NĂM THÁNG KHÓ QUÊN (Nguyễn Ngọc Chinh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trong “Năm tháng khó quên”, viết khoảng cuối 1980, tôi đã phần nào kể lại những chi tiết có thật trong chuỗi ngày sống trong trại cải tạo. Tên các nhân vật đã được thay đổi, trong đó thầy giáo Phúc là tôi, còn người bị xử bắn là Ngô Nghĩa, Trung úy pháo binh, người đã trở thành nổi tiếng với cuộc trốn trại Trảng Lớn, Tây Ninh bất thành. Trong truyện Ngô Nghĩa xuất hiện dưới tên Phong, trung úy biệt kích 81.

Phong 81 là một nhân vật hư cấu nhưng quá khứ của anh lại dựa vào những chi tiết nữ văn sĩ Thụy An (Lưu Thị Yến) kể lại về một trong 4 người con của bà. Chồng con di cư vào Nam năm 1954, chỉ mình bà ở lại miền Bắc. Bà Thụy An, người được xếp hàng thứ hai sau Nguyễn Hữu Đang, trong vụ án Nhân văn – Giai phẩm năm 1960 bị kết án 15 năm cải tạo và 5 năm mất quyền công dân. (Xem Nhân văn – Giai phẩm, trong Hồi Ức Một Đời Người – Chương 6: Thời điêu linh)

Ngô Nghĩa không ở trong đội tôi nhưng cùng chung trại cải tạo mang bí số hòm thư 7590. Vụ xử Ngô Nghĩa dù sao đi nữa cũng gây xúc động mạnh đối với hầu hết những người cải tạo tại Trảng Lớn, Tây Ninh. Có thể bản án tử hình dành cho Ngô Nghĩa sẽ làm những người cải tạo có dự tính trốn trại nhụt chí nhưng rõ ràng là cách xử lý như vậy cũng có tác dụng ngược: lòng căm thù càng thêm sâu đậm từ những kẻ đã ngã ngựa, trong tay chỉ có cái cuốc…

Nhân vật Bác sĩ Kỳ trong truyện là Bác sĩ Phạm Kỳ Nam ngoài đời với biệt danh Nam ‘đầu bạc’. Sau này, khi ra trại, Nam sống với ca sĩ Phương Hồng Quế, họ có 2 con, một trai một gái. Khi được bảo lãnh sang Mỹ, người ca sĩ ra đi với 2 con, Nam ở lại. Tôi nghĩ có lẽ họ sống với nhau không có hôn thú. Đứa con trai lớn nay đã là một bác sĩ, nối nghiệp cha (?), thỉnh thoảng vẫn về thăm bố. Nam bây giờ là một ông già lụ khụ, mái tóc bạc để dài đến nỗi phải dùng giây thung cột lại. Nam nói, bây giờ trong người có đủ thứ bệnh, nhưng vẫn với một giọng lạc quan cố hữu của ngày nào.

“Năm tháng khó quên” đã đăng trên tạp chí Da Mầu xuất bản tại Mỹ và trên website damau.org: http://damau.org/archives/6135

***

Đói. Cái cảm giác quái ác đó đeo đẳng Phúc triền miên, nhất là vào lúc màn đêm buông xuống. Đến lúc này, khi vừa tỉnh giấc, cơn đói trở thành một cực hình khủng khiếp.

Căn nhà kho cũ trong doanh trại của Sư đòan 25 Pháo binh ở Trảng Lớn, Tây Ninh, vẫn tắm trăng chờ sáng. Phúc tự hỏi trong số hơn 50 con người đang nằm nơi đây có ai đủ nghị lực để dửng dưng trước Thần Đói đang nạo, đang thắt, đang bóp những cái bao tử lép kẹp mà chỉ cách đây mới nửa năm nếu không đầy những của ngon vật lạ thì cũng chẳng bao giờ thiếu những hột cơm trắng ngần.

Nghĩ đến cơm, Phúc giật mình quơ tay lên đầu tìm chiếc lon Guigoz như phản xạ tự nhiên của một con thú trước sự đe dọa, dành dựt và chiếm đọat của đồng lọai. Mấy muỗng cơm vàng hẩm mùi mốc qủa thật là nguồn sinh lực để anh bắt đầu một ngày mới. Vỏ nhôm lạnh của lon đã truyền sang Phúc một niềm vui mà anh xót xa nhận ra đó không phải là cảm giác sung sướng của con người. Đó chỉ là cảm giác mang đầy thú tính.

Có tiếng sôi bụng trong căn nhà kho cũ đang lặng lẽ chờ tiếng kẻng báo thức. Phúc không biết đó là tiếng ruột cào của hai người bạn nằm bên hay của chính bụng mình. Chỉ lát nữa thôi, tiếng kẻng của các tiểu đoàn thi nhau đánh át những âm thanh gào thét âm ỉ của Thần Đói. Và rồi, những thân xác mang bao tử rỗng tuyếch sẽ lục tục ngồi dậy để lại bắt đầu một ngày ‘lao động vinh quang’ và chấm dứt bằng những giờ phút vật lộn với Thần Đói trên giường chờ giấc ngủ.

Hơn 30 năm làm người, đến lúc này Phúc mới tìm ra được một triết lý rất tầm thường nhưng cũng rất thực tế. Cực hình tra tấn, chửi bới nhục mạ xem ra chỉ là những biện pháp hời hợt. Vết thương nào rồi cũng lên da non, lời nặng nhẹ rồi cũng tan vào quên lãng. Thế nhưng, một bao tử lép kẹp sẽ đánh gục một thân thể lực lưỡng đồng thời hủy diệt chất xám của bộ óc.

Như vậy có nghĩa là tước đọat quyền làm người, đồng hóa giống Homo Sapiens với thú vật. Tiến trình thú-vật-hóa con người diễn biến thầm lặng nhưng lại rất lớp lang. Nó nhuần nhuyễn đến độ người ta đánh mất nhân tính một các dễ dàng để sống theo bản năng thú vật hồn nhiên.

Những tháng đầu tiên tập trung về đây, khi cơ thể bắt đầu cảm thấy thiếu chất thịt, người cải tạo nghĩ ngay đến chuột: chuột nhắt, chuột chù, chuột cống… Loài gậm nhấm bốn chân bẩn thỉu nhất nhưng cũng là nguồn cung cấp lipid dễ kiếm nhất. Hàng chục người hò reo, đuổi theo một con chuột. Chuột cống vốn dĩ bẩn thỉu lại trở thành sự thèm khát của mọi người vì nó to, núng nính thịt. Những bộ óc thông thái giờ đây được tận dụng triệt để trong việc sáng chế những kiểu bẫy chuột… hiện đại nhất. Những giọng nói uy quyền ngày nào nay được cất lên để tranh dành miếng ăn quá tầm thường nhưng lại qúa quan trọng đối với bao tử.

 

Khi chuột bị diệt chủng thì số phận các sinh vật khác lần lượt được tính đến. Cứ như thế, nguồn cung cấp thịt từ loài bốn chân xuống đến loài có cánh và thậm chí còn xuống đến loài bò sát. Cứ như thế, con người từ vị thế thượng đẳng đứng bằng hai chân dần dà lom khom thành khỉ, vượn.

Đến một lúc nào đó, người ta bất chợt nhận ra những kẻ đồng cảnh ngộ với mình hành động theo bản năng sinh tồn của súc vật trước khi phát hiện chính thân phận mình cũng chẳng khác gì đồng loại xung quanh.

***

5g30: những tiếng kẻng báo thức đồng lọat nổi lên từ khắp các tiểu đoàn. Hàng ngàn con người từ thế giới mộng mị riêng tư của bóng tối trở lại với thực tế phũ phàng của một ngày cải tạo. Nửa giờ sau, kẻng dõng dạc bắt đầu buổi lao động sáng. 1 giờ trưa, kẻng lạnh lùng đòi lại phần lao động buổi chiều. Cuối cùng, đúng 9g tối, kẻng bắt đầu bằng những tiếng khoan thai và kết thúc bằng những hồi chát chúa từ thanh kim lọai gõ lên vành sắt bánh xe cũ.

