Lịch Sử Hoa Kỳ – Phần 1: Từ Thuộc Địa Đến Lập Quốc
Monday, August 09, 2021 Biên Khảo , ĐSLV , Phạm Văn Tuấn
Hoa kỳ là một quốc gia khởi đầu từ miền đất hoang vu và do các người dân can đảm và yêu tự do, từ mọi xứ sở của thế giới tới lập nghiệp. Họ gồm nhiều quốc tịch và nhiều tôn giáo khác nhau, trải qua nhiều thế hệ, mọi người cùng sống với nhau và làm việc cùng nhau để xây dựng nên Hiệp Chủng Quốc ngày nay, đây là một quốc gia hùng mạnh, rộng lớn và giầu có.
Vào năm 1400, giống người Inuit, còn gọi là người Eskimos, và sắc dân da đỏ Indians là các cư dân duy nhất tại miền Tây Bán Cầu này. Sau đó 200 năm, một số người từ các quốc gia châu Âu đã dương buồm băng qua Đại Tây Dương để tới miền Bắc Mỹ và miền Nam Mỹ. Các người thuộc địa đầu tiên này, lúc đầu phần lớn là người Anh, đã định cư dọc theo bờ biển phía đông của vùng Bắc Mỹ, đối với ngày nay thì từ tiểu bang Maine tới tiểu bang Georgia. Những người định cư này đã sinh sống theo luật lệ của nước Anh trong nhiều năm. Sự tranh đấu đòi tự do đã khiến cho họ tuyên bố độc lập và thành lập nên Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ vào năm 1776.
Ngày nay, Hoa Kỳ là nơi sản xuất đứng đầu thế giới về sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa công nghiệp và người dân có đời sống với tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới. Hoa Kỳ còn là quốc gia dẫn đầu về nhiều ngành như khoa học, kỹ thuật, y khoa, sức mạnh quân sự, tài chánh và giải trí, nhưng Hoa Kỳ vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết như nạn nghèo khó trong khi có nhiều người quá giàu sang, nền kinh tế chưa ổn định và nạn ô nhiễm môi trường…
1/ Châu Mỹ Vào Trước Thời Kỳ Thuộc Địa.
Trong hàng ngàn năm, người da đỏ (Indians) là cư dân duy nhất trên miền Tây Bán Cầu này. Phần lớn các nhà khoa học tin tưởng rằng các người da đỏ này đã di chuyển từ châu Á qua miền Bắc Mỹ vào khoảng 15,000 năm về trước và họ sinh sống trải dài từ bắc bán cầu tới phần đất tận cùng của Nam Mỹ. Có lẽ vào khoảng 6,000 năm về trước, giống người Inuit, một giống dân khác của châu Á, đã tràn qua Tây Bán Cầu rồi họ tiến về phía đông, lên tới miền Cực Khuyên (the Arctic Circle).
Người Vikings có lẽ là người da trắng đầu tiên tới Mỹ Châu. Người ta tin rằng các toán người đi biển, ưa mạo hiểm này đã khám phá và định cư tạm thời trên bờ biển phía đông của Bắc Mỹ vào khoảng 1,000 năm về trước. Rồi vào năm 1492, nhà thám hiểm Christopher Columbus đã từ nước Tây Ban Nha, dương buồm đi về hướng tây để tìm đường tới châu Á và ông ta đã tìm thấy Tân Thế Giới (New World).
Khi Christopher Columbus tìm ra Tân Thế Giới, đã có khoảng 80 triệu người Da Đỏ sinh sống trên hai miền Nam và Bắc Mỹ, trong số này, 65 triệu người cư ngụ từ xứ Mexico ngày nay tới mỏm cực nam của vùng Nam Mỹ còn 15 triệu người Da Đỏ sinh sống trên miền đất Hoa Kỳ và Canada ngày nay.
Các người Da Đỏ gồm hàng trăm bộ lạc khác nhau, với ngôn ngữ và lối sống khác nhau. Các bộ lạc tại miền nam gồm các người Aztec, Inca và Maya, họ đã tạo dựng được các nền văn minh khá tiến bộ, lập nên các thành phố và xây dựng được nhiều kiến trúc khổng lồ, rực rỡ, họ cũng thu thập được nhiều vàng bạc, ngọc quý và các tài sản khác. Phần lớn các người Da Đỏ tại phía bắc của Mexico đều sinh sống trong các ngôi làng nhỏ, họ săn thú, trồng trọt hoa màu như ngô (bắp), đậu và bầu bí. Vài bộ lạc lại di chuyển để tìm kiếm thức ăn mà không định cư tại một nơi nhất định.
2/ Người Vikings Và Christopher Columbus.
Vào khoảng năm 1000 sau Công Nguyên (CN), các người Vikings từ miền đất Greenland, chỉ huy do Leif Ericson, đã dùng thuyền tới thám hiểm tại một địa điểm trên miền Bắc Mỹ, có lẽ là Newfoundland, Canada. Đây có lẽ là nhóm người da trắng đầu tiên tới lục địa châu Mỹ, nhưng người Vikings không thiết lập các khu định cư và các cuộc thám hiểm của họ sớm bị quên lãng.
Vào khoảng năm 1400, các người dân châu Âu không biết rằng đã có miền Tây Bán Cầu (the Western Hemisphere), nhưng họ quan tâm tới việc tìm kiếm một con đường biển ngắn nhất để đi tới Viễn Đông là miền có nhiều hương liệu và các đồ vật quý giá.
