KINH TẾ VIỆT NAM ĐI VỀ ĐÂU GIỮA SỨC ÉP CỦA MỸ VÀ TRUNG CỘNG (Lê Thành Nhân)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

Một hãng may gia công tại thành phố Sài Gòn, Việt Nam

Vào ngày 2/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban hành thuế quan khắp thế giới cho là “ngày tự do thuế quan”, ông Trump đã công bố mức thuế quan đối ứng 46% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Sau 90 ngày tạm dừng, Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác đã phải tất bật tìm đường đàm phán với Hoa Kỳ thông qua ngoại giao và nhượng bộ về thương mại!

Việt Nam đã có một lần thay đổi vận mệnh kinh tế đất nước trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump vào năm 2018 khi thương chiến Mỹ-Trung bắt đầu, lúc đó Việt Nam được hưởng lợi TỪ các doanh thương của Trung Cộng tìm cách đa dạng hóa các địa điểm sản xuất của họ đi nơi khác, trong đó Việt Nam là điểm đến ưu tiên để lách thuế. Đó là chuyện của năm 2108, cách đây 7 năm. 
Giờ đây, năm 2025 nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu sang Hoa Kỳ, cùng với những mặt hàng sản xuất gắn chặt với chuỗi cung ứng đầu vào của Trung Cộng. Việt Nam phải đối diện với nguy cơ trước sự áp thuế quan đối ứng 46% của Hoa Kỳ, như muốn Việt Nam phải có lập trương dứt khoát.

Vì vậy, Việt Nam đang tìm cách giảm thiểu tình trạng nguy hiểm và đa dạng hóa thương mại. Việt Nam nhìn điểm đến là Canada để có thể bán hàng qua Mỹ. Nhưng chúng ta đã biết giao thương giữa Canada-Mỹ lúc này rất bấp bênh thì làm sao có thể dùng làm đất hứa?! Với tình trạng Canada như hiện nay có đáng tin cậy cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai không?

Mức độ giao thương của Việt Nam với Hoa Kỳ so với Trung Cộng là bao nhiêu?

Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc hơn 30% GDP vào xuất khẩu sang Hoa Kỳ, với số tiền quá lớn. Năm 2024, Việt Nam có thặng dư thương mại 121.6 tỷ USD với Mỹ, đó là khoản thâm hụt lớn thứ ba đối với Mỹ sau Trung Cộng và Mexico, con số đó chứng tỏ Hoa Kỳ là thị trường lớn rất quan trọng đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Thị trường thuận lợi số một để Việt Nam bán hàng điện tử, hàng may mặc và giày dép. Ngược lại, Việt Nam lại bị thâm hụt thương mại đáng kể với Trung Cộng (mua từ Trung Cộng nhiều hơn bán). Nhập hàng hóa tiêu dùng từ Trung Cộng gần 143.6 tỉ USD trong khi xuất khẩu sang Trung Cộng 60.84 tỉ USD. Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào Trung Cộng về các nguyên liệu đầu vào cần thiết dùng để sản xuất gồm nguyên liệu thô, máy móc, đồ điện tử và hóa chất dùng để sản xuất hàng hoá của mình. Việt Nam vẫn là nước có nền thương mại hàng đầu của Trung Cộng, lớn thứ tư trên toàn cầu, phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi cung ứng đầu vào từ Trung Cộng.
Về cơ bản, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào Trung Cộng: nguyên liệu dùng để sản xuất, trong khi Hoa Kỳ là không thể thay thế Trung Cộng ở lãnh vực này vì gía thành quá đắt. Nhìn vấn đề kinh tế như vậy, khiến Việt Nam đặc biệt rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã giữa hai cường quốc kinh tế đang đấu với nhau.

