Khi “chiếc máy ATM gạo” được lắp đặt tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội được bốn ngày thì phải tạm dừng hoạt động để lập lại trật tự bởi bà con chen lấn, xô đẩy nhau để lấy gạo, bất chấp khoảng cách an toàn theo quy định. Những bức ảnh mô tả cảnh hỗn loạn ấy được tung lên mạng kèm theo những lời chỉ trích gắt gao. Nhiều trang mạng đăng kèm với bức ảnh khác, cũng tại một điểm phát gạo tự động ở Sài Gòn, bà con xếp hàng trật tự theo đường vạch đúng khoảng cách quy định. Người ta đăng kèm song song hai bức ảnh với ý đồ so sánh văn hóa vùng miền.
Bạn tôi, nhà văn Sương Nguyệt Minh ở Hà Nội viết liền hai status bày tỏ sự trăn trở. Ban đầu anh muốn lý giải rằng đây không phải là người Hà Nội mà là dân nhập cư tứ xứ. Trước những comment tiếp tục chỉ trích người Hà Nội và đề cao nét văn hóa của dân Sài Gòn, anh viết tiếp một status thứ hai, kèm theo ba bức ảnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn: “Có phải đây là sự thật phũ phàng? Mình không phải là người Hà Nội gốc, nhưng cũng ở cái đất nầy mấy chục năm. Mình nhìn mấy cái ảnh dân mạng chuyền nhau xem, cứ thấy buồn vời vợi và xót xa cho người Hà Nội. Mình không dám cãi, có cãi cũng thua”.
Tôi hiểu và chia sẻ với cái nỗi “buồn vời vợi” của anh Sương Nguyệt Minh, nhất là trong những ngày nầy, những ngày tôi đang sống ở Mỹ, tôi nhận rõ hơn sự kỳ thị của người Mỹ dành cho dân châu Á, họ xem mình như một thứ virus đang gây thảm họa cho nước Mỹ.
Nhà văn vốn có nhiều cảm xúc, càng dễ bị tổn thương khi bị ai đó chạm đến văn hóa vùng miền. Tôi cũng từng mang một nỗi “buồn vời vợi” khi bị người Bắc xem thường văn hóa miền Tây, bị cho rằng văn hóa miền Tây là thứ văn hóa khẩn hoang, trống vắng bề dầy lịch sử. Tôi vốn ghét cái thói quen ích kỷ, chủ nghĩa địa phương, kỳ thị vùng miền. Ở đâu cũng có người tử tế, và ngược lại, ở đâu cũng có phường vô lại. Người Nam tự hào về tính cách hào phóng, rộng lượng, bao dung, chịu chơi của mình nhưng họ lại cho rằng người Bắc ky bo, keo kiệt, khách sáo.
Cách đây một năm, cũng vào những ngày nầy, tôi đang ở Mỹ thì được tin anh em trong ê kíp làm phim Hành Trình Cây Lúa Việt Nam của tôi đang hoạt động ở Mèo Vạc, Hà Giang bị rơi mất chiếc flycam. Tôi liền gọi điện cho nhà văn Sương Nguyệt Minh nhờ anh giúp đỡ, chỉ trong vòng vài giờ sau, anh chạy ra ngân hàng rút tiền nhờ người bạn mua cho chúng tôi chiếc flycam khác. Tôi nhớ mấy năm trước, nhà văn Nguyễn Một ở Sài Gòn đang xây nhà nhưng hết tiền, lập tức Sương Nguyệt Minh chuyển cho Nguyễn Một mượn 100 triệu đồng mà không cần hẹn bao lâu sẽ trả. Nhà văn Sương Nguyệt Minh không phải là người khá giả, ngoài việc sáng tác văn chương, anh cặm cụi viết báo kiếm từng đồng nhuận bút gởi tiết kiệm.
Đầu năm 2019, trước khi đoàn phim chúng tôi khở hành ra Tây Bắc, một vùng đất mà tôi chưa đặt chân đến bao giờ. Tôi gọi điện nhờ Sương Nguyệt Minh giúp đỡ. Anh giới thiệu với tôi mấy người bạn của anh, gồm anh Kích ở Hà Giang, nhà văn Đoàn Hữu Nam ở Lào Cai, nhà Thơ Nguyễn Hà Thu ở Sơn La… Khi chúng tôi đến nơi, họ tiếp đãi ân cần, chu đáo như người nhà, rồi lại tiếp tục giới thiệu cho chúng tôi những người bạn khác, họ đưa chúng tôi đến tận những bản làng heo hút xa xôi, giúp chúng tôi tiếp cận với đồng bào các dân tộc để tổ chức cảnh quay. Nếu không có sự nhiệt tình của những người bạn ấy, chúng tôi không thể nào có được những thước phim như mong muốn.
Khi đoàn phim chúng tôi hoạt động tại Hà Nội hơn mười ngày, nếu phải ở khách sạn thì chi phí không dưới vài chục triệu đồng, nhưng nhà thơ Lê Quang Sinh đưa chúng tôi về ở miễn phí trong nhà khách của Hội nhà văn, chăm lo chu đáo.
Khoảng mười năm trước, khi tôi khởi công xây dựng nhà yến, cần một số ẩm nhiệt kế để theo dõi ẩm độ và nhiệt độ, tôi lên mạng tìm kiếm thì phát hiện loại mà tôi cần chỉ có bán ở Hà Nội. Tôi gọi điện nhờ nhà văn Phan Đình Minh mua giúp, mấy ngày sau anh gởi vào với số lượng gấp đôi. Tôi nhờ anh cho số tài khoản để tôi chuyển tiền, anh nói tặng cho bạn xài, có đáng là bao. Phan Đình Minh cũng là một nhà văn nghèo, sống trong căn hộ tập thể nhỏ nhoi, nóng bức, nhưng số tiền mấy triệu đồng mà anh nói có đáng là bao sao nghe nhẹ nhàng, thanh thản!
