1- Giáng Sinh năm 1976 ở trại Long Giao
Năm 1976 tôi bị giam trong trại 11 Liên trại 3 Long Giao, Long Khánh. Vì mấy tháng trước xảy ra chuyện trốn trại bất thành, bị bắn đổ ruột mà không chết của anh Hà Văn Hùng và một vài anh em khác, đang bị cùm trong conex, nên không khí trong trại ngột ngạt, nặng nề, khó thở. Anh em chúng tôi ngoài giờ đi lao động vác gỗ, vác tre về làm hội trường nhà ở cho đám cán bộ và cuỉ cho nhà bếp còn phải khiêng phân trồng rau trồng sắn.
Ở đội 1 (Đội có anh Hùng) ai nấy đều dè dặt lời ăn tiếng nói, các tên cán bộ quản giáo hay cán bộ đội cũng thay đổi thái độ không còn hay lai vãng xuống các đội dò xét chúng tôi mà có gì chỉ liên lạc với cácđội trưởng, trong đó đội trưỏng đội 1 chúng tôi là anh Lâm Võ Hoàng {sau này là cố vấn kinh tế ngân hàng cho Võ Văn Kiệt) ra ngoài khu cơ quan làm việc.
Riêng những anh hay ăn nói bốp chát với cán bộ như anh Phạm Lai, anh Dương Hùng Cường dường như cũng “sì tốp” bớt sau mấy lần anh Dương Hùng Cường bị điệu ra ngoài cơ quan làm việc trở về với dáng phờ phạc, đăm chiêu.
Tôi nhớ lại đêm Giáng Sinh năm đó, tôi buông mùng đi ngũ sớm hơn thương lệ, ngồi trong mùng tôi thầm đọc kinh cầu nguyện cho khỏi ai thấy, vừa đọc kinh tôi vừa nhớ lại những mùa Giáng sinh trước, những kỷ nệm êm đềm đầm ấm thủa nào, nước mắt tôi âm thầm rơi xuống gò má hốc hác trơ xương.
Tôi thiếp đi lúc nào không hay chợt có bàn tay ai đó kéo chân tôi làm tôi choàng tỉnh, vén mùng nhìn ra tôi lờ mờ thấy khuôn mặt của tên quản giáo Cảnh, đứng đàng sau lố nhố là mấy tên vệ binh súng AK lưỡi lê tuốt trần. Tên cán bộ ra hiệu cho tôi đi ra ngoài, tôi lẳng lặng đi theo hắn ra đến ngoài sân tập họp, ở đó tôi đã thấy có tốp người lặng lẽ ngồi chờ. Trời Long Giao se lạnh, tôi chỉ mặc có một cái áo tù mỏng, tôi thầm trách sao không cầm theo cái áo Jacket để giờ đây ngồi chịu lạnh.
Cũng nói qua về cái trại giam Long Giao đó, nó mang số 11 nghĩa là trước nó đã có 10 cái trại và sau nó thì không rõ còn bao nhiêu cái nữa. Trại nguyên là trại gia binh của Trung Đoàn 52 sư đoàn 18 Bộ Binh, nó gồm nhiều dãy, mỗi dẫy 10 căn nhà, chúng tôi bị giam cứ 1 căn nhốt 7 hay 8 người, 2 căn thành một tổ 15 người , hai dãy nhà thành một đội. Trại 11 gồm 8 đội và nhốt khoảng 1200 người tù cải tạo.
