Image by the Cap Anamur Committee
Hôm nay lúc 10 giờ 47 phút của 41 năm trước tức ngày 01 tháng 5 năm 1980, con tàu CAP ANAMUR đã vớt cái thuyền do tôi tổ chức đi từ Nhà Hàng nổi MỸ CẢNH trên sông SAIGON ra cửa biển VŨNG TÀU, đang lênh đênh trên biển Đông, gặp rất nhiều tàu buôn nhưng họ không đoái hoài đến chiếc ghe nhỏ bé này, cuối cùng chiếc trực thăng của CAP ANAMUR đã nhìn thấy chiếc thuyền bé tí tẹo, chở theo 45 người, giờ phút thiêng liêng này là 10 giờ 47 phút khi tôi nhìn đồng hồ đeo tay để ghi dấu thời khắc được cứu sống, ơn cứu tử do ông THÁNH Neudeck đã có ý tưởng từ tâm, bác ái để tổ chức lạc quyên người dân Đức đủ tiền để chi phí cho con tàu CAP ANAMUR chạy ra biển Đông vớt người chạy trốn khỏi Thiên Đường Cộng Sản Việt Nam, kết quả, được ghi nhận như sau:
Cap Anamur đã cứu vớt thuyền nhân như sau:
– Cap Anamur 1 gồm nhiều chuyến, từ tháng 9.1979 đến tháng 05.1982, vớt được 194 ghe, 9507 người.
– Cap Anamur 2, từ tháng 03.1986 đến tháng 06.1986, vớt được 18 ghe, 888 người.
– Cap Anamur 3, từ tháng 04.1987 đến tháng 06.1987, vớt được 14 ghe, 905 người.
Tổng cộng 3 lần ra khơi, Cap Anamur đã vớt được 226 thuyền, 11.300 người.
Ở đây cũng xin nói rõ, tất cả các thuyền nhân dưới 18 tuổi đều được bảo lãnh đoàn tụ gia đình, chính phủ Đức chi trả mọi chi phí cho việc đoàn tụ này. Tôi đem đi 2 đứa cháu, một đứa gọi là chú ruột, một đứa gọi là cô ruột, cả 2 đứa đã bảo lãnh cha mẹ, anh chị em, mỗi gia đình 7 người, chúng tôi không phải trả một chi phí nào cho tiền vé máy bay đoàn tụ, đặt chân đến nước Đức, mọi người được lãnh trợ cấp để sinh sống ngay. Nhiều người thấy nước Đức „cưu mang“ và mở rộng lòng nhân, đều nói là những thuyền nhân này đẻ bọc điều mới được hưởng những may mắn như thế, công ơn cứu tử của vị ân nhân, ông Thánh Neudeck sẽ sống mãi trong lòng chúng tôi, những người phải từ bỏ chế độ cộng sản độc tài, khát máu ra đi, chín phần chết, chỉ có một phần sống mong manh. Sau 37 năm (1979-2016), số người đoàn tụ, số người trưởng thành lập gia đình, sinh con đẻ cái, nâng con số lên khoảng 70.000 người, trong đó có rất nhiều gia đình, các con em họ đều thành đạt trên bước đường học vấn, như gia đình anh chị Nguyễn Đức Trụ, cả 5 cháu, 3 trai 2 gái đều đỗ đạt, đứa thì Bác Sĩ, đứa thì Kỹ Sư, đứa thì Dược Sĩ. Gia đình anh chị Lê Thanh Tùng ở Bochum, 4 cháu gái đều xong bậc Đại Học, đi làm, có địa vị ngoài xã hội, mỗi cháu học một ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, ghe của tôi có anh Trương Ngọc Thanh, đã tốt nghiệp Kỹ Sư Phú Thọ, khi đến Đức, đi học lại, tốt nghiệp Bác Sĩ, hiện mở phòng mạch tại Tỉnh Minden, Tiểu Bang NRW, Germany. Anh Nguyễn Hữu Hoàng, Kỹ Sư Địa Chất tại VN, qua Đức, học lại, thành Bác Sĩ Y Khoa, đang hành nghề tại một nhà thương ở tỉnh Menden, còn gia đình anh Phạm Văn Hoá, đã bị 3 ghe hải tặc bao vây, sửa soạn tấn công, thì Cap Anamur đến cứu kịp, 2 cháu gái của anh Hoá lúc đó mới 4,5 tuổi, nay đã tốt nghiệp Đại Học, cháu Thanh Trúc, một nữ Luật Sư trẻ, đã làm MC cho buổi khánh thành tượng đài thuyền nhân năm 2009, tại hải cảng Hamburg. Đặc biệt hơn nữa, một thuyền nhân đã trở thành Dược Sĩ Trung Tá trong quân đội Đức, đó là Anh Lê Vĩnh Hiệp, còn nhiều điều kỳ thú mà chúng ta chưa biết được như ĐĐ Thích Hạnh Giới, Trụ Trì chuà Viên Giác, là một Boat People, tốt nghiệp Đại Học Đức, xuống tóc đi tu được Sư Phụ Thích Như Điển cho qua Ấn Độ du học, đậu bằng Tiến Sĩ Phật Học. Tôi chỉ kể ra những trường hợp điển hình, chắc chắn còn rất nhiều các con cháu đã đạt được thành quả rất tốt đẹp trong lãnh vực học vấn, riêng đạo Công Giáo đã có thêm nhiều Linh Mục, những vị này được Cap Anamur vớt ngoài biển Đông, đi tu trở thành các vị lãnh đạo tinh thần trong Giáo Hội Công Giáo, tôi quen biết thân thiết với vài vị Linh Mục, dù tôi không phải là tín hữu.