Đèn đóm tắt phụt. Những con-thú-người rã rời sau một ngày quần quật, ngả lưng để hưởng những giây phút thực-sự-làm-người, thả hồn về một nơi nào đó, miễn không phải là đây.

Muốn làm người phải giàu nghị lực. Một thứ nghị lực không to tát như Kinh Kha sang Tần. Vấn đề đơn giản là làm sao át được tiếng gào thét của những chiếc bao tử đang ngày càng teo tóp lại.

***

Hồi kẻng báo thức đã nổi lên nhưng vẫn không cắt được luồng tư tưởng đang dồn dập đến với Phúc. Tự nhiên sáng nay anh thấy mình uể oải một cách khác thường. Không phải vì đói. Cơn đói cố hữu sáng nào cũng đánh thức anh dậy trước kẻng. Có lẽ câu chuyện đêm qua đã khiến anh trằn trọc quá khuya.

Kỳ nằm bên khều chân sang Phúc.

– Dậy thể dục đi.

– Sáng nay… xù

Kỷ luật của trại cải tạo tuy khắc nghiệt nhưng thật tình cũng có cái hay của nó. Đúng 5g30 tất cả mọi người – từ quản giáo, vệ binh cho đến người cải tạo – đều phải ra sân tập thể dục buổi sáng. Bài thể dục tuy được tập riêng nhưng nội dung giống nhau chỉ khác ở câu khẩu hiệu khi chạy đều tại chỗ và trước khi kết thúc. Trên ‘khung’ tiểu đoàn bao giờ cũng là ‘Rèn luyện thân thể – Bảo vệ tổ quốc’ trong khi người cải tạo, vì ‘không có quyền bảo vệ tổ quốc’, nên đổi thành ‘Rèn luyện thân thể – Học tập tốt’.

Ba chữ ‘Học tập tốt’ chi phối toàn bộ cuộc sống của những người cải tạo. Quản giáo mỗi khi ‘lên lớp’ đều luôn mồm nhấn mạnh: ‘Học tập tốt các anh sẽ được về xum họp với gia đình’. Trong các buổi thảo luận ở tổ có sự hiện diện của cán bộ, châm ngôn ‘Học tập tốt’ thường được người cải tạo lập đi lập lại trên đầu môi chóp lưỡi. Có điều, chiêu bài ‘Học tập tốt’ ngày càng trở nên lỗi thời khi thời gian cải tạo kéo dài từ đơn vị tháng sang đơn vị năm mà vẫn chẳng thấy ai về. ‘Học tập tốt’ cũng ăn mòn không biết bao nhiêu giấy bút qua các ‘bản thu hoạch’ của từng cá nhân người tù.

Chữ ‘tù’ bị cấn ngặt trong trại. Cán bộ quản giáo đã biết bao lần khẳng định: ‘Đây không phải là trại tù như của Mỹ-Ngụy ngày xưa. Nhà nước lúc nào cũng trước sau như một, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Cách mạng đã khoan hồng, tạo điều kiện tập trung các anh về đây để học tập cải tạo bản thân, thật thà khai báo và thành khẩn nhận rõ tội lỗi của mình. Học tập tốt các anh sẽ được về xum họp với gia đình ngay’.

Mãi đến sau này Phúc mới hiểu: cách mạng vốn rất giỏi… chơi chữ. Về hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải là ‘Học tập tốt’, trong đó phải kể đến tình hình ngoài xã hội và lý lịch của bản thân từng người. Những người học tập cải tạo là tù nhân không bao giờ được tuyên án và ngày về của họ được hứa hẹn qua ba chữ ‘Học tập tốt’ như một củ cà rốt được nhử trước một con thỏ. Thế cho nên cứ ‘yên tâm học tập’, khi nào được về là đã tốt chứ không phải là… tốt thì được về!

***

Kỳ đã dọn dẹp xong chăn màn và chuẩn bị ra sân tập thể dục.

– ‘Rêm’ mình hả?

– Lười.

Phúc còn muốn nói nhiều hơn thế. Kỳ tụt xuống đất, trước khi ra sân còn dặn với:

– Này, nếu không bịnh thì ráng mà dậy. Nằm lì là ‘sụm’ ngay đó.

Là một bác sĩ quân y, Kỳ thường có những ‘méo mó nghề nghiệp’ dù trong hoàn cảnh không có đến một viên thuốc trong tay. Ngoài Kỳ, trong đội còn có thêm một bác sĩ, một dược sĩ và một trợ y. Lực lượng y tế xem ra quá cao đối với mật độ hơn 50 người trong đội. Có lẽ trên thế giới không một xã hội nào có tỷ lệ chăm sóc sức khỏe cao đến như thế. Tuy nhiên, đây chỉ là một con số thống kê rất kêu nhưng hoàn toàn rỗng tuyếch. Dù thuộc ngành nghề gì, một khi đã bước vào đây mọi người đều cùng chung thân phận. Một bác sĩ không ống nghe, không kim chích, không thuốc men cũng chỉ là một anh tù không hơn không kém.

Đã có lần Kỳ phải lặn lội lên trạm xá tiểu đoàn để khai bệnh. Anh bộ đội non choẹt phụ trách trạm xá hất hàm hỏi:

– Làm sao mà lên đây?

Có lẽ, nếu không sợ vi phạm chính sách, anh bộ đội sẽ quạt thẳng vào mặt – Bọn mày lắm chuyện, nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột. Tao vượt Trường Sơn mà như bọn mày thì chẳng bao giờ vào được đến đây.

– Tôi bị kiết.

Bác sĩ Kỳ đảo mắt nhìn tủ thuốc nghèo nàn của trạm xá – lạy trời có được vài viên Direxiode hay Stovarsol…

– Sao anh biết là bị kiết?

Câu hỏi bất ngờ khiến bác sĩ Kỳ hòan toàn lúng túng. Chính sự lúng túng này khiến anh bộ đội trạm xá tin tưởng là mình đã bắt trúng mạch ‘lười lao động’ của anh chàng cải tạo.

– Chỉ vớ vẩn. Toàn kiếm cớ khai bệnh để trốn lao động. Về!

Kỳ thất thểu về đội. Sáng hôm đó anh ra hố tiêu soèn sọet. Sau cùng, mệt qúa nên phải rút ngắn quãng đường bằng cách ‘đóng chốt’ ở điểm giữa hố tiêu và nhà ngủ để có thể lết ra hố tiêu cho gần. Cũng may hôm đó Phong 81 lên cơn sốt nên được giao công tác ‘anh nuôi’ cũng đang ‘mót’ mà cứ phải chờ mãi nên xông vào hố tiêu. Kỳ ngồi gục trên hố tiêu giữa đám nhặng xanh thi nhau vo ve như chỗ không người. Phong vội vàng dìu Kỳ lên trạm xá.

Anh bộ đội phủ đầu:

– Hết giờ khai bệnh rồi.

– Không phải. Tôi không khai bệnh nhưng bác sỹ Kỳ bị xỉu trên hố tiêu nên tôi dìu lên đây.

Quen miệng gọi ‘bác sĩ Kỳ’ nên Phong 81 đã khiến anh quân y chột dạ vì ‘mặc cảm nghề nghiệp’. Giọng anh có vẻ nhẹ nhàng hơn:

– Bị gì?

– Kiết từ hai hôm nay rồi.

Phong 81 đâm cáu nên trả lời cộc lốc. Máu ‘biệt kích 81’ trong người Phong sôi lên cộng thêm cơn sốt hầm hập trong người khiến anh muốn hét lên.

Anh bộ đội ‘thật thà khai báo’:

– Trên này không có thuốc kiết.

