KHI NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA (Ký Thiệt)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

khi-nguoi-cuu-chien-binh-tro-lai-chien-truong-xua

Một đôi vợ chồng người Mỹ – Ken và Pat – đã quyết định dùng toàn bộ số tiền họ dành dụm được trong cả đời mình để làm một điều tốt đẹp cho người dân Việt Nam. Kết quả là một thư viện khang trang trị giá hơn 50 ngàn USD mọc lên trên vùng đất Bồng Sơn còn nhiều khó khăn của tỉnh Bình Định. Với sự háo hức muốn nhìn thấy công trình của cả đời mình đi vào hoạt động, mang lại lợi ích cho trẻ em VN, hai vợ chồng vừa sang VN dự lễ khánh thành thư viện, để rồi hôm nay họ lên máy bay trở về Mỹ với hai chữ “very disappointed” và câu nhận xét “they have small minds”.

   Ken là một cựu chiến binh Mỹ trong cuộc chiến VN. Ông là lính trực thăng ở khu vực Bồng Sơn – Bình Định trong những năm 1969 – 1970. Hai năm chiến đấu ở đó đã để lại nhiều kỷ niệm giữa ông và mảnh đất này. Nay ông trở lại với tư cách một thành viên của “The Library of Vietnam Project” nhằm xây dựng một thư viện và trung tâm học tập cộng đồng (mà ông gọi là “library and learning center”) cho trẻ em và người dân Bồng Sơn, mà vợ chồng ông là nhà tài trợ chính. Kinh phí dự kiến ban đầu là 35.000 USD, nhưng sau đó đã được đẩy lên tới 58.000 USD, trong đó vợ chồng ông hứa tài trợ 48.000 USD, hơn cả khoản tiền hai người dành dụm được và dự định dùng cho công việc từ thiện. Bà Pat đã quyết định không mua xe hơi mới thay cho chiếc xe cũ của bà để dành tiền xây thư viện. Ngày khánh thành thư viện 9/12/2011 đã được xác định từ một năm trước, và vợ chồng ông luôn coi đó là một mốc thời gian rất có ý nghĩa với họ. Ông Ken nói với vợ rằng dịp này ông sẽ dẫn bà sang thăm VN và xem “chiếc xe hơi mới” của bà ở Bồng Sơn!

   Hai vợ chồng đến VN ngày 3/12 và đã tham gia chuyến khám bệnh từ thiện của Từ thiện Minh Tâm tại Bến Tre ngày 4/12 và họ thực sự thích thú khi tiếp xúc những con người VN hiền hòa, hiếu khách nơi đó, cũng như khâm phục tinh thần làm việc vì cộng đồng của các thành viên Từ thiện Minh Tâm. Sau đó họ bay ra Bồng Sơn dự lễ khánh thành thư viện. Chiều 14/12, mình đã mời họ một buổi café như một lời chào tạm biệt trước khi họ về Mỹ ngày 15/12. Không ngờ, cuộc gặp mặt lần này lại là dịp để họ trút ra những nỗi bức xúc và thất vọng mà họ trải qua ở Bồng Sơn!

   Dưới đây là những điều Ken và Pat kể lại với mình. 
     – Đặt chân đến Bồng Sơn, họ vô cùng bất ngờ khi thấy tấm bảng “Trường tiểu học Bồng Sơn” nằm chễm chệ trên tòa nhà mà lẽ ra phải là thư viện. Ken và Pat muốn đặt tên cho thư viện này là “Bong Son – Lucky Star Library and Learning Center vì Lucky Star chính là đơn vị mà Ken phục vụ thời chiến tranh. Chính quyền địa phương đã tự ý đổi tên và đổi cả chức năng của tòa nhà mà không hề báo một lời với vợ chồng ông – những người đã bỏ tiền xây nên tòa nhà đó – chưa nói đến việc xin ý kiến của vợ chồng ông. Ken nói với mình“I paid for it, but they changed the name. I want my money back!”

     – Lãnh đạo phòng giáo dục Bồng Sơn, người mà ông đã làm việc trực tiếp trong quá trình xây thư viện, đã không có mặt trong buổi lễ khánh thành thư viện (đã được xác định từ 1 năm trước) với lý do … bận họp. Ken nói, ông không thể hiểu vì sao họ lại họp đúng vào thời điểm mà đã được chọn từ trước cho việc khánh thành thư viện???

