Khi mới lớn lên, tôi chỉ biết quê tôi là một vùng thôn dã an bình, hiền hòa, xinh đẹp, biển nằm không xa dãy trường sơn. Đi giữa những cánh đồng lúa chín vàng, nằm dọc bên triền núi, mà tai văng vẳng âm thanh của những ngọn sóng vỗ bờ. Cả dòng họ ông nội tôi chiếm lĩnh vùng nông thôn, và dòng tộc phía bà nội tôi trấn cứ vùng bờ biển. Từ quê ông nội đến quê bà nội, lúc còn nhỏ, tôi thường chạy bộ không đến nửa tiếng đồng hồ. Cả làng gần như đều là bà con dòng tộc xa gần. Mỗi lần có giỗ kỵ, bọn con cháu như tôi phải đi mời khắp cả làng. Ngày Tết phải đi chúc Tết ông bà, cô bác, cả hai ngày chưa đủ. Đám hậu sinh như bọn tôi, mang dòng máu của cả ruộng đồng, sông suối trộn lẫn với nước mặn biển khơi. Có lẽ nhờ đó mà tâm hồn rạt rào tình cảm. Những ngày mới lớn, bọn tôi thường được ông bà nội, các cô chú và nhất là ba tôi, ngồi giải thích, để rồi cuối cùng gần như mọi người trong làng, ai cũng có một vai vế nào đó để biết mà thưa gởi. Đến tuổi yêu đương, trai gái phải đi tìm đối tượng ở xa, chứ trong làng với nhau là ít nhiều gì cũng “cùng huyết thống”. Vì vậy con gái ở quê tôi đều trở thành những con chim đa đa, “không lấy chồng gần mà phải đi lấy chồng xa”. Tuy có chút phiền hà, nhưng cũng phải công nhận cái nếp nhà của ông bà ngày xưa, sao mà hay quá đỗi.
Cũng chính sự liên hệ dòng tộc này, nên làng tôi có thể là một điển hình cho những tình huống bi thương trong cuộc chiến ba mươi năm, từ lúc có phong trào Việt Minh cho đến khi kết thúc cảnh huynh đệ tương tàn, trong anh em họ hàng, kẻ ở bên này người ở bên kia. Một cuộc chiến kỳ quái và có lẽ bi tráng nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại.
Đám trẻ trạc tuổi tôi cũng hơn hai mươi đứa. Không hiểu vì sao lúc ấy chỉ toàn là con trai chơi chung với nhau, còn con gái có vài ba đứa, nhưng chỉ ở trong nhà. Do vai vế trong họ, có những thằng lớn tuổi phải gọi những ông nhỏ tuổi hơn mình bằng anh, bằng chú. Đôi khi đánh bi, đánh vụ hay đá banh, mấy thằng lớn nhưng vai em, vai cháu bị mấy ông anh, ông chú nhỏ tuổi hơn chơi hiếp, cũng đành phải hậm hực, chỉ biết chạy về mách ông bà. Khi lớn lên một chút, đám bọn tôi cùng đi học trường làng, rồi sang trường huyện. Ngày nghỉ thì tập trung ra cái sân làng để thi thố mọi thứ tài năng, từ u mọi, vật lộn, đá banh. Có khi kéo nhau xuống biển, tập bơi. Những thằng sống ven biển lại có dịp làm thầy dạy cho mấy thằng trên ruộng đồng tập bơi, tập lặn, và cả chèo ghe, lưới cá nữa.
Vui nhất là những dịp Tết. Tất cả đều được mặc áo mới, trong túi thằng nào cũng có chút tiền do ông bà cha mẹ lì xì, kéo nhau đi xem bài chòi, đánh bầu cua cá cọp, và chung tiền mua pháo đốt làm náo động cả xóm làng. Thời ấy đất nước thanh bình, gia đình nào cũng khấm khá, nên đám trẻ bọn tôi sống với nhau trong chan hòa hạnh phúc. Tết đến, là dịp để tận hưởng mọi niềm vui nao nức của tuổi thơ và lúc nào cũng thấy cả một bầu trời xanh bao la mở ra trước mặt.
Cuối năm 1954, khi khắp miền Nam tưng bừng hát bài ca “Suy Tôn Ngô Thủ Tướng” cũng là lúc rộn rịp đón hơn một triệu người từ miền Bắc di cư chạy trốn chế độ Cộng sản, sau Hiệp Định Genève chia đôi đất nước. Cái làng quê nhỏ bé xa xôi nhưng trù phú của tôi cũng đón tiếp hai gia đình. Nhưng lại là hai gia đình có nhiều khác biệt, mà lúc ấy còn nhỏ, nên bọn tôi chẳng hề quan tâm hay thắc mắc điều gì.
