Các Chiến Sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù VNCH chuẩn bị hành quân vào mật khu An Lão, Bình Định, năm 1969
Các Chiến Sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cach Dù đang chuẩn bị được trực thăng vận vào chiến trường An Lộc 1972.
Các Chiến Sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù VNCH chuẩn bị nhảy vào chiến trường An Lộc 1972.
Những Chiến Sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đang sẵn sàng tử chiến với bọn giặc cướp xâm lược từ phương bắc.
Phù hiệu Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù Việt Nam Cộng Hòa
Trong cuộc hành quân Delta 51, theo tổ chức của Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), Trung Tâm Huấn Luyện Hành Quân Delta đảm nhận trách nhiệm hoạch định chương trình nhảy toán xâm nhập vào mật khu địch trong rừng sâu, khám phá các căn cứ của địch quân và theo dõi sự chuyển quân của bọn cộng sản Bắc Việt (CSBV) từ đường mòn Hồ Chí Minh (HCM) xâm nhập vào chiến trường Trị Thiên, vùng Tam Biên (biên giới Việt Nam, Cam Bốt, và Lào), Lộc Ninh, Bình Long, Tây Ninh… để xâm lăng Miền Nam Việt Nam
Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù (BCDN) gồm 6 đại đội xung kích và một đại đội chỉ huy, mỗi đại đội có đủ khả năng tấn công và tiến chiếm các mục tiêu do các toán Delta chỉ tọa độ, hoặc mở những cuộc tấn công bất thần vào các cứ điểm bọn cộng sản Bắc Việt. Tiểu đoàn này và Trung Tâm Huấn Luyện Hành Quân Delta cũng có hai đơn vị trừ bị của Lực Lượng Đặc Biệt với nhiệm vụ giải tỏa áp lực địch trong trường hợp một trại Biên Phòng bị đối phương bao vây. (Giữa năm 1970, Lực Lượng Đặc Biệt được lệnh giải tán. Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù sát nhập với Trung Tâm Hành Quân Delta để trở thành Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù).
Toán B52 Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) Hoa Kỳ có nhiệm vụ yểm trợ trực tiếp cho Trung Tâm Huấn Luyện Delta về quân trang, quân dụng, vũ khí cũng như các nhu cầu cho kế hoạch huấn luyện và thám sát hành quân Delta. Để đáp ứng nhu cầu hành quân theo kế hoạch Delta, toán B52 Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ tuyển mộ, trang bị, trả lương cho 12 toán thám kích Tiền Phong cũng như hai đại đội Biệt Kích Quân (Dân Sự Chiến Đấu cải danh) người Việt sắc tộc Nùng và người Việt gốc Miên. Hai đại đội Biệt Kích Quân này có nhiệm vụ phòng thủ doanh trại cũng như tham gia chiến đấu trong các cuộc hành quân Delta.
Phi Đoàn 281 Trực Thăng Nhảy Dù là một phi đoàn chuyên thả toán và bốc các toán đã hoàn tất công tác rút khỏi vùng hành quân. Phi đoàn được trang bị những chiếc thang giây và những sợi dây thòng lòng để các toán Delta dễ dàng lên xuống trong một vùng không có bãi đáp.
TUẦN ĐẦU CUỘC HÀNH QUÂN
Sáng ngày 6 tháng 4/1970, toàn bộ lực lượng tham chiến được vận chuyển về Cam Lộ, qua Cùa và đến Mai Lộc thuộc tỉnh Quảng Trị đi về hướng Tây. Hai sĩ quan chỉ huy cuộc hành quân này là Thiếu Tá Phan Văn Huấn, chỉ huy trưởng của Trung Tâm Huấn Luyện và Hành Quân Delta, và Thiếu Tá Trần Phương Quế, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù.
Tại Mai Lộc có trại Lực Lượng Đặc Biệt nằm trên một ngọn đồi cao, chung quanh là núi rừng. Căn cứ hành quân Delta được thiết lập và bố phòng bên phía trái của trại Mai Lộc. Trước cổng trại có một phi trường dã chiến cho phi cơ loại nhẹ có thể đáp xuống được. Những căn lều được dựng lên song song với việc đào giao thông hào, hố cá nhân chiến đấu, hầm chống pháo kích. Ngày 7 tháng 4/1970, Phi Đoàn 281 trực thăng Hoa Kỳ đáp xuống Mai Lộc, các hoa tiêu và xạ thủ phi hành cũng dựng lều trong căn cứ hành quân.
