HÓC MÔN (Đoàn Xuân Thu)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Bảo Huân 

Mần văn nó khác mần ruộng. Mần ruộng là cứ lặp đi, lặp lại hoài, mùa nầy qua mùa khác, y chang hè.

Mần văn là sáng tạo, là làm ra cái mới! Muốn viết văn là phải đọc, phải học. Ông Nguyễn Hiến Lê nói một câu chí lý cho những ai làm nghề văn là: “Cái gì biết mà biết không rõ thì nên viết về cái đề tài đó”. Sao ổng nói vậy? Vì không rõ, mình phải bò vô thư viện, lục tung sách vở ra mà đọc, mà tìm cho nó rõ. Giờ thì khỏe hơn nhiều, khỏi cần đi cho mỏi cẳng; cứ lên ‘google search’.

Tuần rồi, đi nhậu tán dóc, một người đẹp ở Footscray cắc cớ hỏi tui về cái hóc? Một là hóc viết ‘o’ hay hốc viết ‘ô’. Sao em thấy CS viết lung tung, hồi ‘o’ hồi ‘ô’? Hai là: “Tại sao để chỉ những nơi xa xôi, vắng vẻ, đìu hiu (quạnh) dân Lục tỉnh Nam Kỳ của anh hay gọi là “Hóc Bà Tó”.

Ðược người đẹp hỏi, tui nở lỗ mũi bằng trái cà chua. Tui thấy hãnh diện lắm! Vì em nể mình! Em cho mình trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, biết chuyện thiên la địa võng, em mới hỏi chớ!

Vậy là để khỏi mất mặt bầu cua cá cọp, tui bèn trả lời đại; dẫu trong bụng tui vẫn còn hồ nghi; hổng biết câu trả lời của mình có đúng hay không?

Hóc Môn hay Hốc Môn? Năm 1975, CSBV vô, huyện Hóc Môn vẫn viết chữ ‘Hóc’ ‘o’ tới khoảng năm 1991. Từ 1992 đến 1997 chúng lại viết chữ Hốc ‘ô’. Bìa báo Xuân Nhâm Thân 1992, báo quốc doanh CS viết tên Hốc Môn, Hốc Môn trên chiếc xe đò, nhãn hiệu hàng hóa v.v.

Bớt lên đồng, ông lên bà xuống, múa may quay cuồng, từ 1998 tới giờ, chúng trở lại đường xưa lối cũ.

Ôi nhớ xưa bà con lao động Sài Gòn đa phần ở trong hẻm, trong hóc.  Phải có máu mặt lắm, nhà mặt tiền, số nhà mới không bị xuyệt  (sur). Trong hẻm xuyệt ít. Trong hóc xuyệt nhiều. Như vậy hẻm nhỏ hơn đường. Hóc nhỏ hơn hẻm. Trong Nam hẻm hóc; ngoài Bắc là ngõ ngách.

Ðó là trên bộ. Còn dưới rạch, khi một dòng nước đang rộng bị hẹp lại thì đó là cái hóc.

Hẻm hóc, Hóc Bà Tó chỉ nơi xa xôi, vắng vẻ, ít người lui tới. Như Hóc Bà Tó ở miệt Mỹ Tho, theo nhà biên khảo Sơn Nam cho biết.

Không phải chỉ Bà Tó mới có ‘hóc’ đâu. Mà quê mình còn có Hóc Hươu, Hóc Ớt, Hóc Ðùn… Nhưng nổi tiếng nhứt, ai cũng nghe tiếng, cho dù chưa một lần đặt chưn tới dẫu nó ở sát Sài Gòn: Ðó là Hóc Môn Bà Ðiểm.

Năm 1915, Hóc Môn là một trạm hành chính của tỉnh Gia Ðịnh. Hóc Môn là quận thuộc tỉnh Gia Ðịnh từ ngày mùng 1, tháng Giêng, năm 1918, quận lỵ đặt tại chợ Hóc Môn.

Tự vị tiếng nói miền Nam, học giả Vương Hồng Sển đã viết: ‘Hóc Môn: tên xứ, trước thuộc huyện Bình Long, nay thuộc tỉnh Gia Ðịnh’

Năm 1956, thời Ðệ nhứt Cộng hòa, Gia Ðịnh là một trong 22 tỉnh của Nam phần. Quận Hóc Môn có 2 tổng: Bình Thạnh Trung, Long Bình; quận lỵ: Thới Tam Thôn. Từ năm 1976, CS gọi là huyện Hóc Môn.