Lần lượt tên quản giáo dẫn ra thêm mấy tốp khác, chúng tôi hoang mang ngồi trong bóng tối, nên không biết là ai, nhưng có tiếng húng hắng ho làm tôi biết có anh Phạm Lai, rồi có tiếng khò khè của anh Hoàng Bửu. Tên quản giáo quơ đèn pin ra hiệu cho chúng tôi đứng lên đi theo hắn. Chúng tôi lần lượt xếp hàng đôi đi về phía cổng trại giam như những bóng ma. Ra đến cổng, tôi thấy thêm một tốp vệ binh nữa cũng trang bị súng AK với lưỡi lê tuốt trần nhọn hoắt. Tên quản giáo chiếu đèn pin ra hiệu cho từng cặp ra một, tôi và Vang bước ra nhập vào đám đông đang đứng chờ rồi tiếp tục đi về phía hội trường. Ở đó giữa ánh sáng vàng vọt của mấy ngọn đèn dầu, tên thiếu tá trại trưởng nét mặt ra vẻ nghiêm trọng đang đợi chúng tôi trên bục giảng. Chúng tôi lặng lẽ ngồi xuống nền đất đỏ của hội trường. Tên trại trưởng đằng hắng rồi cất cao giọng, hắn giảng thuyết theo bài bản mà chúng tôi vẫn phải nghe mỗi khi lên lớp, đều là ca tụng đảng CS, ca tụng bác hồ của hắn, ca tụng phe xã hội chủ nghĩa của hắn. Nhìn nét mặt say sưa của hắn tôi tin rằng hắn đang thành thật sùng tín vào những điều hắn nói. Hôm nay đặc biệt hắn lại nói về tôn giáo, hắn kết án các tôn giáo ở miền Nam, cho rằng các tôn giáo làm cản trở bước tiến giải phóng miền Nam. Sau một hồi kết án chán chê, hắn ra lệnh cho chúng tôi về trại, lần này hắn không hỏi và bắt chúng tôi hô lớn: “Thưa cán bộ, hiểu !!” như thông lệ hắn vẫn làm từ trước đến nay.
Chúng tôi lại lục tục kéo nhau về trại giam.
Trước khi bước chân vào buồng, tôi, Vang và Hoàng Bửu bị hắn chặn lại thì thầm vào tai: “ Tôi nói cho các anh biết các anh có bỏ đạo thì mới được về !”, rồi hắn dặn: “Không được nói cho ai biết chuyện đêm nay đấy nhé”.
Tôi leo lên sạp thì nghe tiếng gà eo óc gáy từ xóm nhà dân ở Cẩm Đường văng vẳng vọng laị. Tôi thiếp đi cho đến sáng.
Ngày 25 Giáng Sinh chúng tôi vẫn tiếp tục lao động như thường lệ, nhìn ánh mắt nhau, chúng tôi thầm hiểu đêm qua CS tập trung anh em sĩ quan Công Giáo, Tin Lành lại vì chúng không muốn cho chúng tôi có dịp tập họp ca hát và đón mừng Chúa như mùa Giáng Sinh 75 đầu tiên trong trại tù ở Phú Lợi, Bình Dương. Chúng tôi biết chúng muốn đe dọa và dụ dỗ để phá hoại niềm tin vào Thiên Chúa của anh em chúng tôi. Nhưng chúng đã lầm, càng gian nan chúng tôi càng cảm thấy cần có Chúa hơn.
2 – Giáng sinh 1977 ở trại Hồng Ca Yên Bái Hoàng Liên Sơn
Tháng 7 năm 1977 chúng tôi bị chuyển ra tù ngoài Bắc bằng mấy chuyến tàu sông hương trong những chuyến đi kinh hoàng. Đầu tiên chúng đưa chúng tôi về trại Lao Cai ít hôm rồi chuyển tiếp về trại Khe Thắm, huyện Trấn Yên do bộ đội CS kiểm soát được mấy tháng, lại chuyển chúng tôi về trại Hồng Ca, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn do Công An CS quản lý.
Chúng tôi như cá chậu chim lồng vì lúc ở trại do bộ đội quản lý dù sao chúng tôi còn được hít thở không khí có đôi chút tự do, hàng ngày chúng tôi lên rừng chặt giang chặt nứa cả ngày miễn sao đủ chỉ tiêu một người bốn bó giang mỗi bó 5 cây giang dài 4 mét hay 2 bó giang nứa mội bó 30 cây cũng dài 4 mét là được, thời giờ còn lại chúng tôi đi câu cá, câu cua hay hái măng giang bắp chuối rừng về ăn cho đỡ đói.
