HOÀI NIỆM VỀ NGÀY TẾT (Vũ Ký)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Chiều xuống dần dần ở miền quê. Nhìn ra ngoài cổng nhà, khói lam vờn trên những mái tranh, ngồi trên chiếc ghế sành, cạnh hòn non bộ, có núi, có hồ, có mục đồng ngồi trên lưng trâu, có nhà sư ngồi thiền hoặc tụng kinh dưới ngọn tháp chùa cao nghều nghệu, bên cạnh hàng thông xanh bên bờ suối. Cả một cảnh vật thiên nhiên thu hẹp lại ở góc sân nhà – trong khi bà mẹ già, dưới nhà bếp lợp ngói đen sì sửa soạn tươm tất từng dĩa bánh tét, bánh tổ, bánh “chỉnh”, bánh chưng, có cả xâu nem, đòn chả… đặt cúng trên các bàn thờ đầy đồ đồng, đồ sơn sáng loáng, trong buổi chiều tất niên, gió hiu hiu lạnh…

Tết đến rồi. Trong các lễ tục Á Châu và Tây Phương, có lẽ chỉ có lễ Tết Việt Nam là mang đầy tính chất nghi tiết, có sắc thái siêu hình và tâm lý hơn hết, ghi đậm nét từ nghìn xưa đến giờ trong đáy sâu thẳm của mỗi người con dân đất Việt.

Nghe nói đến Tết thì cả người lớn đến trẻ con đều vang dậy trong lòng mình những rung động, xúc cảm rộn ràng, có khi là những chứng tích lảng đảng về một thời hoài niệm nào của đất nước thân thương thuở nào, chừ đây lặng chìm trong bóng mờ của thời gian ly biệt và chiều dài của khoảng cách hơn nửa vòng trái đất. Gặp nhau đâu đây, chỉ cần nói đến tiếng Tết, Tết với tình rưng rưng, ý rưng rưng là mình cùng nhau nhận diện được lý lịch, cội nguồn đích thực của mình. Cho hay nền văn hóa một nước không cần phải thuyết minh nhiều, cả chiều sâu lẫn chiều rộng mà chỉ cùng nêu lên một ý niệm đặc thù, cùng nói lên một tiếng rất thương yêu rút ra từ gia phong, quốc phong là “ta cùng có với nhau đây”, xóa đi ngàn dặm khoảng cách của tâm tình để đứng về một biên giới, một tập đoàn bất khả phân, cùng lên núi, cùng xuống biển, xây dựng vạn lý trường thành bất diệt cho cội nguồn quốc tổ.

Tết Nguyên Đán đúng theo nghĩa của từ là buổi sớm mai đầu tiên trong năm nhưng đối với dân Việt lễ Tết bao hàm nhiều ý tưởng sâu kín hơn thế nữa: Có một sự phục hưng tái tạo toàn diện, một sự cải sắc của vũ trụ, rất huyền bí trong tinh chất của sự vật và sinh vật, có một sự giao hòa thầm lặng mà mầu nhiệm giữa thiên nhiên – vạn vật – với con người – Người sống và người chết, chúng ta đây và Ông Bà Cha Mẹ Tổ Tiên. Trong linh khí của Trời Đất buổi đầu năm, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, xanh ngát, thắm đượm vườn trời. Những giờ khắc đầu năm bắt đầu một sự chuyển biến của vận hội. Vận hội mới của mỗi người trong cái thái cực của không, thời gian vô tận. Sau mỗi chu kỳ 365 ngày, lễ Tết hân hoan đến trong tâm tư người Việt là một suối nguồn hy vọng mới, một mong ước thiết tha những tín hiệu của bình minh quang đảng nào chắc sẽ đến với mình. Xa rồi, xa lắm rồi, những đau buồn, bất trắc, khốn khổ, sóng gió của ngày tháng vừa qua. Kìa hạnh phúc lại lóe sáng bên kia chân trời hứa hẹn biết bao nhiêu, trước cảnh Chúa Xuân đang đổi sắc xiêm y huyền diệu.

Ngồi thừ người trong vắng lặng trên thềm hè để rình bước đi của thiên nhiên mà nghe rưng rưng vọng lại những ý nghĩ rộn ràng dấy lên từ tâm tư đang nhập thần với Trời Đất. Cảnh vật quyện vào nhau tạo luồng sinh khí mới tinh như thuở nào trong buổi trinh nguyên của Tạo Hóa. Tất cả đều hợp ca đồng tế để tôn vinh sự ra đời của thời gian vô cùng được ngắt quãng thuận lợi thành Năm Tháng phục vụ cho công dụng thế tục của con người.

