NỖI LÒNG VỚI “CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG” (Vương Trùng Dương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

“La chanson que tu me chantais

C’est une chanson qui nous ressemble”

(Les Feuilles mortes. Nhạc Joseph Kosma, lời Jacques Prévert)

Có vài ca khúc khi nhạc sĩ đặt tên giống nhau, trong đó có Chiếc Lá Cuối Cùng của hai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (lời Từ Linh) & Tuấn Khanh.

Với ca khúc trữ tình Chiếc Lá Cuối Cùng, với tôi, đúng sáu thập niên với kỷ niệm xưa. Khi tôi sắp bước vào “Ngưỡng Cửa Quân Đội” từ Sài Gòn trở về thăm phố cổ Hội An, buổi tối hai đứa thả bộ qua An Hội, khi nói lời chia tay, chẳng biết nói gì hơn vì tâm trạng lúc đó như nỗi lòng trong ca khúc:

Đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói

Chỉ nghe em nói nhỏ trở về thôi…

Xa nhau chưa mà lòng nghe quạnh vắng…

Lá trên cành một chiếc cuối bay xa”.

Hơn một thập niên, ca khúc Chiếc Lá Cuối Cùng đã đi vào lòng người ngưỡng mộ âm nhạc ở miền Nam Việt Nam, và sau đó với những cuộc chia ly kẻ ở người đi như “chiếc cuối bay xa”!

Với tâm hồn lãng mạn, giữa hai nhạc sĩ nầy liên quan đến bóng hồng trong ca khúc Chiếc Lá Cuối Cùng. Nhân kỳ thi hát của Đài Phát Thanh Pháp – Á năm 1953, Tuấn Khanh (Trần Trọng Ngọc, sinh năm 1933, khi ấy với bút danh Trần Ngọc) đoạt giải nhì sau nữ ca sĩ Thanh Hằng (Lê Lệ Hảo, sinh năm 1935 tại Hà Nội). Vào thời điểm đó Trần Ngọc chỉ là ca sĩ mới biết đến nên không chiếm được trái tim của ca sĩ khả ái, xinh đẹp Thanh Hằng mà cậu ấm nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (sinh năm 1924 ở Hải Phòng, lớn lên ở Hà Nội) với các ca khúc nổi tiếng trong đó với Tà Áo Xanh mang hình ảnh ca sĩ nầy… nhưng rồi “một chiếc lá bay xa”!

Theo giai thoại cho rằng nhạc phẩm Chiếc Lá Cuối Cùng của Tuấn Khanh với hình bóng   cô gái 13 tuổi, học trò thanh nhạc của ông trong thời gian dài đã ám ảnh tình cảm thầy trò lãng mạn… cho đến khi ông vào Nam. Với hình bóng đó, kẻ ở người đi “Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa”…

Hơn mười năm trước, tôi viết bài Đoàn Chuẩn & Bí Ẩn Bóng Hồng “Gửi Người Em Gái”. Bài viết nầy đăng trong quyển Nhân Văn & Tình Sử, ấn hành năm 2015. Trong đó đã liệt kê các ca khúc của ông, có Chiếc Lá Cuối Cùng nhưng  nói về cuộc tình qua ca khúc Gửi Người Em Gái.

Trích lại bài viết về Đoàn Chuẩn:

Theo lời hiền thê của ông (bà Nguyễn Thị Xuyến) “… Đoàn Chuẩn rất đa tình. Ông đã sáng tác tặng một người đẹp của miền Bắc lúc đó sáu bài hát trong khi với vợ mình, ông chỉ viết tặng bà vỏn vẹn hai bài. Thời trẻ, ông đã từng dành ba năm thuê người mỗi ngày mang một bông hồng đến tặng người con gái mà ông yêu. Nhưng người bạn đời thông cảm tâm hồn lãng mạn của người nhạc sĩ…

Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông lúc nào tôi cũng ngạc nhiên – sao ông tài thế? Mỗi bài hát là kỷ niệm một mối tình đi qua đời ông. Ông chỉ viết một bài cho tôi, hồi đó ông chưa lơ mơ ai cả…”

… Người ta cho rằng nếu không bằng tình yêu một người đẹp nào đó chắc ông sẽ không thể viết ra những ca khúc hay như vậy. Không biết thực hư qua những mối tình lãng mạn của Đoàn Chuẩn ảnh hưởng đến ca khúc của ông đến đâu nhưng ông từng nói rằng, ông có một kỷ niệm sâu sắc với một nữ ca sĩ Huế từ hồi những năm 1950. Đó chính là ca sĩ Mộc Lan.

