NGƯỜI HÁT RONG TRONG HẦM XE ĐIỆN NGẦM (Nguyễn Đại Thuật)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Con tàu TGV nối liền thành phố Dijon-Paris ngùng tại điểm đến ga Lyon. Phú xuống xe, kéo va-li đi dọc theo hành lang ga, xuống hầm xe điện ngầm để đón xe về khách sạn.

Chiều thứ sáu, đang là giờ cao điểm cuối tuần nên hành khách đi lại rất đông. Phú chen đi trong dòng người vội vã, vừa ra khỏi cầu thang cuốn, anh thoáng nghe có tiếng đàn guita hòa lẫn giọng ca nam nhẹ vang lên trong góc hầm, giọng ca  tiếng Việt buồn não, lời bài ca đã lâu lắm anh mới có dip nghe  lại:

Trời đêm dần tàn, em đến sân ga để tiễn người trai lính về ngàn.
Cầm chắc đôi tay, ghi vào đời tâm-tư ngày nay.
Gió khuya ôi lạnh sao, vấn nhẹ đôi tà áo.
Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời
Trở gót bâng khuâng em hỏi lòng đêm nay buồn không.
Chuyến xe đêm lạnh không để người yêu vừa lòng ?
Ngày tháng đợi chờ, em đến sân ga nơi tiễn người trai lính ngày nào
Tàu cũ năm xưa, mang người tình biên khu về chưa.
Trắng đêm em chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về….

Lời ca đến đây chấm dứt, giọng ca lại tiếp tục vang lên lời ca nhạc Pháp.

Ngạc nhiên và tò mò Phú tiến lần đến nơi phát ra tiếng hát. Một nhóm khách hiếu kỳ đang đứng vây quanh một người đàn ông Á-châu nhỏ con, tuổi không quá ba mươi, đôi mắt to sáng, để râu mép… nhìn chung người đàn ông không có gì cá biệt về hình dáng so với những đàn ông Châu-Á khác. Anh đang vừa đàn vừa hát: những người khách vây quanh thích thú vỗ tay khi anh ngừng hát và lần lượt vài người bỏ tiền vào cái hộp giấy anh để dưới đất.

Phú nhìn người hát rong, anh đứng im lặng, tuy người hát rong đã đổi sang hai bài ca bằng tiếng Pháp khá lâu nhưng dường như anh vẫn còn đang nghe lời ca tiếng Việt của bài ‘Tàu đêm năm cũ’ đang thấm vào tim, vào máu, vào hơi thở của anh. Anh rẽ đám đông, tiến vào phía trong bỏ tiền vào hộp… người hát rong nhìn anh nói “Merci” như nói “Merci” với những du khách cho tiền khác. Anh nhìn thẳng vào người hát rong gật đầu, mỉm cười chào. Người hát rong mỉm cười gật đầu đáp trả. Nhìn nét vui vẻ của người hát rong, Phú hỏi ngay bằng tiếng Việt:

– Anh là người Việt-nam ?

Người hát rong gật đầu, ngừng một chốc rồi lắc đầu, trả lời bằng tiếng Pháp:

– Tôi là người Việt-nam nhưng tôi không nói được tiếng Việt.

Nói xong, người hát rong cầm hộp tiền, ôm đàn chào mọi người rồi dời đi nơi khác…. Phú đi theo sau  anh ta một đoạn hầm ngắn, anh định hỏi người hát rong: “Anh không nói được tiếng Việt, nhưng ai dạy anh hát tiếng Việt quá hay?” Vừa lúc đó người hát rong ngồi xuống nơi góc ngay một ngã rẽ của đường hầm, bắt đầu đàn rồi cất cao giọng:

Trời đêm dần tàn, em đến sân ga tiễn người trai lính về ngàn…..

Mọi người dừng lại nghe hát. Phú cũng đứng lại nghe hát…. lời ca làm anh như say, quyến luyến lạ thường, đưa anh trở về với kỹ niệm của một thời vang bóng của tuổi học đường, của hình ảnh bạn bè nơi thành phố thân yêu anh được sinh ra và lớn lên… rồi những ngày sống cuộc đời chiến đấu gian nguy, chết chóc trong quân đội…. cho đến những ngày bị đày đọa trong ngục tù Cộng-sản sau cuộc chiến bại trong việc giữ nước.

Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa?
Trắng đêm em chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về…

Tiếng vỗ tay của người nghe đánh thức Phú trở về thực tại. Anh góp vỗ tay cùng những nguời khác. Anh tự hỏi không biết những người nước ngoài nầy có hiểu được lời ca Việt nầy không mà họ vỗ tay rất nhiệt tình. Vì lịch sự chăng? Anh nghĩ chắc không phải vì lịch sự, cứ nhìn nét mặt của họ diễn biến theo lời ca, tuy họ không hiểu lời nhưng âm điệu diễn đạt lời ca hòa cùng tiếng đàn điêu luyện của người nghệ sĩ hát rong đã đi vào nơi thâm sâu, nơi trái tim đầy xúc cảm của họ. Cái ý định theo người hát rong để hỏi một điều gì đó đến đây vẫn chưa định hình được. Phú không muốn quấy rầy người này trong giây phút thuận tiện cho cuộc mưu sinh của họ. Phú vẫy tay chào người hát rong rồi trôi theo giòng người trong hầm xe điện.

**********

Nhận phòng khách sạn xong, Phú điện thoại ngay cho Thuyên để báo anh đã lên đến Paris.

Anh quen biết Thuyên từ những ngày đầu tiên đến Pháp gần hai mươi lăm năm. Thuyên đến từ trại tỵ nạn Hông-kong, anh đến từ trại tỵ nạn Galang thuộc Indonésie.

Thuyên đến Pháp cùng vợ trước Phú vài ngày. Anh đến một mình. Anh, vợ chồng Thuyên và một số thuyền nhân tỵ nạn khác đến từ Mã-Lai, Phi-luật-Tân,Thái-Lan được chính phủ Pháp nhận cho định cư. Trạm dừng chân đầu tiên khi họ đến Pháp đều được tiếp đón tại trung tâm Terre d’asiles ở Créteil, ngoại ô Paris, nơi lập thủ tục giấy tờ cá nhân cũng như khám sức khỏe trước khi được phân phối định cư trên toàn nước Pháp. Anh được dưa định cư ở thành phố Dijon, miền trung nước Pháp, Thuyên và vợ được gia đình người anh ruột đón nhận về chung sống tại Paris.

