HOLODOMOR (Голодомо́р) NẠN ĐÓI Ở UKRAINE 1932-1933

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

275672002_403868121405521_6453673664390201430_n

Lúc nạn đói xảy ra ở Ukraine, Mostovyi còn nhỏ lắm. Hắn không dám mò vào những căn nhà bên cạnh. Bởi vì những người trong nhà đã chết cả tháng rồi, nhưng chẳng ai chôn cất. Trong nhà có tử thi thối rữa là câu chuyện bình thường tại Ukraine vào những năm 1932 – 1933. Những người đô tùy biết rất rõ nơi có xác người bằng cách đến những nơi có đàn quạ đang bu bám, hay những bụi cây tàn úa bởi mùi tử khí xông lên. Đói khát, túng quẫn, người Ukraine phải ăn cỏ, ăn vỏ cây, ăn chuột, ăn sâu bọ, ăn chó mèo. Cơn đói điên cuồng man dại đến mức họ phải ăn cả thịt người chết, hoặc ăn cả thịt con đẻ của mình. Các nhà sử học đã chép lại chuyện này rất rõ.

Gục chết trong góc phố, qụy chết trên hành lang, nằm chết ở bến xe, xó chợ, trên cánh đồng, hay trên con đường làng. Nhiều người Ukraine đã chết thảm thương như vậy chỉ trong vòng hai năm, nay được biết tới dưới tên “Голодомо́р” – Holodomor. Ukraine không chấp nhận chính quyền Stalin. Chính quyền Xô Viết đã đàn áp ý chí đấu tranh bằng cách tịch thu toàn bộ tài sản, gia súc, dụng cụ lao động, ngũ cốc, tận vét cho đến những hạt lúa mì cuối cùng, tịch thu những củ khoai tây cuối cùng. Ai chống đối sẽ bị trừng phạt không xót thương. Nạn đói là dấu ấn đau thương đã in đậm trong mỗi tế bào của người dân Ukraine, không có cách gì tẩy xóa được. Họ quyết đứng lên chiến đấu. Nhà sử học Robert Conquest nói: Chính quyền Soviet đã mở cuộc tấn công vào nông dân Ukraine và cả dân tộc Ukraine, là một trong những sự kiện đau thương nhất, đẫm máu nhất, to lớn nhất, quy mô nhất trong lịch sử đương đại. Nhà báo người Hung Arthur Koestler nhớ lại: Các nhà ga nhan nhản những người nông dân ăn mày, nhếch nhác, đói khổ chân tay sưng phù. Phụ nữ tay ôm những đứa trẻ sơ sinh, đầu lắc lư hốc hác, chân tay như những chiếc que, bụng chướng sình, thê lương đi tìm nơi trú ẩn. Applebaum, nhà báo, nhà sử học gốc Ba Lan viết: Thấy xác người rải rác trên ga Kharkiv. Chỉ riêng ở Kyiv, vào tháng 1/1933, người ta đã thu gom được 400 xác, qua tháng Hai có 518 xác người vô danh phải chôn cất.

Vào năm 1932, môt đảng viên đảng Cộng sản Ukraine, tại vùng Vinnytsia, cách Kyiv 160 dặm về hướng tây nam, đã viết thư cho Stalin: Tất cả những nông dân trong vùng đã bỏ đi. Họ tìm cách tự cứu lấy mình và gia đình khỏi bị chết đói. Trong làng có từ 10 đến 20 gia đình bị xóa sổ mỗi ngày. Trẻ em bỏ nhà đi bất cứ nơi nào có thể đến được. Các trạm xe lửa đầy ắp những nông dân tìm cách rời bỏ làng quê, tha hương cầu thực. Ngay lập tức, Liên Xô cho đóng biên giới Ukraine. Không ai thoát ra ngoài được. Nông dân Ukraine phải trốn quanh quẩn từ vùng này qua vùng khác. Liên Xô cho mật vụ theo dõi, lùng sục từng nhà, xem có ai dám giấu thực phẩm. Mật vụ dùng những cây thép dài nhọn đâm xuyên xuống nền nhà, góc vườn tìm kiếm nơi cất giấu lương thực. Mật vụ sục sạo trong những ống khói lò sưởi, mọi xó xỉnh, mọi nơi. Hanna Iakivna Onoda nhớ lại: Người hàng xóm của cô đã giấu gói bột mì nhỏ bên dưới tấm đệm của đứa con vừa sinh. Mật vụ tìm ra. Người mẹ trẻ van nài, xin lại chút bột này, con tôi đang chết. Gói bột bị tịch thu. Người mẹ trẻ chỉ còn biết gào lên: Bọn giết người!