Sau phần thuyết trình của toán trưởng, các cảm tử quân lần lượt lên phi cơ để tiến hành xâm nhập, một chiếc trực thăng Command And Control (CNC) do Thiếu Tá Huấn chỉ huy và cố vấn Hoa Kỳ bay trên cao, một trực thăng cấp cứu, 2 trực thăng võ trang hộ tống và chiếc trực thăng cuối cùng dành cho toán cảm tử quân xâm nhập vào vùng địch.
Trong khi đó, các đại đội Biệt Cách Nhảy Dù tuần tự lên phiên ứng chiến để kịp thời giải cứu toán Delta trong trường hợp khẩn cấp, hoặc khai thác các mục tiêu do toán Delta tìm thấy.
Những ngày kế tiếp, toán Delta và toán Thám Kích Tiền Phong được đưa vào vùng hành quân. Chiều ngày 12 tháng 4/1970, một trực thăng CNC do Trung Úy Hoàng Xuân Cường bay đi liên lạc với các toán, vì bay quá thấp để quan sát nên Cộng quân đã bắn trúng phi cơ. Phi cơ nổ tan, tất cả phi hành đoàn và Trung Úy Cường mất liên lạc.
Ngày 13 tháng 4, Đại Đội 2 Biệt Cách Nhảy Dù do Đại Đội Trưởng Trần Duy Bình chỉ huy được tung vào vùng hành quân với hy vọng cứu thoát được những người may mắn sóng sót. Khi cánh quân của Đại Đội 2 vừa nhảy vào khu vực phi cơ bị trúng đạn ở phía Nam Lao Bảo thì một cuộc chạm súng dữ dội đã xảy ra với một tiểu đoàn Cộng Sản Bắc Việt.
Trận chiến kéo dài từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, nhiều lần Bộ Chỉ Huy Hành Quân hỏi xem Đại Đội 2 có cần tăng viện không nhưng Đại Đội Trưởng Trần Duy Bình đều trả lời không cần thiết. Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù do Đại Úy Phạm Châu Tài chỉ huy ở căn cứ hành quân được lệnh sẵn sàng nhảy vào khu vực hành quân bất cứ lúc nào. Tin từ Đại Đội 2 cho biết Cộng quân đã sử dụng súng cối 82 ly pháo vào vị trí đại đội.
Mười giờ đêm, tiểu đoàn trưởng là Thiếu Tá Trần Phương Quế gọi Đại Úy Tài vào Trung Tâm Hành Quân, ông cho biết tình hình của Đại Đội 2 rất trầm trọng, đang bị Cộng quân bao vây. Ông chỉ định Đại Đội 3 do Đại Úy Tài chỉ huy nhảy vào trận địa để giải vây cho đại đội bạn. Trên bản đồ hành quân, Thiếu Tá Quế chỉ cho Đại Đội Trưởng Đại Đội 3 biết vị trí đổ quân.
Trong khi đó, tại trận địa, cố vấn Hoa Kỳ nhảy theo Đại Đội 2 đã gọi phi tuần phản lực từ Hạm Đội 7 vào oanh kích chính xác vào các vị trí mà Cộng quân đang khai triển đội hình để bao vây đại đội Biệt Cách Nhảy Dù nói trên. Từng trái bom Napalm được thả vào vị trí của địch quân tạo nên những cuộn lửa khổng lồ và những tiếng dội thật lớn.
Lợi dụng sương mù đang phủ xuống những vùng đồi núi ở phía Nam Lao Bảo, và sự không yểm của phi tuần khu trục làm cho đối phương kinh hoảng, Đại Đội Trưởng Trần Duy Bình hướng dẫn Đại Đội 2 vượt thoát được vòng vây của Cộng quân. Đến 6 giờ sáng ngày 14 tháng 4, Đại Đội 2 đã tìm được một bãi đáp tương đối tốt. Đúng 7 giờ sáng, 10 chiếc trực thăng của Phi Đoàn 281 sẵn sàng cất cánh tại Mai Lộc. Từ vùng chiến trận, Đại Úy Bình yêu cầu xạ kích quanh bãi đáp trước khi trực thăng đáp xuống bốc Đại Đội 2 trở về.