Sau khi sắp xếp giờ giấc buổi hẹn là gặp ngày thứ hai đầu tuần tới tại công ty buôn bán nhà đất do Thuyên quản lý để anh được Thuyên giới thiệu mua nhà, Anh theo lời Thuyên mời dùng cơm tối hôm đó tại nhà. Năm nay hai con của Phú đã hoàn tất đại học và muốn sống tại Paris để tìm việc làm dễ dàng hơn nên vợ chồng anh đã quyết định tìm mua nhà ở Paris cho hai con có cơ hội tiến thân. Việc tìm nhà theo tiêu chuẩn của gia đình anh đã được anh nhờ Thuyên giúp. Chuyến đi Paris này do Thuyên mời anh lên xem nhà theo tiêu chuẩn đã yêu cầu.

Buổi cơm tối gia đình diễn ra vui vẻ và ấm cúng, ngoài gồm vợ chồng Thuyên, còn có hai nguời con trai và con gái đầu lòng có mặt. Gần cuối bữa cơm Phú kể chuyện nghe người hát rong Việt-nam hát trong hành lang xe điện ngầm vào buổi chiều. Đứa con trai út của Thuyên có vẽ ngạc nhiên hỏi:

–  Bác chưa hề gặp ông nầy lần nào sao? Ở Paris nầy ai xử dụng métro thường xuyên ít nhất cũng có gặp ông ấy và nghe ông ấy hát một lần. Cháu biết ông ấy lâu rồi, từ khi cháu bắt đầu lên trung học và xử dụng métro để đi học. 

Ngừng một lát, cậu nói tiếp:

 –  Ít nhất là trên năm năm rồi từ khi cháu gặp ông ấy.

Con gái lớn của Thuyên xen vào:

–  Ông ấy là giáo sư toán năm đầu tiên bậc trung học của cháu…thầy Kévin… Thầy là người Việt-nam nhưng không nói được tiếng Việt mà lại hát được tiếng Việt. Thầy cũng hát tiếng Pháp rất hay. Thầy hay đi hát trong hầm xe điện ngầm những ngày cuối tuần và ngày lễ, hoặc cả những ngày nghỉ hè mà thầy không có chương trình đi chơi. 

– Bác có biết thầy Kévin đi hát để làm gì không?

Phú lắc đầu. Con gái Thuyên dửng một một chút rồi nói tiếp:

– Để có tiền giúp trẻ em mồ côi bên Việt-nam! Thầy đã có vợ nhưng chưa có con.

– Vợ thầy Kévin là giáo sư âm nhạc, dạy nhạc ở nhạc viện địa phương. Hai vợ chồng thầy sống chung với cha mẹ người Pháp, dường như cha mẹ của thầy đều làm việc cho một công ty máy bay nào đó… bạn thân của cháu là em gái của vợ thầy, chúng cháu thân nhau từ nhỏ. Con nhỏ cũng sống chung một nhà với thầy Kévin, nên thỉnh thoảng cháu ghé nhà thăm bạn, đôi khi cháu gặp thầy Kévin. Bạn cháu nói thầy Kévin đi hát rong để lấy tiền giúp trẻ mồ côi bên Việt-nam nên cháu mới biết. Có dịp đi Metro, cháu ghé nghe thầy hát và góp tiền. Cháu nghe hoài thành ra gần như thuộc lòng bài hát tiêng Việt mà thầy ấy hát.

Nói đến đây con gái Thuyên đọc lên lời ca: “Tàu cũ năm xưa, mang người tình biên khu về chưa”, cô ngừng vài giây rồi nói như xúc động:

– Lời ca buồn quá phải không bác?

Phú im lặng, trả lời bằng đầu cách gật đầu. Vợ Thuyên bỗng góp lời:

– Lần đầu tiên, tình cờ tôi nghe cháu nghêu ngao mấy câu hát bài nầy, tôi ngạc nhiên hỏi cháu ai dạy mà con biết hát, thì cháu kể đã nghe một người Việt-nam hát trong hầm xe điện, người nầy là thầy giáo cũ của cháu. Cháu lại nhờ tôi giải thích hai chữ “biên khu” là gì ? Một phút yên lặng rơi xuống bàn ăn… Phú góp lời:

– Ngày xưa nghe ca sĩ Thanh-Thúy hát bài nầy buồn thúi ruột!

Chuyện thầy giáo Kévin gốc Việt, không nói được ngôn ngữ Việt của mình mà hát một bản nhạc bằng tiếng Việt trong hầm xe điện ngầm để có tiền giúp trẻ mồ côi tại quê nhà ám ảnh Phú suốt buổi ăn tối hôm đó. Cái ý tưởng muốn gặp người đó để tỏ lòng mến phục một cách tự nhiên giữa hai nguời còn xa lạ làm anh suy nghĩ, nhưng anh còn ngần ngại chưa nghĩ ra phương cách thích hơp.

Và dường như đọc được ý nghĩ của anh, con gái Thuyên đem tách trà đến mời và ngồi xuống gần anh:

– Bao lâu  nay cháu muốn hỏi thầy Kévin, thầy hát nhạc lời Pháp, lời Mỹ và đôi khi lời Ý, nhiều tên bản nhạc khác nhau, nhưng tại sao duy nhất chỉ có một bản nhạc lời Việt; cháu thấy ngại khi muốn mở lời, cháu sợ có sự bí mật riêng tư nào đó sẽ làm tổn thương thầy. Ngày mai chúa nhật, cháu mời bác, ba mẹ cháu và hai em cháu cùng bạn trai của cháu đi uống cà-phê ở Montmartre, chúng ta sẽ đi métro. Trên đường đi, chúng ta sẽ ngừng lại nghe thầy Kévin hát, cháu sẽ giới thiệu bác và ba mẹ cháu với thầy Kévin, mọi người đồng ý không?

Phú chưa kịp trả lời thì Thuyên đã lên tiếng:

– Đồng ý! Ba mẹ đồng ý đề nghị của con gái, ba mẹ sẽ có dịp biết anh chàng hát rong nầy. Bác Phú nên nhận đề nghị của cháu cho cháu vui.

Phú vui vẻ nhận lời. Anh vỗ nhẹ vai cô con gái Thuyên:

– Cháu mời nhưng bác trả tiền được không?