Christopher Columbus là một nhà hàng hải người Ý, ông ta đã tin tưởng rằng mình có thể tìm ra con đường biển đi tới Viễn Đông bằng cách dương buồm đi về hướng tây. Được nhà vua và nữ hoàng Tây Ban Nha tài trợ, Columbus ra đi từ Tây Ban Nha vào ngày 03/8/1492, đã tới đất liền vào ngày 12 tháng 8 và ông ta cho rằng đây là Viễn Đông. Thực ra, Columbus đã bước lên hòn đảo San Salvador, một trong các hòn đảo ở phía đông của lục địa Bắc Mỹ.
Christopher Columbus qua đời vào năm 1506 rồi sau đó, các người dân châu Âu đã gọi miền đất chưa thám hiểm này là Tân Thế Giới (New World) và gọi miền Tây Bán Cầu là America, theo tên của Amerigo Vespucci, một người Ý. Ông Vespucci này đã tự nhận rằng mình đã thực hiện được nhiều chuyến đi tới Tân Thế Giới từ năm 1497.
3/ Thám Hiểm Và Định Cư Trên Miền Đất Tân Thế Giới.
Sự khám phá ra châu Mỹ đã tạo nên một làn sóng phấn khởi tại châu Âu. Đối với người dân châu Âu, Tân Thế Giới cho họ các cơ hội để làm giầu, có thêm quyền lực và thêm mạo hiểm. Các vua chúa của châu Âu tìm kiếm có thêm lãnh thổ tại Tân Thế Giới để làm gia tăng sự quan trọng và quyền lực. Các thầy tu Thiên Chúa giáo muốn phổ biến tôn giáo của họ cho các người dân bản xứ. Các thương nhân muốn tìm kiếm nguồn tài nguyên để thêm vô phần tài sản của họ. Các nhà thám hiểm coi Tân Thế Giới là nơi mạo hiểm, để đạt được danh tiếng và tài sản. Vì thế, các người châu Âu từ nhiều quốc gia đã dương buồm băng qua Đại Tây Dương để thám hiểm Mỹ Châu và thiết lập các trạm mậu dịch và các thuộc địa.
Từ năm 1500, các người Tây Ban Nha (Spaniards) và Bồ Đào Nha (Portuguese) đã đi tới miền phía nam của Tây Bán Cầu để tìm kiếm vàng bạc và các tài sản khác. Người Tây Ban Nha chinh phục rất nhanh xứ Inca của Peru, xứ Maya của miền Trung Mỹ và xứ Aztec của Mễ Tây Cơ (Mexico). Người Bồ Đào Nha kiểm soát miền đất mà ngày nay là xứ Brazil. Như vậy tới năm 1600, các người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã chinh phục được từ xứ Mễ Tây Cơ xuống phía nam.
Cũng từ năm 1500, người Tây Ban Nha đã đi tới miền tây nam và miền tây của Hoa Kỳ ngày nay và họ đã không tìm thấy vàng bạc như tại các xứ Inca, Aztec…nhưng họ đã kiểm soát được miền Florida và miền đất phía tây của dòng sông Mississippi. Vào năm 1526, người Tây Ban Nha thiết lập nên nơi định cư đầu tiên, các sử gia tin rằng nơi định cư này là San Miguel de Gualdape, ở đâu đó dọc theo bờ biển từ South Carolina tới Georgia. Nơi định cư đầu tiên này bị bỏ trống vào năm 1527 rồi tới năm 1565, người Tây Ban Nha lập nên nơi định cư St. Augustine, Fla., rồi họ cũng tổ chức các hội truyền giáo và các nơi định cư khác tại miền nam và miền tây của Hoa Kỳ ngày nay.
Người Anh và người Pháp cũng thám hiểm miền đông của Bắc Mỹ vào khoảng năm 1500. Lúc đầu, cả hai nước này chỉ gửi đi tới Tân Thế Giới các nhà thám hiểm và các người buôn lông thú, nhưng sau năm 1600, họ cũng thiết lập các nơi định cư vĩnh viễn. Các nơi định cư của người Pháp phần lớn là tại xứ Canada ngày nay còn các vùng đất định cư của người Anh là 13 thuộc địa mà sau này trở thành Hiệp Chủng Quốc hay Hoa Kỳ. Trong nhiều năm, người Anh và người Pháp đã đánh phá lẫn nhau để giành quyền kiểm soát xứ Canada và miền đất nằm giữa Đại Tây Dương và giòng sông Mississippi và cuối cùng, nước Anh đã thắng nước Pháp năm 1763 sau khi nước Pháp thua trận chiến được gọi là “Trận Chiến Tranh giữa người Pháp và người Da Đỏ” (the French and Indian War).
4/ Di Sản Thuộc Địa.
Các nhà thám hiểm tới miền bắc của tây bán cầu đã không tìm thấy vàng bạc hay các tài sản nào khác, hay các nền văn minh giống như các người Tây Ban Nha đã tìm được. Họ chỉ thấy một vùng đất hoang vu có các thổ dân Da Đỏ cư ngụ rải rác. Các người định cư đầu tiên đã gặp phải nhiều cảnh gian nan khi họ thiết lập các khu định cư dọc theo bờ biển phía đông. Họ chỉ biết ở phía sau khu định cư là vùng đất rộng bao la, chính các tài nguyên của vùng đất bao la này: đất đai màu mỡ, sông nước dư thừa và rất nhiều khoáng sản…, tất cả về sau đã giúp cho Hoa Ky trở thành một trong các quốc gia rộng lớn nhất và thịnh vượng nhất.
