Phong tục thờ cúng Ông Táo đã có từ lâu đời và có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo nhưng được Việt hóa thành sự tích “Hai ông một bà” là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Truyền thuyết kể lại rằng có hai vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi sống với nhau nhưng do tình cảnh khó khăn nên hai vợ chồng thường xuyên xô xát, cãi vả. Một hôm, do giận quá mất khôn nên Trọng Cao đã đuổi Thị Nhi đi. Từ đó, Nhi bỏ nhà đi xứ khác và kết duyên với người chồng mới tên là Phạm Lang. Về phần Trọng Cao sau khi tỉnh lại thì mọi chuyện đã rồi. Chàng ân hận lên đường tìm lại vợ hiền nhưng ngày này qua tháng nọ vẫn không thể tìm ra. Gạo thì hết, tiền cũng không, Cao đành phải trở thành người hành khất quê mùa ngửa tay sống qua ngày. May cho Trọng Cao, chàng đã mò được đến nhà vợ cũ nhưng lúc đó lại là giờ mà Phạm Lang đi làm về. Phần vì thương Cao, phần vì sợ Lang nghi ngờ nên Nhi đã giấu chồng cũ trong ụ rơm.
Chẳng ngờ rằng đêm đó Phạm Lang lại đốt tro bón ruộng. Thị Nhi thấy thế liền không màn hiểm nguy lao vào biển lửa mà cứu Trọng Cao, Phạm Lang thấy vậy cũng nhào vào theo. Cuối cùng, cả ba người đều đồng quy vô tận trong đám cháy. Vì thấy được tình nghĩa vợ chồng thiêng liêng son sắc nên Ngọc Hoàng đã phong Trọng Cao làm Thổ Công, Phạm Lang làm Thổ Địa và Thị Nhi làm Thổ Kỳ. Không những cai quản gian bếp, ngăn chặn yêu ma quỷ quái mà các Táo còn ghi chép công tội của gia chủ để bẩm cáo lên Ngọc Hoàng vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm.
Thờ cúng Ông Công Ông Táo theo phong tục Bắc – Trung – Nam.
-Mỗi năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình lại sửa soạn để làm lễ tiễn ông Công ông Táo chầu trời. Đây là thời khắc rất thiêng liêng, ý nghĩa trong năm. Tùy theo phong tục tập quán mà mỗi nơi có một cách chuẩn bị khác nhau. Tại Việt Nam, có sự khác nhau giữa 3 miền Bắc – Trung – Nam về ngày lễ này.
• Về thời gian cúng ông Công ông Táo.
+Tại miền Bắc, người dân thường làm lễ cúng ông Công ông Táo từ khá sớm, không nhất thiết phải đúng vào ngày 23 tháng Chạp mà có thể bắt đầu từ ngày 20, muộn nhất là 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.
+Tại miền Trung, thời gian cúng ông Công ông Táo là đêm 22, rạng ngày 23 âm lịch. Công việc đầu tiên mà người miền Trung làm trong nghi lễ cúng ông Táo chính là thay mới bên trong lư hương và lau dọn bàn thờ ông Táo sạch sẽ, chuẩn bị tươm tất cho lễ cúng diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp.
+Tại miền Nam, người dân thường làm lễ vào buổi tối, từ 20h – 23h. Người miền Nam cho rằng vào cuối ngày, sau khi cả gia đình đã dùng xong bữa tối, không còn nấu nướng và dùng đến bếp thì mới được tiễn ông Táo lên gặp Ngọc Hoàng.
•Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
+Miền Bắc
Mâm cỗ cúng ngày lễ ông Công ông Táo đủ các món ăn truyền thống như xôi, gà, giò chả, canh măng, nem… Đặc biệt, trong mâm cỗ cúng ở nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ sẽ có xôi chè, thường là chè bà cốt, nấu bằng nếp cái, xôi vò, đường nâu và gừng với áo mũ cúng ông Táo
+Miền Trung
Một số vùng như Huế và Hội An có tục cúng tượng đất Táo quân và dựng cây nêu sau ngày 23 tháng Chạp. Bộ tượng đất có đầy đủ đồ cúng, hoa tươi, hoa quả, đặt tượng mới và tượng cũ cạnh nhau. Mâm cơm phải có cá thu hoặc cá ngừ.