Khi Việt Nam gặp căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ vào đầu tháng 4/2025 thì giao thương giữa Việt-Trung vẫn tiếp tục gia tăng. Càng gia tăng thì Việt Nam càng vướng mắc vào sự cạnh tranh của Mỹ-Trung. Chẳng khác gì buộc Việt Nam phải khẳng định sự liên hệ địa chính trị của mình trong thế “tiến thối lưỡng nan”.

Việt Nam phản ứng như thế nào trước áp lực thuế đối ứng của Hoa Kỳ?

Việt Nam đã chủ động thực hiện một loạt các biện pháp để giảm bớt căng thẳng và giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại với Hoa Kỳ mong mở rối được một đầu. Hình như nhà nước Cộng Sản Việt Nam có linh tính đang gặp hoạ thuế quan của Hoa Kỳ từ trước nên vào tháng 3/2025, trước khi Tổng Thống Trump công bố mức thuế quan đối ứng 2/4 cho là “Ngày tự do”, Việt Nam đã công bố giảm thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của Hoa Kỳ gồm khí đốt tự nhiên hóa lỏng, xe hơi và những mặt hàng nông sản. Cũng trong tháng 3/2025, Việt Nam đã chấp thuận cho internet vệ tinh Starlink của Elon Musk và cấp giấy phép cho SpaceX hoạt động tại Việt Nam đến năm 2030.

Sau khi TT trump quyết định tăng thuế quan đối ứng lên 46% đối với hàng hóa Việt Nam vào ngày 2/4, Việt Nam đã cố gắng xoa dịu thông qua các nhượng bộ thương mại và cả ngoại giao. Để giảm cơn thịnh nộ của Washington về việc các sản phẩm của Trung Cộng được chuyển qua Việt Nam để bán vào Hoa Kỳ trốn thuế, nhà nước Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã tuyên bố thực hiện các quy định kiểm soát nghiêm ngặt để xác minh nguồn gốc hàng hóa bán qua Hoa Kỳ là sản xuất tại Việt Nam chính hiệu con nai vàng.

Để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán thương mại, nhà nước CSVN khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng nhập khẩu các mặt hàng đầu vào có giá trị cao của Mỹ để sản xuất xem như một cố gắng thu hẹp sự thâm thụt thương mại.
Nhờ thế, sau vòng đàm phán đầu tiên vào ngày 7/05, bầu không khí có vẻ lạc quan, Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ Jamieson Greer cho rằng các cuộc đàm phán thương mại với Việt Nam đang diễn ra là “có kết quả”, tuyên bố rằng Việt Nam đang hợp tác để giảm thâm hụt thương mại và nới lỏng đối với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Mặc dù những nhượng bộ thương mại này có thể giúp xoa dịu Hoa Kỳ, nhưng chính những nhượng bộ đó làm tổn thương mối quan hệ của Việt Nam với Trung Cộng. Bất kỳ sự thỏa hiệp kinh tế nào đáng kể đối với Hoa Kỳ đều phải bị trả đũa của Trung Cộng. Điều đáng lo ngại nhất là Việt Nam đang lệ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng đầu vào với Trung Cộng, nếu Bắc Kinh phản ứng như tăng thuế đối với các sản phẩm đầu vào cần thiết hoặc ngưng bán nguyên liệu dùng để sản xuất cho Việt Nam, thì sẽ làm gián đoạn các ngành sản xuất tại Việt Nam.

Những điểm trên cho thấy Việt Nam đang đi trên một sợi giây dây rất căng giữa Mỹ-Trung, vừa muốn làm một trung tâm sản xuất thay thế chuỗi cung ứng hàng hoá cho Hoa Kỳ, vừa thận trọng tránh các hành động cho thấy sự liên kết kinh tế hoặc chính trị với Hoa Kỳ sẽ bị Trung Cộng giáng những đòn thù.