Gia đình ông Khanh, nói rặt giọng Bắc Kỳ. Gồm có ông và hai thằng con trai tên Vũ và tên Hải. Sau này thằng Vũ vào học cùng lớp Nhì với tôi. Nhờ vậy, tôi biết nó gốc Hải Phòng, mẹ nó mất trước đó 3 năm. Bố nó khá giàu chuyên nghề nấu rượu và làm mắm. Ông Khanh không hề có bà con, quen biết ai ở đây. Nghe nói làng này trù phú, ruộng đồng nằm sát bên bờ biển, nên ông nghĩ đây chính là mảnh đất thuận lợi để cho ông tái nghiệp.
Gia đình bà Thọ, nói rặt giọng Bình Định, Gồm có bà và hai người con gái. Con Thi và con Tứ. Điều khác biệt hơn, bà Thọ là cháu của ông Tổng Phương, một người giàu có trong làng và tất nhiên cũng có bà con xa gần gì đó với đám bọn tôi. Cha tôi bảo tôi gọi bà là Cô Bốn, vai em của cha tôi. Con Thi cũng vào học chung lớp Nhì với tôi và thằng Vũ, còn cô em thì học sau hai lớp, cùng với em thằng Vũ. Nó chỉ nói ba nó bị Tây bắn chết trong chiến tranh. Lúc ấy tôi không hiểu tại sao gia đình con Thi di cư, nhưng không nói tiếng Bắc mà lại nói giọng Bình Định. Ba tôi giải thích là họ không phải đi từ miền Bắc mà từ Liên Khu Năm. Tôi cũng chẳng biết Liên Khu Năm là gì, chỉ nghe ông bảo ở vùng Nam-Ngãi-Bình-Phú gì đó, thế thôi. Hơn nữa đám con nít bọn tôi cũng chẳng quan tâm đến chuyện ấy làm gì.
Từ ngày trong làng có thêm hai gia đình mới đến định cư, đám trẻ bọn tôi rộn ràng và vui hẳn lên. Anh em thằng Vũ nhập bọn, bày cho bọn tôi rất nhiều trò chơi mới lạ từ miền Bắc mang vào. Lần đầu tiên nghe giọng Bắc, bọn tôi tưởng cứ như tiếng chim kêu, có nhiều chữ không hiểu nghĩa gì, bắt hai thằng phải giải thích. Nghe quen rồi, thì lại thấy giọng Bắc hay hay và bắt nó đọc để học chính tả. Hai anh em đều lễ phép, hiền lành và tốt bụng nên bọn tôi cũng dễ thân. Còn chị em con Thi thì đứa nào cũng xinh xắn dễ thương, khác hẳn với đám con gái trong làng. Hai chị em tự nhiên nhập bọn và chuyên mang kẹo đến chia cho đám con trai để làm quen. Bọn tôi tha hồ chọc ghẹo, nhạo tiếng Bình Định là tiếng Nẫu, và hai đứa nó là dân Củ Mì, nhưng hai chị em cũng tít mắt cười theo mà không hề biết giận.
Phải công nhận là con Thi xinh gái thật. Da trắng hồng, mắt to, mũi cao và miệng cười có hai má lúm đồng tiền. Còn có thêm mái tóc thề đen óng nữa. Trong đám bọn tôi nhiều thằng mê con Thi. Và dường như từ khi con Thi xuất hiện thì đám con trai làng tôi mới tập tễnh học yêu đương và biết trồng cả cây si. Ông bà cha mẹ thằng nào cũng đã đoán trước sự tình nên đều răn đe con cháu “đám tụi bay với chị em con Thi cùng là người trong họ trong hàng, còn con nít chớ có bày đặt chuyện tầm bậy tầm bạ, nghe chưa!”
Không biết có bao nhiều đứa yêu thầm nhớ trộm, để dù phải vâng lời người lớn, mà trong lòng ấm ức không chắc thật là mình có bà con dây dưa rễ má gì với con Thi. Còn con Thi, dường như chẳng phải lòng, để ý thằng nào. Với ai nó cũng thân tình vui vẻ, nên cuối cùng cũng trở lại bình thường, không có không khí chiến tranh.
Cũng không biết là hai gia đình này đến đây có mang theo gia tài gì không, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là trở nên giàu có. Ông Khanh thì mua lại một ngôi nhà lớn vùng biển, mở một xưởng làm mắm, với hơn mười người giúp việc. Bà Thọ thì mở một cái quán bán hàng tạp hóa khá lớn ngay ở ngã ba làng, sau khi cất lên một ngôi nhà ngói thật rộng rãi khang trang. Trước quán là một cái sân gạch khá lớn có mái che, được đặt một cái bàn ping-pong và mấy cái máy chơi đá banh. Vì vậy trở thành nơi tập trung của đám nhóc bọn tôi trong những ngày nghỉ học. Khi nào hai chị em con Thi trông quán, bọn tôi không phải trả tiền mà có khi còn được thêm bánh kẹo nữa.