Chín giờ 15 phút, chiếc trực thăng thứ mười với những chiến binh Biệt Cách Nhảy Dù đáp xuống Mai Lộc. Đại Đội 2 mang về một số vũ khí địch gồm một khẩu súng cối 82 ly, 2 khẩu trung liên và 8 súng AK, phần đại đội có 6 chiến binh tử thương, 12 bị thương được đưa về căn cứ.
Ngày 15 tháng 4, Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù của Đại Úy Phạm Châu Tài được điều động nhảy vào vùng giao tranh để kiểm soát chiến trường. Khi đại đội có mặt tại trận địa thì Cộng quân đã rút đi, để lại vô số xác chết. Biệt Cách Nhảy Dù bắt được một thương binh Cộng Sản Bắc Việt.
Thẩm vấn tại chỗ, thương binh Cộng quân này khai quê quán tại Yên Bái, xâm nhập qua Bến Hải và được bổ sung cho D5 thuộc Công Trường 316. Lục soát trận địa, Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù thu thêm 2 khẩu B-40, 4 khẩu AK-47, và 2 khẩu CKC. Đến trưa ngày 15 tháng 4/1970, Đại Đội 3 rời vùng hành quân, mang theo chiến lợi phẩm và 6 tử thi của các chiến binh Đại Đội 2 Biệt Cách Nhảy Dù.
Từ ngày 16-4-1970, các đại đội Biệt Cách Nhảy Dù lần lượt được đưa vào vùng hành quân, mỗi ngày đều có các phi vụ thả các toán xâm nhập và bốc các toán đã hoàn tất công tác lại căn cứ. Vào thời gian này, các toán Delta nhảy đơn độc, không có có vấn Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ như trước, chỉ có cấp đại đội mới có cố vấn nhảy theo. Các cố vấn đại đội được phân nhiệm vụ hướng dẫn phi tuần oanh kích của Không lực Hoa Kỳ yểm trợ cho cuộc hành quân.
Ngày 21 tháng 4, Đại Đội 4 Biệt Cách Nhảy Dù do Đại Đội Trưởng Đào Minh Hùng chỉ huy được thả xuống khu vực Khe Sanh nơi Trung Đoàn 26 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ và Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân (BĐQ) đã tử chiến với hai sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt trong 10 tuần lễ ròng rã vào mùa Xuân Mậu Thân 1968.
Sau khi Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ rút khỏi Khe Sanh vào giữa năm 1968, khu vực này đã được bỏ ngỏ, trở thành vùng oanh kích tự do của Không quân Việt-Mỹ. Hai năm sau, các chiến binh của Đại Đội 4 Biệt Cách Nhảy Dù đã xâm nhập vào Khe Sanh để thám sát mục tiêu này, bấy giờ Khe Sanh đã hoang tàn với cỏ tranh, cỏ lau phủ đầy.
Hai ngày sau, toán Delta do Biệt Cách Nhảy Dù Lưu Huỳnh chỉ huy nhảy vào Khu Phi Quân Sự (DMZ), khám phá dấu vết chuyển quân của Cộng quân, và bắt sống được một giao liên (danh từ Cộng Sản để chỉ người đưa đường và liên lạc).
ĐẠI ĐỘI 3 BIỆT CÁCH NHẢY DÙ PHỤC KÍCH CỘNG QUÂN Ở SAVANAKHET, LÀO
Ngày 25 tháng 4, cuộc hành quân bước vào giai đoạn 2, Đại Đội 1 Biệt Cách Nhảy Dù đã xâm nhập và thọc sâu mũi xung kích vào căn cứ địa của Cộng Sản Bắc Việt ở Ba Lòng, khám phá một bệnh xá của địch, bắn hạ một số Cộng Sản Bắc Việt thuộc đội bảo vệ mật khu này, bắt một quân y sĩ Cộng Sản Bắc Việt và tịch thu nhiều dược phẩm do Trung Cộng sản xuất.
