NÊN NHÌN NHẬN QUAN KẾ HUY DƯỚI GÓC ĐỘ TỴ NẠN HƠN LÀ GỐC VIỆT (VOA)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tài tử Quan Kế Huy khoe tượng vàng Oscar mà ông vừa giành được

Tài tử Quan Kế Huy vừa giành được giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar vào tối ngày 12/3 cho vai diễn trong phim ‘Everything Everywhere All at Once’ và trở thành tài tử sinh ra ở Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng danh giá này.

Gốc Việt hay gốc Hoa?

Ông Huy sinh ra tại Chợ Lớn, thành phố Sài Gòn, miền Nam Việt Nam vào năm 1971 trong một gia đình gốc Hoa. Đến năm ông 8 tuổi, ông được gia đình đưa lên tàu vượt biên đến Mỹ để chạy trốn chính quyền cộng sản vốn vừa giành được chính quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Tiểu sử của ông Quan Kế Huy trên Wikipedia ghi rõ rằng ông là ‘người Mỹ gốc Hoa’ nhưng cho biết thêm ‘ông sinh ra ở Việt Nam’. Ông được cho là nói được tiếng Quan thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Anh và tiếng Việt.

Các báo đài tiếng Việt ở trong nước và hải ngoại khi đưa tin về thành tích của ông Huy đều ghi ông là người ‘gốc Việt’, chẳng hạn như Tuổi Trẻ, Thanh niên, VTV, VOV…, nhưng sau đó các báo trong nước đều sửa lại là người ‘gốc Á’.

Trước ông Quan Kế Huy, có một số trường hợp người Hoa sinh ra, trưởng thành hay sống một thời gian ở Việt Nam rồi trở về và thành danh ở Hong Kong, chẳng hạn như các minh tinh Lương Gia Huy, Lữ Lương Vỹ hay Chung Lệ Đề. Tuy nhiên, bản thân những tài tử này không tự cho mình hay được đề cập đến là người ‘gốc Việt’.

Nên xem ông Huy là người gốc Việt hay gốc Hoa đang là vấn đề gây tranh cãi trên mạng xã hội và trên chính diễn đàn của VOA.

“Dù cha mẹ gốc ở đâu đi chăng nữa, nhưng nơi mình được ra đời, đó là quê hương của mình,” một độc giả tên là Phan Liên viết trên diễn đàn của VOA để lập luận rằng ông Huy là người Việt.

Một độc giả tên là Minh Trí Trần ghi: “Bây giờ người Việt Nam ở Chợ Lớn là người Hoa đó. Họ có đi đâu ở đâu cũng gọi là người gốc Việt cả vì người ta đã và đang là người Việt Nam mà. Gốc Hoa đâu ra khi mà họ đã từ bỏ Trung Hoa đi từ thời xa xưa.”

Độc giả Khanh Phạm còn nói cụ thể hơn rằng ông Huy là ‘gốc Việt Nam Cộng hòa’ do cha mẹ là người Hoa đến Việt Nam Cộng hòa sinh sống và sinh ra ông Huy ở đó và gia đình ông Huy đến Mỹ ‘với tư cách là thuyền nhân Việt Nam Cộng hòa tị nạn cộng sản’.

Ở chiều ngược lại, độc giả Đoàn Thị Thùy Dương chỉ ra việc cha mẹ ông Huy là người Hoa để lập luận rằng ông ‘không có dòng máu Việt trong người nên không thể gọi là gốc Việt được’.

“Khi ở Việt nam thì được gọi là người Việt gốc Hoa, nhưng khi đã ở Mỹ thì phải gọi là Người Mỹ gốc Hoa mới đúng. Hay nói cách khác hơn là người Mỹ gốc Hoa sinh ra và lớn lên ở Việt Nam,” độc giả có tên là Alain Trịnh phân tích.

Độc giả Phạm Văn Trù ghi: “Ông ấy không hề có tí dính dáng gì về gốc gác dòng máu người Việt Nam cả nên gọi ông ấy là người Mỹ gốc Việt là sai hoàn toàn, ông ấy phải là người Mỹ gốc Hoa. Chúng ta có thể chúc mừng sự phấn đấu gian khổ để đạt được thành công của diễn viên người Hoa này như bất kỳ diễn viên nào khác đoạt giải Oscar, nhưng không vì thế mà ‘thấy người sang bắt quàng làm họ’ được.”

