Nha Tuyên Uý Phật Giáo, Thượng Tọa Thích Thanh Long. Thầy đã đứng ra nhận trách nhiệm điều hành Nha Tuyên Uý khi Thượng Tọa Thích Tâm Giác viên tịch để chăm sóc về tinh thần cho các quân nhân Phật tử và cũng vì lẽ đó mà thầy và toàn thể các vị trong Nha Tuyên Uý đều phải vào tù khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản vì các thầy đều được phong cho cấp bậc từ đại úy đến trung tá của QLVNCH để dễ làm việc với các quân nhân Phật tử.