Viết theo lời kể của binh nhất Nguyễn Văn Cư Đại Đội 4, Tiểu Đoàn 52 BĐQ
Một buổi tối khoảng hơn 10 ngày sau ngày 30-4-75, lúc đó vào khoảng 7giờ, vì e ngại những bất trắc có thể xảy ra nên chúng tôi đã đóng cửa nhà từ lúc còn chạng vạng, bỗng có tiếng gõ cửa, vợ chồng tôi giật mình ngó nhau, quơ vội cây colt 45 tôi vẫn giữ phòng thân, mở khóa an toàn tôi ra dấu cho vợ tôi ra mở cửa, còn tôi định bụng nếu bọn du kích hoặc đám cách mạng 30 đến thì e chuyện chẳng lành, nên đứng núp sau cái kệ ngăn giữa phòng khách và phòng ngủ, tay lăm lăm cây súng sẵn sàng phản ứng nếu thấy tình hình bất ổn sẽ phải hành động để thoát thân trước, rồi tới đâu thì tới . Vợ tôi cẩn thận hỏi trước:
– Xin lỗi ai đó?
Giọng của một người xứ Quảng vọng vào:
– Chị, em là Cư đây.
Nghe tiếng nói có phần hơi quen, tôi im lặng tiến về phía cửa và ra dấu cho vợ tôi hỏi lại lần nữa. Lần này tôi đã xác định rõ đúng là Cư người “tà lọt” của tôi lúc ở 52. Tôi kéo cái chốt cửa, Cư xuất hiện trong bộ đồ màu xám. Tôi giắt cây súng vào lưng, kéo nó vào nhà và đóng cửa lại. Vợ tôi với nét mặt vẫn còn nghi ngại, vì sau ngày 30-4 không thiếu gì kẻ theo voi ăn bã mía, theo đóm ăn tàn, như trường hợp thằng hạ sĩ Như ở hậu cứ TĐ 36 và thằng Tư, anh em bạn rể với thượng sĩ Lê Viêm đã thấy đeo băng đỏ xuất hiện bên phường Tân Tiến và khu lò than, vì ranh giới giữa hai phường là con đường QLI. Mấy hôm trước bị bắt đi “lao động xã hội chủ nghĩa” vét cống dọc đường, tôi đã cố tránh không để chúng nhìn thấy, không phải vì sợ chúng nó, mà sợ vì mình sẽ không chịu nổi cảnh dậu đổ bìm leo.
Tôi bắt đầu hỏi:
– Sao mày không về quê mà còn ở lại đây làm gì?
– Em bị chúng bắt làm tù binh, bọn chúng đưa em về đây kéo dây điện thoại cho bọn chúng. Em xin phép đi thăm bà con để nhắn tin về gia đình, em vừa lên hậu cứ tìm cậu em nhưng không còn ai ở trong khu gia binh. Em tạt vào đây để thăm gia đình đại úy, gặp lại ông thầy là em mừng rồi.
Sau đó nó kể lại cho tôi nghe sự việc nó bị bắt và sự kiện liên quan đến cái chết của Tr/u Vi Văn Đạt, đại đội trưởng đại đội 2/52,Tr/u Trần Vạn đại đội trưởng đại đội 4/52 và hạ sĩ Nguyễn văn Râng.
Tưởng cũng nên ghi lại một phần tiểu sử của những anh hùng chưa được một lần biết đến.
Trung úy Vi Văn Đạt đại đội trưởng đại đội 2/52 xuất thân khóa 25 trường Võ Bị Quốc Gia. Chúng tôi cùng ở một địa phương và biết nhau khi còn đi học, nhưng không chơi thân với nhau. Khi Đạt về 52, chúng tôi bắt đầu chơi thân, tôi thường gọi anh là Vi Tiểu Bảo, Đạt thay thế Tr/u Phú nắm đại đội trưởng khoảng cuối năm 73.
Trung úy Trần Vạn đại đội trưởng đại đội 4/52, xuất thân từ khóa đặc biệt ra trường năm70, trước khi đi học khóa sĩ quan, anh là trưởng ban quân xa tiểu đoàn 36 BĐQ. Vạn từ đại đội 2 sang đại đội 4, làm đại đội phó cho tôi vào cuối năm 73, khi tiểu đoàn chuyển từ Bình Long xuống Chơn Thành. Tính tình anh điềm đạm hòa nhã, anh có thể thích hợp trong vai trò của một sĩ quan hậâu cứ hơn là một sĩ quan chỉ huy đơn vị tác chiến, khi tôi rời 52 đi học khóa bộ binh trung cấp vào giữa năm74 thì anh vừa thăng cấp trung úy và được đề cử giữ chức đại đội trưởng thay tôi.