Tiếp đến, ngày 1 tháng 5 năm 1970, toán 2 Delta do chiến binh Trương Việt Lâm làm trưởng toám đã khám phá một con đường chiến lược chạy dài từ những dãy núi dọc biên giới Lào-Việt và xuyên thẳng về hướng Lao Bảo. Con đường chiến lược này mang ký hiệu “616,” rộng 4 mét chạy ngoằn ngoèo trên dãy Trường Sơn và đâm thẳng sang lãnh thổ Savanakhet của Lào. Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù do Đại Úy Phạm Châu Tài chỉ huy được giao nhiệm vụ thám sát và khai thác con đường này.
Sáng ngày 2 tháng 5/1970, Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài bay quan sát con đường chiến lược này cùng với Thiếu Tá Phan Văn Huấn, chỉ huy trưởng Trung Tâm Hành Quân Delta, và Vũ Xuân Thông –Trưởng Ban 3 Delta. Phi cơ bay cao để các sĩ quan nói trên tìm một nơi đổ quân an toàn.
Qua khỏi biên giới Việt-Lào khoảng 5 km, con đường chiến lược 616 tách mình qua giữa hai ngọn đồi ở cao độ 270. Đại úy Tài nhìn kỹ ngọn đồi 270 này và quyết định đổ quân trên đỉnh đồi. Nhìn qua ống dòm thật kỹ, Trưởng Ban 3 Vũ Xuân Thông kề miệng vào tai Đại Úy Tài và nói
– Có ổ phòng không trên đỉnh đồi.
Theo đề nghị của các sĩ quan Việt Nam, phi cơ trực thăng đảo một vòng nữa rồi bay đi. Qua sự quan sát, Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài biết rằng những điểm cao hai bên đường đều có đặt phòng không để bảo vệ sự chuyển quân của Việt Cộng nếu bị phi cơ của Không Quân Việt-Mỹ phát hiện.
Đại Úy Tài được Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn dành cho một ngày để thảo kế hoạch xâm nhập và chuẩn bị súng đạn và trang bị cần thiết cho cuộc hành quân của đại đội trong vùng Savanakhet, lãnh thổ Lào. Để phụ trợ cho Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù về liên lạc không yểm trong vai trò cố vấn, toán B52 Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đã chỉ định 3 quân nhân nhảy theo đại đội. Đó là Thượng Sĩ Voix, Trung Sĩ Scott và Hạ Sĩ Alain.
Tối ngày 3 tháng 5, Đại Úy Tài được lệnh thuyết trình đầy đủ chi tiết cuộc xâm nhập. Theo kế hoạch thì đỉnh đồi 270 là mục tiêu thứ nhất và ngọn đồi 250 là mục tiêu thứ nhì. Tiến sâu vào lãnh thổ Lào khoảng 500 mét có một ngọn đồi ở cao độ 200 mét là mục tiêu thứ ba.
Các trực thăng võ trang sẽ tác xạ “sạch sẽ” bãi đáp ngay trên đỉnh đồi 270 một phút trước khi Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù đổ bộ. Nếu gặp sự chống trả hoặc bao vây của Việt Cộng thì đường rút lui sẽ men theo hướng Đông đi về biên giới Lào-Việt. Các sĩ quan chỉ huy gồm có: Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài; Đại Đội Phó Dương Thương Ngộ, Trung Đội Trưởng Trung Đội 1 Nguyễn Vũ Thiện; Trung Đội Trưởng Trung Đội 2 Đặng Đình Hoàng; Trung Đội Trưởng Trung Đội 3 Nguyễn Văn Phước; Trung Đội Trưởng Trung Đội 4 Vũ Ngọc Đính.
Sáu giờ sáng ngày 4 tháng 5, 15 chiếc trực thăng của Phi Đoàn 218 Hoa kỳ sẵn sàng tại phi đạo Mai Lộc để chuẩn bị cuộc đổ quân. Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù là Trần Phương Quế và Trưởng Ban 3 Tiểu Đoàn là Trần Văn Thọ sẵn sàng trên chiếc trực thăng CNC.
Ngoài ra, 4 trực thăng võ trang cũng chuẩn bị cất cánh. Theo kế hoạch, Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài và ban chỉ huy đại đội gồm 5 người sẽ cùng Trung Đội 1 của Nguyễn Vũ Thiện là thành phần đầu tiên chiếm đỉnh đồi 270.
