MỘT NỀN GIÁO DỤC NHÂN BẢN – DÂN TỘC -KHAI PHÓNG ĐÃ BỊ BỨC TỬ (Trần Văn Chánh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
(Xin giới thiệu một bài viết tổng quát về nền giáo dục dưới thời VNCH trước 1975 , của tác giả Nguyễn Long Chiến. Ông cũng chính là người đã được hấp thụ , ảnh hưởng triết lý giáo dục Nhân bản , tự do khai phóng và dân tộc của nền giáo dục thời đó.
Để biết thêm về nền giáo dục dưới thời VNCH xin được giới thiệu mọi người tìm đọc cuốn :
BÀN VỀ GIÁO DUC VIỆT NAM TRƯỚC VÀ SAU NĂM 1975 .
(Của t.g : Trần văn Chánh)
“CÀNH PHƯỢNG VĨ, em cầm là tuổi tôi mười tám”.
(Trả lời bạn về giáo dục VNCH)
Một bạn hỏi tôi trên facebook “Anh nên dành chút thời giờ viết lai cho tường tận. Tôi dân Bắc, không hiểu mấy về giáo dục thời ấy trong Nam! Tiếc rằng mình dân Việt mà ngu ngơ!” Minh Như Khuê Văn.
Tôi cảm kích khi được bạn hỏi trong một “ý kiến” (comment) trên một status tôi viết, có nhắc đến một chút sắc thái giáo dục VNCH. Dù trải qua thời gian không dài, nền giáo dục ấy để lại nhiều dấu ấn khó phai cho những ai đi qua các bậc học, nhất là thời trung, tiểu học – thời của tuổi thơ, của thiếu niên, của chập chững vào đời. Bạn nói: “Tiếc rằng mình dân Việt mà ngu ngơ!”. Tôi thì không dám nói như vậy.
Một trong những điều làm cuộc chiến Nam-Bắc kéo dài và đẫm máu là thiếu đối thoại giữa con người ở hai “trận tuyến”, và đây là lý do chính, các cường quốc đã nhảy vào khuynh đảo đất nước, biến chúng ta thành hai “tiền đồn” của 2 thế giới tư bản và cộng sản.
Sau chiến tranh, xã hội hình thành một “trận tuyến” mới: bên thắng cuộc và bên thua cuộc. Những người bên “thắng trận” hiếm có ai như anh: muốn hỏi chuyện người ở miền Nam chúng tôi, bỏ đi thái độ “Ngụy” luôn xấu và “Ta” luôn tốt. Nền giáo dục chúng tôi được hấp thu bị vất đi không thương tiếc vì tội “vong bản, đồi trụy, phản động, hình thành tinh thần nô dịch ngoại bang”
Tôi không đủ kiến thức để giải thích cặn kẽ bản chất nền giáo dục ấy, và điều này, trên internet có lẽ còn nhiều tư liệu dễ tìm, bạn sẽ hiểu rõ hơn. Tôi chỉ trao đổi với bạn những gì tôi trải qua thời trung học mà tôi hiểu được, và những bậc huynh trưởng nếu có đọc status này họ sẽ bổ sung hoặc đính chính giúp tôi rõ hơn về giáo dục VNCH, nhất là cấp trung học.
Cấp tiểu học hoàn toàn miễn phí và bắt buộc, mỗi ngày học hai buổi, thứ năm, chủ nhật nghỉ. Cấp trung học chia ra làm hai: đệ nhất cấp (cấp 2) và đệ nhị cấp (cấp 3). Bên cạnh trường phổ thông còn có trường trung học kỹ thuật vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề ở mỗi tỉnh; nếu không vào được đại học, xã hội cũng có những người có tay nghề kỹ thuật dành cho thời hậu chiến.
Thập niên 1950 còn duy trì thi bằng tiểu học, trung học (lớp 9), về sau bãi bỏ, chỉ còn duy trì thi tú tài 1 (lớp 11, bỏ năm 1973) và tú tài 2 (tốt nghiệp). Năm 1974, thi tú tài hoàn toàn trắc nghiệm chấm bằng computer của hãng IBM, nên gọi tú tài IBM (ngoại trừ môn triết, ngoại ngữ ban C, có thêm bài viết).