     – Ken và Pat cảm thấy như họ là những vị khách không mời mà tới trong buổi lễ khánh thành thư viện do chính họ tài trợ xây dựng. Ken nói, khi tôi đến tài trợ xây thư viện, họ tay bắt mặt mừng, cảm ơn rối rít, rồi sau khi nhận tiền và xây thư viện xong, họ “bye bye” như thể tôi đã hết nhiệm vụ ở chỗ này! Không hề có một dòng chữ ghi ơn hai vợ chồng trong thư viện, mà chỉ có một tấm bảng ghi chung chung là “món quà của người Mỹ dành cho người dân Bồng Sơn”. Ken bảo ông không biết sau khi ông đi rồi họ có gỡ bỏ tấm bảng này không nữa? 

     – Ngoài việc nâng kinh phí từ 35.000 USD lên 58.000 USD, họ còn “vòi vĩnh” thêm 20.000 USD để trang bị phòng máy tính cho thư viện. Vợ chồng ông cũng nghĩ đến việc sẽ vận động tài trợ khoản này, thậm chí ông còn lên kế hoạch cho những chương trình dạy tiếng Anh qua mạng cho học sinh Bồng Sơn do nhóm ông thực hiện. Nhưng với những gì đã diễn ra, Ken khẳng định “Everything is finished. Now.” Ông nói với mình rằng ông quá thất vọng về những con người đó và đừng hòng có thêm một đồng tài trợ nào từ ông, mà thật sự ông cũng chẳng còn tiền vì đã trút hết vào dự án này! Ông nói rằng ông đến VN với thiện chí không chỉ xây dựng thư viện mà còn để tạo mối quan hệ giữa hai bên cho những sự hợp tác sau này. Thế nhưng, cái người ta cần ở ông chỉ là tiền mà thôi! Ông kết luận “I value the relationship with them, but they have small minds!”. 

   Điều đáng trân trọng ở Ken và Pat là họ không vì những chuyện này mà mất đi tình cảm và hình ảnh đẹp về con người VN trong lòng họ. Khi tôi nói lấy làm tiếc về “bad experience” họ đã trải qua, họ đã sửa lại “chúng tôi không coi đó là khoảng thời gian tồi tệ. Chúng tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời, nhưng với những người không tốt, tôi không nghĩ người VN là như vậy”. 

                                              *******************************************

  Bài trên đây được trích từ FaceBook của một nhà giáo tại Sài-Gòn và mới được đưa lên mạng trước đây vài ngày nhưng tưởng như câu chuyện đã cũ lắm, xảy ra lâu lắm rồi, đã nghe ai nói tới rồi.

Câu chuyện về một người có lòng và có tiền, thấy dân Việt Nam lầm than khốn khổ dưới sự cai trị của các “nhà cách mạng vô sản” thì chạnh lòng bèn đem tiền bạc về xây cất bệnh viện, trường học, làm đường, bắc cầu…

Họ nghĩ đó là việc nhân đức nhân đạo, giúp cho dân Việt Nam và cũng giúp cho chính quyền sở tại lo cho dân nghèo, và hoàn toàn không liên hệ gì tới chính trị.

Sự thật đã không phải như vậy. Từ những dự án lớn tới những việc làm từ thiện nhỏ đều gặp những trở ngại bất ngờ, những khó khăn không thể đóan trước, những thất vọng não nề không thể tưởng tượng giống như câu chuyện của ông bà Ken và Pat trên đây.

Kể ra, vợ chồng hai người Mỹ đầy lòng nhân đạo và thương dân Việt Nam này cũng còn may mắn, vẫn còn toàn mạng mà trở về nhà, hay không bị đưa đi cải tạo về tôi gián điệp, âm mưu lật đổ chế độ, hay bất cứ tội gì để đòi tiền chuộc mạng.

Vì vậy, họ nên mừng hơn là giận hay thất vọng, và nên tự trách mình đã quá… ngây thơ. Ken từng tham chiến ở Việt Nam, đã đóng ở Bồng Sơn, Bình Định, trong khoảng thời gian 1969-1970 của thế kỷ trước, để chống kẻ thù chung là cộng sản và giúp dân Nam Việt Nam bảo vệ đời sống an lành, tự do mà đã không hiểu cộng sản là gì.