Anh quân y tiến về phía Kỳ. Sau khi đã cẩn thận giữ một khỏang ‘cách ly’ an tòan, anh khám bệnh bằng mắt. Thấy con bệnh khá đuối, anh dịu giọng, cho toa:

– Về trại uống nước muối, ăn cháo. Kiếm thêm lá ổi khắc phục.

Không nói thêm một câu nào, Phong 81 chán nản dìu Kỳ về trại. Qủa thật, toa thuốc nước muối, lá ổi cộng thêm với sức đề kháng còn sót lại của một thân thể lực lưỡng và hình như cả cái ‘uy’ bác sĩ đã giúp Kỳ ‘khắc phục’ được chứng kiết.

Từ đó, châm ngôn ‘đói ăn rau, đau khắc phục’ trở thành phổ biến trong đội và anh y tá ‘mát tay’ có thêm biệt danh ‘bác sĩ khắc phục’. Sau này, khi trại cho phép gia đình gửi lương khô, thốc men vào tiếp tế, nguồn thuốc chữa bệnh bên ngòai dồn dập đổ vào nên bộ chỉ huy trại quyết định trưng dụng ‘tù bác sĩ’ được lên trạm xá làm việc để ‘trợ giúp’ y tá vốn không quen với các lọai thuốc ‘rắc rối’ của tư bản. Anh ‘bác sĩ khắc phục’ đã trở thành ‘người học trò ngoan’ của bác sỹ Kỳ…

***

Rèn luyện thân thể – Học tập tốt’. Khẩu hiệu vừa hô xong, mọi người ùa vào phòng để chuẩn bị cho một ngày lao động mới. Phúc mang lon Guigoz ra sau nhà, họp mặt với ‘nhóm cơm’ của anh. Ở trại cải tạo, cơm trưa và chiều được lãnh từ nhà bếp về theo từng thau. Cứ 5 người một thau nên tự nhiên trong đội hình thành những carré cơm.

Ngày mới vào trại, chia thau cơm thành 5 phần bằng nhau là cả một bài tóan hóc búa trong tình trạng đói kém, thiếu ăn. Năm người chung thau cơm phải lần lượt thay phiên nhau ‘cầm cân nảy mực’ trước 4 cặp mắt sáng như đèn pha của những người trong nhóm.

Thọat đầu, người ta dùng bát để đong. Chỉ sau một thời gian ngắn, cách chia này đã bị ‘phá sản’ khi các ‘ý đồ đen tối’ xuất hiện. Chỉ cần xúc nhẹ hay mạnh tay, chỉ cần ‘chiếu cố’ những chỗ cơm rời hay đóng cục là có thể tạo ngay được sự chênh lệch về chất lượng và số lượng cho mỗi phần chia. Tuy nhiên, cũng vì còn lại một chút thể diện, cộng thêm một chút tình người, nên các bao tử lép kẹp không bao giờ nói thẳng ra những nhận xét tinh vi nhưng cũng rất bần tiện đó.

Cách chia thứ hai được đưa ra thử nghiệm. Thau cơm lãnh về được người đến phiên chia nén chặt xuống như một ổ bánh. Anh ta ngắm nghía tìm tâm của thau để cắm sâu một chiếc đũa làm chuẩn. Từ đó, anh vạch ra 5 đường bán kính để chia thành 5 phần bằng nhau. Gía chia làm 4 thì chỉ cần vạch 2 đường kính thẳng góc nhưng một khi chia làm 5 là cả một vấn đề. Nó đòi hỏi sự chính xác và khéo léo. Cần nhớ, một khi công trình chia cơm hoàn tất, người chia sẽ nhận phần cuối cùng. Nếu vụng tay, chia không đều, phần nhỏ nhất sẽ được ‘nhường’ cho tác gỉa. Đã biết bao người hễ đến khi chia cơm đành phải chịu thiệt thòi vì tính ‘vụng chia’ của mình. Cũng đã có nhiều kẻ ‘no’ trong sự chia chác.

Bạn cứ hí hửng với phần cơm trông thật to nhưng nó chỉ to về hình thức vì thực chất bên trong là những hạt cơm rời rạc. Hắn đứng ra chia, dĩ nhiên phần nhỏ nhất thuộc về hắn nhưng đó lại là khối cơm có chất lượng vì đã được nén thật chặt. Những hạt cơm rất tầm thường ngoài đời nhưng một khi đã vào trại cải tạo nó mang lại buồn-vui mà chỉ thế-giới-cải-tạo mới có.

Thau cơm của ‘tổ hợp’ bác sĩ Kỳ – thầy giáo Phúc – Phong 81 – Chương ‘chuồn chuồn’ và Cương ‘cận’ đã thực hiện thành công một cuộc ‘các mạng chia cơm’. Họ đã gắn bó với nhau trong sự nhường nhịn ‘vĩ đại’ đến độ át được bản năng tầm thường của con thú đói vốn đang ngự trị trong hầu hết những người cải tạo. Họ là nhóm đầu tiên trong đội không cảm thấy buồn-vui trong giây phút chia cơm ‘thiêng liêng’.

Buổi trưa, thau cơm lãnh về được đặt trên một cái bàn ‘dã chiến’ ghép bằng những mảnh gỗ thùng đạn cũ. Đây là công trình ‘khéo tay hay làm’ của Cương ‘cận’, gốc công binh. Năm người tự động và tự giác xới cơm vào bát của mình. Trong bữa cơm trưa họ được xới 2 lần: một bát và một lưng. Bữa chiều, khẩu phần rút xuống còn hai lưng vì trước đó đã được xúc vài muỗng vào lon Guigoz cho từng người, để dành cho bữa ăn sáng ngày hôm sau. Và cũng để đối phó với cơn đói triền miên, bữa cơm chiều được dời thành bữa cơm tối để khi đi ngủ bao tử có việc làm.

*** 

Sau câu chuyện đêm qua, sáng nay Phong 81 có vẻ ưu tư, khác hẳn với bản tính ồn ào, ngổ ngáo hàng ngày của một Đại đội phó biệt kích 81. Chuyện của Phong như một qủa bom nổ bất ngờ đối với những người cùng nhóm. Tối hôm qua, bên ca ‘trà’ được chế biến từ cây chùm bao phơi khô, sắt nhỏ, sao vàng, Phong thì thầm:

– Sáng nay đi công tác dọn dẹp kho pháo binh tớ lượm được một tấm bản đồ.

– Bản đồ gì? – Chương ‘chuồn chuồn’, ‘giặc lái’ trực thăng U1H, lên tiếng hỏi.

– Bản đồ vùng này. Chắc là của đám pháo binh sư đòan 25. Tớ đã dấu kỹ… Các cậu chắc đã đoán ý tớ muốn gì rồi…

– Thì cậu cứ nói thẳng ra đi – Phúc gợi ý.

– Thoát… Cứ như thế này mãi thì thà chết sướng hơn… Tớ đã tính từ lâu rồi, có thêm tấm bản đồ nữa là có thể thực hiện kế họach.

– À ra thế – Cương ‘cận’, thiếu úy công binh trẻ nhất nhóm, láu táu tiếp lời – Bây giờ tôi mới hiểu tại sao ông nhịn ăn sáng. Phơi cơm khô chứ gì?