Cơ hội và rủi ro của quan hệ thương mại của Việt Nam với Trung Cộng:

Việt Nam đã có lợi ích kinh tế đáng kể trong việc quan hệ thương mại với Trung Cộng, bao gồm tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài gọi là FDI và cung cấp chuỗi cung ứng đầu vào cho khả năng sản xuất. Tính đến năm 2024, Trung Cộng vẫn là FDI thuộc hàng đầu của Việt Nam, nền ngoại thương 2 nước chiếm gần một phần ba GDP của Việt Nam. Quan hệ kinh tế giữa hai nước đã tăng lên không bình thường từ khi thương chiến Mỹ – Trung nổ ra năm 2018.

Từ năm 2018, nhiều nhà sản xuất của Trung Cộng, đã chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam theo chiến lược đa dạng hóa thương mại “Trung Cộng + 1”, đã gia tăng dòng chảy thương mại và đầu tư song phương Trung-Việt. Trung Cộng là nhà đầu tư FDI thuộc hàng đầu của Việt Nam, vào năm 2024, với khoảng $4,68 tỉ USD đầu tư FDI (Forgein Direct Investment) chiếm phần lớn FDI đầu tư vào Việt Nam. Giao dịch kinh tế ngày càng phát triển và chuỗi cung ứng đầu vào càng ngày càng sâu đậm hơn. Hiện Trung Cộng vẫn là nguồn cung cấp đầu vào cho ngành sản xuất chính của Việt Nam, gần một nửa nguyên liệu thô và thiết bị máy móc cho nền sản xuất Việt Nam đều mua từ Trung Cộng.
Mối quan hệ thương mại chặt chẽ của Việt Nam với Trung Cộng đã làm gia tăng sự giám sát chặt chẽ của Washington, vì họ lo ngại hàng hóa Trung Cộng bán qua Mỹ đang lách thuế bằng cách chuyển hướng qua Việt Nam làm nơi trung chuyển. Áp thuế 46% vào 02/04 là dấu hiệu đích danh phản ánh sự bất an của Hoa Kỳ. Cố vấn thương mại cao cấp của Trump, Giáo Sư Tiến Sĩ Peter Navarro cáo buộc rằng phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam đến Hoa Kỳ là hàng hóa từ Trung Cộng được dán nhãn “Made In Vietnam”.

Việt Nam nay đã nhìn ra những rủi ro liên quan đến việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Cộng, đặc biệt là khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang leo thang. Để ứng phó, Việt Nam đã tìm cách đa dạng hóa các quan hệ đối tác thương mại của mình. 
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia một số hiệp định thương mại toàn cầu, bao gồm Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu vực (RCEP), Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tính đến tháng 10/2024, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, một hiệp định khác hiện đang đàm phán như Hiệp Định Thương Mại Tự Do Canada-ASEAN. Mặc dù đã bôn ba như vậy, Việt Nam vẫn chưa tìm được nhà cung cấp đầu vào có thể thay thế cho Trung Cộng.
Do đó, muốn Việt Nam tách biệt hoàn toàn khỏi Trung Cộng là thiếu thực tế, ít nhất là trong thời gian ngắn trước mắt!

Những hậu quả đó là do tầm nhìn thiển cận của nhà nước CSVN, để tình trạng kinh tế theo kiểu chư hầu bị lún sâu vào quan thầy Trung Cộng, nay khó tìm lối thoát!

Các lựa chọn để Việt Nam có thể thay thế Hoa Kỳ và Trung Cộng

Ngoài thị trường tiêu thụ của Hoa Kỳ và Trung Cộng, hàng xuất khẩu Việt Nam hiện đang bán đến các quốc gia ASEAN, Liên Minh Châu Âu (EU), Nhật Bản và Nam Hàn. Năm 2024, Việt Nam đã mở rộng phạm vi tiếp cận sang các thị trường Châu Phi và Nam Mỹ như Argentina, Brazil và Nam Phi. Trong khi hầu hết các sức lực của nhà nước CSVN tập trung vào việc đàm phán với Hoa Kỳ thì Hà Nội đã kêu gọi các ngành công nghiệp sản xuất trong nước xem lại chuỗi cung ứng của họ và đi tìm các thị trường mới ở các nước khác để tiêu thụ. Bộ Công Thương Việt Nam công bố kế hoạch hỗ trợ cho sự thay đổi này bằng cách cung cấp các nơi tiêu thụ và hướng dẫn pháp lý ở các nơi thay thế.