Hạ sĩ Nguyễn văn Râng thuộc ĐĐ 4/52, Râng mãn khóa tân binh tại Dục Mỹ và được bổ sung cho ĐĐ tôi tại Suối Đá, trước ngày nhảy lên tử thủ Bình Long năm72, sau mùa hè đỏ lửa, Râng được đặc cách binh nhất, rồi sau đó thăng hạ sĩ, quê nó ở Gia Kiệm, nên tôi thường gọi đùa là “Bắc Kỳ Râng”
Theo lời Cư kể.
Khi Việt Cộng tấn công Chơn Thành, chúng dùng chiến xa tấn công vào phòng tuyến ĐĐ 4/52 đang phòng thủ tại khu gia binh cư, trước mặt BCH/ Chi khu. Nhưng trước sự chống cự mãnh liệt của đại đội, dưới sự chỉ huy dũng cảm không ngờ của tr/u Vạn, 4 tăng T54 đã bị bắn cháy, bọn VC đã phải bọc vòng xuống hướng nam, chuyển mũi tấn công vào BCH/CK và BCH/LĐ3/BĐQ. Khi được lệnh triệt thoái, đại đội 4 giữ nhiệm vụ đoạn hậu đã rút về hướng đông, đến Nha Bích rồi, từ đó trực chỉ hướng nam bảo vệ phía sau cho BCH/TĐ và BCH/LĐ. Dọc đường bị VC chận đánh tại nhiều nơi, trung úy Vạn đã bị thương nặng, Cư đã cõng Vạn được gần trăm thước, nhưng bị địch bám sát. Khi ngang qua một bụi cây thì phát hiện trung úy Đạt cũng bị thương đang nằm ở đó. Thấy Cư cũng đã đuối sức trung úy Vạn lệnh cho Cư bỏ anh lại cạnh trung úy Đạt và yêu cầu để lại cho anh mấy trái lựu đạn. Thấy ông thầy đã quyết định như vậy, hơn nữa anh cũng không còn đủ sức, nên Cư đành để ông nằm lại, sau khi để lại mấy trái lựu đạn anh cũng không quên để thêm bịch gạo sấy và dặn dò:
– Hai Trung úy cứ nằm yên giả chết, đừng động đậy, hy vọng chúng không phát hiện. Thôi ông thầy ở lại em đi.
Nói xong anh gạt nước mắt rồi gắng sức vùng chạy. Chưa đầy hai phút sau, anh nghe nhiều tiếng lựu đạn nổ phía sau, nhiều tiếng hét hãi hùng vọng lại, chạy được hơn trăm thước nữa thì anh bị chúng bao vây, phải buông súng đầu hàng. Sau khi bị lãnh mấy báng súng, chúng bịt mắt anh lại rồi dắt đi, thỉnh thoảng anh lai nghe tiếng léo nhéo của đámVC miền Bắc và số tù binh thì dường như lại đông hơn, chúng dùng dây trói hai người làm một để cho khó trốn chạy rồi dẫn đi. Trên đường đi Cư nghe thấy mấy tên VC nói với nhau:
– Đm., cái quân Biệt Động ngụy Sài Gòn này ngoan cố vô cùng, hai thằng trung úy bị thương gần chết vậy mà chúng còn ngoan cố dùng lựu đạn chống cự khiến mấy đồng chí của ta bị hy sinh. Chúng lại còn tự cho nổ tan xác, đ.m đúng là bọn ngoan cố phản cách mạng.
Nghe chúng nói vậy Cư biết là cả hai ông trung úy đã hy sinh, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Khi đến đồn điền cao su Minh Thạnh thì chúng cho dừng lại nghỉ, vì đã vào vùng an toàn của bọn chúng, nên chúng cho người gỡ miếng vải bịt mắt ra, sau vài phút điều tiết cho quen với ánh sáng, Cư nhận thấy có khoảng hơn ba chục anh em gồm cả BĐQ và ĐPQ, trong số này có hơn chục anh em thuộc TĐ52 và có cả thằng Râng cùng đại đội, anh ra dấu đã nhìn thấy nó.
