KHƠI LẠI VẾT THƯƠNG (Bông lau)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tượng của Albert Pike trước khi bị hạ bệ.

Albert Pike bị kéo đổ xuống đất và bị đốt cháy đêm qua ở Washington DC.

Tượng của TT George Washington ở Portland bị trùm cờ Mỹ lên đầu đốt cháy rồi kéo ngã.

Tượng của TT George Washington người có công dành độc lập từ thuộc địa Anh nằm lăn lóc.

Đêm nay người biểu tình “Black Lives Matter” kéo đổ pho tượng của Tướng Albert Pike rồi tưới xăng đốt pho tượng đã đứng trên bệ đá hơn 100 năm qua. Đây là pho tượng của vị Tướng quân đội Liên Minh miền Nam duy nhứt ở thủ đô Washington. Cảnh sát chỉ đứng quan sát và không có phản ứng. Hình như họ được lịnh không can thiệp.
Có lẽ người biểu tình không biết nhiều về tiểu sử của Albert Pike. Hễ những ai có liên hệ tới quân đội Liên Minh Confederate là đạp đổ.
Albert Pike là nhà thơ và nhà văn nổi tiếng. Ông còn là nhà báo và sau trở thành luật sư. Sinh trưởng ở miền Bắc, thành phố Boston, Massachusetts nhưng ông bỏ đi giang hồ về miền viễn Tây Hoa Kỳ sống bằng nghề săn bắn và buôn bán. Nhờ lưu lạc ở miền Tây Nam Hoa Kỳ ông có liên hệ mật thiết với các bộ lạc da đỏ.
Trong cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ, Albert Pike chỉ huy một đơn vị kỵ binh lập được nhiều chiến công và được vinh thăng cấp bực đại úy.
Sau chiến tranh Albert Pike dọn về miền Nam ở thành phố New Orleans hành nghề luật sư binh vực quyền lợi cho các bộ lạc da đỏ chống lại chính quyền Liên Bang (Union).
Trước cuộc nội chiến năm 1861, Albert Pike quan niệm rằng nếu chính quyền Liên Bang không đối xử bình đẳng với miền Nam mà coi họ là công dân hạng nhì thì miền Nam sẽ đứng ngoài Liên Bang Hoa Kỳ.
Chiến tranh bùng nổ, Albert Pike được thăng chức thiếu tướng. Trong đạo quân của ông có những đơn vị kỵ binh da đỏ do ông huấn luyện.
Về sau Albert Pike bất đồng ý kiến với cấp chỉ huy và ông viết thơ lên cấp cao hơn tố cáo cấp chỉ huy của mình. Ngược lại Albert Pike bị vu khống biển thủ tiền của quân đội Liên Minh và để binh sỹ da đỏ của mình cắt da đầu tù binh Liên Bang.
Ông bỏ trốn. Về sau bị bắt và bị xử tội bất tuân thượng lịnh và tội phản quốc. Albert Pike xin từ chức và được trả tự do. Ông qua đời ở Washington năm 1891 thọ 81 tuổi.
Tiểu sử của Thiếu Tướng Albert Pike không thấy nói ông đối xử xấu với nô lệ da đen. Không những vậy ông có một quá trình binh vực quyền lợi cho người thiểu số da đỏ. Ông còn hứa hẹn nếu miền Nam chiến thắng người da đỏ sẽ có một quốc gia riêng biệt.
Những phần tử cực đoan của phong trào Black Lives Matter đã đạp đổ tượng của ông chỉ vì ông là Tướng của quân đội miền Nam. Họ không muốn biết ông đã bị quân đội này kết án phản quốc.
Những kẻ cực đoan ngu tối này còn trùm quốc kỳ Mỹ lên đầu tượng của Tổng Thống Hoa Kỳ đầu tiên là George Washington ở Portland – Oregon tẩm xăng đốt rồi kéo đổ tượng đài một vị anh hùng lập quốc. Chỉ vì ông từng là một đại điền chủ có nuôi nô lệ da đen trong nhà.
Sau cuộc nội chiến những người lãnh đạo Hoa Kỳ thời ấy đã biết xây dựng tinh thần đoàn kết hòa hợp hòa giải nên không đả phá các biểu tượng của quân đội miền Nam.
Giờ đây phong trào đập phá các biểu tượng của quân đội miền Nam nói riêng và lịch sử Hoa Kỳ nói chung đã xé rách lại vết thương nội chiến trong quá khứ.
Các lãnh đạo của đảng Dân Chủ vẫn im lìm không lên án các hành động quá khích cực đoan như vậy mà có người còn cổ súy nữa. Họ cho rằng phải đạp đổ quá khứ để xây dựng sự bình đẳng cho người da màu.
Họ đã sai lầm vì đạp đổ các tượng đài sẽ không mang lại sự bình đẳng. Sự bình đẳng phải được xây dựng bằng cung cách sống của mỗi công dân.
Sự tàn phá ấy chỉ đào thêm hố sâu chia rẽ vì những người Mỹ da trắng ở miền Nam sẽ cảm thấy bị xúc phạm và đe dọa. Rồi những người cực đoan da trắng sẽ phản công. Những hình tượng của danh nhân da đen, nhà thờ, trường học và chính người da đen sẽ trở thành mục tiêu của sự trả thù.
Những chính khách Mỹ ngây thơ hoặc cố tình thúc đẩy một cuộc cách mạng văn hóa xóa bỏ lịch sử quốc gia. Hãy đến Việt Nam học tập kinh nghiệm “hòa hợp hòa giải” của nhà nước Việt Cộng. Đến để biết các tượng đài nghĩa trang của quân đội miền Nam đã bị đập phá không được tôn trọng, và kết quả sau hơn 40 năm “thống nhứt” sự phân biệt kỳ thị Nam Bắc vẫn ngùn ngụt trong lòng người.
BÔNG LAU (June 20-2020)