Việc tăng cường xuất khẩu đến ASEAN có thể giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Đồng thời cũng giảm bớt sức mua nguyên liệu từ Trung Cộng. Từ tháng 1 đến 11/2024, Việt Nam đã xuất khẩu trị giá 33.6 tỉ USD sang ASEAN, đưa khối này trở thành nơi xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Bằng cách khai thác vào mạng lưới cung ứng khu vực của ASEAN, Việt Nam có thể lấy nguyên liệu thô và linh kiện đầu vào từ các thành viên khác trong khối ASEAN để giảm sự phụ thuộc vào Trung Cộng, một ví dụ điển hình là sự giao thương càng ngày càng phát triển giữa Việt Nam-Malaysia, một quốc gia mới nổi lên trong khu vực ASEAN về sản xuất chất bán dẫn, nơi Việt Nam đã nhập khẩu 4,03 tỉ USD chipset vào năm 2024. Những chipset này là mạch tích hợp quan trọng để cung cấp cho kỹ thuật công nghệ hiện đại từ thiết bị điện tử dân sự đến quốc phòng.

Tuy nhiên, hội nhập sâu hơn với ASEAN có những khó khăn của nó vì thị trường của khối ASEAN nhỏ, sức mua của ASEAN không thể so sánh được với Mỹ – Trung. Thêm nữa, nhiều nước ASEAN như Indonesia, Philippines và Thái Lan đều có các mặt hàng xuất khẩu tương tự như Việt Nam gồm đồ điện tử, máy móc và nông sản. Sự chồng chéo này làm cho cạnh tranh hàng xuất khẩu gia tăng trong khu vực, có thể gây khó khăn hàng xuất khẩu của Việt Nam trong khối ASEAN.

Việt Nam thắt chặt giao thương với Canada và Nam Hàn

Bất chấp những lời bình phẩm về ngoại giao và kinh tế của Việt Nam với Hoa Kỳ, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy chính quyền Trump sẽ giảm hoặc xóa bỏ thuế đối ứng 46%.

Cho nên Việt Nam đang dòm ngó thị trường mới là điều bắt buộc, ngoài Canada, Việt Nam tiếp tục tìm thị trường tư thay thế quan trọng trên toàn cầu. Theo chiến lược “Trung Cộng + 1” trước đây, các công ty Nam Hàn như Samsung và Hyundai đã chuyển một số cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Nam Hàn trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 và giao thương lớn thứ 4 đối với Việt Nam hiện nay. Vào tháng 4/2025, cả hai quốc gia Việt-Hàn đã cam kết tăng trưởng thương mại song phương lên 150.5 tỉ USD vào năm 2030, đồng thời mở rộng sự hợp tác sản xuất về năng lượng nguyên tử và LNG.

Việt Nam cũng đang tăng cường giao thương với Nhật Bản và Ấn Độ.

Vào tháng 4/2025, Việt Nam và Nhật Bản đã đồng thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ sạch và nghiên cứu chất bán dẫn, đồng thời cùng nhau khẳng định cam kết của họ đối với một trật tự thương mại tự do toàn cầu dựa trên các quy tắc quốc tế. Năm 2024, Việt Nam và Ấn Độ cam kết tăng thương mại song phương lên 15.12 tỉ USD.

Hoa Kỳ, ngày 17 tháng 5 năm 2025

Lê Thành Nhân

Bài viết  dựa trên những số liệu nghiên cứu của Erin Williams, Trưởng phòng chương trình nghiên cứu Asia Pacific Foundation của Canada.