– Không được đâu, bác có biết bên Tây này tội hối lộ bị phạt nặng lắm không?

Tất cả mọi người đều cười.

******

Ba tháng sau Phú đưa gia đình từ thành phố Dijon về căn nhà mới mua ở ngoại ô Paris, nhờ Thuyên môi giới và hướng dẫn thủ tục nên anh mới có được căn nhà theo ý muốn. Anh lại may mắn đuợc tiếp tục làm việc cho công ty phụ của đại công ty chính ở Dijon chuyên về xuất nhập trái cây khô của Thổ-nhĩ-Kỳ. Hôm khai trương nhà mới, ngoài gia đình Thuyên, Phú còn mời vợ chồng Kévin và bà mẹ nuôi của Kevin.

Anh nhớ hôm đi uống cà-phê do con gái lớn của Thuyên mời, trên đường về, tất cả mọi người dừng chân trong góc xe điện ngầm để nghe Kévin hát. Đang hát, có lẽ nhận ra con gái và con trai của Thuyên nên Kévin mỉm cười gật đầu chào và tiếp tục hát một bài ca lời Pháp. Lời ca vừa dứt, mọi người vỗ tay, Phú và vài người tiến đến bỏ tiền vào hộp quyên góp.

Khi Kévin nhìn đồng hồ tay, như biết thói quen của người hát rong, con gái Thuyên tiến bên cạnh nói:

– Thầy khoan đi qua địa điểm khác hoặc nghỉ hát, hôm nay thầy phá lệ được không?

Nói xong, con gái Thuyên quay nguời lại đưa tay chỉ về những thành viên trong gia đình cô:

– Ba mẹ tôi lần đầu tiên muốn nghe anh hát bài ca tiếng Việt, và người Bác tôi cũng muốn nghe lần thứ hai anh hát bài ca đó, xin anh vui lòng, nếu không có gì trở ngại?

Phú nghe Kévin trả lời:

– Thường tôi chỉ hát bài ca lời Việt chỉ một lần khi bắt đầu buổi hát tại một địa điểm khi mới đến. Hôm nay đã chấm dứt buổi hát trong ngày, nhưng để làm vui lòng cô học trò cũ, tôi sẽ hát.

Dứt lời, Kévin đập nhẹ vài tiếng vào thùng đàn, dạo nhạc và lên tiếng hát:

“Trời đêm dần tàn, em đến sân ga để tiễn người trai lính về ngàn…”

Giọng hát khàn, đục âm điệu buồn lắng đọng trong tim. Chuyện tình của một đôi trai gái trong cuộc chiến tranh giữ nước của một giai đoạn lịch sử. Lời ca buồn, giọng ca buồn, đôi mắt và khuôn mặt buồn của người hát rong như tan ra hòa lẫn vào hơi thở và mạch máu của Phú.

Khi giọng hát và tiếng đàn ngừng, một sự yên lặng phủ trùm không gian của góc đường hầm làm Phú trở về thực tại. Anh đã đến đứng kế bên cạnh người hát rong tự bao giờ như một người mộng du và anh đã cùng hát… cùng diễn đạt tâm tư của nhân vật trong câu chuyện tình như anh đã sống trong giai đoạn đó…

Mọi người bắt tay nhau. Lời cám ơn nhẹ nhàng đượm buồn. Từ đó, những ngày cuối tuần khi Phú trở lên Paris gặp Thuyên, anh có dịp ghẻ thăm Kévin ở hầm xe điện. Tình cảm giữa hai người trở nên quyến luyến hơn.

Qua bữa ăn mừng nhà mới, Phú biết được một chút về gia cảnh Kévin. Khi vợ Thuyên hỏi bà mẹ Pháp của Kévin có mấy con ngoài đứa con Á-châu nầy, Bà đưa mắt hướng về phía Kévin đang đứng hút thuốc ngoài hành lang, hạ thấp giọng

– Vợ chồng tôi cưới nhau hơn mười năm mà không có con. Nhân một chuyến du lịch Thái-Lan, chúng tôi vào thăm một cô-nhi-viện của một làng chài nhỏ, thấy thằng nhỏ kháu khỉnh, ông chồng tôi nhìn thấy thuơng nên xin nhận làm con nuôi.

– Người ta cho biết một tàu hàng nhỏ chuyên chở ven bờ Thái Lan đã tim thấy thằng nhỏ cùng với hơn mười trẻ khác gồm trai và gái nằm đói lã trên một chiếc tàu có quốc tịch Việt-nam trôi giạt trên biển, nên đã kéo tàu đó về làng nầy. Trên tàu không có người lớn, người ta nói có thể đoán tàu bị cướp biển tấn công nên người lớn có thể đã bị giết hay bị bắt đi. Khi lớn lên, đôi lúc cháu hỏi vợ chồng tôi về nguồn gốc cha mẹ cháu, vợ chồng tôi không biết gì hơn ngoài chuyện như tôi vừa mới kể.

******

Mối giao tình giữa gia đình Phú và Kévin theo thời gian trở nên thân thiết. Hai con của anh và vợ chồng Kévin rất quyến luyến nhau. Mùa nghỉ hè đầu tiên từ khi quen biết, Kévin đã dành trọn hai tuần nghỉ cùng gia đình anh đi nghỉ hè chung với nhau. Dịp nầy Phú đề nghị giúp Kévin tập hát thêm một vài bài nhạc tiếng Việt để Kévin có thể hát với những nhạc phẩm khác trong hầm xe điện nhưng bị từ chối, không giải thích lý do.

Một buổi chiều, trời đang hanh nắng chợt một cơn mưa giông ập đến. Những giọt mưa lớn rơi lộp bộp trên mái nhà trại hè, mọi người chán nản vì không đi ra ngoài tắm biển được. Mong rằng sẽ xua bớt đi sự chán nản của mọi người, Phú dùng hai tay đập vào đùi của anh theo nhịp tiếng mưa hát:

Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ đến tên em
Có khi nắng kia chưa lên mà một loài hoa chợt tím
Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em
Gót chân đôi khi đă mềm, gọi buồn cho mình nhớ tên…

Phú ngừng đập nhịp, ngừng hát, Kévin nhìn anh như dò hỏi, như yêu cầu Phú hát tiếp. Phú lắc đầu:

–  Mấy chục năm rồi bác không có dịp hát chung vui với bạn bè nên bác không còn nhớ những câu chót. Khi Phú bắt đầu hát anh đã nhìn thấy khuôn mặt Kévin như bị khích động, đôi mày nhíu lại, đôi môi như mấp máy, nhịp thở như ngừng lại. Đến khi anh ngừng hát, tiếng thở dài của Kévin buông ra thật mạnh, mặt trở nên buồn, như tiếc nuối chuyện gì.  Kévin nói với anh như năn nỉ:

–  Bác hát lần nữa cho cháu nghe, cháu nhớ cháu có nghe bài hát nầy rồi, cháu rất thích.

