Họ hàng nhà tương ớt.
Tôi thích ớt. Ớt cảnh. Với dân khoái cay, ớt cảnh là thứ vô duyên, chỉ để nhìn. Cứ như tranh vẽ. Bổ mắt chứ không đã miệng. Ớt được đề cập trong bài này lại là thứ ớt xé lưỡi. Sao vậy? Vì ông Trần Đức.
Ông này sanh ở Sóc Trăng nhưng không phải dân ta thuần túy. Sống ở trong nước ông là người Việt gốc Hoa, sống ở Mỹ ông là người Mỹ gốc Việt. Ở trong nước ông chuyên nghề trồng ớt. Qua Mỹ ông vẫn…ớt. Thấy dân Mỹ ăn thứ tương ớt không đã như tương ớt Việt, ông động lòng. Vượt biển từ năm 1977, tới năm 1980 ông mới được vào định cư tại Mỹ. Ông nói với ký giả báo New York Times: “Tôi đến Mỹ vào đầu tháng 1 năm 1980 thì tháng 2 tôi đã làm tương ớt”. Nguyên do nghe rất ngộ. Ông tới một tiệm tạp hóa trong khu Chinatown ở Los Angeles mua một chai tương ớt về ăn. Ông thấy không ngon và nghĩ mình có thể làm ngon hơn nên ông rắp tâm trở lại nghề cũ của ông tại Việt Nam. Trước đây ông đã từng trồng ớt và làm tương ớt tại quê nhà. Hồi đó tương ớt của ông được đựng trong những hũ thức ăn trẻ em Gerber được dùng lại.
Tại Mỹ, thoạt kỳ thủy, cơ sở sản xuất của ông là một căn phòng nhỏ hẹp tại khu Chinatown ở Los Angeles, chẳng có máy móc chi. Ông nghiền ớt bằng tay thứ ớt jalapenos, trộn với giấm, đường, muối và tỏi. Ông cặm cụi, chăm chỉ sản xuất thủ công thứ tương ớt Sriracha cho tới khi dân chúng mê tít thứ cay mang hương vị quê hương này. Chuyện làm ăn của ông mỗi ngày một phất, khách hàng tìm mua rầm rập dù ông chẳng mất một xu quảng cáo nào. Cho tới nay hai chữ “quảng cáo” vẫn không có trong tự điển của ông. Người ta truyền miệng nhau. Cái thứ miệng cay cay này làm nồng những lỗ tai. Chúng ta thử vào trong bếp nhà mình coi có lọ tương ớt sriracha nằm đó không? Vào một tiệm ăn, nhất là tiệm phở, có thấy “hắn” ngự trên mỗi bàn không? Không phải chỉ trong nhà và tiệm của người Việt mà còn ở trong các gia đình và tiệm ăn của người Mễ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan nữa.
Từ những chai tương ớt làm thủ công trong một căn phòng tại nhà, đi bán dạo từng chai, ông tính tới chuyện phát triển nghề nghiệp. Ông tới ngân hàng xin vay 200 ngàn đô để làm vốn. Chắc ngân hàng thấy việc làm ra chai tương ớt quá tầm thường, không đáng chi, nên từ chối thẳng thừng. Lòng đã quyết, ông gom góp tất cả tiền để dành của gia đình, được khoảng 50 ngàn đô, tung vào tương ớt.
Ông thuê một căn nhà rộng 470 thước vuông ở khu Chinatown với giá 700 đô mỗi tháng để đặt xưởng sản xuất. Tương ớt được ông chở tới các chợ Á đông và các nhà hàng tại địa phương để chào bán. Trong lòng ông chỉ mong được các tiệm phở dùng tương Huy Fong của ông là đủ có lời. Nếu các nhà hàng khác trong vùng Nam California cũng dùng tương ớt của ông thì…giầu sang mấy hồi!
Mong ước của ông không viển vông. Tháng đầu ra quân ông đã thu được 2.300 đô. Khi đó chai tương ớt của ông vẫn chưa có nhãn hiệu, còn là loại homemade. Tới năm 1983, chai tương ớt mới có nhãn hiệu Sriracha. Cho tới nay, ông cũng chẳng thèm đăng ký bản quyền nhãn hiệu. Chúng ta chẳng lạ gì chai tương ớt có nhãn hiệu đàng hoàng này. Đó là một chai nhựa trong veo, nhìn thấy rõ tương đỏ bên trong. Nắp chai màu xanh tượng trưng cho ớt tươi. Trên chai có in thành phần của sản phẩm bằng sáu thứ tiếng: Việt, Hoa, Anh, Thái, Tây Ban Nha và Pháp. Chữ in toàn một màu trắng đục.
