NGƯỜI THIẾU PHỤ TRONG MƯA PHÙN GIỮA NÚI RỪNG VIỆT BẮC (Mũ nâu ĐOÀN TRỌNG HIẾU)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of outdoors

May be an image of one or more people, people standing, tree and outdoors

May be an image of one or more people, outdoors and tree

Thắp nén hương lòng giữa núi rừng Việt Bắc
Chúng tôi được lệnh xuống chỗ đội 12 lấy cuốc xẻng và thùng xách nước bỏ lên xe cải tiến đi về phía khu nhà tiếp tân. Tên cán bộ đi theo đưa cho tôi cái đèn bão leo lét. Ngang khu nhà tiếp tân thì đã thấy một thiếu phụ trong bộ đồ tang trắng đang đứng đợi.
Dường như đã được sắp xếp, người thiếu phụ lặng lẽ đi theo, tên cán bộ ra lệnh cho chúng tôi đi ra khu nghĩa địa. Đến nơi, hắn bảo chúng tôi đi tìm mộ của Trần Thiên Thọ Hải. Chúng tôi nhớ ra Đại Úy Hải đã chết vào đợt những anh em đầu tiên năm 1977, như vậy là nằm ở sâu trong cùng sát chân đồi. Sau gần 15 phút, chúng tôi đã tìm được ngôi mộ của anh với tấm bia chỉ nhỏ bằng tờ giấy học trò ghi lờ mờ, còn nắm đất thì chỉ cao hơn mặt đất chừng một tấc.
Chúng tôi được lệnh là đào để bốc cốt cho chị mang về trong Nam. Việc đầu tiên là tìm một ít cành khô để đốt một đống lửa sưởi ấm và lấy ánh sang. Chị bắt đầu lấy ra môt bó nhang đốt lên rồi quỳ xuống vái ba lạy. Cầm nguyên bó nhang chị thổn thức khóc và nằm phủ phục lên ngôi mộ. Dưới ánh lửa tôi thấy thiếu phụ còn rất trẻ chỉ khoảng dưới 30, nét mặt xương xương.
Chúng tôi đứng lặng yên tôn trọng nỗi đau của chị, cho đến khi tên cán bộ yêu cầu chúng tôi “khẩn trương” bắt tay vào việc, vì trời đã lâm râm mưa phùn. Chúng tôi dìu chị đứng dậy sang bên cạnh và bắt đầu đào. Chỉ không đầy 20 phút, chúng tôi đã đụng lớp ván đã mục, vì khi tù nhân chết thì chỉ được bỏ vào cái quan tài nhỏ vừa khít người được đóng bằng loại gỗ bạch đàn hay bồ đề, một loại cây được trồng để làm giấy, nên rất nhẹ xốp, được xẻ thành từng thanh và đóng hở như cái vạt giường, nên thấy cả xác nằm bên trong và đám tù hình sự khi đi chôn thì chỉ đào sâu khoảng 4 tấc rồi vùi lấp qua loa.
Gỡ lớp ván trên mặt, bên trong là bộ quần áo tù đã rữa nát. Tôi đi xách một thùng nước ở dưới ruộng để rửa cho sạch đất, người thiếu phụ cũng đã lấy ra một cái thau nhựa và đổ vào đó một ít rượu. Chúng tôi cẩn thận nhặt từng cái xương rũ cho bớt đất, rửa cho sạch rồi trao cho chị. Chị cầm từng cái rửa trong rượu, rồi bỏ vào cái bịch nylon hai lớp. Chị đưa cho chúng tôi mỗi người một gói thuốc Tam Đảo rồi vừa làm chị vừa tâm sự:
– Giữa năm 79, em có xin phép ra thăm, nhưng khi đến trại thì họ nói là không có anh Hải ở đây, nhưng ít tháng sau thì em được tin anh Hải đã chết từ năm 77, do một chị bạn ra thăm chồng về cho biết.
Như vậy là họ đã dấu nhẹm không báo cho gia đình. Mới đây, một người mách bảo cho em ra Bộ Nội Vụ ngoài Hà Nội làm đơn xin bốc cốt. Sau mấy lần làm đơn, cuối cùng họ đã phải cho. Nhưng khi đến đây thì họ chỉ cho làm vào ban đêm và sau khi xong, họ không cho em ở lại nhà tiếp qua đêm với lý do là ô uế.
Sau gần một giờ, thấy có thể đã không còn sót cái xương nào, chúng tôi bảo chị để tránh rắc rối chị không nên mặc bộ đồ tang này. Chúng tôi lấy bộ quần áo tang quấn quanh cái bao nylon đựng cốt bỏ vào cái bị cói lớn rồi lấy sợi dây chuối khô khâu miệng lại để không ai nhìn thấy.
Trên đường về trại, lúc đến chỗ rẽ, chị lý nhí vừa thổn thức khóc vừa cám ơn rồi dúi vào tay chúng tôi mấy gói thuốc còn lại. Nhìn người thiếu phụ tay xách cái bị cói đựng cốt chồng, lặng lẽ đi trong đêm, trên con đường rừng cô quạnh, khiến chúng tôi vô cùng thương cảm, ngậm ngùi, đứng trông theo. Bỗng, sự uất ức trào lên rồi không nén lại được, tôi thốt lên trong kẽ răng:
– Đ.M.! Rồi có ngày chúng mày sẽ phải trả giá cho hành động này! Chúng mày sẽ bị quả báo!
Chúng tôi đi vào theo cửa hông của cổng trại, rồi lặng lẽ đi về phòng. Tên thường trực thi đua đã đứng đợi sẵn để mở cửa.
Đã quá nửa đêm, cái lạnh của núi rừng Việt Bắc đã thấm sâu vào người, nằm co quắp dưới lớp chăn mỏng, tôi thầm ái ngại cho số phận của người đàn bà bất hạnh.
Chị mang hài cốt chồng đi giữa đêm trời giá lạnh rét mướt của vùng rừng núi Việt Bắc; như người vợ, người mẹ Việt Nam đang phải oằn mình mang nặng nỗi đau, nỗi bất hạnh của cả một dân tộc đi trong đêm tối bão bùng về một phương vô định…
Ôi ! Dân tộc tôi sao lắm nỗi đọa đày !
ĐOÀN TRỌNG HIẾU