– Vậy thì bác hát lại cho cháu nghe nhé; bác sẽ tìm và ghi lại bài hát nầy qua máy vi tính cho đầy đủ, hai bác cháu mình tập cho thuộc, biết đâu mai mốt, bác cháu mình sẽ cùng hát trong hầm xe điện.

“Chiều một mình qua phố……

Gót chân đôi khi đã mềm, gọi buồn cho mình nhớ tên…”

Phú vừa dứt lời ca… tai anh nghe có tiếng gõ nhịp vào thành bàn, một giọng hát nhỏ nhẹ ngập ngừng thoát ra từ chàng trai ngồi cạnh anh:

Chiều qua bao nhiêu lần môi cười cho mình còn nhớ nhau,
Chiều qua bao nhiêu lần tay rời nghe buồn ghé môi sầu
Ngày nào đời còn có nhau, xin cho dài lâu.
Ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau.

Giọng ca như nghẹn lại, ngừng hẳn cùng tiếng đập nhịp vào bàn. Mọi người trong nhà ồ lên cùng lúc, cùng tiến đến bên cạnh Kévin, đưa mắt nhìn nhau ngơ ngác.

Kévin đang gục đầu xuống bàn, hai vai run rẫy. Kévin đang khóc. Tất cả mọi người yên lặng, nghe được hơi thở của nhau. Vợ Kévin ôm đầu chồng trong vòng tay, đưa mắt nhìn mọi người như hỏi chuyện gì đang xẩy ra ?

******

Cơn mưa đã tạnh, mọi người đều đi ra ngoài bãi biển để tận hưởng những tia nắng còn sót lại trong ngày. Phú đi cùng Kévin sau hàng dương cách biệt bãi tắm không xa tới một khu yên tĩnh. Phú nhớ lại chuyện vừa xẩy ra trong nhà trọ, anh ái ngại nhìn Kévin rồi nói:

– Bác xin lỗi cháu chuyện vừa rồi, bài hát đã làm xúc động cháu. Thời tuổi bác như cháu bây giờ, bài hát nầy rất phổ thông với mọi người…!

Kévin dừng bước, mời Phú cùng ngồi vào chiếc ghế dài nhìn ra biển, lấy thuốc lá ra châm lửa. Sau khi thổi một hơi khói thuốc dài, Kévin chậm rãi nói:

– Bản nhạc bác hát hôm nay làm cháu buồn và nhớ đến mẹ cháu nhiều. Cháu nhớ không rõ lắm, có một buổi sáng, mẹ cháu đánh thức cháu thật sớm, còn đang thèm ngủ cháu khóc đòi ngủ tiếp. Mẹ cháu dỗ: “con của mẹ ngoan, dậy để mẹ thay áo quần sạch sẽ, ăn chút cháo, mẹ đưa con đến nhà trẻ để mẹ đi làm nuôi con. Ở nhà trẻ con ngủ tiếp nghe.” Nghe mẹ nói, nhìn thấy hai mắt mẹ đầy nước mắt, cháu nghe theo lời mẹ. Đến nhà trẻ, mẹ để cháu chờ ngoài sân, mẹ vào nói chuyện với cô giữ nhà trẻ. Không biết mẹ nói gì với cô ấy, cháu chỉ thấy cô ấy lắc đầu nhiều lần, rồi mẹ quay ra sân, mặt thật buồn, mẹ lặng lẽ nắm tay cháu dắt trở về nhà. Vừa vào nhà, mẹ cháu ngồi xuống nền nhà rồi ôm cháu vào lòng than:

– Người ta nói con là con của ngụy quân, nhà trẻ không thể nhận.

Mẹ cháu thở dài nói tiếp:

– Mẹ sẽ nói chuyện với bà Mười hàng xóm, bắt đầu ngày mai mẹ gởi con qua đó… mẹ phải đi phụ hồ cho người ta để có tiền đong gạo, mẹ hết tiền rồi;… nhà không còn gì để bán.

Rồi cả ngày hôm đó mẹ dắt cháu đi ra đường. Mẹ dẫn cháu  đi mãi, hết đường nầy qua đường khác, đến khi cháu mỏi chân, cháu khóc không chịu đi nữa, mẹ cõng cháu sau lưng, tiếp tục đi. Chiều tối, đèn hai bên đường được thắp sáng, cháu đói bụng đòi ăn, mẹ dừng chân mua bánh mì xịt nước tương cho cháu. Về đến nhà, hai mẹ con cháu  nằm dài trên giường, mẹ ôm cháu, nghe mẹ hát:

Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ đến tên anh
Có khi nắng kia chưa lên mà một loài hoa chợt tím
Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên anh
Gót chân đôi khi dã mềm, gọi buồn cho mình nhớ tên

Từ đó chiều nào cũng vậy, mẹ cháu đi làm về đều có bánh mì xịt nước tương cho cháu? Ăn xong  mẹ cháu tắm rửa thay áo quần cho cháu, dẫn cháu ra đường đi lang thang cho đến tối mới dẫn cháu về nhà. Có hôm bà Mười hàng xóm đứng bên nhà bà hỏi mẹ cháu khi hai mẹ con cháu vừa về đến nhà: “Mẹ con cô hai mấy lúc sau nầy hay đi dạo buổi chiều, về tối quá!” Cháu nghe  mẹ cháu trả lời như có gì nghẹn trong cổ:

– Dạ, đi dạo cho quên đói dì ơi, chờ cuối tháng mới lãnh tiền công mua gạo. Cháu nghe tiếng bà Mười:

– Trời đất, sao cô không nói! Thời buổi nầy ai cũng thiếu hụt cái ăn cái mặc hết. Có ai đủ đâu. Hôm rồi, có đứa cháu dưới vườn lên, nó lén lút đem lên cho được mấy kí bo bo và mấy kí bột bắp, mai cô hai qua lấy một ít về ăn; lúc nào mua được thì trả lại tui, cô hai đừng ngại, chỗ bà con chòm xóm với nhau thương nhau không hết.

