Bài nói chuyện nhân Lễ giỗ lần thứ 33 Cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy từ Nam California (July 23th.2023)
Kính thưa quý vị, hôm nay tôi được hân hạnh kể về những kỷ niệm tranh đấu nằm gai nếm mật của GS Nguyễn Ngọc Huy. Phần trình bày của tôi gồm có hai phần: phần đầu là những kỷ niệm nằm gai nếm mật, và phần sau là những chuyện vui mà GS Huy kể cho anh em nghe trong những buổi tối, sau những ngày làm việc vất vả để vui cười.
Tôi còn nhớ chiều ngày 28/4/1975 tôi có mặt ở nhà GS Huy cùng với một số đồng chí Tân Đại Việt mà trong đó có anh Nguyễn Đình Huy tức Việt Huy.
Bên hông nhà GS Huy là phòng sinh hoạt hội họp, tôi thấy các tài liệu đang được đốt cháy còn lên khói.
Trong khi trò chuyện thì thấy trên bầu trời những chiếc máy bay A-37 đang ném bom phi trường Tân Sơn Nhất. GS Huy cùng anh em ra đứng trước cửa nhìn các máy bay bay rất chậm, nhưng phòng không ở dưới đất bắn lên không trúng. Tôi thấy vậy nói “Sao mà bắn dở quá vậy!” GS nói “Muốn bắn trúng đâu phải dễ chú, chú cứ tưởng tượng con mũi ở trong mùng, mình lấy hai tay đập mà nó còn hụt huống chi máy bay đang bay ở trên trời.”
Qua hôm sau 29/4 GS Huy được anh đồng chí đại tá Vũ Hoài Nam, sắp xếp với Mỹ để đưa GS ra ngoại quốc.
Cá nhân tôi đi vào sáng 30/4 ở Tân Quy Đông, theo thuyền đi ra Cần Giờ và nơi đây lính dù đổ lên rồi kéo nhau ra Đệ Thất Hạm Đội đang đậu ngoài khơi.
Từ ngoài khơi VN, tôi đi tàu hàng qua Subic Bay và từ Subic Bay đi máy bay qua Guam. GS Huy đi qua đảo Wake. Khi đến trại tỵ nạn Fort Chaffee ở Arkansas tôi gặp các con của GS là Thuý Tần và Khánh Thuỵ đi chung gia đình của anh Nguyễn Thành Luông, một đồng chí và là một nhà kinh tài cho đảng Tân Đại Việt.
Rời Fort Chaffee tôi đến học ở Durant, Oklahoma gần Dallas. Mùa đông năm 1975 tôi đi Greyhound bus đến Pontiac, Michigan gặp anh Nguyễn Huy Hân, nguyên Tổng Giám Đốc Thuế Vụ, anh giúp tôi phương tiện để thực hiện chuyến đi này đến tận Boston. Tôi ở Pontiac với anh Hân vài ngày rồi đi Boston để gặp GS Huy.
Lúc đó GS Huy ở trong một căn hầm basement nhỏ, cũ và đơn sơ cùng với cụ Hồng Liên Lê Xuân Giáo từ California qua ở tạm vài tháng giúp GS về những từ ngữ triều đình trong Bộ Luật Hồng Đức.
Căn hầm giống như một nhà kho, và đồ đạt chỉ là giường ngủ, bếp, bàn ăn và kệ sách. Hình của gia đình GS được nhét theo kẻ của các cuốn sách.
Tôi không biết nấu ăn, còn cụ Giáo thì già, do đó GS Huy nấu và tôi rửa chén. GS dẫn tôi đi bộ ra chợ gần đó để mua thức ăn. GS xách một cái giỏ nhỏ của chợ trên tay và lựa những cổ gà, cánh gà để mua, tôi vô tư hỏi “mấy cái này xương không làm sao ăn Thầy?” GS trả lời “mua mấy thứ này cho nó rẻ chú!”