Tỷ lệ đậu cho tú tài 1: thường từ 15 đến 30% thí sinh; tú tài 2:30 đến 45% thí sinh.
Học sinh đậu tú tài 1 nếu gia nhập quân đội, sau 9 tháng huấn luyện, sẽ ra trường cấp bậc “chuẩn úy” (dưới thiếu úy), chỉ huy chừng 1 trung đội lính. Đậu tú tài 2 cũng vậy, trường hợp đủ sức khỏe, giỏi, học sinh có thể thi vào trường Võ bị quốc gia Đà Lạt, sau 4 năm sẽ là thiếu úy, 18 tháng sau nếu không bị kỷ luật, đương nhiên vinh thăng trung úy. Thi vào trường này rất khó, chỉ dễ hơn khi thi vào lớp đào tạo phi công. Tôi muốn nói cụ thể vì hồi đó chiến tranh, đi học và đi lính là hai lựa chọn, không học thì sẽ đi lính khi đủ tuổi 18.
Năm 1972, “mùa hè đỏ lửa”, Quảng Trị bị quân Bắc Việt chiếm đóng, miền Nam ra lệnh tổng động viên, ai “dư tuổi” học phải đăng lính (nghĩa là tuổi nào được học lớp nào, nếu lớn hơn sẽ được động viên vào quân đội).
Thi tú tài (thời tôi học) chia làm hai đợt. Đợt đầu, ai đậu sẽ ghi danh (không thi) vào ba trường: đại học văn khoa, đại học khoa học, và đại học luật khoa (4 năm). Các trường cần thi vào: Y khoa, dược khoa, kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, nông lâm súc, sư phạm (2 năm, 4 năm), quốc gia hành chánh (đào tạo cán bộ) và kỹ sư Phú Thọ (nay đại học Bách khoa).Thống kê từ năm 1950-1960, cứ 4 kỹ sư ra trường ở Đông Nam Á thì 3 đào tạo từ trường này.
Bậc đại học cũng như trung học hoàn toàn miễn phí và học sinh, sinh viên không đóng bất kỳ khoản nào cả. Vì trường công lập không đủ cho học sinh toàn nước nên có thêm những đại học tư thục, tuyển những sinh viên đậu tú tài kỳ 2, hoặc những sinh viên đậu kỳ 1, học những ngành mà trường đại học công lập không có, hoặc có ít.
Các trường trung học tư thục đón nhận những học sinh không thi đậu vào trường công lập, học sinh thường miễn giảm học phí nếu đứng thứ hạng từ 3 hoặc 5 trở lên mỗi tháng (tùy trường). Học phí cấp trung học rất nhẹ nhàng, người lao động bình thường cũng có thể cho con đi học. Hầu hết trẻ em đều đến trường ở các điểm tập trung dân cư (gọi là trại tạm cư tránh chiến tranh – bên “cách mạng” gọi là khu dồn) ở đơn vị hành chánh cấp quận, thị trấn, thành phố, tỉnh lỵ, trừ những vùng chiến sự liên miên xảy ra ở nông thôn hẻo lánh.
Chương trình học gọn nhẹ không quá nhiều môn như các em học sinh bây giờ. Cấp 2 chúng tôi học các môn: ngoại ngữ (Anh hoặc Pháp), toán, văn, vạn vật (sinh), lý, hóa, sử, địa, công dân, vẽ, nhạc, thể dục. Cấp 3 thì không còn vẽ, nhạc vì tập trung học sâu hơn các môn chính. Ở cấp này, bắt đầu lớp 10 đã phân ban: ban A chuyên về vạn vật, sinh học; ban B chuyên về toán, lý, hóa); ban C chuyên về văn chương, ngoại ngữ, riêng cuối lớp 12, thi tú tài, môn triết thay môn văn. Triết học gồm: tâm lý học, luận lý học, siêu hình học, và đạo đức học (trừ tâm lý học, sách dày khoảng 400 trang, ba môn kia chừng 200 trang/cuốn). Thầy cô không phải làm giáo án. Họ chỉ nghiên cứu trước bài dạy, lên lớp, có vị chẳng mang theo sách, sách nằm trong bụng chữ của họ. Sách giáo khoa được nhiều tác giả soạn, dựa vào đề cương của bộ, thường thầy dạy cấp nào soạn sách cấp đó, không có chuyện giáo sư đại học đi soạn sách lớp 1. Nhà trường và thầy có quyền chọn loại sách giáo khoa dạy cho học sinh.
