NGỌT ĐẮNG TRONG HƯƠNG VỊ ĐỜI CỦA NGUYỄN VĂN SÂM (Nguyễn Thị Tịnh Thy)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Trong lời đề từ của truyện ngắn Hương vị đời, tác giả Nguyễn Văn Sâm có viết: “Chút đăng đắng trong cuộc sống cũng là chút hương vị đời”. “Đăng đắng” có nghĩa là không đắng lắm, lại thêm từ chỉ lượng “chút” đứng đằng trước nữa, rõ là chỉ hơi đắng mà thôi. Nhưng sự đời, nhiều lúc những cái đơn sơ, nhẹ nhàng, thoáng qua… mà lại trở nên tha thiết, da diết và đeo đẳng ta không dứt. Hương vị đời của Nguyễn Văn Sâm cũng vậy chút ngòn ngọt, chút đăng đắng của mối tình đầu cùng những hoài nghi ảo ảnh vương vấn người đàn ông trong suốt một đời, cả trong mơ và đến lúc chết.
Thằng Chà yêu con Quyên từ chỗ quen thân, lớn lên bên nhau trong một xóm làng, lại cùng có sở thích đọc truyện Tàu. Thầy Thìn – cha của Quyên – cũng có ý tác thành cho hai đứa. Nhưng rồi, Quyên đột ngột bỏ nhà đi, “chỉ để lại bức thư tạ lỗi bất hiếu đại ý là thấy cảnh nước nhà tang thương, người nghèo khổ bị bóc lột, kẻ cô thế bị ức oan, Tây tà nạt nộ chưởi bới dân… lòng quặn đau không chịu nổi.” Cuối cùng, Quyên và Chà “gặp” lại nhau trong một tình cảnh thật éo le. Hai người ở hai chiến tuyến, Chà bị thương nặng, trong cơn đau quằn quại, anh nhìn thấy nữ y tá của phía bên kia, mặt trùm khăn rằn kín mít, chỉ chừa cặp mắt, và “cái ót quen thuộc, một dáng đi điệu đứng quen quen”. Chà đoán chắc “hết 80% là Quyên” của anh. Cô gái “hơi khựng lại” khi nhìn thấy anh. Cô quay đi. Lát sau, cô quay lại, không phải để cứu anh, mà dẫn theo hai đồng đội nam. Mặt “đằng đằng sát khí”, họ bước tới…
Bốn mươi năm qua, sự thật như ảo ảnh đó luôn khiến Chà trăn trở. “Có thể là Quyên, có thể không. Có thể người ấy thấy tôi, có thể không. Đời mà! Thiệt thiệt hư hư, tỉnh tỉnh mê mê. Phải phải quấy quấy, như sự ra đi của Quyên. Để yên lòng, tôi đồ chừng lúc đó mình bị thương nên mê man và hình ảnh cái cô bận bà ba đen bịt mặt bằng khăn rằn kia là không có thiệt. Mê mà!”. Bốn mươi năm qua, Chà chưa giải được bài toán đó. Kể cả lúc thanh xuân lẫn khi ngồi trên xe lăn trong nhà dưỡng lão nơi xứ người, và cho đến lúc chết, ông luôn bị ám ảnh về nỗi băn khoăn đó.
Cái ngòn ngọt của mối tình quê kiểng với “chuyện trời trăng mây nước, chuyện Tề Thiên Đại thánh đánh quỷ trừ yêu. Nhiều lắm là một hai cái nắm tay. Rồi thôi. Trong sáng” không đủ để níu giữ Quyên khỏi dứt áo ra đi; nhưng đủ để Chà mất một đời để nhớ. Và, có phải vì cái ngòn ngọt không đủ để làm tan chảy sự sắt đá của người con gái khi phát hiện người mình từng yêu đang thập tử nhất sinh, cần được cứu chữa hơn là bắt bớ? Quyết định lạnh lùng của Quyên thật tàn nhẫn, đắng chát. Tuy nhiên, với Chà, anh lấy sự không tỉnh táo của mình để biện minh cho hiện thực, biến hiện thực đắng chát ấy thành đăng đắng. Có thể do mê man, do đau đớn nên anh trông gà hóa cuốc. Nhưng anh lại chắc chắn: “người xưa nói nếu chẳng quen lung đố nhìn nhau cho đặng”. Khẳng định rồi phỏng đoán, rồi mơ hồ… anh lấp đầy nỗi xót xa bằng nghi vấn. Yêu. Chà vẫn còn yêu. Và đau. Đau cho đến tận lúc chết!