Thưa tất cả qúy vị sống ngoài nước Đức đã quan tâm đến tình hình sinh hoạt của người VIỆT tại Cộng Hoà Liên Bang Đức, mỗi lần như thế này là chúng tôi luôn luôn nhắc đến tấm lòng NHÂN ĐẠO của người dân Đức để con cháu chúng tôi nhớ đến cái ơn cứu tử trên biển Đông, đi tìm tự do, 9 phần chết chỉ có 1 phần sống mong manh.
Cá nhân gia đình tôi có 2 đứa con rể, đứa đầu là một thanh niên Đức, có tước vị GIÁO SƯ TIẾN SĨ (Professor Dr,), đứa thứ nhì là người Việt, cũng được Cap Anamur vớt ngoài biển Đông, học thành tài tại đất nước này, cháu là một Giám Đốc Bệnh Viện từ hơn mười năm nay, còn 4 cô con gái của tôi đều tốt nghiệp Đại Học:
– Cô đầu đỗ: – Học Vị 1 – Lebensmittelchemikerin.
– Học Vị 2 – Patentanwältin.
– Cô thứ 2: – Dipl-Betriebswirtin.
– Cô thứ 3: – Dipl-Ökonomin.
– Cô út: – Bachelor of Commerce (International Business and Languages).
– Master of Arts (International Management).
Viết ra như vậy, có người lại nói mình khoe khoang, hợm hĩnh, nhưng nếu không kể thì ai biết mà đố kỵ, dèm pha, xúc xiểm, ôi trò đời mà, người ưa sự thành công thì mừng cho mình đã đạt được kết quả tốt trong cuộc sống. Bạn bè thân thiết ở Đức, giao du với nhau trên 40 năm đều biết về gia đình nhỏ bé của mình.
Cảm tạ ơn TRỜI đã ban cho gia đình con những điều tốt đẹp nhất.
GHI LẠI ĐỂ LÚC NÀO CŨNG NHỚ ĐẾN VỊ ĐẠI ÂN NHÂN CỨU TỬ CỦA GIA ĐÌNH MÌNH LÀ TIẾN SĨ RUPERT NEUDECK. Bây gIờ Ông đang ở với CHUÁ trên Thiên Đàng đã 5 năm rồi.
BOCHUM, NGÀY 01.05.2021
GĐ LÊ THANH TÙNG
(bút hiệu LÝ TRUNG TÍN, CHỦ NHIỆM TẠP CHÍ DÂN VĂN)
– Đính kèm Đoản Văn CAU CHUYN VUOT BIEN TU THU DO SAIGON.