‘Khen ngợi, không hãnh diện’

Trao đổi với VOA từ miền Nam California, bà Lê Thị Kim Anh, một kỹ sư có bằng thạc sỹ về xây dựng và môi trường, nói bà ‘chúc mừng thành tích cá nhân của ông Huy’ và cho đây là ‘niềm vinh dự cho bản thân, gia đình và những người từng giúp đỡ ông Huy’.

“Tôi không hãnh diện gì hết nhưng mà tôi khen ngợi ông vì đó là một tấm gương cho con tôi, cháu tôi, cho những người trẻ, cho những người tị nạn,” bà nói với VOA khi được hỏi là với tư cách là người Việt tị nạn, bà có thấy ‘thơm lây’ với thành tích của ông Huy không.

“Ông ấy sinh ra ở Việt Nam là điều mà ông ấy không có quyền lựa chọn, nhưng chính bản thân ông ấy có nhận mình là người Việt Nam hay không?” bà nói. “Tại sao cộng đồng mình cứ vơ vào là như thế nào. Phải để cho ông ấy nói rõ ông ấy muốn nhận mình là người Việt hay người Hoa.”

Cho nên bà Anh cho rằng cộng đồng người Việt ở Mỹ thay vì tự hào hay hãnh diện vì ông thì nên ‘khen ngợi ông, ủng hộ ông và mời ông đi nói chuyện với thế hệ trẻ của Việt Nam để thấy ông là tấm gương sáng. “Nếu ông nói được tiếng Việt với người lớn tuổi thì càng tốt,” bà nói.

Tương tự, người kỹ sư về hưu này nói rằng chính quyền và báo chí trong nước ‘cũng không có mặt mũi nào mà nhận ông Huy là người Việt Nam’.

“Chính ông Huy đã nói rất rõ đó là một cơn ác mộng khi nhắc về Việt Nam và đã cảm ơn người mẹ 84 tuổi đã cứu ông ra khỏi Việt Nam,” bà chỉ ra. “Tại sao họ đã lấy nhà cửa và xua đuổi gia đình người ta với một đứa bé phải đi vượt biển?”

Do đó, bà lập luận ‘chính quyền cộng sản không những không có công gì trong thành tích cùa ông Huy mà còn gây tai họa cho gia đình ông’, nên nếu vơ vào thành tích của ông Huy thì sẽ là ‘sự thô bỉ, mất tư cách’.

Từ trong nước, nhạc sỹ Tuấn Khanh ở thành phố Hồ Chí Minh nhận định với VOA rằng ông Quan Kế Huy ‘thuộc gia đình người Hoa nhập cư vào Việt Nam và sinh trưởng ở Việt Nam’ và ‘không thể lấy niềm vui của ông Huy là niềm vui của dân tộc hay của cộng đồng’.

“Ông ấy có nghĩ mình là người Việt hay không thì trong suy nghĩ của ông, nhưng nhiều gia đình ở miền Nam đã rời bỏ Việt Nam sau ngày 30/4 nhìn nhận gia đình ông Huy vốn cũng ra đi trong biến cố 30/4 như là người Việt Nam mặc dù người ta không còn gốc gác đó nữa,” nhạc sỹ Tuấn Khanh cho biết.

Ông chỉ ra rằng không chỉ người Hoa mà người Hmong hay người Khmer khi rời bỏ Việt Nam ra đi tìm tự do thì tất cả ‘đều được xem là người tị nạn Việt Nam’. Nhưng, theo lời ông, đối với họ ‘Việt Nam chỉ là quê hương thứ hai’.

Cũng như bà Kim Anh, người nhạc sỹ này chỉ trích tình trạng chính quyền Việt Nam ‘nhận vơ’ khi thấy người Việt hay có chút dính dáng đến Việt Nam có thành tích ở hải ngoại, như trường hợp đạo diễn Kim Nguyễn ở Canada, người được trong nước ca ngợi nhưng sau đó đã nói thẳng là ‘ông không có liên hệ gì với Việt Nam cả’.

