CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ LỜI HỨA 40 NĂM CỦA NGƯỜI LÍNh MỸ VỚI MỘT EM BÉ HỘI AN
(Đông Kha)
Phil Seymour là trung sĩ của Đại đội C, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn TQLC, Sư đoàn TQLC 1 của Hoa Kỳ, ông đến Việt Nam vào tháng 12 năm 1966 và đã bị thương chỉ 1 tháng sau đó.
Căn cứ Mỹ, nơi Phil đóng quân
Tháng 6 năm 1967, Phil đóng quân ở một đảo nhỏ gần Hội An – Đà Nẵng, nhưng thường xuyên vào đất liền và tham quan ở Hội An. Trong những chuyến đi như vậy, Phil thường mang theo một chú chó nhỏ đằng sau balo của mình. Chú chó này tên là Boot, được ông cứu trong một lần hành quân ở trong rừng. Lúc đó Boot còn chưa dứt sữa.
Phil cõng chó Boot trên lưng
Mỗi khi Phil và đồng đội chèo thuyền ghé vào đất liền, những đứa trẻ trong làng chạy ùa tới để hỏi xin các loại “đồ Mỹ” như kẹo, đồ hộp và cả thuốc lá. Thường thì toán lính Mỹ này sẽ chia cho bọn trẻ những thứ này trong khẩu phần của họ.
Trong số những đứa trẻ đó có một người tên Cam (có thể là Cẩm, Cầm…), luôn mặc đồ ngủ màu xanh và đi chân không. Cam không nhao nhao lên như những đứa trẻ khác mà đứng lùi về sau một chút. Ban đầu toán lính Mỹ tưởng Cam nhút nhát, tuy nhiên sau đó họ mới nhận ra là Cam rất khôn ngoan: Cậu không đến xin bằng tay không, mà mang đến những thực phẩm địa phương như dừa, chuối, chanh… để trao đổi. Vì vậy Cam rất được lính Mỹ yêu mến.
Phil và Cam năm 1967
Một ngày của tháng 6 năm 1967, cậu bé Cam – 9 tuổi – tặng một quả chuối cho Phil. Trung sĩ Phil Seymour lúc này chuẩn bị rời vùng đất miền Trung này để đi nghỉ 1 tuần ở Thái Lan. Phil hỏi Cam rằng cậu muốn ông tặng quà gì. Thật ra một cậu bé nghèo ở làng quê heo hút này không thể biết là Thái Lan là ở đâu, có món gì để mà đòi hỏi. Cậu cũng không nói tiếng Anh được tốt lắm, suy nghĩ 1 chút rồi cậu chỉ vào cái đồng hồ mà Phil đang đeo. Trung sĩ Phil đồng ý.
Khi ở Thái Lan, Phil quên bén mất lời hứa về cái đồng hồ. Thật ra một anh lính đi du lịch nghỉ phép thì chỉ nghĩ đến việc ăn chơi, không có nhu cầu đi mua sắm. Hết kỳ nghỉ phép, trở lại Hội An, rồi gặp lại Cam, ông mới chợt nhớ tới vụ cái đồng hồ. Khi thấy Phil về, Cam chạy ùa tới, hớn hở.
Nhưng không có cái đồng hồ nào cả.
Ngay sau đó, đơn vị của Phil rời vùng đất này để về vùng phi quân sự, rồi đến tháng 1 năm 1968 thì ông rời Việt Nam.
Phil cho biết rằng cuộc sống của ông rất bình lặng, không có nhiều thứ làm ông hối tiếc, ngoại trừ lời hứa không thực hiện được với một cậu bé ở vùng quê nghèo miền Trung Việt Nam này. Đó thực sự là niềm hối hận lớn nhất trong đời của ông. Ông cũng đã từng nghĩ rằng sẽ phải mang niềm ân hận này theo cho đến khi lìa đời.
Phil Seymour là một người gốc Brookline, Massachusetts, ở trong quân ngũ thêm 27 năm, sau đó lấy bằng Master về luật và trở thành luật sư ở Lầu Năm Góc, sau đó là trưởng công tố viên trước khi nghỉ hưu năm 1995. Ông đã nghĩ rằng mình không thể trở lại Việt Nam một lần nào nữa.
Tuy nhiên vào năm 2007, vợ của Phil là Lynne cho ông biết là nhóm du lịch chung mà ông bà thường tham gia sẽ có một chuyến đến vùng Đông Nam Á và có dừng chân ở Hội An. Bà Lynne nói ông cân nhắc việc tham gia chuyến đi này, cũng là cơ hội để tìm lại Cam và thực hiện lời hứa 40 năm trước đó.
Đến khi ông Phil quay trở lại thì Hội An đã trở thành một thành phố du lịch nổi tiếng, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vì kiến trúc của nó hầu như không thay đổi so với thời điểm thành lập hồi thế kỷ 15, là nơi giao thương nhộn nhịp của người Việt với người Hoa, Nhật và Châu Âu sau này.
Phil nghĩ rằng cơ hội để tìm lại được Cam gần như là số 0. Không thể biết được rằng Cam có thể sống sót qua được chiến tranh hay không, vì vùng đất này xưa kia rất ác liệt. Tuy nhiên Phil vẫn mang theo một cái đồng hồ trong chuyến du lịch này.