****************************
Tất cả đều là một sự tình cờ, một cơ duyên đã đến với tôi, để từ đó tôi được vinh hạnh làm việc lâu dài với Ủy Ban Cap Anamur của Đức, một Ủy Ban đã cứu sống 11.300 thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam ngoài biển Đông trên đường chạy trốn nạn Cộng sản sau khi miền Nam Việt Nam bị cưỡng chiếm, và chính con tàu nhân đạo CAP ANAMUR này đã cứu sống tôi vào tháng 3 năm 1980. Tôi là một cựu sĩ quan Không Quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.Trước khi Sài Gòn thất thủ vào tháng 4 năm 1975, tôi đã bị quân CS bắt làm tù binh chiến tranh tại miền Trung. Sau hơn 3 năm tôi được phóng thích, nhưng không được phép trở về cư ngụ cùng với gia đình tại Sài Gòn, mà bị bắt buộc phải sinh sống trong vùng đất hoang vu cằn cỗi trong rừng sâu, nơi mà người CS gọi là „vùng kinh tế mới“ mà thực chất chính là nơi đầy đọa những người đã từng làm việc trong chính quyền và quân đội của miền Nam Việt Nam, bị cô lập với thế giới bên ngoài. Tôi đã trốn ra khỏi nơi đó, dùng giấy tờ giả trở về vùng đông bằng, tìm cách vượt biên, bất chấp mọi gian nguy, mong sao đến được vùng trời Tự Do và Nhân Bản. Lần đầu bị bắt, 6 tháng tù biệt giam. Lần thứ hai lại bị bắt, nhưng may mắn chạy thoát. Lần thứ ba (21.3.1980) đi từ Rạch Giá, trên ghe 46 người. Ngày 23.3 bị 1 ghe hải tặc Thái Lan chặn cướp bóc, hầu hết các phụ nữ đều bị cưỡng hiếp. Tối ngày 21.3 lại bị ba ghe hải tặc Thái Lan khác bao vây, tại họa lại đổ xuống một lần nữa cho đến sáng sớm hôm sau thì được thả. Chúng tôi nằm la liệt chồng chất lên nhau trong một chiếc ghe rách nát tả tơi đầy nước biển, máy ghe bất khả dụng, nước uống không còn, cứ thế trôi nổi trên mặt đại dương dưới ánh nắng mặt trời chói chang như thiêu đốt. Tôi và vài thanh niên khác còn sức cố gắng tìm mọi cách liên tục tát nước biển ra ngoài. Cũng may, biển hôm đó phẳng lặng như mặt hồ.Trong cơn thất vọng và sợ hãi tận cùng đó, bỗng xuất hiện một chiếc trực thăng sơn màu trắng xanh ngay trên đầu mình được sơn chữ „Heli Services“ đang bay vòng tròn quanh chiếc ghe của chúng tôi. Chúng tôi chồm dậy trong nỗi vui mừng khôn xiết vì nghĩ rằng mình đã gặp tàu chiến của hạm đội 7 Hoa Kỳ như trong nước vẫn đồn đại. Anh phi công ra dấu chỉ hướng cho chúng tôi đi theo nhưng máy ghe vẫn không chịu nổ. Hơn 15 phút sau chiếc trực thăng bay đi mất hút, để lại 46 người chúng tôi nỗi bàng hoàng thất vọng khôn cùng. Trong ghe có tiếng gào khóc ai oán than van, quyện với tiếng kinh kệ cầu xin Thượng Đế sao đành bỏ mặc chúng tôi….Thế nhưng khoảng gần 1 giờ sau chiếc trực thăng lại xuất hiện cứ bay vòng tròn trên đầu chúng tôi. (sau này tôi mới biết là khi trực thăng phát hiện ra ghe của chúng tôi thì đã gần cạn xăng nên phải quay lại tàu để đổ xăng và sau đó trở lại với chúng tôi). Rồi từ xa xa tận phía chân trời xuất hiện một con tàu đang phóng nhanh đến chúng tôi. Con tàu sừng sững như một căn nhà khổng lồ, bên hông tàu có chữ „PORT DE LUMIERE“, mũi tàu sơn chữ „CAP ANAMUR“, tên đăng ký hàng hải của con tàu. Một chiếc ca nô đã kéo ghe chúng tôi đến sát mạn tàu. Người còn sức thì tự leo thang giây lên tàu, người yếu thì lần lượt được câu lên bằng một chiếc võng mặt phẳng khoảng 2m vuông. Hôm ấy là ngày 25 tháng 3 năm 1980, ngày 46 thuyền nhân tỵ nạn chúng tôi được con tàu nhân đạo CAP ANAMUR của Đức cứu sống. Đây là chuyến thứ 3 của con tàu CAP ANAMUR đã cứu vớt tổng cộng 3 ghe với 205 thuyền nhân Việt Nam (ĐỨC NGUYỄN)