Mẹ nói:

– Cám ơn dì Mười, rồi đi vào nhà, nằm lên giường. Cháu nghe tiếng mẹ thở dài. Cháu nằm xuống bên cạnh, mẹ ôm cháu hồi lâu, cháu nghe mẹ hát vào tai cháu âm thanh thật nhẹ như ru cháu ngủ:

Chiều qua bao nhiêu lần môi cười cho mình còn nhớ nhau.
Chiều qua bao nhiêu lần tay rời nghe buồn ghé môi sầu
Ngày nào đời còn có nhau xin cho dài lâu
Ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau…

Hôm đó cháu hỏi mẹ tại sao cháu không ba, Mẹ không trả lời. Cháu đã nhiều lần hỏi trước đó nhưng chưa bao giờ nghe mẹ trả lời. Mẹ chỉ im lặng thở dài. Tưởng như bao lần trước mẹ không trả lời. Cháu ngồi dậy, tính ra khỏi giường thì mẹ kéo cháu nằm xuống. Mẹ bấm lóng tay rồi xoa đầu cháu:

– Này, con của mẹ được bốn tuổi tám tháng, con người ta tuổi nầy thân xác đã lớn trội, còn con sao còi cụt như thế nầy, giá như có ba con thì mẹ con mình đâu đến nổi khổ.

Mẹ cầm bàn tay cháu áp lên má của mẹ nói tiếp:

– Ba con là lính Việt-nam Cộng-hòa, làm sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến. Cưới mẹ xong, chỉ sống bên mẹ chưa hết phép mười lăm ngày phép thì phải đi đánh giặc ngoài Quảng-tri, cho đến nay không biết ba con chết hay sống. Thời đó chiến tranh dữ dội lắm. Mẹ sinh con năm 1974, vài tháng sau thì Việt-cộng họ chiếm hết đất nước… mà thôi, con còn nhỏ không nên nghe, không nên biết nhiều chuyện chiến tranh, chuyện người lớn.

Mẹ ngồi dậy lấy khăn ướt lau mặt cho cháu:

–  Tới giờ đi ngũ rồi.

Mẹ lại nằm bên cạnh cháu, mẹ hát:

“Trời đêm dần tàn, em đến sân ga để đòn người trai lính trở về….”

Lời của mẹ thật êm, thật nhẹ, thật buồn ru cháu ngủ hằng đêm. Mẹ chỉ hát duy nhất một bài hát, bài này đã đi vào trong tâm khảm cháu. Còn bài hát kia, có lời:

“Ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau….”

– Bài ca nầy mẹ ít hát kể từ khi mẹ đi làm về trễ, không còn thời gian để đưa cháu đi dạo bên ngoài, nên cháu quên. Nay có bác hát nên cháu mới nhớ lại… Mẹ cháu bán nhà, hai mẹ con cháu qua sống chung với dì Mười. Dì Mười sống một mình. Mẹ cháu kể:

– Chồng và hai con trai của dì đều chết trận, dì không còn ai thân thuộc gần gũi, chỉ có bà con xa ở dưới quê. Rồi một hôm, mẹ cháu chào dì Mười, nói đưa cháu về thăm bà ngoại. Mẹ cháu cùng cháu đi xe đò đến chiều tối, đến một nơi nào đó cháu không biết. Hai mẹ con cháu ngồi chờ trong một quán bên đường, có một người đến đưa hai mẹ con cháu xuống một chiếc ghe lớn, trên đó có rất nhiều người. Ghe chạy, mọi người ngồi sát vào nhau, không ai nói chuyện. Thỉnh thoảng mọi người được cho ăn cơm vắt và uống nước lạnh… rồi trong đêm tối, bỗng cháu nghe mọi người la  khóc, hoảng hốt, xô đẩy trong ghe, có tiếng la “cướp….. cướp”, mọi người đạp lên cháu và cháu không biết gì nữa… cho đến lúc cháu được đưa vào ở trong trại mồ côi. Cháu mất mẹ từ ngày ấy.

–  Cháu có thể kể cho bác biết lý do nào cháu đi hát trong hầm xe điện để có tiền giúp trẻ em mồ côi ở Việt-nam?

– Năm đầu tiên cháu vào đại học, cháu làm thiện nguyện cho hội chữ thập đỏ của Pháp, nhân đó theo đoàn công tác đi Viêt-nam. Một buổi sáng ăn điểm tâm tại một nhà hàng Việt-nam, cháu vừa ăn xong, thì một vài em nhỏ, các em sống ngoài đuờng, xông nhào vào dành những thức ăn còn thừa, hình ảnh đó khiến nhóm bạn của cháu lập ra tổ chức “trẻ bụi đời”. Tiền chúng cháu góp lại bằng mọi hình thức khác nhau theo khả năng… làm các công việc phụ cuối tuần cho các cá nhân cần như: giữ trẻ, dạy kèm, phụ bán hàng…. riêng cháu, cháu đã chọn công việc hát rong như bác đã biết. Cháu đã chọn bài hát lời Việt vì cháu chỉ nhớ và thuộc bài nầy, vì đây là bài mẹ cháu hay ru cháu ngủ. Cháu hát để nhớ mẹ cháu… cháu nghĩ mẹ cháu còn sống ở một nơi nào đó. Biết đâu một ngày nào đó mẹ cháu đến Paris… và nghe tiếng hát của cháu trong khi  tình cờ đi xe điện ngầm…

Kévin ngừng kể. Biển ngoài xa mờ dần trong trong sương. Lòng Phú tràn ngập nỗi buồn cảm thuơng hoàn cảnh của nguời thanh niên trẻ. Phú nghe lòng anh xao xuyến… chợt hoài niệm về những ngày tháng cũ .Từ nhỏ, anh được người cậu nuôi sau khi cha mẹ anh chết trên chuyến xe đò chạy trúng mìn. Khi anh đậu xong tú tài toàn phần thì cậu anh chết vì bạo bịnh. Anh không có bà con thân thích nên ghi danh vào trường Võ-bị quốc-gia Đà-lạt. Ra trường, anh vào binh chủng Thủy-quân lục-chiến. Trong một cuộc hành quân tiếp cứu một đơn vị bạn, đơn vị anh bị phục kích, anh bị thương phải lẫn trốn trong nhà dân, chờ được tải thương. Anh gặp Thư, chủ nhân của căn nhà.