– Giờ thì chắc cậu cũng hiểu luôn tại sao tớ thường xuyên tình nguyện công tác bửa củi cho nhà bếp. Tớ đã ‘thó’ được một ít muối cục rồi – Phong quay sang Kỳ, từ đầu đến giờ vẫn yên lặng – Vấn đề đặt ra là có dám hay không…

Như bị nợ một câu trả lời từ ánh mắt của Phong, Kỳ chậm rãi:

– Dù đã linh cảm trước, ý định của cậu vẫn làm tớ bất ngờ. Trước tiên, không phải là không tin tưởng nơi cậu. Trong bọn mình, cậu là người thừa khả năng và kinh nghiệm để ‘mưu sinh thoát hiểm’. Tớ chỉ thắc mắc, một khi thoát khỏi nơi này, bọn mình sẽ làm gì khi chưa biết rõ tình hình bên ngoài ra sao. Không lý cứ luẩn quẩn mãi trong rừng hay lại mò về Sài Gòn để bị ‘hốt’ một cách lãng xẹt? – Trong thâm tâm Kỳ muốn nói: Tôi thiếu trong người dòng máu biệt kích của anh, tôi chỉ dũng cảm chống lại tử thần khi đứng sau lưng bệnh nhân. Nếu bắt phải đối mặt thì rõ ràng tôi sợ chết hơn ai hết.

 – Không phải. Tôi không tính đến chuyện về Sài Gòn. Anh nên nhớ, tôi đã từng hành quân ở vùng này. Tây Ninh gần Campuchia hơn Sài Gòn. Không lý nào bỏ đường gần để chọn đường xa? Không lý nào từ một cái hộp nhỏ lại chui vào một cái hộp lớn? Tôi sẽ sang Campuchia. Từ Trảng Lớn đến Xa Mát, Thiện Ngôn rồi lần sang Campuchia mấy hồi. Vấn đề là làm sao mò được đến Thái Lan.

– Thế cậu đã có kế hoạch cụ thể nào chưa? – Chương ‘chuồn chuồn’ lên tiếng.

– Đại khái là có 3 giai đoạn. Tạm gọi là Bravo 1: thóat khỏi Trảng Lớn, Bravo 2: xâm nhập Campuchia và Bravo 3: mò sang Thái Lan.

– Nghe cứ như hành quân biệt kích – Cương ‘cận’ phụ họa.

– Không phải. Đây chỉ là phần thực hành của môn ‘mưu sinh thoát hiểm’ mà các cậu đều học qua ở quân trường. Hiện giờ tớ chỉ có kế hoạch cụ thể cho Bravo 1, còn 2 giai đọan sau sẽ tùy cơ ứng biến. Cái khó của Bravo 1 là làm sao di chuyển từ đây đến phi trường L19 cũ. Qua những lần công tác gỡ vỉ sắt phi đạo tớ đã điều nghiên khá kỹ. Đọan đường từ trại tới đây khỏang 1 cây số nhưng phải vượt qua trạm vệ binh của đến 3 tiểu đòan đóng suốt dọc đường. Đáng gờm nhất là những toán tuần tiễu của trung đoàn, mình không nắm được quy luật về giờ giấc.

– Chuyện này gay đấy Phong à – bác sĩ Kỳ dè dặt – Đó mới là quyết định thành bại. Hai nữa là không thể kéo đi ào ào cả bọn, phải chia thành toán nhỏ, gọn nhẹ. Hiện giờ tớ chỉ nghĩ được đến đó, cần thêm thời gian để cân nhắc.

– Đúng – lâu lắm rồi mới được nghe chữ ‘đúng’ thay vì ‘không phải’ cố hữu của Phong – Đây là vấn đề sinh tử. Mỗi người cần suy nghĩ chính chắn trước khi quyết định có nên tham gia hay không. Thôi, khuya rồi, mình nên giải tán kẻo gặp toán tuần tiễu là rắc rối đấy. 

Phong uể oải cất ca nước xuống gầm bàn. Anh nghĩ, tôi linh cảm mình sẽ ‘solo’ trong chuyến ‘nhảy toán’ này. Thật tình trong suốt thời gian mặc áo lính biệt kích, chưa lần nào tôi phải ‘solo’. Nhảy ‘solo’ là một hình phạt quen thuộc của Lực lượng Đặc biệt dành cho những tay ba gai, quan cũng như lính: uống rượu say phá phách, đánh lộn, nổ súng bậy bạ…

Anh chỉ có 5 phút chuẩn bị cho chuyến nhảy solo. Trước khi lên trực thăng, anh nhận một bản đồ của vùng được thả và rồi… Go!!!. Lần mò từ rừng về được với đơn vị là đã thi hành xong án phạt. Gian khổ nhưng đó cũng là một bài tập chiến thuật giúp người lính thêm kinh nghiệm ‘mưu sinh thoát hiểm’.

***

Phần ăn sáng của 4 người, trừ Phong, đã được hâm lại trong chiếc lò dã chiến làm bằng vỏ đạn 105 ly. Dĩ nhiên, đây là công trình của thiếu úy công binh Cương có biệt danh ‘Cương cận’ vì lúc nào cũng kè kè cặp kính cận. Cương ‘cận’ đã phải mất một ngày loay hoay đục ngang thân vỏ đạn làm cửa lò để châm củi. Phía trên thân vỏ đạn anh soi 4 lỗ để luồn 2 sợi kẽm gai làm giá nâng lon Guigoz nằm lọt thỏm trong lò.

Sự khéo tay của Cương đã lan truyền lên đến cán bộ tiểu đoàn. Một hôm cán bộ quản giáo xuống tận nơi gặp Cương, mang theo ít gỗ thùng đạn với lời nhờ vả:

– Anh đóng hộ tôi cái để dê non nhé. 

Cương hì hục đóng cái chuồng khá đẹp để anh quản giáo nuôi dê. Lúc giao chuồng anh cán bộ lộ vẻ bất mãn:

– Anh đóng thế này thì làm sao tôi để dê non?

– Thì tôi đã đóng cho anh cái chuồng có cả cánh cửa rất tiện cho anh nhốt dê con…

– Giời ạ! Tôi nhờ anh đóng cái thùng để cất máy truyền hình dê non chứ cái chuồng này dùng thế quái nào được.

Tới lúc này Cương mới kịp hiểu ra anh quản giáo mới tậu được cái TV đen trắng ‘second hand’ hiệu Denon nên muốn có cái thùng chứa TV cho đẹp. Ai dám bảo là dân ‘ngụy’ miền Nam hiểu hết những gì người miền Bắc xã hội chủ nghĩa nói! 

May mắn cho những người cải tạo khi được đưa về đây, căn cứ Trảng Lớn thuộc Sư  đoàm 25 Bộ binh thời trước. Trong số những vật phế thải nằm vương vãi khắp nơi ở căn cứ, người cải tạo tận dụng triệt để những thứ họ có thể săn nhặt được: thùng đạn trung liên, đại liên bằng sắt được dùng như chiếc vali Samsonite để cất giữ những ‘báu vật’ như đường thẻ, thuốc rê, kim chỉ…

Bao cát đắp công sự phòng thủ được tận thu, giặt sạch và may lại thành những tấm chăn đắp hoặc, nếu khéo tay hơn, được biến chế thành những chiếc nón rộng vành rất hữu dụng trong việc che nắng, che mưa những khi lao động ngòai trời. Thậm chí có những anh thợ may ‘bất đắc dĩ’ đã dùng bao cát làm vải để may áo sơ mi ‘mousseline’ rất phong phanh và thóang mát trong những ngày nóng nực.

Bao cát còn được tháo ra từng sợi, xe lại thành giây thừng để múc nước giếng. Gàu múc nước được ‘gò’ từ những tấm tôn, người ta còn ‘gò’ cả nồi nấu ăn, ca uống nước. Thậm chí có những anh khéo tay còn làm được cả đàn guitar để tối tối lén tổ chức văn nghệ bỏ túi, hát nhạc vàng.

Cũng có những nhóm mê truyện Kim Dung  quây quần bên người kể chuyện để nghe lại Cô gái Đồ LongLục mạch thần kiếmLộc đỉnh ký… Người kể chuyện có bộ óc thật phi thường, anh nhớ vanh vách theo thứ tự, lớp lang từng bộ truyện. Anh có biệt tài kể chuyện như đọc trong sách ra.

