Như một người Việt quan tâm đến vận mệnh đất nước và đã tham gia tiến trình dân chủ hóa từ hải ngoại ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi hoàn toàn chia xẻ những băn khoăng của nhiều người Việt quốc gia trên khắp thế giới, nhất là trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Trước hết chúng ta phải nhận diện và phân tích khách quan các trở lực, hầu nhận thức đúng đắn công cuộc đấu tranh hơn. Dĩ nhiên đây là nhận thức của một cá nhân có khả năng giới hạn, không phải lúc nào cũng đúng. Mong các bạn lượng thứ nếu có sai sót.
I. Hiện tượng đình động và suy thoái:
Trước hết nhiều người Việt quốc gia thất vọng và chán nản vì hiện tượng đình động và suy thoái phổ biến trong cộng đồng và các tổ chức cũng như đảng phái không cộng sản tại hải ngoại:
1. Không phát triển nhân sự
2. Nhân sự lão hóa vì rất ít giới trẻ tham gia
3. Không duy trì được hạ tầng cơ sở của Tổ Chức vì suy thoái trong các đơn vị địa phương
4. Đồng bào đóng góp về tài chánh cho các tổ chức đấu tranh giảm thiểu trong khi đóng góp cho những công tác xã hội hay từ thiện gia tăng
5. Niềm tin vào hiệu năng đấu tranh của các tổ chức giảm thiểu trong khi vẫn nhận thức được thực tế suy thoái của CSVN
II. Nguyên nhân của đình động và suy thoái:
Chúng ta phải nhìn trực diện vấn đề và công nhận những giới hạn của người tỵ nạn sau năm 1975. Như tất cả những dân tộc vừa thoát khỏi họa thực dân khác, trình độ nhận thức chính trị của người Việt quốc gia còn tương đối giới hạn. Một vài khuyết điểm mà chính cá nhân tôi cũng phần nào vi phạm có thể tạm ghi như sau:
1. Thiếu lý tưởng: Phần lớn người tỵ nạn từ miền Nam Việt Nam thật sự không có lý tưởng tự do dân chủ. Họ chỉ là những người dân Việt bình thường muốn an cư lạc nghiệp và có một đời sống ấm no. Ý thức về tự do dân chủ tại miền Nam VN dưới đệ nhất và đệ nhị CH còn tương đối phôi thai.
2. Thiếu dấn thân: Một thiểu số quân cán chính và giới trí thức có ý thức tự do dân chủ cao hơn nhưng sự dấn thân rất giới hạn. Họ có thể trở nên rất thành công tại hải ngoại nhưng sự đóng góp cho tiến trình dân chủ hóa rất giới hạn.
3. Thiếu khả năng khống chể bản ngã cá nhân: Khuyết điểm này đưa đến sự chia rẽ và tranh chấp trầm trọng trong cộng đồng và các tổ chức chính trị hải ngoại.
4. Không có thế hệ kế thừa: Một thiểu số rất nhỏ dấn thân tranh đấu, tham gia các tổ chức đảng phái không CS nhưng sự tham gia chỉ giới hạn ở thế hệ của chính họ, không lan tỏa đến thế hệ con cái của họ. Từ đó hiện tượng lão hóa trong hàng ngũ các tổ chức đấu tranh
5. Nhu cầu một cấu trúc tư tưởng chính trị phi ý thức hệ: Sự vắng bóng một cấu trúc tư tưởng đấu tranh nghiêm chỉnh, quy tụ được tổng lực đấu tranh và tạo ra niềm tin trong cộng đồng và các tổ chức.
6. Tính gian dối và lừa gạt trong hàng ngũ một số tổ chức quốc gia hủy hoại niềm tin: Tác động tích cực hủy hoại niềm tin của một số tổ chức đấu tranh mang tính gian dối và lừa gạt đưa đến sự băng hoại niềm tin trong quần chúng hải ngoại:
Tác động hủy hoại niềm tin này là một yếu tố lớn lao làm suy giảm khả năng tranh đấu của toàn thể người Việt trong và ngoài nước.