Đặc điểm phân ban: môn chính của ban sẽ có hệ số 4, nghĩa là bạn sẽ được nhiều điểm trung bình nếu môn chính điểm cao, môn chi phối nhờ hệ số cao chi phối. Ví dụ, ban C tôi học, môn triết hệ số 4, ngoại ngữ 1 hệ số 3, ngoại ngữ 2 hệ số 2, các môn còn lại đều hệ số 1, điểm trên 20 chứ không phải điểm trên 10 như bây giờ. Và cũng từ lớp 10, đầu cấp 3, bạn sẽ học thêm một ngoại ngữ (Pháp nếu cấp 2 học Anh và ngược lại).
Trường đại học có tổ chức thi, học sinh thường chỉ thi một môn chính trừ trường kiến trúc, mỹ thuật. Có trường còn cho thi thêm orale, vấn đáp, một dạng như phỏng vấn.
Trong trường học không được giảng dạy hay nói về chính trị đối với học sinh. Tất cả các sách giáo khoa không có chỗ nào nhắc đến hay lên án cộng sản, dù học sinh đều hiểu rằng Việt cộng (địa phương, bộ đội chính quy miền Bắc) từng pháo kích vào thành phố gây tang tóc, giết chết cha mẹ họ trong chiến trận, đánh phá các doanh trại quân đội đang bảo vệ họ được bình yên sinh sống, học tập.
Các cuộc xuống đường của học sinh, sinh viên không được khuyến khích, chủ yếu tại thủ đô Sài Gòn, và cũng không bị đuổi học bởi nhà trường trừ phi học sinh hay sinh viên bị cảnh sát bắt vì phát hiện theo hay cộng tác với Việt cộng, số này rất ít, có lẽ chỉ một vài người.
Học sinh chỉ tham gia biểu tình duy nhất tôi được biết là năm 1972 tại Sài Gòn ở trường Petrus Ký (Lê Hồng Phong), đối diện Tổng nha cảnh sát VNCH. Các em nêu khẩu hiệu chống luật tổng động viên của tổng thống Thiệu “đem thanh niên vào chỗ chết” (có lẽ có bàn tay của Việt cộng). Cảnh sát dã chiến (cơ động) bao vây trường ba bốn ngày, bắc loa kêu gọi các em ngưng biểu tình, và cuộc biểu tình chấm dứt, vì các em ở bên trong quá đói. Sau đó học sinh vẫn đi học bình thường. Trường sư phạm của tôi ở rất gần trường này nên tôi biết khá rõ. Trừ năm 1963 (ở Sài Gòn) và năm 1966 (một vài tỉnh miền Trung) có học sinh, sinh viên biểu tình, ngoài các năm đó ra, nhất là sau 1972, cuộc chiến đi vào khốc liệt, học sinh, sinh viên chỉ học là chính, không bị lôi kéo vào các trò chơi chính trị nữa (dù chỉ là một số, không phải tất cả).
Học sinh trung học có nhiều thời gian hơn khi đi học. Họ không hề học thêm, cũng không có thầy cô nào dạy thêm, trừ các lớp thi tú tài 1, tú tài 2, các môn chính được một hay hai thầy giỏi có tiếng dạy như toán, lý…Không hề dạy thêm môn văn hay ngoại ngữ (tự học là chính).
Thầy giáo cấp 2, 3 gọi là giáo sư trung học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp. Lương của họ đủ nuôi cả gia đình. Chỉ số lương của thầy dạy cấp 3 ra trường là 470 cao hơn chỉ số lương của phó quận trưởng chỉ có 450; họ được gọi là công chức hạng A. Vị thầy của tôi cho biết, ông dạy mỗi tháng đổ hơn một cây vàng. Một chiếc xe Honda dame (nữ) giá khoảng 4 cây vàng vào năm 1967. Những học sinh giỏi mới có thể thi đỗ vào trường sư phạm (đào tạo thầy giáo).