Vào năm 1585, Sir Walter Raleigh đã gửi các người định cư tới hòn đảo Roanoke (Roanoke Island) nằm bên ngoài bờ biển North Carolina, nhưng xứ thuộc địa này đã gặp thất bại. Qua năm 1607, vào khoảng 100 người Anh tới bờ biển gần Vịnh Chesapeake, họ lập nên khu định cư đầu tiên Jamestown, rồi trong vòng 150 năm, làn sóng người di dân tới Bắc Mỹ và họ đã định cư dọc theo bờ biển, phần lớn họ là người Anh, nhưng cũng có các người dân từ các nước Pháp, Đức, Hòa Lan, Ái Nhĩ Lan và vài quốc gia khác.
Lúc đầu, các người thuộc địa này đã gặp phải nhiều gian nan và nguy hiểm trên miền đất Bắc Mỹ, họ thiếu thốn thực phẩm, gặp các bệnh tật và đôi khi bị các dân Da Đỏ tấn công. Nhưng dần dần họ cũng xây dựng được các nông trại và đồn điền sản xuất, lập nên các thị trấn, nhà thờ và trường học, làm các đường lộ và bắt đầu các kỹ nghệ. Các người thuộc địa cũng làm phát triển các cơ cấu chính trị và niềm tin xã hội, họ cố gắng thiết lập một chính quyền dân chủ, đề cao tự do cá nhân và họ tin rằng chăm chỉ làm việc là một cách để tiến bộ.
Từ năm 1600, Vua nước Anh đã ban ra các nghị định để thiết lập các xứ thuộc đia tại Bắc Mỹ. Các nghị định này cho phép các công ty thương mại được quyền tuyển người đi định cư tại Bắc Mỹ và quản lý họ. Tới giữa thế kỷ 18, đã có 13 xứ thuộc địa Anh, mỗi thuộc địa có một viên toàn quyền (a governor) và một ban lập pháp (legislature), nhưng mọi xứ thuộc địa đều ở dưới quyền kiểm soát của chính phủ Anh.
13 xứ thuộc địa trải dài từ tiểu bang Maine ngày nay tới tiểu bang Georgia ở phía nam, gồm có các xứ thuộc địa Tân Anh Cát Lợi (the New England Colonies) với Massachusetts, Connecticut, Rhode Island và New Hampshire ở mạn bắc, các xứ thuộc địa miền trung (the Middle Colonies) với New York, New Jersey, Pennsyvania và Delaware, hai xứ Virginia và Maryland nằm dọc theo Vịnh Chesapeake, và các xứ thuộc địa Miền Nam (the Southern Colonies) với North Carolina, South Carolina và Georgia.
5/ Hai Xứ Thuộc Địa Virginia Và Maryland.
Hai xứ thuộc địa Virginia và Maryland được thiết lập vì các lý do khác nhau nhưng đã phát triển theo cùng một cách.
Virginia bắt đầu với nơi định cư Jamestown vào năm 1607. Công ty London, một tổ chức của các thương gia người Anh, đã gửi các người định cư tới Bắc Mỹ với chủ đích để họ tìm kiếm vàng bạc và các kho tàng, nhưng các người định cư đã không tìm thấy một kho tàng nào mà phải chịu đựng nhiều gian nan. Vào lúc này, Đại Úy John Smith đã giúp đỡ xứ thuộc địa sống còn vào các ngày ban đầu. Vào khoảng năm 1612, các người thuộc địa tại Jamestown đã trồng thuốc lá và công ty London đã bán sản phẩm này tại châu Âu. Nhờ thuốc lá bán được giá cao, xứ Virginia đã trở nên thịnh vượng.
Xứ Maryland được thiết lập nên do gia đình Calverts. Đây là một gia đình Anh giàu có, theo đạo Cơ Đốc (Catholics). Các người Cơ Đốc bị ngược đãi tại nước Anh nên gia đình Calverts muốn cung cấp cho họ một nơi mà họ có thể hưởng thụ nền tự do. Vào năm 1632, Cecilius Calvert trở nên sở hữu chủ miền đất Maryland rồi Leonard Calvert đã hướng dẫn các người di cư thành lập nơi định cư Maryland đầu tiên vào năm 1634. Các người dân định cư tại Maryland cũng trồng thuốc lá và xứ thuộc địa này cũng phát triển sung túc.
Do muốn có tiếng nói trong chính quyền địa phương, các người Virginia đã kháng cáo lên Công Ty London và vì công ty này muốn khuyến khích nhiều người tới Virginia, nên Công Ty London đã đồng ý. Kết quả là vào năm 1619, Nghị Viện Burgesses (the House of Burgesses) đã được thiết lập và đây là cơ sở lập pháp đầu tiên tại Mỹ Châu. Xứ Maryland cũng hấp dẫn các người định cư Cơ Đốc và Tin Lành. Vào năm 1649, gia đình Calverts đã chấp thuận tự do tôn giáo cho cả hai thứ tín ngưỡng kể trên. Đây là sự dung thứ tôn giáo đầu tiên (first religious toleration) tại miền Bắc Mỹ.
6/ Xứ Tân Anh Cát Lợi (New England).