Sách lược rất khôn ngoan của CSVN minh thị chủ trương tố cáo và lên án những tổ chức chống cộng bất xứng, làm lợi nhất cho CS, vì họ biết rằng khi họ tố cáo các tổ chức này thì một cách gián tiếp CSVN đã nâng cao uy tín của tổ chức đó trong một cộng đồng chia rẽ và mất niềm tin. Khi những tổ chức bất xứng đó củng cố chỗ đứng trong cộng đồng thì vị trí độc tôn của CSVN tại quê nhà càng vững chãi hơn.
Những tổ chức và thực thể CSVN không hề nhắc đến như Đài Phát Thanh Đáp Lời Sông Núi và những chính đảng có quá trình đấu tranh chống Thực Dân Pháp và chống cộng như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Tân Đại Việt …thì CSVN không bao giờ nhắc đến hoặc lên án, vì CSVN sợ hãi những thực thể và tổ chức ấy nhiều nhất.
7. Tình yêu tổ quốc chưa đầy đủ:
Cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước quá dài nhưng lòng yêu nước Việt Nam của chúng ta chưa đầy đủ.
Khi một thành viên tham gia một tổ chức đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam thì điều kiện tiên quyết phải là yêu tổ quốc Việt Nam trên hết. Nếu cuộc đấu tranh chỉ dài bằng công cuộc đánh đuổi quân nhà Minh dành độc lập của Lê Lợi, thì không thành vấn đề. Tuy nhiên cuộc đấu tranh của chúng ta dài gấp 5 (đối với người miền Nam) hoặc gấp 7 (đối với người miền Bắc) thì phát sanh nhiều vấn nạn. Lệ Lợi đã kiên trì 10 năm mới thành công, nhưng công cuộc đấu tranh của chúng ta đòi hỏi nhiều hơn vậy. Một số người phải buông bỏ và tìm con đường tiến thân trong xã hội hoặc chính trị sở tại, hoặc có người rút lui, ẩn thân nơi niềm tin tôn giáo thụ động, thay vì tiếp tục công cuộc đấu tranh.
8. Chính sách đổi mới “vừa đánh vừa xoa” của CSVN:
Đảng CSVN khôn ngoan đổi mới, cải tổ kinh tế theo kinh tế thị trường, nới rộng quyền tự do đi lại và đem lại sự dễ thở cũng như phát triển kinh tế vừa phải xoa dịu lòng dân. Họ cũng khuyến khích Việt Kiều hải ngoại về thăm nhà, du hí và góp vốn phát triển đất nước. Mặt khác họ thẳng tay đàn áp mọi tiếng nói đối lập và ngăn chặn không chấp nhận bất cứ lực lượng chính trị không cộng sản nào hoạt động trong nước. Thâm độc hơn nữa, họ sẵn sàng chấp nhận một vài trí thức lẻ tẻ phản biện làm màu, nhưng lại đàn áp tàn nhẫn những cá nhân tham gia những tổ chức chống cộng. Sách lược này của họ rất thành công, giảm thiểu tiềm năng các tổ chức đấu tranh có cơ sở tại hải ngoại lẫn trong nước.
9. Chính sách cấm nhập cảnh Việt Nam của CSVN hoặc đàn áp thân nhân tại quốc nội:
Nhiều thành phần người Việt tại hải ngoại không tham gia đấu tranh vì bị CSVN cấn nhập cảnh và đàn áp hoặc sách nhiễu thân nhân tại Việt Nam. Chính sách này đặt biệt ảnh hưởng đến những thanh niên tuổi trẻ thích du lịch Việt Nam hoặc những thành viên có gia đình trong nước.
10. Quan trọng nhất là sự vắng bóng của một lực lượng chính trị đối trọng với đảng CSVN
Đã nhiều thập niên qua, quần chúng trong lẫn ngoài nước mong mỏi sự xuất hiện của một lực lượng chính trị đại diện cho người Việt quốc gia trong nước lẫn hải ngoại, được quốc tế công nhận, hầu đối trọng với CSVN. Tuy nhiên đến ngày hôm nay, vẫn chưa thấy xuất hiện và điều này củng cố sự tuyệt vọng và mất niềm tin của một số người.
