NHỮNG GÌ TỔNG THỐNG ZYLENSKY THỰC SỰ MUỐN KHÓ CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC TẤT CẢ TỪ MỸ

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

President Ukraine Zelensky

Khi Tổng thống Ukraine Zelensky đặt chân đến Washington ngày 21/12 (giờ Mỹ), ông sẽ đề xuất một trong những yêu cầu lớn nhất với Mỹ kể từ khi cuộc chiến xâm lược của Nga đối với Ukraine diễn ra nhưng có lẽ nhà lãnh đạo Ukraine sẽ không nhận được câu trả lời ông mong muốn.

Chuyến thăm của Tổng thống Zelensky tới Mỹ, nơi gặp Tổng thống Joe Biden và có bài thuyết trình trước lưỡng viện Quốc Hội, là một sự kiện bất ngờ với hầu hết chính các giới chức cao cấp nước này. Trong khi trước đó Washington đã chào xáo một sự kiện lớn mà không ai biết chính xác chi tiết chuyến thăm của Tổng thống Ukraine cũng như kế hoạch của ông lúc nào và như thế nào?

Sau khi cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Zelensky được xác nhận, các giới chức Mỹ cho rằng cả hai nhà lãnh đạo sẽ tận dụng cuộc gặp này để thuyết phục sự ủng hộ của Quốc Hội Mỹ về viện trợ cho Ukraine.

Theo Politico, tại hậu trường chính trị Hoa Kỳ các giới chức Mỹ và Ukraine đã có kế hoạch về chuyến thăm trên trong nhiều tuần, ngay sau khi Washington và Ukraine đối diện với những tính toán khó khăn nhất về tương lai cuộc xung đột kể từ khi giao tranh nổ ra cách đây gần 10 tháng. Trong cuộc điện đàm ngày 11/12, Tổng thống Biden đã mời Tổng thống Zelensky tới Washington trao đổi về các chiến dịch sắp tới cũng như kế hoạch mà chính quyền của ông có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong chiến tranh, một giới chức cao cấp Mỹ cho báo chí biết ngày 20/12.

Trong những tuần trước khi cuộc điện đàm trên diễn ra, các giới chức Washington đã trao đổi với những người đồng cấp Ukraine và châu Âu về mức độ hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine trong suốt mùa đông. Ukraine đã trực tiếp kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden cung cấp thêm các vũ khí hiện đại mà họ cho rằng có thể giúp nước này chiến thắng. Tuy nhiên, sự do dự của Mỹ đã khiến các giới chức Ukraine không hài lòng, ngay giữa thời điểm Ukraine đang cố gắng thúc đẩy các cuộc tấn công trên chiến trường và nỗ lực đẩy lùi các lực lượng của Nga.

Vấn đề này dự kiến sẽ tiếp tục là chủ đề trong cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Zelensky với chính quyền Tổng thống Biden. Ông Zelensky có thể sẽ đề nghị với Quốc Hội Mỹ về việc Ukraine cần thêm vũ khí tối tân để đối phó với các cuộc không kích của Nga.

“Ông ấy cần các vũ khí tầm xa để có thể tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu”, Bill Taylor – cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine nhận định, đồng thời cho rằng: “Tổng thống Zelensky cần sự hỗ trợ tài chính ngay lập tức để duy trì chính phủ vận hành và bởi ông ấy biết rằng Quốc Hội Mỹ sẽ đưa ra quyết định về các vấn đề trên trong tuần này”.

Trong khi chính quyền Tổng thống Biden khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine đối phó với các cuộc tấn công của Nga trong lãnh thổ Ukraine thì các giới chức Mỹ vẫn từ chối cung cấp bất kỳ vũ khí nào cho phép Ukraine phóng các hỏa tiễn tầm xa nhằm vào các vị trí bên trong lãnh thổ Nga – những vũ khí mà Ukraine cho là có vai trò quan trọng để giành lại các vùng lãnh thổ đã mất và buộc Nga phải ở thế phòng thủ.

Điều Ukraine thực sự muốn nhưng Mỹ khó có thể đáp ứng

Trong cuộc gặp với Tổng thống Biden và đội ngũ an ninh quốc gia của ông, phái đoàn Ukraine dự kiến sẽ kêu gọi Mỹ cung cấp Hệ thống hỏa tiễn Chiến Thuật Lục Quân Tầm Xa (ATACMS bắn đến 300 dặm) cùng với các UAV Grey Eagle và Reaper, các nguồn thạo tin cho hay.