Chai tương ớt có “tư cách” hẳn lên đã kéo theo nhiều khách hàng. Từ căn nhà 470 thước vuông ở khu Chinatwown, năm 1987 ông đã tiến lên thuê một cơ sở rộng 6.300 thước vuông tại thành phố Rosemead, cũng tại tiểu bang California. Chưa hết nhúc nhích, ngày nay cơ sở sản xuất Huy Fong Foods tọa lạc trên một khu đất rộng tới 60 ngàn thước vuông tại thành phố Irwindale sản xuất mỗi ngày hàng trăm ngàn chai tương ớt. Theo hãng nghiên cứu thị trường IBISWorld, Huy Fong Foods hiện chiếm 9,9% thị trường tương ớt tại Mỹ, một thị trường có doanh số tới 1,55 tỷ đô. Theo tạp chí Mỹ Fortune, doanh thu hiện nay của tương ớt Huy Fong khoảng 80 triệu mỗi năm. Tạp chí này còn gọi tương ớt Sriraca là “một hiện tượng toàn cầu”. Ông nông dân ở Sóc Trăng ngày xưa nói với báo Los Angeles Times: “Tôi chưa từng nghĩ sản phẩm tương ớt của mình phổ biến đến như vậy. Giấc mơ Mỹ của tôi chưa bao giờ là trở thành triệu phú. Chúng tôi bắt đầu chỉ vì thích tương ớt tươi và cay”.
Không muốn làm triệu phú, có lẽ ông Trần Đức nói thiệt. Không giống các tay làm ăn lớn khác, ông không tốn một xu quảng cáo và kể từ khi bắt đầu sản xuất, ông chưa bao giờ tăng giá bán sản phẩm của ông. Ông nói với tạp chí Forbes: “Tôi muốn tiếp tục tạo ra những sản phẩm tốt. Tôi không nghĩ nhiều tới việc kiếm thêm lợi nhuận đâu!”. Ông không muốn kiềm tiền nhưng tiền tới kiếm ông. Chỉ bằng chai tương ớt hết sức khiêm nhường. Chai tương ớt này có mặt trên bàn ăn tại nhà của khoảng 10% dân chúng trên khắp nước Mỹ. Cứ chục nhà đã có một nhà dùng tương ớt Huy Fong. Nhưng chai tương ớt trên bàn ăn là chuyện nhỏ. Nó còn xuất hiện trên chương trình truyền hình thực tế Survivor và trên trạm không gian vũ trụ quốc tế. Nghe như chuyện thần thoại. Trên một bài báo của ký giả Dan Myers trên The Daily Meal ngày 27/7/2017, ông cho biết Google Street View đã phổ biến hình ảnh trên trạm vũ trụ quốc tế. Trạm có 15 phi thuyền. Trên phi thuyền nối số 3 có kho lương thực trong đó có thịt bò khô Memphis, mù tạt Pháp, ketchup Heinz, hộp quệt đậu Fritos, bánh madeleine Bonne Maman, mù tạt cay ngọt Inglehoffer, sốt cay ngọt Thái và tương ớt Huy Fong.
Tương ớt Huy Fong đã leo lên vũ trụ, ông Trần Đức khó chi mà không leo lên hàng tỷ phú đô Mỹ. Theo IBISWorld, hiện nay giá trị tài sản của công Ty Huy Fong đã đạt mức 1 tỷ đô dựa trên doanh thu ước tính khoảng 131 triệu đô vào năm 2020. Gọi là công ty nhưng ông Đức là người sở hữu toàn bộ công ty. Tỷ phú Jeff Bezos của Amazon nói về ông Trần Đức: “Triết lý đầu tư của ông có thể nói là vô cùng đơn giản nhưng tại sao mọi người không muốn học hỏi theo cách làm giầu như thế?”.
Nói thì dễ nhưng học đòi làm theo ông Trần Đức không phải dễ. Trước hết phải có ý chí mạnh mẽ, quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn. Ông Trần Đức đã chọn sản xuất loại tương ớt giữ nguyên vị tươi và cay với một công thức đặc biệt. Thứ hai là không vụ vào tiền bạc. Làm thương mại mà không muốn kiếm lợi nhuận tối đa có thể được là điều khó. Lòng tham của con người không có thước đo, túi tiền của thương gia không có đáy. Vượt lên được chính mình là chuyện không phải ai cũng làm được. Ông Đức đã từng nói với Forbes là ông chỉ nghĩ tới chất lượng sản phẩm chứ không nghĩ tới chuyện làm giầu. Từ khi ra đời, chai tương ớt Huy Fong không hề lên giá kể cả khi vật liệu hiếm hoi và đắt đỏ. Ông cũng chẳng giấu công thức chế tạo khi nói với tạp chí The Angelus: “Đơn giản lắm. Chẳng có gì bí mật đâu. Tương ớt Sriracha được làm từ ớt đỏ tươi jalapeno được trồng trên đất Mỹ, muối, giấm, đường, tỏi, hai chất bảo quản potassium sorbate và sodium bisulfite, cùng chất phụ gia tạo đặc xanthan gum”.
