Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng: Hạnh phúc lãng mạn của chúng ta thường là phải trải qua những thăng trầm cho đến khi chúng ta già đi—và vào ngưỡng tuổi 40 là thời kỳ chúng ta ít hạnh phúc nhất.
Bạn có cảm thấy hạnh phúc với mối quan hệ lãng mạn của bạn không?
Hóa ra có một vài yếu tố quan trọng khác có thể ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận về mối quan hệ của mình: đó là bạn bao nhiêu tuổi và hai bạn đã ở bên nhau bao lâu.
Trên thực tế, trong một bài báo mới, các nhà nghiên cứu đã đưa ra con số thống kê về mức độ hài lòng trong mối quan hệ vợ chồng của hơn 165,000 người trên khắp thế goo và họ đã thấy các các đoạn gấp khúc lên xuống rõ rệt trong biểu đồ tình yêu của các cặp đôi trải qua trong cuộc đời. Vào Ngày lễ tình nhân hoặc xung quanh các ngày lễ kỷ niệm, hay khi bạn thao thức trong màn đêm trước khi chìm vào giấc ngủ, có lẽ bạn đã từng suy nghĩ về câu hỏi này. Có thể bạn đã nghĩ về cách bạn gặp người bạn đời của mình, những gì bạn đã trải qua và người bạn đời của bạn đã thay đổi như thế nào, hoặc chỉ đơn giản là họ đã khiến bạn lo lắng như thế nào vào ngày hôm đó.
Kết quả nghiên cứu có thể giúp bạn tìm ra được những manh mối cho những mâu thuẫn về các kiểu mẫu trong các mối quan hệ của chính bạn. Theo nghiên cứu này, cả tuổi tác và độ dài của mối quan hệ đều quan trọng đối với mức độ hài lòng của chúng ta—mặc dù tuổi tác dường như quan trọng hơn. Nói cách khác là tại một số thời điểm nhất định trong đời, so với việc ở bên những người khác thì bạn thực sự cảm thấy mình hạnh phúc hơn khi ở bên người bạn đời của mình—và điều này có thể ít liên quan đến họ hơn là hoàn cảnh của bạn.
Làm thế nào để đối mặt với những thăng trầm trong một mối quan hệ
Do những phát hiện của các nghiên cứu trước đây về sự hài lòng trong mối quan hệ vợ chồng trong suốt cuộc đời cho đến khi đầu bạc răng long còn nhiều mâu thuẫn nên các nhà nghiên cứu tại Đại học Bern đã quyết định thực hiện một “phân tích tổng hợp”: xem xét các báo cáo được công bố trên 95 bài báo để xem liệu các thông tin từ các bài báo này có thể vẽ nên một bức tranh rõ ràng hơn hay không. Hầu hết những người tham gia trong các nghiên cứu này đến từ Hoa Kỳ, một số người đến từ các quốc gia khác như Canada, Đức và Trung cộng. Họ chủ yếu là người da trắng và chủ yếu tham gia vào các mối quan hệ khác giới.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự hài lòng trong mối quan hệ vợ chồng có xu hướng giảm trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Sau đó, thường tăng lên cho đến 65 tuổi và tương đối ổn định trong 10 năm nữa (những người tham gia lớn tuổi nhất là 76 tuổi).
Khi họ phân tích các mối quan hệ theo độ dài của mối quan hệ vợ chồng thì mô hình lại hơi khác một chút. Các cặp vợ chồng thường trở nên ít hài lòng hơn trong 10 năm đầu tiên, nhưng sự hài lòng của họ sẽ hồi phục và tăng lên trong 20 năm tiếp theo, rồi lại giảm xuống sau đó.
Quỹ đạo tình yêu
Tại sao chúng ta ít hài lòng nhất với các mối quan hệ vợ chồng của mình ở tuổi 40, nhưng lại hạnh phúc hơn khi về hưu? Các nhà nghiên cứu không có đủ dữ liệu để giải thích cho câu hỏi này, nhưng họ đã đưa ra một số ý tưởng.
Khủng hoảng tuổi trung niên là một hiện tượng có thật với mức độ hạnh phúc giảm xuống trong khoảng thời gian này.
Nghiên cứu này cho thấy hiện tượng khủng hoảng tuổi trung niên cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống lãng mạn của chúng ta. Ở tuổi trung niên, chúng ta có thể vừa xoay sở với những giờ làm việc bận rộn, vừa cố gắng nuôi dạy con cái và chăm sóc cha mẹ già. Những phát hiện hiện tại cho thấy những đôi vợ chồng có con cái có xu hướng ít hài lòng hơn với mối quan hệ vợ chồng của họ so với những người không có con cái.
Đồng thời, khi còn trẻ, chúng ta có ý thức về việc phát triển năng lực bản thân và mong muốn được khám phá những chân trời rộng mở nhưng đến khi cao tuổi hơn thì chúng ta lại không muốn làm những việc đó nữa. Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng nếu chúng ta không đạt được những gì mình hy vọng ở một độ tuổi nhất định—trong cuộc sống hoặc trong các mối quan hệ của mình thì chúng ta có thể cảm thấy thất vọng và vỡ mộng.