Tết năm ấy, có lẽ là cái Tết đầu tiên vui vẻ và thích thú nhất của đám bọn tôi. Không phải vì có một gánh hát rong nổi danh về diễn ở đình làng, mà vì lần đầu tiên bọn tôi cùng nhau lập một gian hàng trò chơi và lô-tô với tiền của chị em con Thi, và tài quảng cáo điều khiển và hô lô-tô thật tài ba của thằng Vũ. Bằng cái giọng Bắc Kỳ lạ lẫm mà vô cùng hấp dẫn. Không những chỉ trai tráng trong làng, mà từ các làng khác kéo sang, đông đảo nô nức, làm các ông bà chức sắc trong làng ai cũng hoan nghênh.
Năm sau, khi bọn tôi vừa mới lên lớp Nhất, thì được tham gia vào việc cổ động cho cuộc Trưng Cầu Dân Ý, truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại để bầu Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lên làm Tổng Thống, khai sinh chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Lúc ấy chưa biết gì về chính trị, nhưng đứa nào cũng thấy nao nức trong lòng. Ai cũng thuộc lòng câu “Phiếu xanh ta bỏ vô bì, phiếu đỏ Bảo Đại ta thì vất đi” để hô vang khi cô thầy giáo dẫn đi ngoài đường. Tối đến, bọn tôi được cấm trại ngay trên sân trường, tổ chức đốt lửa, văn nghệ. Thầy hiệu trưởng soạn vở kịch thơ Hai Bà Trưng. Đám cùng làng với tôi chiếm đa số trong lớp, nên được phép chọn các vai diễn. Hai chị em con Thi đóng vai Trưng Trắc, Trưng Nhị, thằng Vũ đóng vai Thi Sách. Chẳng đứa nào chịu làm Tô Định. Cuối cùng phải tổ chức bốc thăm. Một thằng ở làng khác bốc trúng, nhưng không ngờ nó lại đóng hay nhất.
Nghĩ là chỉ còn gần nhau trong năm này thôi, mùa hè sang năm thì mỗi người một ngả, vì muốn học trung học phải vào tận thành phố, cách xa làng quê hơn sáu mươi cây số, cả bọn thường quây quần bên nhau trong những dịp cuối tuần. Có điều bây giờ ít đùa giỡn nghịch ngợm hơn xưa, vì dường như đứa nào cũng chuẩn bị để tập làm người lớn. Riêng Thi càng lớn lại càng đẹp thêm ra, thân hình nẩy nở hấp dẫn ở cái tuổi dậy thì. Nhiều thằng càng mê mẫn, nhưng vì cái nếp họ hàng đành phải ngậm đắng nuốt cay. Chỉ có thằng Vũ Bắc Kỳ là đứa duy nhất đứng ngoài vòng cấm kỵ và cũng rất xứng đôi. Nhưng nó lại tỏ ra rất bình thường với con Thi, đùa giỡn như hai thằng con trai, và tốt với mọi người, nên cũng chẳng có thằng nào nghi ngờ, ghen tức.
Cái Tết năm đó vì nghĩ là cơ hội cuối cùng, nên ngoài các gian hàng trò chơi như năm trước, bọn tôi còn đứng ra nhận phần văn nghệ. Hầu hết những mầm non trong cả huyện đều được mời tham dự, có cả một ban giám khảo chọn những tài năng, để các chức sắc trong xã trong làng trao giải thưởng. Bọn tôi được cả ông bố của Vũ và mẹ của Thi giúp tiền bạc, ông anh họ của tôi làm ở Chi Thông Tin giúp phần âm thanh, một máy phát điện và cố vấn cho việc tổ chức. Thằng Vũ và con Thi được chọn làm trưởng và phó nhóm kiêm luôn giới thiệu chương trình. Tôi được chọn viết bài sớ táo quân và đọc mở màn đêm văn nghệ. Bà con các nơi kéo về tham dự đông đảo chưa từng thấy ở ngôi đình làng này từ mấy chục năm nay. Không ngờ bọn tôi lại tổ chức được một cái Tết đình đám như thế. Được các cụ trong làng khen thưởng, ngợi ca vì đã làm nở mặt xóm làng. Nhưng người được chú ý và được hâm mộ nhất hôm ấy là con Thi, không phải vì hát hay múa giỏi mà vì nhan sắc. Bao nhiêu cặp mắt đều dồn về Thi, mê mẫn, nhất là đám con trai, thanh niên lạ từ các nơi kéo đến. Cả đám bọn tôi, ai cũng sợ mất con Thi, đứa nào cũng nhân danh bà con anh em để bảo vệ, nhưng thực ra là để giữ Thi, không cho phải lòng bất cứ gã trai nào.
Đến Hè, sau khi có bằng Tiểu Học, đứa nào cha mẹ khá giả thì được cho vào thành phố tiếp tục học trung học, đứa nào nhà nghèo thì đi học đủ thứ nghề hoặc theo nghiệp nhà nông, nhà biển của cha mẹ đã nối tiếp từ bao nhiêu đời trước. Trong số 16 đứa cùng lớp trong làng, chỉ có 10 thằng được đi làm sĩ tử, vào thành phố thi vào lớp đệ thất trường công lập. Trong số đó có tôi, con Thi và thằng Vũ.
