NHẠC SĨ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG VÀ BÀI HÁT “CHÂN TRỜI TÍM” (Phan Lạc Phúc)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ
Hay chỉ là giấc mơ thôi
Nghe tình đang chết trong tôi
Cho lòng tiếc nuối, xót thương suốt đời

Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào?
Anh ở đâu ? Em ở đâu ?
Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu

Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất
Và tiếng hát và nước mắt…

Đôi khi em muốn tin
Đôi khi em muốn tin
Ôi những người ôi những người
Khóc lẻ loi một mình

Nhà báo Phan Lạc Phúc viết về giai đoạn

Phạm Đình Chương sáng tác những khúc BI CA

trong đó có “NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU”:

Giai đoạn sáng tác thứ hai của Phạm Đình Chương bắt đầu từ một kỷ niệm buồn: Ngày Khánh Ngọc (vợ của PĐC) rời xa vào khoảng cuối thập niên ’50. Sau đó Phạm Duy, Thái Hằng cũng tìm về hướng khác. Ngôi biệt thự ấm cúng đường Bà Huyện Thanh Quan không người ở. Hoài Bắc, Thái Thanh và gia đình dọn về một căn nhà nhỏ đường Võ Tánh (Frères Louis cũ). Chính tại ngôi nhà này tôi thường đến bầu bạn với Phạm Đình Chương cùng với Thanh Nam, Mai Thảo. Tụi tôi đến “hầu bài” bà thân của Chương để được ăn những bữa cơm nhớ mãi: canh cua rau đay, cà pháo, đậu rán …

Lúc này, hình như Chương muốn ra khỏi vùng hào quang sáng chói của một ca sĩ thời danh để được sống bình thường nếu không muốn nói là ẩn dật. Đang ăn diện kiểu cách, Chương ăn vận xuề xòa, đi dép không quai lẹt xẹt, chiếc xe hơi dài thòng Studebaker đã được bán đi. Nụ cười kiểu jeune premier đã tắt và đặc biệt Chương để một hàm râu mép chàm ràm, rậm rịt. Lúc này, tụi tôi có một tên mới để gọi Chương: Râu Kẽm. Râu Kẽm đang phóng túng hình hài, ít ăn ít nói hẳn đi, mà có nói cũng thường hừ một tiếng giọng mũi. Một nhát chém hư vô đã làm thay đổi Phạm Đình Chương!

Ban Hợp ca Thăng Long, với sự phân liệt như thế tưởng đã rã đám. Nhưng đầu những năm ’60, ban Thăng Long gượng dậy với Hoài Trung – Hoài Bắc – Thái Thanh. Ban Thăng Long sống lại kỳ này, tuy vẫn được tán thưởng nhưng đó chỉ là cái bóng của chính mình. Phạm Duy đã mang nguồn âm sắc lung linh và trầm lắng của dân tộc đi xa, còn tiếng reo vui chan hòa và nhân ái của Phạm Đình Chương cũng không còn xuất hiện. Trong thời kỳ này ban Hợp ca Thăng Long có trình làng một tác phẩm rất được hoan nghênh: Bài Ô Mê Ly. Nhưng bài hát vui tươi này không phải của Chương mà của một tài danh khác: Văn Phụng.

Thời kỳ hướng ngoại, tâm hồn sáng tác rõ như gương, tha nhân và ngoại giới đều là bè bạn của Chương đã khép lại rồi. Tiếng cười đã tắt. Thời kỳ này là của đau thương và tiếng khóc. Nhưng khóc than rên rỉ không phải là nghề của chàng. Như đã nói, Chương không phải là người hướng nội, gặm nhấm đau thương làm thứ giải sầu. Nỗi đau thì có sẵn và Chương muốn giữ một mình nhưng lời oán hận thì không. Cho nên những khúc bi ca sau này như Nửa Hồn Thương ĐauNgười Đi Qua Đời TôiMưa Sài Gòn Mưa Hà Nội, Chương đều mượn lời của Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Hoàng Anh Tuấn … Chương làm công việc phổ thơ, qua lời của người để phần nào nói lên tâm sự của mình. Những ca khúc này có vị trí riêng của nó, rất được yêu thích qua giọng hát Thái Thanh, nhưng đối với Chương nó vẫn như một sự “Chẳng đặng đừng“. Về bề ngoài, hai giai đoạn sáng tác của Chương có vẻ đối nghịch nhau nhưng nhìn chung nó vẫn thống nhất trong tâm hồn nhân ái của tác giả.”

Bản nhạc chính cho phim Chân Trời Tím là bản Nửa Hồn Thương Đau của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Khi thực hiện phim này, anh Quốc Phong chủ tịch hãng phim Liên Ảnh (do 7 công ty hợp tác lại nên gọi là Liên Ảnh) và tôi đến phòng trà Đêm Màu Hồng có ban Thăng Long hát hàng đêm ở đó. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là bạn tôi nên anh Quốc Phong rủ tôi đi cùng. Khi xuất bản cuốn Chân Trời Tím, tôi có tặng anh Phạm Đình Chương một bản. Nên khi chúng tôi đặt vấn đề mời anh Phạm Đình Chương hợp tác soạn một bản nhạc làm nhạc chính cho phim Chân Trời Tím, anh Chương nhận lời ngay. Sau đó chỉ một tuần anh Chương đã có bản nhạc Nửa Hồn Thương Đau giao cho hãng phim.

Cũng cần nói thêm là bản nhạc đó đã nói lên được tâm sự đau buồn của nhân vật chính trong phim khi phải chia tay với người yêu sau khi bị thương đã vội trở lại với chiến trường và đồng đội. Vì thế đã được toàn thể 7 ông chủ hãng Phim đồng ý chọn làm bản nhạc chính cho phim Chân Trời Tím.

Ở một khía cạnh khác có thể nhận định rằng trong bản nhạc đó nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã gửi cả tâm sự của mình khi cay đắng chia tay với người vợ cũ (là ca sĩ Khánh Ngọc). Tâm sự ấy được anh giấu kín nay mới được tiết lộ qua bản nhạc Nửa Hồn Thương Đau.

Một câu chuyện khác tôi kể thêm là ngay sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết Chân Trời Tím, anh Trần Thiện Thanh (tức ca sĩ Nhật Trường) đã có tác phẩm Chân Trời Tím cũng rất hay thường được các nam nữ ca sĩ Saigon thời đó hát trên các đài phát thanh và các sân khấu ca nhạc. Nhưng hai ba năm sau mới thực hiện phim Chân Trời Tím, nên bản nhạc đã coi như cũ vì được sử dụng nhiều rồi. Hãng phim muốn có một bản nhạc mới làm nhạc chính cho phim vì tất cả đều mới như kỹ thuật quay phim Cinemascope, technicolor… nên bản nhạc cũng phải mới nên mới “đặt hàng” cho nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác bản nhạc này.”