NHỮNG GIỜ PHÚT CUỐI CÙNG CỦA NHỮNG MÃNH HỔ (Đ/uy Nguyễn Phán TĐ30 Biệt Động Quân)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 3 people and outdoors

Lời người viết: Vì bài viết khá dài, dù chưa đi vào những chi tiết, do đó, xin được chia bài viết thành hai phần. Người viết căn cứ vào sự thật và trí nhớ về những biến cố xưa, như còn nguyên ở đây; cho dù có thể vài chi tiết nhỏ (như giờ, con số… có thể không được chính xác), ngoài ra, các sự kiện, các diễn tiến được ghi lại trong bài viết là hoàn toàn đúng. Viết với LÒNG DANH DỰ và SỰ TỰ TRỌNG.
Lính già Mũ Nâu Nguyễn Phán
Phần 1: Những ngày vui qua mau tại Hậu cứ … Từ mặt trận Chơn Thành trở về, Tiểu đoàn 30 BĐQ đóng quân ở hậu cứ Long Bình để, vừa bổ sung Quân số, vừa ứng chiến cho BCH/BĐQ/Quân Đoàn 3…đang trong thời kỳ thành lập Bộ Tư Lệnh SĐ 101 BĐQ. Vào thời điểm nầy, BCH/LĐ32 (LĐ5 cũ) và hai TĐ33 và TĐ 38 đang hành quân ở Gò Dầu Hạ (quận Hiếu Thiện, tỉnh Tây Ninh). Lý do mà Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn, Tư Lệnh BĐQ/Vùng 3 chưa muốn trả TĐ 30 về với LĐ 32, có lẽ, là muốn TĐ30 làm lực lượng trừ bị cho SĐ 101 BĐQ tân lập, mà Đại tá Nguyễn thành Chuẩn là Tư Lệnh. Tôi đã nghĩ và viết như thế, vì sau khi từ Lai Khê trở về hậu cứ Long Bình, Đại Tá Nguyễn thành Chuẩn có nhã ý mời chúng tôi tham dự một bữa ăn tối, trong vòng riêng tư, tại một quán ăn ở Biên Hòa (không còn nhớ tên, chỉ biết chủ nhân của nhà hàng nầy là người Đại Hàn). Và trong “câu chuyện bên lề”, Đại Tá có nói thoáng qua ý định của mình. Trong buổi ăn tối nầy, ngoài Đại tá Chuẩn, Trung Tá Bếp TP1/BCH/BĐQ/QĐ3 (?) và Trung Tá Phú, TP3/BCH/BĐQ/QĐ3, còn có tôi và Niên Trưởng Thiếu Tá Nguyễn ngọc Khoan, TĐT/TĐ 30 BĐQ.
Tôi cũng xin được nói rõ một điều, mà có thể gây thắc mắc cho người đọc, vì sao một Sĩ Quan Tham mưu Ban 3 cấp Tiểu đoàn như tôi lại được Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn, CHT/BĐQ/QĐ3 mời tham dự buổi ăn tối đặc biệt nầy. Một phần nhờ may mắn, một phần như những Mãnh hổ bị dồn vào con đường cùng, không có chọn lựa nào khác – hoặc đầu hàng, hay phải lao thẳng về phía trước. Chúng tôi đã chọn lao thẳng về phía trước, để đáp lại tiếng kêu cứu giải vây từ Đại Bàng 72 trên máy (1). Và qua đó, tôi đã làm được một việc “Cứu khốn phò nguy” cho cả Bộ Chỉ Huy cuộc “Di tản chiến thuật”, mà trong đó có cả BCH/BĐQ/QĐ3. Cuộc phản phục kích nầy (cả TĐ 30 – đồng loạt xung phong. TĐ 30 – gồm ba Đại đội 1, 2 và 3) làm địch bị bất ngờ, và hoảng loạn, tháo chạy; kể cả mấy chiếc T54 bên kia triền đồi (đến nỗi, Th/Sĩ I Gương, HSQ/truyền tin của Tiểu đoàn, cũng đã bắt sống được hai tù binh). Cuộc phản phục kích nầy cũng đã khai thông được đoạn đường cuối, để đoàn quân di tản tiến về bắt tay đơn vị tiếp đón trước khi trời tối, để tạm đóng quân đêm ở đây (Đơn vị tiếp đón là một Tiểu đoàn BB/SĐ5 (?) và một Chi đoàn Thiết giáp M41 tăng phái. Mà sáng hôm sau, trên đường về căn cứ Lai Khê, tôi mới biết, Chi đoàn trưởng M41 đó chính là người bạn cùng khóa Phan thế Thiệp, K24/TVBQGVN (2)
.
