NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA (Tác giả : Dirck Halstead Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng dịch)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 CHƯƠNG MỘT

MỪNG TRỞ VỀ THÀNH PHỐ PARIS CỦA PHƯƠNG ĐÔNG

NGÀY 20 THÁNG TƯ, 1975

Tôi nửa tỉnh nửa say vì đã uống khá nhiều rượu mạnh trên chuyến máy bay PAN AM từ Nữu Ước tới, đồng thời cũng khó chịu vì việc thay đổi giờ giấc.  Đang xếp hàng ở quầy vé Air Vietnam để lấy vé lên tầu bay đi Saigòn mắt tôi chợt nhìn thấy một tấm biển có ghi hàng chữ: “Tất Cả Các Chuyến Bay Đến Saigòn Đều Bị Hủy Bỏ.”

Té ra là Saigòn bị phi cơ tấn công.  Vô lý thật, bởi vì trong suốt cuộc chiến, phi cơ của Cộng Sản Bắc Việt chưa hề bay trên không phận Saigon.  Đi tới đi lui quanh cái quầy bán vé với một tâm trạng lo lắng là một lô những du khách lạ lùng nhất mà tôi chưa hề bao giờ nhìn thấy: những tay hippy trông ngất ngư với ánh mắt lạ kỳ lạ chắc vì ảnh hưởng của ma túy, những gã lính đánh thuê với những chiếc túi đánh gôn đầy ắp những hành lý khó lòng thoát được sự khám xét, những chủ ngân hàng Hồng Kông giầu có xách những chiếc va li rỗng, và lẽ dĩ nhiên trong số này còn cả những phóng viên nhiếp ảnh cùng phóng viên tin tức, những người mà bao năm tôi đã cùng đi với họ trên những con đường đầy bụi bặm.

Vậy là đã có một cú đảo chánh vắn số, một trong nhiều cú toan tính đảo chánh trong mấy năm qua..  Xế trưa, chiếc phi cơ Caravelle của Hãng Hàng Không Việt Nam từ từ hạ thấp dần độ cao, nghiêng nghiêng cánh lướt trên những cánh ruộng lúa trong buổi hoàng hôn của một miền nhiệt đới, và trước mắt tôi là giòng sông Mekong hiền hòa chẩy uốn cong với mặt nước long lanh.

NGÀY 21 THÁNG TƯ, – 1975, SAIGON, NAM VIỆT NAM

Tôi quên bẵng đi cái nóng nực của Saigòn. Chỉ mới có bẩy giờ sáng mà người đã vã mồ hôi khiến cho chiếc áo sơ mi cứ như dán lấy lưng mình lúc tôi leo thang lầu lên văn phòng của báo TIME/LIFE nằm trong khách sạn Continental Palace.  Mùi thơm của phở bò mới nấu, một món ăn điểm tâm cũng như ăn trưa của nhiều cư dân Saigòn lướt qua khứu giác tôi.   Chính cái món này đã gợi cho tôi yêu mến thành phố này thật nhiều.   Tôi có cái cảm tưởng rằng ba năm qua kể từ cái ngày tôi thăm viếng thành phố này lần cuối cùng đã tan biến đi..không tổng thống, không có cái gì mới đẹp cả, chỉ có Saigòn, mãi mãi Saigòn.

Tôi chụp lấy một chiếc chìa khóa từ trong chỗ dấu kín của văn phòng, rồi đi bộ đến cái nhà nhỏ để đồ nằm ngay đằng sau Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ.  Mở cửa ra tôi nhìn thấy một chiếc xe hơi nhỏ của văn phòng, với cái biển nhỏ mang hai chữ BÁO CHÍ dán vào kính trước xe.  Lục lọi một hồi ở trong góc mới kiếm thấy chiếc ba lô cũ của mình.  Tôi trải mấy món đồ lôi ra từ trong cái ba lô của lính tác chiến ấy lên trên nền nhà. Hai bộ đồ rằn ri có bảng tên Dirch Halstead, Time/Life khâu trước túi ngực, một bộ đồ thường, một đôi giầy bốt đờ sô loại đi rừng, đế có lót một miếng thép mỏng nhằm bảo vệ gót chân chống lại những loại chông tre nhọn, tuy nhiên lại vô dụng khi chạm phải mìn; một túi đựng máy caméra trong đó lỏng chỏng mấy cuộn phim mầu hết hạn xử dụng, một cái túi nhỏ có fermeture đựng mấy viên thuốc chống sốt rét rừng, mấy viên thuốc lọc nước, một vài gói cool-aid, một chai nước sốt Tabasco, một chai nhỏ rưỡu huýt ki Mekong; một vài chiếc khăn mặt đầy bụi đỏ, một “dây ba chạc” gắn hai bi động, và ở dưới đáy của chiếc ba lô là chiếc mũ sắt vẫn còn ghi hàng chữ “HALSTEAD PHÓNG VIÊN BÁO CHÍ VÀ NHIẾP ẢNH UPI”.  Tôi không nhớ là mình đã kiếm được cái nón sắt vào lúc nào và ở đâu nữa, nhưng có điều chắc chắn là đã nhặt được nó ở trên một bãi chiến trường nào đó đã bị lãng quên từ lâu. 

CHÍN GIỜ SÁNG NGÀY 21 THÁNG TƯ

Đang ngồi ở trong một cái quán rượu nằm ở góc đường Tự Do, nhâm nhi ly cà phê sô đa tôi chợt nhìn thấy Leon Daniel, cựu phóng viên UPI và một người bạn cũ.  Anh ta gọi to và bảo tôi rằng nếu muốn đi xem đánh nhau thì hãy mang theo máy quay phim chụp hình.  Tôi leo lên xe của anh, và chúng tôi phóng xe về hướng Biên Hòa trên xa lộ chỉ cách Saigòn có mấy dậm.  Anh ta giải thích rằng từ lâu Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đã không cho phóng viên báo chí đi tháp tùng trong bất cứ cuộc hành quân nào.  Tuy nhiên do bị áp lực thường xuyên về phía báo chí Mỹ cho nên Không Lực Việt Nam Cộng Hòa đã quyết định xử dụng một chuyến trực thăng đưa báo chí vào một nơi có lẽ là một cứ  điểm cuối cùng của lực lượng Nam Việt Nam.

Tháng trước đó hầu như tất cả những cưòng điểm quan trọng của quân đội Nam Việt Nam đã sụp đổ: đầu tiên là Ban Mê Thuột và Pleiku ở Cao Nguyên Trung Phần, rồi tới Huế nơi mà hầu như tất cả lực lượng Thủy Quân Lục Chiến của Nam Việt Nam đều bị sập bẫy và bị tiêu diệt trên bãi biển trong khi chờ đợi được di tản bằng tầu của hải quân.  Rồi tiếp đến là Đà Nẵng và nơi này trước kia có một căn cứ không quân quan trọng của Hoa Kỳ trong cuộc chiến.  Rồi tiếp đến là Nha Trang, và bây giờ trong lúc lực lượng Bắc Việt đang ồ ạt xuôi Nam trên quốc lộ thì những cái duy nhất có thể kiềm hãm bớt chúng là sự chậm chạp của những xe chở nhiên liệu bởi vì chúng không thể nào đáp ứng được nhu cầu xăng nhớt.  Và một sư đoàn quân Nam Việt Nam tơi tả, sư đoàn 18 bộ binh đã cố gắng tuyệt mức khóa kín cửa ngõ tiến vào Saigòn.  Chỉ có một sư đoàn mà đã chống lại cái sức nặng tổng hợp của cả một bộ máy quân sự của quân đội Bắc Việt đang ào ào trên con đường tiến vào Saigòn… và đó chính là nơi chúng tôi đang chạy tới.

11 GIỜ TRƯA-  TIỀN ĐỒN XUÂN LỘC, PHÍA BẮC SAIGÒN

Bụi đỏ bốc lên mù mịt lúc chiếc trực thăng Chinook cũ kỹ đáp xuống quốc lộ.  Đảo mắt nhìn quanh chúng tôi nhìn thấy lố nhố toàn dân tị nạn, trong số ấy nhiều người đã phải cuốc bộ hàng trăm dặm đường để tới được chỗ này và họ hy vọng sẽ là nơi an toàn.  Các binh sĩ Nam Việt Nam bị thương nằm trên băng ca kêu cho nước uống.  Hai chiếc xe Jeep phóng như bay về phía chúng tôi, và hai người tài xế hét lớn gọi chúng tôi leo lên máy bay trong lúc ấy có những trái hỏa tiễn lao tới rít lên nghe như xé gió ở trên đầu.