“Ở Việt Nam lâu nay có một thói quen của đám đông là mất bình tĩnh khi thấy những trường hợp thành đạt ở phương Tây và bắt đầu coi đó là một phần đời sống của mình.”

Câu chuyện tị nạn

Tuy nhiên, cả bà Lê Thị Kim Anh và nhạc sỹ Tuấn Khanh đều cho rằng thành công của ông Quan Kế Huy gợi cho họ nhớ đến câu chuyện của những người tị nạn Việt Nam. Bản thân bà Anh cũng giống ông Huy là bà vượt biên cùng gia đình đến Mỹ vào năm 1981, sau ông Quan Kế Huy hai năm.

“Tôi đã trải qua những gì mà ông ấy đã trải qua và tôi hiểu những gian khổ mà ông đã vượt qua,” bà giãi bày.

Bà nói ký ức chuyến vượt biên trên biển của bà ‘hằn lên đầu óc tôi không thể nào quên được’ nên bà cho rằng ‘những gì trong tiềm thức của ông Huy chắc chắn là kinh khủng, tồi tệ’.

Theo lời kể của bà thì vào thời điểm cuối những năm 70 và đầu những năm 80, những Hoa kiều đi vượt biên chủ yếu ‘thuộc dạng bán chính thức’, tức là chung tiền để được chính quyền tổ chức cho đi.

“Họ đi có công an hộ tống. Họ phải đóng gấp bốn lần số tiền vàng so với những người trốn chui trốn nhủi khác, và họ bị kiểm kê và lấy tất cả tài sản trước khi bị đày ra biển,” bà kể.

Về phần mình, nhạc sỹ Tuấn Khanh cho rằng câu chuyện của ông Quan Kế Huy ‘gắn liền với câu chuyện lịch sử của những người Việt đã rời khỏi đất nước trong biến cố ngày 30/4’.

“Trong câu chuyện của những người rời đất nước ra đi mang theo nhiều bi kịch, người ta chia sẻ để thấy rằng một người ra đi giữa bi kịch đó và cố gắng thành đạt được thì niềm vui đó được chia sẻ trong dòng người đi cùng với nhau trong một giai đoạn lịch sử,” ông phân tích.

“Đối với ông Quan Kế Huy thì ký ức lớn nhất của ông không phải là nỗi nhọc nhằn những ngày đầu sống trên đất Mỹ, mà là trên con thuyền ra biển và đi tị nạn,” ông nói thêm, ý nhắc đến lời phát biểu nhận giải của ông Huy đề cập đến hành trình của ông bắt đầu trên một con tàu tị nạn.

Buồn cho nhân tài ở Việt Nam?

Từ câu chuyện của ông Huy, bà Anh nói rằng bà ‘buồn cho người Việt trong nước’ vì ‘không có điều kiện phát huy tài năng’.

Bà cho biết thời bà sống ở miền Nam trước năm 1975, bà biết ‘rất nhiều người rất có tài’.

“Những nhân tài đó sau năm 75 tiếp tục cho đến bây giờ vẫn tiếp tục bị xua đuổi, vẫn bị đày đọa, vẫn không được trọng dụng,” bà nói.

Bà so sánh trường hợp ông Huy là ‘hạt giống tốt gieo trên mảnh đất màu mỡ là Hoa Kỳ’ và cho biết bà đã gửi tin về thành tích của ông Huy cho con cháu và nói rằng: “Phải thấy chúng ta rất là có may mắn được sống trong một đất nước mà họ công nhân tài năng thật sự và giúp đỡ những người có tài năng thật sự.”

Nhạc sỹ Tuấn Khanh cũng cho rằng ở Việt Nam với sự kiểm duyệt khắt khe về chính trị thì ‘các diễn viên tài năng cũng khó mà trở thành tài tử lớn’

https://www.voatiengviet.com/a/nen-nhin-nhan-quan-ke-huy-duoi-goc-do-ti-nan-hon-la-goc-viet-/7006360.html?fbclid=IwAR1YKwwnm1K82yfg1wLekxKjh6CE-bNFCjSz0Pw_Zwv7_6ih0s_XzO08TBE