Những đứa được tiếp tục đi học góp chung tiền, nhưng chỉ bằng nửa số tiền con Thi bỏ ra, tổ chức buổi họp mặt tại nhà Thi trước khi mỗi người mỗi ngả. Buổi chia tay buồn vui lẫn lộn. Tội nghiệp cho những thằng phải nghỉ học. Lúc ấy bọn tôi nghĩ đến tương lai thì ít mà nghĩ tới chuyện phải xa cách nhau thì nhiều.
Bọn tôi rủ nhau cùng đi lên thành phố chung một chuyến xe đò của bác Vạn Lợi. Ông là vai ông, bác, chú của đám bọn tôi, nên ông không lấy tiền mà còn cho mỗi đứa một ổ bánh mì nóng. Khi ấy cả tỉnh chỉ có duy nhất một trường trung học công lập, nên rất hạn chế học sinh, vì vậy trong mười đứa bọn tôi chỉ có năm đứa đậu. Trong số đó không có tôi. Còn thằng Vũ và con Thi thì đậu hạng cao. Đám thi rớt rủ nhau xin vào các trường tư thục. Với tính háo thắng và cũng để thỏa mãn tự ái, suốt mùa hè tôi học lớp luyện Toán của một ông chú vừa mới đậu Trung Học, và nhờ cha tôi kèm Pháp văn, để sau hè vào học lớp đệ lục thay vì đệ thất. Nhờ vậy mà tôi lại đậu Trung học Đệ Nhất Cấp rồi xin vào đệ tam trường công trước các bạn khác một năm.
Những năm trung học, đám bọn tôi chỉ thỉnh thoảng gặp nhau ở thành phố, và cũng một vài lần ở quê, nhưng không đông đủ như lúc xưa. Có vài thằng không còn theo học đã lập gia đình sớm và lo sinh kế. Sau trung học, con Thi đậu vào Sư phạm Qui Nhơn, Vũ vào Đại học Khoa học, còn tôi thích đời quân ngũ nên xin vào lính, ra trường được bổ nhậm về một đơn vị tác chiến ở Cao Nguyên. Thời gian này, chiến tranh trở nên ác liệt, tôi theo đơn vị và ngày tháng miệt mài với súng đạn, sống chết cùng đồng đội trên khắp các chiến trường lửa đạn. Ba năm sau tôi nghe tin Vũ cũng nhập ngũ, và nhờ có vóc dáng cao lớn, được chọn vào binh chủng Nhảy Dù, còn Thi thì đã là cô giáo đang dạy một trường nào đó ở Phan Rang. Trước Giáng Sinh năm 1971, tôi có ghé thăm Thi một lần khi cùng đơn vị di chuyển từ bản doanh Sông Mao lên Đà Lạt để giữ an ninh cho buổi lễ ra trường của một Khóa Võ Bị. Trường Thi dạy nằm ngay bên quốc lộ, nên tôi cho đoàn xe dừng lại trước cổng trường, vào tìm Thi. Bất ngờ gặp nhau, Thi nhìn tôi ngạc nhiên và chạy tới ôm lấy tôi mừng rỡ. Cô giáo Thi vẫn dễ thương, thân tình vui vẻ như dạo nào, và có lẽ là cô giáo đẹp nhất ở đây. Tôi có hỏi về Vũ, Thi cho biết có vài lần gặp Vũ và hai người vẫn thư từ qua lại thăm nhau. Nhưng từ khi Vũ theo đơn vị ra Vùng I, thì không nhận được thư, có lẽ bận hành quân. Tôi cũng hỏi thăm về cô bốn Thọ và Tứ, là mẹ và em gái của Thi. Tôi tròn mắt ngạc nhiên khi Thi nhỏ giọng:
– Má của Thi đã tái giá. Bà lấy bác Khanh, bố anh Vũ đó!
Tôi vỗ tay chúc mừng.
– Ông bà cũng xứng đôi vừa lứa, chắc cả Thi và thằng Vũ cũng vui
Im lặng gây lát, Thi hỏi tôi:
-Còn con Tứ, em Thi cũng đã lấy chồng rồi. Anh biết nó lấy ai không?
Tôi suy nghĩ rồi lắc đầu. Thi đập nhẹ vào vai tôi, với một chút bẽn lẽn:
– Nó làm đám cưới với thằng Hải, em của Vũ, sau hai ông bà già mấy tháng.
Tôi thật sự bất ngờ, chỉ biết mở tròn mắt nhìn Thi. Rồi bất giác tôi nói với Thi mà không hề suy nghĩ:
– Vậy thì sao Thi không tới luôn với thằng Vũ đi. Hai bạn đều tài hoa và hai gia đình lại đề huề. Hơn nữa đám con trai trong làng đều bà con với Thi hết ráo, ngoại trừ thằng Vũ là duy nhất ngoại tộc! Tôi ủng hộ hai tay!
Thi cười, lắc đầu:
– Cả một thời lớn lên thân thiết như anh em chứ có khác gì đâu. Dị lắm!