Sáu giờ 30, đoàn trực thăng rời khỏi phi đạo, bay về hướng biên giới với cao độ tăng dần. Lúc 6 giờ 55 đoàn trực thăng hạ thấp cao độ. Mục tiêu lần lần hiện rõ. Đoàn trực thăng chở quân đảo một vòng trên mục tiêu để 4 trực thăng võ trang luân phiên nhau bắn dọn bãi.
Khi những quả rocket và đại liên của trực thăng võ trang nổ vang là lúc Cộng quân vừa tỉnh ngủ và thức dậy. Trung Đội 1 nhảy xuống trận địa xung phong tiến chiếm các vị trí cao điểm, một ổ phòng không 12 ly của Cộng quân chỏng mũi lên trời và chưa kịp điều khiển, thì Biệt Cách Nhảy Dù đã tung một trái lựu đạn vào ổ súng này, hai xạ thủ Cộng quân tan xác.
Do bị tấn công bất ngờ, nên Cộng quân không kịp kháng cự. Phân đội phòng không của họ phản ứng yếu ớt và bị triệt tiêu. Từng hố cá nhân trên đồi bị nổ tung, một toán Biệt Cách Nhảy Dù nhanh chóng tấn kích chớp nhoáng vào căn hầm chỉ huy có mái lợp bằng lá rừng, bắn hạ cả 3 bộ đội Bắc Việt trong hầm. Những cán binh Bắc Việt khác còn sống sót lập tức tháo chạy. Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài liền chỉ định Trung Đội 2 đuổi theo truy kích.
Đúng 7 giờ 15 phút, Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù hoàn toàn làm chủ đồi 270, tịch thu một súng phòng không 12.7 ly, 12 khẩu AK 47, 30 thùng đạn đại-liên 12.7 ly, một số lựu đạn chài và chất nổ. Ngoài ra, có 7 cán binh Bắc Việt đã bị bắn hạ tại chỗ.
Về phía Biệt Cách Nhảy Dù có một người tử trận, 2 binh sĩ khác bị thương. Các cố vấn Hoa Kỳ đi theo đại đội đã ngạc nhiên về chiến tích 15 phút vừa qua của các Biệt Cách Nhảy Dù. Cuộc truy kích tiếp tục, các trung đội bung rộng lục soát đồi, khám phá nhiều giao thông hào chiến đấu được ngụy trang rất kỹ.
Tại ban chỉ huy, Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài liên lạc vô tuyến với Tiểu Đoàn Trưởng Trần Phương Quế trên máy, báo cáo chiến tích và xin một trực thăng cứu thương để đưa xác chiến binh vừa tử trận và thương binh về căn cứ hành quân.
Lời yêu cầu được đáp ứng 15 phút sau đó. Tám giờ 5 phút, trên vùng trời xuất hiện một phi cơ L-19. Thượng Sĩ Voix liên lạc với phi công và được biết quan sát viên trên phi cơ này vừa thấy một đoàn quân khoảng 100 người đang từ hướng Tây Bắc di chuyển về hướng Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù.
Được báo tin, Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài nghĩ ngay đây là một thành phần Cộng quân đã lọt vào khu vực hành quân của Biệt Cách Nhảy Dù. Thượng Sĩ Voix hỏi Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài có cần gọi phi cơ oanh kích không, anh gật đầu và yêu cầu liên lạc thẳng với L-19 để hướng dẫn cuộc oanh kích.
Mười lăm phút sau, trên nền trời hai phản lực cơ F-5 xuất hiện và nhào xuống oanh kích đoàn Cộng quân. Một lát sau đó, có thêm hai F-5 tăng cường. Cả bốn chiếc đồng loạt oanh kích dữ dội. Phi công trên chiếc L-19 báo cho Thượng Sĩ Voix biết là phi cơ đã tấn công trúng đội hình di chuyển của Cộng quân và địch chết rất nhiều.
Thượng Sĩ Voix hỏi Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài có cần oanh kích nữa không, anh trả lời nếu cần thì xin thêm hai phi tuần nữa rồi đại đội di chuyển đến đại đội đó để thanh toán các Cộng quân còn sống sót.
Qua sự liên lạc của Thượng Sĩ Voix, hai phi tuần F-5 tiếp tục oanh kích lần chót, sau đó Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù di chuyển xuống đồi, băng qua đường chiến lược 616 để tiến về phía Tây Bắc.