Trong căn lều chỉ huy, tướng Lê Minh Đảo tay cầm “can” đập đập lên bộ quần áo trận ủi thẳng nếp.  Ông nói vào vào ống liên hợp của máy siêu tần số bằng mệnh lệnh sắc và gọn: “Chúng ta cương quyết giữ vững chỗ này”.  Khi nhìn thấy chúng tôi, một nhóm phóng viên ồn ào gồm có phóng viên nhiếp ảnh và một toán phóng viên vô tuyến truyền hình, ông giơ ngón tay cái lên.  Ông nói như để lên giây cót tinh thần của chúng tôi: “Tôi cóc cần biết có bao nhiêu sư đoàn cộng sản được gửi tới chiến trường này để tấn công tôi.  Tôi sẽ nghiền nát chúng.”  Rồi ông đưa chúng tôi ra ngoài căn lều chỉ huy của mình, nơi đó có cả hàng chục binh sĩ cộng quân Bắc Việt bị lột trần và bị trói giật cánh khỉ lại đằng sau, giống như trói những con heo chờ giờ hành quyết.  Leon nói với tướng Đảo rằng, dựa theo những gì mà bọn phóng viên như anh biết được về những sự chuyển quân của Cộng Sản thì tình hình đã có vẻ tuyệt vọng rồi.  Tướng Đảo nổi nóng.  Ông ta khăng khăng cho rằng binh sĩ dưới quyền chỉ huy của mình hiện đang kiểm soát toàn bộ thị trấn. Tuy nhiên cả Leon lẫn Peter Arnett đều không tin.  Leon khăng khăng nói rằng nếu tình hình khả quan thì anh và các phóng viên nên được phép đích thân đến tìm hiểu tại chỗ.  Nhiều quả đạn pháo kích tới xẹt qua đám cây cối chung quanh chỗ chúng tôi đứng.  Chúng tôi bắt đầu có cái cảm giác rằng đã đến lúc phải đi.  Tuy nhiên vị tướng ấy đã mắc bẫy của Leon.  Ông ta ra lệnh mang mấy chiếc xe Jeep tới, bảo chúng tôi leo lên xe và phóng theo con đường mòn xuyên qua rừng dẫn đến thị trấn Xuân Lộc.

12 giờ.  THỊ TRẤN XUÂN LỘC

Cái nhóm nhỏ báo chí của chúng tôi thận trọng cho xe leo ngược con đường phố vắng.  Xe của tướng Đảo đi đầu, và ông vung vẩy chiếc gậy chỉ huy.  Bằng tiếng Việt ông gọi to, nhưng chẳng có tiếng đáp lại.  Xác người nằm rải rác trên đường phố.  Khói vẫn còn bốc lên từ những xác chết cháy xém.  Thành phố là cả một sự hỗn độn.  Ngoài tiếng tướng Đảo ra thì chả còn nghe thấy tiếng ai nữa.

Rồi có những cái đầu nhô lên từ những hố cá nhân ở hai bên đường phố.  Những cặp mắt thao láo của lính Biệt Động Quân Nam Việt Nam nhìn chúng tôi với một vẻ ngờ ngợ không tin.  Những kẻ khác cách chúng tôi đến cả ngàn thước cũng nhìn chúng tôi chòng chọc.  Chúng tôi, kẻ giơ máy hình lên bấm, kẻ hướng máy camera quay.  Nơi này đang ở trong tình trạng tồi tệ.  Phía đầu phố súng nổ vang.  Một người tùy viên chạy về phía tướng Đảo và chỉ tay về hướng có hàng cây.  Những bóng người vận đồ đen hình như đang chạy lướt qua giữa những rặng cây.. phải chăng đó chỉ là sự tưởng tượng của tôi.  Thình lình tướng Đảo quyết định ra đi.  Mấy chiếc xe Jeep của chúng tôi vòng quay đầu trở lại và phóng hết tốc lực đến bãi đậu của chiếc trực thăng, trong lúc đó thì người sĩ quan tùy viên ra khẩu lệnh với âm thanh sắc và gọn trên máy siêu tần số.  Hai chiếc Chinook đáp xuống làm bụi đỏ bốc tung lên mù mịt.  Lúc chúng tôi bắt đầu chạy nước rút đến chỗ hai chiếc trực thăng vừa đáp xuống thì những binh sĩ Nam Việt Nam, những người đã từng theo chúng tôi về đây từ thị trấn vượt qua mặt chúng tôi trong cú chạy nước rút thần tốc đến nơi trực thăng đậu.  Hai binh sĩ Nam Việt Nam có nhiệm vụ khiêng một thương binh nằm trên một cái cáng bất thần quăng băng ca xuống.  Một anh lính khác từ phía sau chạỵ vọt tới. leo bừa lên cả người anh thương binh nọ.  Leon Daniel bất thần nộ khí xung thiên.  Anh chạy vọt theo anh lính nọ và đánh anh lính nọ bất tỉnh nhân sự.

Những binh sĩ khác nhào tới bám lấy trực thăng trong lúc máy bay đang bốc lên cao.  Một số người rơi xuống đất như những trái mít rụng.  Trong không đầy một phút mọi chuyện coi như xong..  Rồi phi cơ khuất dạng ở đằng xa.  Mấy người lính bị thương thì rên rỉ trong lúc ấy thì những người khác giương súng bắn với theo mấy chiếc trực thăng.  Chúng tôi nhín quanh.  Toàn bộ cái nhóm nhỏ báo chí vẫn còn ở lại trên đường.  Cái ý nghĩ cho rằng chiến tranh đang đến hồi kết thúc cứ nhen nhúm và lớn dần trong chúng tôi.

15 giờ –TRÊN KHÔNG PHẬN XUÂN LỘC

Chiếc trực thăng mà chúng tôi cứ đinh ninh là sẽ chẳng bao giờ có thể nhìn thấy nữa lại bốc lên đưa chúng tôi ra khỏi Xuân Lộc.  Rõ ràng là tướng Đảo cảm thấy mình có trách nhiệm đối với sự an toàn cùa chúng tôi.  Ông đã gọi chiếc trực thăng chỉ huy của chính ông bốc chúng tôi ra khỏi Xuân Lộc, và ra lệnh cho chiếc trực thăng hạ cánh ở một khu vực nơi không có sự chen lấn xô đẩy.  Khi tướng Đảo nói lời từ biệt, nước mắt ông rưng rưng.  Ông nói: “Tôi không muốn các bạn hy sinh mạng sống cùng tôi.. Nếu người ta có cho các bạn cái cơ hội trở lại đây thì các bạn phải từ chối đi.  Xin hãy nói với người dân Mỹ rằng các bạn đã chứng kiến thấy Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã chiến đấu như thế nào và và chết ra làm sao.  Thôi bây giờ các bạn hay đi đi.”

Lúc chiếc trực thăng của chúng tôi bay cao khỏi ngọn cây chúng tôi nhìn về hướng bắc và xa xa ngút tầm mắt của chúng tôi là là những chiếc thiết giáp lăn bánh xuống phía nam gây ra những đám bụi tung bay mù mịt.  Rồi chẳng có ai trong chúng tôi gặp lại vị tướng chiến trường ấy.

CHƯƠNG HAI

ÔNG ĐƯA TÔI ĐI MỸ NHÁ.

21 tháng 04 NĂM 1975 8:00 AM- SAIGÒN

Con đường chạy ngang qua trước mặt Tòa Đại sứ kẹt cứng với một đám đông cuồng bạo.  Hàng trăm người Việt tay cầm những tấm thẻ thông hành giơ lên vẫy lia lịa trước cánh cổng lớn trong khi miệng la ó.  Cùng với các phóng viên nhiếp ảnh khác tôi cũng chen vào trong đám đông ấy, tay bấm máy lia lịa.  Thình lình một chiếc xe Jepp dẫn đầu cùng với hai xe khác trên xe chở đầy Quân Cảnh phóng như bay thắng két lại trước đám đông.  Họ nhanh chóng thành lập một hàng rào ở một bên mé tường tòa đại sứ.  Tay trái cầm những chiếc khiên bằng mây, tay phải cầm gậy.  Một sĩ quan hô to, và hàng rào Quân Cảnh này tấn công về phía trước.  Đám đông té ngã chồng chất lên nhau, rồi tức khắc bị đẩy giật lùi lại vị trí ở phía bên kia đường phố.  Chúng tôi ai nấy lom khom phóng qua cửa ào vào bên trong khuôn viên tòa đại sứ thì cũng vừa lúc một chiếc trực thăng sơn trắng của hãng Air Ameriuca đáp xuống sân thượng tòa đại sứ.