Có lẽ trong đầu chàng phi công năm nào vẫn còn nghĩ rằng cuộc xung đột Nam/Bắc ở xứ Việt Nam xa xôi ngày xưa cũng chỉ là chuyện “lủng củng” giữa anh em một nhà người ta với nhau, nước Mỹ chẳng mắc mớ gì đi can dự vào. Bây giờ, dân Việt Nam đã hết bắn giết nhau, hòa bình, thống nhất rồi. Dân Việt Nam nghèo khổ vì hậu quả của chiến tranh, người lính Mỹ cũng cảm thấy cũng có trách nhiệm một phần và muốn làm một cử chỉ đẹp cho lương tâm đỡ cắn rứt lúc về già, dọn đường lên thiên đàng.

Hơn nữa, như lời chàng Ken, “chúng tôi đã có những khoảng thời gian tuyệt vời”, ý nói khoảng thời gian chàng là một phi công Mỹ ở Bồng Sơn với những người dân Việt Nam thật dễ thương, hiền lành, hiếu khách, những ông làng, ông xã, ông quận dễ mến hết lòng lo cho dân. Và ông ta nghĩ bây giờ cũng như vậy, và nhà cầm quyền “cách mạng” có thể tốt hơn.

Lúc ông cựu phi công Mỹ lên đường trở lại Việt Nam chắc trong đầu ông đã vẽ ra nhiều giấc mơ đẹp. Sẽ được đón tiếp thật nồng nhiệt, sẽ được biết ơn sâu xa, và cái tên “Lucky Star”, tên đơn vị của Ken thời chiến tranh sẽ được trịnh trọng dùng làm tên của cái thư viện được xây dựng bằng tiền tiết kiệm của vợ chồng ông. Cao đẹp biết bao!

Thế rồi tất cả mộng đẹp đã sụp đổ tan tành trước sự thật phũ phàng, và ông đã tức giận gọi những quan chức của “chế độ cách mạng” là “đầu óc nhỏ mọn”. Hơi muộn.

Đáng lẽ với tư cách là một quân nhân Mỹ từng chiến đấu trên chiến trường Việt Nam, ông phải hiểu biết về kẻ thù trước mặt ông, phải biết vì lý do nào ông đã có mặt tại Việt Nam mà 56 ngàn đồng đội của ông đã ngã xuống trong khi giao tranh với quân thù, và tại sao người Nam Việt Nam đã phải chiến đấu, trước khi người Mỹ đến giúp và sau khi người Mỹ đã ra đi.

Loại người mà ông Ken nói là “đầu óc nhỏ mọn” có cái túi tham rất lớn, có đôi mắt loạn thị nhìn đâu cũng chỉ thấy kẻ thù, và có hai lỗ tai lỗ tai điếc không thể nghe được những lời nguyền rủa.

Dù sao cũng xin chúc mừng ông đã nhận diện được kẻ thù, dù hợi muộn, và đã ra về bình an, mất 50 ngàn đô một cách vô duyên và có thể bị cười vào mũi. Bà Pat buồn vì bị lừa và mất cơ hội mua chiếc xe mới. Ông còn cảm thấy đau nên muốn “đòi lại tiền”?

Dân Việt Nam chúng tôi đau hơn ông nhiều. Chúng tôi đã bị cả thù lẫn bạn lừa và đã mất cả nhà lẫn nước, nhiều người đã mất cả mạng. Mất hết. Chúng tôi đã có một thứ hòa bình mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gọi là “Hòa bình của nấm mồ”! Đến nấm mồ” cũng không được yên. Nếu vẫn còn chưa sáng mắt, mời ông bớt chút thì giờ ghé qua “tham quan” nơi trước tháng 4.1975 được gọi là “Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa” để xem người chết đã bị trả thù ra sao.

Thế mà cho đến nay vẫn có những người tiếp tục mơ ngủ, suy nghĩ y hệt như ông và làm y hệt như ông để tạo ra những câu chuyện cũng y hệt. Chuyện mới nhưng vẫn là những câu chuyện tưởng như đã cũ.

Ký Thiệt