Đoàn Chuẩn chỉ sau một lần nghe Mộc Lan hát bài Đi Chơi Chùa Hương của Trần Văn Khê phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp ở nhà hát lớn Hà Nội, đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ. Sau cuộc diễn ở Hà Nội, Mộc Lan trở lại Sài Gòn… Đoàn đã đáp máy bay vào chơi Sài Gòn, hy vọng làm quen với Mộc Lan vì biết cô đã chia tay với người chồng nhạc sĩ. Khi ấy, Đoàn Chuẩn vốn là ông chủ hãng nước mắm Vạn Vân, giàu có ở Hải Phòng, từng có xe hơi riêng hiệu Buick Hoa Kỳ mà lúc đó cả miền Bắc chỉ có hai chiếc.

Theo nhạc sĩ Lê Hoàng Long, tác giả Gợi Giấc Mơ Xưa – bạn của Đoàn Chuẩn – tiết lộ thì sau khi tới Sài Gòn, họ Đoàn đã tìm được địa chỉ của Mộc Lan trên đường Espagne ở Tân Định nhưng không trực tiếp “yết kiến” mà chỉ nhờ chủ một tiệm bán hoa tươi mang hoa đến tặng Mộc Lan mỗi sáng sớm, và không tiết lộ tung tích người gửi hoa. Đoàn Chuẩn đặt trước tiền hoa và tiền công cả tháng cho chủ hàng hoa tươi rồi trở lại Hải Phòng, không quên để lại địa chỉ liên lạc của mình.

Sau 3 tuần nhận được hoa đều đặn, ca sĩ hoa khôi Mộc Lan không cầm lòng được đã đề nghị người đưa hoa cho biết tên người tặng. Được sự đồng ý của Đoàn Chuẩn, chủ hàng hoa đã thông báo cho Mộc Lan biết người gửi tặng hoa cho nàng chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cùng với địa chỉ kèm theo. Sau đó, nhạc sĩ họ Đoàn nhận được lá thư của người đẹp với lời cảm ơn và hy vọng có ngày được hội ngộ. Thế là Đoàn Chuẩn lại gửi tiền để chủ hàng hoa tiếp tục tặng hoa cho người đẹp liền 2 tháng nữa.

Mấy tuần sau đó, Đoàn Chuẩn rất xúc động khi nhận được lá thư tiếp theo của Mộc Lan và ông đã biến tình cảm dâng trào của mình thành bản nhạc Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay với lời đề tặng M.L.

Gặp gỡ và chia tay… Theo lời hiền thê của ông “Nhiều mối tình đã đi qua tâm hồn người nhạc sĩ đa cảm đa tình. Lúc còn sống, ông từng thú nhận rằng đời ông chỉ viết tình khúc, bởi ông trọng nhất là tình yêu. Những năm cuối đời ông bị tai biến mạch máu não, nằm liệt trên giường. Người bạn đời của ông vẫn còn lưu lại vẻ đẹp của một thời hoàng kim xa lắc luôn có mặt bên cạnh. Lúc ấy, khi nhắc lại chuyện xưa, cả hai ông bà đều cười rất tươi…”

Cuối thập niên 40, Mộc Lan vào Sài Gòn, kết duyên với nhạc sĩ Châu Kỳ (1923-2008). Đôi uyên ương ra làm việc tại Đài Phát Thanh Huế. Năm 1954, trở lại Sài Gòn, ca sĩ Mộc Lan nổi tiếng hát hay và đẹp, trở thành đối tượng cho văn nghệ sỹ si tình nên… chia tay nhau. Sau thời gian sống trong khổ đau, u uất, Châu Kỳ gặp cô nữ sinh Kha Thị Đàng, 18 tuổi. Cô hoa khôi của trường nữ trung học Gia Long kết hôn với Châu Kỳ và sống bên nhau đến cuối đời.

Sau khi rời Sài Gòn trở lại Hà Nội, Đoàn Chuẩn viết ca khúc Gửi Người Em Gái Miền Nam vào dịp Tết Giáp Ngọ (đầu năm 1955) nhưng đến năm 1956 mới ấn hành nhạc phẩm nầy…

Trong bài viết của Hạ Đình Nguyên, phỏng vấn Mộc Lan và Tâm Vấn, cho biết, sau vài nghi vấn “Người viết đã có may mắn được gặp bà Tâm Vấn trong một cuộc triển lãm tranh ở đường Lê Thánh Tôn, bèn đánh bạo hỏi bà chuyện này. Bà cười xòa: “Không, ông ấy làm bài này là để tặng cho Mộc Lan, bạn tôi”…

Tình khúc Gửi Người Em Gái… là một trong những bản tình ca tuyệt vời nhất của âm nhạc Việt Nam. Hình ảnh người em gái được viết lên với giai điệu nhẹ nhàng, với ngôn ngữ hòa nhập trong con tim rung động. Nhạc sĩ tài hoa như vậy nhưng sau khi sáng tác ca khúc đó, tâm sự đã được bày tỏ tình cảm,, nỗi niềm rồi vô vọng để rồi im lặng qua ba thập niên. Nếu có nuối tiếc cho cuộc tình vô vọng, chỉ còn gặm nhấm theo thời gian”.