Tôi đùa:
– Nếu không thì phải kiếm ông giáo hay ông quan nào ngon lành mà cho tôi ăn đám cưới đi chứ. Đẹp cho nên kén chứ gì, phải nhớ là hoa chỉ có một thời để nở thôi đó?
Thi cười :
– Thời này chắc chỉ có lính. Mà mấy ông lính thì đa tình và đào hoa quá nên chẳng biết dám tin ai mà lấy.
Tôi ôm vai Thi thân mật:
– Vậy để tớ làm mai cho mấy thằng bạn đẹp trai oai hùng và chung thủy nghe, chứ để Thi lấy phải một thằng gà chết trời ơi nào thì tiếc của lắm.
Bọn tôi vẫn vui vẻ thân mật như ngày nào. Khi chia tay, tôi bảo:
– Theo gia phả, thì Thi phải kêu tôi bằng anh. Mà anh đã phán thì em phải vâng lời, nghe chưa?
Đoàn xe đã chuyển bánh, mà tiếng cười của Thi vẫn như còn đuổi theo tôi.
Mùa Hè 1972, tôi bị thương tại chiến trường Kontum. Sau khi xuất viện được hưởng mười ngày phép, tôi trở về quê thăm cha tôi. Lúc này ông đã lớn tuổi, không còn đi dạy học nữa.. Không ngờ đó là những ngày cuối cùng tôi được sống bên cha tôi, và nghe ông kể nhiều chuyện về cuộc đời, về họ hàng và cuộc chiến tranh đang có nguy cơ bất lợi cho miền Nam. Nhờ theo dõi tin tức nên ông đoan chắc là Mỹ sẽ sớm bỏ rơi VNCH. Suốt buổi, hai cha con bàn thảo về những giải pháp mà Mỹ sẽ đưa ra để kết thúc chiến tranh. Nhưng không ai nghĩ đến bất cứ một giải pháp nào bi đát lắm. Ít nhiều gì vẫn còn tin ở sức mạnh của Hoa Kỳ!
Nhân dịp này tôi cũng ghé lại thăm cô bốn Thọ, mẹ của Thi. Bà và ông Khanh sống ở nhà bà. Cái quán tạp hóa vẫn còn, nhưng hình như không đắt hàng như lúc xưa, vì bây giờ có thêm mấy cái quán mới mở. Trông ông bà rất hạnh phúc. Còn vợ chồng Tứ và Hải thì sống ở nhà ông Khanh, dưới biển, nối nghiệp ông sản xuất nước mắm và tôm khô. Nghe ông Khanh bảo, vợ chồng nó làm ăn có bài bản hơn ông ngày trước nên cũng khá giả.
Rồi những điều cha tôi nhận định khi bàn thảo với tôi hôm nào về cuộc chiến, đã diễn tiến và xảy ra đúng như ông dự đoán. Có điều thời gian và mức độ bi đát thì vượt quá xa, so với ước tính của cả hai cha con tôi, và có lẽ của tất cả mọi người, ngay cả những ông có quyền hành cao nhất nước. Ngày 11 tháng 3/75 mất Ban Mê Thuột, kéo theo hai cuộc di tản tệ hại, kinh hoàng từ Pleiku và từ Vùng 1. Không ai ngờ là thành phố Nha Trang yên bình thơ mộng của tôi bị mất về tay CS chỉ đúng 20 ngày sau Ban Mê Thuột. Và mặc dù với tài năng của Tướng Lê Minh Đảo và các đơn vị tại tuyến Long Khánh đã can trường, thiện chiến, ngăn chặn quân CS từ phương Bắc tràn vào, và lực lượng ta phải 1 chống 10 hay 100, nên cũng chỉ cầm chân được hơn mười ngày. Mười ngày làm ngạc nhiên cả Quốc Hội Hoa Kỳ và gây sự thán phục cho cả thế giới, nhưng cuối cùng miền Nam cũng đành thất thủ.
Cái kết thúc bi thảm mà trước đó cha tôi và tôi đã mất một buổi bàn thảo, nhưng không ngờ lại bi thảm đến như thế. Mỹ đã bỏ rơi một đồng minh mà không có bất cứ một giải pháp nào. Một kết thúc không còn có chút tình nghĩa, lương tri, và tận cùng thê thảm.
Tôi theo đơn vị từ Cao nguyên Vùng 2 “di tản chiến thuật”về tận miền Nam, Vùng 3 xa lạ để chống đỡ bảo vệ vòng đai Sài Gòn. Khi cha tôi bị địch bắt giam ở một hòn đảo ngoài khơi miền Trung, gần quê tôi, thì tôi đang cùng đơn vị chiến đấu trong cô đơn ở tận Long An, Cần Giuộc. Tôi bàng hoàng khi nghe một người bạn cùng quê thoát được vào Sài Gòn kể cho tôi nghe chuyên CS chiếm quê tôi và bắt cha tôi. Khi ông Dương Văn Minh tuyên bố “đầu hàng”, đơn vị tôi vẫn còn đang nổ súng và một số xác đồng đội chết giờ thứ 25 phải lấp vội trong vườn nhà dân. Đơn vị tôi tập họp lại lần cuối cùng, ra lệnh phá hủy tất cả vũ khí, rồi thuê mấy chiếc xe đò chở qua cầu chữ Y, ôm nhau từ biệt. Tôi nghiệp, mấy anh tài xế chí tình với lính, không nhận lấy đồng bạc nào, nhìn chúng tôi rưng rưng nước mắt.