Chính vì lý do đó, mà Đại Tá Nguyễn thành Chuẩn “đặc ân cho tôi” được lựa chọn hai điều mà Đại Tá muốn “thưởng” cho tôi: một là chọn đặc cách lên Thiếu Tá, hai là chọn Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Và cùng lúc, Đại Tá Chuẩn muốn tôi về làm ĐĐT/ĐĐTS/Sư Đoàn 101 sắp được thành lập. Về lựa chọn thứ nhất, tôi đã chọn được đặc cách, và đồng ý sẽ về làm ĐĐT/TS/SĐ101 (chính vì sự đồng ý nầy, mà sau khi ăn tối xong, trên đường từ Biên Hoà về lại hậu cứ của Tiểu đoàn ở Long Bình, tôi bị đàn anh Nguyễn Ngọc Khoan, K18/TVBQGVN “dũa” cho môt trận (trong tư cách “một khóa đàn anh dũa một khóa đàn em”, chứ không phải là “TĐT dũa TB3”). NT Khoan nói với tôi “chú mày, đã nghe 72 (3) đề nghị đặc cách Thiếu Tá cho “chú mầy”. Nghe vậy, anh cũng đã có dự tính cho chú rồi. Chú nên biết, ĐĐT(dù là ĐĐT/TS/SĐ), cấp bực cao nhất cũng chỉ là Đại úy”. Như một biện minh, tôi đã nói “72 đã ưu ái cho mình được lựa chọn ân thưởng, mà được một trong hai điều đó cũng quá tốt đẹp cho đời binh nghiệp của mình, trong lúc đó lại từ chối lời yêu cầu của Ổng, thì cũng khó thật! Hơn nữa, 72 đưa ra đề nghị quá bất ngờ, lúc đó, chỉ nghĩ đến việc được làm Đại Đội Trưởng/TS/SĐ 101 BĐQ, thấy cũng đã lắm, nên chẳng nghĩ xa như Việt Triều…”.
Kết quả đêm hôm đó, tôi không được đàn anh TĐT Nguyễn Ngọc Khoan cho phép tôi “vù” về Sài Gòn phồn hoa đô hội rong chơi… như những khi có đàn anh trực đêm ở hậu cứ. Và ngày ngày tại hậu cứ, Tiểu đoàn làm công tác kiểm tra, huấn luyện. Và chiều chiều, tôi và Việt Triều*** đến họp tại BCH/BĐQ/QĐ3…để nghe TP3/BCH thuyết trình về tình hình chiến sự; đặc biệt của các Liên đoàn BĐQ trực thuộc BCH/BĐQ/QĐ3.
Bên cạnh tin tức chiến sự, mà mỗi ngày thấy một buồn hơn, chúng tôi còn nghe tin…sắp có đảo chánh nữa. Có một lần, trên đường đi họp trở về, Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Khoan, TĐT/TĐ30 nói với tôi “anh vừa xin 72 để Tiểu đoàn trở về với Liên đoàn, càng sớm càng tốt… Hơi ngạc nhiên, tôi hỏi: “tại sao vậy”? Việt Triều nói tiếp “như chú mày biết đó, có tin đồn sẽ có đảo chánh…mà tin nầy dám thành thật lắm trong nay mai. Ngày nào còn ở lại đây, Tiểu đoàn sẽ bị cuốn vào…” Mất lon” thì không nói, mà còn mất đầu như chơi…Anh không thích được “lên lon” nhờ tham gia đảo chánh (hai anh em cùng cười)…
Gió bụi Tây Ninh và Những ngày cuối của những con Mãnh hổ của TĐ30 BĐQ.
…Thể theo yêu cầu của Việt Triều, “Xếp Chúa 30”, thế là gần hai tuần ở hậu cứ, vào trung tuần tháng Tư, TĐ 30 trực chỉ Tây Ninh, trở về mái nhà xưa, LĐ32/BĐQ, mà điểm dừng chân là vườn cao su, cách chi khu Hiếu Thiện khoảng 5 km trên đường về Tây Ninh…Trong thời gian hành quân ở đây, (có chi đoàn Thiết vận xa M113 và một Chi đội M48 tăng phái), Tiểu đoàn liên tiếp mở ra các cuộc hành quân “nhị thức Bộ binh – Thiết giáp”), nhưng chỉ “đụng nhẹ”, dường như địch tránh né các cuộc “thử lửa”… Có lẽ, chúng đang dồn lực cho những trận chiến quyết định? đến ngày 20 tháng Tư thì Tiểu đoàn 30 được lệnh rút về gần chi khu Hiếu Thiện, hành quân mở rộng vòng đai an ninh cho Chi khu. Tại đây, ba Đại đội được bung ra ngoài, riêng BCH/TĐ và một Đại đội đóng quân tại căn cứ Trâm Vàng (cùng lúc giữ an ninh cho Pháo đội 105 của BCH/LĐ 32 cùng đóng quân tại đây.)
Trước đó một ngày, Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá, TL/SĐ25BB, đã đáp máy bay trực thăng xuống ngay bìa rừng cao su, nghe TP3/LĐ 32 thuyết trình về phối trí lực lượng của Liên đoàn cũng như tình hình của địch. Nghe thuyết trình xong, Chuẩn Tướng Bá ra khẩu lệnh, trước khi lên trực thăng bay về lại Củ Chi: “trong tình hình hiện nay, tôi yêu cầu các Tiểu đoàn đóng chốt cấp Đại đội để có thể đủ lực chống trả các cuộc tấn công của địch và giữ vững phòng tuyến”. Được hỏi về lực lượng trừ bị, hỏa lực yểm trợ…cho Liên đoàn, Chuẩn Tướng Bá đã nói, gần như khẳng định: “Các anh không có lực lượng trừ bị nào cả,… ngay cả yểm trợ của Pháo binh và Không quân cũng bị hạn chế, hay hoàn toàn không có… tôi không muốn nói nhiều hơn nữa!”