Tuy nhiên, các giới chức Mỹ chưa sẵn sàng cho sự viện trợ này. Tòa Bạch Ốc đã thẳng thừng bác bỏ việc cung cấp ATACMS cho Ukraine. Các giới chức Mỹ dẫn ra lý do rằng chi phí cho việc này quá cao. Washington cũng lo ngại việc cung cấp các hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine có thể khiêu khích Nga sử dụng các vũ khí sát thương mạnh hơn trên lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên, thái độ do dự của Mỹ đã khiến các giới chức Ukraine đứng ngồi không yên và buộc các nhà lãnh đạo quân sự cao cấp của nước này phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia khác, trong đó có những nước ngoài phương Tây. Hiện nay, Ukraine lo ngại sẽ không thể tiến công trong mùa đông này và mất đi những thành quả đạt được sau cuộc phản công chiến thắng ở Kherson.

“Với chúng tôi, chiến lược là tiếp tục tấn công bởi chúng tôi không thể đóng băng xung đột. Chúng tôi cần tiến công liên tục”, Oleksandr Danylyuk, cựu cố vấn an ninh quốc gia Ukraine, đồng thời là cố vấn các kế hoạch quân sự hiện nay cho hay.

Từ khi xung đột nổ ra, chính quyền Ukraine đã nhiều lần yêu cầu Mỹ cung cấp thêm vũ khí tối tân hơn. Chính quyền Mỹ dự kiến sẽ cung cấp cho Ukraine một viện trợ  quân sự mới trị giá 2 tỷ USD, có thể lần đầu tiên bao gồm hệ thống phòng không Patriot và thiết bị tấn công trực diện phối hợp (Joint Direct Attack Munition – JDAM) – giúp biến bom không dẫn đường thành đạn dẫn đường chính xác, các nguồn tin thân cận cho hay.

Việc Mỹ cung cấp hệ thống Patriot là một quyết định khiến chính các giới chức Ukraine cảm thấy ngạc nhiên. Hệ thống phòng không này nằm trong danh sách vũ khí mà Ukraine đề nghị từ lâu và được thiết kế để đánh chặn các hỏa tiễn đạn đạo. Hệ thống này cũng có thể giúp củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Tuy nhiên, Ukraine còn muốn thực hiện các cuộc tiến công ở phía Đông trước khi nước này không còn khả năng và các giới chức Ukraine cho biết, các vũ khí được cam kết hỗ trợ hiện nay không thể thực hiện điều đó.

Các giới chức trong chính quyền Tổng thống Biden cho rằng Ukraine đang ở trong tình thế bấp bênh. Tình hình trên thực địa ngày càng trở nên khó khăn hơn trong mùa Đông này với việc Nga tiến hành ngày càng nhiều cuộc tấn công hỏa tiễn vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, một giới chức cao cấp Mỹ cho hay.

Trong khi Mỹ tăng cường hỗ trợ Ukraine khôi phục mạng lưới năng lượng thì tình trạng mất điện tại các thành phố lớn có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài. Phương Tây cho là Nga đang tìm cách mua thêm các hỏa tiễn đạn đạo do Iran sản xuất, kết hợp với việc tăng cường sản xuất hỏa tiễn trong nước để tiếp tục các cuộc tấn công.

Chính quyền Tổng thống Biden có thể sẽ sử dụng chuyến thăm lần này của Tổng thống Zelensky để nhấn mạnh sự ủng hộ cho Ukraine và ý định tiếp tục hỗ trợ cho nước này trong thời gian khó khăn sắp tới.

“Sự ủng hộ này không chỉ bao gồm những gì chúng tôi đã làm trước đây mà còn bao gồm những gì chúng tôi đang làm hiện tại và chúng tôi sẽ tiếp tục điều này lâu nhất có thể”, một giới chức cao cấp Mỹ cho hay… cần nhớ “lâu nhất có thể”!!!

“Chúng tôi biết trong những ngày sắp tới, xung đột sẽ tiếp diễn. Mùa đông sẽ rất khó khăn và chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho người dân Ukraine”.

Mặc dù hạ thấp mối lo ngại trước dư luận nhưng các cố vấn Tòa Bạch Ốc cho rằng việc đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện sẽ tác động nhất định đến ngân sách hỗ trợ cho Ukraine. Ông Kevin McCarthy, thành viên đảng Cộng hòa – người có nhiều n hy vọng sẽ trở thành Chủ tịch Hạ viện vào tháng 1 tới đã tuyên bố sẽ không cung cấp cho Ukraine “tờ séc khống” nữa. Một số thành viên cực hữu có ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa cũng khẳng định sẽ ngăn cản sự hỗ trợ cho Ukraine.

Trong cuộc họp với các nghị sĩ vào tuần trước, các giới chức an ninh quốc gia cao cấp nhận định các khoản hỗ trợ sẽ tiếp tục được cung cấp cho Ukraine trong suốt mùa đông. Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden tin rằng các khoản hỗ trợ cho Ukraine sẽ không hoàn toàn dừng lại nhưng các giới chức Mỹ đã kín đáo thừa nhận mức độ hỗ trợ có thể sẽ suy giảm trong những tháng tới.

 https://vietquoc.org