MÙA XUÂN ĐÃ MẤT (Hàn Thiên Lương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Cội mai già trước giáo đường đang lả ngọn vàng bông, đàn chim sẻ ríu rít dưới hiên nhà, nhưng tiếng nô đùa của đàn trẻ thường ngày im bặt, khiến buổi chiều xuân thật hoang vắng .Nhiều loạt súng nổ càng lúc càng gần.Từng khoảnh khắc im lặng là từng nỗi lo lắng căng thẳng  trong lòng mỗi người dân trong ấp nầy!

Bây giờ là mồng hai Tết Mậu Thân (1968) , chiến tranh đã tràn vào xã mà từ trước đến giờ rất thanh bình! Tờ mờ sáng đã đánh nhau dữ dội quanh đồn Cầu Dứa…
Số đông dân chúng đã chạy vào nhà thờ trú ẩn. Ngôi nhà thờ nhỏ bé, nhưng phải chứa hơn trăm người, thật chật chội và ngột ngạt!

Cha Hòa đã cao tuổi tóc bạc phơ, quần áo của ông hôm nay thật xốc xếch…Người di chuyển luôn, lúc thì hướng dẫn các thanh nữ băng bó vết thương cho các nạn nhân trúng đạn, lúc an ủi gia đình nào đó đang khóc la vì quá sợ hãi, lúc thì Ngài hướng dẫn cầu nguyện chung. Tuy mệt nhọc nhưng lúc nào gương mặt ngài cũng tỉnh táo, sẵn sàng cất tiếng an ủi từng người một, từng gia đình để trấn an trong hoàn cảnh nguy biến!

Dòng sông nhỏ sau giáo đường trôi lặng lờ mang theo những đám lục bình xanh biếc. Bốn năm người lính hình dáng mệt nhọc, núp sau đám dứa gai cuối sân nhà thờ, họ đăm đăm nhìn về phía đồn Cầu Dứa, đang bốc cháy, khói lên ngùn ngụt. Từ xa ngược dòng sông, một chiếc xuồng con ba người lính chèo vội đến khu vực nhà thờ.
Xuồng chưa cập sát bờ, một trong ba người đã vội nhảy lên bờ, cúi mình chạy  đến đám lính, ông ngồi thụp xuống ra lệnh cho họ chuẩn bị rút qua sông. Ngay sau đó ông vội chạy nhanh vào phía sau nhà thờ. Bấy giờ mới nhận ra ông là thiếu úy trưởng đồn Cầu Dứa

Viên thiếu úy tìm gặp Cha Hòa, lúc đang băng bó cho một em bé, ôn tồn nói :
– Thưa Cha, xin đề nghi Cha cùng theo chúng con qua sông, chung con được lệnh rút đi vì áp lực địch quá mạnh !
Cha Hòa hỏi :- Thế thì quý vị không còn bảo vệ cho chúng tôi sao?
Viên Thiếu úy ôn tồn giải thích:- Thưa Cha bây giờ tạm thời rút qua sông để bảo tồn lực lượng, khi có tăng viện thì trở lại, mong Cha cũng rời nơi nầy, nếu địch đến đây  Cha sẽ gặp khó khăn!
Cha Hòa đáp:
– Tôi cũng biết như vậy, nhưng làm sao tôi nỡ bỏ đám chiên lành trong cơn chiến loạn được, thôi thì thiếu úy cứ thi hành lệnh cấp trên. Tôi quyết ở lại, giờ phút nầy chúng tôi không còn được chính quyền bảo vệ, chúng tôi chỉ còn cậy ơn Thiên Chúa, đó là niềm hy vọng tuyệt đối của chúng tôi mà thôi. Xin Thiếu úy hiểu cho, tôi sống ở đây bao nhiêu năm, chẳng lẽ trước nguy biến tôi bỏ họ, tìm sự bình yên cho  chính mình sao!

Thấy không thuyết phục được vị Linh mục, thiếu úy chào ngài rồi bước ra khỏi nhà thờ mà lòng đầy lo lắng. Mặc dù thiếu úy là một người lương nhưng rất quý trọng Ngài như một vị tuyên úy của đơn vị, nhờ  bài giảng yêu thương của linh mục mà anh em binh sĩ sống trong đồn sống đoàn kết, sự liên hệ giữa binh sĩ và dân chúng xung quanh đồn rất hòa thuận nhau!