GS Huy hỏi tôi “học ngành gì?” Tôi nói “học chính trị học”. GS hỏi “sao chú không học kỹ sư cho dễ kiếm việc làm?” Tôi nói “em đâu có định ở đây đâu Thầy, em định về nước”. GS Huy nói “Í! đâu phải chuyện dễ chú! Khi tôi lưu vong thì chế độ Việt Nam Cộng Hoà vẫn còn, tôi chỉ chống độc tài, thế mà đã phải mất 9 năm. Bây giờ căn nhà đã sập, muốn xây dựng lại thì đâu có nhanh được chú!” Quả nhiên, từ 1975 đến nay đã là 48 năm và căn nhà dân chủ vẫn chưa xây lại được!
GS Huy dẫn tôi đi vào đại học Harvard xem nơi làm việc của các vị giáo sư trong việc dịch bộ luật Hồng Đức qua tiếng Anh. Nơi đây tôi gặp GS Trần Văn Liêm, thầy dạy trường Luật của tôi và là thẩm phán Tối Cao Pháp Viện và GS Tạ Văn Tài.
Mùa hè năm 1976 GS Huy cùng với người con trai út là Khánh Thuỵ mua vé máy bay đến phi trường Dallas, anh em sinh viên chúng tôi đón GS đưa về trường, ờ trong ký túc xá đại học cùng với chúng tôi.
Ở ký túc xá vài ngày, GS cùng chúng tôi đi câu cá ở bờ hồ Texoma. Chúng tôi lo xe để đưa GS đi Dallas, Houston và New Orleans gom góp anh em Tân Đại Việt. Sau 1975 Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, tổ chức quần chúng của đảng tan rã, nhưng cán bộ Tân Đại Việt vẫn còn.
Qua New Orleans chúng tôi ở nhà anh đại tá không quân Võ Văn Ân, một đồng chí của đảng Tân Đại Việt. Anh Ân lúc đó sửa máy tàu cho ngư dân Việt Nam. Khi đi làm về, anh mua cả một thùng tôm tươi từ ngư dân để đãi chúng tôi. Anh Ân qua đời ở Houston năm 2020.
GS Huy sống cuộc đời thật là bình dị, đơn giản, không màng tới vật chất, vẫn những quần áo cũ, không mua sắm nên cũng không biết vật giá thị trường. Sự quan tâm lớn nhất của GS là tình hình thời cuộc, mỗi buổi sáng GS cần một tờ báo mới hơn là một buổi điểm tâm.
Khi computer mới xuất hiện vào giữa thập niên 1980s, GS hội nhập ngay và nhờ tôi, lúc đó đang bán computer, cài đặt cách đánh tiếng Việt.
GS luôn đi đây đi đó để quy tụ và tổ chức anh em cho cuộc tranh đấu. Cuộc đời phiêu bạt, ở nhà các đồng chí, có gì ăn nấy, chổ nào ngủ cũng được. Tôi còn nhớ khi GS qua Long Beach ở với tôi, buổi sáng một nhóm sinh viên đến gặp để nghe GS nói về hiện tình đất nước, buổi trưa một nhóm khác đến, rồi buổi chiều lại một nhóm khác nữa đến và GS cứ tiếp tục nói như vậy. Có lẽ vì nghề dạy học cũng như luôn đi du thuyết mà cuối đời GS bị ung thư lưỡi. Với ý chí mãnh liệt, tử thần cũng phải kính cẩn đứng chờ đến gần 10 năm mới đưa GS đi, bác sĩ riêng của GS cũng phải thốt lên đó là phép mầu vì những trường hợp như vậy thường chỉ kéo dài được chừng 3 năm.