Và vào trưa ngày 21/04 trong lúc các phát ngân viên phát lương cho lính tại BCH/TĐ30, thì địch pháo kích liên tục vào căn cứ Trâm Vàng… Pháo đội 105/LĐ32 sau hơn nửa giờ bị địch dội pháo, đã “bất khiển dụng” và không thể phản pháo được nữa. Rất may là thương vong không nhiều, vì đại đội trừ bị và Trung đội Thám báo của TĐ30 cũng đang được bung ra bên ngoài, hơn nữa, căn cứ Trâm Vàng, trước đây là một “Phi trường Dã chiến” của Quân đội Hoa Kỳ, nên có nhiều “Bankers” trong căn cứ, và nhờ đó, cũng đã giảm được một phần thương vong của binh sĩ…)
Vào khoảng 25 hay 26 (trước mấy ngày quận Trảng Bàng rơi vào tay địch quân), Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Khoan bỗng trở bịnh nặng, sốt cao và có lúc mê thiếp…Sau khi hội ý cùng SQ/Trợ Y của tiểu đoàn, Đại úy Trần Văn Xuân, TĐP và tôi, đề nghị Việt Triều nên về Sài Gòn khám bệnh, xem sao (nhất là Phu Nhân của Thiếu Tá Khoan lại là “Chủ một kho thuốc (Pharmacy), nên may ra có thuốc trị dứt bịnh tình, và trở lại đơn vị…(Lúc đó chúng tôi không tin là sẽ có ngày 30 tháng 4!). Chúng tôi thúc hối mãi, thêm vào đó, là đề nghị của B/S Tiến, B/S của LĐ32, cũng như sự đồng ý của Trung Tá LĐT, nên Việt Triều đã tạm rời đơn vị để trở về Sài Gòn (không ngờ đó là lần chia tay vĩnh viễn với Tiểu đoàn của con chim đầu đàn, vì sau khi Việt Triều rời Tiểu đoàn được vài ngày, thì quận Trảng Bàng rơi vào tay Bắc quân và con đường nối liền Gò Dầu Hạ – Sài Gòn bị cắt đứt hoàn toàn, ngay cả các thương bệnh binh cũng đành ở lại cùng đơn vị cho đến giờ cuối…(Tiểu đoàn đã bao lần xin máy bay tải thương nhưng….dường như….?) Chính vì vậy mà cuộc lui binh về BCH/SĐ 25 Bộ Binh ở Củ Chi vào chiều 29 tháng Tư…Tiểu đoàn 30 BĐQ lại thiếu con chim đầu đàn, Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Khoan, và Đại úy Trần Văn Xuân, TĐP/TĐ tạm thời xử lý thường vụ TĐT trong cuộc lui binh nầy…
Phần 2: Diễn tiến cuộc lui binh từ Gò Dầu Hạ về BTL/SĐ25 ở Củ Chi: Theo công điện, BTL/SĐ25 ra lệnh cho LĐ32 rút quân về phòng thủ BTL/SĐ25 ở Củ Chi… Bắt đầu cuộc lui binh vào khoảng 3 giờ chiều ngày 29 tháng Tư. Theo phối trí, TĐ30 đi đầu, tiếp đến TĐ33, BCH/LĐ32, ĐĐTS5, và các đơn vị của chi khu Hiếu Thiện, và sau cùng là TĐ38 BĐQ. Cuộc lui binh nầy hoàn toàn mất hẳn yếu tố bất ngờ (thực hiện giữa ban ngày), do đó chúng tôi biết thế nào cũng có cuộc “Chào đón từ phía bên kia”. Chào kiểu nào, đón đưa ra sao thì chưa biết…
Khi TĐ30 vừa đến khu ruộng mía của xã Gia Bình, bên ngoài Quận lỵ Trảng Bàng, thì Cộng quân từ phía bờ tre trong làng và từ các xóm nhà dân, bên kia bờ ruộng mía, đồng loạt khai hỏa. Chúng tôi biết, giờ đã điểm,…Trong lúc đó, Đại Úy Trần Văn Xuân, TĐP/TĐ30 “bị kẹt” bà xã đang ôm chặt thân người bên cạnh, nên coi như “bó tay”. Trong tình cảnh dầu sôi, lửa bỏng nầy, tôi đề nghị NT Xuân: “Phượng Bằng để tôi điều động. Phượng Bằng đưa chị lui về phía sau, lo an toàn cho chị”. TĐP Xuân gật đầu, và ngay lập tức, tôi đưa ĐĐ3 của Trung Uý Hà lên tăng cường cho ĐĐ1 của Đại Uý Ẩn để mở một mũi phá vòng vây. Thay vì tiến quân trong ruộng mía, phơi lưng cho chúng bắn, tôi ra lệnh Tiểu đoàn đổi hướng tiến. Hai đại đội 1&3 tiến chiếm các xóm nhà (Bên kia bờ ruộng mía, nơi có hỏa lực địch bắn ra).