Đại Sứ Graham Martin trong bộ đồ lớn thẳng nếp, cổ thắt cà vạt đứng dưới tàn một cây me lớn.  Hình như ông ta chẳng có chút gì bận tâm đến việc các lực lượng của cộng quân áp sát thủ đô Saigòn không đầy bốn chục dậm.  Đối với những người thuộc giới báo chí của Saigòn thì vừa có những vấn đề khẩn cấp và những vấn đề cá nhận.  Hầu hết những cơ quan thông tấn ngoại quốc đều có những nhân viên người Việt bản xứ, những người đã làm việc cho người Mỹ trong nhiều năm. Bây giờ vấn đề chính được đặt ra là làm sao có thể đưa họ ra khỏi Việt Nam này.

Trong một buổi họp báo được tổ chức một cách gấp rút, Martin từ chối không thảo luận ngay cả vấn đề ấy.  Một phóng viên hỏi có bao nhiêu nhân viên người Việt làm cho tòa đại sứ đã ra đi thì viên đại sứ trả lời rằng “theo chỗ ông ta được biết thì chỉ có 444 nhân viên cả Mỹ lẫn Việt đã ra đi trong 24 giờ trước đó”.  Đối với Martin, vấn đề di tản là một ý kiến mà ông ta đơn giản không muốn nghĩ tới.  Ông ta cảm thấy rằng, nếu người ta thấy có quá nhiều người bỏ Việt Nam ra đi thì sẽ gây ra một sự kinh hoàng trong dân chúng, và điều đó có thể làm suy sụp đi chính phủ của tổng thống Thiệu.  Sau khi Martin rời khỏi cuộc họp báo thì những phóng viên trưởng đã đến hỏi thẳng người tùy viên báo chí tòa đại sứ và rồi họ bắt đầu hoạch định chương trình di tản riêng của mình.

12 GIỜ TRƯA

Chúng tôi lái chiếc xe nhỏ mầu vàng ngược quốc lộ số 1 đến một địa điểm cách xa thủ đô Saigòn 35 dặm và rồi dừng xe lại tại một đài chỉ huy cuối cùng của chính phủ Nam Việt Nam.  Đối với tôi thì đây cũng lại là những cái gì mình đã từng nhìn thấy qua rồi.  Cách đây ba năm, cũng chính tại nơi này David Kennerly và tôi đã bị cầm chân lại trong một trận chiến ác liệt.  Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy bộ đội cộng sản Bắc Việt không chết thì cũng bị bắt làm tù binh.  Dạo ấy chúng tôi bị bao vây nhiều giờ.  Bây giờ là thời điểm của năm 1975, tuyến đầu hầu như không tiến xa thêm được một ngàn thước Anh.  Binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa ngồi gần những hố cá nhân của họ nấu ăn, trong lúc ấy thì đạn pháo thỉnh thoàng lại hú qua trên đầu họ.  Quốc lộ Một vắng teo, và mặt đường lỗ chỗ những hố đạn pháo trải dài đến tận chân trời, nơi đó chúng tôi nhìn thấy những đám mây đen do khói tạo ra bốc lên và những tiếng lụp bụp.  Nik Wheeler, một phóng viên nhiếp ảnh làm cho tờ Newsweek muốn đi xa hơn về phía trên đến khu phi chiến.  Tôi nghĩ đây là một ý nghĩ vớ vẩn.  Tôi đã tới Xuân Lộc một lần, nơi đó coi như xong rồi.  Không còn là một câu chuyện gì về về những gì xẩy ra trên quốc lộ một nữa.  Một chuyện lớn đang xẩy tới..và rõ ràng đấy là sự sụp đổ của Saigòn.

22 THÁNG TƯ

Một cái gì đó mà chính cá nhân tôi chưa hề bao giờ thấy đang đổ ập xuống Saigon.  Con đường Tự Do, con đường chính lúc nào cũng nhộn nhịp, đầy ắp những tiếng ồn ào thì lại yên tĩnh một cách lạ thường.  Không thấy những thằng bé bẻm mép trên đường phố la réo: “Cho tôi tiền đi”.  Những cửa tiệm bán đồ mỹ thuật, bán tranh đầy những bức họa cổ điển Việt Nam cùng những tranh vẽ trên vải bố dầy với những hình thù kỳ lạ mô tả những cái sự kinh hoàng của chiến tranh cũng vắng khách.  Những tiệm rượu với những chiêu đãi viên mang giầy cao gót thường hỏi khách “Anh dùng Saigòn “tea” nhé?” bây giờ cũng ế ẩm.  Những tiệm sách của người Ấn độ bán những đồng bạc Việt Nam với giá từ 5 xu đến một đô la cũng chẳng có ma nào đoái hoài tới.  Và thay vào đó là những khuôn mặt âu lo nhìn ra ngoài qua những khe hở của cánh cửa khép chặt.  Quân Cảnh rượt bắt mấy chú lính đào ngũ trong những con hẻm.  Một nhóm trẻ con cứ đeo riết lấy tôi như đỉa đói, miệng la bai bải: “Ông cho cháu đi Mỹ với nghe.”

2000 GIỜ

Lệnh giới nghiêm lúc tám giờ tối.  Một nhóm chúng tôi bu quanh chiếc TV ở trong một quán rượu của khách sạn Caravelle.  Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang đọc một bài diễn văn rất quan trọng gửi quốc dân đồng bào trên hệ thống vô tuyến truyền hình.  Một bài diễn văn từ biệt thì đúng hơn.  Mặc một chiếc áo sơ mi cổ bẻ nhà binh, ông đọc một bài diễn văn từ biệt cay đắng.  Ông ta công kích Tổng thống Ford, Ngoại trưởng Kissinger và quốc hội Mỹ vì đã phản bội lại Việt Nam Cộng Hòa.  Đôi giòng nước mắt lăn trên gò má ông.  Ông Thiệu kết thúc bài diễn văn với lời lẽ như sau:  “Hôm nay tôi sẽ ra đi, và tôi yêu cầu đồng bào, quân đội và các đoàn thể tôn giáo hãy tha thứ cho những lỗi lầm mà tôi mắc phải trong quá khứ lúc tôi còn cầm quyền.  Đất nước và riêng cá nhân tôi rất biết ơn quý vị.  Tôi xin từ chức, nhưng tôi không đào ngũ.”  Chúng tôi nhìn nhau với thái độ không tin lời nói của ông ta.  Chính cái con người này đã đơn thân phải chịu trách nhiệm về sự rối loạn hiện nay ở Saigòn.  Quyết định của ông ta về việc ra lệnh rút quân từ vùng một về để tăng cường cho Saigòn là một chất xúc tác mau chóng dẫn đến sự tan rã của sức mạnh của Nam Việt Nam.

23 GIỜ ĐÊM

Đường phố Saigòn vắng hoe ngoại trừ việc thỉnh thoảng lại có một vài chiếc xe Jeep của Quân Cảnh cùng với một vài người cảnh sát làm nhiệm vụ tuần tra cưỡi xe đạp lặng lẽ chạy vòng vòng.  Tất cả các quán rượu đều im lặng vì đang là giờ giới nghiêm.  Đèn tắt.  Mấy chiếc xe buýt đen âm thầm lướt xuôi xuống con phố và dừng lại trước khách sạn Palace.

Một người dân sự Mỹ âm thầm dẫn một đám người Tây Phương và Việt Nam bước ra ngoài phố nơi có mấy chiếc xe buýt vừa mới lao tới.  Một đứa trẻ bỗng khóc ré lên, nhưng bà mẹ đã nhanh nhẹn bụm miệng con lại.  Lại cũng âm thầm và lặng lẽ toán người ấy leo cả lên mấy chiếc xe.  Không những chỉ có một nơi trong thành phố có chuyện xẩy ra như vậy mà còn nhiều nơi khác cũng xẩy ra chuyện tương tự như thế.  Đến âm thầm và rồi đi cũng lặng lẽ, mấy chiếc xe buýt ấy rồ máy lướt nhẹ trong bóng đêm.

Buổi sáng sớm hôm sau, những người Việt trên đường tới sở làm sẽ nhận thấy có một vài cửa tiệm đóng.  Bạn bè có ghé lại thăm thì thấy nhà cửa đã cửa đóng then gài im ỉm rồi.  Đó đây mấy cái bao rỗng cùng mấy cái hộp rỗng vất chỏng trơ bên vỉa hè.  Cuộc di tản bắt đầu.