Ngoài bộ óc cực kỳ thông thái thì trên nguời GS không có gì quý giá, chỉ bộ đồ cũ và cái cặp xách tay đựng tài liệu. Khi qua California trong thời kỳ cuối thập niên 1970s tôi chở GS đi Bakersfield họp kín với các tướng Chung Tấn Cang và Lê Quang Lưỡng bàn chuyện kháng chiến ở Đông Nam Á. GS không ngần ngại để tôi ngồi chung trong buổi họp mặc dù lúc đó tôi mới ngoài 20 tuổi không biết gì về quân sự. Sau đó tướng Lưỡng, đại tá Cổ Tấn Tinh Châu và các đồng chí khác của Tân Đại Việt lên đường qua Thái Lan, nhưng công cuộc kháng chiến không thành vì phe cộng sản được TQ hỗ trợ dồi dào về tài chánh và phương tiện qua ông Hoàng Văn Hoan, Trương Như Tảng cũng đang xây dựng lực lượng tại đó để chống phe CS thân Liên Sô. GS Huy quyết định hủy bỏ kế hoạch này, anh em trở về Mỹ tìm đường lối tranh đấu khác.
Hiền thê của GS Huy qua đời ở Việt Nam trước 1975 và GS vẫn ở vậy, mặc dù có nhiều người muốn tiến tới. Tôi là chứng nhân vì có lần GS nhờ tôi chở ông đến thành phố Diamond Bar để gặp một vị nữ lưu. Vị này đã nhiều lần liên lạc và muốn gặp GS. Khi đến nơi tôi ra ngồi ngoài mái hiên để cho hai người có không gian riêng tư trò chuyện. Trên đường về GS nói với tôi rằng “người ta có lòng muốn gặp mình và yêu cầu nhiều lần nên tôi không thể từ chối, nhưng chỉ gặp như vậy mà thôi.”
Khi tôi đến Albany ở New York ngủ qua đêm nhà Thuý Tần, Thuý Tần để tôi ngủ trong phòng mà GS thường ngủ, trong phòng có hai hủ tro cốt của GS và vợ trên bàn ở cạnh giường. Nằm ngủ trong phòng, dưới anh đèn mờ, nhìn hai hủ tro cốt, nghĩ đến GS và cuộc đời dấn thân vì dân vì nước của ông, hy sinh hạnh phúc bản thân, gia đình, lòng tôi cảm thấy thật xót xa khi mà sự hy sinh cao cả ấy vẫn chưa đưa đến một tương lai xán lạn cho dân tộc Việt Nam!
GS Huy không nhận sự giúp đỡ tài chánh của anh em hay dùng tiền của đoàn thể, con trai lớn của GS ở Pháp giúp GS trong việc đi đây đi đó. GS sống khổ hạnh hơn cả nguời đi tu, không bao giờ biết những nơi chốn vui chơi, thế mà CSVN đăng báo tuyên truyền rằng GS đi nhảy đầm ăn chơi ở Mỹ.
Cuối tháng 11/1983, trong khi đang đi công tác ở Houston, GS được tin anh Nguyễn Văn Hoàng, môn sinh Quốc Gia Hành Chánh và là đồng chí, đã bị cộng sản xử tử hình ở quân trường Thủ Đức.
Đau lòng trước tin buồn này, GS Huy có làm bài thơ Điếu Một Môn Sinh mà tôi xin trích ra đây vài đoạn:
Năm trước cùng chung một mái trường
Trong chương trình phục vụ quê hương
Thầy trao trò nhận truyền tri thức
Giúp nước trong thời đại nhiễu nhương
Đến lúc non sông cát bụi lầm
Thầy đi nơi hải ngoại xa xăm
Trò bên trong nước đầy tang tóc
Nhưng vẫn cùng chung một quyết tâm
…..
Nhưng giữa phong ba nổi bất ngờ
Trên đường tranh đấu rủi sa cơ
Trò đà ngã gục ngày hôm ấy
Và chết hiên ngang dưới bóng cờ
Nghe tin trò đã phải hy sinh
Xao xuyến trong tâm mối nghĩa tình
Thầy thấp nén hương thờ liệt sĩ
Cho nhà ái quốc cựu môn sinh
GS Huy là một nhà chính trị tài ba, có cái nhìn vĩ mô và thấu triệt, như trong truyện kiếm hiệp Kim Dung ông chỉ ra Tây Độc Âu Dương Phong tượng trưng cho Âu Châu, Đông Tà Hoàng Dược Sư tượng trưng cho Nhật Bản, Dương Quá với dấu hiệu con ó tượng trưng cho Hoa Kỳ, Hồng Thất Công bang chủ Cái Bang tượng trưng cho Liên Xô, Lão Ngoan Đồng tượng trưng cho Trung Quốc cuối đời nhà Thanh, Nam Đế tượng trưng cho Ấn Độ v.v..