Các người Thanh Giáo (the Puritans) là những người Anh theo đạo Tin Lành, đã bị ngược đãi vì họ chống đối Nhà Thờ Anh Cát Giáo (the Church of England). Một số các người Thanh Giáo, được gọi tên là các người Pilgrims, đã được các thương nhân người Anh trợ giúp tiền bạc để di cư sang Tân Thế Giới, vào năm 1620 họ đã lập nên các thuộc địa Tân Anh Cát Lợi (the New England colonies). Các người Pilgrims đã thiết lập nên thuộc địa Plymouth (the Plymouth Colony), đây là nơi định cư vĩnh viễn thứ hai của người Anh tại Bắc Mỹ.
Trong các năm từ 1628 tới 1630, các người Thanh Giáo tạo nên xứ thuộc địa Vịnh Massachusetts (the Massachusetts Bay Colony) mà ngày nay là hai thành phố Salem và Boston, rồi sau đó thuộc địa Plymouth trở thành một phần của thuộc địa Massachusetts vào năm 1691.
Từ Massachusetts, các người định cư tỏa rộng ra để thành lập 3 khu thuộc địa khác là Connecticut, đầu tiên được định cư vào năm 1633 rồi trở nên một xứ thuộc địa vào năm 1636, sau đó các người định cư tới Rhode Island năm 1636 và nơi này thành xứ thuộc địa vào năm 1647. Sau cùng New Hampshire được dân định cư tới cư ngụ vào năm 1623 rồi trở nên một xứ thuộc địa vào năm 1680.
Các nhà lãnh đạo Thanh Giáo quan trọng của các xứ thuộc địa Tân Anh Cát Lợi gồm có các Thống Đốc (governors) William Bradford của Plymouth, John Winthrop của Massachusetts và Roger Williams là người sáng lập ra xứ Rhode Island.
Đời sống tại miền Tân Anh Cát Lợi thường tập trung vào các thị trấn (towns) nhưng mỗi gia đình đều có một mảnh đất để trồng trọt và kiếm sống. Sau đó không lâu, người dân tại nơi đây đã bắt đầu các kỹ nghệ nhỏ như đánh cá, xẻ gỗ và làm đồ mộc, và các nghề thủ công.
Các người Thanh Giáo cũng đóng góp vào nền cộng hòa của Bắc Mỹ. Các người Pilgrims đã viết ra “Thỏa Ước Mayflower” (the Mayflower Compact), đây là sự đồng ý của các người nam di cư trưởng thành về các luật lệ chính đáng và bình đẳng dành cho mọi người (just and equal laws for all). Các người Thanh Giáo này cũng tổ chức các buổi hội họp của thị trấn để bàn bạc và giải quyết các vấn đề về luật pháp.
7/ Các Xứ Thuộc Địa Miền Trung.
Sau khi các người Anh bắt đầu định cư trên miền đất của Tân Thế Giới, các người Hòa Lan (the Dutch) đã thành lập xứ New Netherland, một địa điểm mậu dịch và thuộc địa mà ngày nay là thành phố New York và miền bắc của tiểu bang New Jersey. Người Hòa Lan định cư vĩnh viễn tại New York vào năm 1624 và New Jersey vào năm 1660.
Vào năm 1638, các người Thụy Điển đã thiết lập nên một địa điểm mậu dịch và định cư được gọi tên là New Sweden mà ngày nay là tiểu bang Delaware và phần phía nam của tiểu bang New Jersey. Sau đó người Hòa Lan chiếm New Sweden vào năm 1655. Qua năm 1664, người Anh nhờ thành lập khá hơn, đã chiếm New Netherland và New Sweden.
Vua Charles II của nước Anh đã ban cho người em James, là Bá Tước York (the Duke of York) thị trấn New York và lãnh thổ New Jersey rồi các người bạn của vị Bá Tước này đã thành lập nên các khu nông trại khổng lồ tại miền bắc của thị trấn New York. Phía nam của thị trấn này, được gọi tên là thành phố New Amsterdam, đã trở nên thành phố New York, đây là một trung tâm mậu dịch và đóng tầu. Bá Tước York cũng đã cho hai người bạn của ông ta xứ New Jersey rồi hai ông chủ này đã cho phép xứ thuộc địa này nhiều tự do chính trị và tôn giáo, nhờ vậy New Jersey đã thu hút được nhiều người định cư.
Vào năm 1643, các người Thụy Điển đã thiết lập được một nơi định cư nhỏ mà ngày nay là Pennsyvania nhưng vào năm 1681, ông William Penn của nước Anh, đã nhận được một nghị định xác nhận ông ta là sở hữu chủ của hai miền Pennsylvania và Delaware. Ông William Penn là một người theo đạo Quaker, một tôn giáo bị ngược đãi tại nhiều quốc gia ở châu Âu. Do lời khuyến khích của ông William Penn, các người theo đạo Quaker và các tôn giáo khác đã đổ về miền Pennsylvania rồi cũng do cách trù liệu định cư của ông Penn, xứ Pennsylvania đã phát triển rực rỡ và Philadelphia, một nơi định cư, đã trở nên một thành phố rộng lớn nhất trong các xứ thuộc địa Bắc Mỹ.
8/ Các Xứ Thuộc Địa Miền Nam.