CHƯƠNG BA

CHỈ CÓ THƯỢNG ĐẾ MỚI BIẾT CHUYỆN GÌ SẼ XẨY RA MÀ THÔI

THỨ TƯ NGÀY 23 THÁNG 4 NĂM 1975

TRỤ SỞ CỦA TÒA TÙY VIÊN QUỐC PHÒNG TRONG CĂN CỨ KHÔNG QUÂN TÂN SƠN NHẤT.

10 giờ sáng

Một đứa trẻ được tắm bằng nước đựng trong cái hộp lớn trước đây đựng cà chua.  Chúng tôi trú trong một cái hành lang chơi bóng chày nằm trong một doanh trại cũ của người Mỹ tại Tân Sơn Nhất.  Người Việt nằm la liệt khắp nơi.  Rác rưởi cùng với phân người đầy rẫy mấy cái giao thông hào.  Tôi lách qua khu chơi bóng chày.  Trong lúc tôi đang mải quan sát thì một công nhân xây dựng người Mỹ đội một chiếc mũ cao bồi cũng đang vội điền giấy tờ cho một cô bạn trẻ Việt Nam đang ôm cứng lấy cánh tay anh ta với nét âu lo hằn trên khuôn mặt.  Rõ ràng cô ta là chiêu đãi viên của một quán rượu.  Chiếc mini juýp của cô ta ngắn cũn cỡn bên trên đôi bốt da bóng loáng.  Một viên chức tòa đại sứ giải thích rằng chỉ cần người đàn ông ký vào một mẫu giấy bảo trợ khi đặt chân tới Hoa Kỳ là cô ta có thể rời Việt Nam đi Mỹ.  Ông ta biết quá rõ là cô gái này không phải là người duy nhất rời Việt Nam bằng cách này.  Nhiều người Mỹ có sáng kiến như vậy nên đã ký giấy bảo trợ cho tất cả những cô gái bán ba trong các tiệm để họ có thể ra đi.  Chỉ có Thượng đế mới biết những gì sẽ xẩy ra cho họ khi trở về Hoa Kỳ.

Tôi trộm nghĩ là việc làm ấy không những làm gia tăng thêm lượng đĩ điếm tại Mỹ mà rồi ra chính phủ Hoa Kỳ lại còn phải trợ cấp cho cả một bầy ma cô nữa.  Phía ngoài khu chơi bóng chày, hàng ngàn người Mỹ cũng như Việt lộn xộn đi lại.  Những người may mắn hơn thì ngồi được dưới cái mái che của một chỗ nào đó hay dưới tàn cây, và chung quanh họ là những va li hành lý chất la liệt.  Nhiều người ăn mặc sang trọng.  Một số giầu có, va li của họ nặng một cách lạ thường, chất chứa những thoi vàng ròng mà họ thu dược nơi những thương gia người Hoa để đổi lại lấy tiền và những đồ quý giá.

Ở cuối của Tòa Tùy Viên Quốc Phòng, những nhân viên không lực Hoa Kỳ tổ chức gom người ta lại thành từng toán một trăm người một, và khi toán thành lập xong thì tất cả những người này được lệnh leo lên xe buýt để họ chở ra chỗ máy bay đậu.  Trên đầu là những tiếng gầm rú liên tục của máy bay phản lực của những chuyến hạ cánh xuống, hay bay đi  Guam, Manila hay San Francisco.

14 giờ- QUỐC LỘ SỐ MỘT, 35 DẶM PHÍA BẮC SAIGÒN.

Tôi thu vào ống kính cảnh những binh sĩ Nam Việt Nam vác gà trên vai bị những dân làng đầu đội nón lá tức giận la thét.  Những tiếng bụp bụp hầu như thường xuyên của những quả đạn pháo bắn tới đã làm cho người ta inh tai nhức óc lúc chúng rơi và nổ tung trên xa lộ chỉ cách chỗ chúng tôi đứng có nửa dậm.

Thình lình một đoàn thiết vận xa của lực lượng Việt Nam Cộng Hòa hối hả chạy ngang qua.  Đoàn xe ấy húc phải một trong những người lính ăn cắp gà ít phút trước đó nhưng vẫn không giảm tốc độ.  Tôi nhìn Nick Wheeler trong lúc anh ta la lên: “Đây là một cuộc tháo chạy.  Sư đoàn 18 đã bị thất trận rồi.

THỨ NĂM 24 THÁNG 4

SAIGÒN – GIỜ 30 SÁNG

Con phố chính của Saigòn trở lại khuôn mặt giống như mười năm qua với sự hiện diện của người Mỹ tại Việt Nam.  Một vài quán rượu đã mở cửa và các thiếu nữ duyên dáng trong  bộ mini juýp đứng trước cửa các quán rượu giơ tay vẫy gọi một cách mời mọc.  Ở những quán nhỏ trên đường phố, người Việt ngồi xổm bên lề đường ăn phở sáng.

Cái thay đổi duy nhất và rõ ràng mà chỉ có cặp mắt tinh đời mới có thể nhận thấy được là có sự xuất hiện đột ngột của nhiều quân nhân trên đường phố Saigòn.  Họ đi lêu bêu một mình hoặc đi thành từng nhóm, đòi hỏi cái này cái nọ chứ không thèm xin xỏ.  Một cuộc đánh lộn xẩy ra khi một nhóm binh sĩ đòi chủ quán phải cho họ “ăn chùa.”  Một chiếc xe Jeep của Quân Cảnh trờ tới, thắng gấp, bốn bánh xiết trên mặt đường nghe “két” khô khan.  Từ trên xe nhẩy xuống là mấy người lính quân cảnh.  Họ bắn chỉ thiên.  Cả dân lẫn lính chạy tán loạn tìm chỗ núp.  Họ chạy thất điên bát đảo đến nỗi tông luôn vào cái người thương binh cụt hai chân đang ngồi trên xe lăn trước cửa tiệm khiến cho anh ta ngã lộn tùng phèo.

Xa xa về cuối phố một chiếc xe truck loại pickup lao vút tới đậu sát lề đường đằng trước một cao ốc đồ sộ bên cạnh vòi phun nước.  Một binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong bộ đồ tác chiến từ trên xe nhanh nhẹn bước xuống.  Theo sau anh ta là những phụ nữ Việt Nam cũng từ trên xe lục tục xuống tay xách nách mang những thùng sơn và cọ.  Họ mau chóng đi vào tòa cao ốc nọ, dùng thang máy đi lên sân thượng và bắt đầu làm việc.  Một giờ sau họ làm xong công việc đã giao và trở lại chiếc xe tiếp tục đến địa điểm khác để rồi cũng làm công chuyện tương tự nh vậy.  Trên nóc của tòa cao ốc xuất hiện con số 2 khổng lồ mà họ mới vừa vẽ còn ướt mầu sơn vàng.

CERCLE SPORTIF

SAIGÒN- GIỜ 30 TRƯA

Ở câu lạc bộ thể thao gọi là CERCLE SPORTIF, thời gian trôi qua thật êm đềm.  Đây là một cơ sở do người Pháp xây cất để làm nơi giải trí cho các người Pháp thời thuộc địa.  Cái nơi giải trí gọi là Cercle Sportif xa hoa ấy tọa lạc sau Dinh Tổng Thống tức là Dinh Độc Lập đã không hề biết đến cái không khí chiến tranh kể từ ngày nó được khai trương cho đến bây giờ.  Người Mỹ và người Việt chơi ten nít ngay cả những buổi trưa oi nồng.  Chung quanh bể bơi các người bồi phục vụ bưng ra cho khách những ly to nước giải khát mát rợi, trong lúc ấy thì những phụ nữ lai Âu Á xinh đẹp nằm phơi nắng bình thản. 

Michael Laurent, một phóng viên nhiếp ảnh tài tử người Pháp bận quần jeans, áo jacket đang lo lắng tìm cách ra ngoài Saigòn.  Anh ta nghĩ rằng chúng tôi đang phí thời giờ ngồi bên bể bơi.  Nik Wheeler và tôi nhắc anh ta về những gì mà chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy trên quốc lộ một ngày hôm trước.  Vì sư đoàn 18 bộ binh đã “sụm” thì điều đơn giản là chẳng còn có chỗ nào để đi ra ngoài thành phố Saigòn cả.  Chúng tôi nói với anh ta rằng dĩ chí ngay cả khi anh ta vượt qua được những nút chặn trên đường thì điều gì sẽ xẩy ra nếu có dấu hiệu di tản.  Anh ta có thể bị kẹt lại ở một nơi xa trong khi ấy thì câu chuyện thực đang xẩy ra ngay tại Saigòn.  Michel không tin, và anh ta cứ đi, miệng cắn chặt điếu xì gà.  Chúng tôi kêu thêm một ly giải khát nữa.