Di chuyển gần 2 km trên triền núi, Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài các chiến binh Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù nhìn thấy tận mắt kết quả của trận oanh kích: trên 100 xác Cộng quân bị cháy, bị đạn nằm la liệt trên đồi, bên bìa rừng và trên triền núi. Không một tiếng súng kháng cự của đối phương khi Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù đến.
Chiến binh trong đại đội nhặt những khẩu AK bị gẫy báng, bị cháy, nòng cong queo và chất thành đống. Lục soát tử thi, đại đội tìm được một số tài liệu và biết được đơn vị Cộng Sản Bắc Việt này vừa theo đường mòn Hồ Chí Minh xâm nhập vào Nam Lào để tiến về Trị-Thiên.
Mười giờ 30, đại đội chia làm ba mũi tiến chiếm ngọn đồi 250. Không một tiếng súng chống cự, và khi Trung Đội 2 do anh Đặng Đình Hoàng tiến lên đỉnh đồi thì khám phá một ổ phòng không 12 ly 8. Những hầm hố ngụy trang xung quanh đồi vẫn còn nguyên vẹn và mới mẻ.
Theo ước đoán của Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài, Cộng quân sợ phi cơ oanh tạc nên đã vội vã rút chạy, còn để lại khẩu phòng không và 50 thùng đạn mang nhãn hiệu Trung Cộng. Mười một giờ, Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù làm chủ ngọn đồi 250.
NHỮNG PHÚT MÁU LỬA Ở ĐỒI 250
Sau khi dừng quân trên Đồi 250, Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài ra lệnh cho các trung đội tổ chức bố phòng và dùng cơm trưa. Mỗi chiến binh Biệt Cách Nhảy Dù nấu một lon nước sôi bằng chất thuốc nổ rồi đổ bao gạo sấy và khui một hộp thịt ba lát, ăn vội vàng để còn kịp chuyển quân sang mục tiêu thứ ba trước khi trời tối.
Mười một giờ 5 phút, Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài đang ngồi dưới gốc cây lưng chừng đồi, xem lại bản đồ thì anh nghe tiếng ngáy ngủ của Thượng Sĩ Voix. Trung Sĩ Scott đề nghị Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài hướng dẫn anh lên đỉnh đồi để quan sát và chụp hình vị trí phòng không của địch. Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài đồng ý và gọi Thượng Sĩ Voix thức dậy cùng đi. Anh liên lạc với Trung Đội 2 cho biết anh và 2 cố vấn Mỹ đang tiến lên đỉnh đồi.
Đến đỉnh đồi, anh gặp Trung Đội Trưởng Hoàng đang đứng bên cạnh ổ súng phòng không, Hoàng nói với Đại Đội Trưởng:
– Không đánh mà được, kỳ này mình may nhiều hơn rủi, phải không Hổ Xám (danh hiệu truyền tin của Đại Úy Tài).
Hổ Xám trả lời:
– Mình còn 3 mục tiêu phải thanh toán, anh em mình có lẽ sẽ mệt lắm.
Mười phút sau, trong khi Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài, Trung Đội Trưởng Hoàng và hai cố vấn đang đứng quanh ổ súng phòng không của địch thì trên bầu trời bỗng nhiên xuất hiện một chiếc trực thăng “con cóc” mà Không Quân Hoa Kỳ gọi là LOH (Light Observation Helipcopter).
Các chiến binh Biệt Cách Nhảy Dù thấy phi cơ Mỹ thì vui mừng, giơ tay lên trời vẫy. Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài cũng nghĩ đó là một trực thăng đang có nhiệm vụ yểm trợ quân bạn. Chiếc LOH chao đi một vòng và bắn hai quả đạn khói trắng gần vị trí các quân nhân nói trên. Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài ngạc nhiên vô cùng và tự hỏi tại sao LOH bắn trái khói của Biệt Cách Nhảy Dù.
Nhìn về hướng Đông, Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài thấy hai chiếc Cobra xuất hiện. Linh tính cho vị Đại Đội Trưởng biết là sẽ có những điều không may xảy đến, anh nhảy xuống ụ súng phòng không đào sâu dưới đất một thước thì nghe bốn tiếng ầm ầm nổ vang trên đồi.
