Lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu, Josep Borrell, phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp của các ngoại trưởng Liên Âu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 22/03/2021. REUTERS – POOL
Báo chí Pháp ra ngày hôm nay 23/03/2021 tiếp tục đặt trọng tâm vào khó khăn mà các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp, đang gặp phải trong việc ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 thứ ba.
Bên cạnh đó, thách thức quan trong đầu tiên mà chính quyền Biden đang phải đối phó liên quan đến vấn đề nhập cư cũng được nhiều tờ báo chú ý. Về châu Á, đề tài nóng bỏng nhất được báo chí Pháp đề cập đến là trừng phạt của phương Tây nhắm vào Trung Quốc về hồ sơ Tân Cương.
Dù không chạy thành tựa chính, nhưng Le Figaro đã nêu bật sự kiện liên quan đến Trung Quốc trong một hàng tựa nhỏ ngay trên trang nhất: “Duy Ngô Nhĩ: Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt Trung Quốc”.
Trong bài phân tích dài ở trang Quốc Tế bên trong, tờ báo cánh hữu Pháp nhận định rằng cùng với các đồng minh như Anh Quốc, Hoa Kỳ và Canada, Liên Hiệp Châu Âu đã trừng phạt Trung Quốc bất chấp phản ứng phẫn nộ của Bắc Kinh.
Le Figaro nhắc lại rằng ở cuộc họp tại Bruxelles vào hôm qua 22/03, ngoại trưởng các thành viên Liên Hiệp Châu Âu lần này đã quyết định biến lời nói thành hành động, nhắm vào chiến dịch đàn áp mà người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là nạn nhân. Tờ báo Pháp nhắc lại là các biện pháp trừng phạt cuối cùng mà Liên Âu áp đặt đối với Bắc Kinh là lệnh cấm vận vũ khí ban hành sau sự kiện Thiên An Môn, tức là hơn 30 năm trước đây
Theo Le Figaro, quyết định trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Tân Cương mang tính chất “đột phá”, dựa trên một khuôn khổ mới được Liên Âu thông qua vào cuối năm 2020 để lên án các hành vi vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới, nhưng lại lấy cảm hứng từ đạo luật Magnitsky của Mỹ. Khối 27 nước châu Âu lần đầu tiên sử dụng khuôn khổ này vào đầu tháng 3, trừng phạt các quan chức cấp cao của Nga liên quan đến vụ bắt giữ và bỏ tù nhà đối lập Alexei Navalny.
Các nhà ngoại giao Liên Âu có dấu hiệu quyết tâm thúc đẩy mô hình trừng phạt mới cho phép họ phản ứng nhanh hơn nhiều so với trước đây đối với các hành vi vi phạm nhân quyền ở nước thứ ba. Như bộ trưởng Ngoại Giao Pháp, Jean-Yves Le Drian, nhắc lại, việc bảo vệ nhân quyền là “một trong những giá trị nền tảng của Liên Âu”.
Đối với Le Figaro, việc bà Michelle Bachelet, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, tham gia cuộc họp hôm qua của các ngoại trưởng Liên Âu cũng đã góp phần thúc đẩy Bruxelles kiên quyết hơn với Trung Quốc, nhất là khi vài giờ sau khi Liên Hiệp Châu Âu công bố các lệnh trừng phạt đối với Bắc Kinh, Washington, Luân Đôn và Ottawa lần lượt công bố các biện pháp của ho đối với các nhân vật và thực thể Trung Quốc, giống như một hành động phối hợp.
Câu hỏi mà tờ báo Pháp đặt ra là có nên xem những biện pháp trừng phạt chưa từng có này là một bước ngoặt hay một sự nguội lạnh “đơn giản” trong quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Âu chỉ 3 tháng sau khi đạt được thỏa thuận về đầu tư, mà việc hoàn tất có vẻ rất mong manh?
Dù sao đi nữa, thì Bắc Kinh đã phản ứng ngay lập tức, tố cáo Liên Hiệp Châu Âu tin vào những điều “dối trá” và thông tin “sai lệch”, để “bóp méo sự thật”. Trung Quốc cũng thông báo việc đưa vào danh sách đen mười người châu Âu và bốn thực thể của Liên Âu. Trong số các nhân vật bị nhắm, có các nhà nghiên cứu, chính trị gia và nghị sĩ Châu Âu, trong đó có nghị sĩ người Pháp Raphaël Glucksmann.
Quyết định trả đũa của Bắc Kinh, theo Le Figaro, đã được châu Âu đón nhận một cách bình tĩnh. Lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu khẳng định: “Trung Quốc không hề giải tỏa bất kỳ mối quan ngại nào của Liên Âu và tự che mặt mình”. Theo ông, Liên Âu không có ý định lùi bước.