VĂN PHÒNG CỦA HÃNG TRUYỀN HÌNH NBC Ở SAIGON

17 GIỜ 30

Văn Phòng của hãng truyền hình NBC nhìn xuống đường Nguyễn Huệ bận túi bụi.  Ngoài những thông tín viên, những nhóm quay phim và nhân viên sản xuất cũng còn ít nhất một tá người Việt kiên nhẫn đứng xếp hàng dọc theo tường.  Trong văn phòng của mình, Henry Griggs, một tay sản xuất phim chiến trường của hãng truyền hình NBC từ Nữu Ước đến, lúc này nắm chức vụ trưởng phòng thở dài khi thấy có thêm một người Việt Nam nữa được đưa vào.  Nước mắt đầm đìa, một thiếu phụ Việt Nam ăn bận sang trọng nhưng đầu tóc rối bời.  Bà ta khẩn cầu ông ta giúp cho gia đình mình rời khỏi Saigòn.  Bà ta nói với Henry Griggs rằng người anh em con cô con cậu với bà ta đã có thời làm cho cho hãng NBC có nhiệm vụ mang phim ra phi trường để gửi về Mỹ, và rằng người bà con này của bà ta đã bị tử thương trong cuộc hành quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào lãnh thổ xứ Căm Bốt, và rằng người bà con của bà ta thường luôn luôn ca ngợi cái công ty truyển hình NBC , và bây giờ chắc hãng truyền hình NBC này cũng có thể giúp gia đình bà ta ra khỏi Việt Nam.

Griggs hiểu rằng cái cảnh như thế này thường gặp phải hoài hoài ở văn phòng của mọi cơ quan thông tấn của Mỹ ở Saigòn.  Ông ta bắt đầu giải thích rằng, ông ta sẽ làm tất cả những gì trong khả năng cũng như quyền hạn và trách nhiệm của mình hầu có thể giúp gia đình của những nhân viên trực tiếp làm việc cho hãng rời khỏi Việt Nam.  Tối hôm trước ông ta đã thức đến gần sáng với một nhóm đặc biệt gồm có các trưởng văn phòng vạch ra kế hoạch di tản. Nhưng không thực hiện được.  Nhóm ấy còn thuê bao một phản lực cơ dùng để di tản nhân viên người Việt của họ một vài đêm trước.  Tuy nhiên chiếc máy bay đã bị khước từ không cho hạ cánh.  Tuần lễ trước đó Griggs đã bay đi Hồng Kông để liên lạc bằng điện thoại với David Kennerly phóng viên nhiếp ảnh của Phủ Tổng Thống Mỹ để yêu cầu ông ta can thiệp với tổng thống để xem nếu có thể làm gì được để giúp mình.  Kennerly, một người đã làm một chuyến đi tìm sự thật về sự sụp đổ của Nam Việt nam hứa rằng anh ta sẽ làm mọi việc để có thể giúp nhưng cho tới bây giờ thì … mẹ kiếp… chẳng có chó gì cả.

Griggs nhìn ra ngoài cửa sổ và bên kia đường đối diện là rạp chiếu bóng Rex, nơi đó đám đông người Việt chen chúc nhau mua vé xem một phim mới của cô đào chiếu bóng Pháp Brigitte Bardot là “Đại Lộ Rượu Rum”.  Ông ta ngước mắt nhìn lên tầng thượng của rạp Rex lúc này vắng hoe.  Ông ta chợt nhớ nơi này trước đây là một nhà hàng sang trọng của câu lạc bộ sĩ quan Mỹ.  Chính tại nơi này Griggs cũng đã tìm được những giây phút thoải mái bởi vì ông ta đã quen được nhiều bạn tốt trong giai đoạn từ năm 1966 trở lại.  Chúa ơi, sao hồi ấy tất cả đều giản dị thế.

CHƯƠNG BỐN

XIN LÀM ƠN ĐEM TÔI RA

8 GIỜ SÁNG NGÀY 25 THÁNG 4, 1975

Khói đen phun ra từ  những ống khói của tòa đại sư đã tạo thành những đám mây.  Người Anh đang thiêu hủy hồ sơ của họ.  Cánh cổng chính của tòa đại sứ mở toang, và đại sứ John Christopher Wydon Bushel trong bộ đồ đi săn, lái xe rời khỏi tòa đại sứ trên chiếc xe Jaguar.  Ông ta lái xe vượt qua đám đông rồi trực chỉ phi trường Tân Sơn Nhất để di tản.  Phía bên kia đường đối diện với tòa đại sứ Anh, tôi quay lại Nik Wheeler.  Anh ta nói: “Thôi thì ít ra cũng còn tốt, hơn hẳn cái bọn đểu giả Gia Nã Đại.  Họ bảo nhân viên của họ hôm nay tới sở làm để được đưa đi nhưng lúc cái đám nhân viên tới thì mới vỡ lẽ ra rằng mấy thằng cha ấy đã rút dù từ đêm hôm qua rồi.

SAIGON-MỘT KHU HỌ ĐẠO GẦN PHI TRƯỜNG TÂN SÔN NHẤT.

14 GIỜ

Một đám rước, gần như là một cuộc biểu dương tuần hành xuống một con đường phố nhỏ, bụi bặm, nóng nực tiến về phía chúng tôi.  Biểu ngữ trương khắp nơi mang những khẩu hiệu như “CHÚNG TÔI SẼ CHIẾN ĐẤU CHO ĐẾN GIỌT MÁU CUỐI CÙNG.  VIỆT NAM CỘNG HÒA MUÔN NĂM.”  Thỉnh thoảng lại cũng có một biểu ngữ với giòng chữ vàng và xanh như sau: “HÒA BÌNH VÀ THƯƠNG THUYẾT. KHÔNG ĐỔ MÁU.”  Mặc dầu tất cả các biểu ngữ ấy đều được viết bằng Việt Ngữ, nhưng phía dưới hàng chữ Việt là hàng chữ Anh để cho các phóng viên truyền hình Mỹ như chúng tôi có thể thu vào ống kính.

Đám rước kéo tới một sân khấu trước ngôi nhà thờ.  Tiếng hoan hô vang dậy và người hùng được người ta công kênh lên khán đài.  Vị tướng của Không Quân Nam Việt Nam, cựu thủ tướng Nam Việt Nam và cũng là cựu phó tổng thống của Nam Việt Nam không ai khác hơn là ông Nguyễn Cao Kỳ.  Cổ thắt chiếc khăn quàng mầu tím với bộ đồ bay và một khẩu súng lục báng khảm ngọc trai lủng lẳng bên hông ông Kỳ nói chuyện với đám đông.  Kỳ kêu gọi dân chúng chống lại sự tiến công của cộng sản.  Kỳ thét lên: “Chúng nó là một bọn chuột nhắt và sẽ chẳng bao giờ bước chân vào được đất Saigòn này.”  Ông ta thề sẽ tiếp tục chiến đấu.  Ông ta la to: “Hãy để bọn hèn nhát bỏ nước ra đi cùng với người Mỹ đi đi và hãy để những người yêu miền Nam ở lại chiến đấu.”

 Một phóng viên Việt Nam xoay về phía chúng tôi và nói bằng một giọng nho nhỏ: “Ông ta điên rồi.”  Chúng tôi rời đám biểu tình tuần hành một quãng xa ra đến gần con phố chính rồi mà vẫn còn nghe những tiếng nói vang vang của ông ta trên loa phóng thanh.  Trong khi chúng tôi đứng chờ xe tắc xi, tiếng còi hụ cắt ngang tiếng ì ầm của xe cộ.  Một chiếc xe của quân cảnh có gắn súng đại liên 50 chạy qua giòng xe cộ, và tiếp theo chiếc xe này là một chiếc xe Mercedes dài cùng một chiếc xe Ford trên xe toàn là những nhân viên mật vụ Việt Nam.  Tôi quay qua hỏi người thông tín viên Việt Nam trước khi đoàn xe đi khuất xuống cuối đường là “ai vậy?” thì người phóng viên Việt Nam mỉm cười trả lời rằng: “Ông Thiệu.  Bây giờ ông ấy đi từ giã đấy.”

VĂN PHÒNG CỦA BÁO TIME/LIFE SAIGÒN

17 giờ

Roy Rowan, trưởng phòng báo chí của báo Time đang triệu tập một phiên họp tham mưu.  Tôi đảo mắt nhìn quanh phòng.  Có cả Mark Godfrey tham dự phiên họp với chúng tôi.