Ở trại Hồng Ca, chúng tôi bị bó buộc lao động trong 4 bức rào nứa của vòng ngoài trại giam. Ỏ đó ngoài đội trồng sắn, chúng tôi là được lãnh đi làm tập thể rẫy cỏ sắn chờ thu hoạch ở mấy ngọn đồi quanh trại. Bắt đầu từ ngày 18 /12 chúng tôi thu hoạch sắn, mỗi người theo chỉ tiêu nhổ 60 gốc sắn, dùng cuốc hay dao cắt rồi gom củ sắn lại thành đống để nhóm Tự Giác đánh xe trâu ra chở về trại luộc lên phát cho trại viên mỗi người 2 hay3 củ một ngày để thay cơm hay bánh bột mì hấp vừa dai vừa đen sì và nồng nặc mùi *** dán.
Chiều ngày 23 đi lao động về, lãnh phần ăn thay vì mấy củ khoai mì gầy guộc, chúng tôi nhận cứ 8 người được một xoong cháo nấu bằng sắn bào, lõng bõng mấy tép hành khô và đám láng mỡ lều bều, nhà bếp giải thích là vì sắn phải đem ra ty lương thực huyện kiểm thu, xong rồi mới phát lại cho trại nên hiện trại không còn lương thực gì kể cả sắn thu hoạch, chúng tôi lặng lẽ húp chén cháo sắn lõng bõng rồi đi ngủ cho quên cái đói ồn ột sôi trong bụng.
Qua ngày hôm sau cũng thế. tình trạng kéo dài đến 25, nhiều anh em trong đội sắn chúng tôi đói quá hóa liều lén nhai cả sắn sống bị say, nôn ói ra mật xanh mật vàng.
Trưa ngày 27, nhiều anh em lả đi nằm thiếp trong sàn cáo bịnh nhưng lịnh của tên trại trưởng thông báo chúng tôi phải tập trung lên hội trường.
Chúng tôi dắt díu nhau lên hội trường trong khi đám cán bộ trại nhìn những bước chân xiêu vẹo của chúng tôi ra vẻ thích thú, chúng huých vai nhau và cười hô hố.
Tên đại úy trại trường tự giới thiệu là Trần Văn Sơn, hắn nhăn nhở đứng trên bục giảng đảo mắt qua chúng tôi một lượt rồi cho lệnh chúng tôi ngồi xuống. Hắn bắt đầu cất cao bài giảng thuyết mà chúng tôi rất quen thuộc vì ở trại nào từ quân đội cho đến công an đề lớp lang như nhau, không khác một giọng lên bổng hay xuống trầm.
Kết thúc bài giảng hắn hỏi chúng tôi giọng ân cần giả nhân giả nghĩa:
– “Các anh có đói không? Ừ tôi biết các anh đói mấy ngày nay, vì trại phải nộp thu hoạch cho huyện.
Đột nhiên hắn cất cao giong như thét lên:
– “Các anh tin có Chúa của các anh, sao các anh không cầu Chúa của các anh cho các anh ăn no, các anh cứ cầu đi, biết đâu ông Giê Su của các anh chẳng ban ngay cho các anh mỗi người cái bánh tây to tổ bố như thế này này? “vừa nói hắn vừa phùng mang trợn mắt vung hai tay lên thành vòng tròn.
Rồi hắn chỉ tay vào ngực giọng chì chiết:
– “Đó các anh cứ cầu xin đi! Nhưng mà tôi nói cho các anh biết chỉ có thằng cộng sản này là cho các anh được no mà thôi. Các anh cử thử xin mà xem thằng cộng sản này có cho các anh no nê không nào?
Nói đến đây hắn có vẻ thỏa mãn, hả hê lắm rồi như khoe:
– “Các anh về traị đi xem hôm nay có được no không nào?
Chúng tôi về đến trại, quả thật chiều hôm đó mỗi người chúng tôi lãnh một nón cối đầy khoai mì luộc còn bốc khói. Tôi nhai mà niềm uất hận cứ trào dâng lên làm tôi nghẹn không thể ăn được hơn hai củ khoai bàng cườm tay trẻ con, dù bụng tôi đói cồn đói cào.