Trung Sĩ Scott cũng nhảy theo anh xuống ụ súng ngay theo đó. Tiếp theo là những tràng đại liên nổ ròn rã và tới tấp từ Cobra bắn xuống. Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài biết là phi cơ Mỹ đã bắn lầm nên rút vội trái khói vàng thảy lên miệng hố. Anh cũng thúc Trung Sĩ Scott rút một trái khói vàng nữa thảy lên. Khi trái khói vàng tỏa ra trên đỉnh đồi thì hai chiếc Cobra mới ngưng tác xạ. Hạ sĩ Alain dưới đồi vội vã tìm tần số liên lạc với hai phi cơ này.
Sự kiện xảy ra không đầy ba phút, và theo ghi nhận của Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài đó là ba phút của máu và nước mắt của chiến trường. Anh đã kể lại sự kiện bi tráng này trong hồi ký của mình như sau:
“Dứt tiếng súng, tôi và Trung Sĩ Scott nhảy lên miệng hố thì chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng diễn ra trước mắt: Trung Đội Trưởng Đặng Đình Hoàng nằm ngữa không nhắm mắt, bị đại liên bắn trúng từ hông phải và rải dọc lên vai trái. Thượng Sĩ Voix nằm sấp, chết bất động, chân trái và chân phải bị đạn từ bắp vế, đứt lìa khỏi cơ thể. Hạ Sĩ Nguyên mang máy truyền tin cho tôi ngồi bất động, vẫn còn sống, nhưng cánh tay phải đã cụt mất và không biết văng rớt nơi nào.”
“Khi tôi nhảy lên miệng hố thì hai chiếc Cobra và chiếc LOH vẫn còn bay lòng vòng trên bầu trời. Những người lính Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù đang bố phòng quanh, một số ít bị thương vì đạn đại liên, phần lớn đều bị trúng những cây đinh ghim vào mặt, vào chân, vào tay, vào cổ.
Thì ra chiếc Cobra loạt đầu đã phóng 4 hỏa tiễn Flechette, mỗi trái đạn khi ra khỏi nòng tủa ra 2,500 cây đinh nhọn. Đây là một loại đạn chống chiến thuật biển người của Việt Cộng, không may lại phóng vào Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù của chúng tôi.”
“Hai chiếc Cobra sau khi đã bắt được liên lạc với hạ sĩ Alain, biết mình đã bắn lầm quân bạn, vội vã bay đi mất. Những máy truyền tin PRC-25 bị chấn động mạnh nên gặp trở ngại những phút ban đầu. Còn chiếc LOH đã chỉ điểm bắn lầm quân bạn bay hai, ba vòng trên đỉnh đồi, bỗng nhiên trục trặc máy móc và buộc phải hạ cánh xuống đỉnh đồi.”
“Lính Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù biết rằng Mỹ bắn lầm và chợt thấy chiếc LOH hạ cánh xuống đồi, họ tức giận và cầm súng hung hăng tiến đến định bắn chết phi công Mỹ. Trong lúc đó, hai chiếc Cobra bay trở lại vòng vòng trên bầu trời. Viên phi công trực thăng LOH vội vã giựt ống liên hợp truyền tin trên tay Hạ Sĩ Alain và báo với 2 chiếc Cobra rằng Biệt Cách Nhảy Dù uy hiếp anh ta.”
“Đứng bên cạnh viên trung úy phi công Mỹ, tôi chụp lấy ống liên hợp của anh ta và nói: Anh đừng báo cáo bậy, tôi là chỉ huy trưởng ở đây, tôi sẽ bắt anh chứ không bắn chết anh. Lính Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù tiến lại và chĩa súng vào mình viên trung úy phi công này, chỉ cần một tiếng nói của tôi là họ đồng loạt nổ súng.”
“Thấy vậy tôi bảo họ: Không nên làm bậy, vì thằng Mỹ này chết thì hai chiếc Cobra trên đầu sẽ tác xạ bọn mình. Tôi bảo họ trở về vị trí, sợ Việt Cộng thừa cơ hội tấn công. Sau đó, một mặt tôi báo cáo về căn cứ hành quân sự kiện phi cơ Mỹ bắn lầm, một mặt lo chỉnh đốn lại hàng ngũ và kiểm điểm quân số tổn thất. Tôi nghĩ rằng căn cứ hành quân sẽ xúc động mạnh về sự kiện này.”
