Sau nhiều tháng chuẩn bị, đêm tháng 10 năm ngoái có mặt trên bán đảo Hồng Kông. Theo chương trình thì 8 giờ tối thứ Sáu 18/10/2019 những người biểu tình sẽ nắm tay nhau nối thành một vòng tay lớn dọc theo đại lộ Des Voeux Road đến Hennesy Road, qua các trạm xe điện ngầm Sheung Wan, Cental, Wan Chai v.v.
Cô nhân viên khách sạn ở quầy tiếp tân cho biết đây là cuộc tụ tập ôn hòa không tuần hành nên sẽ không có bạo động. Bạn không cần mũ chống đạn và mặt nạ chống hơi cay. Thích những cuộc xuống đường bất bạo động và đầy tính nhân văn. Vì có đập phá đổ vỡ bom xăng là sẽ có dùi cui và lựu đạn cay.
Lính mới tò te mới xuất quân ở Hồng Kông lần đầu nên cẩn thận đi sớm 30 phút đến trạm xe điện trung tâm thì chỉ thấy người đi làm về đông nghẹt. Hoang mang hổng biết chuyện gì xảy ra nên đón xe điện đi đến trạm kế là Wan Chai cũng hổng thấy ai. Hỏi vài người không ai biết và họ trố mắt nhìn mình như thằng điên, cha nước ngoài này đi tìm biểu tình để làm gì ta.
Quay trở lại trạm Central thẫn thờ như kẻ mất hồn. Cảm giác như hẹn hò với người yêu và bị cho leo cây.
Đi lang thang quanh quẩn gần trạm xe điện trung tâm, gặp một anh trai trẻ Hồng Kông như sinh viên nên hỏi thêm một lần nữa lấy lệ trước khi lủi thủi về lại khách sạn. “Xin lỗi bạn, có phải có biểu tình ở khu vực này tối nay hông?” Anh kia sốt sắng trả lời ngắn gọn “Đúng rồi, bên kia đường nè. Họ sắp đến rồi đó”.
À thì ra những người trẻ Hồng Kông rất đúng giờ. Họ không đến quá sớm tụ tập tán dóc hay đến trễ theo giờ cao su.
Băng mau qua con đường lớn và lính quýnh lấy cái máy chụp hình khổng lồ ra khỏi ba lô vì người biểu tình lũ lượt đến tấp nập. 8 giờ tối con đường có chỗ sáng chỗ tối, nhưng không thể dùng đèn flash vì sẽ gây chú ý rất bất tiện. Thôi đành chụp đại với ống kính mở rộng với vận tốc Tv và ISO cao. Không cần đẹp nữa.
Từng tốp người biểu tình đến. Hầu hết tuổi khoảng 30. Họ không đứng tụ tập bàn cãi câu giờ và như được hướng dẫn trước. Họ nhanh nhẹn đeo mặt nạ che mặt và nắm tay nhau ráp lại thành một hàng người dài từ ngã tư này đến ngã tư khác. Tiếng hô vang vang theo người trưởng toán cầm loa và mỗi đoạn có một người cầm loa riêng để hướng dẫn nội dung hô.
Trừ các khẩu hiệu hô bằng tiếng Hoa thì người viết không hiểu. Nhưng khi nghe người biểu tình hô các khẩu hiệu bằng tiếng Anh như “Tự Do Cho Hồng Kông”, “đả đảo Cộng Sản”… thì trong lòng cảm thấy nóng cháy, da nổi gai ốc. Những kỷ niệm buồn của Thiên An Môn bị khuấy động trong tâm tư. Nên tự trấn tĩnh rằng phận sự của mình là ghi nhận các dữ kiện của cuộc đấu tranh này một cách bình thản và khách quan. Phải nhìn vấn đề bằng lý trí chớ không bằng cảm tính.
Những người biểu tình nắm tay nhau đứng sát lề đường nên chụp hình họ từ trước mặt hơi khó vì phải đứng lui ra ngoài đường, mà đứng ngoài đường thì từng đoàn xe buýt, xe điện “tram” hay “trolley” hai tầng giống bên Anh quốc sẵn sàng nghiền nát dưới bánh sắt.