+Miền Nam
Lễ vật cúng Ông Táo trong dịp này thường có trái cây, bánh in, thèo lèo, chè trôi nước, có đốt giấy tiền vàng bạc và giấy có in hình con cò. Có nơi người ta còn bưng cả cái cà ràng ra đặt giữa sân, hốt ít muối hột bỏ vào cho nổ nghe lốp bốp, như là tống khứ mọi thứ xui xẻo đi, đón nhận những điều tốt lành vào, cho một năm mới được bình an
•Phương tiện lên chầu của ông Táo?
-Ở miền Bắc, có lẽ nét đặc trưng văn hóa khác biệt nhất với 2 miền còn lại trong lễ cúng ông Công ông Táo chính là việc dùng cá chép làm đồ cúng lễ. Cá chép ở đây có thể là cá chép sống,cũng có thể là cá chép giấy, tùy theo từng gia đình. Sau khi thắp nhang, khấn bái hoàn tất, gia chủ sẽ phóng sinh cá chép sống ra ao, hồ, sông gần nhà.
-Tại miền Trung, thay vì cúng cá chép như miền Bắc, người dân ở đây thường cúng một con ngựa bằng giấy có đủ bộ yên, cương. Sau khi cúng xong, gia chủ sẽ tiến hành hóa ngựa, vàng mã rồi tiễn tượng 3 Táo quân cũ bằng đất nung khỏi bàn thờ và đưa tới các am miếu ở đầu xóm hoặc ở dưới các gốc cây cổ thụ ngã ba đường. Tiếp đến là rước tượng 3 Táo quân mới đặt lại lên bàn thờ để bắt đầu năm mới.
-Ở miền Nam, theo sách Đặc khảo về Tín ngưỡng thờ Gia thần thì trong miền Nam, phổ biến là vùng Nam bộ, tục đưa Ông Táo có hơi khác, thay vì cúng cá chép để đưa Ông Táo, thì người dân dùng bộ giấy “cò bay ngựa chạy”,theo ý nghĩa ngựa chở Ông Táo đi đường bộ rồi cò chở Ông Táo bay về Trời. Tục dùng ngựa và cò làm vật cưỡi trong miền Nam bắt nguồn từ nghi thức “xá mã, xá hạc”, tục này theo nghi thức của Lão giáo và của Phật giáo. Đây là nghi thức được tiến hành sau cùng trong các trai đàn. Người ta gom tất cả các tờ sớ nhét vào ngựa giấy và hạc giấy đã để sẵn trong lễ cúng, rồi đem đốt với ý nghĩa nhờ ngựa và hạc mang sớ đến những nơi cầu cúng trong Tam giới.
Nội dung tư tưởng của tục cúng ông Táo.
•Tục cúng ông Táo hay Táo quân là một tục lệ quan trọng của Việt Nam ta, theo quan niệm là ngày ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng thượng đế để tâu việc thiện ác của nhân gian, sự ăn ở của gia chủ và mọi người trong nhà mà suốt một năm vị thần bếp đã quan sát những sinh hoạt trong gia đình, để từ đó Ngọc hoàng quyết định xem nên thưởng phạt các gia đình như thế nào. Theo dân gian, Táo quân là người đem lại phúc đức, định đoạt cát hung của gia đình, cũng như bảo vệ họ trước sự xâm phạm của ma quỷ, giữ cho nếp nhà được êm ấm. Nếu một gia đình ăn ở hợp đạo nghĩa, họ sẽ được ban phúc lành. Bên cạnh đó, sự tích Táo quân cũng cho ta thấy cái tình trọng đạo nghĩa vợ chồng, dù sống hay chết luôn có nhau. Ngoài ra, Táo quân cũng được xem là vị thần hàng đầu, quan trọng nhất trong gia đình, chú trọng việc nội trợ, bếp núc, nên nó cũng cho thấy tầm quan trọng của người nội trợ trong gia đình, của sự đảm đang, quán xuyến của họ. Cúng Táo quân tức là cúng thần bếp, mà trong bếp thì ngọn lửa rất quan trọng, không chỉ để nấu nướng hay xua đuổi thú dữ, mà còn để tạo bầu không khí ấm áp, đoàn tụ, yêu thương, hạnh phúc của một gia đình. Do đó, cúng Táo quân cũng mang nghĩa cầu mong cho gia đình trong ấm ngoài êm, luôn được no đủ, bình yên.
●Tài liệu tham khảo:
1. “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính, NXB Nhã Nam.
|