Vào buổi tối cuối hạ ngày 6 tháng 9 năm 2023, tại Robert Moore Theater – Orange Coast College, Costa Mesa city, California, Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ (Vietnamese American Philharmonic) đã tổ chức một buổi trình diễn âm nhạc rất tầm cỡ, mừng đại thọ 90 tuổi cho nhạc sĩ LÊ VĂN KHOA. Đặc biệt, buổi hòa nhạc cho sự kiện này cũng nhằm vinh danh người nhạc sĩ tài ba mang dòng máu Việt, hàm chứa một biểu tượng sáng ngời của Lê Văn Khoa: “A Lifetime of Music ( Một Đời Cho Âm Nhạc) Để mừng ngày sinh nhật cho một người được mệnh danh “ A Lifetime of Music”, một món quà đầy ý nghĩa trao tặng ông không gì khác hơn ngoài ÂM NHẠC. Đó chính là món ăn tinh thần không thể thiếu suốt một đời của người nhạc sĩ đam mê âm nhạc Lê Văn Khoa.
GS Trần Huy Bích, GS NS Lê Văn Khoa, Mạnh Bổng, Kiều My, Khánh Lan
Qua 90 năm tuổi đời của Lê Văn Khoa, là thời gian dài ông làm việc không ngừng, hầu cống hiến cho đời những nét “đẹp” qua âm thanh huyền hoặc của âm nhạc, hay những nét “đẹp” của đường nét, màu sắc… qua nghệ thuật nhiếp ảnh mà ông đã thực hiện. Ông là một nghệ sĩ ôm ấp nhiều hoài bão cao xa và ông đeo đuổi đến khi đạt mục đích. Ông yêu nghệ thuật tới đỉnh điểm và hầu như trái tim, khối óc… tất cả ông đều dành cho nghệ thuật. Ông là một nhạc sĩ hy sinh và tận hiến cuộc đời cho âm nhạc. Lê Văn Khoa là người mang nặng “HỒN VIỆT và ƯỚC MƠ”! Ông luôn mơ ước đưa âm nhạc Việt Nam vào dòng nhạc thế giới, cho mọi người trên hành tinh này biết đến văn hóa Việt, nhạc Việt và dân Việt…đầy nhân bản. Chính vì nung nấu mơ ước đó, mà ông đã sáng tác những ca khúc và những tác phẩm âm nhạc không lời, trong đó có nhạc giao hưởng “Vietnam 1975 Symphony”. Việc làm của ông đã mang đến niềm hãnh diện, là ngày nay những tác phẩm nhạc Việt đồ sộ , lẫy lừng do ông sáng tác, được trình diễn nhiều nơi trên thế giới và được giảng dạy trong nhiều trường học ở Hoa Kỳ và Ukraine.
Biệt tài của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, là mang âm nhạc Việt Nam hòa hợp vào nhạc cổ điển Tây phương vốn phức tạp; do đó, đòi hỏi trình độ cao mới có thể thưởng thức được loại nhạc này. Ấy thế mà khúc giao hưởng “Vietnam 1975 Symphony” đã được Lê Văn Khoa hoàn thành ở hải ngoại, là một tác phẩm lớn nổi tiếng về mặt này. Đặc sắc hơn nữa là: Vietnam 1975 Symphony được đánh giá như một sử ký Việt được viết bằng âm nhạc. Tác phẩm này được xem như một “di sản” giá trị của tác giả để lại cho hậu thế vậy. Ông là nhạc sĩ viết hòa âm xuất sắc cho nhiều nhạc phẩm được trình diễn nhiều năm qua; bên cạnh khả năng xuất sắc về nghệ thuật tạo hình mà ông đã sáng tác nhiều tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng…Trong đó, có tác phẩm nhiếp ảnh The Day Is Gone được trưng bày ở bảo tàng viện Baltimore, Maryland Hoa Kỳ ( Baltimore Museum Of Art)
Ngoài ra, nhạc của Lê Văn Khoa không chỉ để trình tấu, hợp xướng, đơn ca, hay độc tấu…mà còn là một hình thức đấu tranh, chống chế độ phi nhân, phi dân tộc ở Việt Nam qua những ca khúc như: Trường Ca Quê Hương Mến Yêu, Trên Biển Cả, Ca Ngợi Tự Do v.v…Ông là nhạc trưởng điều khiển các ban nhạc giao hưởng, trong đó có Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, mà ông là Chairman. Lê Văn Khoa là người am tường về âm nhạc tới mức thượng thừa, nhưng thật khiêm hạ và đơn sơ khi phát biểu:
“Âm nhạc là tấu khúc của vũ trụ, nhà soạn nhạc chỉ có khả năng nghe và ghi lại một vài điểm nhỏ của tấu khúc vĩ đại ấy để chia sẽ với đồng loại.”