Cho đến khi trời sụp tối bọn VC dồn anh em lên một chiếc xe tải. Đến khoảng nửa đêm chúng đổ bọn anh xuống một khu rừng đã bị phá nát vì bom đạn, một vài căn nhà tranh vừa mới được dựng lên, chúng lùa bọn anh vào hết một căn, rồi gác ở bên ngoài. Sáng hôm sau, chúng cho bọn anh biết đây là Kàtum, bọn anh đựoc lệnh dọn dẹp cây cối ngã đổ, đốn cây, cắt tranh, dựng lán trại, ngoài ra còn có những buổi phải học chính trị,sinh hoạt kiểm điểm hàng đêm, thấm thoát đã hơn một tháng, đốn cây san đất đã phồng tay, học tập chính trị đã chai mắt cá chân.
Hôm 30/4/75, sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì chúng tập họp bọn anh lại, một tên sĩ quan mặt vênh váo giọng sắt máu lên tiếng:
– Tôi báo cho các anh biết ngụy quyền miền Nam của các anh đã hoàn toàn sụp đổ. Thằng Thiệu, thằng Kỳ đã trốn đi nước ngoài, thằng Tổng Thống Minh đã đầu hàng, các anh khôn hồn thì đừng có ngoan cố tiếp tục chống phá cách mạng, hãy ngoan ngoãn học tập lao động cải tạo, rồi cách mạng sẽ khoan hồng cứu xét cho về đoàn tụ với gia đình, bằng không sẽ bị cách mạng trừng trị thẳng tay, các anh nghe rõ chưa?
Nó gằn giọng vào những tiếng cuối cùng, hàm ý đe dọa rồi nhếch miệng cười vẻ đắc thắng, cả bọn tù ngồi im lặng, tai Cư lùng bùng, thế là hết, hết thật rồi, không còn trông mong gì lính mình đến giải cứu, rồi đây không biết số phận mình sẽ bị bọn chúng định đoạt ra sao? Nhưng bỗng có một tiêng la “chưa” thật lớn ở phía sau, tên sĩ quan hét lớn lên như để trấn áp.
– Anh nào đó đứng lên!
Mấy tên vệ binh đứng chung quanh hùng hổ súng chĩa vào phía tù như sẵn sàng tàn sát, có một người đứng bật dậy đó là thằng Bắc Kỳ Râng đang chững chạc hét lên như dồn mọi căm hận lên đầu bọn VC:
– Đm. chúng mày, tao có gọi Hồ chí Minh của chúng mày bằng thằng đâu mà chúng mày gọi Tổng Thống của tao bằng thằng, gọi chúng tao bằng ngụy, ngụy cái con cặc bố!
Không để Râng nói thêm, ba bốn thằng vệ binh xông vào dùng báng súng đập túi bụi vào đầu vào ngực nó cho đến khi nó khụy xuống, tên sĩ quan hét lên:
– Lôi cổ thằng ngụy phản động ra ngoài kia xử bắn, còn mấy thằng này chúng mày chống mắt lên nhìn cách mạng trừng trị bọn phản động mà lấy đó làm gương!
Ngay lập tức, Râng bị bọn vệ binh kéo lê trên mặt đất bắt đứng lên bên cạnh cái hố bom cách chỗ anh em tù khoảng hơn hai mươi thước, Râng không còn đủ sức đứng lên nữa, nó đổ khụy xuống, nhưng đầu vẫn ngẩng lên hướng anh mắt căm hờn về phía bọn VC miệng nở nụ cười ngạo nghễ, tên sĩ quan càng điên tiết hơn nó hô to “bắn”, ba bốn con dã thú thi nhau nã đạn vào người nó và đua nhau cười sằng sặc, sau đó chúng ra lệnh cho anh em tù mang xác nó đi chôn mà không một miếng vải nhựa quấn thân.
Nói đến đây Cư dừng lại khóc, vợ chồng tôi cũng khóc theo, rồi nó sụt sùi kể tiếp:
– Em là đứa được đi chôn nó. Đạn bắn nát đầu và ngực nó không biết bao nhiêu viên mà kể, nhưng mắt nó vẫn mở trừng trừng, em cố vuốt cho nó mấy lần mà nó không chịu nhắm.