Mấy người bạn của tôi ở Sài Gòn đã kiếm được ghe, rủ tôi cùng đi vượt biển. Bạn tôi bảo bây giờ vẫn còn nhiều cơ hội và hạm đội Mỹ hay Hải Quân VNCH còn đợi ở ngoài khơi. Lòng dạ tôi đang rối bời, ngổn ngang trăm mối, với một nỗi chán chường khủng khiếp. Biết là ở lại với bọn cộng sản man rợ này sẽ là một địa ngục trần gian, nhưng nghĩ còn có biết bao nhiêu người cùng số phận như mình, và đặc biệt nghĩ tới cha tôi, cả một đời gà trống nuôi con, từ lúc mẹ tôi vĩnh viễn lìa xa khi tôi mới tròn ba tuổi, tôi không thể đành lòng bỏ ông, khi ông đang bị giặc cầm tù, không biết sống chết ra sao. Tôi buộc ra trình diện, lấy giấy chứng nhận, như một tờ thông hành để tìm mọi cách trở về quê.
Quê tôi bị “giải phóng” mới hơn một tháng mà sao đã trở nên lạ lẫm, điêu tàn. Tôi không còn tìm được nụ cười nào trên môi của những người thân quen cũ. Ngôi nhà của cha tôi đã bị tịch thu, giờ là Hợp Tác Xã Mua Bán (?). Tôi về nhà ông bà nội, vắng tanh, bà cô út đang cuốc đất trồng sắn ở phía sau nhà. Cô tôi đưa tôi vào nhà thờ tự để thắp nhang lạy ông bà. Cô tôi cho biết có xuống ủy ban quân quản xin giấy đi thăm cha tôi đang bị giam trong trại tù “cải tạo” Đá Bàn, nhưng họ không cho, bảo phải chờ có thông cáo.
Điều làm tôi hết sức bất ngờ, khi nghe cô út tôi kể là ông chồng trước của cô bốn Thọ, cha con Thi, vẫn đang còn sống, là một cán bộ cao cấp của cộng sản, mới từ miền Bắc trở về. Ông đi tập kết từ năm 1954, trước khi sắp xếp cho vợ con ông rời khỏi vùng tập kết Liên Khu 5 để trở về sống ở quê này. Bây giờ ông nắm giữ một chức gì lớn lắm trong chính quyển của tỉnh. Tôi bàng hoàng hơn khi nghe cô tôi kể về cái chết bí ẩn của chú Khanh, cha thằng Vũ, và cũng là chồng sau này của cô bốn Thọ. Khi nghe tin ông chồng cũ trở về, giờ là một người cộng sản có chức quyền, bà Thọ nghĩ là ông ta đã biết hết mọi điều, nên đã cùng hai cô con gái năn nỉ để chú Khanh được đến tạ lỗi, rồi xin tùy ông quyết định. Ông ta tỏ ra thản nhiên, nói cười vui vẻ. Chú Khanh đến khẩn khoản van xin ông ta tha lỗi, vì cứ tưởng là ông đã chết, nên mới gá nghĩa với bà Thọ để hôm sớm có nhau, cùng nuôi con khôn lớn. Giờ ông đã về, xin được trả vợ lại cho ông, rồi dọn nhà đi nơi khác. Hôm ấy, nhiều người bà con trong xóm tò mò đến xem. Ông “cách mạng” vui vẻ bắt tay và còn cám ơn chú Khanh đã thay ông chăm sóc vợ con ông bao nhiêu năm qua, giờ thì hai người cứ xem nhau là bạn. Ai nấy đều khen ông “cách mạng”, đã hành xử theo kẻ trượng phu. Nhưng chỉ sau đó một tuần thì người ta tìm thấy xác chú Khanh nằm trên bờ biển vắng, hai tay bị trói ra đằng sau, và trên đầu có nhiều lỗ đạn.
Bỗng dưng tôi nghĩ đến Vũ và Thi. Cô tôi bảo thằng Vũ thì không ai biết ở đâu, chết hay còn sống, còn con Thi thì nhờ có cha làm lớn, nên được làm hiệu trưởng trường huyện kiêm chủ tịch mặt trận gì đó. Lòng tôi bỗng dưng thắt lại, nghĩ đến những nụ cười, giọng nói của Thi trong lần gặp gỡ cuối cùng, tôi thấy có gì bẽ bàng, chua xót. Cô tôi gợi ý nên tìm gặp Thi để nhờ nó giúp can thiệp cho tôi được thăm ba tôi. Tôi chỉ im lặng, lắc đầu.