Hay trong truyện Tây Du Ký, ông chỉ ra rằng 5 nhân vật đi thỉnh kinh tượng trưng cho các đặc tính của một con nguời, như Tam Tạng tượng trưng cho con tim, Tề Thiên tượng trưng cho khối óc, Trư Bát Giới tượng trưng cho xác thịt dục vọng, Satan tượng trưng cho đức tính nhẫn nại và Bạch mã tự trưng cho đức tính trung thành.
Ông cũng chỉ ra rằng tham nhũng và hối lộ là căn bệnh của bất cứ xã hội nào, vấn đề là nó có được quản lý và kiềm chế tốt hay không, qua luật pháp và các định chế tổ chức xã hội. Ông ví von rằng nơi Tây Phương Phật cũng có hối lộ tham nhũng, điển hình là thầy trò Đường Tăng khi đến được Tây Phương Phật thỉnh kinh, trên đường về qua sông kinh bị rớt nên ước và phải mở ra phơi thì thấy kinh không có chữ, thầy trò hoảng hốt trở lại để xin thỉnh kinh có chữ, nhưng ông A Nan và Ca Diếp đòi Đường Tăng phải đổi cái bình bát vàng thì mới lấy được kinh.
Ở Mỹ cũng có hối lộ tham nhũng nhưng nó được kiểm soát và kiềm chế, còn ở Việt Nam, mới vừa qua họ xử đại án các chuyến bay giải cứu mà dân chúng có thơ rằng
Đống phân xử tội con dòi
Tại sao giải cứu mày đòi giá cao
hay như nhà báo Mạc Việt Hồng ví von
Phiên tòa giải cứu tạm dừng
Rút dây nhiều quá động rừng thì nguy
Một chuyện vui khác GS kể: có một vị quan rất thanh bạch đã về hưu sống cuộc đời nghèo nàn. Đến ngày sinh nhật 70, bà vợ làm một buổi tiệc thật là thịnh soạn. Ông ngạc nhiên bởi vì những sinh nhật trước không bao giờ được như vậy. Ông hỏi vợ là tiền đâu mà làm được buổi tiệc này. Bà vợ lo ngại nói rằng “em nói ra thì mình không được giận em nha”. Ông trả lời “ở tuổi này thì không còn gì phải chấp hay giận mình nữa”. Bà vợ mới nói “số là hồi xưa mình làm quan, sau khi xử xong một vụ án thì có người đến gặp em cảm ơn. Họ hỏi mình tuổi gì, em nói mình tuổi tý, họ về nhà làm một con chuột bằng vàng đem đến biếu em, em giữ nó cho đến nay mới đem đi bán lấy tiền làm sinh nhật cho mình.” Ông chồng nghe vậy ngồi trầm ngâm suy tư, bà vợ thấy vậy lo lắng hỏi “mình có giận em không mà sao buồn bả vậy?” Ông trả lời “sao hồi đó mình không nói tôi tuổi Sửu?”
