NGƯỜI DUY NGÔ NHĨ: BẮC KINH TRỪNG PHẠT 10 CÔNG DÂN CHÂU ÂU ĐỂ TRẢ ĐŨA BRUXELLES (Trọng Thành)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nghị sĩ châu Âu Raphaël Glucksmann trong một phiên họp toàn thể Nghị Viện Châu Âu, tại Strasbourg, Pháp, ngày 28/11/2019.

Nghị sĩ châu Âu Raphaël Glucksmann trong một phiên họp toàn thể Nghị Viện Châu Âu, tại Strasbourg, Pháp, ngày 28/11/2019. Frederick Florin/AFP

Để trả đũa vụ châu Âu trừng phạt các chức Trung Quốc tham gia trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, hôm qua, 22/03/2021, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã ra thông cáo lên án quyết định của châu Âu là can thiệp « thô bạo » vào công việc nội bộ của Trung Quốc, và đưa ra quyết định dựa trên « những lời dối trá, các thông tin bịa đặt ». 

Đồng thời, Bắc Kinh cũng ban hành các trừng phạt nhắm vào 10 công dân châu Âu, trong số này có hai nghị sĩ châu Âu, công dân Pháp Raphaël Glucksmann và công dân Đức Reinhard Bütikofer, người phụ trách các quan hệ với Trung Quốc của Nghị Viện Châu Âu. 

Về hành động trả đũa của Trung Quốc, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh : 

« Ăn miếng trả miếng, Trung Quốc áp dụng tập quán trả thù nguyên thủy để đối xử với các nước châu Âu, tương tự như đã làm để đáp trả các trừng phạt của Mỹ những tháng gần đây. Các biện pháp trả đũa này nhắm vào những người bị chế độ cộng sản Trung Quốc xác định là có quan điểm ‘‘bài Hoa’’. Nói một cách khác, đây là các nghị sĩ hay giảng viên đại học lên tiếng tố cáo các xâm phạm nhân quyền tại Tân Cương, bảo vệ người Hồng Kông, hay chính quyền Đài Loan. 

Đối với tờ Hoàn Cầu Thời Báo, đây là một cảnh cáo : ‘‘Nếu như Bắc Kinh không hề sợ Washington, thì Liên Âu vốn yếu hơn nhiều so với nước Mỹ không phải là thế lực khiến Trung Quốc phải ngần ngại’’.

Tờ báo trực thuộc Nhân Dân nhật báo, cơ quan phát ngôn của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng cho biết thêm, về chuyện này Trung Quốc có thể học hỏi được từ Nga. Thông điệp trên của Hoàn Cầu Thời Báo có thể coi như một tín hiệu tìm đồng minh, gửi đến ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, hiện đang công du Trung Quốc. 

Cụ thể là, các trừng phạt nói trên cấm các đương sự cùng gia đình họ đến Hoa lục, Hồng Kông và Macao. Theo người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, các cá nhân và định chế liên quan cũng không được quyền có các quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Theo nhiều người liên quan, các trừng phạt này có tầm ảnh hưởng hạn chế. Một người chế giễu biện pháp phong tỏa tài sản tại Trung Quốc, một người khác nói đùa : nếu không còn có thể đi Trung Quốc, ông sẽ ở lại Đài Loan ».

 Thái độ của Bắc Kinh buộc Liên Âu thức tỉnh 

Nhà nhân học người Đức Adrian Zenz, một chuyên gia hàng đầu về tình hình xâm phạm nhân quyền tại Tân Cương và Tây Tạng, là một trong 10 người nằm trong danh sách trừng phạt của Bắc Kinh. Các báo cáo của Adrian Zenz về tình trạng người Duy Ngô Nhĩ bị đày ải tại Tân Cương khiến Bắc Kinh giận dữ. Các nhà bảo vệ nhân quyền cáo buộc hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và nhiều sắc tộc thiểu số khác hiện đang bị giam cầm trong các trại tập trung tại vùng tây bắc Trung Quốc. 

Trả lời RFI, nhà nghiên cứu Adrian Zenz nhấn mạnh là phản ứng của Trung Quốc buộc Liên Âu phải thức tỉnh : 

« Thành thực mà nói, tôi không chờ đợi nằm trong danh sách những người bị Trung Quốc trừng phạt nhằm trả đũa Liên Âu. Chính quyền Trung Quốc không ngừng mô tả tôi như một nhân viên CIA hay thuộc một cơ quan tình báo Mỹ. Các điều tra của tôi tại Tân Cương đã có ý nghĩa quyết định. Kết quả điều tra đã được trích dẫn hồi tháng 12/2020 trong một nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu, và thậm chí trước đó. Theo tôi, toàn bộ sự việc này cho thấy vấn đề Tân Cương đang trở nên nhạy cảm với Bắc Kinh như thế nào. Chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách để dập tắt mọi nỗ lực chỉ trích hay hành động vì người dân ở Tân Cương. 

Tôi hy vọng là loạt trừng phạt này cuối cùng cũng cho phép đánh động giới chính trị và các tổ chức châu Âu. Ở châu Âu, người ta đã từng tin tưởng một cách ngây thơ là có thể có được các thỏa hiệp với Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ chấp nhận việc này.  Tuy nhiên, các vị biết là, dưới chế độ này, các xâm phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc là mang tính hệ thống và diễn ra thường xuyên. Tôi hy vọng là các biện pháp trả đũa này rút cuộc sẽ buộc các nước châu Âu hiểu ra bản chất thực sự của chính quyền Trung Quốc. Liên Âu phải thành lập một mặt trận thống nhất, bởi như các vị biết, Trung Quốc coi Liên Âu là kẻ yếu. Cần chấm dứt tình trạng này ».