Hướng dẫn viên đoàn du lịch của Phil là một người Hà Nội, nói rằng anh biết rất nhiều người ở Hội An nên sẽ giúp tìm Cam. Thật bất ngờ là sau ngần ấy năm, ông Phil vẫn còn giữ một số tấm hình gia đình của Cam để có thể mang đi hỏi thăm.
Sau khi đến Hội An, nhận phòng khách sạn xong thì cũng là lúc anh hướng dẫn viên người Việt gọi Phil xuống và qua bên kia đường. Không biết bằng cách nào, người hướng dẫn viên này đã tìm được một người đàn ông đội nón màu xanh, người này nhìn tấm ảnh của Phil và nói trong hình là cha của anh chụp chung với 3 người con, người con trai út trong hình chính là người đội nón xanh này, và Cam chính là anh trai của anh. Ngay lúc đó, anh điện thoại để gọi Cam tới.
Phil lật đật chạy lên phòng khách sạn để lấy máy ảnh và đồng hồ, rồi chạy ngay xuống. Ngay khi băng lại qua đường, Phil cũng vừa thấy Cam tới, lúc này Cam đã là một người đàn ông 49 tuổi, làm nghề thợ mộc.
Hướng dẫn viên giải thích cho Cam hiểu câu chuyện. Anh ngơ ngác, không thể hiểu được rằng có người vừa đi nửa vòng trái đất chỉ để gặp anh và đưa chiếc đồng hồ.
Hướng dẫn viên chỉ ông Phil rồi hỏi Cam là có nhớ người đàn ông này không, Cam trả lời: “Có, ổng thường cõng con chó nhỏ trên lưng”. Hướng dẫn viên hỏi về lời hứa chiếc đồng hồ 40 năm trước, Cam trả lời: “Có, lúc đó tui mới 9 tuổi, nói tiếng Mỹ bập bẹ, nên nghĩ rằng đã có sự hiểu lầm nào đó”.
Ông Phil và hướng dẫn viên đã giải thích cho Cam hiểu là không có sự hiểu lầm nào cả, chỉ là do Phil đã thất hứa.
Phil đưa cho Cam chiếc đồng hồ. Anh Cam rơi nước mắt. Họ cùng ôm nhau khóc.
Hôm sau anh Cam mời ông Phil đến nhà ăn tối. Vợ anh tên là Nở, cùng cô con gái tên Vy chuẩn bị cho bữa ăn, còn vợ chồng Phil – Lynne và anh hướng dẫn viên ngồi ăn. Phong tục của Việt Nam là khách đến nhà chỉ có việc ăn, và ăn, sau đó là đi về.
Vy – con gái đầu của anh Cam – lúc đó 28 tuổi, vừa mới kết hôn, nói rằng cô muốn được học đại học như 4 người em trai của mình, nhưng ở vùng quê này thì phụ nữ thường thiệt thòi, ít được học lên đại học.
Trên đường về khách sạn, Lynne – vợ của Phil – suy nghĩ và ngỏ ý muốn cố giúp Vy được học đại học. Với sự liên lạc, giúp đỡ của anh hướng dẫn viên, Vy đã được đi học ở Sài Gòn cùng với 4 người em trai đã đi học hồi trước đó. Vy nhận bằng liên thông năm 2010 và bằng cử nhân năm 2012.
Phil trở lại Việt Nam – có lẽ là lần cuối cùng – vào năm 2012 để dự lễ tốt nghiệp của Vy. Họ cũng mua vé máy bay cho vợ chồng Cam – Nở vào Sài Gòn. Đó cũng là lần đầu tiên Cam được đi máy bay, anh mang theo vô số quà quê để mở một bữa tiệc mừng tại nhà trọ của Vy. Lynne và Phil còn tặng cho Nở một lò vi sóng để giúp cô nấu ăn thuận tiện.
Hiện tại Vy đang làm việc ở Sài Gòn, vẫn thường xuyên gọi điện cho vợ chồng Seymours.
Lynne và Vy (con gái của Cam)
Một lời hứa tưởng như rất nhỏ, vô thưởng vô phạt, nhưng đã ám ảnh anh lính tên Phil trong 40 năm, khơi gợi lại cho ông những ký ức buồn về một vùng quê đau khổ, tan tác. Ông quyết chí tìm lại cậu bé năm xưa để xua đi nỗi đau đáu trong lòng. Phil cho biết:
“Nếu tôi thất hứa với một người lớn nào đó thì tôi sẽ không bị mang một nỗi ân hận dai dẳng đến như vậy. Đằng này tôi đã hứa với một đứa trẻ tốt bụng, ngây thơ. Nó không thề thốt hay cầu xin gì cả, trên khuôn mặt lúc nào cũng có một nụ cười”.
Chiến tranh mang lại những tổn thương khó lành trong tâm khảm những người lính tham chiến. Chính sự ngây thơ của Cam và những đứa trẻ xin kẹo khác đã làm dịu bớt những trăn trở không yên trong lòng người lính viễn chinh, giúp họ bình thản hơn để vượt qua được những hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc chiến.
Đông Kha (dịch từ wttw.com)