GS NS Lê Văn Khoa
Bước vào đêm trình tấu nhạc giao hưởng của Ban Hiếu Nhạc Việt Mỹ với dàn nhạc sĩ rất quy mô, đã sẵn sàng trên sân khấu để chào đón khán giả. Đêm ấy là đêm thật tưng bừng, đánh dấu 90 năm tuổi đời của một vị nhạc sĩ Việt Nam lỗi lạc Lê Văn Khoa. Ban Hiếu Nhạc Việt Mỹ đã tập luyện công phu qua nhiều ngày tháng để trình diễn cho một đêm nhạc giao hưởng khó quên này. Sự hiện diện đông đảo quan khách trong hí viện, đã nói lên lòng tri ân và ngưỡng mộ người nhạc sĩ tài ba, đạo đức với tấm lòng yêu nước trung kiên Lê Văn Khoa.
Không khí trong hội trường thật tưng bừng và ấm áp tình người. Khán giả đang chờ đợi được thưởng thức dàn nhạc giao hưởng trình tấu những ca khúc được tuyển chọn từ kho tàng nhạc Việt; đặc biệt là những sáng tác của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, qua những giọng ca điêu luyện chuyên nghiệp. Dàn nhạc giao hưởng ( Vietnamese American Symphony Orchestra) dưới sự điều khiển ngoạn mục của nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng – Vice Chair, Executive của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ. Dàn nhạc rất hùng hậu, phối hợp những nhạc sĩ: piano, violin, viola, cello, flute, trumpet, Harp, String Bass, Clarinet v.v…Cùng những giọng ca thiên phú như: Teresa Mai, Ngọc Hà, Bích vân, Phạm Hà, Trịnh Hoàng Hải, Nguyễn Cao Nam Trân, Diệu Nga v.v…Đặc biệt, màn độc tấu dương cầm của thiên tài Nguyễn Vân Anh trong ca khúc Ta Tắm Ao Ta, Remembrance do Lê Văn Khoa soạn nhạc thật tuyệt vời, đã gây ngạc nhiên và thích thú cho người thưởng lãm.
Ca Sĩ Ngọc Hà, phu nhân của NS GS Lê Văn Khoa
Lắng nghe và thả hồn vào những ca khúc do nhạc sĩ Lê Văn Khoa sáng tác, được trình tấu bởi dàn nhạc giao hưởng trong đêm đó…đã nâng tâm hồn ta tới đỉnh điểm thật cao, cũng như chìm vào chiều sâu âm nhạc của một khả năng thiên phú Lê Văn Khoa – Tiếng nhạc như những lời ru dịu dàng của mẹ…là tình yêu dạt dào đối với nét đẹp của quê hương. Tiếng nhạc dìu dặt…lan tỏa vuốt ve… vỗ về…xoa dịu tâm hồn người. Bất chợt, tiếng nhạc như gào thét trong uất hận… cuồn cuộn tuôn tràn đớn đau…đưa ta chìm vào trong nỗi niềm nhung nhớ sâu xa. Cũng như nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng đã có những nhận xét rất sâu sắc về tài biên soạn nhạc của Lê nhạc sĩ:
Nguyễn Khánh Hồng, Conductor
“Về nhạc giao hưởng, tôi muốn đề cập đến tác phẩm Symphony Vietnam 1975 của ông. Khi dàn nhạc tấu lên những nốt nhạc đầu tiên, tôi thấy một bầu trời Việt Nam tươi sáng mở ra, làm tôi rúng động tâm can và tự hỏi: Việt Nam có người viết nhạc hay như thế này à? Tôi liên tưởng đến tác phẩm “Pictures At An Exhibition” của Modest Moussorgsky. Tôi thấy nó có một gần gũi nào đó. Ngay từ những âm thanh đầu, tôi thấy hình ảnh của quê hương ta. Lê Văn Khoa viết lại lịch sử Việt Nam, đến giai đoạn 1975 và cả 10 năm sau, hình ảnh của những người tranh sống trên biển cả, cho đến khi họ đến được bến bờ và ca ngợi tự do. Hành âm này rất đặc biệt. Nhạc dạo cho ban hợp ca không phải là lối dẫn nhạc thông thường, mà bằng khúc độc tấu cello mà ông Khoa viết cho một cello concerto. Khúc nhạc đầy xúc cảm và người nhạc sĩ độc tấu cello cảm thông được, nên dốc hết tài nghệ thượng thặng để trút ra hết nỗi uất hận trong lòng, mở đường cho ban hợp ca bùng vỡ như sấm động và kết thúc với niềm vui bay bỗng trong bầu trời tự do. Nghe nhạc mà tôi cảm thấy rợn người, bao nhiêu da gà đều nổi lên hết, vì nhạc vẽ lên hình ảnh rất gần với sự thật.”