Nghe nó nói đến đây, lòng tôi bỗng chùng xuống, tôi thầm nhủ “Râng ơi! Trước kia tao là ông thày của mày, nhưng bây giờ thì mày đáng là thày tao. Tao thua mày xa, mấy ngày nay mấy thằng du kích và đám cách mạng 30 chửi tao, nhục mạ tao, mà tao cũng không dám hé môi, không có một phản ứng gì. Cởi bộ quần áo lính ra tao trở thành thằng hèn, tao không còn là tao của hơn mười ngày trước đây nữa Râng ơi!”
Tôi hỏi Cư:
– Thế nó không sợ mày trốn hay sao mà nó cho mày đi tự do như thế này?
– Trốn đi đâu bây giờ đại úy, em không miếng giấy lận lưng, không một đồng dính túi, quê em thì ở tuốt Điện Bàn, Quảng Nam, người mình cũng nhiều mà việt cộng cũng lắm, lỡ trốn đi mà nó bắt lại được nó xử tử liền. Thây kệ bao giờ nó thả thì em sẽ liệu tìm đường về quê, em còn má và hai đứa em ở ngoài đó, chắc bả và tụi nó mong tin em hung lắm. Em ghé đây gặp được đại úy thấy ông thày còn sống là em mừng rồi. Ông thày liệu trốn đi đâu được thì trốn đi, bọn chúng không tha cho ông thày đâu, thôi em xin phép ông thày và chị em đi.
Tôi ôm vai nó lắc mạnh:
– Ừ thôi mày đi, thày trò mình có lẽ chẳng có ngày còn gặp lại nhau nữa đâu, cẩn thận và ráng giữ gìn sức khỏe.
Tôi bảo vợ tôi lấy cho nó một chai nước mắm, một cái muỗng và năm ngàn đồng.
– Cầm lấy những cái này cho tao vui, may mà bà già vừa cho ít tiền để sống cầm hơi. Tao cũng cám ơn mày đã lo lắng cho tao trong thời gian qua.
Vợ chồng tôi tiễn nó ra cửa, cả hai thày trò nước mắt đầm đìa.
Sáng hôm sau tôi đi bộ sang nhà của Vi Văn Đạt, định nói cho mẹ nó hay là Đạt đã hy sinh, nhưng không hiểu sao khi tới nơi tôi lại đổi ý và chỉ hỏi bà:
– Bác có được tin gì của Đạt không?
Bằng giọng của người dân tộc Nùng bà nói:
– Thiếm có được tin gì đâu. Chỉ có tháng trước có ông trung sĩ Toàn đến cho thiếm biết là em Đạt nó bị mất tích gì đó thôi, giờ thì thiếm buồn quá đâu biết hỏi ai nữa, chỉ biết van vái ông trời cho em nó bằng an trở về.
Nói xong bà lại sụt sùi khóc. Tôi lặng lẽ chào bà rồi về vì e nấn ná lại tôi sẽ không chịu nổi, sẽ phải nói ra, không biết việc làm của tôi có đúng hay không, nhưng lúc đó tôi nghĩ rằng hãy để bà sống trong hy vọng, dù chỉ là hy vọng mong manh, còn hơn là tuyệt vọng. Tôi cũng đi xuống dưới Biên Hòa tìm nhà Trần Vạn, trong khu gia binh Trần Công Ngọ, nhưng mọi người đã bị đuổi ra, không biết vợ con anh trôi dạt nơi nào.
Hôm nay, những ngày cuối tháng 3, nơi đất khách quê người, với thân phận tên lính già sau 31 năm tù đày và lưu lạc, ngồi viết lại cái chết dũng cảm của các anh, như một nén hương lòng tưởng niệm đến đồng đội, một khúc chiêu hồn tử sĩ để truy điệu các anh, những người đã hơn một lần cùng tôi chia sẻ vui buồn đời lính, đã cùng tôi một thời lao thân vào lửa đạn, mang trong tim hoài bão cao đẹp BẢO VỆ TỰ DO CHO ĐỒNG BÀO VÀ SỰ TOÀN VẸN CHO QUÊ HƯƠNG.
Mũ nâu Đoàn Trọng Hiếu