Sau tuổi 40, có thể có một số điều khác nhau sẽ xảy ra. Chúng ta có thể ly dị và bắt đầu một mối quan hệ mới hạnh phúc hơn hoặc chúng ta có thể làm hòa với người bạn đời của mình và nhận ra rằng ngoài kia không có nhiều những lựa chọn tốt như ta tưởng. Thời điểm những đứa trẻ đi học đại học cũng là thời điểm để các cặp vợ chồng xích lại gần nhau hơn trong cái tổ ấm giờ chỉ bâng khuâng còn lại hai người. Và càng lớn tuổi, chúng ta càng có xu hướng ổn định hơn về mặt cảm xúc. Chúng ta dễ dàng trân trọng hơn những người thân yêu mà chúng ta còn có trong đời và làm cho thời gian ở bên họ vui vẻ hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng suy đoán về lý do tại sao sự hài lòng lại đi theo một quỹ đạo có thể dự đoán được trong các mối quan hệ vợ chồng. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng trong 10 năm đầu tiên của mối quan hệ, các cặp vợ chồng có thể dành ngày càng ít thời gian và năng lượng hơn cho giao tiếp, tình dục và quan tâm lẫn nhau. Chúng ta mong muốn có một người bạn đời lý tưởng đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta nhưng chúng ta lại phải đối mặt với thực tế là phải ở với một người dễ mắc sai lầm, người không thể là tất cả đối với chúng ta. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi đỉnh cao của tình yêu không thể duy trì được mãi mãi.
Thật thú vị là những phát hiện của họ gần như hoàn toàn trùng khớp với khái niệm “cuộc hôn nhân bảy năm”, dựa trên nghiên cứu rằng các cặp vợ chồng có nhiều khả năng chia tay nhất sau bảy năm chung sống (vì hầu hết các cặp đôi kết hôn vài năm sau khi họ gặp nhau).
Janina Larissa Bühler – Phó giáo sư của trường Đại học Johannes Gutenberg of Mainz.- tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: những cặp vợ chồng vượt qua thời điểm này có thể có được cảm giác mạnh mẽ và kiên cường, cảm giác rằng chúng ta đang ở cùng nhau — điều này có thể giải thích tại sao sự hài lòng lại tăng trở lại sau 10 năm.
Dành cho những cặp vợ chồng (chưa) hạnh phúc
Các nhà nghiên cứu kêu gọi: nếu các kết luận của nghiên cứu này làm cản trở tâm trạng lãng mạn của bạn thì cũng đừng lo lắng. Ngay cả khi sự hài lòng của mọi người giảm xuống đến mức thấp nhất thì nó vẫn ở ngưỡng tương đối cao 77 trên thang điểm 100. Và sự hài lòng không phải là khía cạnh duy nhất của mối quan hệ gắn kết mọi người với nhau; mặc dù đôi khi bạn không hài lòng, bạn vẫn có thể sống chung cùng nhau.
Bühler nói: “Tôi nghĩ: chúng ta phải chấp nhận rằng sự hài lòng trong mối quan hệ vợ chồng sẽ có lúc thay đổi và nếu nó có thay đổi thì điều đó vẫn hoàn toàn ổn. Không hài lòng ở một thời điểm nào đó trong mối quan hệ vợ chồng cũng không sao, và điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ từ bỏ hoặc không làm gì nữa cho mối quan hệ vợ chồng của chúng ta — mà là chúng ta không nên liên tục so sánh giữa hạnh phúc của bản thân với hạnh phúc (mà chúng ta nghĩ là niềm hạnh phúc) của người khác.”
Những chỉ số này cũng chỉ là chỉ số trung bình; hành trình của mối quan hệ vợ chồng của bạn có thể trông hoàn toàn khác. Trong tương lai, Bühler hy vọng sẽ tìm ra được những khía cạnh nào đó trong tính cách của con người có thể giúp các mối quan hệ trở nên suôn sẻ hơn hoặc vững chắc hơn—những thứ như sự ổn định về cảm xúc, lòng tự trọng, phong cách gắn bó hoặc sự cởi mở đối với sự phát triển và thay đổi của chúng ta. Loại nghiên cứu này có thể giúp các nhà trị liệu và các nhà tư vấn tâm lý khác đưa ra lời khuyên và nguồn lực tốt nhất cho các cặp vợ chồng ở các độ tuổi và các giai đoạn khác nhau.
Nhưng nếu bạn thấy không cảm thấy hài lòng về mối quan hệ vợ chồng của mình sau một thập kỷ hoặc ở tuổi trung niên thì bạn vẫn có thể an tâm khi biết rằng điều đó là hoàn toàn bình thường—và có một cách tốt hơn nữa là cả hai người sẽ cùng nhau trao đổi để cùng nhau chờ đợi và vượt qua khó khăn.
Kira M. Newman _ Khánh Nam.