Từ thập niên 1960, trong làng nhạc Việt lần đầu tiên xuất hiện một cái tên bút danh được ghép từ nhiều nhạc sĩ cùng sáng tác, đó là Lê Minh Bằng, là nhóm 3 nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng, họ đã sáng tác chung rất nhiều ca khúc nổi tiếng và được yêu thích cho đến nay.
Khởi đầu là Đêm Nguyện Cầu, sau đó là hàng trăm ca khúc, tiêu biểu là Cô Hàng Xóm, Hai Mùa Mưa, Truyện Tình Lan Và Điệp, Chuyện Ba Mùa Mưa, Hồi Tưởng, Linh Hồn Tượng Đá…
Trong cùng thời gian đó, cũng có một nhóm nhạc sĩ sử dụng chung một bút danh sáng tác như vậy, và cho ra đời những ca khúc bất tử: Qua Cơn Mê, Người Tình Và Quê Hương, Mùa Xuân Của Mẹ, Yêu Một Mình, Thư Xuân Trên Rừng Cao, đặc biệt là Xuân Này Con Không Về…
Đó là bút danh Trịnh Lâm Ngân, được ghép từ 3 cái tên Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân. Trong 3 cái tên này thì Trần Trịnh và Nhật Ngân là 2 nhạc sĩ đã khẳng định được tên tuổi trước đó, còn Lâm Đệ là người vô danh. Sau này, trên Paris By Night, nhạc sĩ Nhật Ngân kể lại rằng Lâm Đệ là con trai của chủ hãng đĩa Sóng Nhạc, chỉ đánh đàn chứ không biết sáng tác.
“Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’ là bài hát do Trịnh Lâm Ngân viết sau Hiệp Định Paris 1973. Đây là bài hát nói về mơ ước của một người lính Việt Nam Cộng Hòa trở về quê khi hòa bình đến. Lời nhạc có lối viết điêu luyện với những kỹ thuật viết tinh vi, thể hiện hình ảnh một người lính can đảm, kiên trì, nhũn nhặn, đơn sơ, vị tha, có trách nhiệm với tổ quốc, hiếu đễ, trọng tình nghĩa với người yêu và bạn bè. Sở thích âm nhạc phản ảnh cá tính con người và bài hát được hầu hết chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ưa thích.
Ngoài ra, Trịnh Lâm Ngân hẳn nhiên phải mô tả nhân vật trong bài hát trung thực với thực tế. Do đó, hình ảnh anh lính thể hiện trong bài nhạc với những cá tính nói trên tượng trưng cho người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
Hiệp Định Paris ký ngày 27 tháng 1 năm 1973 đã mang lại nhiều hy vọng cho toàn dân Việt, nhất là người miền Nam. (Khi tôi dùng ‘’người miền Nam,’’ là những người không cộng sản sống trong miền Nam bên này vĩ tuyến 17.)
Tuy vẫn có những trận đánh để bảo vệ lãnh thổ đã được phân ranh, người miền Nam, nhất là những người lính Việt Nam Cộng Hòa, tin rằng hòa bình cuối cùng đã đến sau gần 20 năm chinh chiến.
Trịnh Lâm Ngân, nhóm nhạc sĩ miền Nam nổi tiếng lúc ấy và chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng có niềm hy vọng đó. Bài hát ‘’Một Mai Giã Từ Vũ Khí’’ để ghi nhận ước mơ đơn sơ của một người lính Việt Nam Cộng Hòa khi trở về quê nhà làm lại cuộc đời.
( Thương những người lính VNCH đã mơ một giấc mơ ảo mộng vì bọn cộng sản Bắc Việt đã tráo trở cố tình vi phạm Hiệp Định Paris )
Bài hát này trở thành một trong những bài hay nhất và được được hầu hết chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ưa thích trong miền Nam trong 1973-1975.
Một Mai Giã Từ Vũ Khí
Tác giả: Trịnh Lâm Ngân
Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn.
Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi ngoài con tim héo em ơi!
Xin trả lại đây, bỏ lại đây thép gai giăng với lũy hào sâu,
lổ châu mai với những địa lôi
đã bao phen máu anh tuôn cho còn lại đến mãi bây giờ.
Trả súng đạn này, khi sạch nợ sông núi rồi.
Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao.
Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu,
với cây đa khóm trúc hàng cau,
với con đê có chiếc cầu tre
đã bao năm vắng chân anh nên trở thành hoang phế rong rêu.
Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa.
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về.
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em,
với miếng cau, với miếng trầu ta làm lại từ đầu.
Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm mộ bia kín trong nghĩa địa buồn.
Bạn anh đó đang say ngủ yên.
Xin cám ơn! Xin cám ơn! Người nằm xuống.
Ðể có một ngày, có một ngày cho chúng mình.
Ta lại gặp ta, còn vòng tay mở rộng thương mến bao la.
Chuông chùa làng xa chiều lại vang.
Bếp ai lên khói ấm tình thương.
Bát cơm rau thắm mối tình quê.
Có con trâu, có nương dâu.
Thiên đường này mơ ước bao lâu.
**********
Năm 1964, tác giả bài Lệ đá bất hủ: nhạc sĩ Trần Trịnh phát hiện ra giọng ca rực lửa của cô gái mang tên Thu Cúc từ Bình Long. Ông đã đề nghị cô xuống Sài Gòn để thành ca sĩ, đặt cho cô nghệ danh Mai Lệ Huyền, rồi cùng với nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác 1 số bài nhạc “kích động” để cô hát. Như: Hai trái tim vàng, Gặp nhau trên phố, Mắt Xanh con gái…v…v…Sau đó không lâu, Mai Lệ Huyền cũng trở thành vợ của nhạc sĩ Trần Trịnh.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Nhật Ngân vẫn sáng tác nhiều, đặc biệt là ông viết lời Việt cho rất nhiều ca khúc ngoại quốc nổi tiếng, trong khi đó thì nhạc sĩ Trần Trịnh gần như là ngưng sáng tác. Tuy nhiên vẫn có ca khúc hiếm hoi 2 người viết chung, đã nổi tiếng và gắn liền với giọng hát của cố ca sĩ Phi Nhung, đó là Chiều Qua Phà Hậu Giang
Trích Sưu tầm tổng hợp