Cái bỡ ngỡ của đêm đầu xuất quân là cứ mỗi lần đưa máy chụp hình lên bấm thì người bị chụp co rúm lại hay cúi gầm mặt để tránh. Quái lạ, sao mấy thằng nhà báo da trắng chụp thì hổng sao. À thì ra bọn phóng viên Tây phương và Á Châu đều mặc Vét có chữ PRESS (báo chí) nên người biểu tình biết không phải là mật vụ Trung Cộng chụp hình lập hồ sơ bắt bớ. Mình không mặc Vét báo chí nên họ tưởng là mật vụ Tàu Cộng.
Bỗng cảm thấy nhột nhạt như bị ai theo dõi. Phát hiện có hai cô gái đứng trong hàng biểu tình đang lấm lét nhìn lén. Ngừng lại đưa máy lên thử chụp thì một cô quay phắt đi giấu mặt, còn cô cao giò thì lấm lét sợ hãi. Cảm giác ngượng ngùng và thương tổn vì bị hiểu lầm là một tên Cộng Sản đang làm chuyện mờ ám.
Đoàn biểu tình bắt đầu giải tán lúc 9 giờ theo đúng chương trình. Hai cô gái sợ mật vụ Trung Cộng kia cũng chuẩn bi về. Cơ hội không đến lần thứ hai để giải thích với họ mình là bạn chớ không phải kẻ thù.
Tôi bước đến gần. Cô thấp người vẫn sợ dấu mặt. Cô cao giò có vẻ gan dạ hơn xíu nên nhìn thẳng nhưng cẩn thận kéo cái mặt nạ tí tẹo lên cao hơn để giấu mặt.
“Xin lỗi, các bạn có thể nói tiếng Anh?” Cả hai cô cùng e ngại gật đầu. Cách tự giới thiệu kiểu thú tội hơi dốt làm hai cô gái thêm hoang mang: “Tôi đã chụp hình hai bạn”… dĩ nhiên rồi dzô dziêng chưa, cha nội làm người ta sợ thấy mồ (chắc khi ấy cô gái Hồng Kông nghĩ vậy).
Thu hết can đảm mới phun ra được một câu để chứng minh tui hổng phải là Tàu Cộng. “Các bạn có thể giúp tôi một việc được hông? Tôi muốn bạn viết ý nguyện của người đấu tranh Hồng Kông lên lá quốc kỳ Hiệp Chủng Quốc để mang về treo trong phòng làm việc ở Washington”.
Mở ba lô lấy lá cờ Mỹ ra tựa lên tấm bản đồ Hồng Kông làm nền cứng để cô gái viết cảm nghĩ của mình, bên cạnh lề đường là những chiếc “tram” hai tầng rầm rập trên đường rầy. Đôi mắt của cô gái híp lại và tôi không thể thấy được một nụ cười vui thích phía sau cái mặt nạ đen bí ẩn. Rồi nàng biến mất vào đêm tối của một thành phố đã đổi chủ.
Cái đẹp đẽ của kết cục là người viết đã không hề hỏi tên và số điện thoại của nàng để “thả tim”. Nhưng biết chắc rằng sau những cái mặt nạ bí mật đó là những khuôn mặt vô cùng xinh đẹp. Họ đẹp vì lý tưởng đấu tranh.
Ngồi trên chiếc Tram cành cạch chạy về trạm Sheung Wan gần khách sạn. Trời đêm Hồng Kông tháng 10 ấm áp chớ không lành lạnh tê tái như Bắc Mỹ. Tôi nhớ lại dáng người con gái thanh mảnh và những chiếc mặt nạ thần bí của đêm dạ hội trên đường phố để dành lại quyền sống.
Nguồn tin mới từ Hồng Kông cho biết những cuộc biểu tình sẽ tạm giảm đi vì chứng dịch cúm corona hoành hành. Đầu năm xin gởi đến những người bạn không tên ấy những đóa hoa hồng và lời chúc thành công trên con đường đấu tranh vì lý tưởng tự do.
Bông Lau (January 25-2020)