Để nghi binh, trước khi “bật đèn xanh” cho hai Đại đội 1 và Đại đội 3 tiến chiếm các xóm nhà, tôi đã ra lệnh cho Đại đội 2 khai hỏa tối đa về phía bờ tre và đồng loạt hô xung phong, như thể, chúng ta sắp tấn công về hướng đó…Với hỏa lực tập trung và tiếng hô xung phong vang trời khắp cả trận địa, hai Đại đội 1&3, được tăng cường thêm Đại đội 2 của Trung Uý Hồ Huỳnh, vào giai đoạn cuối, đã nhanh chóng chiếm được các xóm nhà nằm rải rác ven cánh đồng mía. Sau gần hai giờ giao chiến, đã dập tắt vòng lửa của địch, làm chủ tình hình. Chính ba Đại đội nầy, là nổ lực chính, đã đưa lực lượng lui binh qua khỏi trùng vây của Cộng quân…Vào khoảng 6 giờ chiều, thì địch quân tháo lui hoàn toàn. Tiếng súng im vắng. Cảnh chiến địa về chiều, thật thê lương! Trên đường đơn vị di chuyển tiếp, xuyên qua các xóm nhà, nhìn xác “vịt con” (VC) nằm rải rác quanh các khu vườn chuối, góc nhà, cạnh các giếng nước…(Không biết rõ thiệt hại của địch quân trong bờ tre quanh làng (về hướng Quận lỵ Trảng Bàng)…
Cũng xin được nói thêm vì sao trong cuộc lui binh nầy lại có chị Loan, Phu nhân của NT Trần Văn Xuân, TĐP/TĐ30… Chỉ sau một ngày, NT Khoan về Sài Gòn để khám bệnh, thì Phu Nhân của NT Xuân lại lên đơn vị (qua câu chuyện to nhỏ, tôi đoán, chắc chị lên để “rủ NT của tôi về, để ra đi…”, vì trong lúc ngồi ăn trưa, chị Loan, tình cờ, có nói đến tên một người em là Sĩ Quan Hải Quân.
Sau nầy gặp lại, chị Loan xác nhận, ý định của “Em gái hậu phương” tên Loan vượt hiểm nguy để lên thăm “anh trai tiền tuyến tên Xuân” giữa lúc Tây Ninh đang rực đỏ lửa chiến tranh, như tôi vừa viết là đúng). Tuy nhiên, có lẽ, chưa nỡ bỏ lại tôi một mình trong khi áp lực của địch vào Gò Dầu Hạ (quận Hiếu Thiện) mỗi ngày mỗi tăng thêm cường độ, hơn nữa, đàn anh Khoan cũng chưa trở lại đơn vị, nên NT Xuân ở thế “khó xử”, hay cần thời gian để bàn tính thêm, nên anh đã nói với chị Loan “thôi ở lại chơi với Phán một đêm. Sáng mai sẽ về sớm”. Nhưng, đúng là số mạng. Không ngờ, ngay vào chiều tối hôm đó, VC tiến chiếm quận Trảng Bàng. Do đó đường về Sài Gòn coi như bị cắt đứt hoàn toàn, và chị Loan đã có mặt trong đoàn quân di tản là thế. Và khi trận đánh xảy ra, NT Xuân hầu như bị “vô hiệu hóa” vì vướng bà chị bên cạnh. Do đó, tôi đề nghị NT Xuân:”Phượng Bằng để tôi điều động. Phượng Bằng đưa chị về phía sau, lo an toàn cho chị”, như tôi đã viết ở trên. Ngoài ra, tôi còn cho 4 người lính thám báo luôn ở bên hai ông bà: Tôi nói: “Phượng Bằng thấy tụi nó (thám báo) chạy tới đâu thì lập tức chạy theo đó. Không được chần chừ”.
Đến chập choạng tối, khi vượt qua khỏi trận địa của Cộng quân, một lần nữa, tôi đề nghị TĐP Trần Văn Xuân:”Như Phượng Bằng cũng đã thấy, chị có lẽ không còn đủ sức để chịu đựng thêm nữa. Trong khi đó, từ đây về đến BTL/SĐ25 ở Củ Chi, tôi nghĩ, sẽ có thêm nhiều trận chiến nữa. Đó là điều chắc chắn, vì địch đã biết rõ ý định của chúng ta, và sẽ chuẩn bị chiến trường có lợi cho họ, để đón chúng ta. Và không ai có thể biết sống chết ra sao! Cách tốt nhất, theo tôi, là Phượng Bằng nên đưa chị vào một nhà dân (đã bỏ trống) để thay đồ dân chính. Chờ cho đơn vị đi qua và trời tối hẳn, anh dẫn chị ngược về hướng sông Vàm Cỏ hay về Tha La xóm Đạo, thì ít nguy hiểm hơn. Rồi tìm cách về Sài Gòn. Hẹn gặp lại anh chị tại Sài Gòn”. Một phút đăm chiêu, suy nghĩ…và sau cùng, Phượng Bằng đã đồng ý. Chúng tôi cầm tay nhau. Bùi ngùi và chia tay! Và kể từ giây phút đó, tôi là xử lý thường vụ, không chỉ TĐP/TĐ30, mà XLTV/TĐT luôn. Và vì thế, qua máy PRC25, chính tôi đã trực tiếp nhận lệnh từ Liên Đoàn Trưởng LĐ32/BĐQ, Trung tá Lê Bảo Toàn, khi Ông thông báo quyết định Liên đoàn ở lại để “Bàn giao cho phía bên kia” (thật công tâm và công bình mà nói, Thuận Thiên không ra lệnh cho 3 Tiểu đoàn ở lại cùng Liên đoàn để “bàn giao”. Ông chỉ nói đến tình hình đã đến hồi tuyệt vọng mà thôi. Quyết định đi tiếp hay ở lại là tùy quyết định riêng của các Tiểu đoàn. Có thể vì BCH/LĐ có theo dõi tình hình qua đài phát thanh Sài Gòn, hay đài phát thanh Quân Đội, nên biết khá rõ diễn tiến tình hình từng ngày, từng giờ,…biết rõ Sài Gòn đang trong cơn hấp hối, nên đã chọn “ở lại bàn giao”. Về phần chúng tôi, hầu như không hay biết gì, nên cứ nghĩ “còn nước thì còn tát”, không biết gì thêm, kể cả cuộc “Hành quân tháo chạy của Mỹ”! Đúng như tên gọi “Hành quân gió cuốn”(!)..