Đơn giản nhưng không giản đơn. Thương hiệu nức tiếng thế giới Tabasco và các hãng Heinz, Starbucks, Frito-Lay, Applebee’s, P.F. Chang’s, Pizza Hut, Subway và Jack in the Box đã từng sản xuất sản phẩm nhái của Sriracha. Thêm nữa, nhiều công ty khác đã làm nhái tương ớt Huy Fong với logo không phải hình con gà mà là hình chim phượng hoàng, cá mập hay con ngỗng! Ai muốn làm nhái thì làm, ông Trần Đức không lý tới. Ông cũng chẳng kiện cáo chi khi ông chẳng thèm trình tòa bản quyền kinh doanh của ông. Ông không giữ độc quyền nhưng các loại hàng nhái chẳng làm suy suyển được thị trường của tương ớt Huy Fong.
Tạp chí chuyên về nấu ăn nổi tiếng Cook’s Illustrated đánh giá tương ớt Huy Fong là loại tương ớt ngon nhất trên thị trường, vượt xa các loại tương ớt Frank’s Red Hot, Cholula Hot Sauce, thậm chí hơn cả Tabasco của hãng McIlhenny. Hãng sản xuất khoai tây chiên Lays đã chọn tương ớt Huy Fong làm một trong ba vị mới trong năm 2013.
Làm ăn lớn luôn có sự cạnh tranh nhưng cạnh tranh với tương ớt Sriracha không phải dễ. Hãng Thaitheparos của Thái Lan đã từng thách đố tương ớt Huy Fong. Đây là một hãng lớn có nhà máy ở vùng ngoại ô Bangkok. Theo website của hãng này, tương ớt Sriracha do bà Thanom Chakkapak ở thị trấn Si Racha, cách thủ đô Bangkok khoảng 117 cây số, làm ra từ 80 năm trước. Năm 1984, công ty Thaitheparos đã mua lại công thức làm tương ớt của bà Thanom để sản xuất tương ớt Sriraja Panich. Tại Mỹ người ta không thấy bày bán tương ớt Sriraja Panich. Nay hãng Thaitheparos thấy ông Trần Đức làm ăn phấn chấn nên tính cách chia phần. Họ mưu tính sản xuất tương ớt Sriracha tại Mỹ để cạnh tranh. Ông Bancha Winyarat, 33 tuổi, Phó Chủ Tịch của Thaitheparos, nói với trang Bloomberg: “Nếu bước đầu chúng tôi có thể chiếm được 1% thị trường ở Mỹ thì đã là thành công lớn rồi”.
Có sự khác biệt về nguyên liệu ớt giữa tương ớt Sriraja Panich của Thaitheparos và tương ớt Huy Fong của ông Trần Đức. Sriraja Panich sử dụng ớt cayenne trồng tại Thái Lan trong khi Sriracha dùng ớt jalapeno đỏ trồng tại Mỹ. Cuộc thư hùng tưởng sống mái này không làm ông Trần Đức nao núng. Ông tin dân Mỹ đã quen với hương vị tương ớt của ông. Ngay cả một đầu bếp người Thái Suntaree Tantichula của một nhà hàng tại thành phố Evanston, tiểu bang Illinois, cũng phải thừa nhận: “Tôi thích tương ớt của Thái Lan hơn nhưng đã quen ăn Sriracha từ bao lâu nay. Tôi nghĩ những người khác ở Mỹ cũng vậy”. Phản ứng với sự cạnh tranh này, ông Trần Đức nói với Bloomberg: “Tôi không bao giờ lo lắng về việc họ bán được bao nhiêu bởi vì tôi quá bận rộn. Tôi biết mình không thể sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường nên hãy để họ cùng tham gia và chúng ta cùng nhau phục vụ người tiêu dùng”.
Công ty Thaitherapos rất biết thân biết phận khi thâm nhập thị trường Mỹ. Tương ớt Huy Fong bán rất mạnh tại các thành phố miền Tây nước Mỹ nên Thaitherapos né qua miền Đông với hy vọng có số tiêu thụ đáng kể tại các cộng đồng gốc Á tại Boston, Chicago hay New York. Sau một thời gian có mặt tại Mỹ nhưng không thành công, Thaitherapos đã lui binh, quay gót về thị trường Trung Quốc và Hong Kong. Họ dự tính trong tương lai sẽ mở rộng hoạt động tới Philippines và Indonesia.