Cuộc giao tranh hai bên vẫn khốc liệt. Hai ngày sau trực thăng cứu thương mới hạ cánh đón anh. Để bảo toàn tính mạng cho Thư, anh đề nghị toán cứu thương cho Thư rời khỏi vùng đang giao tranh, vì sợ sau nầy khi lính quốc-gia rút đi, dân cộng sản nằm vùng sẽ hại Thư vì đã che chở cho ngụy quân. Khi vết thương của Phú ổn định, anh tìm đến trại tạm cư thăm Thư. Được biết gia đình gồm cha mẹ và hai người em của Thư đã chết bị đạn pháo kích cách đó vài tháng, anh đưa Thư về thành phố, lấy căn nhà của người cậu bỏ trống trước đây cho Thư tạm trú. Rồi tình cảm nẩy sinh giữa hai người trong những ngày về phép gặp nhau. Không có những hẹn hò thơ mộng không có những lãng mạng của yêu đương bồng bột. Cả hai cùng cô đơn… cô đơn không gia đình. Cô đơn giữa chiến tranh, cả hai muốn san lấp nỗi cô đơn của thân phận mình. Nh và Thư bàn tính chuyện tiến đến hôn nhân… ngày nghỉ phép cưới vợ rồi cũng đến… nhưng chỉ đuợc một nửa. Chiến trường đã gọi anh về trình diện gấp gáp, lấy đi những ngày phép nghỉ phép cưới còn lại…

Thành phố Buôn-mê-Thuộc bị cộng quân chiếm, anh bị bắt làm tù binh… Miền Nam thay chủ.

Năm 1981, sau hơn năm năm bị giam, Phú được trả về từ trại tù Tiên-Phước tỉnh Quảng-nam.

Nhà cũ của anh ở khu Bàn cờ Sài-gòn bị giải tỏa. Toàn khu không còn ai quen biết để tìm hỏi  tin tức vợ. Những ngày lang thang tìm vợ, tìm nơi cư trú, một người lính cũ cùng đại đội tình cờ anh gặp đang làm nghề vá và sửa xe hai bánh bên lề đường, cho anh tạm trú tại nhà. Hàng ngày anh cùng người đồng đội cũ sửa xe tạm kiếm sống. Dịp may nữa lại đến với Phú, một bạn học cũ ngày xưa từ Nha-trang vào Sài-gòn học năm cuối trung học để thi tú tài hai, nhà nghèo đã được cậu anh cho ở miễn phí, tình cờ người bạn dừng lại nhờ vá lốp xe bị xì hơi. Hai bên nhận ra nhau, vui mừng bỡ ngỡ. Người bạn rủ anh về Nha-trang làm cho hợp tác xã đánh cá, gia đình đã tạo dịp cho anh và gia đình người bạn vượt biển không lâu sau đó.

Khi ghe dần dần xa bờ biển  Việt Nam, Phú bùi ngùi nghĩ đến đến người vợ trẻ vừa mới cưới nhau đã xa nhau. Phú đã  cố công sức tìm kiếm Thư nhưng Thư vẫn biệt tăm. Thư đã chết hay Thư vẫn còn sống một nơi trên quê hương Việt-nam hay một đất nước xa lạ nào đó. Anh thầm xin lỗi Thư trong niềm đau khi lập gia đình với nguời mới nơi quê người.

Phú thẫn thờ kéo tay Kévin đi về hướng khu nhà nghỉ. Kévin còn đang nhớ về mẹ. Anh cũng đang nhớ về người vợ ngày xưa. Mỗi trái tim mang một niềm đau riêng!

***********

Hai năm sau.

Sau một thời gian dài điều trị chứng suy tim, nhân mùa nghỉ hè, Phú được các con tổ chức đi nghỉ bên Thái-lan. Dịp nầy Kévin muốn cùng đi chung. Trước khi chết, bà mẹ nuôi nhiều lần đề nghi Kévin khi có điều kiện nên đến Thái-lan thăm trại mồ côi ngày xưa. Bà có để lại một số tiền nhỏ để giúp trại mồ côi nầy.

Khách sạn nằm ẩn mình sau một làng chài nhỏ có nhà cửa khang trang dược xây lên trong một vịnh nhỏ nằm tận cùng phía Tây-nam vịnh Thái-lan. Một buổi chiều, như thường lệ, sau bửa cơm, Kévin cùng vợ ra ngồi ngoài bãi cát trước khách-sạn, Kévin vừa đánh đàn, vừa hát:

“Trời đêm dần tàn em đến sân ga để tiển người trai lính về ngàn.
Cầm chắc đôi tay, ghi vào đời tâm tư ngày nay…..”

Kévin say sưa hát, âm thanh tan theo trong ánh sáng cuối ngày đang chìm dần ngoài biển xa. Kévin ru hồn trong cơn buồn ngủ chợt đến… anh như thấy mình đang cùng mẹ lang thang trên những con đường thuở ấu thời… anh mơ thấy mẹ ôm trong lòng để ru anh ngủ khi tay còn cầm miếng bánh mì khô cứng loang lỗ nước tương đen chưa ăn hết… anh nghe có giọng hát từ đâu đó vang lên như hơi thở, chuyền tải hơi ấm ôm phủ lấy cơ thể anh trong con gió biển se lạnh…

Anh choàng tỉnh, tiếng hát đàn bà từ đâu đó vẫn văng vẳng vang lên:

Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa?
Trắng đêm em chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về
Rồi tiếng hát bỗng chuyển lời:
Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên anh
Gót chân đôi khi đã mềm, gọi buồn cho mình nhớ tên……

Giọng hát thật là quen thuộc. Lời ca thật là quen thuộc. Cả hai đều xoáy vào tâm thức anh.

