“HỒI ĐÓ, TỤI MÀY Ở ĐÂU ?” (Vũ Thế Thành)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of ticket stub

Chiều 26.4.1975, tôi còn giờ thực tập cuối cùng trong phòng lab Đại học Khoa học Sài Gòn. Tan buổi học, Cường, thằng bạn học rủ xem xi nê ở rạp Văn Hoa (*) gần đó. Rạp có máy lạnh làm dịu đi cái nóng tháng tư, rơi vào giấc ngủ chập chờn… Phim gì chẳng nhớ, chỉ nhớ đã đứng lên chào cờ. Đó là lần cuối…
Vãn phim, Cường ngập ngừng :
– Mày đi không?
– Đi đâu? Có quen ai đâu mà cho mình đi.
“Thôi mày về nhà tao, kiếm cái gì uống, rồi tính…”, Cường nói.
Sài Gòn những ngày tháng đó, không chỉ có chuyện đi chuyện ở. Dân tị tạn đổ xô về Sài Gòn rất nhiều. Sinh viên tỉnh trọ học nhốn nháo, có đứa mếu máo không biết tin tức gia đình thế nào, cũng chẳng còn nguồn trợ cấp. Bạn bè ai giúp được chút nào hay chút nấy, rồi tính…
Đầu tháng 4, khi Nha Trang thất thủ, anh em thằng bạn ghé nhà tôi. Hai anh em quê Nha Trang. Anh là lính Cộng Hòa, tan hàng từ Phú Yên. Em là sinh viên Quốc gia Hành chánh học ở Sài Gòn. Rượu vài ly để trấn áp, xua đi nỗi tuyệt vọng… Chuếng choáng, thằng anh bảo em: “Đừng lo, tao đăng lính Biệt kích có tiền đầu quân, mày sẽ có ít tiền xài trong vài tháng, rồi tính…”
Cái mốc tháng 4 năm 75 lúc nào cũng làm tôi ngỡ như thời gian cũ còn phảng phất đâu đây.
Chẳng phải tôi không muốn đi. Cũng hồi đầu tháng, thằng bạn lối xóm rủ xuống Phú Quốc, ông anh nó làm công chức ở đó, đẩy lên tàu đi cho gọn. Tôi ngần ngừ… Còn chưa đầy một tháng nữa sẽ thi, không thi làm sao có giấy hoãn dịch. Thi xong, rồi tính…
Ừ thì, “rồi tính”… Nhưng phía trước là khoảng trống hoang mang, biết cái gì đâu mà tính? …
Ở nhà Cường, nghe gia đình nó bàn tán thời cuộc: “Tình hình này chắc Dương Văn Minh sẽ lên. Ông ta lên thì chắc chắn thua. Phải đi càng sớm càng tốt”. Cường ghé vào tai tôi thầm thì: “Mày đi không, tao còn chỗ. Sáng sớm mai ghé nhà tao”. “Bà già tao đi theo được không?”, tôi hỏi lại. “Không được đâu, kẹt chỗ lắm rồi, chỉ cầu may thôi”. Tôi không còn gặp Cường sau ngày đó. Nghe nói nó đã chết.
Những ngày cuối cùng, 28, 29 tháng 4, Sài Gòn chỉ bị pháo kích lai rai, tiếng súng lớn vọng về từ hướng Tân Sơn Nhất có thể nghe rõ về đêm. Bạn bè ngồi uống cà phê tán gẫu, thoắt cái đã biến…
Trưa 30 tháng 4, nghe giọng ông Dương Văn Minh trên đài phát thanh. Thế là xong! Thằng bạn lối xóm, được hoãn dịch lý do gia cảnh, nhưng phải đi Nhân dân tự vệ, xách khẩu Carbin, chỉa lên trời, chơi hết băng đạn, rồi đến phường nộp súng.
Chiều mùng 1 tháng 5, tôi và thằng bạn cà lơ thất thểu ở Lăng Cha Cả, tạt vào quán cà phê cóc. Tàn tích còn nhiều, quần lính áo lính, giầy lính, ba lô, lon lá… rải rác đâu đó trên đường, cả chiếc trực thăng bị vướng trên sân thượng gần đó. Cô gái bàn bên cạnh, ngó qua hỏi bâng quơ:
– Tình hình này không biết tính sao?
– Hết đánh nhau rồi, về quê cho khỏe, tôi đáp.
“Vài ngày nữa chờ êm êm, rồi em cũng về quê. Mà rồi chắc em lấy chồng cho anh coi”, cô liếc tôi cười cười. Tôi đoán cô là kiều nữ cổng Phi Long. Đường trần bụi bặm, rồi cũng phải một lần thu xếp cho xong. Chúc cô may mắn!
Trước đây, tôi thường vào nhà sách Khai Trí đọc sách chùa, nhưng quyết định mua quyển nào lại mò ra các sạp bên kia đường hoặc dọc đường Pasteur, bán thấp hơn giá bìa khoảng 10-15%. Mấy ngày đầu sau 30 tháng 4, sách bày bán chất đống ở khu này, giá bán gần như cho không. Tôi mua hai giỏ xách để đựng, mua hết đợt này, chở về nhà, lại đến đợt khác chỉ sợ hết, cũng cả hơn trăm quyển đủ loại sách học làm người, truyện dịch, lịch sử, triết Đông, triết Tây… Nghiền ngẫm cả vài năm trời chưa hết, cho đến khi có đợt phải giao nộp sách báo “đồi trụy, phản động”. Nói vậy chứ cũng “khéo léo” giấu lại được một số.