3- Giáng Sinh 1979 trại Tân Lập Vĩnh Phú
Đầu năm 1978 chúng tôi bị chuyển đến trại Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú, vì tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Hoa. Trên báo Nhân Dân mà chúng bắt chúng tôi phải nghe, lác đác đã có các bài chửi Trung Quốc. Một lần có tên vệ binh hỏi chúng tôi nếu có yêu cầu đánh nhau với Tàu các anh có đi đánh không tôi trả lời tôi tuy là lính nhưng chỉ biết cầm sơn, cầm cọ, cầm viết chứ không biết cầm súng, nhất là súng AK. Hắn nhìn tôi lúc lâu rồi đỏ mặt quay đi.
Trại Tân Lập là một trại rất lớn đã có từ lâu đời. Trên những ngôi mộ tù thỉnh thoảng chúng tôi lượm được những thanh gỗ mục có viết tên những tù nhân bị chết ở đây có mảnh dễ chết từ năm 1954, 55. Trại Tân Lập chia ra làm 5 phân trại. Phân trại 2 của chúng tôi nằm tận trong cùng của dòng suối Ngọc quanh co chảy ra đến gần Ấm Thượng.
Nhiệm vụ chính của chúng tôi là trồng rau xanh, cung cấp cho toàn trại, đồng thời còn trồng sắn trên những ngọn đồi trọc cách trại gần 2 cây số.
Từ các trại tù gần biên giới Việt Hoa chúng tôi bị đưa về tập trung ở 2 trại của tỉnh Vĩnh Phú là Hồng Quang và Tân Lập. Phân trại K 2 chúng tôi gồm toàn các anh em trẻ từ trại Hồng Ca chuyển đến đợt đầu, rồi đến nhiều đợt kế tiếp gồm toàn các sĩ quan từ cấp trung tá trở xuống.
Ngày nọ trại K 2 tiếp nhận thêm một đợt gồm toàn các vị linh mục, mục sư, đại đức trước đây là tuyên úy trong quân đội đã giải ngũ hay còn đương nhiệm. Các cha, thầy bị tập trung vào một đội mà bọn vệ binh chúng thường gọi lóng với nhau là đội “đạo binh hương khói”. Công việc của đội tuyên úy là chăn gà chăn lợn trong vòng rào thứ 2 của trại. Một số khác tăng cường cho đội nhà bếp trong đó có cha già Bỉnh.
Giáng Sinh năm 1978, nhờ có các cha mà chúng tôi được xưng tội rước lễ và dâng lễ Giáng Sinh dù phải khéo léo âm thầm để che mắt bọn vệ binh, quản giáo. Đêm Giáng Sinh năm đó chúng tôi hướng về buồng giam các tuyên úy để cùng thầm dâng lễ nửa đêm dù chúng tôi phải nằm trong mùng và trùm chăn kín mít vì lạnh.
Cuộc đời khổ sai của chúng tôi cứ thế trôi dần cho đến cuối năm 1979 thì xảy ra một biến cố lớn. Số là trong trại bỗng từ đâu có tin đồn loan truyền rằng chúng tôi sắp được thả hay được đi qua Mỹ. dù không tin tưởng lắm nhưng lòng tôi cũng háo hức. Bạn bè hỏi, tôi chỉ cười:Tao an tâm cải tạo chờ đón thế kỷ 21 – không biết sao lời nói của tôi đến tai tên quản giáo, hắn bắt tôi tra vấn và làm kiểm điểm.
Rồi mùa Giáng Sinh cũng đến. Sáng ngày 24, như thường lệ chúng tôi tập trung trước sân trại chờ gọi tên từng đội báo cáo con số tù xuất trại đi lao động. Lần lượt các đội đếu được gọi tên, cuối cùng chỉ còn đội Tuyên Úy là sót không được gọi.