III. Bối cảnh đấu tranh chính trị khách quan:
Nêu trên là những yếu tố làm cho chúng ta nản lòng. Tuy nhiên, thật sự chúng ta không nên mất niềm tin khi phân tích vận mệnh của đất nước trong bối cảnh chính trị khách quan của thế kỷ 20 và 21.
A. Hội Đồng các quốc gia bị cộng sản chiếm đóng (Captive Nations Council):
Đây là một thực thể chống cộng rất quan trọng trước khi LBXV bị sụp đổ mà phần lớn chúng ta đều quên.
1. Vấn nạn nêu trên của chúng ta không phải là điều mới mẻ hoặc duy nhất xảy ra cho chúng ta. Thật sự từ sau đệ nhị thế chiến (1945) có rất nhiều quốc gia Đông Âu có những cộng đồng tỵ nạn CS và những tổ chức đấu tranh chống cộng tương tự như chúng ta trong khuôn khổ của Captive Nations Council (Hội Đồng Các Quốc Gia bị Cộng Sản Chiếm Đóng) bao gồm Ukraine, Lithuania, Estonia, Latvia, Poland, Yugoslavia etc…
2. Họ cũng có những khó khăn tương tự chúng ta như sự lão hóa hàng ngũ đấu tranh, tuổi trẻ không kế thừa hoài bão của họ, không thể phát triển nhân sự….Tình trạng của họ còn tuyệt vọng hơn chúng ta vì họ và con cháu cùng chủng tộc với các quốc gia Tây Phương dân chủ nên họ bị đồng hóa nhanh chóng và dễ dàng hơn chúng ta.
3. Họ cũng chờ đợi đằng đẵng từ năm 1917 (cho những nước trong LBXV như Urkraine, Latvia, Lituania, Estonia) hoặc 1945 (như Balan, Đông Đức, Rumania, Tiệp Khắc, Nam Tư) cho đến đầu năm 1990, khi họ trong cơn tuyệt vọng thì bất ngờ LBXV sụp đổ sau 70 hoặc 45 năm chờ đợi.
4. Từ năm 1975 đến các năm 1980 khi làng sóng tỵ nạn VN cao trào, chính chúng ta đã gia nhập vào hàng ngũ Captive Nations Council và nhiều lãnh đạo của họ cho rằng chúng ta đã hồi sinh cho họ (vì lúc đó chúng ta còn vô cùng hăng say, chưa bị một số tổ chức bất xứng lừa gạt và chưa bị thời gian xói mòn)
5. Tuy nhiên, tiến trình dân chủ hóa lúc đó tại LBXV và Đông Âu vẫn diễn tiến, bất chấp niềm tuyệt vọng của các thành viên cộng đồng Captive Nations và đến thập niên 90 thì CS tại LX và Đông Âu hoàn toàn sụp đổ. Rất nhiều thành viên của họ hồi hương xây dựng đất nước và hầu như Captive Nations Council không còn lý do hiện hữu nữa.
B. Sự thoái hóa của CSVN và những yếu tố hủy diệt tập thể này:
1. Nếu thời gian làm chúng mệt mỏi tại hải ngoại, nhưng cũng chính thời gian đó xói mòn nền tảng quyền lực của đảng CSVN gấp mười lần..
2. Nền tảng quyền lực của CSVN được xây dựng trên các cột trụ sau đây:
a. Niềm tin vào xã hội chủ nghĩa
b. Công an
c. Quân đội
d. Bưng bít thông tin
e. Sự chống lưng quân sự của CSTQ
3. Những yếu tố xoi mòn cột trụ của nền tảng quyền lực CSVN:
a. Hiện tượng tự diễn biến tự chuyển hóa trong hàng ngũ cán bộ. Đây là một tử huyệt của đảng CSVN và hiện tượng này bất khả vãn hồi.