Những ngày sau đó, lắm chuyện khôi hài xảy ra, chủ yếu là do xa lạ về ngôn ngữ: cái đài, cái nồi ngồi trên cái cốc, đồng hồ không người lái… Những người lính miền Bắc đa số xuất thân từ vùng nông thôn, phút chốc đòi hỏi họ phải “văn minh” như người đô thị thì cũng khó. Buồn cười chăng đó là khoác lác kiểu “lavabo chạy đầy đường”. Nhưng số này cũng chẳng nhiều.
Buồn, nhưng cười không nổi, đó là phong trào đưa các em nhỏ ra đứng đường, chặn xe người lớn đáng tuổi cha chú, yều cầu cài nút áo lại hay phải cắt tóc ngắn. Phong trào phản giáo dục này rồi cũng nhanh chóng xẹp.
Buồn thấm thía hơn, khi quay về trường, đã có những người bạn thay đổi nhanh quá, ăn nói đầy tính lập trường, cách mạng… Ủa! Mới 1-2 tháng trước đó còn thấy họ ngồi trong câu lạc bộ đại học sư phạm khóc sướt mướt, không biết gia đình ở miền Trung ra sao… Vậy mà, giờ họ đã ra vẻ cán bộ, giảng đạo đức, phê bình bè bạn về lối sống “tàn dư Mỹ Ngụy”. Ai lỡ huýt sáo nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy thì cũng khổ, bị kiểm điểm là còn mang nặng đầu óc tiểu tư sản lãng mạn… Bạn bè bỗng dưng tự chia thành những nhóm nhỏ, rù rì với nhau. Thấy họ tới, tất cả đều im lặng. Họ tích cực lắm, theo dõi, dò xét, báo cáo giữa bạn bè với nhau… Sao thấy buồn quá.. Cách mạng thứ thiệt không ngán, chỉ ngán mấy ông bà “cách mạng ba mươi”. Bây giờ vẫn còn ngán…
Có một chuyện làm tôi nhớ mãi, khi làm nghiên cứu, thiếu sách tra cứu, tôi phải mò ra khu bán sách cũ gần đường Đặng Thị Nhu. Ở đó chỉ có một sạp duy nhất có quyển “Handbook of Chemical Engineers”, dày cả ngàn trang, giá 4 khoen vàng. Tiền đâu mà mua nổi! Đến nhiều lần, chỉ để tra cứu trong quyển đó, rồi ráng nhớ mấy con số, rời xa xa khỏi sạp là rút sổ tay ghi lại. Đến riết chủ sạp quen mặt, vừa thấy bóng tôi từ xa, đã chỉ tay vào quyển sách: “Cứ cầm lấy đọc thoải mái”. Nơi đó, bây giờ không còn bán sách nữa, chẳng biết ông chủ sạp sách tốt bụng thời khó khăn ấy bây giờ nơi đâu. Cám ơn ông nhiều lắm.
Những năm tháng sau 75 khó khăn nhiều, từ vật chất đến tinh thần, như loạt bài “Đêm trước đổi mới” đăng trên tờ Tuổi Trẻ dạo nào. Đó chỉ là phần nhỏ, giờ hồi tưởng lại vẫn thấy đầy ắp chuyện, không sao nói hết….
Sống trong đất nước như thế, mà không bạn bè như thế thì mới là điều lạ. Những người bạn mới của tôi có người chơi được, có người không, như mối quan hệ riêng tư ở bất cứ xã hội nào khác, đâu cứ là ở xứ này mới có người được người không. Có những quan hệ thân tình cả hai chục năm chứ đâu phải ít, mà bây giờ vẫn cư xử thân tình như thế. Khi chén chú chén anh, thỉnh thoảng vẫn có “khắc khẩu” về ý nghĩa cuộc chiến, nhưng ngày mai lại quên. Cái thân tình nặng hơn sự khác biệt quan điểm. Năm tháng, tuổi đời cũng làm những xung đột quan điểm đó hẹp dần lại, thân tình rộng hơn. Cuộc chiến, tùy hoàn cảnh xuất thân, được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng sự thật chỉ có một, và vòng vây chân lý đang dần dần khép lại.
Tôi có hai người ở hai bờ chiến tuyến, VTC và NNT, đã rời cõi bụi bặm này rồi. Ở dưới, không chừng giờ này hai thằng đó đang chén thù chén tạc, đọc bài này, chắc chúng cười ầm lên: “Chỉ vẽ chuyện! Vô nghĩa!”
Cái mốc tháng 4 năm 75 lúc nào cũng làm tôi ngỡ như thời gian cũ còn phảng phất đâu đây, nào ai có biết đó là thời điểm quyết định số phận. Vậy mà đã 37 năm trôi qua. Già đủ kiểu rồi còn gì, đầu hói, tóc bạc, bụng phệ, da nhăn… Giờ đây bùi ngùi nhớ lại những thằng bạn đã hôn tay Chúa, sờ chân Phật, cũng gần hai chục tên đã lên đường chứ đâu ít. Chết đủ kiểu, chết vì chiến cuộc, vượt biên, tai nạn, chết bệnh… Thôi yên nghỉ đi, chờ ngày hội ngộ.
Nhưng trong cõi ta bà này, tháng tư năm nay, tự nhiên tôi muốn nâng ly rượu, hỏi những thằng bạn còn sống: “Những ngày trước 30 tháng tư bảy mươi lăm, hồi đó tụi mày ở đâu?”