Và cuộc lui binh tiếp tục, cho đến khoảng hơn 10 giờ đêm thì Tiểu đoàn được lệnh dừng quân, chờ lệnh của BCH/LĐ…Sau khi nuốt vội một nắm cơm nguội… tôi ngả người bên bờ ruộng mía. Thấm mệt. Chợp mắt, chập chờn trong giấc mơ pha trộn của mộng và thực, của “bão lửa” kinh hoàng, của êm ấm gia đình, của tình yêu mật ngọt…Đến khi nghe Đặng, hiệu thính viên của Tiểu đoàn gọi: “Sông Thu…Cẩm Tú mời Thẩm Quyền vào đầu máy để gặp Thuận Thiên”. Tôi trở về với thực tại “Buồn ơi, đêm tối mênh mông là buồn”…
Lúc bấy giờ, NT Khai (Cẩm Tú), TB3 LĐ, bạn cùng khóa 22A với NT Xuân, chắc vẫn chưa hay biết là NT Xuân đã không còn theo chân Tiểu đoàn nữa), do đó, nghe tôi lên tiếng trên máy, thì NT Khai, hơi ngạc nhiên, tôi chỉ nói (được mã hóa) để NT Khai hiểu là hiện tại, tôi, TB3/TĐ30, là “Xử lý thường vụ TDT/TĐ30”, sẽ thay mặt các TĐT và TĐP để nhận lệnh từ Thuận Thiên. Và, sau khi Thiếu Tá Đinh trọng Cường (Trùng Dương), TĐT TĐ33 BĐQ và Thiếu Tá Trần Đình Tự (Tú Uyên) TĐT/TĐ38, cũng có trên đầu máy, thì Trung Tá Lê Bảo Toàn (Thuận Thiên), bắt đầu nói, giọng thật chậm, thật trầm buồn: “chúng ta không còn chút hy vọng nào nữa! Toà Đại Sứ Mỹ đã hoàn tất cuộc rút lui ra khỏi Sài Gòn. VC đã vây hãm Sài Gòn rồi. BCH/SĐ 25, thì chúng ta cũng đã không liên lạc được từ chiều nay. Sau khi cho biết “tình hình tuyệt vọng” như thế, thì Trung Tá Toàn (với giọng mệt mỏi chán chường), đã nói tiếp: “BCH quyết định Liên Đoàn ở lại để “Bàn giao cho phía bên kia”. BCH/LĐ đã liên lạc được với họ. Chiều nay đã hy sinh nhiều xương máu của binh sĩ rồi. Tiếp tục hành quân, chỉ là hy sinh thêm máu xương của Binh sĩ mà thôi!…Tình hình không thể thay đổi được nữa!…Các anh có ý kiến gì không?” Một phút im lặng, tôi lên tiếng “trình Thuận Thiên, TĐ 30 sẽ tiếp tục cuộc hành quân lui binh như kế hoạch.
– Chào Thuận Thiên. “Thuận Thiên không nói gì.” Trong máy, tôi nghe tiếp “Tôi sẽ họp các ĐDT và BCH/TĐ sẽ báo cho Thuận Thiên biết về quyết định của TĐ 33”, Thiếu Tá Đinh Trọng Cường, TĐT/TĐ 33, trong một giọng nói trầm tĩnh cố hữu, đáp lại. Và tôi cố chờ thêm, lòng nôn nao để nghe ý kiến của Thiếu Tá Trần Đình Tự, TĐT, TĐ 38. Quả thật, sau khi Trùng Dương dứt lời, tôi nghe tiếng sang sảng của Tú Uyên trong máy:“Thuận Thiên, đây Tú Uyên. Nhận rõ 5/5. Nhưng, TĐ 38 quyết định tiếp tục hành quân về Củ Chi. Trình Thuận Thiên rõ”. Tôi thở một hơi dài. Nghe tràn ngập niềm xúc động dâng lên trong lòng. Ít ra, Tiểu đoàn 30 cũng có “bạn đồng hành”, Tiểu đoàn không phải làm kẻ “độc hành đại bảo tiêu” trong hiểm nguy chực chờ, vây bủa…và khoảng tối dày đặc trước mặt!…Sau đó, tôi buông máy và không còn nghe gì thêm. Tôi cho mời Trung Đội Trưởng Thám Báo cùng 4 ĐĐT của TĐ 30 để thông báo quyết định của Trung Tá LĐT và quyết định của riêng tôi cho TĐ30 (với tư cách đang xử lý thường vụ TĐT), xem có Đại Đội nào muốn ở lại theo đề nghị của BCH/LĐ hay không? Tất cả bốn ĐĐT cũng như Thiếu úy Nguơn, Trung Đội Trưởng Thám Báo đều đồng ý tiếp tục hành quân như Lệnh Hành Quân. Thú thực, trong giây phút đó, giữa đồng trống mà tôi thấy ấm lòng vô cùng. Tôi nghĩ, sau đó có chết cũng được. Tôi ra lệnh cho Tiểu đoàn chuẩn bị, nửa giờ nữa là hành quân tiếp tục (gần 1 giờ sáng ngày 30/04). Đang chuẩn bị cho lệnh Tiểu đoàn di chuyển, thì NT Đinh trọng Cường tìm đến, nói với tôi:
– “Các ĐĐT của TĐ 33 quyết định ở lại theo ý của BCH/LĐ, riêng anh cùng một số thuộc cấp sẽ cùng TĐ30, tiếp tục hành quân về Củ Chi (có lẽ vì NT Hà Kỳ Danh, trước đó là TĐT/TĐ33 BĐQ, nay là LĐP/LĐ32 BĐQ đã chọn ở lại cùng Liên Đoàn Trưởng để bàn giao (như quyết định của BCH/LĐ), nên các ĐĐT của TĐ 33 cũng quyết định theo như thế? (tôi đã đoán như thế). Nghe Trùng Dương nói vậy, tôi rất mừng, và đáp lại: “nếu như vậy, Trùng Dương chỉ huy cuộc lui binh đợt hai nầy, nhưng NT Cường không chịu, với lý do: “TĐ 33 chỉ là một nhóm nhỏ theo chân TĐ30, còn TĐ30 là toàn bộ, nên Phú Quốc chỉ huy, để dễ điều động khi chạm địch. Trong giờ phút nầy, đừng nên câu nệ”. Và vì thế, tôi cho lệnh tiếp tục hành quân, hướng về BTL/SĐ25 BB ở Củ Chi. Trong giờ phút đó, tôi cũng an tâm hơn, và thêm vững tin vì có NT Đinh Trọng Cường, TĐT/TĐ33, là một khóa đàn anh dày dạn kinh nghiệm chiến trận, lúc nào cũng di chuyển bên cạnh).
Đến mờ sáng 30/04, cả đoàn quân đi qua một khu rừng tre rất lý tưởng để phòng thủ hay dừng quân. Bờ tre khá dầy bao bọc chung quanh, ở giữa là một quãng trống khá rộng hơn một sân đá banh, với tre mọc lưa thưa. Tôi đề nghị NT Cường cho tạm dừng quân ở đây (vì suốt từ trưa hôm qua đến nay, lính chưa được nghỉ ngơi, ăn uống, nhất là nước uống hầu như cũng cạn). Bên ngoài cánh đồng dưa gang có những giếng nước dùng để tưới dưa. Lợi dụng, lính có thể lấy nước dự trữ. Hơn nữa, trong tình cảnh nầy, tránh “chạm địch” càng nhiều càng tốt, vì đạn dược còn rất hạn chế. Quyết định sẽ hành quân tiếp vào chiều tối. Hy vọng sáng hôm sau sẽ tới được Củ Chi. Hơn nữa, tôi muốn, nhân đó sẽ kiểm tra lại lực lượng lui binh, ngoài TĐ30, một bộ phận nhỏ của TĐ 33, còn có đơn vị nào nữa không? Và Trùng Dương cũng đồng ý như thế. Sau đó, tôi đi kiểm soát một vòng, mới biết là “cái đuôi” đi theo TĐ 30, ngoài một số nhỏ của TĐ 33, còn rất đông là Địa phương quân, Nghĩa quân và thân nhân của họ nữa. Đặc biệt, trong số Sĩ Quan có mặt trong đoàn quân lui binh đợt hai nầy, có một Sĩ Quan mang cấp bực Trung Tá (đeo phù hiệu của binh chủng Pháo binh) mà tôi chưa kịp hỏi ông ta là Quận Trưởng quận Hiếu Thiện hay CHT/PB/SĐ25 bị kẹt ở Hiếu Thiện? (sau khi Trảng Bàng bị Cộng quân chiếm, và đường về Tây Ninh từ Gò Dầu Hạ cũng đã bị địch cắt đứt hơn mấy tuần qua). Ngoài ra, tôi cũng vui khi nhìn thấy BS Tiến (Bác Sĩ của LĐ32 BĐQ) cũng tháp tùng theo chúng tôi…Tôi còn nói đùa với B/S Tiến: “Có ông đi theo, thì tôi càng yên tâm hơn”…
…Và đến khoảng gần 12 giờ trưa ngày 30/04, khi chúng tôi cho thám báo, chận bắt một ông già trên cánh đồng dưa gang, để tìm hiểu thêm tin tức, thì ông cho biết là ông Dương văn Minh đã ra lệnh đầu hàng ‘Cách Mạng” rồi! Nhớ lại những lời “tuyệt vọng của vị LĐT của mình vào lúc nửa khuya, rồi nhìn gương mặt đôn hậu của người nông phu nầy, tôi nghĩ….chắc là thật rồi (!), Tuy nhiên, tôi vẫn dí mũi súng Colt 45 vào hông ông ta, và hỏi lại một lần nữa. Ông xác quyết. Ông nói: “Nếu tôi nói sai, các ông cứ bắn tôi, còn thấy tôi nói đúng, thì đừng đánh nhau nữa. Hòa bình rồi (!)