Trần Thiện Thanh
Người đi giữa chiến tranh và “nghĩ đến điều không dám nghĩ” là cố ca nhạc sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh.
Cuộc chiến đã xa và người lính hát ca cùng lửa đạn cũng không còn ở với chúng ta, nhưng dư âm cuộc chiến bức tử đó vẫn trong tiềm thức máu đỏ da vàng như một oan khuất của cả một dân tộc khi tháng tư về.
Người lính ca nhạc sĩ đã thành thiên cổ trong “tiếc thương vô cùng” của những người cùng thời “chinh chiến điêu linh” và cả những thế hệ về sau. Chú bé năm xưa ngồi chơi vỏ đạn trên những nẻo đường người lính Nhật Trường đã in dấu giày sau cũng không tưởng nổi mình đang ngồi gõ những dòng tri ân về người lính yêu đời, yêu người qua từng nốt nhạc – trên vùng đất cách xa bốn vùng chiến thuật và những vùng hoả châu năm xưa tới nửa vòng địa cầu. Một lần nữa, “Asia 61, Nhật Trường-Trần Thiện Thanh II” lại đưa chúng ta về những hoài niệm đầy cảm xúc với quê hương cũ như tựa đề tác phẩm bất hủ của nữ phóng viên quân đội Kiều Mỹ Duyên – “Chinh Chiến Điêu Linh”.
Chiến tranh đến như dịch bệnh, kẻ xâm lược như vi trùng làm băng hoại miền Nam, hư hao lòng người, gieo rắc hận thù và đổ nát quê hương trên hết những dòng lệ đau thương của chiến tranh – tiếng hát Nhật Trường và những dòng nhạc Trần thiện Thanh đã hong lại tình người từ đổ vỡ để yêu thương. Dòng nhân sinh viết bằng nốt nhạc đó sẽ muôn đời bất tử như người lính VNCH.
Cõi đất nước của các vua Hùng khởi nghiệp và một dân tộc liên tục chống ngoại xâm phương Bắc, mở mang bờ cõi phương Nam. Lịch sử oai hùng đã ngậm ngùi “dừng lại đó” với nhà cầm quyền đương đại không đặt Quốc gia, Dân tộc lên hàng đầu như một chính phủ dân cử. Xin mạn phép không bàn về “Nhà cầm quyền” trên trang báo trân trọng, “nghiêng mình” khi viết về cố ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Chắc cũng không quá lời khi nghe lại những dòng nhạc Trần Thiện Thanh, những người lính cũ đã già hồi tưởng lại một thời khói lửa xa xôi, những năm tháng “ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay”. Thư của lính vẫn còn đó trong âm nhạc Trần Thiện Thanh như một minh chứng về trái tim nhân bản của người đi giữa chiến tranh nhưng không sắt máu, cuồng tín vào một chủ nghĩa phi hiện thực, không tưởng để gieo rắc khổ đau lên ngay đồng bào và đất nước mình.
Chiến tranh đã là quá khứ, những người trai thư sinh, tay trắng mộng đầy bước vào cuộc chiến bảo vệ miền Nam. Để từ đó, máu đã đổ xuống những địa danh “tên vẫn chưa quen người dân thị thành”; những goá phụ thơ ngây, những vành khăn tang trên đầu trẻ em vô tội. Những đau thương ngút trời đó đều hiện hữu trong âm nhạc Trần Thiện Thanh, không khiếp nhược, thỏ đế “anh trở về trên đôi nạng gỗ; anh trở về hòm gỗ cài hoa”… là nét đặc thù của âm nhạc Trần Thiện Thanh. Dòng nhạc không viết theo thể loại nhạc “dụ” như những nhạc nô bên kia giới tuyến, “đường ra trận mùa này đẹp lắm” Nhạc Trần Thiện Thanh đi vào lòng người trai vì sông núi phải lên đường, không than oán cuộc đời khi xếp bút nghiên theo việc đao binh, khoác áo trận để giữ gìn Tự do cho miền Nam trong tâm tư đi giữa chiến tranh nhưng lòng không hận thù, những người trai rời ghế nhà trường đi vào quân ngũ để cùng đồng đội sẻ chia những phiên gác đêm thâu nhớ về góc phố, con đường, khung trời thơ mộng cũ Nhạc Trần Thiện Thanh không đưa người lính đến những bi lụy đời thường hay hô hào chung dung “đi quân dịch là yêu nói giống”.