b. Lý tưởng xã hội chủ nghĩa chỉ là một trò cười ngay cả trong hàng ngũ đảng viên
c. Công an và quân đội bị thoái hóa
d. Xung đột quyền lợi giữa quân đội và công an
e. Mạng lưới thông tin toàn cầu và cuộc cách mạng tin học đã vô hiệu hóa sách lược bưng bít thông tin của đảng CSVN
f. CSVN càng dựa vào CSTQ để chống lưng cho mình bằng quân sự thì họ càng đi ngược lòng dân vì nhân dân Việt căm thù CSTQ trong DNA của mình.
g. Sự ra đời của giới trí thức trẻ và cấp tiến trong quốc nội với cái nhìn khai phóng và luôn hướng về Tây Phương. Có thể nói rằng, yếu tố này hoàn toàn bất ngờ đối với giới đấu tranh hải ngoại và chưa được chúng ta khai thác tích cực. Chúng ta đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào hậu duệ của chúng ta tại hải ngoại. Tuy nhiên giới trẻ tại hải ngoại phải đối diện với những nhu cầu vật chất lớn lao của những xã hội công nghiệp và chỉ có một thiểu số hướng về quốc nội. Thật ra giới đấu tranh trẻ tuổi trong nước mới là tương lai của đất nước Việt Nam. Nếu chúng ta tiếp cận nhiều trên mạng xã hội, chúng ta sẽ nhận ra sự thật này.
4. Yếu tố thời gian không những bất lợi cho những người Việt tự do, dấn thân tranh đấu cho tiến trình dân chủ hóa đất nước, mà thời gian còn tác hại nhiều hơn cho sự sống còn của đảng CSVN như một định chế lỗi thời.
IV. Chúng ta phải làm gì?
A. Trên bình diện tư duy (conceptual levels):
1. Nhu cầu củng cố niềm tin vào lẽ tất thắng của tiến trình dân chủ hóa: Khi chúng ta thường xuyên tiếp xúc với những thông tin toàn cầu qua mạng lưới toàn cầu, chúng ta sẽ ý thức rằng các chế độc độc tài, từ Phát Xít, quân phiệt, đến Quân Chủ Chuyên Chế, đến cộng sản, đôi khi có thể bộc phát ngắn hạn như tại Tháí Lan, Iran, LB Nga, nhưng thật sự đang thoái trào. Bước đi của quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên thật sự bất khả vãng hồi. Thử xét lại số quốc gia còn độc tài tại Nam Mỹ, Á Châu Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Đông Á, trừ CSTQ và CS Bắc Hàn chúng ta sẽ thấy giảm thiểu rõ rệt. Độc tài CSVN cũng phải theoquy luật này, dù cống gắng vùng vẫy vô vọng.
2. Nhu cầu một cấu trúc tư tưởng chính trị phi ý thức hệ: Muốn thực sự củng cố lại niềm tin chúng ta phải biết sau khi lật đổ chế độ cộng sản, chúng ta phải thiết lập một trật tự chính trị như thế nào để thay thế. May mắn thay, cộng đồng người Việt hải ngoại, sau nhiều thập niên sinh sống trong những nền dân chủ chân chính, không những am hiểu mà còn thở và sống thật trong cấu trúc chính trị dân chủ này, từ mô hình dân chủ tổng thống chế tại Hoa Kỳ, đến mô hình dân chủ quốc hội chế tại Úc hay Canda, hoặc mô hình hỗn hợp như tại Pháp và Nam Hàn, mà không cần nương tựa vào bất cứ một ý thức hệ hoang tưởng nào cả.
Trên bình diện này, sau nhiều thập niên đã có nhiều tư tưởng gia người Việt hải ngoại viết rất nhiều về tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Cá nhân tôi cũng đã viết các cuốn sách như sau hầu dề xuất một trật tự chính trị phi ý thức hệ cho Việt Nam trong tương lai.
