MÓN QUÀ XUÂN (Ngô Viết Trọng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tặng Nguyễn Pháp để nhớ những ngày ở trại Z30C

NVT

Ngày chưa nhập ngũ, Sơn đã quen biết Bích Hà, một sinh viên trường Quốc Gia Âm Nhạc. Họ đã đến với nhau rất từ tốn, đằm thắm, luôn tỏ ra hiểu biết và nể trọng nhau. Sơn cũng như Bích Hà đều nặng tâm hồn nghệ sĩ, thích âm nhạc và yêu sân khấu. Bích Hà mồ côi cha mẹ sớm. Người cô ruột không lấy chồng đã thay anh mình nuôi nấng Bích Hà. Bà đã thương yêu, chiều chuộng Bích Hà hết mực, quyết nuôi cháu ăn học nên người.

Thế nhưng từ khi Bích Hà quen biết Sơn, người cô có vẻ không hài lòng. Những khi Sơn đến thăm viếng Bích Hà, bà thường tỏ ra thờ ơ lãnh đạm. Có thể đó là sự khó tính của người đàn bà lớn tuổi không chồng. Cũng có thể bà đã mang một ấn tượng nào đó không tốt về lớp thanh niên thời đại mới. Bà hay có những lời bóng gió có tính cách ngăn ngừa. Biết tính bà, hai người chẳng bao giờ dám gặp nhau đêm hôm. Khi gặp nhau họ chỉ nói chuyện kịch nghệ, âm nhạc và thỉnh thoảng đọc cho nhau nghe những vần thơ họ cùng ưa thích. Về sau thấy hai người không làm gì quá đáng nên bà cũng dần yên tâm.

Đùng một cái, Sơn phải đi tù. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến Sơn bận rộn quá không mấy khi gặp được Bích Hà. Khi bị bắt, Sơn phải lần lượt chuyển qua nhiều trại giam khác nhau nên họ bị đứt liên lạc hẳn với nhau.

Cuối năm 1976 Sơn bị chuyển về trại Z30C Hàm Tân, Thuận Hải. Suốt mấy năm gặp người nhà lên thăm nuôi Sơn không còn nghe ai nhắc đến Bích Hà. Sơn nghĩ Bích Hà có thể đã đi lấy chồng. Mà dù chưa chồng, có thể nàng cũng chẳng còn nhớ tới Sơn, người mà chế độ hiện hữu ghép cho tội phản quốc, mang nhiều nợ máu với nhân dân, làm tay sai cho ngoại bang.

Cuối năm 1978 trại Z30C mời một đoàn cải lương về trình diễn cho tù xem. Bên ngoài thì đó là ân huệ đặc biệt cho tù nhưng bên trong là để tuyên truyền chính sách chống Trung Quốc. Đoàn cải lương trình diễn hai tuồng: tuồng Thái hậu Dương Vân Nga và tuồng Lục Vân Tiên. Đêm ấy cán bộ trại buộc tất cả trại viên, kể cả người đau yếu đều phải đi xem.  Sở dĩ có sự vận động cưỡng bức như thế vì hầu hết tù nhân đều thiếu nhiệt tình với việc thưởng thức văn nghệ văn gừng. Đói thiếu trường kỳ, lại phí sức quá nhiều vì chính sách lao động “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, thể xác bệ rạc hết, ai cũng chỉ mong một điều là dỗ được những giấc ngủ tạm bợ, tìm được chút quên lãng thực tế và bồi bổ được chút sức khỏe. Những buổi học tập chính trị, những buổi nghe đọc báo, hay cả những lần xem văn nghệ, số đông tù nhân lúc nào cũng sẵn sàng… ngủ gục.

Sân khấu được dựng bằng ván bìa ở đầu sân tập họp. Mỗi trại viên đều mang theo một cái đòn gỗ để ngồi. Trại này dựng ở một khu rừng mới phá, sẵn ván, nên những người trong đội mộc thường tranh thủ thì giờ nghỉ để đóng đòn ngồi cho mình và tặng bạn bè. Cứ chuyền nhau, dần dần trong trại ai cũng có đòn ngồi.  Sơn vốn có máu văn nghệ, lại có tâm sự riêng muốn biết tin người xưa, chàng vẫn thường lưu tâm theo dõi bất cứ đoàn văn nghệ nào. Ước vọng mong manh là được biết người xưa bây giờ có còn theo đuổi sở thích văn nghệ nữa không, sống có hạnh phúc hay khốn khổ. Bữa đó Sơn chiếm một chỗ ngồi ở hàng đầu của đám khán giả tù.