Khi đi dạy, thầy chịu trách nhiệm dạy, không bị ảnh hường bởi hiệu trưởng. Tất cả công việc đều chú tâm đến chuyên môn. Hiệu trưởng chỉ phân lớp, phân giờ dạy, không can dự vào nôi dung dạy của thầy giáo và không được phép phê bình hay nhắc nhở các giáo sư khác. Các giáo sư rất tự trọng không hề làm điều gì để người khác phải nhắc nhở họ dù đó là hiệu trưởng. Ngoài hiệu trưởng, thầy cô không phải chịu trách nhiệm với phòng giáo dục, sở giáo dục, hay các cấp chính quyền. Họ hiểu vai trò của nhau và tôn trọng nhau. Thường vị hiệu trưởng là thầy dạy giỏi nhất môn nào đó, ngoài công việc hành chánh như ký học bạ, bảng danh dự (giấy khen), tổ chức họp hội đồng giáo sư, đi họp ở cấp trên (rất ít). Trường học thời tôi (65-72) không hề thấy có hội phụ huynh học sinh, quan chức chính quyền, tổ chức liên hoan trống dong cờ mở khi khai trường hay bế giảng.
Trường cấp 2,3 trực thuộc nha học chánh, nha này phụ trách một số tỉnh. Hồi đó mỗi tỉnh thường có 1 trường cấp 3 và trường cấp 2 ở mỗi quận. Năm 1971, tỉnh Quảng Nam, cùng các tỉnh thành lập sở học chánh, quản lý từ tiểu học đến trung học, trước đây chỉ có ty tiểu học ở mỗi tỉnh. Hệ thống quản lý hàng dọc, nghĩa là không bị chi phối bởi chính quyền địa phương.
Chính quyền tỉnh, quận, xã không có quyền hành gì đối với các trường học. Do đó, trường hợp con tỉnh trưởng, quận trưởng…ở lại lớp do học dở (không được lên lớp) là chuyện thường xảy ra. Vị hiệu trưởng và các thầy cô không hề bị chi phối bởi chính trị (chính quyền) nên sự giáo dục hết sức độc lập trong trường.
Thầy dạy Pháp văn của tôi, ông Phan Khôi (trùng tên học giả Phan Khôi), một “nhân sĩ trí thức”, năm 1966, sau biến cố Phật giáo đấu tranh ở Hội An, được mời đứng ra giữ chức tỉnh trưởng Quảng Nam nhưng ông từ chối vì điều kiện yêu cầu của ông là không ở nhà công vụ, không đi xe nhà nước, chỉ đi xe đạp như đi dạy. Điều này nói lên trình độ giáo sư, tư cách của họ rất được trọng vọng, hơn nữa vì họ không bị chi phối bởi chính trị, chính quyền.
Thưa bạn, chuyện hơi dài, tựu trung giáo dục VNCH đã dạy cho học sinh thế hệ chúng tôi hai tính cách dễ thấy nhất (nếu có dịp trò chuyện với lớp người này, bạn sẽ thấy tôi không nói ngoa): luôn tự trọng và nêu cao danh dự cá nhân. Một đặc điểm khác: thường tự do và độc lập trong suy nghĩ, không một chủ nghĩa, một triết thuyết độc đoán nào, chi phối học sinh chúng tôi từ lúc cắp sách đến trường cho đến lúc ra trường.
Hoài niệm về nền giáo dục đó luôn canh cánh trong lòng mỗi người chúng tôi. Cám ơn bạn Minh Như Khuê Văn đã khơi lại trong tôi một tình cảm hết sức thiêng liêng: được hồi tưởng lại giáo dục VNCH.
P/S: Tôi xin phép quý vị đăng “bằng tú tài” của mình để minh họa bài viết. Tuy học khá tốt, thi đậu vào sư phạm Sài Gòn hệ 4 năm, ban Anh văn (là 1 trong 2 học sinh duy nhất tỉnh Quảng Nam) nhưng tôi không đạt nổi hạng “Bình” (ban C khó có điểm cao như ban A, 😎 để đi du học năm 1972 như bạn cùng lớp Nguyễn Thị Thanh Tú đang định cư ở Úc.