Truyện được viết một cách nhẹ nhàng, chông chênh giữa thực và mê, giữa cao thượng và tàn bạo, giữa nhớ và tiếc, yêu và giận; lấy mê để chiêu tuyết cho thực, lấy giận mình để biện minh cho lỗi của người. Tình yêu dang dở, thế sự buồn đau, thần tượng đổ vỡ, ly hương, tha phương, cô đơn, nhớ nhung và ám ảnh… tất cả đều man mác nhưng quặn thắt lòng người. Đằng sau chuyện tình trớ trêu là bàn cờ thời cuộc, là sự thay đổi nhân tính, nhân tình liên quan đến chiến tranh và chính trị. Vì thế, chủ đề rất sâu sắc của truyện hiện ra sau nỗi cô đơn đến chết của người đàn ông đã từng kinh qua trận mạc, đối mặt với sinh tử. Ông ta đã mất gì? Mất người yêu, mất quê hương; và đau hơn cả là mất niềm tin vào nhân tính, nhân tình. Ai/ điều gì/lý tưởng nào đã biến người con gái chân chất, nhân hậu, nghĩa tình trở thành kẻ tàn ác? Câu hỏi đó chính là chủ đề mà độc giả phải tự giải mã từ nỗi đau của nhân vật Chà. Nỗi đau này được nhà văn Nguyễn Văn Sâm viết theo nguyên lý “tảng băng trôi”, phần chìm khuất là phần nặng nhất, nặng hơn sự kiện bề nổi là sự tan vỡ mối tình đầu. Vì thế, truyện ngắn Hương vị đời đã để lại dư hương ám ảnh lòng người.
Hương vị đời được nhà văn Nguyễn Văn Sâm thể hiện với nghệ thuật tự sự khá độc đáo. Truyện được kể với ba người kể chuyện. Đoạn đầu là người kể chuyện ở ngôi thứ ba và đoạn sau là hai người kể chuyện ngôi thứ nhất đảm nhiệm. Đoạn đầu kể về mối tình quê kiểng của Chà và Quyên. Đoạn sau kể về những tháng ngày day dứt của Chà ở viện dưỡng lão với hai cái “tôi”. “Tôi” là Chà kể lại tình huống đối mặt với Quyên trong chiến hào và nỗi niềm của mình trong suốt phần đời còn lại; “tôi” là người quen của ông Chà kể về cuộc sống, tâm trạng buồn bã và cái chết của ông. Việc thay đổi người kể chuyện khiến câu chuyện vừa sinh động, vừa tăng độ chân thực, vừa giàu chất rung cảm. Ngoài ra, ngôn ngữ nghệ thuật đa biến, đậm chất Nam bộ từ lời kể, lời tả đến lời bình; hình tượng nhân vật được xây dựng sắc nét; tình huống truyện và cấu trúc truyện kể nhiều bất ngờ cũng là những điểm nhấn cho tác phẩm.
Thân lưu lạc, đời đen bạc, nhân tình ác, “chút đăng đắng” từ Hương vị đời của Nguyễn Văn Sâm cũng đủ để làm người đọc hôm nay đắng đót với nỗi mất mát, tổn thương của những con người đi qua cuộc chiến huynh đệ tương tàn của hơn bốn mươi năm qua.