Một chuyện vui khác nữa là có chàng trẻ muốn đi học nghề ăn trộm, đến gặp một vị đạo chích cao tay nghề. Ông này nhận anh ta làm để tử và bảo đêm đến đi với ông để học nghề. Khi trời tối, ông dẫn chàng trẻ tới một nhà nọ để thực tập. Khi đệ tử đang chôm đồ thì ông thầy hồ to lên “bớ người ta có ăn trộm”. Thế là cả xóm chạy ra đuổi bắt. Anh ta sợ quá chạy vắt giò lên cổ, nhưng vì có quá nhiều người đuổi nên anh thấy bụi tre gai bên đường và nhảy một cái lọt tuốt vào giữa bụi tre. Những người đi bắt trộm không tìm thấy và cũng không nghĩ rằng anh có thể chui được vào bụi tre gai nên bỏ cuộc. Sau đó anh không ra được. Khi ông thầy đi ngang qua bụi tre anh mừng quá kêu cứu. Ông thầy bèn hô to “bớ người ta thằng ăn trộm đang trốn trong bụi tre gai.” Dân làng nghe thế cầm đuốc chạy về hướng bụi tre, ông thầy nghe một tiếng “rột” phát ra từ bụi tre. Bẳng cách nào đó anh đệ tử đã thoát ra khỏi bụi tre gai. Khi về đến nhà, anh ăn trộm tức tối, trách thầy sao ác độc quá! Ông thầy trả lời rằng học nghề ăn trộm là phải qua thử thách như vậy.
Để kết thúc tôi xin chia sẻ một chuyện vui nữa mà GS Huy đã kể, đó là chuyện kỵ huý.
Có một anh sĩ tử đi thi, anh này thông minh nhưng tính ngang bướng, khi điểm danh vào trường, giám khảo đọc tên anh, nhưng do trùng tên với chánh chủ khảo nên thay vì đọc tên đúng là Nguyễn Văn Bình thì giám khảo đọc là Nguyễn Văn Binh. Anh tỉnh bơ không nhận là mình. Khi sĩ tử đã vào hết chỉ còn lại một mình anh, giám khảo hỏi “anh tên gì?” Anh để hai tay lên miệng làm loa phóng thanh rồi la lên thật to “tôi tên là Nguyễn Văn BÌNH”, cố ý nhấn mạnh chữ BÌNH.
Ông giám khảo nói anh ngang ngược, nên phải trả lời được câu đối của ông thì mới cho vô. Anh sĩ tử nhận lời. Ông giám khảo ra đề
Lạng Tương Như, Tư Mã Tương Như
Danh tương như, phận bất tương như
Có nghĩa là ông Lạng Tương Như là tướng quốc còn ông Tư Mã Tương Như là nguời đánh đàn. Tuy tên giống nhau nhưng thân phận thì khác nhau.
Anh sĩ tử đáp lại
Nguỵ Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ
Bỉ vô kỵ, ngã diệt vô kỵ
Có nghĩa là ông Nguỵ Vô Kỵ và ông Trưởng Tôn Vô Kỵ, cả hai đều là tướng quốc. Nếu ông không sợ tôi thì tôi đếch có sợ ông.
Đáng lý ra thì ông giám khảo phải cho anh vào, nhưng vì còn tức nên bắt anh phải đối thêm một lần nữa. Ông ra đề:
Sĩ tính cang, thiệt tính nhu
Thiệt nhu thường tồn, sĩ cang tắt chiết
Có nghĩa là cái răng thì cứng, cái lưỡi thì mềm. Lưỡi mềm hằng còn, nhưng răng cứng dễ gãy.
Anh sĩ tử trả lời
Mi sinh tiền, tu sinh hậu
Tiền mi bất cập, hậu tu trường
Có nghĩa là lông mày sinh ra trước, râu sinh ra sau. Lông mày sinh trước nhưng ngắn, râu sinh ra sau nhưng dài. Ý muốn nói tôi tuy trẻ hơn ông nhưng tôi giỏi hơn ông.
Thế là ông giám khảo phải cho anh sĩ tử này vào ứng thí.
Nhắc đến những điều trên để nhớ về GS Nguyễn Ngọc Huy. Dân gian thường cho rằng, nguời chết chỉ thực sự chết đi khi không còn ai nhắc gì đến họ nữa. Nhưng với GS Huy, ông qua đời đã 33 năm, những người thương yêu quý mến ông vẫn nhắc về ông. Cá nhân tôi và nhiều người cho rằng ông có một chỗ đứng vững chắc và đáng kính trong lịch sử Việt Nam, và ông vẫn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.
Xin chân thành cảm ơn quý vị.
Lê Minh Nguyên