Hóc Môn là con rạch nhỏ với nhiều cây môn nước.

Ðịa danh có chữ môn hay dính với bàu với rạch. Như Bàu Môn ở Long An, Rạch Môn ở Thủ Ðức, Bưng Môn ở Củ Chi…

Như vậy Hóc Môn là hóc có cây môn nước. Hóc là đường nước từ rạch, (thiên nhiên) từ kinh (đào). Hóc nó nhỏ từ từ, nước đọng lại không còn thông thương với nơi khác.

Còn Môn có hai loại chánh: Môn ngọt và Môn nước. Môn ngọt làm rau, ăn cả thân cây, làm dưa chua, và ăn cả củ. Cây môn ngọt và cây môn nước giống nhau đến 90%. Khác nhau ở chỗ môn ngọt có một chấm màu tím ở ngay lá còn môn nước thì không.

Người ta chỉ trồng môn ngọt. Môn nước mọc hoang. Nghĩ là môn ngọt, nhưng ăn nhầm cây môn nước, thì cổ bị rát vì mủ của nó gây ngứa. Vì vậy môn nước còn gọi cây môn ngứa. Ngứa nhưng vẫn ăn được nếu biết cách làm. Làm cho heo ăn hoặc làm cho tui ăn.

Cho heo ăn: Môn nước về băm nhỏ, trộn với tấm cám để nấu cháo heo 1 phần tấm cám, 9 phần môn nước.

Em yêu muốn cho tui ăn môn nước thì em phải làm sao cho môn nước sạch mủ. Cách hay nhứt là em làm dưa. Cọng môn nước cắt thành các khúc nhỏ, dài khoảng vài lóng tay. Ðem ngâm nước muối qua đêm. Sáng ra, xả nước cho đến khi bẹ môn sạch hết mủ. Cho bẹ môn vào chum, đổ nước vo gạo hòa với muối vào, nén chặt lại. Chỉ vài ngày sau là dưa môn ‘chín’ và thơm. Dưa môn nước dùng để nấu canh, kho với cá.

Dĩa dưa chua chua giòn giòn chấm nước mắm đồng ăn với cơm trắng hơi nhão.

Môn nước cũng có thể nấu cháo lươn. Lươn làm sạch, khứa hoặc để nguyên con. Bẹ môn cắt khúc, ngâm nước muối vài giờ rồi xả bằng nước lạnh, rồi cho khô. Khi gạo trong nồi cháo nở toè loe, cho lươn vào. Cháo gần chín cho môn vào.

Bắt xuống đem đi đổ. Í quên dọn lên húp. Ðem đi đổ là có chuyện lớn; vì món cháo lươn môn nước nầy nó ngon thấu trời. Ngay cả dân Hóc Môn ai may mắn lắm mới được em yêu nấu cho ăn món cháo lươn. Nó bổ làm mình mẩy rạo rực thấu trời hè!

Xa quê, nghe hỏi về Hóc Môn là gì vậy anh Hai? Câu hỏi đó làm tui bùi ngùi canh cánh trong lòng một nỗi buồn thương nhớ quê hương quá mạng. Lại nhớ: Môn không bao giờ cô đơn. Không bao giờ sống một mình. Mà môn sống thành bụi môn: thành Hóc Môn.

Tục ngữ: Nói như nước đổ lá môn. Ca dao cũng có câu: “Gió đưa bụi chuối sau hè, Bụi môn trước cửa, ai dè em hư”.

Giỡn chơi nói tục có câu thơ lục bát chế từ tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Ðình Chiểu. Câu tám, tui không dám làm và cũng không dám viết huỵch toẹt ra. Tui sợ bị mấy em rầy, già rồi mà không nên nết! Ăn nói lung tung. Của người ta mà dám nhào vô đòi sờ mó tùm lum.

Cho nên tui chỉ dám viết hai câu thơ mắc ôn nầy rồi bỏ lửng: Vân Tiên ngồi dựa bụi môn. Chờ cho trăng lặn…

Tui nhớ em yêu của tui còn kẹt bên kia trời lận đận với ‘hóc môn’.

Đoàn Xuân Thu

at 1:52 AM