Vào năm 1663, Vua Charles II của nước Anh đã ban cho 8 chủ nhân miền đất trải dài từ Virginia tới Florida, gọi là Carolina, nhưng các người Virginia đã định cư tại phần đất phía bắc của Carolina từ 10 năm về trước. Sau năm 1663, miền đất Carolina này đã thu hút các người định cư Anh, các người Pháp theo đạo Tin Lành được gọi là dân Huguenots và các người từ các xứ thuộc địa khác. Năm 1712, miền đất phía bắc Carolina được chia thành North Carolina và South Carolina. North Carolina là xứ thuộc địa của các nông trại nhỏ và là nơi trao đổi lông thú. Tại South Carolina, các chủ đất giàu có đã cho thiết lập các khu trồng lúa và các đồn điền chàm (indigo plantations). Các đồn điền này cần tới nhiều dân lao động nên các chủ đất đã mang tới nơi đây nhiều người nô lệ da đen. Cũng vào thời gian này, Charleston, S.C., đã trở nên một hải cảng giàu có và là một nơi sinh hoạt xã hội sống động.
Một phần ba phía nam của Miền Carolina đã không được định cư cho tới năm 1733. Sau đó, ông James Oglethorpe của nước Anh đã thành lập nên xứ Georgia và ông ta hy vọng rằng xứ sở này sẽ trở nên một thuộc địa của các nông trại nhỏ. Nghị định của xứ thuộc địa Georgia đã cấm đoán việc nhập cảng các người nô lệ da đen vì vậy chế độ nô lệ và các đồn điền đã không phát triển tại Georgia nhưng sau năm 1750, luật lệ của Georgia đã thay đổi, cho phép các người định cư mang dân nô lệ tới và vì thế các đồn điền cũng phát triển.
9/ Đời Sống Tại Các Xứ Thuộc Địa Bắc Mỹ.
Kinh tế phát triển và các tự do tôn giáo – chính trị, đã lôi cuốn nhiều người di cư tới Bắc Mỹ. Vào năm 1753, dân số thuộc địa là 1.33 triệu người, phần lớn các người định cư từ nước Anh nhưng cũng có nhiều người từ các xứ khác của miền Tây châu Âu. Nền mậu dịch nô lệ cũng mang tới nơi đây các người dân của châu Phi và vào thập niên 1750, người da đen chiếm 20 % dân số.
Các người dân châu Âu vào thời kỳ đó biết rằng đi sang Tân Thế Giới sẽ gặp nhiều gian nan và nguy hiểm nhưng miền đất mới này cũng sẽ cung cấp các cơ hội cho mọi người tạo dựng một đời sống mới, vì thế nhiều người đã tìm cách di cư sang miền Bắc Mỹ. Ngoài những người Thanh Giáo, Cơ Đốc La Mã, Quakers và Huguenots, còn có các người Do Thái (Jews) và các người Tin Lành gốc Đức.
Các người khá giả của châu Âu muốn tới Tân Thế Giới vì họ mong muốn giàu có hơn, còn các người nghèo tới miền đất mới này khi họ ký giao kèo làm mướn cho một người chủ và người chủ đồng ý trả cho người làm mướn tiền chuyên chở, thực phẩm, quần áo và nơi trú ngụ. Phần lớn giao kèo kéo dài trong 4 năm, sau đó người làm mướn được tự do làm việc cho chính mình.
Cũng có những người tới Bắc Mỹ mà không phải tự nguyện. Họ là các tù nhân trong các trại tù quá đông người của nước Anh, các người Ái Nhĩ Lan bị người Anh bắt làm tù binh sau các trận chiến và các người da đen châu Phi bị bắt vì chiến tranh bộ lạc và bị bán cho các kẻ buôn người từ châu Âu.
Đầu tiên, các người da đen có cùng địa vị luật pháp với các người da trắng làm mướn nhưng từ 1660, sự bình đẳng của người da đen giảm đi. Nhiều chủ đất đã gia tăng thời gian nô lệ của người da đen tới vô kỳ hạn và việc này bắt đầu chế độ nô lệ tại miền Bắc Mỹ, rồi các đồn điền miền Nam cần tới nhiều lao công nên các chủ đồn điền đã thấy có lợi nhuận khi họ mua các dân nô lệ để làm việc.
Vào thuở ban đầu, các người thuộc địa đã trồng trọt các thực phẩm để sinh sống. Các đồn điền lớn trồng lúa, chàm và thuốc lá còn các nông trại nhỏ nuôi gia súc và trồng bắp và lúa mạch (wheat). Khi không bận rộn vì mùa màng, họ đi câu cá hay đi săn thú rừng. Một số người khác chặt cây, xẻ gỗ để làm ra các thùng gỗ (barrels) hay để đóng tầu. Các người thuộc địa đã dùng một phần sản phẩm của họ rồi họ xuất cảng một phần lớn các hàng hóa. Họ buôn bán với nước Anh là nơi các kỹ nghệ cần tới các nguyên liệu của các xứ thuộc địa và ngược lại, họ cũng mua về nhiều sản phẩm đã chế biến. Các xứ thuộc địa này cũng giao dịch với các nước Pháp, Hòa Lan và Tây Ban Nha.
Giống như tại châu Âu, tại các xứ thuộc địa Bắc Mỹ đã có các người giàu và các kẻ nghèo, nhưng tại châu Âu, các tập quán (traditions) đã làm cho việc thăng tiến kinh tế và xã hội trở nên khó khăn. Tại miền Bắc Mỹ này, đã không có vấn đề đó. Sự thăng tiến dành cho mọi người nếu người đó chịu khó làm việc chăm chỉ, ngoại trừ đối với các người nô lệ. Tại miền Tân Thế Giới, đất đai thì dư thừa và rất dễ dàng sở hữu các mảnh đất và lại có nhiều cơ hội để mọi người bắt đầu các cơ sở thương mại mới. Các người làm mướn và các con cháu của họ đã trở thành các thương gia khá giả hay các chủ đất giàu có. Các xứ thuộc địa còn cần tới các nhà chuyên môn như các luật sư, y sĩ, giáo chức và tu sĩ, và vì các trình độ chuyên môn không cao nên mọi người đều có nhiều cơ hội thành đạt.