Huấn thị mới đến với chúng tôi từ cả hai nơi:  Nữu Ước và tòa đại sứ.  Time đã không nhận thêm nhân viên phái tới Saigòn.  Họ muốn chúng tôi giảm bớt sĩ số nhân viên càng nhanh càng tốt.  Lệnh lạc từ Nữu Ước tới chúng tôi rất là rõ ràng: đưa nhân viên người Việt đi rồi thì giảm thiểu tối đa số nhân viên còn lại.  Chỉ cón có một số phóng viên khung là còn trụ lại cho đến phút chót.  Tòa đại sứ đã thông báo cho các trưởng cơ quan truyền thông rằng, trong trường hợp có cuộc di tản xẩy ra thì hệ thống phát thanh của Lục Quân Hoa Kỳ ở Saigòn sẽ phát đi một bản tường trình về vấn đề thời tiết rất đặc biệt nói là “Nhiệt độ là 105 và đang lên nữa.”  Nghe tín hiệu này thì tất cả những người Tây Phương làm về truyền thông và báo chí phải trình diện tại những khu vực tập trung để di tản, đó là những địa điểm đã được sắp đặt sẵn quanh Saigòn.  Chúng tôi còn được biết là cuộc di tản sẽ ồ ạt khi Đài Phát Thanh Lục Quân bắt đầu cho phát thanh baì hát “Giáng Sinh Trắng” của Bing Crosby.

 SAIGON-QUẦY RƯỢU CỦA KHÁCH SẠN PALACE CONTINENTAL.

20 giờ

Nhiều ký giả của giới báo chí và truyền thông của Saigòn tụ tập chung quanh một cái bàn để lắng nghe một cái tin sửng sốt là phóng viên siêu sao Hunter S. Thompson sẽ tới Saigòn vào giờ chót.  Anh ta vừa mới đáp máy bay từ San Francisco tới Saigòn để tường thuật về sự thất thủ của Saigòn cho báo Rolling Stone.  Người bác sĩ tốt bụng ấy thường thường ở trong tình trạng say sưa và thường viết một cách rời rạc về những câu chuyện mà ông ta tường thuật khắp thế giới.  Tôi nhận thấy bên kia đầu bàn bắt đầu im lặng và rồi có những tiếng xì xào bàn tán của các bạn đồng nghiệp của tôi bắt đầu lan tới phía tôi.  Từng người một các phóng viên báo chí và nhiếp ảnh viên rời bàn.  Tôi bắt kịp Nik Wheeler trong khi anh ta đang đi xuống thang lầu của khách sạn.  Anh ta nghiến hàm răng lại.  Xoay về phía tôi, anh nói: “Michel Laurent vừa mới bị tử thương rồi.”

SAIGON- VĂN PHÒNG CỦA BÁO TIME/LIFE/

22 GIỜ

Roy Rowan đang ngồi trước chiếc máy tê lê típ.  Anh ta đang trực tiếp liên lạc với các văn phòng của báo Time ở Nữu Ước qua hệ thống viễn ấn của Việt Nam.  Đang liên lạc với Nữu Ước thì Văn Phòng của báo Time ở Hồng Kông chen vô như sau: “Đây là Eddie Adam.  Tôi hiện có mặt tại Hồng Kông và đã muavé máy bay bay đến Saigòn vào sáng ngày mai.”  Rowan trả lời rằng, chiếu theo những huấn thị từ Nữu Ước thì không một người Mỹ nào có thể đến Việt Nam nữa.  Adam trả lời rằng John Durniak giám đốc hình ảnh đã ra huấn thị rằng Dirck Halstead phải ra khỏi Việt Nam thì Eddie mới có thể vào Việt Nam được.  Rowan thở dài nhìn tôi rồi trả lời: “Rất tiếc là điệp văn của bạn có chỗ rắc rối dễ gây ra hiểu lầm và rồi cúp liên lạc.

Chúng tôi rời văn phòng và lại một lần nữa máy tê lê típ hoạt động trở lại.  Người điện thoại viên của tổng đài viễn thông có trụ sở tại Saigòn chuyển đi lời yêu cầu như sau: “Xin quý vị làm ơn đem chúng tôi ra khỏi Việt Nam, được không?”

KHÁCH SẠN PALACE CONTINENTAL

NGÀY 26 THÁNG 4, 1975

Một nhóm nhỏ phóng viên người Mỹ ngồi chung quanh một cái bàn ở ngoài hàng hiên của khách sạn Continental Palace.  Cái khách sạn cổ xưa này là nơi đã từng chứng kiến sự lui tới của nhiều đội quân viễn chinh.  Đầu tiên là người Pháp và bây giờ là người Mỹ.  Trong lúc những khách sạn khác mới hơn được xây sau này bị bọn khủng bố đánh bom phá hoại, khách sạn Palace Continental vẫn cố gắng tồn tại đa phần là bởi vì chủ nhân ông của nó đã phải trả thuế rất nặng cho bọn cộng sản.  Ngay cả đến cái cảm giác cho rằng một số người làm truyền thông báo chí làm việc trong khách sạn có thể thực sự là các điệp viên cộng sản.  Kết quả là khách sạn đã trở nên một nơi ưa thích của các ký giả, những người cố tưởng tượng ít ra là trong một giai đoạn ngắn rằng, họ có thể thưởng thức được cái thú vui của thế giới thuộc địa bây giờ đã qua rồi.

Những trẻ bụi đời cặp mắt dáo dác trông chừng những người bồi khách sạn rồi chui vào phía trong để đánh giầy cho khách cũng như bán các tạp chí, bán… chị chúng hoặc hoặc anh của chúng hay chính chúng.  Ở một góc, nơi có những phụ nữ ăn vận áo đầm dài sang trọng đang dùng trà buổi sáng.  Thực ra những ký giả có nhãn quan tinh đời biết rõ những người này chỉ là đàn ông giả phụ nữ và vô cùng thích thú khi quan sát những tay cầu hôn trẻ tuổi làm những cử chỉ khôi hài khi bọn này đề nghị cầu hôn.  

Tuy nhiên sáng nay chẳng có tay phóng viên nào buồn chú ý đến cái đám làm trò xiếc chung quanh họ mà chỉ có đề cập đến số phận của Michael Laurent.  Anh chàng phóng viên này đi cùng với một tay phóng viên vô tuyến truyền hình thì bị lọt vào trận địa pháo của cộng quân trên quốc lộ 1.  Người phóng viên vô tuyến truyền hình cố gắng chạy thoát.  Hai người chạy lạc nhau và lần cuối cùng nhìn thấy Michael là thấy anh ta chạy ngay vào lằn đạn của địch.  Có lẽ Michael vừa mới bị thương.  Anh ta là một cựu phóng viên đã có năm năm kinh nghiệm làm phóng sự về cuộc chiến Việt Nam cộng thêm với hai năm làm phóng viên ở Phi Châu với người Pháp, ấy là chưa kể thời gian hành nghề ký giả ở Bangladesh, nơi đó anh ta đã được tặng giải thưởng Pulitzer.  Tuy nhiên anh ta là người Pháp, nhưng bề nào thì cũng là đồng nghiệp, một người bạn đã vĩnh viễn ra đi khiến chúng tôi ai nấy không khỏi bùi ngùi thương cảm, và rồi trông người lại ngẫm đến ta.

QUÁN RƯỢU Ở TRÊN TẦNG THƯỢNG CỦA KHÁCH SẠN MAJESTIC

23 giờ khuya

Nhóm phóng viên của chúng tôi, những người có trên ba chục năm kinh nghiệm trong việc làm phóng sự về chiến tranh Việt Nam.  Và chúng tôi đang uống nốt những chai rượu cô nhắc và hút hết những điếu xì gà Cuba.  Nhóm này gồm phóng viên của tạp chí Time, Roy Rowan, người đã từng chứng kiến thành phố Thượng Hải rơi vào tay Trung Cộng.  Trong những văn phòng của tờ báo Time ông ta được tặng cái danh hiệu là “con người đóng cửa các quốc gia”.  Rồi cũng có Catherine Leroy, một phụ nữ Pháp nhỏ con nhưng rất năng động, người đã cung cấp cho tờ Tạp chí LIFE một chuyện tin độc quyền bằng việc lẻn đi sau phòng tuyến quân đội cộng sản Bắc Việt suốt trong thời gian Huế bị vây hãm, Dave Greenway của tờ Los Angeles Times, Mark Godfrey và tôi.