Trong tuồng Lục Vân Tiên, vai Kiều Nguyệt Nga do một cô đào trẻ được giới thiệu là Hoài Quân đóng. Theo tuồng kể, Nguyệt Nga là một cô gái sắc nước hương trời. Nàng vốn đã gá nghĩa với Lục Vân Tiên là một trang anh hùng chưa gặp thời. Trong lúc nàng đang đợi ngày về nhà chồng thì sóng gió nổi lên. Vì gian thần xúi giục, nhà vua đã cho đưa Nguyệt Nga đi cống vua Ô Qua, một nước láng giềng cường thịnh để cầu được hòa bình. Phái đoàn đưa tiễn mỹ nhân đi cống sang nước Ô Qua bằng đường thủy. Thuận buồm xuôi gió thuyền trôi bon bon, khí trời trong mát quá nên nửa đêm quân sĩ hộ thuyền lẫn người hầu hạ Nguyệt Nga đều ngủ gần hết. Nguyệt Nga nhìn quanh không thấy còn ai thức bèn vén rèm bước ra lan can, tay ôm cái tượng Vân Tiên mà nàng vẫn mang theo. Cái tượng đó Nguyệt Nga đã cho khắc sau ngày gặp gỡ chàng. Nguyệt Nga bắt đầu nâng tượng lên bằng hai tay, nhìn tượng với vẻ ưu ái thiết tha rồi khóc sướt mướt. Theo trong tuồng thì Nguyệt Nga sẽ khóc mùi mẫn trước khi ôm tượng Vân Tiên mà gieo mình xuống nước.

Một việc lạ lùng Hoài Quân trong vai Nguyệt Nga hôm đó đã nhập vai sống động chưa từng thấy làm khán giả vô cùng xúc động. Nàng khóc thực tình, khóc thổn thức, khóc đau đớn não lòng không có một vẻ gì là giả tạo cả. Nước mắt nàng tuôn ra như mưa. Khán giả từ cán bộ trại đến tù nhân đều vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Không ai ngờ trên đời lại có người diễn xuất một vai tuồng lột xác đến thế! Tiếp đó, cả đoàn cải lương lẫn khán giả càng sững sờ hơn khi thấy vai Kiều Nguyệt Nga đã ngất xỉu ngay tại sân khấu. Đoàn hát phải cho đưa nàng đi cấp cứu. Một cô đào phụ được đưa ra thay thế vai Nguyệt Nga ngay. Khán giả xôn xao, chộn rộn lên hết, nhất là ở những hàng đầu. Cán bộ và tù trật tự trại phải làm việc một lúc khá lâu mới ổn định lại được.

Ngoại trừ Sơn, không ai biết nguyên nhân của sự việc đã xảy ra. Thì ra Hoài Quân chính là Bích Hà. Khi Hoài Quân xuất hiện trên sân khấu, Sơn ngỡ ngàng nhận ra người xưa ngay. Giọng hát, khuôn mặt Bích Hà đều ít thay đổi. Nhưng Sơn chưa đoán biết nàng có còn nhớ mình hay không? Anh trung úy đẹp trai hào hoa ngày xưa nay chỉ còn là anh chàng ốm đói, đen đủi, rách rưới. Trước sự đổi đời, tình người rất khó lường. Biết bao nhiêu cặp vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc thế mà chồng vừa đi tù thì vợ ở nhà quay lưng. Có thể vì tính nết, có thể vì hoàn cảnh kinh tế…, đa dạng, có trời mà biết. Sơn với Bích Hà thật ra chưa có một đính ước chính thức nào. Nếu từ bỏ nhau cũng khỏe thôi, không ai có thể qui lỗi cho ai được. Nhưng Sơn nghĩ ngay cứ cho nàng biết mình còn sống và đang có mặt ở đây cũng vẫn hay hơn. Khi Hoài Quân đang hướng về khán giả thì Sơn chuyển mình vươn dậy một cái rồi ngồi xuống lại. Hoài Quân dù bất ngờ cũng nhìn ra kịp người xưa. Nàng vừa diễn xuất vừa theo dõi Sơn rồi sau đó cảm xúc dồn ép, nàng đã lộng giả thành chân vai tuồng Kiều Nguyệt Nga. Khi Hoài Quân gục xuống sân khấu thì Sơn cũng xúc động suýt gục luôn.

Từ lúc thay vai đào Nguyệt Nga cho đến hết tuồng Thái hậu Dương Vân Nga, Sơn chẳng còn tâm trí nào để theo dõi tiếp. Bích Hà vẫn bặt tăm hơi. Khi mãn tuồng, Sơn định chạy đại đến đoàn hát để hỏi thăm nhưng bị trật tự trại đuổi về.