Hôm nào người kể chuyện ‘khó ở trong người’ hoặc cũng có thể cần suy nghĩ lại cốt truyện nên bèn tuyên bố: “Hôm nay tạm ngưng vì… báo ở  Hồng Kông chưa qua kịp!”. Thế là mọi người giải tán, tiếc hùi hụi vì đã không được ‘nghe’ buổi… chiếu phim trong mơ!

Còn rất nhiều đạn dược chưa nổ nằm vương vãi khắp nơi. Người cải tạo đã cưa đạn M79 để làm những vật trang sức và cất kỹ những món qùa đó trong samsonite để chờ ngày ra trại mang về làm kỷ niệm cho vợ con, anh chị em hoặc người tình. Thế nhưng, cũng có người đã phải trả giá quá đắt khi đạn nổ.

Có những lúc trại cải tạo trong giờ nghỉ biến thành xưởng thợ. Nơi đây, người ta mài dũa những thanh nhôm săn nhặt từ xác máy bay ở phi trường L19. Thành phẩm là những chiếc lược, chiếc vòng, chiếc trâm cài tóc được ‘xủi’ hoa văn cách điệu mà chỉ những ‘nghệ nhân cải tạo’ mới có đủ kiên nhẫn, óc sáng tạo và thời gian để hoàn thành.

Chiếc vòng được chế biến từ vỏ đạn M79

Chiếc lược được chế biến từ mảnh nhôm máy bay

Anh không có hoa tay để làm những kỷ vật thì có người khác sẽ chế tác giúp anh và dịch vụ của họ được trả bằng những miếng đường thẻ, đơn vị tiền tệ duy nhất trong thế giới cải tạo. Thỉnh thoảng trại vẫn tổ chức các chuyến mua hàng ở chợ Long Hoa, Tây Ninh, do cán bộ trại phụ trách việc mua bán. Đường luôn luôn chiếm ngôi vị hàng đầu trong danh sách mua hàng. Trong điều kiện sống thiếu chất ngọt, những miếng đường thô màu vàng được sơ chế từ mía trở thành nguồn dinh dưỡng qúy gía, chẳng khác gì những cây vàng được coi là thước đo sự sung túc của người dân lúc Sài Gòn sụp đổ.

Thời gian đầu khi mới đến Trảng Lớn đã có không ít tai nạn nổ mìn, nổ đạn trong công tác dọn dẹp chỗ ở của người cải tạo. Bi thảm nhất là trường hợp của một người đã dẫm phải mìn chiếu sáng. Anh ta vẫn sống bình thường, đầy đủ chân tay, chỉ khác một điều là thịt da bị chất lân tinh ăn nòm từng ngày. Hóa chất lan rộng cả bề mặt lẫn bề sâu mà không có một loại thuốc nào ngăn chặn được vết loang của nó.

Nạn nhân không thể mặc quần áo vì sự ma xát gây nên những cơn đau buốt thấu xương. Trên người anh ta chỉ còn mảnh bao cát làm khố để che chỗ cần che. Ấy thế mà trong những lúc đau buốt anh ta sẵn sàng cởi bỏ nốt phần được che đậy.

Được miễn mọi công tác, con-người-lân-tinh ấy hàng ngày chỉ còn mỗi việc xua đuổi đám ruồi nhặng lúc nào cũng bu quanh chất nước vàng rỉ ra từ những vết loang của hóa chất. Anh ta vẫn sống, một-cuộc-sống-chờ-chết, một cái chết đến rất chậm nhưng cũng rất chắc.

***

Khi 5 người quây quần bên chiếc bàn ọp ẹp, Cương ‘cận’ là người đầu tiên lên tiếng:

– Hôm nay tớ đãi Phong bữa ăn sáng. Kể từ giờ phút này ‘người hùng’ phải được bồi dưỡng chu đáo…

– Không phải – Phong ngắt lời Chương với một vẻ khó chịu – Tớ chỉ là đứa bạo mồm, dám nói thẳng những suy nghĩ của mình. Còn vụ ăn sáng thì nhịn lâu đã quen rồi, có tẩm bổ lúc này cũng quá muộn. Phải thế không bác sĩ Kỳ?

– Đúng đấy. Bao tử nó không nể nang bất cứ thứ gì, trừ nghị lực. Những thằng ‘cố đấm ăn xôi’ bao giờ cái bụng cũng to hơn bộ óc.

Trong khi 4 người nhấm nháp những hột cơm để dành từ hôm qua, Phong loay hoay nấu nước chùm bao. Sáng nào cũng vậy, anh đã tế nhị nhận phần mấu nước để các bạn ăn tự nhiên hơn. Bận rộn bên lon nước cũng là cách giúp anh thêm nghị lực để trấn áp những tiếng gào thét của cơn đói triền miên, quái ác.

Phong đã từng đói trong những lần kẹt trong rừng, không đến được điểm bốc của trực thăng. Anh đã từng đói trên ‘đại lộ kinh hoàng’ ngoài Quảng Trị năm 1972. Đói giữa đống thịt người rữa nát vì gió cát. Ở đó, những mảng tay, những khúc chân không còn quân phục để phân biệt bạn-thù, quan-lính. Phong đã đói trong cái no thịt người chết. Hai bên vẫn tử thủ, vẫn nhìn thấy nhau lấp ló trong giao thông hào qua ống nhòm và vẫn ‘thăm hỏi’ nhau bằng các lọat bom, pháo. Bom đạn thừa thãi nhưng những thứ cần cho bao tử lại thiếu. Suy cho cùng, đó chỉ là những cơn đói thoáng qua thêm phần dầy dạn cho cuộc đời cầm súng. Nhưng bây giờ thì khác…

– Phong này – Phúc đã nuốt xong hạt cơm cuối cùng – Tớ đã trằn trọc cả đêm vì câu chuyện cậu nói tối qua. Tớ đã nghĩ kỹ rồi, bây giờ phải nói thẳng mà không sợ mang tiếng hèn… Tớ không đủ can đảm để theo cậu. Đơn giản chỉ vì gánh nặng gia đình, trách nhiệm với 4 đứa con còn nhỏ. Dù ngày ra trại có mịt mờ, dù phải ở đây đến bao lâu đi nữa tớ vẫn là chỗ dựa cho vợ để đứng vững nuôi con.

– Mình cũng phần nào đoán trước được ý định của Phúc – Kỳ lên tiếng – Bây giờ tớ cũng phải dứt khoát, đi hay ở. Phàm thì người ta lao vào nguy hiểm khi không còn cách giải quyết nào tốt hơn. Tớ nói thế không phải là để lao vào đấy. Tớ chỉ muốn biện minh rằng cho đến lúc này, ở vào trường hợp của tớ, chưa cần phải liều… Mỗi người trong bọn mình đều có hoàn cảnh riêng để dựa vào đó mà quyết định. Tớ không trốn vì tin tưởng rằng bất cứ chế độ nào cũng cần đến bác sĩ, cho dù sự cần thiết chỉ là giai đọan. Chính trong giai đọan này, ngành y tế đang thiếu nhân lực một cách trầm trọng vì số bác sĩ bỏ miền Nam ra đi quá đông. Những người có trách nhiệm nhìn rõ điều này hơn ai hết. Không có lòng thù hận nào mù quáng đến độ cứ bỏ phí những người chữa được bệnh, nhốt họ trong lao tù, trong khi ngoài xã hội có biết bao người bệnh khắc khoải chờ thầy thuốc. Không phải chỉ riêng ngành y, những ngành chuyên môn kỹ thuật khác cũng như vậy. Những người nắm vận mệnh đất nước chắc chắn phải hiểu rằng việc đào tạo các chuyên viên cần thiết cho việc xây dựng và phát triển đất nước không phải là việc đơn giản một sớm một chiều. Nếu tha thiết đến tương lai, hạnh phúc của dân tộc, họ phải tạm quên xu hướng chính trị đối lập trong giai đoạn này. Năm mười năm sau, khi đã đào tạo được những con người mới của chế độ thì hãy xét đến lý lịch chính trị của trí thức miền Nam cũng chưa muộn. 