Trong suốt một giờ thoải mái, bầu không khí ẩm ướt của ban đêm đậm đặc mùi hương liệu của Đông Phương như thấm vào từng thớ thịt trên thân thể chúng tôi, và trong những giây phút thoáng nhanh ấy chúng tôi có cái cảm giác rằng hình như chiến tranh không có ở nơi này.  Đồ ăn thơm ngon, rượu vang tuyệt vời, và khi cái ấm áp của những giọt rượu cô nhắc lan tỏa trong đầu và trên ngực của chúng tôi thì hình như cái thành phố Saigòn này của chúng tôi vẫn có thể tiếp tục cuộc sinh hoạt bình thường mãi mãi.

Lúc các người bồi bắt đầu đóng cửa tiệm rượu thì cuộc chuyện trò của chúng tôi xoay sang đề tài là chuyện gì sẽ xẩy ra tiếp.  Chúng tôi sẽ làm gì đây?  Không ai trong chúng tôi nghĩ rằng bất cứ một sự nguy hiểm thực sự nào cũng đến từ phía Bắc Việt.  Tuy nhiên lực lượng quân sự và cảnh sát của Nam Việt Nam bị rối loạn hàng ngũ và thiếu chỉ huy cũng làm cho chúng tôi lo lắng.  Họ có thể nổi điên loạn trong giai đoạn tạm thời giữa lúc ra đi của người Mỹ và thời gian để người cộng sản có thể tái lập trật tự.  Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này hàng bao nhiêu lần.  Nhưng chẳng may thay, những câu giải đáp bây giờ dường như không còn rõ ràng như trước kia nữa.  Nik Wheeler và tôi ngồi nhổm dậy và từ sân thượng của chiếc khách sạn cổ nằm trên bờ sông Saigòn chúng tôi phóng tầm mắt nhìn xuống nhà hàng nổi Mỹ Cảnh lúc nàỳ chìm trong màn đêm.   Nhà hàng này gợi cho tôi nhớ lại là một đêm nọ tôi suýt bị giết khi một trái mìn claymore nổ ngay phía sau lưng khi tôi đang chụp hình quang cảnh ấy.  Tôi đã được một người bạn cứu sống, bởi vì trông thấy tôi anh ấy đã gọi tôi.  Lúc tôi quì bên cạnh anh ta thì những mảnh mìn claymore lao vút lên trời bay qua đầu chúng tôi.  Bây giờ có quá nhiều người bạn chết.   Henri Huet, người đã ở trong nhóm phóng viên nhiếp ảnh đầu tiên với chúng tôi làm việc cho UPI tại Saigòn.  Dana Stone và Sean Flynn, những ký giả phiêu lưu, và sự theo đuổi niềm hứng khởi của họ đã dẫn họ đến cái chết trước đội hành quyết của Cộng Sản Căm bốt.  Larry Burrows, người họa sĩ hiền từ của tạp chí LIFE; Kyoichi Sawada, người đã được giải thưởng Pulitzer trong lúc làm việc cho văn phòng của hãng thông tấn UPI của tôi, và bây giờ đến lượt Michel.   Trong lúc xuống thang lầu chúng tôi đi ngang qua một căn phòng lớn và đã được chính phủ mới tổ chức những buổi thương thuyết về hòa bình.  Một chiếc bàn tròn to lớn được kê ở giữa phòng.  Chính giữa bàn là một thái cực đồ và hai bên dấu hiệu này là hai con bồ câu.  Đó là cái quốc huy mới của chính phủ liên hiệp.  Chúng tôi cười phì khi nhìn thấy người gác dan nằm ngủ say trên bàn.  Tôi bước ra khỏi khách sạn và đi vào trong bóng đêm thầm lặng                 

CHAPTER 5

BẤT CỨ NGƯỜI NÀO KIẾM SỐNG MỘT CÁCH LƯƠNG THIỆN CŨNG CÓ THỂ Ở LẠI

27 THÁNG 4- SAIGÒN-DINH ĐỘC LẬP

01 giờ chiều

Hơi thở của tôi còn sặc mùi cô nhắc.  Tôi lôi một chai bia 33 từ trong quầy rượu nhỏ.  Và tôi còn có một nửa điếu xì gà Romeo và Juliette lấy từ nhà hàng Majestic.  Tôi ngồi xuống giường và bắt đầu viết đề tựa trên nhũng bao thư gửi kèm cùng với cuộn phim chụp được sẽ gửi đi Nữu Ước sáng mai.  Tôi bước lại gần chiếc tủ lạnh, lôi một chai nhỏ rượu cô nhắc nữa và pha thêm một chút sô đa.  Tắt máy điều hòa không khí xong tôi mở bung cánh cửa sổ ra.  Giờ giới nghiêm có hiệu lực.   Đường phố im lặng như tờ.  Tôi nhớ rằng chưa bao giờ thành phố Saigòn lại như vậy cả.  Ắt hẳn nó phải giống như hồi thập niên 1920 trước khi những chiếc xe xích lô, xe lam ba bánh cùng những chiếc tắc xi nhỏ nhắn sơn mầu vàng và xanh tràn ngập đường phố.

Tôi nhìn ra ngoài đường phố rộng thênh thang.  Không một bóng người lai vãng.  Khi người Pháp vẽ sơ đồ cho Saigòn thì người ta đã tiên đoán thành phố này phải như thế, những đại lộ rộng rãi có những hàng cây hai bên.  Thành phố này thực sự là một Ba Lê của Phương Đông.  Tôi cầm chiếc máy thu hình lên và bắt đầu lau chùi.  Bụi đỏ đã chui vào khắp mọi nơi hẻm hóc của máy.  Tôi cố gắng chùi cho sạch ống kính thu hình của máy bằng chiếc áo thun có tay của mình.  Tôi nghĩ mình nên làm một chuyến đi nữa ngược lên quốc lộ 13.  Có lẽ là vào buổi sáng.

            David Kennerly đón tôi ở lề đường bằng một chiếc xe của khách sạn Caravelle.  Chúng tôi quyết định làm một chuyến đi an toàn tới tiền tuyến.  Leon Daniel ngồi băng sau của xe.  Dọc theo quốc lộ 13, hai mươi lăm dậm phía bắc Saigòn, chúng tôi tiến vào chỗ bắt đầu của vùng phi quân sự.  Chúng tôi mặc áo giáp chống đạn vào người và rồi cúi rạp người trong xe.  Viên tài xế đạp lút ga, và chúng tôi vọt qua “con hẻm hứng hỏa tiễn” và ngay lúc đó thì mấy trái hỏa tiễn của quân đội cộng sản Bắc Việt rít xè xè trên đầu chúng tôi.  Theo chân một đại đội lính Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi cũng tiến về hướng bắc.  Chúng tôi chụp hình đoàn quân cùng với thiết giáp của họ tiến ngược lên dọc theo quốc lộ, rồi dừng lại ăn trưa, món đồ ăn mang theo từ khách sạn.  Trong lúc ăn uống thì những đám mây đen cũng ùn ùn kéo lên.  Lúc những giọt mưa đầu tiên bắt đầu rơi lộp bộp tôi nghe tiếng súng AK 47 “cắc, đoàng” bên tai mình.    Thình lình tiếng súng nổ chát chúa phát ra từ phía hàng cây.  Chiếc xe của khách sạn xoay tròn một vòng và vùn vụt lao xuôi theo quốc lộ, bỏ chúng tôi lại đằng sau.  Đạn pháo binh loại 105 ly nổ chung quanh chúng tôi.  Nhìn thấy chiếc thiết vận xa, bửng xe phía sau mở chúng tôi chạy lao tới và đóng chặt cửa hậu của xe lại.  Trong một góc của lòng chiếc thiết vận xa, một thân người gục xuống, khói bốc lên từ cái xác.  Tôi nhìn xuống…hình như đấy là xác của một phóng viên thu hình.  Chiếc máy Nikon F của anh ta rơi lăn lóc trên sàn chiếc thiết vận xa, còn thân hình của anh ta dập nát.  Cố gắng nhấc chiếc máy ảnh lên nhưng nó nóng quá khiến tôi phải buông tay.  Trong lòng chiếc thiết vận xa lờ mờ tôi có thể nghe thấy những tiếng đạn pháo nổ uỳnh oàng.  Màng nhĩ của tôi nghe lốp bốp.  Một trái lựu đạn lân tinh nổ tung trong lòng chiếc thiết vận xa.  Tiếng nổ nghe thật dữ dội.  Khói lân tinh vọt lên cao, và rồi lả tả rơi xuống như những hoa tuyết, và chỗ nào nó rơi xuống thì cháy chỗ ấy.  Tôi nhìn thấy da của tôi bắt lửa, nhưng kỳ lạ thay là tôi mình cảm thấy đau đớn gì cả.  Tôi trở thành mục tiêu của đạn pháo và hỏa tiễn.  Đạn và hỏa tiễn càng ngày càng rơi gần chỗ tôi núp…