Những cảnh tượng tàn nhẫn, độc ác cứ diễn ra mỗi ngày, bao trùm lên toàn bộ vùng nông thôn, và những nông dân phải sống trong nỗi uất ức, ghê tởm, căm phẫn, hận thù, dã man… điên dại đến mức họ phải ăn cả thịt người. Nhiều nhân chứng về nạn ăn thịt người (cannibalism) còn đang sống. Họ ăn thi thể đã thối rữa, hoại tử đầy dòi bọ để cố sinh tồn. Chưa thấm tháp gì, cơn đói dày vò, hành hạ đã đẩy người ta đến tận cùng của sự khốn nạn, của dã man: Có người phải ăn thịt con mình. Một người Ukraine, Mykola Moskalenko, kể lại câu chuyện: Người ta vào nhà một phụ nữ và hỏi: Con cô ở đâu? Cô ấy trả lời: Chúng nó đã chết ở ngoài đồng cả rồi. Người ta ra đồng tìm, nhưng không thấy dấu vết gì. Họ trở lại căn nhà tìm ra xác của hai đứa bé đã cắt ra từng mảnh. Người ta hỏi cô, sao nhẫn tâm như vậy. Cô trả lời: Đằng nào chúng nó cũng chết, không có cách gì sống sót nổi. Đành làm vậy, may ra cứu được một người.

Tại tỉnh Sumy, cách Kyiv 200 dặm về hướng đông, có một người đàn ông tâm thần bị bắt về tội đã ăn thịt cả hai người con gái và con trai. Thoạt đầu, người làng thấy anh ta có vẻ ít đói khát, không phù nề như những người khác. Dân làng hỏi anh làm cách nào. Anh ta trả lời: Tôi ăn thịt con tôi. Nếu ông còn hỏi tôi thêm nữa, tôi sẽ xơi luôn cả ông. Một cậu bé trai 6 tuổi, chạy trốn khỏi nhà vì hoảng sợ: Cha tôi đang chuẩn bị giết tôi! Thằng bé đã chứng kiến hai người chị của nó đã bị cha giết như vậy.

Bao nhiêu tác giả đã viết lại những sự kiện này. Riêng tại Kharkiv, nạn ăn thịt người có khoảng 9 trường hợp vào tháng 3/1933, qua tháng Tư cùng năm tăng lên 88, tháng Năm là 132, tháng Sáu là 221. Chính quyền trung ương ở Moscow không thi hành bất cứ một chính sách nào để giải quyết thảm cảnh. Nạn chết đói cao điểm nhất vào mùa hè 1933. Người chết như ngả rạ, ở khắp mọi nơi, thối rữa, không ai chôn cất. Chính quyền Soviet đồng ý trả lại cho Ukraine số lương thực đã bị tịch thu trước đó. Tuy vậy, họ cãi rằng không hề có Голодомо́р ở Ukraine. Các nhà sử học đánh giá Đây là sự kiện dối trá chính trị lớn nhất của thế kỷ 20. Khốn nạn hơn, Liên Xô còn cho rằng những kẻ chết đói là bọn phản động, khiêu khích chống lại chính quyền Soviet. Họ ra lệnh không cấp giấy chứng tử, hoặc cấp chứng tử giả, và tiêu hủy mọi bằng chứng.

Cuộc kiểm tra dân số của Ukraine vào năm 1937 không được công bố, vì sự thật quá đớn đau. Có đến 8 triệu người thấp hơn so với dân số trước nạn Голодомо́р. Con số này bị rò rỉ ra công luận. Trưởng ban kiểm tra dân số của Ukraine bị bắt, và xử bắn ngay sau đó. Người trợ lý cũng bị tử hình. Liên Xô cho thay thế toàn bộ cán bộ điều tra dân số. Những con số đưa ra không thể đẹp hơn, và tuyên bố dưới ánh sáng của cuộc Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Vĩ đại, dân số của Ukraine đã tăng trưởng thần kỳ. Họ nói dối về nạn đói Голодомо́р – Holodomor, 1933.

Tham khảo:

https://www.theguardian.com/…/exposing-stalin-famine-in…