Với ca khúc Chiếc Lá Cuối Cùng của Đoàn Chuẩn. Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng viết: “Rất ít người biết đến ca khúc có cùng tên do Đoàn Chuẩn & Từ Linh sáng tác năm 1955 trong tập Bài Ca Bị Xé… Có lẽ, một trong những lý do bài Chiếc Lá Cuối Cùng của Đoàn Chuẩn & Từ Linh có số phận hẩm hiu, ít người biết đến vì sau khi đất nước chia đôi, ở miền Bắc ai dám hát nhạc tình cảm ướt át từ một nhạc sĩ có gốc gác “tư sản” nặng như Đoàn Chuẩn? Bản nhạc này được tác giả cất giữ cho đến mãi sau 1986 – “thời kỳ đổi mới” – mới bắt đầu tiết lộ ra ngoài qua hai người con là Đoàn Đính và Đoàn Chính.

Những bài trong tập Bài Ca Bị Xé, ông viết tặng ca sĩ Thanh Hằng  thời đó và theo nhạc sĩ Đoàn Đính, thứ nam của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong cuộc phỏng vấn với ký giả Ngọc Trần đã cho biết như sau: “Tuy yêu vợ nhưng bản chất của Đoàn Chuẩn là một nghệ sĩ đa tình. Vì thế khó trách cha tôi tội quá đào hoa. May mắn mẹ tôi là người đàn bà tinh tế, hết lòng vì chồng con… Mỗi bài hát là một mối tình đi qua đời ông”. Chính nhờ sự bao dung ấy của mẹ mà gia đình tôi được giữ trọn vẹn…”.

Năm 1955, tuy sống cũng gần nhau ở Hà Nội nhưng không được gặp gỡ như trước kia vì nhạc trữ tình của Đoàn Chuẩn – Từ Linh bị “ghép tội” ủy mị nên cấm phổ biến trong khi đó ca sĩ Thanh Hằng đổi thành Lệ Hằng để tiếp tục kiếp cầm ca.

Sống trong gia đình với vợ con nhưng Đoản Chuẩn vẫn tơ tưởng đến hình bóng “người đi qua đời tôi”:

“Em thời xa, sương gió phôi pha

Anh ngồi đây anh nhớ đến em

Như cành khô trước lúc xa cây, gọi lá…

Sao đôi tâm hồn đã quá xa xôi

Trên những con đường thoảng hương hoa sữa

Em đã nói gì, quá khứ? tương lai?

Trăng sao trên trời còn khi chia đôi

Nhưng tiếng ca nào còn lắng trong tôi…

Hà Nội chiều nay trời lên mây trắng

Chiếc lá cuối cùng rơi xuống chân em…

Chiếc lá cuối cùng là của em đó

Em hãy giữ gìn trước lúc chia tay”!

*

Vừa rồi, tôi nhận được email của người bạn thân từ ngày ở Đà Lạt, anh rất hiền, ít nói, chung thủy cả một đời khi lập gia đình và hình như chưa tâm sự với ai về chuyện tình cảm nhưng anh cho biết những dòng chia sẻ nầy nếu ngày nào anh vĩnh biệt cõi trần, tôi viết thêm hình bóng trong vài ca khúc của anh. Chưa biết ai sẽ ra đi trước nhưng sẽ ghi vào “giai thoại” để mỗi ca khúc mang tâm hồn lãng mạn.

Khi tôi viết loạt bài Văn Nhân & Tình Sử, nhà thơ Thái Tú Hạp (đồng hương ở Hội An) nói tại sao không viết tình sử của bản thân?. Có mấy ai tự “vạch áo cho người xem lưng”?. Trong bài viết đã lâu, tôi ghi lại khi về Hội An, thưa với mẹ chuyện lập gia đình, mẹ tôi hỏi “Ủa, con lấy ai?”… Rồi sau nầy “thành thật khai báo” nhưng hiền thê – như bà vợ Đoàn Chuẩn – phán “biết tỏng tòng tong” miễn là giữ trách nhiệm cho đến cuối đời.

Buổi tối cuối tuần, đang nghe Moonlight Sonata của Beethoven, thấy tin nhắn qua message cho biết, cả một đời thích âm nhạc, ca hát… mang lại niềm vui, an ủi cho bản thân và những người thưởng ngoạn, nhưng không ngờ ngược lại nên không còn tiếp tục!. Thật bất ngờ và hụt hẫng qua lời nhắn, khi nhắn lại thì bặt tin!

Với tôi, tiếng hát ngọt ngào, nhẹ nhàng, truyền cảm đi nhẹ vào lòng người, bỗng dưng lìa xa sân khấu! Lại một lần nữa “Les feuilles mortes se ramassent à la pelle. Les souvenirs et les regrets aussi” và tiếng hát đó như “Lá trên cành một chiếc cuối bay xa”!. Nỗi buồn vây quanh!

Little Saigon, March 2025

Vương Trùng Dương