Cái câu “Người Hà Nội Thanh Lịch” có một thời tôi nghe quen gần như là thuật ngữ. Nhưng bây giờ dường như mỗi lúc một xa xôi.
Trong những ngày cộng đồng mạng ồn ào về bức ảnh người Hà Nội chen nhau lấy gạo, bất chấp sự lây nhiễm của con Covid với những lời chỉ trích gay gắt, và kèm theo một bức ảnh người Sài Gòn ôn hòa, trật tự xếp hàng đi lấy gạo nhằm so sánh văn hóa vùng miền, bên cạnh cái nỗi “buồn vời vợi” của nhà văn Sương Nguyệt Minh, tôi đọc được status của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, cũng đăng kèm với hai bức ảnh: “Cái này không phải do khác nhau vùng miền mà khác nhau do sống với cộng sản lâu hay mau. Giống như người Hoa Lục với Hoa Hong Kong. Tất cả đều do giáo dục mà ra.”
Lời “phán” của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh làm tôi suy nghĩ cả đêm. Theo tôi thì đó là lời giải thích đầy đủ nhất.
Tôi nhớ tới cái video clip người Trung Quốc chen nhau giành giựt hốt đồ ăn trong một tiệm buffet ở Nha Trang một thời làm xôn xao cư dân mạng. Họ, những người khách du lịch chứng tỏ rằng họ không nghèo đói. Nhưng đó là di chứng của sự nghèo đói, cái thứ di chứng truyền qua nhiều thế hệ của một thời kỳ dài bị đánh vào bao tử. Tôi có một cô bạn làm giáo viên ở Sài Gòn nhưng cha mẹ cô sống ở Mỹ theo diện HO. Một hôm cô đưa gia đình cô xuống nhà tôi chơi nhân dịp cha mẹ cô về nước. Trong lúc mọi người đi dạo trong vườn, cô kể tôi nghe câu chuyện về ba cô: “Bà em hồi xưa là thiếu tá, sĩ quan Đà Lạt, rất hào hoa, oai phong lẫm liệt, phải nói là cả nhà xem ông như một thần tượng. Nhưng sau mười mấy năm ở tù về, ông thay đổi đến không ngờ, ổng trở thành một người “ba phải”, cái tính cương trực ngày xưa biến đi đâu mất, đặc biệt là ổng giấu đồ ăn, hễ trong nhà có đồ ăn là ông đem đi giấu, giờ qua Mỹ cũng thế, sống giữa cái xứ giàu có, thừa bơ thừa thịt mà hễ gặp đồ ăn là đem đi cất giấu. Em nghĩ mười mấy năm ở tù, ăn uống thiếu thốn làm cho con người ta biến đổi tính cách.”
Cách nay gần bốn mươi năm, lúc tôi làm phóng viên của tuần báo Minh Hải, xứ sở nổi tiếng nhiều cá tôm và lúa gạo. Nhưng thời bao cấp, tất cả lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng đều do nhà nước quản lý và phân phối. Cuộc sống lâm vào cảnh thiếu thốn, đói nghèo. Ở một xứ nổi tiếng lúa gạo mà chúng tôi mỗi tháng chỉ được phân phối 13kg gạo ẩm gạo mốc, ở một xứ nổi tiếng cá tôm mà mỗi bữa cơm một đứa chỉ được ăn hai con cá phi bằng hai ngón tay kho lều bều nước, thậm chí tới nước cá kho còn không đủ để chan cơm. Trong bếp ăn tập thể, thỉnh thoảng có người tự “cải thiện” bằng cách mua thêm thức ăn, nhưng không cần mời, mọi người cứ thò đũa vô gắp sạch. Từ đó về sau, hễ ai mua thức ăn về cải thiện thì phải chờ cho mọi người ăn xong mới dám dọn ra. Một vài người khác hiểu được điều đó thì canh me, chờ cho tới khi người ta dọn đồ ăn ra là nhào vô ăn ké.
Cái đói luôn kèm theo cái nhục, nhục từ miếng ăn. Sẽ không thể kể hết nỗi nhục miếng ăn của thời bao cấp.
May thay, đến năm 1990, cánh cửa thị trường tự do hé mở. Người dân xứ tôi có lẽ chỉ chịu những cú đánh vào bao tử mới mười lăm năm nên chưa bị xoáy mòn nhân cách, chưa thành di chứng, sự hào phóng chưa biến mất bởi nó được tích lũy gần 300 năm ưu đãi của thiên nhiên.
Đọc mấy câu “phán” của anh Huỳnh Ngọc Chênh, tôi tự hỏi, nếu cái chủ nghĩa xã hội quái thai còn kéo dài ở miền Nam cho tới bây giờ, liệu chúng ta có được bức ảnh người Sài Gòn xếp hàng trật tự với khoảng cách hai mét trước cái máy ATM gạo để chúng ta so sánh với người Hà Nội hay không?
Vắn tắt đôi điều nghĩ từ hai bức ảnh, tôi muốn chia sẻ với bạn tôi, nhà văn Sương Nguyệt Minh rằng, thôi anh đừng mang cái nỗi “buồn vời vợi” nữa. Bởi đó là nỗi buồn chung của cả dân tộc nầy chớ không phải của riêng ai, nỗi buồn ấy bắt đầu từ hơn sáu mươi năm trước, kể từ khi những dòng người khăn gói xuống bến cảng Hải Phòng để làm cuộc di cư lịch sử, từ đó, câu thuật ngữ “Người Hà Nội Thanh Lịch” đã không còn.
VÕ ĐẮC DANH