Đêm ấy Sơn không thể nào ngủ được. Rõ ràng Bích Hà còn hết sức nặng tình với chàng. Sơn đã cảm thấy sức mạnh phi thường của tình yêu. Trong hoàn cảnh đổi đời cay nghiệt đầy sóng bão này, những tâm hồn cao quí vẫn có thể tự tồn. Mấy năm nay ở trong trại, bị tuyên truyền xuyên tạc, ngụy biện, nhiều người đã mất hết tự tin. Nhiều người đã không còn an tâm với ngay chính với cha mẹ vợ con mình. Họ đã hoang mang dè dặt cực độ trước mọi người không kể thân sơ xa gần. Một anh bạn tên Hưng nằm ngay cạnh Sơn có lẽ bị cú xốc là nói gì đó, bị ai báo cáo oan rồi bị trừng phạt nặng, qua bao năm trong tù anh không còn mở miệng nói chuyện với ai dù chỉ một lời. Ai cắt đặt việc gì dù khó dù dễ anh đều gật đầu thi hành nghiêm túc. Suốt một thời gian dài Hưng không có một nụ cười trên môi. Khi buộc phải gặp cán bộ Hưng cũng chỉ dùng tiếng một, vắn tắt. Bản thân Sơn cũng thấy hoang mang dao động rất nhiều khi nghĩ đến tình người. Nhưng đêm ấy thì Sơn đã có cơ sở dể tin rằng đời mình chưa đến nỗi hoàn toàn tuyệt vọng. Chưa hẳn lòng người đều có khuynh hướng phù thịnh bài suy. Bích Hà thật sự còn nhiều nét đẹp như con người tiểu thuyết Kiều Nguyệt Nga. Nghĩ đến đây Sơn tự nhiên bật cười: Rõ ràng thân ta đâu đến nỗi bi đát như chàng Vân Tiên đã bị mù còn bị bỏ đói trong hang Thương Tòng cho cọp ăn! Mới nghĩ qua thì vui mừng phấn khởi nhưng Sơn lại gặp nỗi lo lắng khác ngay. Ngày mai gánh hát lại lên đường! Biết bao giờ Sơn mới được chính thức gặp Bích Hà? Không lẽ đấng quyền năng nào đó trêu cợt muốn nhá lên cho hai người thấy nhau chốc lát rồi lại để họ vĩnh viễn xa nhau? Biết đâu bây giờ Bích Hà lại mắc phải mệnh hệ nào rồi! Sao định mệnh khắc khe với hai người đến thế?

Sáng hôm sau, vào giờ tù tập họp đi làm, Sơn được kêu tên ở nhà đợi thăm nuôi. Sơn mừng rơn đoán chắc sẽ gặp được Bích Hà. Đây là trường hợp đặc biệt nhất được thăm gặp ngay tại hội trường chứ không phải tại nhà thăm nuôi. Khi viên cán bộ dẫn Sơn vào hội trường thì Bích Hà đang ngồi ở cái ghế dựa vội vã đứng dậy. Viên cán bộ ra hiệu cho nàng cứ ngồi và chỉ cho Sơn một chỗ cách Bích Hà chừng ba thước. Viên cán bộ lại đưa cho Sơn một cái đòn ngồi. Sơn thấy lúng túng mà Bích Hà cũng rất áy náy. Sơn muốn đứng nhưng cán bộ ra hiệu phải ngồi xuống. Bích Hà năn nỉ xin cán bộ cho đổi tư thế hai người để tiện nói chuyện với nhau nhưng viên cán bộ lắc đầu. Gã bảo nội qui không cho phép. Đành vậy.

Sơn được Bích Hà cho biết nàng đã theo dõi tìm Sơn qua nhiều trại tù suốt mấy năm nay. Đến bây giờ nàng vẫn còn độc thân. Nhìn Sơn qua hình dáng tiều tụy, rách rưới, Bích Hà không khỏi rưng rưng nước mắt. Nàng khuyên Sơn giữ gìn sức khỏe và tin tưởng ngày mai. Quà thăm vỏn vẹn một bịch nước mắm ngon bốn lít, hai ký đường táng và hai gói thuốc lá. Ở nơi rừng rú mà chạy được bấy nhiêu cũng quí lắm rồi. Hơn nữa, chắc gì Bích Hà còn có khả năng hơn trong thời kỳ nghệ sĩ ăn khoai sắn nhiều hơn cơm này! Cuộc tái ngộ này đã nhóm lại trong lòng Sơn một niềm vui rất lớn lao. Những sự ngụy biện xuyên tạc dù quỉ quái đến đâu cũng không thể đánh đổ được bản chất chân thiện, chân mỹ trong lòng người.

Hai tháng sau Bích Hà lại lên thăm Sơn. Lần này trong một món quà lại có giấu một bài thơ ngắn không thấy đề tên tác giả:

“Nếu phải chờ nhau mà hóa đá

Thì em cũng thử một lần xem

Chỉ sợ thân em thành cát bụi

Ngàn năm không gặp dấu chân quen!”

Tuy bài thơ rất ngắn nhưng nói lên được một tình yêu thành thật, chân chính, chung thủy, đẹp như mơ.

Không bao lâu bài thơ đó đã được truyền miệng từ người này qua người khác với hàng trăm trại viên như một món quà xuân tao nhã. Bài thơ đã thật sự thổi vào lòng những người đang bi quan về tình người, về thời thế một luồng sinh khí mới. Đó là mùa xuân năm 1979, năm mà trại cải tạo Z30C Hàm Tân, Thuận Hải đạt được cao điểm siêu phàm về chế độ ăn độn trong lịch sử loài người: độn 99%./-

 

Ngô Viết Trọng