KHÁCH SẠN PALACE

04 GIỜ SÁNG

Tôi thức giấc. Chiếc áo “mai-ô” ướt đẵm mồ hôi.  Máy điều hòa không khí đã ngưng chạy.  Thình lình căn phòng rung chuyển khi một trái hỏa tiễn rơi ngay bên ngoài cửa sổ.  Những mảnh vụn bay tứ tung trong không khí.  Còi báo động vang lên.  Từ căn phòng ở trên tầng lầu tôi chạy xuống thang để xuống đường phố.    Những tiếng nổ thắp sáng cả bầu trời.  Có tiếng súng bắn từ mái của khách sạn Majestic, chỉ cách chỗ tôi có một “block” đường.  Tôi cố chen qua đám người hoảng sợ, những người nằm ở những xó xỉnh trước cửa khách sạn.  Nick Wheeler từ trên tầng lầu hai gọi tôi.  Tôi chạy ngược lên thang lầu.  Đằng sau anh là dẫy nhà thuộc phủ tổng thống.  Dẫy nhà ấy có một lỗ hổng toang hoác ở trên nóc và từ chỗ lỗ hổng đó khói bốc lên trời.  Giữa những vật gẫy vỡ ấy chúng tôi không nhìn thấy một xác người nào cả.  Nằm trên mặt chiếc bàn có hình thái cực, bê bết máu, một chiếc bàn dùng làm bàn đàm phán cho hòa bình tại Việt Nam là cái xác bất động của người gác dan.

NGÔI CHỢ Ở TRUNG TÂM SAIGÒN

7 giờ 30 sáng

Một cây thánh giá đơn độc hai mươi feet cao, với ngôi nhà thờ bao quanh nó đã trở thành đống gạch đổ nát tất cả tạo nên một cảnh tượng ghê rợn.  Một khu vực dài hai block đường rộng một block đã trở thành bình địa do trận pháo kích liên tục bằng hỏa tiễn của cộng quân vào lúc hừng đông.  Các nhân viên y tế lôi một tử thi ra khỏi đống gạch đổ nát còn đang bốc khói.  Phụ nữ đi qua chỗ đổ nát ấy, khăn mùi xoa che miệng khóc tấm tức.  Thỉnh thoảng có người lại tìm thấy một tử thi trẻ em từ trong đống gạch vụn đổ nát ấy và bắt đầu khóc than.  Trong khi đang bấm máy chụp, tôi nhận thấy một phóng viên vô tuyến truyền hình rất đẹp mà trước đây tôi chưa hề nhìn thấy bao giờ.  Cô ta mặc một chiếc áo sơ mi vải hoa, chiếc váy đầm và chân đi đôi bốt cao.  Cô ta trông có vẻ lạc lõng, giống như một nghệ sĩ đứng trên sân khấu mà lại đứng chụp hình giữa cái cảnh đổ nát hoang tàn.

Hillary Brown của hãng truyền hình ABC vừa mới tới Việt Nam.  Cô ta đã từng là phóng viên tường trình về những vụ đánh bom ở Ái Nhĩ Lan, và cũng không lạ gì với cái cảnh tượng như thế này.  Trong khi tường thuật tại chỗ về vụ việc xẩy ra cô ta nói: “Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1968 Cộng sản lại pháo kích Saigòn bằng hỏa tiễn.  Đối với những cư dân của thành phố này thì khó mà họ có thể tưởng tượng được rằng các lực lượng của cộng sản bây giờ lại áp sát vòng đai thủ đô.  Họ nhận thức được rằng đây có lẽ là sự khởi đầu của một hành động cuối cùng của cuộc chiến.”

TRÚ KHU CỦA CỘNG SẢN BẮC VIỆT TẠI PHI TRƯỜNG TÂN SƠN NHẤT

1200hrs

Mặc dầu Saigòn đang bị Cộng quân pháo kích, với việc bộ đội Cộng Sản Bắc Việt áp sát bên ngoài thủ đô, những quan sát viên ngừng bắn của cộng sản Hà Nội vẫn tổ chức cuộc họp báo thường lệ vào ngày chủ nhật.  Từ ngày có những cuộc hòa đàm về vấn đề hòa bình ở Paris, phi trường Tân Sơn Nhất đã trở thành một nơi để cho họ tổ chức thuyết trình và họp báo hàng tuần.

Nằm biệt lập ở trong khu đằng sau của một căn cứ không quân cũ của Mỹ, trú khu ấy nằm rợp dưới bóng những cây cọ cao.  Cộng quân Bắc Việt với mũ cối trên đầu và súng AK 47 lủng lẳng trên vai đi tuần tra chung quanh khu vực hay đứng như phỗng.  Một nhóm phóng viên nhà báo và vô tuyến truyền hình Mỹ xếp hàng đi vào trong căn nhà tranh dài để nghe cuộc thuyết trình buổi sáng.  Xa xa về đằng cuối của căn phòng người ta treo trên tường một lá cờ Việt Cộng lớn, nửa đỏ, nửa xanh với ngôi sao vàng lớn ở giữa.  Bên dưới lá cờ là một cái bàn phủ bằng nỉ xanh.  Người phát ngôn viên chính của cộng sản, Đại Tá Ba đang trả lời những câu hỏi.  Bốn chung quanh tường của căn phòng dùng làm nơi họp báo càng ngày càng trở nên nóng bức vì những ánh đèn chiếu ra từ những máy quay phim.   Lính Bắc Việt liên tục bưng ra phục vụ khách nào cô ca, nào nước cam và bia Việt Nam cho các phóng viên khát nước.  

Hillary Brown hỏi Đại Tá Ba: “Bây giờ còn có những cơ hội nào cho một cuộc dàn xếp qua thương thảo với chính phủ Saigòn?  Vì tổng thống Thiệu đã từ chức thì liệu tân tổng thống Hương có được phe cộng sản các ông chấp nhận như là một phần trong chính phủ hòa hợp và hòa giải dân tộc hay không?”  Đại Tá Ba lắc đầu một cách nghiêm nghị, và trả lời: “Các ông Thiệu và Hương thì cũng như mũ xanh, mũ trắng có khác gì nhau đâu.” 

Một câu hỏi chính mà giới báo chí hỏi đi hỏi lại họ là điều gì sẽ xẩy ra nếu quân Bắc Việt chiếm được thành phố Saigòn mà họ vẫn còn kẹt lại, và như thế liệu đám báo chí truyền thông có được an toàn không, bởi vì tất cả mọi người đang cố gắng tìm hiểu xem những cơ may nào chúng tôi có trong những ngày sắp tới.

Đại tá Ba mỉm cười trả lời: “Bất cứ ai có một cuộc sống lương thiện cũng sẽ được welcome.

 SAIGON, TÒA THƯỢNG VIỆN VIỆT NAM CỘNG HÒA

3 giờ chiều

Một toán quân danh dự Nam Việt Nam trong những bộ đồng phục mầu trắng, mũ sắt cũng mầu trắng mạ kền bóng nhoáng lấp lánh dưới ánh mặt trời gay gắt, đứng trong tư thế nghiêm trước lá cờ cắm trước cửa tòa Thượng Viện bên bờ sông Saigòn.  Những nhóm phóng viên truyền hình chạy tới chạy lui để thâu hình những phái đoàn tới.  Đó là ông Nguyễn Cao Kỳ với người vợ nhỏ nhắn, xinh đẹp, bà Mai, cựu nữ tiếp viên Hàng Không Việt Nam.  Rồi đến ông đại tướng Minh “bự”, người có một thời nắm quyền lực với tư cách là nhà lãnh đạo của Nam Việt Nam cũng tới.  Cuối cùng, có tiếng trống và kèn nổi lên, và một chiếc xe Mercedes đen dài từ từ trườn tới, bao quanh bằng một lực lượng an ninh võ trang bằng súng trường M 16.  Tổng thống Trần Văn Hương, người nắm chức vụ trong vòng 24 giờ qua dừng lại trước hàng quân danh dự.  Quốc thiều Việt Nam trỗi dậy.  Xong, ông chầm chậm quay lưng đi, và lần lượt từng người một bước lên thềm tòa nhà dùng làm trụ sở của Thượng Nghị Viện Việt Nam Cộng Hòa.  Ông tới đây để tuyên bố từ chức.  Và chức vụ tổng thống ngắn ngủi của ông chấm dứt.

Vân Hải, Nguyễn Xuân Hùng dịch theo bút ký của ký giả Dirck Halstead

 

(Còn tiếp)