Và đúng như ước đoán của cô tôi, khi trải qua một quãng đường núi khó khăn, tôi đến được trại tù Đá Bàn, là một mật khu của cộng sản lúc xưa, xin được gặp cha tôi, tay cán bộ “trực ban”hỏi căn cước và giấy giới thiệu của chính quyền địạ phương, tôi chìa ra tờ giấy duy nhất, bản chứng nhận “Trình diện Chính quyền Cách mạng” của UB Quân Quản Sài gòn, và trình bày mong muốn được gặp cha trước khi đi “học tập cải tạo”, nhưng vẫn bị hắn hằn học chối từ và còn đe dọa, bảo tôi phải trở về Sài Gòn ngay, vì không có giấy đi đường.
Hơn một năm sau, ba tôi đã chết trong nhà tù này khi tôi đang bị lưu đày ở một trại tù khác tận vùng Lào Cai, Việt Bắc. Nhưng mãi đến năm năm sau tôi mới nhận được tin buồn, nhờ suy đoán từ những dòng thư của cô tôi viết, mà chỉ duy nhất có mình tôi hiểu được.
Hơn tám năm bị đày đọa khốn cùng qua nhiều trại tù từ Nam ra Bắc, tôi được thả về với thân xác tàn tạ tả tơi. Cuối cùng rồi tôi cũng trở về trong vòng tay đùm bọc của cô tôi, như những ngày tôi còn tấm bé. Cô vẫn không lấy chồng, ở vậy lo nuôi mấy ông anh phải ở trong tù và nhìn trò đời đổi thay dâu biển, chẳng biết sẽ về đâu. Có điều bây giờ cô đã già, mắt cô đã mờ qua bao lần phải khóc cho anh em, con cháu và cho cả dòng tộc đông đúc ngày xưa, giờ khốn khổ, tan tác mỗi người mỗi ngả. Tối nào, cô tôi cũng đóng kín cửa, kể chuyện đổi đời cho tôi nghe, trong ràn rụa nước mắt.
Cô bốn Thọ, mẹ của Thi, sau khi ông Khanh bị giết một thời gian, người ta phát hiện bà nằm chết trong cái miếu hoang, cách nhà không xa mấy. Họ bảo là bà tự tử. Không bao lâu, ông chồng bà mang vợ con từ miền Bắc vào ở ngôi nhà của bà Thọ, sau này bán đi, dọn về thành phố. Con Thi móc nối một nhóm du kích, tổ chức vượt biên cùng vợ chồng em nó. Nghe nói trong chuyến đi ấy có cả thằng Vũ, nhưng không biết vì sao nó đang ở tù mà ra được. Chuyến đi thành công, vì có cả một toán du kích mang theo đầy đủ súng ống, trong đó đa số là đám trẻ bà con của bọn tôi ngày trước, không vào thành phố học, được Thi tìm cách đưa vào làm du kích xã.
***
Năm 1987, sau gần hai năm vượt biển và được định cư ở Bắc Âu, nhân dịp được nghỉ một tuần mùa Đông lại đúng vào dịp Tết âm lịch, tôi cùng vợ và mấy đứa con lái xe sang Tây Đức thăm gia đình cô em, con bà cô. Vì cả cha mẹ mất sớm nên cô em này sống với cha tôi từ khi còn nhỏ. Sau này làm việc trong một cơ quan Mỹ nên cô quen biết và lấy chồng người Mỹ, một sĩ quan Không quân. Cô theo chồng về Mỹ từ năm 1971, và lúc này cả hai vợ chồng đều sang làm việc cho Khối NATO có căn cứ tại Tây Đức.
Ngày Thứ Bảy, mồng hai Tết, vợ chồng cô em rủ bọn tôi đến một thành phố gần đó, có khá nhiều người Việt sinh sống, và hàng năm họ đều có tổ chức hội Tết. Đây là một thành phố cổ nhưng khá sầm uất. Vì mùa Đông nên hội Tết được tổ chức trong một trường trung học. Chúng tôi rất cảm động khi nhìn thấy lá cở vàng ba sọc đỏ treo khắp nơi và những thiếu nữ xinh xắn trong tà áo dài truyền thống. Có khá nhiều gian hàng vui chơi và cả sân khấu văn nghệ nữa. Khi đang háo hức chờ đến phiên ca sĩ Kim Loan xuất hiện, người ca sĩ nổi tiếng một thời không chỉ vì tiếng hát mà với bao giai thoại, bỗng tôi nghe văng vẳng một giọng hô lô-tô từ một gian hàng khác. Ngay từ nhỏ, tôi đã không thích trò chơi lô-tô này lắm, nhưng cái giọng hô nhịp nhàng của ai đó dường như có gì thôi thúc, nhớ lại những cái Tết ngày xưa. Tôi bảo cô em và vợ tôi chờ xem ca nhạc, tôi cần ra ngoài một lát. Giọng hô càng lúc càng gần hơn, rõ hơn, làm lòng tôi thấy nôn nao kỳ lạ. Khi đến nơi, tôi bàng hoàng đến choáng váng, khi nhận ra người đàn ông trẻ đang đứng trên chiếc bục gỗ hô lô-tô chính là thằng Vũ. Điều tôi không bao giờ nghĩ tới, cho dù chỉ là một giấc mơ. Không kiềm chế được, tôi vẫy tay gọi lớn: Vũ, Vũ!