Nguyễn Khánh Hồng, Conductor
Theo giáo sư Lyudmila Chichuk, một concert pianist xứ Ukraine, đã có cơ hội độc tấu dương cầm một cách say mê những tác phẩm của soạn nhạc gia Lê Văn Khoa, cô nói:
Lyudmila Chichuk, Pianist
“Tôi rất yêu thích nhạc của Lê Văn Khoa. Nhạc của ông thật trong sáng, đầy nhân bản, có nhiều chất lược để được khám phá. Tôi đưa ý nhạc lên trí và chuyển nó vào tim. Nó cho tôi cảm giác thư giãn. Tôi có trình diễn nhạc piano của ông ở nhiều quốc gia Âu Châu. Khán giả rất yêu quý nhạc của Lê Văn Khoa. Họ thường hỏi tôi về nhạc của ông sau mỗi buổi trình diễn, nhưng tôi không có nhạc để chia sẻ với họ. Tôi hy vọng nhạc của ông sẽ được trình diễn khắp thế giới.”
Lyudmila Chichuk, Pianist
Lê Văn Khoa, người có tâm hồn yêu quê hương đất nước chân thành đáng cho chúng ta khâm phục. Dù sống xa quê hương, nhưng với tâm hồn Việt, màu cờ vàng ba sọc đỏ và quốc thiều Việt Nam Cộng Hòa luôn là niềm tự hào của ông. Lê Văn Khoa đã hòa âm, phối khí bản quốc ca Việt Nam Cộng Hòa cho ban nhạc phủ tổng thống Ukraine trình tấu rất xuất sắc vào năm 2010. Vì lòng trung thành với lý tưởng “tự do”, và là một nghệ sĩ chân chính, Lê Văn Khoa đã khước từ những bỗng lộc, cũng như từ chối hợp tác với bạo quyền Cộng sản Việt Nam.
Càng về đêm, ban nhạc giao hưởng đã tấu lên những cung nhạc tuyệt vời qua những tác phẩm của soạn nhạc gia Lê Văn Khoa. Khán giả đã chìm lắng trong âm thanh tha thiết tựa những giọt lệ chực chờ dâng tràn khóe mắt… Có lúc tâm hồn nhẹ nhàng chìm sâu trong tiếng nhạc chiều đắm say… Rồi hồn người lặng theo niềm lưu luyến cõi đời không muốn rời xa… Tiếng dương cầm réo rắc đưa ta vào cảnh thiên nhiên của đời sống thanh bình thuở nào…Một nét nhạc sang trọng, trau chuốt trổi lên, gọi cả nỗi nhớ nhung từ dĩ vãng kéo về làm ngây ngất lòng người. Bỗng âm thanh hân hoan dồn dập trổi lên thật lộng lẫy…như nghìn cánh chim tung bay vụt thoát lên trời cao xa tít…như để “Ca Ngợi Tự Do.” Bao cảm xúc dào dạt tuôn tràn… đã đưa ta vào thế giới âm nhạc giao hưởng huyền hoặc của lê Văn Khoa.
Đối với nền âm nhạc thế giới, Áo quốc có nhạc sĩ nổi danh Johann Strauss trong ca khúc luân vũ tuyệt vời Le Beau Danuble Bleu tức Dòng Sông Xanh. Đức quốc có nhạc sĩ trứ danh Ludwig Van Beethoven, mà ca khúc Fur Alise là một trong những bản nhạc nổi tiếng của ông. Nước Poland, có nhạc sĩ tài ba Frederic Chopin mà bản nhạc Tristesse là một trong những bản nhạc nổi tiếng thế giới. Việt Nam cũng hãnh diện với thế giới có nhạc sĩ lừng danh Lê Văn Khoa qua tác phẩm nhạc giao hưởng Vietnam 1975 Symphony, đã được trình diễn nhiều nơi trên thế giới.
Nhân dịp này, nhạc sĩ Lê Văn Khoa cũng đã trình làng một ấn bản đặc biệt LÊ VĂN KHOA: HỒN VIỆT và ƯỚC MƠ cùng độc giả. Một tác phẩm rất có giá trị và được in ấn thật công phu, đẹp mắt, dày 322 trang. Chứng tỏ rằng: Lê Văn Khoa là người đa tài, ông chẳng những là một nhạc sĩ lừng danh, mà còn là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, một nhà văn đặc sắc và nhà giáo đạo đức…Lãnh vực nào ông cũng đạt đến mức xuất sắc và hoàn hảo.
Qua thành quả 90 năm âm nhạc của Lê Văn Khoa, cho ta một nhận xét: ông chính là viên ngọc quý của nền âm nhạc Việt Nam mà mọi người đều ngưỡng mộ và kính phục. Ông cũng là niềm tự hào cho dân Việt đối với thế giới, vì nước Việt đã đào tạo được một thiên tài âm nhạc Lê Văn Khoa. Ông đã mang nhạc Việt sánh vai cùng dòng nhạc thế giới và sẽ lan tỏa đi khắp nơi trên hành tinh này. Cầu chúc ông còn được nhiều sức khỏe, để tiếp tục cuộc hành trình đầy “ước mơ” của một “hồn Việt” mà ông luôn ấp ủ trong lòng.
Kiều My, California, October 2023