– Khó tin lắm – Chương ‘chuồn chuồn’ ngắt lời – Bọn nó toàn là Tào Tháo cả một lũ. Lúc nào nhìn vào mặt bọn mình chúng chỉ thấy chữ ‘ngụy’ to tổ bố!

– Có thể đúng một phần – Kỳ tiếp lời – Tuy nhiên, những tay có chức có quyền càng nhỏ bao nhiêu thì thấy chữ ‘ngụy’ càng lớn bấy nhiêu. Những tay ở trên cao bắt buộc phải nhìn vấn đề một cách khác. Chính nhờ lý luận như vậy, nói các cậu đừng cười, tớ vẫn tin ‘ngụy’ có chuyên môn kỹ thuật sẽ được về trước. Riêng Phong, nghề của cậu là ‘bóp cò’, thuộc thành phần ‘có nợ máu với nhân dân’, cậu phải tìm cách giải quyết khác. Đó là sự hợp lý trong tính toán. Khổ nỗi về mặt tình cảm, tớ chỉ muốn cậu đừng phiêu lưu… hay ít ra cũng từ từ, chờ xem sao đã.

Nước chùm bao trong lon Guigoz sôi sùng sục, Phong rút củi ra khỏi lò và di mạnh xuống đất để dập lửa. Phong tự hỏi, ngọn lửa trong lòng mình có dễ tắt như những que củi này không?

Cộc đời Phong lúc nào cũng rực lửa. Lửa bom đạn, lửa hận thù trộn lẫn lửa đam mê. Chúng khởi đầu từ ngọn lửa bất mãn lần đầu tiên nhen nhúm trong đầu chú bé Phong chỉ biết nhìn đời qua cái thế giới thu hẹp của gia đình. Lúc nào Phong cũng lầm lì, trong lòng ôm ấp một ngọn lửa cô đơn. Hai ông anh lớn đều có thế giới riêng của họ trong khi cô em gái còn qúa nhỏ để hiểu được các anh.

Ông bố có cuộc sống sôi nổi ngoài xã hội bao nhiêu thì lại nghiêm nghị trong gia đình bấy nhiêu. Ông là con người có 2 cuộc sống chính trị-gia đình tương phản nhau: một thượng nghị sĩ sôi nổi trên sân khấu chính trị và một người cha lầm lì trong gia đình.

Phong thiếu vắng mẹ từ năm 1954. Qua ký ức tuổi thơ, Phong nhớ về mẹ rất mơ hồ nhưng càng lớn hình ảnh mẹ lại càng da diết, dù chỉ sống bên mẹ chưa đầy 5 năm. Mẹ lúc nào cũng cặm cụi bên chiếc bàn viết nhỏ – bà gọi đó là án thư – đặt ngay trên tấm phản. Án thư và phản lúc nào cũng theo nhau như hình với bóng. Án thư để viết và phản luôn sẵn sàng chờ bà ngả lưng khi mỏi mệt hoặc cần suy nghĩ. Mẹ viết hăng say, chú bé Phong còn qúa nhỏ để biết mẹ viết gì nhưng thi thoảng được ngồi bên mẹ chú thấy những tờ giấy chi chít chữ cùng những chỗ dập, xóa.

Năm 1954 gia đình Phong phải đối mặt với vấn đề vào Sài Gòn hay ở lại Hà Nội. Bốn anh em cũng được hỏi ý kiến: muốn theo bố vào Nam hay ở lại Hà Nội với mẹ. Đến lượt Phong, chú bé đỏ mặt tía tai vì giận dữ: “Ông chẳng theo đứa nào hết!!!”.

Lần đầu tiên xưng ‘ông’ với tất cả mọi người trong gia đình đã nói lên sự bất mãn trong ý nghĩ của chú bé. Rốt cuộc, mẹ ở lại Hà Nội, 5 bố con Phong di cư vào Sài Gòn. “Mẹ thích viết ở ngoài đó hơn là vào trong Nam”, chú bé Phong được bố trả lời cho câu hỏi đầu tiên và cũng là cuối cùng giữa hai bố con về mẹ.

Năm 1957, anh lớn của Phong sang Pháp du học. Vừa bắt liên lạc với mẹ ở Hà Nội được ít lâu thì có tin bà bị án 15 năm cải tạo lao động vì tham gia nhóm ‘phản động’ Nhân văn Giai phẩm. Đựợc tin, Phong lồng lộn, uất ức, căm thù. Đủ 18 tuổi, Phong tình nguyện vào Thủ Đức và khi ra trường, anh chọn Lực lượng Đặc biệt, một trong những binh chủng dữ dằn nhất.

Uy tín và thế lực của bố thừa sức vận động để Phong được hoãn dịch hay ít ra cũng về Tổng tham mưu làm ‘lính kiểng’. Thế nhưng, tính ương ngạnh, lầm lì khiến anh nói thẳng với bố: “Con đã đủ lớn để tự quyết định cuộc đời mình”. Từ đó, cuộc đời Phong rừng rực lửa… lửa cô đơn âm ỷ trong lòng… lửa tàn khốc hừng hực trong cuộc chiến.

 

***

Có tiếng Cương ‘cận’ tham gia câu chuyện:

– Suy luận theo bác sĩ Kỳ thì tôi cũng có phần nào hy vọng về sớm. Công binh cũng là một ngành kỹ thuật, may ra được ‘chiếu cố’ cho về xây dựng đất nước… Nói cho vui vậy thôi chứ thật tình về hay ở đối với tôi không quan trọng. Vợ con thì chưa có, còn mỗi bà mẹ gìa lại ở tận Cà Mâu nên lắm lúc tôi thấy ở trại cải tạo lại đâm ra thú. Ở đây bận rộn cả ngày, hết chế cái này lại sửa cái nọ, cơm nước lại có nhà nước lo. Tự nhiên tôi thấy mình sống có ý nghĩa trong những công việc vặt vãnh không đâu. Lao động là cha đẻ của nguồn vui. Ai nói câu đó hả thầy Phúc?

– Voltaire. Mà sao hôm nay cậu lại đâm ra triết lý thế?

– Thôi, tạm gác chuyện triết lý – Chương ‘chuồn chuồn’ trở lại vấn đề – Trong bọn mình như thế là còn mỗi tớ chưa có ý kiến. Tớ quyết định theo Phong… Tớ không đủ tiêu chuẩn để về xây dựng đất nước. Cho dù có được về chăng nữa cũng không chịu được cảnh ‘hàng thần lơ láo’. Tớ cũng chẳng nặng gánh gia đình như Phúc, cũng chẳng tìm được nguồn vui ở đây như Cương… Đã trót mang tiếng là dân ‘bay nhảy’ thì con chuồn chuồn này không lý nào lại chịu gãy cánh trong trại cải tạo.

***

Chương ‘chuồn chuồn’ không gãy cánh nhưng Phong 81 đã ra đi. Chuyến ‘nhảy toán’ của Phong thật đột ngột.