Theo bản năng của con thú lạc mẹ, lạc bầy, anh chạy về hướng phát ra âm thanh quen thuộc đó. Kévin đi nhanh theo hướng về xóm ghe và tiếng hát càng rõ thêm. Vợ anh chạy theo sau, đầy vẻ ngạc nhiên. Phú đang ở trong hàng hiên khách sạn, anh cũng đã nghe tiêng hát Việt-nam, giong nữ vọng lên từ xóm ghe, anh càng ngạc nhiên vì giữa một khu ghe thuyền trên xứ Thái lại có một giọng ca Viêt. Tình cảm thiêng liêng dân tộc cùng lòng tò mò khích động, anh cũng đi nhanh về hướng có tiếng hát phát ra.

Ánh sáng của buổi chiều tàn đủ rọi lên trên mũi của một chiếc ghe lớn, một người đàn bà ngồi ôm một đứa nhỏ vừa ru vừa hát, xung quanh có vài đứa nhỏ khác ngồi đứng rải rác trên mui ghe. Người đàn bà chợt ngừng hát vì thấy có người đứng trên bờ nhìn chăm chú vào ghe bà. Bà đi vào phía trong ghe rồi trở ra cùng với một người đàn ông trẻ, đứa bé không còn bồng trên tay. Đèn trên ghe được thắp sáng. Người đàn ông trẻ vẻ do dự một chút rồi hướng về phìa Phú và vợ chồng Kévin nói gì đó bằng tiếng Thái. Cả ba lắc đầu không hiểu. Người đàn ông trẻ hỏi rất chậm bàng tiếng Anh:

– Mấy người muốn tìm gì trên ghe chúng tôi?

Phú trả lời:

– Chúng tôi nghe trên ghe của ông có người hát tiếng Việt rất hay. Chúng tôi là du-khách Viêt-nam, đang ở khách sạn gần đây, tò mò muốn biết sao người Thái-lan mà hát tiếng Việt hay quá chừng, chúng tôi muốn khen thôi.

Người đàn ông trẻ và người đàn bà nói gì với nhau, rồi người đàn ông nói vọng xuống:

–  Mẹ tôi là người Viêt-nam.

Người đàn bà tiếp lời bằng tiếng Việt:

– Vậy xin mời ba người lên ghe uống nước.

Người đàn ông trẻ đẩy tấm ván từ ghe lên bờ làm cầu. Người đàn bà mặc y phục Thái cúi chào Phú và vợ chồng Kévin. Phú chào người đàn bà rồi tự giới thiệu:

– Tôi là Phú đến từ nước Pháp. Đây là Kévin đồng hương, lớn lên tại Pháp nên quên tiếng Việt, còn đây là vợ của Kévin.

Vừa nghe dứt lời giới thiệu, người đàn bà lùi lại một bước, chăm chăm nhìn Phú… cái tên “Phú” đánh thúc vùng tăm tối trong đầu bà bừng sáng… Phú của bà đây sao? Người trung-úy Thủy Quân Lục Chiến oai phong của bà ngày xưa, nay thân thể héo gầy như vậy sao? Nụ cười rạng rỡ thu hút người nhìn, nay nhạt nhẽo không hồn như vậy sao? Phú của bà…

– Trời! anh Phú… anh còn sống… trời ơi, anh còn sống, anh không nhận ra em sao?

–  Em là Thư, vợ của anh. Giọng của Thư thổn thức, nghẹn ngào:

– Trời cao cay nghiệt quá… em là Thư, vợ của anh.

Phú đứng sững sờ, người đàn bà trước mặt anh toàn thân đang run rẫy, tóc bạc trắng là Thư, vợ của anh? Cái giọng nói miền Trung quê mùa chất phát khơi nhớ lại quá khứ, đúng là Thư,vợ của anh. Cả Phú và người đàn bà cùng tiến đến cùng nắm tay nhau, hai đầu tựa vào vai nhau trong một vòng tay yêu thuơng như có chút vụng về, ngượng ngập. Tiếng thổn thức vọng ra trong khoang ghe nhỏ hẹp. Rồi sự yên tĩnh trở lại.

Kévin nhích lại gần Phú, Thư nhìn Kévin qua vai Phú, một mãng tóc lộ màu trắng bằng lóng tay út thoáng hiện trên đỉnh đầu Kévin. Đây là dấu tích duy nhất của đứa con trai của Thư hơn ba mươi năm trước.Thư đẩy nhẹ Phú qua một bên, cố nén xúc động tràn ngập trong tim, bước nhanh về hướng Kévin gọi lớn:

– Cu Bi… Cu Bi phải không?

Hai tiếng “Cu Bi” từ bao năm đã biến đi không còn trong đầu Kévin bất chợt nay được gọi lên, được nhắc tới như làn hơi ấm thổi đến phủ cơ thể. “Cu Bi” tiếng của mẹ gọi ngày xưa. Kévin rúng động, nhìn sững nguời đàn bà không tin nỗi tai mình, miệng mở ra như đủ cho tiếng “Dạ” thầm lặng xác nhận. Thư lao mình tới ôm Kévin như sợ Kévin tan biến vào hư không.

Kévin sững sờ dang hai tay ôm lấy mẹ:

–  Mẹ”..

– Con của tôi… Những tiếng nấc xé lòng thốt ra. Thư nói với Phú nghẹn ngào:

– Anh Phú, đây là con của chúng ta.

Phú ôm Kévin trong niềm vui chen lẫn đớn đau. Anh đã có một đứa con… qua bao năm sống gần nhau, nay mới biết là con của mình. Cảm xúc dâng tràn… Phú cảm thấy trái tim đau nhói… toàn thân anh khuỵu xuống sàn ghe.

********

Ba hôm sau, sức khỏe Phú ổn định, bác sĩ Thái cho xuất viện. Thư có đến thăm anh vài lần ở bịnh viện. Buổi chiều sau ngày xuất viện, Kévin đưa anh ra bến ghe tìm Thư, chiếc ghe không còn neo tại bến. Hai người đang tính hỏi thăm những người có ghe đang đậu ở bến để hỏi thăm chiếc ghe của Thư thì một người trong tiệm tạp hóa bước ra trao cho Phú một lá thư, nói vài câu bằng tiếng Thái rôi quay lưng đi. Phú cùng Kévin ngồi xuống bờ thềm trước quán, anh thẩn thờ mở thư ra đọc:

Anh Phú của em và con trai Cu Bi của mẹ,

Buổi sáng hôm thăm anh trước khi anh được cho xuất viện, em có gặp bác-sĩ điều trị, Ông cho biết bịnh tim của anh tái phát vì bị xúc động mạnh, anh cần tỉnh dưỡng mới trở lại bình thường.