Khi tất cả cải tạo vừa ra khỏi trại là lúc mấy chục tên công an vũ trang ùa vào trại. Chúng xông đến đội tuyên úy còn đang ngơ ngac rồi vây chặt họ lại, tên cán bộ trực trại đọc lệnh khám tư trang. Thế là các tuyên úy được áp giải về buồng giam. Mọi người thu xếp tư trang rồi khệ nệ cõng, khiêng ra trước sân lán và cuộc khám công tư trang quen thuộc với chúng tôi lại diễn ra. Có khác chăng, lần này đám công an vũ trang khám xét kỹ lưỡng tỉ mỉ từ đường khâu mối vá trên áo trên quần các vị tuyên úy.
Một tốp công an khác vào trong buồng khám xét, săm soi mọi chỗ nằm từ gầm sạp cho đến kẽ lá trên mái nhà ngay đầu nằm các cha các thầy. Chúng lôi ra đủ thứ trong đó nào là mấy cái ống bương đựng nước đến những thánh giá làm bằng gỗ củi, có vài miếng tôn nhỏ bàng ngón tay mà các cha các thầy dùng để cắt miếng bánh mì hấp vừa khô vừa cứng. Chúng đem những thứ đó ra và hỏi lớn xem của ai, có thứ thì có người đứng ra nhận có thứ thì không, mỗi khi có người nhận món gì tên quản giáo đều ghi tên vào cuốn vở học trò bằng giấy giang hắn kè kè mang theo rồi quăng món đó vào cái thùng xe cải tiến. Còn món nào không có người nhận, chúng tập trung tất cả và đưa cho tên quản giáo.
Tên quản giáo đội dẫn các cha. các thầy trở vào buồng, cho để đồ lên sạp theo sự chỉ định của hắn xong rồi bắt các cha các thầy tập trung ngồi khít hai bên đầu dãy sạp và bắt đầu kiểm điểm, hắn lôi ra từng thứ và hỏi lại món này của ai. Mội lần có người nhận hắn lại chăm chú ghi chép vào cuốn sổ. Phần đông các cây thánh giá thì có các cha, các mục sư nhận, hắn ghi vào sổ nhưng không giao lai cho khổ chủ. Cuối cùng chỉ còn mấy miếng sắt bằng ngón tay dùng để cắt bánh mì hấp là không có ai nhận, vì thực ra có ai biết rõ cái nào là của mình đâu trong trại tù đổi chỗ nằm xảy ra xoành xọach, có khi người này làm để quên ở chỗ nằm khi di chuyển lâu dần quên, người khác đến nằm tìm được cứ thế dùng rồi lại dấu đi, nên nào biết của ai đâu.
Tên quản giáo hỏi gằn mấy lần vẫn không có ai nhận, hắn bực dọc đứng lên: “Các anh vẫn còn ngoan cố bao che cho nhau chẳng anh nào thật thà khai báo, cứ quanh co dấu tôi thì bao giờ mới tiến bộ mà về ?!. Các anh dùng cái này làm gì có phải đây là thứ vũ khí sắc nhọn không?!
Các anh định tái vũ trang đấy à? Này tôi bảo cho mà biết đừng có mà bẻ nạng chống trời là không được với tôi đâu! Tôi yêu cầu anh Tùng (Đại Đức NX Tùng Đội trưởng) phải kiểm điểm hết đêm nay tìm cho ra đến bao giờ xong mới cho đội nghỉ. Nói xong hắn ngoe ngoảy đi ra cửa buồng. Thế là cả đội cứ ngồi im lặng kiểm điểm từ giờ này cho đến giờ kia.
Đến giờ đóng cửa buồng mà các vị vẫn chưa được tha tội cứ ngồi chịu trận mà chẳng được ăn gì từ sáng cho đến tối. Đến khoảng gần 10 giờ tên quản giáo trở lại và hỏi:
“Chưa xong à ?, thôi mai cho cac anh kiểm điểm tiếp !!”