Sáng hôm đó, cả đội phát giác sự vắng mặt của Phong khi sửa sọan phân công tác lao động. Bốn người trong nhóm biết sớm hơn những người trong đội khi quây quần quanh chiếc bàn gỗ ọp ẹp. Họ nhìn Chương bằng ánh mắt dò hỏi, không ai dám lên tiếng trước. Sau một lúc yên lặng đầy căng thẳng, Chương thì thầm:

– Phong ‘dọt’ đêm qua rồi. Theo kế họach, tụi này xuất phát vào nửa đêm. Phong luồn qua được hàng rào kẽm gai tiểu đoàn rồi băng qua đường an toàn. Mình chuẩn bị theo chân thì bất ngờ toán vệ binh tuần tra của trung đoàn xuất hiện. Mình chờ khoảng 3 phút rồi làm tín hiệu mà chẳng nghe Phong đáp lại. Có lẽ Phong đã thấy vệ binh nên phải tránh xa mặt đường. Cuối cùng mình quyết định không vượt hàng rào. Không liên lạc được với Phong, qủa thật mình không đủ can đảm thực hiện ý định nữa. Chỉ trong 3 phút mọi chuyện đã thay đổi ngoài dự tính…

Ba phút. Âm thanh của hai chữ đó vang lên trong lòng Chương. Trách thời gian ư? Tôi đã đổ hết lên đầu thời gian trong khi Phong sẽ cám ơn nó: nếu chậm đi vài phút chắc chắn anh đã bị phát hiện khi băng qua đường. Tôi chỉ là thằng hèn.

Thời gian sẽ không tha thứ cho những gì tôi không làm. Sự can đảm không thể nào bị mạo trang. Nó là một đức tính không thể nào gỉa dối đánh lừa được người khác. Lòng can đảm của Phong gia tăng khi anh dám làm và sự hèn nhát của tôi nổi bật khi tôi do dự. Có đúng là 3 phút? Hay đó chỉ là con số được tôi bám víu để biện minh cho sự hèn nhát của mình?

Tôi đã từng bay những chuyến rescue. Trực thăng dưới bàn tay điều khiển của tôi như một hòn đá rơi xuống mặt đất giữa lưới đạn tua tủa từ dưới đan lên. Tôi lao vào lưới đạn để cứu một thằng bạn phi công cùng phi đòan bị ‘gãy cánh’ hay cứu những người lính không quen bị thương nằm lại trên chiến trường. Sinh mạng của họ được quyết định bằng những bước chân lặng lẽ, vô tình của thời gian. Can đảm? Anh hùng? Nhân đạo? Tôi đã sống và thỏa mãn trong đám ngôn từ thiêng liêng đó.

Ấy thế mà đêm qua… người anh hùng ngày nào nằm run bên hàng rào kẽm gai, lo những bước chân dép lốp cao su bất ngờ dừng lại. Tôi đã phản bội chính mình và quan trọng hơn cả, phản bội lòng tin của người bạn vẫn hằng đặt nơi tôi.

Chiến tranh đã dậy cho Phong một tinh thần đồng đội. Chính anh đã nhịn phần ăn sáng của mình để phơi cơm và chia đều cho tôi trước khi xuất phát. Chính anh đã dành đi bước đầu để dẫn đường trong cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm. Và cũng chính tôi, chỉ trong vài phút ‘tham sống, sợ chết’ đã bỏ rơi đồng đội. Tôi chỉ là một thằng hèn. Không hơn, không kém.

***

Hai hôm sau, đội nhận được lệnh đi công tác đột xuất vào buổi chiều. Tiểu đoàn phân công đích danh Phúc, Kỳ, Chương, Cương mang theo cuốc xẻng. Hôm trước họ phải viết lại lý lịch, làm kiểm điểm báo cáo sự việc có liên quan đến việc trốn trại của Phong.

Nội dung công tác đột xuất buổi chiều không được phổ biến trên tiểu đoàn. Vệ binh dẫn họ và một số người học tập từ các tiểu đoàn khác đến phi trường L19 cũ.

Bãi đất trống trên phi đạo đã có mặt những người cải tạo thuộc 4 tiểu đoàn. Họ được tập họp thành đội, cách biệt hẳn nhau để tránh tiếp xúc. Những người cải tạo được gọi đi chiều nay lòng đầy thắc mắc. Đã có người lạc quan, nghĩ đến chuyện được về. Chỉ 4 người mang cuốc xẻng linh cảm được một điều mà họ không dám nói ra. Tại sao lại cuốc xẻng?

Phi trường L19 là đất hứa của Phong trong kế họach Bravo 1. Nơi đây, gió chiều thoang thoảng đang lùa dần hơi nóng cháy da của đất Tây Ninh. Ngọn núi Bà Đen ngả sang màu xám trên nền ráng trời vàng nhạt.

Núi Bà Đen


– Toán công tác đâu?

Bốn người mang cuốc xẻng bước ra khỏi hàng giữa sự ngạc nhiên của đám người cải tạo đang xầm xì bàn tán. Một cán bộ trung đoàn đưa cho họ khúc cây dài khoảng 2 thước. Chương vác cây lên vai, lục tục theo sau là Phúc, Kỳ và Cương. Đi khoảng 50 mét họ được lệnh dừng lại. Công tác của họ là đào một lỗ sâu khoảng 30 phân rồi chôn cọc.

Cả 4 người không hẹn mà cùng thoáng rùng mình. Linh cảm của họ đã thành sự thật mất rồi.

Bốn người lặng lẽ đào lỗ. Họ làm việc như một cái máy trước những cặp mắt chăm chú theo dõi của cán bộ và vệ binh. Những người cải tạo chứng kiến việc đào lỗ chôn cọc với một tâm trạng hoang mang vô tả. Họ không thể nào đoán trước được chuyện gì sắp xảy ra tại đây.

Bốn người vây quanh một cái lỗ nhỏ trở thành quá đông. Trong khi chờ các bạn xúc đất, Chương đứng dựa cán cuốc, tay chống nạnh trong tư thế nghỉ ngơi bất cần. Mắt anh nhìn thẳng vào cán bộ và vệ binh. Phi trường bỗng rộng hẳn ra trong bầu không khí căng thẳng, lặng lẽ của một buổi chiều sắp hết.

Từ xa thấp thóang một đám vệ binh đang tiến dần đến khu tập họp. Chương nhận ra Phong ngay. Giữa đám vệ binh cầm AK, Phong nổi bật với dáng đi lọang choạng, ngả nghiêng, vùng vẫy. Có tiếng người gào thét từ xa vọng lại. Đám vệ binh dừng bước vây quanh Phong. Khi họ tiến đến gần hơn, Chương nhận ra một miếng giẻ vừa được buộc ngang mồm Phong.

–  Anh kia, lấp đất nhanh lên, nhìn gì?

Ba người hì hục nện đất quanh chân cọc. Chương vẫn đứng sững nhìn Phong đang tiến đến mỗi lúc một gần. Mắt họ đã gặp nhau. Phong vùng vẫy giữa hai vệ binh, cặp mắt rực lửa. Những âm thanh bị miếng vải bịt miệng chặn lại chỉ còn là những tiếng ú ớ không thành lời. Khi đến gần cọc, tay Phong đã bị vệ binh khóa chặt.

– Về chỗ.

Bốn người bạn cùng thau cơm nhìn Phong lần cuối trước khi rời cây cọc xử bắn người bạn vừa được chính tay họ dựng lên. Ánh mắt đỏ ngầu của Phong vẫn hướng về phía họ. Chương vẫn bắt gặp tia nhìn đó khi anh là người duy nhất trong bọn ngoái cổ lại nhìn trên đọan đường về chỗ.

Trong cái yên lặng chết chóc của một buổi chiều tắt nắng, giọng cán bộ trung đoàn vang lên:

Lệnh tử hình.


Đảng ủy và Bộ chỉ huy trung đòan quyết định xử bắn tên Nguyễn Thế Phong, trung úy ngụy quân, sinh năm 1947 tại Hà Nội.


Tên Phong là thành phần nguy hiểm đã bỏ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 để theo chân thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chống phá cách mạng. Hắn là một tên sĩ quan biệt kích gây nhiều nợ máu với nhân dân, đã ngoan cố không chịu học tập cải tạo, âm mưu trốn trại và có ý đồ dùng lựu đạn chống lại lực lượng vũ trang quân đội nhân dân.