Các người thuộc địa không ưa các định chế của quá khứ mà lại muốn tạo nên các thứ mới để dùng riêng cho họ. Vì các người thuộc địa sinh sống dưới luật pháp của nước Anh nhưng luật lệ làm tại nước Anh bị coi như không thích hợp với họ và thái độ độc lập này sẽ sớm gây nên sự xung đột giữa người Anh và người thuộc địa của vùng Bắc Mỹ.
10/ Phong Trào Đòi Độc Lập (1754-1783).
Các liên lạc giữa nước Anh và các thuộc địa Bắc Mỹ bắt đầu dạn nứt vào giữa thế kỷ 18. Nước Anh dần dần siết chặt sự kiểm soát các xứ thuộc địa. Các nhà lãnh đạo Anh đã thông qua các đạo luật để giới hạn các tự do và đánh thuế lên các người thuộc địa, trong khi các người này lại quen với cách tự quản trị, đồng thời họ cũng làm phát triển tinh thần đoàn kết và độc lập.Vì thế các người thuộc địa Bắc Mỹ đã coi người Anh xen lấn vào các công việc nội bộ của họ.Sự xung đột giữa người Mỹ và người Anh càng tăng thêm, tới ngày 19 tháng 4 năm 1775, cuộc Chiến Tranh Cách Mạng (the Revolutionary War) đã nổ ra giữa hai bên rồi trong thời gian chiến tranh, vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, các người thuộc địa Bắc Mỹ đã tuyên bố độc lập khỏi quyền cai trị của người Anh. Vào năm 1783, các người thuộc địa đã chiến thắng quân đội Anh.
a/ Cuộc chiến tranh Pháp và Da Đỏ.
Trong thời kỳ thuộc địa, cả hai nước Anh và Pháp đều tranh giành nhau quyền kiểm soát phần đất phía đông của Bắc Mỹ. Khi các người định cư di chuyển sâu vào trong đất liền thì cả hai quốc gia kể trên đều tranh giành vùng đất rất rộng lớn nằm giữa rặng núi Appalachian và dòng sông Mississippi. Sự tranh giành này khiến cho nổ ra cuộc chiến tranh Pháp và Da Đỏ (the French and Indian War) vào năm 1754.
Do người Anh đã chiến thắng cuộc chiến kể trên và do Hiệp Ước Paris (the Treaty of Paris) ký kết vào năm 1763, nước Anh được quyền kiểm soát:
(1) tất cả miền đất mà ngày nay là nước Canada.
(2) tất cả các miền đất của người Pháp ở phía đông của dòng sông Mississippi, ngoại trừ New Orleans.
Nước Anh cũng nhận được miền Florida từ nước Tây Ban Nha vào năm 1763. Như vậy, nước Anh đã kiểm soát toàn thể Bắc Mỹ từ Đại Tây Dương tới dòng sông Mississippi.
b/ Các chính sách của nước Anh thay đổi.
Sau cuộc chiến tranh Pháp và Da Đỏ, người Anh tìm cách kiểm soát thêm vùng đất Bắc Mỹ rộng lớn. Do phải dùng nhiều tiền bạc vào cuộc chiến tranh kể trên, số nợ của quốc gia (the national debt) đã tăng lên gần gấp đôi. Vua George III là vua của nước Anh vào năm 1760, đã chỉ thị cho Nghị Viện Anh phải tìm ra các chính sách để giải quyết vấn đề nợ nần. Vì thế Quốc Hội Anh đã ban ra các đạo luật giới hạn tự do của các người Mỹ thuộc địa, đánh thuế họ hoặc cả hai cách.
Vào năm 1763, Quốc Hội Anh bỏ phiếu cho phép quân đội Anh trú đóng tại Bắc Mỹ để tăng cường kiểm soát. Hai năm sau, đạo luật Đồn Trú (the Quartering Act) bắt buộc các người dân thuộc địa phải cung cấp cho quân đội Anh nơi trú ngụ và thực phẩm. Ngoài ra, người Anh còn công bố vào tháng 10 năm 1763, cấm đoán người dân thuộc địa không được phép định cư ở phía tây của rặng núi Appalachian.
Vua George và Quốc Hội Anh tin tưởng rằng các người thuộc địa phải tuân theo các điều lệ mậu dịch và phải trả phí tổn cho việc duy trì Đế Quốc Anh. Vào năm 1764, Quốc Hội Anh thông qua Đạo Luật Đường (the Sugar Act) theo đó mật đường phải trả thuế khi mang tới các xứ thuộc địa, rồi sau đó là Đạo Luật Tem Thuế (the Stamp Act) vào năm 1765 đã đánh thuế lên giấy, các tài liệu luật pháp và các tài liệu in ấn.
Các người thuộc địa đã phản đối các luật lệ Anh. Họ cho rằng chính quyền Anh không có quyền giới hạn sự định cư của họ cũng như khước từ sự tự do bất cứ hình thức nào. Họ cũng chống cự mạnh mẽ các loại thuế má. Vì không được có người đại diện trong Quốc Hội Anh, các người thuộc địa biện luận rằng nước Anh không có quyền đánh thuế họ.