Âm nhạc Trần Thiện Thanh trong sáng hơn với những người lính không chuyên bắn giết vì xuất thân học trò mơ mộng chưa nguôi trong cuộc chiến tương tàn, người thanh niên vừa thôi học đã khoác áo treillis, kề cận với hiểm nguy, giặc thù nhìn ngó cuộc chiến với cây súng trên vai người học trò vừa xa thành phố là nét độc đáo trong âm nhạc Trần Thiện Thanh. Hoàn toàn khác với những loại nhạc phản chiến cùng thời – không trực diện với sự xâm lăng của cộng quân, “Hát trên những xác người” nói lên được điều gì? Sự tàn nhẫn của chiến tranh không cần nghe nữa mà cần người đi chống giặc để chấm dứt chiến tranh. Và có chiến tranh thì có người nằm xuống- “những người lính không bao giờ chết” trong âm nhạc Trần Thiện Thanh sống mãi với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc từ ngàn đời. “Anh không chết đâu anh – người anh hùng mũ đỏ tên Đương” là hình tượng người lính trong âm nhạc Trần Thiện Thanh, những người bình thản nằm xuống cho người khác được sống hàng hà trong những ca khúc làm nức lòng người nhưng không hèn nhát, bi lụy… “Phút giao mùa; Giấc ngủ trên đồi xanh; Người ở lại Charlie; Trên đỉnh mùa đông; Rừng lá thấp; Người chết trở về”
Với hơn hai trăm nhạc phẩm để lại cho đời, Trần Thiện Thanh viết về người lính VNCH bằng cảm xúc chân thành, trân trọng, thấu hiểu và sẻ chia của một người lính-Trần Thiện Thanh. Nên âm nhạc của ông thực sự đi vào lòng người bằng rung cảm con tim của cả một thời đại. Những “Thư của lính; Màu mũ xanh; Người yêu của lính; Đồn vắng chiều xuân; Không bao giờ ngăn cách; Tuyết trắng” Là tiếng lòng của cả thế hệ thanh niên miền Nam đi giữ nước. Nhưng không vì thế mà nhạc Trần Thiện Thanh thiếu lãng mạn, tình cảm lứa đôi khi nghe những nhạc phẩm: Trên đỉnh mùa đông; Bảy ngày đợi mong; Khi người yêu tôi khóc; Lâu đài tình ái; Ai nói yêu em đêm nay; Một đời yêu em; Hoa trinh nữ; Từ đó em buồn đến nhạc phẩm bất hủ “Chiều trên phá Tam Giang” thì âm nhạc của Trần Thiện Thanh đã chuyên chở hết một thời kỳ lịch sử vào âm nhạc. Nhạc Trần Thiện Thanh gắn liền với nước mắt, nụ cười của một triệu quân nhân và đồng bào miền Nam.
Dòng nhạc của ông được trân trọng và gìn giữ là lẽ tự nhiên của người đời sau đối với người lính ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nói riêng; đối với Quân Lực VNCH nói chung. Chương trình ca nhạc Asia 50 “Nhật Trường-Trần Thiện Thanh” ghi lại tình yêu-cuộc đời-và sự nghiệp của ông đã được đồng bào cả trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt là những người lính miền Nam đã cùng Nhật Trường chia ngọt sẻ bùi trên bốn vùng chiến thuật của cuộc chiến xa xưa.
Trung tâm Asia với sự gắn bó thâm tình cùng người lính, đồng bào theo thời gian lưu vong, – một lần nữa thực hiện Asia 61 với chủ đề “Nhật Trường-Trần Thiện Thanh II” để vinh danh và tri ân người chiến sĩ – ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh trong mong đợi, hoan nghênh của đồng hương và đồng đội ông trong dịp kỷ niệm 34 năm tháng tư đen. Đại hội sẽ được tổ chức và trực tiếp thu hình ngày thứ bảy 28 tháng 02 năm 2009, tại LONG BEACH CONVENTION CENTER – 300 E. Ocean Boulevard – Long Beach, California 92802.
DVD thu hình sẽ phát hành vào dịp 30 tháng 04 năm nay (2009). Chân thành cảm ơn Trung tâm Asia đã một lòng với người lính cộng hoà, với cố ca nhạc sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh bằng hành động thiết thực để tưởng nhớ đến “người đi giữa chiến tranh”. Kính chúc Trung tâm Asia thành công như ý. Và đồng hương một đêm hội ngộ với Nhật Trường nhiều ý nghĩa.
Trân trọng.
Phan