Vũ khựng lại, chưa nhận ra tôi, có lẽ vì quá bất ngờ. Nhưng rồi nó ngưng hô, gọi một người khác thay cho nó. Vừa nhảy xuống nó nhận ra tôi, cả hai đứa tròn vo đôi mắt, nó ôm tôi quay mấy vòng. Vũ bảo tôi đứng chờ nó chạy đi dắt vợ con nó tới chào tôi. Nó trở lại, dẫn theo một người con gái và hai đứa nhỏ.
Tôi buột miệng:
-Là Thi, Thi Bình Định đây à?
Thi ôm chầm lấy tôi, im lặng. Tôi nghe tiếng sụt sùi.
Hai đứa con còn nhỏ, một trai một gái, trố mắt nhìn bọn tôi. Tôi cúi xuống nắm bàn tay hai đứa. Nghe Thi bảo “chào cậu đi con”, cả hai đứa đều lễ phép vòng tay, chào tôi bằng tiếng Việt. Đứa con gái có khuôn mặt giống Thi ngày trước. Vũ bảo là vợ chồng vừa mới mở cái quán ăn nên khá bận rộn, nhưng vì giúp cộng đồng tổ chức Tết gây quỹ Thương Phế Binh, nên tình nguyện phụ trách hai gian hàng: Thi thì lo trò chơi, còn Vũ thì hô lô-tô.
Nhớ tới hội Tết ngày xưa, tôi đùa:
– Còn thiếu mái đình làng để tao còn đọc sớ táo quân nữa chứ.
Cả ba cùng cười trong niềm vui lẫn xúc động.
Tôi đưa vợ chồng Vũ Thi đến giới thiệu vợ con tôi và vợ chồng cô em. Cô em tôi còn nhận ra Thi. Ai nấy đều ngạc nhiên. Không ngờ ở một nơi rất xa lạ tình cờ lại gặp được cố tri. Vì hai vợ chồng đang bận, nên hẹn ngày mai sẽ đến thăm chúng tôi và còn có biết bao nhiêu điều để nói. Tôi cho địa chỉ nhà và số điện thoại của cô em, nhắc lại, nhất định phải dành cả ngày mai để tâm tình và mừng cho cuộc trùng phùng.
Và chúng tôi đã có trọn một ngày thật vui và cũng thật cảm động. Thi ngồi kể lại chuyện người cha mà Thi từng tin rằng đã chết, rồi bỗng dưng trở về như một người xa lạ. Chi ghê tởm ông từ khi hiểu được cái chết đột ngột và ghê rợn của bác Khanh, cha của Vũ, và của chính bà Thọ, mẹ mình. Thi đã sớm nhận ra tính vô cảm tàn độc và quỷ quyệt của những người cộng sản, nhưng phải giả vờ dựa vào ông để có thể cứu Vũ và tìm cho chính mình lối thoát. Thi đã giới thiệu mấy đứa trong đám bạn ngày xưa vào làm du kích xã, để âm thầm giúp bà con, nhất là những người trong quân đội hay chính quyền ngày trước. Chính Thi và nhóm bạn xưa đã hiệp lực tìm kế giúp Vũ và một người bạn khác trốn khỏi trại tù A-30, cấp đồng phục, tiền bạc và thẻ “cán bộ thị trường” giả để dễ dàng lẫn trốn trong thành phố, và tìm cách tổ chức vượt biên. Nhờ uy quyền của ông cha, nên những tay công an địa phương không hề nghi ngờ cũng như không dám kiểm soát những người cùng đi với Thi. Được tàu Cap Anamur vớt trên biển, nên hầu hết được định cư ở Tây Đức, quanh quẩn vùng này, không cách xa nhau mấy.
Chúng tôi ngồi ôn lại bao nhiêu chuyện cũ, nhắc lại những cái Tết hạnh phúc vui vẻ ngày xưa, khi cả đám bọn tôi còn vô tư, hồn nhiên, chưa hề nghĩ tới những thay đổi đau đớn trong cuộc đời. Vợ chồng Vũ Thi cáo từ và hẹn gặp lại ngày mai, sẽ đóng cửa tiệm, ăn Tết thêm một ngày nữa, gọi mấy thằng bạn nối khố và vợ chồng Hải Tứ từ các thành phố khác về tập trung họp mặt ở nhà vợ chồng nó. Chắc mọi người sẽ trẻ ra khi cùng sống lại cái không khí Tết thanh bình của mấy mươi năm về trước. Cái thời mà cả Đất Trời và mọi người ai nấy cũng dễ thương.
Phạm Tín An Ninh