Bị công ty Thaitherapos cạnh tranh không phải chỉ là biến cố duy nhất trong việc làm ăn bạc tỷ của Huy Fong Foods. Tháng 10 năm 2013, cư dân thành phố Irwindale, nơi đặt nhà máy của tương ớt Srirasha, đã phàn nàn vì mùi ớt và tỏi của nhà máy bay ra đã làm các cư dân bị ho, hắt nơi, rát cổ họng, chảy nước mắt khiến họ không dám ra khỏi nhà. Họ yêu cầu thành phố có thái độ với nhà máy này. Ông Trần Đức hứa sẽ phối hợp với các giới chức phụ trách môi trường của thành phố để giải quyết vấn đề. Ông sẽ cho đặt các bộ máy lọc loại mạnh để ngăn cản mùi ớt bay ra ngoài. Trong buổi họp của Hội Đồng thành phố vào ngày 27/5/2014, các thành viên đồng ý đã thỏa mãn với sự cải tổ máy lọc và bãi bỏ vụ kiện. Chuyện tưởng nhà máy của Huy Fong Foods phải đóng cửa đã được giải quyết mau chóng vì lý do kinh tế. Nhà máy đã tạo công ăn việc làm cho một số cư dân và thành phố cũng thu được số tiền thuế khá bộn. Ngoài ra các vị trong Hội Đồng thành phố Irwindale cũng đã bị thúc vào bàn tọa. Một phái đoàn hùng hậu của tiểu bang Texas gồm nhiều nghị sĩ và dân biểu, đại diện Phòng Du Lịch, đại diện bộ Nông Nghiệp tiểu bang, đã tới nhà máy gặp ông Trần Đức và đề nghị nhà máy dọn qua Texas. Thượng Nghị Sĩ Carlos Uresti úp úp mở mở với ký giả hãng AP: “Chúng tôi không tới đây để đưa ra bất cứ khích lệ đặc biệt nào, nhưng hãy nghĩ là có những khích lệ”. Thượng Nghị Sĩ Jason Villalba nói rõ hơn với báo USA Today: “Tôi là người ái mộ cuồng nhiệt món tương ớt Sriracha này. Hãy tin tôi đi, khi tôi nhìn thấy có một cơ hội chúng tôi sẽ hành động ngay. Tôi rất thiết tha muốn gặp gia đình ông Trần. Hãy để chúng tôi nói với ông rằng ông có thể chuyển nhà máy đến Texas, nơi ông sẽ không thất vọng”.
Không ai có thể nói không với tương ớt Sriracha. Từ một công việc thủ công của gia đình vào năm 1980, ngày nay Huy Fong Foods đã vươn mình biến thành một công ty trị giá bạc tỷ, họ có cái thế của họ. Nhiều người không cho chai tương ớt là chuyện cần thiết. Có cũng được, không có cũng chẳng chết ai. Tương ớt Sriracha đã có dịp chứng tỏ sự quan trọng của nó.
Công ty đã hai lần thông báo là phải ngưng sản xuất vì thiếu ớt đạt tiêu chuẩn. Lần đầu vào tháng 7 năm 2020, lần thứ hai vào tháng 6 năm 2022. Lần này tình hình trầm trọng hơn. Công ty gửi e-mail cho khách hàng nói rõ: “Do điều kiện thời tiết làm ảnh hưởng phẩm chất ớt, chúng tôi đang thiếu ớt trầm trọng. Rất tiếc chuyện này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Không có nguyên liệu thiết yếu này, chúng tôi không thể sản xuất bất kỳ sản phẩm nào. Chúng tôi hiểu chuyện này có thể gây ra nhiều vấn đề. Tuy nhiên, vào lúc này, chúng tôi sẽ không nhận thêm bất kỳ đơn đặt hàng nào vì chúng tôi không đủ hàng để giao”. Thông báo này có ảnh hưởng tức thời. Chuyện mới xảy ra chưa đầy một năm nên nhiều người chắc còn nhớ rõ. Tại Montreal, thiên hạ rầm rầm đi mua tương ớt để dự trữ. Các siêu thị phải hạn chế số lượng bán ra cho mỗi khách hàng.
Thế mới biết con gà này khi ngưng tiếng gáy đã làm bần thần bàn dân thiên hạ. Tại sao lại có hình con gà trên chai tương ớt? Vì ông Trần Đức sanh năm 1945, tuổi con gà! Tại sao ông chủ tên Trần Đức, tên Mỹ là David Trần, mà sản phẩm do ông làm ra lại có tên Huy Fong? Vì đó là tên chiếc tàu đưa ông vượt biên! Chuyện chi cũng có nguyên do, huống chi đây là nguyên do khiến ông nông dân Sóc Trăng trở thành tỷ phú trên đất Mỹ.