Xét mức độ trầm trọng của hành động phản cách mạng, Đảng ủy và Bộ chỉ huy trung đòan quyết định thi hành bản án tử hình tại chỗ để làm gương cho những tên ngoan cố khác không an tâm cải tạo và có ý đồ chống đối cách mạng…

Những người cải tạo được các tiểu đoàn chỉ định đến phi trường L19 chiều nay bỗng giật mình hiểu được lý do tại sao họ có mặt tại đây. Họ hiểu buổi xử bắn hôm nay là một lời cảnh cáo bằng máu chứ không còn bằng ngôn từ…

Phong bị dẫn đến cây cọc, hai cánh tay bị trói quặt sau lưng và buộc chặt vào đó bằng sợi dây xe từ những sợi bao cát, công trình của những người cải tạo. Phong vẫn vẫy vùng trong tuyệt vọng. Không như bất cứ một tử tội nào trong giờ hành quyết, cặp mắt anh vẫn trừng trừng nhìn vào đám vệ binh xếp hàng ngang trước mặt đang chờ lệnh nhả đạn.

Bản án vừa đọc xong, người cán bộ ra lệnh cho vệ binh chuẩn bị vào thế bắn qùy. Sáu họng súng AK hướng về phía Phong.

– Bắn!

Lọat đạn vang dội giữa khoảng mênh mông của phi trường L19. Phong đã từng nói: “Ra đến đây là an toàn, cầm chắc được sự sống”. Nhưng cũng chính nơi đây, thân thể anh nẩy lên, giãy dụa trong loạt đạn bắn cách đó chưa đầy 10 mét. Đầu anh vẫn lay động nhưng không còn sức vùng vẫy như trước đó vài giây.

Người cán bộ trung đoàn tiến đến bên tử tội. Khẩu K54 được rút ra khỏi bao, mũi súng hất đầu Phong sang phía bên kia để nhận ‘phát ân huệ’ cuối cùng.

– Các đội về trại. Toán công tác ở lại làm việc.

Họ là 4 người cải tạo duy nhất được đến gần xác tử tội. Thân xác đó giờ đây không còn đứng vững trên đôi chân, nó được treo trên hai cánh tay trói quặt vào cọc. Phải khó khăn lắm Chương mới tháo được sợi dây trói bị căng lên vì sức trì của thân thể.

Khi dây được được gỡ, ba người vội vàng đỡ lấy đống thịt mềm nhũn chực đổ nhào xuống đất. Máu loang khắp chiếc áo kaki lính ngụy do trại phát. Máu vẫn rỉ ra từ những lỗ đạn AK. Một viên đạn ‘lạc’ xuyên qua miệng Phong làm đứt miếng giẻ bịt miệng. Tài thiện xạ của một anh vệ binh nào đó đã vô tình trả lại cho Phong ‘quyền tự do ngôn luận’ đúng vào lúc Tử thần vung lưỡi hái.

Theo thói quen nghề nghiệp, bác sĩ Kỳ kín đáo cầm cổ tay Phong để tìm mạch. Yên lặng. Tất cả đều yên lặng trong không khí lạnh lùng của Thần chết. Phúc đứng lên, nhìn thẳng vào mắt người cán bộ. Anh trịnh trọng cất lời:


– Xin phép cho chúng tôi được vuốt mắt người chết.

Câu nói chân thành và thái độ thẳng thắn đó có lẽ đã thuyết phục được người cán bộ. Sau cái nhíu mày, anh ta lặng lẽ gật đầu. Cặp mắt người chết vẫn đỏ ngầu, trợn trừng nhìn về phía trước. Phải ba lần vuốt xuống hai mí mắt mới chịu khép kín để xóa mọi hình ảnh của thế giới hữu hình.

Kỳ được vệ binh đưa một cái cáng xếp, lọai băng ca vẫn thường được dùng trong các quân y viện. Kẹp trong cáng là tấm chăn bằng vải lính ‘ngụy’ của Phong mà các bạn cùng thau cơm đã cẩn thận xếp vào túi khi tiểu đoàn ra lệnh nộp tòan bộ đồ dùng cá nhân của Phong còn để lại.

Bạn bè nộp chăn với hy vọng ngộ nhỡ Phong không thoát, tấm chăn sẽ giữ ấm cho anh được phần nào giữa cái lạnh sắt thép của Connex, một khối vuông bọc sắt, mỗi chiều 2 mét được trại dùng làm xà lim kỷ luật.

Chăn của Phong cũng giống như bất cứ tấm đắp nào của người cải tạo. Đó là tài sản nhà nước duy nhất mà trại cấp phát để chống lại hơi lạnh tỏa ra hằng đêm từ núi Bà Đen. Theo thông báo của Ủy ban Quân quản Thành phố, đi học tập  chỉ 10 ngày, nên ít ai nghĩ đến việc mang theo chăn đắp trong những đêm đông.

Trại phát tấm đắp cắt ra từ những xúc vải kaki rằn ri của lính dù ngày trước còn để lại trong kho quân nhu căn cứ Trảng Lớn. Mỗi người cải tạo được phát một mảnh chiều ngang 1m2, chiều dài 2m và đó cũng là tấm vải liệm đồng thời là quan tài cho Phong.

Tấm đắp được trải lên mặt băng ca loang lổ những vết máu của biết bao người đã từng nằm trên đó. Bốn người bạn cùng nhấc bổng thân xác mềm nhũn của Phong, máu nhỏ  giọt từ những lỗ đạn AK trổ ra phía lưng. Máu bắt đầu thấm loang tấm vải liệm. Phải khéo léo lắm họ mới không để Phong bị hở đầu, hở chân trên suốt đọan đường cuối cùng đi vào lòng đất.

Chiếc băng ca được cả 4 người cải tạo cùng khiêng. Thật ra thì chỉ cần 2 người nhưng ‘nghĩa tử là nghĩa tận’ nên ai cũng muốn chung tay đưa bạn đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Nghĩa trang của trại nằm sát hàng rào căn cứ. Nơi đây đã có hơn 10 nấm mộ của những người cải tạo đã đầu hàng Thần Đói, Thần Bệnh Tật và Thần Tai Nạn. Giờ đây, Phong là thân chủ đầu tiên của Thần Bạo Lực.

Sau khi được cán bộ chỉ định nơi đào huyệt, những người cải tạo lặng lẽ làm việc. Họ cuốc, họ xúc đất với một ý thức trách nhiệm và kỷ luật lao động chưa từng thấy trong đời cải tạo. Trước cái xác chờ chôn chắc hẳn có hai luồng tư tưởng. Cán bộ và vệ binh chắc chỉ mong cho chóng xong để về ăn cơm. Người cải tạo chắc cố chôn cất bạn cho chu đáo. Còn người chết không hiểu đang ‘nghĩ’ gì? Chỉ chắc chắn một điều là bạo lực đã tước đọat quyền làm người của anh.

– Thôi, được rồi.

Nếu không có lệnh dừng, những người cải tạo vẫn cố đào huyệt sâu hơn nữa. Đối với người chết, một nấm mộ nông sâu chẳng có nghĩa gì, nhưng với người sống, đó là cách biểu lộ những tình cảm riêng tư đối với người đã ra đi không nhang, không khói.

Cuối cùng, xác Phong đã nằm yên trong lòng đất. Chương đánh dấu mộ bia bằng cách cắm một cành cây khô giữa cái nhíu mày của người cán bộ. Trong ánh sáng mờ nhạt của một ngày sắp tàn, đám vệ binh dẫn 4 người cải tạo lần lũi về đội.

Khúc Chiêu Hồn Ca của Nguyễn Du văng vẳng bên tai họ trên suốt đường về:

Thương thay thập lọai chúng sinh

Phách đơn, hồn chiếc lênh đênh quê người

Hương khói đã không nơi nương tựa

Phận mồ côi lần lữa đêm đêm

Còn chi ai khá, ai hèm

Còn chi mà nói ai hèn, ai ngu? 

http://chinhhoiuc.blogspot.be/2012/08/nam-thang-kho-quen.html