Các cha các thầy đều lặng lẽ ra chia phần ăn là mấy lát rau muống luộc với một chén sắn rồi âm thầm ăn uống trong lạnh lẽo của một đêm Giáng Sinh. Các vị ăn xong ai nấy về chỗ nằm mới đến gần khoảng nửa đêm bỗng có tiếng một vị đại đức lên tiếng :
– “Đêm nay là đêm Giáng Sinh, mình nên làm gì để ghi nhớ ngày Thiên Chúa giáng trần đi chứ. Chẳng thấy ai hưởng ứng vì ai cũng đã quá mệt mỏi. Một lát sau vị đại đức lại đề nghị:
-“ Hay chúng ta hát vài bài ca để kỷ niệm Giáng Sinh ?”
– “Nhưng có được hát nhạc đạo đâu nào”, có tiếng ai đó đáp lại.
– “Thì mình hát nhạc cánh mạng cũng được chớ sao miễn là miệng mình hát nhưng lòng mình tường nhớ đến Chúa cũng được chớ gì.
Cuối cùng, sau một hồi thì thào bàn tán, mọi người đồng ý hát nhạc cách mạng trong đêm Nôel.
Cha Thanh Châu là vị tuyên úy của vùng 4 chiến thuật xung phong đứng ra bắt nhịp cho các vị cùng hát . Tiếng hát ban đầu còn nhỏ sau to dần to dần mọi người say sưa hát như quên hết nỗi căng thẳng trong ngày! Những bài hát CS trong một đêm Giáng sinh vang lên trong trại tù!!
Đang say sưa ca hát bỗng cửa buồng xịch mở: 5, 6 tên công an vũ trang súng AK lăm lăm trong tay xông vào, đi sau là tên thượng sĩ Quang, cán bộ giáo dục trại, hắn hách dịch hỏi:
– “Tại sao các anh không ngủ mà còn ca hát ồn ào?”
– “Thưa cán bộ chúng tôi chưa ngủ được vì cả ngày kiểm điểm căng thẳng quá, chúng tôi muốn ca hát đôi chút cho khuây khỏa.
– “Ai là ca trưởng?”
– “Thưa cán bộ không có ai là ca trưởng, chỉ có tôi cầm càng bắt nhịp cho anh em hát”
– “Ai cho phép anh xuyên tạc nhạc cách mạng?”
– “Thưa cán bộ chúng tôi hát nhạc cách mạng chứ có phạm gì đâu?”
– “Không lôi thôi gì cả anh theo tôi đi ra ngoài, các anh khác ngủ đi lấy sức mai lao động, còn hát nữa là tôi cùm đấy”.
Nói xong hắn dẫn Cha Châu ra khỏi phòng trong bóng đêm dày đặc, mọi người lặng lẽ nằm xuống ngủ vùi.
Sáng hôm sau trước giờ chúng tôi đi lao động, tên “cán bộ trực trại” điệu Cha Châu ra trước sân tập họp rồi hắn đọc lệnh biệt giam cha 14 ngày vì tội “Hát xuyên tạc nhạc cách mạng”.
Ai nấy đều thắc mắc cho đến ngày cha được tháo cùm thả về đội, mọi người mới vỡ lẽ vì các vị hát bài “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” trong đó có câu : “Nếu còn bóng quân xâm lược thì QUÉT sạch nó đi !”
Tên cán bộ giải thích: “Các anh hát ra là: Nếu còn bóng quân xâm lược thì GIẾT sạch nó đi. Bác Hồ có nói thế bao giờ?! Rõ ràng là các anh xuyên tạc lời bác, tưởng chúng tôi không biết hả ???”
Thật ra đó chỉ là cái cớ để chúng dẹp các cuộc tụ họp dưới mọi hình thức trong đêm Noel mà thôi. Bằng chứng là trong các đội khác, thỉnh thoảng vẫn có người hát là “Giết sạch nó đi” mà có sao đâu?
Tất cả những sự kiện trong bài đều là có thực, chúng tôi chỉ xin sửa đổi tên họ của vài anh em còn kẹt tại quê nhà, vì khôngmuốn công an lại đến hành hạ các anh thêm.
Trần Việt Yên