Để chống lại các luật lệ mới, các người thuộc địa đã tổ chức các cuộc tẩy chay rộng lớn đối với các hàng hóa của nước Anh, đồng thời nhiều người thuộc địa tham gia vào một hội bí mật gọi là “Các Người Con của Tự Do” (Sons of Liberty) và nhóm người này đe dọa dùng bạo lực để chống lại sự bắt buộc phải thi hành luật lệ rồi vào năm 1765, các đại diện của 9 xứ thuộc địa đã hội họp với nhau để cứu xét các hành động chung chống lại nước Anh.
Vào năm 1767, Quốc Hội Anh thông qua Đạo Luật Townshend, cho phép đánh thuế lên chì, sơn, giấy và trà nhập cảng vào các xứ thuộc địa, vì vậy sự căng thẳng giữa người Anh và người Mỹ thuộc địa đã gia tăng rồi sau đó, nước Anh gửi quân đội tới Boston và thành phố New York. Vào ngày 5 tháng 3 năm 1770, một số người dân tại Boston đã chế nhạo một nhóm quân Anh và nhóm quân đội này đã xả súng bắn vào các người dân sự làm cho 3 người chết và 8 người bị thương. Tai nạn này được gọi là “cuộc tàn sát Boston” (the Boston Massacre), đã làm phẫn uất các người dân thuộc địa.
Qua năm 1773, Quốc Hội Anh giảm thuế cho loại trà do Công Ty Đông Ấn bán ra (the East India Company) và xác nhận lại quyền đánh thuế lên người dân thuộc địa. Người dân Mỹ thuộc đia đã tức giận vì Công Ty Đông Ấn được hưởng lợi rồi các nhà buôn thuộc địa từ chối bán loại trà kể trên. Vào ngày 16 tháng 12 năm 1773, một số người dân thuộc địa ăn mặc giả làm các người da đỏ, đã lên các con tầu của Công Ty Đông Ấn đậu tại Boston và ném các thùng trà xuống nước trong Hải Cảng Boston.
Đầu năm 1774, do tức giận, Quốc Hội Anh đã thông qua các đạo luật trừng phạt các người thuộc địa, gồm có đóng cửa hải cảng Boston, tăng thêm quyền lực của Thống Đốc Anh tại thuộc địa Massachusetts và bắt các người thuộc địa phải nuôi ăn và cho cư ngụ các binh lính Anh. Các đạo luật kể trên được các người dân thuộc địa gọi là “các Đạo Luật không thể chấp nhận được” (the Intolerable Acts).
12/ Các Nghị Hội Lục Địa Và Bản Tuyên Ngôn Độc Lập.
Các đạo luật không thể chấp nhận được đã làm cho các người dân thuộc địa tức giận. Ngày 5/9/1774, các đại biểu của 12 xứ thuộc địa đã hội họp lần thứ nhất tại Philadelphia, lần họp này được gọi là Nghị Hội Lục Địa Thứ Nhất (the First Continental Congress). Các đại biểu của Nghị Hội này muốn tìm cách dàn hòa với chính quyền Anh, họ xác nhận lòng trung thành với nước Anh và đồng ý rằng Quốc Hội Anh (the Parliament) có quyền điều khiển các công việc đối ngoại của các xứ thuộc địa, nhưng họ cũng muốn chấm dứt mọi mậu dịch với nước Anh cho tới khi nào Quốc Hội Anh xét lại các đạo luật không thể chấp nhận được. Vua George đã làm tiêu tan hy vọng hòa giải do nhấn mạnh rằng các thuộc địa hoặc phải theo các luật lệ Anh hay sẽ bị đàn áp.
Vào ngày 19/4/1775, các đội quân Anh đã cố công chiếm đoạt các đồ tiếp liệu quân sự của dân quân Massachusetts, hành động này đã khiến cho xẩy ra cuộc Chiến Tranh Cách Mạng (the Revolutionary War). Các người dân thuộc địa, đầu tiên tại Lexington rồi tại Concord, Mass., đã cầm súng chống lại quân đội Anh và tại Concord, dân quân thuộc địa đã ngăn chặn được bước tiến của quân đội Anh. Tin chiến thắng này đã được lan truyền khiến cho gia tăng hy vọng thắng lợi. Rồi sau đó các nhà lãnh đạo thuộc địa đã hội họp vào ngày 10/5/1775, đây là Nghị Hội Lục Địa Lần Thứ Hai (the Second Continental Congress) và nhiệm vụ của Nghị Hội này là phải chuẩn bị chiến tranh. Nghị Hội đã tổ chức Quân Đội Lục Địa (the Continental Army) và các người dân thuộc địa đã tham gia. Vào ngày 15/6/1775, Nghị Hội chỉ định ông George Washington làm Tổng Tư Lệnh Quân Đội.
Vào ngày 23/8/1775, Vua George chính thức công bố rằng các xứ thuộc địa đã nổi loạn và người dân Bắc Mỹ phải chấm dứt sự phản đối hay sẽ bị nước Anh đánh bại. Một số người thuộc địa, được gọi là những “người trung thành” (the Loyalists) muốn phục tùng các luật lệ của nước Anh, nhưng các người Bắc Mỹ khác ủng hộ việc chiến đấu vì độc lập. Nhiều người còn đang phân vân thì họ được đọc một quyển sách mỏng của Thomas Paine, có tên là “Lương Tri” (Common Sense) trong đó tác giả nói với các người thuộc địa Bắc Mỹ rằng: “Họ phải hoặc là chấp nhận chế độ độc đoán của Vương Triều Anh hay là ném bỏ xiềng xích do công bố một nước cộng hòa”(They must either accept the tyranny of the British Crown or throw off their shackes by proclaiming a republic).
Vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, Nghị Hội Lần Thứ Hai chính thức công bố Bản Tuyên Ngôn Độc Lập (the Declaration of Independence) và sự thành lập Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ (the United States of America). Được viết bởi ông Thomas Jefferson của tiểu bang Virginia,
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã nói rằng mọi người được sinh ra bình đẳng và có các quyền sinh sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc. Để bảo đảm các quyền lợi này, con người tạo nên các chính quyền và chính quyền dùng quyền lực do sự đồng ý của người dân. Tinh thần gây nên bởi Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã là yếu tố quan trọng cho sự thắng lợi sau này của người dân Bắc Mỹ.
Các người dân Bắc Mỹ đã phải đương đầu với đế quốc hùng mạnh nhất trên thế giới trong cuộc Chiến Tranh Cách Mạng. Họ thiếu các đạo quân được huấn luyện kỹ càng, thiếu các sĩ quan điều khiển quân đội, thiếu súng đạn và tiền bạc, nhưng họ có ưu điểm là chiến đấu ngay tại quê hương. Quân đội Anh tuy được huấn luyện và trang bị đầy đủ, có các sĩ quan kinh nghiệm chiến trường nhưng họ phải chiến đấu tại một miền đất không quen thuộc và cách xa quê nhà hàng ngàn dậm. Các người thuộc địa Bắc Mỹ còn nhận được sự giúp đỡ của nước Pháp và các nước ở châu Âu chống lại nước Anh.
Cuộc Chiến Tranh Cách Mạng đã kéo dài trong suốt thập niên 1770 rồi vào ngày 19 tháng 10 năm 1781, người Mỹ đã chiến thắng cuối cùng bằng Trận Yorktown (the Battle of Yorktown) trong tiểu bang Virginia. Hàng ngàn binh lính Anh đã đầu hàng và chính quyền Anh quyết định tìm cách hòa bình. Cuối cùng vào ngày 3 tháng 9 năm 1783, người Mỹ và người Anh đã ký Hiệp Ước Paris Năm 1783 (the Treaty of Paris of 1783) chính thức chấm dứt cuộc Chiến Tranh Cách Mạng.
13/ Thành Lập Một Quốc Gia.
Trong nhiều năm, người Mỹ đã làm phát triển các thái độ để giành được tự do và độc lập. Các thái độ này bao gồm niềm tin vào một chính quyền của dân, một tinh thần đoàn kết, một niềm tin vào tương lai với tinh thần quốc gia vững mạnh.
Khi các thuộc địa Bắc Mỹ mới được định cư, các thương gia và các chủ đất là những người nắm quyền lực chính trị. Nhưng các người thuộc địa đã dùng các phương thức chính trị để bày tỏ các quan điểm của họ về các vấn đề quan trọng. Các vấn đề này gồm có sự sở hữu đất đai, sự đại diện trong chính quyền, sự đánh thuế và vai trò của nhà thờ trong xã hội. Từ năm 1774, Bắc Mỹ không còn là một xã hội trong đó một thiểu số người cai trị với sự ưng thuận thụ động của đa số, mà mọi người đều có tiếng nói tích cực trong chính quyền.
Sau Hiệp Ước Paris Năm 1783, quốc gia Hoa Kỳ được thành lập gồm miền đất nằm giữa Đại Tây Dương ở phía đông và dòng sông Mississippi ở phía tây, phía bắc là Canada là lãnh thổ thuộc nước Anh, và nước Anh trả lại miền Florida cho Tây Ban Nha. Nước Tây Ban Nha cũng kiểm soát phần đất phía tây của dòng sông Mississippi. 13 xứ thuộc địa ban đầu trở thành 13 tiểu bang còn miền đất phía tây của rặng núi Appalachian sau này được chia thành các lãnh địa (territories).
Sau cuộc Chiến Tranh Cách Mạng, Hoa Kỳ còn là một liên bang lỏng lẻo (a loose confederation of states) nhưng vào năm 1787, các nhà lãnh đạo Hợp Chủng Quốc đã tụ họp với nhau để viết ra Bản Hiến Pháp (the Constitution of the United States). Các tác giả của Bản Hiến Pháp gồm vài nhân vật danh tiếng và quan trọng của Lịch Sử Hoa Kỳ, đó là các ông George Washington, Thomas Jefferson và James Madison của Virginia, Alexander Hamilton của New York và Benjamin Franklin của Pennsylvania…
Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ chưa bảo đảm rõ ràng các quyền lợi cá nhân, vì thế 10 Tu Chính Án (amendments) được gọi là các Đạo Luật Nhân Quyền (the Bill of Rights), được thêm vào Bản Hiến Pháp và các Đạo Luật Nhân Quyền trở thành luật từ ngày 15/12/1791, bảo đảm các tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và quyền được xét xử trước bồi thẩm đoàn. Chính quyền Hoa Kỳ chính thức hoạt động vào năm 1789 với Thủ Đô tạm thời đặt tại thành phố New York, rồi di chuyển về thành phố Philadelphia vào năm 1790 và cuối cùng về Washington D. C. vào năm 1800.
Phạm Văn Tuấn
(Đặc San Lâm Viên)