– On the struggle for democracy in Vietnam (Buttefly books XB, 1994)
– Việt Nam Dân Chủ Tranh Đấu Luận (1997, Việt Luận XB, Tác giả tái bản 2015)
– Dự thảo hiến pháp Việt Nam trên quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên (song ngữ, 2017, Lực Lượng Cứu Quốc XB)
– Phê Bình song ngữ toàn diện hiến pháp 2013 của Việt Nam (song ngữ, 2014, Lực Lượng Cứu Quốc XB)
– Cẩm nang song ngữ thành lập hội đoàn trong bối cảnh xã hội dân sự tại Việt Nam (song ngữ, 2016, Lực Lượng Cứu Quốc XB)
3. Ý thứ đúng đắn về sự vận hành của lịch sử:
Chúng ta phải học hỏi bài học của các Captive Nations, sự sụp đổ của LBXV và các nước CS Đông Âu. Lịch sử cũng sẽ vận hành tương tự tại Việt Nam. Tiến trình dân chủ hóa tuy tiệm tiến nhưng bất khả vãn hồi. Tuy nhìn bề mặt, các lực lượng quốc gia yếu kém nhưng kỳ thực chúng ta đang đứng bên lề phải của lịch sử. CSVN tuy có vẻ mạnh và bất bại, nhưng họ đang đứng bên lề trái của lịch sử, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào như LBXV vậy.
4. Ý thức sâu sắc rằng cuộc chiến quốc cộng là một cuộc đọ sức về sự kiên trì:
Người cộng sản đang đứng bên lề trái của lịch sử, trên bờ hủy diệt và họ ý thức điều đó. Sách lược của họ từ lâu đã không còn là xây dựng xã hội chủ nghĩa, mà chính là duy trì quyền lực hầu tẩu tán của cải trong nước hoặc ra hải ngoại cho các thế hệ con cháu và càng lâu dài càng tốt. Sách lược của chúng ta phải là duy trì cuộc chiến và càng rút ngắn tiến trình dân chủ hóa càng tốt. Chúng ta không thể chết trước họ. Nếu chúng ta tư duy đúng và hành động đúng, chúng ta chắc chắn sẽ ném họ vào thùng phân thối tha của lịch sử sớm hơn họ mong đợi.
B. Trên bình diện hoạt động (operational levels):
1. Sự phi thường của những con người bình thường làm việc đúng phương pháp:
Tóm lại, nếu ý thức được bước đi của lịch sử như trên và đủ sự kiên trì thì những con người bình thường, làm việc đúng phương pháp, trong cộng đồng hay một tổ chức ý thức được quy luật đấu tranh, sẽ đạt được những thành quả phi thường và đạp đổ đảng CSVN. Chúng ta chỉ cần bình tỉnh, kiên trì, làm việc bình thường trong phạm vi khả năng bình thường của những thành viên bình thường là đủ.
2. Công tác Liên Minh:
Như nêu trên, một trong những khuyết điểm lớn của chúng ta là sự vắng bóng của một lực lượng chính trị đủ mạnh và đủ uy tín để đối trọng với CSVN hầu cộng đồng quốc tế có thể yểm trơ cho tiến trình dân chủ hóa.
Chính vì thế, các tổ chức người Việt quốc gia cần dẹp bỏ bất đồng, hoàn tất một Liên Minh chính trị trong lẫn ngoài nước. Công tác Liên Minh không những giải quyết phần lớn những bế tắc của chúng ta về nhân sự, đồng thời cũng là một công tác chiến lược.
Cuộc chiến Nga- Ukraine đã thức tỉnh các chính phủ tây phương trước hiểm họa độc tài, trong cuộc tương tranh giữa mô hình dân chủ và mô hình nhà nước toàn trị. Các chính phủ tây phương nhận thấy sách lược chính trị thụ động trước các chế độ độc tài hàm chứa nhiều nguy hiểm. Chính vì thế tích cực yểm trơ cho các lực lượng dân chủ hầu lật đổ các chế độ độc tài sẽ là khuynh hướng tương lai của thế giới tự do. Hầu như cuộc chiến Ukraine và LB Nga sẽ đem lại một môi trường thuận tiện hơn cho các lực lượng dân chủ hóa trên toàn thế giới, chống độc tài, trong đó có chúng ta.