Em rất mừng khi được biết tin nầy, em quyết định và có thư nầy cho anh và con trai:

Anh Phú,

Sau ngày anh cưới em một tuần anh ra mặt trận, rồi từ đó em không còn tin túc của anh. Em không biết anh chết hay sống. Rồi đất nước thay đổi chủ mới, em càng vô vọng tin tức về anh. Em đã có với anh một đứa con, tên của nó là Cu Bi. Với bao nỗi khổ đau của cuộc sống bị đổi chủ, em  đã không làm nổi cho con của chúng ta một tờ khai sanh… đồng thời em cũng mong chờ thời gian sẽ gặp lại anh và chúng ta sẽ tìm đặt cho con một cái tên mà cả hai ta cùng muốn.  Cu Bi chỉ là cái tên gọi tạm thời để khỏi lẫn lộn với những trẻ khác trong một xã hội thu hẹp. Không  tìm được anh, và để tránh cho con của chúng ta bị lăng mạ là con của ngụy quân, bị sự phân biệt đối xử, tìm cuộc sống ngày mai cho con của chúng ta nên em đã đưa con vượt biển. Định mệnh đã đưa đẩy con tàu vào tay cướp biển Thái-Lan.

Con tàu bị cướp tràn ngập… em bị cướp bắt.

Em bị xa con. Toán cướp đưa em đến một đảo nhỏ không người ở. Vài ngày sau, toán cướp rời đảo, bọn chúng mang theo những người đàn bà khác, em bị để lại đảo. Tên cướp đã hãm hại đời em đã để lại lương thợc cho em. Có lẽ nó muốn giữ em ở đây, rồi có ngày quay lại. Ngày sau một cơn bão, một tàu buôn bán nhỏ ven bờ của Thái-lan tạt vào đảo trú ẩn. Người chủ con tàu đã cứu em. Ông là cựu binh-sĩ Thái đã từng tham chiến ở Việt nam. Ông nói tiếng Anh lõm bõm cũng như em, ở mức độ chỉ có thể hiểu nhau đơn giản. ông kể, khi quân đội rời khỏi Việt-nam để về nước, ông xin giải ngũ, lập gia-đình. Theo truyền thống gia-đình, ông là thành viên trên con tàu buôn bán ven bờ vùng vịnh Thái-lan. Vợ ông qua đời vì tai nạn lưu thông chỉ sau nửa năm chung sống với ông. Ông hứa ông sẽ đưa em về Bangkok giao cho Phủ cao-ủy Tỵ-nạn. Sau gần hai tháng ngược xuội ven biển, khi con thuyền trên đường về Bangkok thì ông ngỏ lời thương em và đề nghị em chấp thuận làm vợ ông.

Cuộc sống của em đã quá tận cùng của sự nghiệt ngã. Anh ở đâu và con ở đâu? Chiếc phao nầy em không nắm lấy thì tương lai có chiếc phao nào khác sẽ đến không? Cuộc đời em có còn gì nữa đâu, đã mất hết rồi! Thôi em nhận lời để buông theo số phận. Em xin nhận lỗi cùng anh. Em đã có với người chồng Thái, một con trai và có bốn đứa cháu như anh đã gặp tại ghe. Người chồng Thái của em đã ra đi vì bịnh đã hơn một năm.

Được biết anh đã có vợ, có con, có sự nghiệp… nay lại tìm được đứa con của hai chúng ta, thật không có gì hạnh-phúc cho bằng cho anh và cho em trong hiện tai. Em cảm ơn trời đất đã thưởng đền cho những khổ đau của chúng ta đã gánh chịu bao lâu nay. Cuộc sống thương hồ của em không thể đậu bến mãi. Mong anh hãy an vui trong hạnh-phúc đang có và mãi mãi.

Cu Bi của mẹ,

Từ cái đêm mẹ bị cướp bắt đi, mẹ bị mất con. Đời trôi giạt đau thương của mẹ, biết tìm con ở đâu? Đau đớn trong lòng mẹ kể sao cho xiết? Hai tiếng “Cu Bi”” và hình ảnh ngây thơ của con là dòng suối mát trong lòng mẹ mỗi lúc nhớ con trong cùng khổ. Nói làm sao cho hết yêu thương của mẹ khi nghĩ về con! Mẹ xin lỗi con vì đã không bảo vệ được con lúc con lâm hoạn nạn. Con hãy tha thứ cho mẹ những tháng năm mẹ không hoàn thành trách nhiêm ở cùng bên con khi con khôn lớn, trưởng thành.

Trời đã thương nỗi đau của mẹ nên ban cho mẹ đặc ân gặp lại con ngày nay. Con khôn lớn, hạnh phúc bên vợ và nay con lại được thêm hạnh-phúc gặp lai ba con…nhớ đền ngày nào con hay hỏi mẹ “ba con đâu?” thì bây giờ ba con đang ở bên cạnh con rồi đó.! Con hãy săn sóc cho ba con thay mẹ. Mẹ cám ơn con nhiều lắm. Con bảo trọng sức khỏe.

Trưa hôm nay thuyền buôn của mẹ sẽ rời bến theo lộ trình đã định. Nếu bão táp phong ba của biển không làm đắm con thuyền buôn của mẹ thì những tháng năm sau nầy, biết đâu mẹ con ta cũng có ngày hội ngộ?

**********

Trước ngày rời Thái-lan, Phú và con trai đến gặp người chủ quán tạp hoa trên bến tàu gởi lá thơ nhờ chuyển lại cho Thư nếu một ngày nào đó thuyền buôn của Thư ghé bến.

Phú viết thay lời con trai :

Đây là nhà con ở tại Pháp. Hy vọng một ngày không xa mẹ sẽ đến với con. Con trông chờ mẹ.

Con Cu Bi của mẹ.

Thời gian sau nầy, khách xử dụng xe điện ngầm trong thành phố Paris được nghe người hát rong hát bài ca lời Việt, âm điệu vẫn như cũ nhưng lời có thay đổi:

Trời đêm dần tàn, con đến sân ga để đón mẹ yêu quý trở về.
Tàu cũ năm nao chưa mang về trả cho tôi mẹ xưa
Tháng năm con chờ đây, mong tàu đem người về

………………

Tháng năm con chờ đây, mong tàu đem mẹ về.

Nguyễn Đại Thuật