Theo dân saigon
Sài Gòn vào cuối thập niên 30 đầu thập niên 40 ,người Nam Kỳ chúng ta còn gọi Xe đạp là xe máy, tuy đã bán ra khá nhiều nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu dễ dàng.
Nhiều nhà phải dành dụm thời gian dài mới sắm được và phải đi từng bước, mua xe cũ rồi tiến lên mua xe mới, thời đó trừ một số ít người có xe hơi, ai nấy đi đâu thì cuốc bộ, đi xa thì dùng xe ngựa, ai sắm được xe máy thì rất sướng, chủ động đến nơi mình muốn, thênh thang trên đường lộ là cảm thấy vui và có chút hãnh diện.
Lúc đó còn là chú bé mới hơn mười tuổi, Phú mừng rơn khi bố dắt về chiếc xe đạp kiểu nam mua ở cửa hàng với giá gần 300 đồng bạc Đông Dương, ngày nào cha không đi đâu, Phú mượn chiếc xe ra tự tập. Chân chưa đủ dài để ngồi trên yên hoặc trên khung đạp được một vòng bàn đạp, Phú luồn chân phải qua dưới ống sườn ngang để chạm bàn đạp phải. Bọn trẻ cùng xóm đứng xem trầm trồ ngó chiếc xe mơ ước đó.
Xe đạp ở Sài Gòn kể từ thập niên 1940 trở đi không cần phải đăng ký, mang biển số, không phải kê khai lý lịch và cũng không phải mua bảo hiểm.
Người ta chỉ cần một tờ hóa đơn giấy mua bán hoặc giấy mua bán viết tay, có chính quyền địa phương thị thực là đủ.
Giá cả thì rất phù hợp với túi tiền người dân.
Có xe rồi, chỉ cần mua một ổ khóa nho nhỏ kèm sợi dây xích (gọi là khóa “ăn-ti-vôn” – đọc trại từ tiếng Pháp antivol – khóa chống trộm) khóa lại là xong. Thời đó hầu như không có trường hợp bẻ khóa ăn cắp xe.
Đến thập niên 1950 là thời hoàng kim của xe đạp ở Sài Gòn. Số xe đạp được dùng ở thành phố này tăng lên ngày càng nhiều, thầy thợ đều có xe để đi làm các công tư sở.
Các trường trung học, trường nữ như Marie Curie, trường nam như Taberd, Chasseloup Laubat hầu như học sinh đều dùng xe đạp làm phương tiện di chuyển đến trường và về nhà.
Mức độ thông dụng của xe đạp gần như nó là đôi chân của con người.
Một người từ tỉnh lên Sài Gòn chỉ cần đạp xe từ nhà ra bến xe đò, mua vé. Lơ xe đứng trên mui xe đón chiếc xe do khách tự đưa lên hoặc do người phụ lơ đưa lên mui. Họ ràng buộc rất chắc chắn, khách vô ghế ngồi. Xe đến Sài Gòn, lơ xe cởi dây thả xe xuống, khách nhận xe đạp đến địa chỉ cần tìm.
Chẳng phải đi bộ bước nào. Ai nấy đều thấy quá tiện lợi, thậm chí có xe gắn máy cũng không làm được như vậy vì nặng nề.
Người dân Sài Gòn từ thầy, thợ, học sinh, đàn ông, đàn bà… hầu như ai cũng biết “cỡi” xe đạp. Tùy hoàn cảnh và địa vị trong xã hội mà người ta sắm những chiếc xe đạp phù hợp. Việc di chuyển bằng xe thổ mộ (xe ngựa) giảm dần, để rồi sau đó hầu như chỉ dành cho tiểu thương vận chuyển hàng từ nhà quê, ngoại thành ra các chợ và trở về khi chợ tan.
Cùng với sự phát triển xe đạp, sau này xe xích lô trở thành phổ biến. Nhà nào dù giàu hay nghèo cũng phải có ít nhất một chiếc xe đạp, đặc biệt các nữ sinh trung học, hầu như cô nào cũng có một chiếc xe đạp nữ với kiểu dáng thanh thoát.. Để tà áo dài của các cô nữ sinh khi di chuyển không bị dính vô các cây căm (nan hoa) của xe, bánh sau xe đạp nữ có thêm hai mảnh lưới đan nhiều màu sắc rực rỡ, che phủ gần phân nửa bánh sau, khiến chiếc xe nhìn càng duyên dáng.
Các loại xe đạp thời bấy giờ: kiểu xe chắc chắn, loại phổ thông là xe nam với ghiđông (tay cầm) hình chữ U, hai tay nắm vểnh cao để người điều khiển không phải cong người khi đạp cho xe di chuyển.
Loại này yên to, có lò xo dưới yên, còn poọc-ba-ga (porte bagage) được làm bằng thanh sắt đặc rất cứng. Hai tay thắng cũng bằng thanh sắt đặc uốn lượn theo ghiđông, song song với cổ xe, xuống đến đầu thắng.
Xe tuy cổ kính, nặng nề nhưng rất chắc chắn, người Hoa thường dùng loại xe này chở hàng. Có người đồn rằng ống tuýp để hàn sườn xe được hàn bằng ống tuýp nước, vừa rẻ vừa cứng chắc.
Xe kiểu cách, thời trang thường được nhập từ Pháp như các hiệu Reynold, Royal Stella, Peugeot. Các loại xe mang thương hiệu này là cao cấp nhất.
Giới thượng lưu chơi xe, thích nhất là sườn xe được làm bằng chất liệu nhẹ, chuộng nhất ở hiệu Reynold, với giá cao. Trong giới đua xe đạp, sườn xe đạp đua được ưa chuộng chỉ có hai loại, nhất là tuýp Reynold, nhì là tuýp hiệu Tube.
Xe nữ thì thanh tuýp ngang của xe nam được hạ xuống, chéo từ cổ xe xuống gần bàn đạp của trục yên xe. Riêng xe Royal Stella và Peugeot thì thanh chéo này được làm bằng hai thanh tuýp song song, uốn lượn xuống gần trục bánh xe sau…
Năm 1960 có giá cỡ 1.000 $
Các cửa hàng buôn bán xe và phụ tùng ở Sài Gòn nhái theo các kiểu cách xe nhập cảng, hàn khung xe… nhưng do kỹ thuật hàn chưa tốt và chất liệu ống tuýp thường dày hơn xe Pháp, nên trọng lượng xe thường nặng hơn xe nhập cảng cùng kiểu dáng, có khi nặng hơn gấp rưỡi, lại dễ bị đứt mối hàn ở cổ xe, khiến người điều khiển bể mặt, gãy răng là chuyện thường nhật.
Vũ Phan Anh
Nguồn SÀI GÒN XƯA –