…”Tôi cho một số thám báo theo ông ta vào làng xem hư thực ra sao. Sau đó, Thiết giáp, Bộ binh của VC tiến ra, bao vây rừng tre, phát lại lời tuyên bố đầu hàng của Dương văn Minh.Tôi và các SQ có mặt đang bàn thảo về đề nghị buông súng, đầu hàng từ phía bên kia. Khi nghe tới hai chữ đầu hàng, thì H/S nhất Nguyễn văn Bé (Thám báo của TĐ 30), tay cầm lựu đạn, la lớn: “Tự tử đi Đại úy. Không đầu hàng Việt cộng”. Chung quanh tôi, rất nhiều SQ. Chưa ai có phản ứng gì. Dĩ nhiên, chỉ cần tôi gật đầu, là Bé bung chốt lựu đạn. Thế nhưng, vào lúc đó, có lẽ chưa trả hết nợ đời, hay cũng thuộc hàng “Tham sanh húy tử” (!), nên tôi buộc miệng nói: “Đm, Dương văn Minh đầu hàng rồi! Mất Nước rồi! Giờ chết thì chết cho ai đây! Thôi, để tính sau Bé!”. Bé không nói gì. Vứt trái lựu đạn vào bụi tre. Gương mặt thẫn thờ…Trước đây, Bé “con” ở trong Tiểu đội Thám báo của Đại đội 3, khi tôi còn là ĐĐT. Dân Tây Ninh và rất gan lì. Cùng Chung “ghiền”, Mãnh “gồ”, Hùng “mù”, Liệt “quất”, Tốt “làm”… đã có những ngày rất liệt oanh trong Tiểu đội Thám báo của Đại đội 3/30 Biệt động.
Về cái chết của Thiếu Tá Trần Đình Tự, TĐT/TĐ 38 BĐQ: Nhân đây, cũng xin được viết lại đôi điều về cái chết của cố Thiếu Tá Trần đình Tự (Tú Uyên):
Một ngày sau (1/5), trong trại giam của Cộng sản ở mật khu Suối Sâu, chúng tôi được biết về cái chết của cố Thiếu tá Trần Đình Tự. Như đã viết, sau khi quyết định tiếp tục hành quân về Củ Chi, thì Tú Uyên và BCH/TĐ38 có đưa ra hai lựa chọn. Một là phân tán mỏng để dễ di chuyển và dễ ứng phó, hai là hành quân cả Tiểu đoàn. Sau cùng, Thiếu tá Trần Đình Tự đã chọn giải pháp phân tán, cho các Đại đội tùy quyền. Do đó, khi bị Cộng quân bắt, sau khi có cuộc chạm súng, chỉ có khoảng hơn 20 (SQ/HSQ/Binh sĩ) bị bắt cùng Thiếu tá Tự. Còn NT Đoàn Văn Xường (Thanh Vân), K22, TĐP/TĐ 38, không đi chung với Tú Uyên mà đi cùng với một (hay các) Đại đội. Toán của Thiếu tá Tự bị đám Bộ đội Địa phương (hay du kích) bắt. Và theo lời một số Sĩ Quan còn sống sót kể lại, sau một cuộc đối đáp giữa Thiếu tá Tự và tên chỉ huy lực lượng nầy (mà vào lúc đó, Thiếu Tá Tự cũng chưa hay biết là DVM đã ra lệnh đầu hàng). Do đó, Thiếu tá Tự đã đòi tên chỉ huy nầy, để được gặp chỉ huy cấp cao của bọn chúng. Tên nầy la lớn: “tên DVM, Tổng Thống Ngụy của tụi bay đã đầu hàng “Cách Mạng” rồi, mầy là “ Rằn ri ác ôn” mà đòi gặp chỉ huy của tao hả? Sẽ sớm cho tụi mày gặp”. Sau đó, chúng ngồi nói chuyện riêng với nhau. Tiếp theo, chúng bắn từng hai người một, Thiếu Tá Tự và một Sĩ Quan khác bị bắn đầu tiên. Chúng bịt mắt Thiếu Tá Tự, nhưng Anh đã giật khăn ra và la lớn “Tụi mày muốn bắn tao thì cứ bắn, không cần bịt mắt tao…”Anh chưa nói hết lời, thì chúng nổ súng và anh gục ngã! Sau khi bắn khoảng hơn 10 người, thì lực lượng chính quy của chúng đến can thiệp, không cho tụi Địa phương bắn nữa. Do đó tin tức mới đến tai chúng tôi trong khu trại giam ở Suối Sâu cũng như tin buồn đến được chị Tự. Cũng vào chiều hôm đó, chị Tự nhận được hung tin và lên tìm được xác của cố Thiếu Tá Trần đình Tự (theo như nguồn tin từ dân trong mật khu nầy thuật lại), trong khi chúng tôi còn bị giam ở Suối Sâu. Ở đây, chúng tôi nhìn thấy một số Thiết vận xa, Chiến xa của Mỹ bị bắn cháy, còn nằm rải rác ở quanh đây.