“Thi thể Đặng Đình Hoàng, thi thể Thượng Sĩ Voix và thi thể của ba anh em khác được cuốn gọn trong những tấm poncho. Tổng kết tổn thất trong vụ bắn lầm gồm có 5 người chết và 33 người bị thương. Tôi liên lạc với căn cứ hành quân để xin tản thương. Hai giờ chiều, một chiếc Chinook Hoa Kỳ bay đến và tìm cách móc chiếc LOH đang nằm trên đỉnh đồi. Công việc hoàn tất lúc 2 giờ 30 phút. Tôi giữ viên trung úy phi công lái chiếc LOH lại.”
“Trung Sĩ Scott da đen giải thích với tôi rằng phi cơ của Sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ đang tuần tiễu biên giới Lào Việt, nhìn về hướng Đông, chiếc trực thăng LOH nhận thấy lố nhố những người đang di chuyển trên đồi cạnh khẩu phòng không, phi công này tưởng đó là quân Bắc Việt nên hướng dẫn hai chiếc Cobra tác xạ, nên xảy ra việc bắn lầm đáng tiếc này.”
NHỮNG GIỜ PHÚT CUỐI CÙNG TRÊN ĐỒI 250
Hai giờ 50 phút chiều, sáu chiếc trực thăng tản thương đến. Tử thi của Trung Đội Trưởng Hoàng, 3 binh sĩ Biệt Cách Nhảy Dù, Thượng Sĩ Voix cùng các thương binh khác lần lượt đưa lên trực thăng. Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài giao viên phi công Mỹ cho Căn Cứ Hành quân, đồng thời nhận được công điện của Liên Hương (danh hiệu của Thiếu Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Hành Quân Delta gửi cho Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài: “Hổ Xám tiếp tục nhiệm vụ.”
Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài kiểm điểm quân số còn lại và xin thay đổi gấp hai máy truyền tin PRC-25 đã bị hư không liên lạc được để tránh những khó khăn lúc lâm trận, nhất là cả đại đội đang ở trên đất Lào, ngay trên đường chuyển quân của bọn cộng sản Bắc Việt.
Đến 3 giờ 30 chiều, đại đội đang bố trí quân còn lại trên đồi 250 thì từ phía Đông-Nam xuất hiện một chiếc trực thăng. Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài nghĩ rằng trực thăng này sẽ mang hai máy truyền tin mới cho đại đội.
Một lát sau trên tần số của máy PRC-25, Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài nghe tiếng của Thiên Nga (danh hiệu của Tiểu Đoàn Trưởng 81 Biệt Cách Nhảy Dù) gọi và hỏi Hổ Xám: “Tình hình thế nào, có ổn không, có “lang thang” được không? (“lang thang” ở đây có nghĩa là tiếp tục chiến đấu).” Hổ Xám trả lời: “Trình Thiên Nga, vẫn đủ sức lang thang.”
Bên đầu máy, giọng của Thiên Nga trở nên nghiêm trọng: “Đây là lệnh Liên Hương cho Hổ Xám: Zoulou chuồn chuồn sẽ đến. (Liên Hương là danh hiệu của Thiếu Tá Phan Văn Huấn — Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Hành Quân Delta). Lệnh của Liên Hương cho phép Đại Đội 3 Biệt Cách Nhảy Dù được rút khỏi trận địa để trở về căn cứ hành quân. Mười sáu (16) chiếc trực thăng sẽ đến đưa toàn đại đội trở về.”
Sau khi nhận lệnh của Liên Hương, Hổ Xám trả lời: “Trình Thiên Nga, tôi nhận đủ –thôi nhé, ráng lên.” Bốn giờ 30 chiều, đoàn trực thăng từ hướng Đông bay đến. Chỉ Huy Trưởng hành quân Delta là Thiếu Tá Phan Văn Huấn ngồi trên trực thăng CNC gọi Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài sẵn sàng để Zoulou (di chuyển).
Đại Đội Trưởng Phạm Châu Tài ra lệnh cho các trung đội sẵn sàng theo thứ tự ưu tiên để lên phi cơ, anh là người cuối cùng của đại đội lên chiếc trực thăng thứ 16 trở về căn cứ hành quân ở Mai Lộc.
(Sài Gòn trong tôi/ Vương Hồng Anh)