Sau đó các binh sĩ cuối cùng rời khỏi vị trí. Màn đêm xuống dần, cảnh vật bên ngoài trở nên thinh lặng, một sự thinh lặng đáng sợ! Giờ đây tất cả những người trú ẩn trong nhà thờ chỉ còn hướng lòng mình lên Thiên Chúa. Phó thác mọi sự cho Ngài. Sự mầu nhiệm của đức tin hiển hiện trong nỗi cô đơn và đau khổ của con người. Người ta cầu nguyện liên hồi!
Trời sáng dần, quanh nhà thờ xuất hiện nhiều người mặc đồ đen , mang súng tiểu liên, có lẽ đêm qua họ bao vây nhà thờ. Cho đến giờ nầy vị tu sĩ già vẫn bình tỉnh và thản nhiên chăm sóc cho những người bị thương đang nằm ở góc tòa giảng. Ngay khi đó ba người mặc y phục đen vào nhà thờ. Một người lớn tuổi, có thể là cấp chỉ huy cất tiếng :
– Ai trách nhiệm trong nhà thờ nầy?
– Tôi là linh mục Hòa.
– Anh có biết tên công an nào đang ẩn trốn trong nhà thờ nầy không? Người chỉ huy gằn giọng hỏi Cha Hòa.
– Ở đây chỉ có dân còn lính thì rút đi hết rồi, cha Hòa đáp.

Lúc đó một người mang tiểu liên cưỡng bức hai nông dân đi thẳng tới chỗ cha Hòa đứng.
Người chỉ tay thẳng vào hai người đó và la to :
–   Anh có biết hai tên Nhân và Tính là công an không?
Cha Hòa ôn tồn đáp:- Họ là hai nông dân hiền lành cư ngụ ở đây rất lâu, tôi biết rõ họ lắm!
Người chi huy gằn giọng : – Anh Hòa và hai anh kia theo tôi.
Ngay khi đó hai người mang tiểu liên bức bạch họ về hướng khu rừng tràm đến khi mất hút.

Trọn ngày và đêm hôm đó. Không khí sợ hãi bao trùm cả thôn làng; nhiều người dự đoán khu nhà thờ không còn an toàn nữa, nên họ tản lần về nhà. Còn một số ở lại họ luôn luôn cầu nguyện.
Qua hôm sau trời vừa hừng sáng, nhiều trực thăng quần thảo trên bầu trời. Quân đội đã xuất hiện đông đảo, chỉ còn nghe vài loạt súng lẻ tẻ, Những người lạ mặt mặc y phục đen mang súng tiểu liên đã lẩn trốn mất dạng.Một số giáo dân chạy theo quân đội đi sâu vào khu rừng tràm để tìm cha Hòa và hai anh Nhân, Tính.

Họ lục soát từng bụi cây dọc theo bờ con rạch nhỏ, người ta thấy xác của Cha Hòa và xác của hai anh  Nhân, Tính nằm  sấp trên chiếc ghe tam bản, máu đã nhuộm đỏ trên áo cha, người ta bế cha lên, lồng ngực Cha còn hơi ấm, chứng tỏ họ vừa giết cha trước khi rút chạy.
Cha được đưa về Thánh đường, giáo dân có mặt đông đủ, ai nấy đều khóc. Người ta thương tiếc cha, một tôi con của Chúa đã tận trung trong chức vụ, một đời sống bình dị theo gương của Chúa Cứu Thế, một cuộc đời cho ai tin tưởng nơi mình.

Giờ nầy cha bình thản ngủ yên trong tay Chúa sau khi máu Ngài đã thấm đỏ trên mảnh đất quê hương! Mùa xuân cũng đã mất!
Bầy chim sẻ dưới hiên nhà không còn ríu rít, không gian chìm lặng, những cánh mai vàng đổ nhiều ngoài sân. Cha Hòa “ra đi”, mùa xuân đã mất, xóm đạo buồn, hãi hùng trong chinh chiến điêu linh!

                        *Nhớ lại một mùa Tết đau thương

Hàn Thiên Lương