– Kết thúc một thời OANH LIỆT của những MÃNH HỔ 30 Biệt động là như thế đó! Đánh đến khi súng gãy, qua giây phút cuối của trận chiến.
– Kết thúc của MÃNH HỔ TRẦN ĐÌNH TỰ, TĐT/TĐ 38 BĐQ là thế đó! – Không để bị kẻ thù bịt mặt, giật bỏ vải che mặt, nhìn thẳng vào mặt kẻ thù, khi chúng đang nhả đạn.
– Kết thúc của những MÃNH HỔ CON của TĐ 30 Biệt động đã chiến đấu dũng cảm đến giờ phút thứ 25 và đã ngã xuống tại Gia Bình như thế đó!
(1) Riêng cá nhân tôi, với cuộc đời binh nghiệp khá ngắn ngủi, và trong những tháng ngày cuối của cuộc chiến, trong chức vụ TB3/TĐ30 BĐQ, vạn bất đắc dĩ, tôi đã có hai lần xử lý thường vụ TĐT/TĐ 30 Biệt động.
– Lần thứ nhất, là khi Tiểu đoàn (cùng LĐ3 và BCH/BĐQ/QĐ3, chi khu Chơn Thành…) hành quân lui binh từ Chơn Thành về Lai Khê, trong đêm thứ 2 của cuộc hành quân, thì VC đánh đặc công vào ngay BCH/TĐ30 và ĐĐ4. Do đó, BCH/TĐ 30 cũng như ĐĐ 4 của Đại úy Đặng Ngọc Quí, người bạn cùng khóa, đã bị tách rời khỏi Tiểu đoàn.
Lúc bấy giờ, tôi, TB3/TĐ lại đang kiêm nhiệm ĐĐT/ĐĐ3 (Đại đội cũ của tôi), vì Trung úy Trần Ngọc Lợi, ĐĐT/ĐĐ3 đương nhiệm, đã bị thương nặng và được tản thương hơn một tuần trước đó, và tôi tạm kiêm nhiệm để chờ Sĩ Quan thay thế). Do vậy, tôi đã không có mặt cùng với BCH/TĐ khi bị toán đặc công xâm nhập, tấn công. Trong tình hình đó, Đại Tá Chuẩn (qua máy) đã chỉ định tôi tạm thời xử lý thường vụ TĐT/TĐ30, cho đến khi Tiểu đoàn về tới căn cứ Lai Khê. Qua đó, tôi đã trực tiếp Chỉ huy Tiểu đoàn – Phản phục kích là vậy.
– Lần thứ hai, tôi tạm thời xử lý thường vụ TĐT/TĐ 30, do hoàn cảnh bắt buộc (như tôi đã viết), mà không do một chỉ định nào cả từ cấp trên.
Nhân Quốc Hận 30 tháng Tư hàng năm, như một nén hương lòng tưởng niệm cố Thiếu Tá TRẦN ĐÌNH TỰ, cũng như những MÃNH HỔ CON của TĐ30 đã nằm xuống tại khu ruộng mía Gia Bình, quận Trảng Bàng, Tây Ninh vào tối ngày 29-4-1975…Và sau cùng, để sửa lại một vài điều, mà Chiến hữu Mũ Nâu Nguyễn thế Đỉnh đã viết không đúng (vì viết, dựa theo lời kể), và cũng thể theo yêu cầu từ một số anh em của TĐ 30 BĐQ từ KBC 3523 của ” Ngày xưa Hoàng thị…”
2. Các nhân chứng sống:
– NT Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Khoan (Việt Triều): TĐT/TĐ30 BĐQ, hiện đang sinh sống ở Pennsylvania.
– NT Đại úy Trần Văn Xuân (Phượng Bằng): TĐP/TĐ30/BĐQ, đang sinh sống tại Nam California.
– NT Thiếu Tá Đinh Trọng Cường (Trùng Dương): TĐT/TĐ33/BĐQ, đang sinh sống ở Washington State.
– Thiếu Tá Tú, TĐT/TĐ 31/LĐ 31, Đại úy Huy(?), TĐP/TĐ 31 đã hành quân rất gần cùng với TĐ30, trước và trong cuộc “di tản” từ Chơn Thành về Lai Khê.
– NT Thiếu Tá Hà Kỳ Danh (Trí Dũng): LĐP/LĐ32/BĐQ, hiện sinh sống ở Texas.
– NT Đại úy Khai (Cẩm Tú): TB3/LĐ32/BĐQ. Hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ.
– Một số SQ/HSQ/BS thuộc TĐ30/BĐQ còn hiện diện tại hàng vào những giờ phút cuối đang sống tại hải ngoại (Thiếu úy Long, Th/S I Gương ở San Jose. Trung úy Hồ Huỳnh. Th/S I Quang vùng Đông Bắc Hoa Kỳ…Riêng Đại úy Đặng ngọc Quí ĐĐT/ĐĐ4/TĐ30 thì bị thương trên đường di chuyển từ Chơn Thành về Lai Khê, (ĐĐ4 tách riêng, sau khi bị đánh đặc công, như đã viết), nên đã không có mặt tại đơn vị vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến.

“Thêm Quốc Hận, tóc thêm màu bạc.
Trăm năm nhớ lại, vẫn còn đau”!
https://www.facebook.com/groups/747598136286233/?multi_permalinks=931771004535611&ref=share