Năm nay là năm Tân Mùi rồi đó. Năm 4628 của Âm Lịch mà người Việt chúng ta đã xử dụng. Lịch mặt trăng ấn định mỗi năm chỉ có 355 ngày trong khi lịch mặt trời là 365 ngày. Cho nên Tết ta đến sớm hơn Tết tây có hơn cả tháng. Chu kỳ lớn của âm Lịch – năm giáp lại đúng năm – là 60 năm. Còn nhớ thuở nào, có ông cụ đồ láng giềng, ngày 29 Tết không mua được cuốn lịch mới cho Tàu bìa đỏ ối để xem ngày tháng kiết, hung xấu, tốt. Thế là ông ta đành đem cuốn lịch vạn niên do ông thân sinh để lại đúng 60 năm qua mà nghiên cứu, mà lập lại.

Lễ Tết Việt Nam! Ôi! Thiêng liêng và đầy nghi tiết, những ngày đầu năm với cổ tích, truyền thuyết của đất nước gắn liền với lễ tục, quốc phong của nước bạn mà cũng là bậc thầy Trung Hoa, cái vú sữa khổng lồ của văn hóa của một miền Đông Á.

Hớp ngụm trà, cụ đồ chậm rãi kể lại huyền thoại về tên năm tháng “Ngày kia, thiên đình ra lịnh triệu tập tất cả sinh vật mà Ngài đã dày công tạo dựng để về chầu. Ngày đã đến mà chỉ có 12 con vật đến yết kiến Thiên nhan. Đầu tiên là con chuột, kế đó là con trâu, rồi con hổ, con mèo…và cuối cùng là con heo ụt ịt đến. Để thưởng công các con vật ngoan ngoãn, Trời phong cho mỗi năm theo thứ tự được mang tên các con vật ấy và từ đó chúng ta có 12 con giáp…”

Rồi đến “Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Ăn chơi theo sau ngày Tết thì là cả tháng, đối với người dân suốt cả năm dài lam lũ, cần cù trong một xã hội thuần chất nông nghiệp và thủ công nghệ bán khai. Nhưng đúng ra “ăn Tết” nghĩa là cúng tế Ông Bà, vui chơi trọn vẹn theo tập tục thì còn tùy theo địa phương và khả năng vật chất, điều kiện tâm lý tinh thần của mỗi tầng lớp xã hội mà kéo dài ngày hay rút ngắn.

Đông Phương Sóc, nhà văn học nổi danh đời Hán ở Trung Hoa, có tài khôi hài, hoạt kê, thường lưu lại hậu thế biệt tài của mình và cũng dùng thuật trào phúng ấy để can gián các bậc vua chúa lỗi lầm. Người đã thuật lại về thời gian ăn Tết như sau:

“Thuở khai thiên lập địa, có Trời Đất rồi thì Tạo Hóa, ngày thứ nhất ông sinh ra giống gà, ngày thứ hai ông sinh ra giống chó, thứ ba giống heo, thứ tư giống dê, thứ năm giống trâu, thứ sáu giống ngựa, thứ bảy sinh ra người và thứ tám sinh ra các giông ngũ cốc, cho nên Đông Phương Sóc đề nghị ta ăn Tết từ mồng một đến mồng bảy thì thôi không ăn Tết nữa. Vì con người từ đó đã được hóa công dựng nên rồi”.

Lại khuất trong sương mù, phía bên huyện lỵ Tiên Phước, một thôn xóm nhỏ núp mình gập ghềnh bên triền núi, tiếp giáp với miền Thượng du, nơi đó dân làng thường vỗ tay khoái trá và gọi nhau ơi ới ra xem một chiếc máy bay trực thăng bay phần phật trên nền trời mà thổ dân nhất định rằng đó là một chiếc máy bay chưa ráp xong hai cái cánh. Ở đấy người ta ăn Tết, nghĩa là cúng ông Bà, đến ngày mồng mười tháng Giêng âm Lịch. Và đúng vào ngày 23 tháng Chạp Âm Lịch thì họ làm lễ đưa ông Táo về Trời cũng trọng thể hơn ở đâu hết. Theo đạo Lão, ngày 23 của tháng cuối cùng, Táo quân về tâu cùng Ngọc Hoàng mọi hành động, cử chỉ, cả xấu lẫn tốt, trong mỗi gia đình mà Táo quân ngự trị. Treo 2 bên bàn thờ bằng gỗ đặt sơ sài trong góc bếp, gia chủ thường mua 2 chiếc mũ cánh chuồn và 1 con cá chép bự bằng giấy màu đen, đỏ sặc sỡ làm trang phục và phương tiện di chuyển cho Thần Táo về triều kiến Ngọc Hoàng Thượng Đế. Đặc biệt là các Thần Táo này đều sống chung với nhau – 2 ông, 1 bà – các ông không mặc quần, chỉ mang hài đội mũ, bận áo rộng mà thôi. Huyền thoại Việt Nam, giàu tưởng tượng thêu dệt chung quanh việc thờ cúng Táo quân nhiều cổ tích hoang đường, khá hấp dẫn:

“Ngày xửa, ngày xưa, có hai vợ chồng là Trọng Cao và Thị Nhị không có con nên sinh ra cãi cọ suốt ngày. Bữa nọ Thị Nhị bị chồng đánh và nàng bực tức quá bỏ nhà ra đi.

Dọc đường mệt nhoài, nàng ngồi bên triền núi thở than, một chàng thanh niên đi qua đây, ngạc nhiên vì mặt khác thường của người thiếu phụ giữa miền sơn cước hoang vu, rậm rạp, bèn tới hỏi chuyện nàng. Thế là hai người có cảm tình với nhau và từ đó thương nhau, chàng tên là Phạm Lang. kê phần Trọng Cao, chàng vô cùng hận vì mình nóng giận mà vợ bỏ đi, chàng quyết tâm đi tìm và lang thang khắp nơi, một ngày nọ tình cờ chàng đến trước cửa nhà Phạm Lang, Thị Nhị ra mở cửa, đối diện ngờ với người chồng cũ của mình. Nàng mời vào và dọn cho ăn. Đoạn nàng bảo Trọng Cao nhanh chân trốn vào đống rơm cao nghều nghệu trước sân nhà vì chồng nàng bất thần có thể trở về nhà. Còn nàng thì vào buồng sửa soạn hành trang để theo chồng cũ trở về tổ ấm năm xưa.

Cày bừa xong, Phạm Lang về nhà, sực nhớ mình cần phân tro bón ruộng nên chàng nổi lửa đốt đống rơm để lấy tro. Lửa cháy ngùn ngụt, Thị Nhị hốt hoảng liều mình nhảy vào cứu người chồng cũ. Nhưng than ôi ! Chàng đã chết ngộp rồi. Tột cùng đau xót, nàng xả thân vào lửa chết theo. Đến lượt Phạm Lang muốn có vợ cũng nhảy vào đống rơm hừng hực cháy và thiêu thình trên ngọn lửa hồng.

Thiên tình sử tay ba đầy bi lụy này làm cho dân gian thương xót, vẽ vời thêm, biến cả ba người thành các Thần Táo quân. Tuy không nghiêm khắc lắm, không hạnh họe người trần, nhưng Thần Táo rất chăm chỉ, thính tai, sáng mất, nghe ngóng hành động của các gia nhân trong mỗi gia đình, để rồi cuối năm về Trời trình tấu với Ngọc Hoàng. Do đó ở vùng quê thường nhồi ba ông Táo bằng đất sét hoặc làm cái kiềng có ba chân trên đó đặt nồi cơm hay ấm nước để nấu. Căn bản huyền thoại này vẫn có tác dụng khuyến thiện của Đông Phương.

…Phất phơ trong gió chiều Ba Mươi Tết, chòm lá lơ thơ trên đầu chót vót của thân tre dài được chặt nhẵn cành và lá: đó là cây nêu được trồng phía bìa sân nhà chính.

Gió thổi mạnh, cây nêu càng phát ra một hợp âm rộn ràng rủng rẻng vì có buộc ở đầu thân cây tre một cái khánh – loại chuông rất đẹp – với con cá bằng đất sét nung cột vào một mảnh sành, chum vỡ. Cũng lại tưởng tượng chiếc bùa làm cho hồn ma, bóng quỷ chờn vờn đâu đây phải khiếp sợ và cũng để mở đường đón rước phước thần.

Đêm trừ tịch – tức đêm Giao Thừa – riu ríu đến trong bóng tối cùng với các tràng pháo nổ càng lúc càng đòn tan. Nửa đêm, giờ Tý, tháng Dần (tháng Giêng): lễ Giao Thừa thiêng liêng và trọng vọng làm sao! Lễ chính của ba ngày cúng Tết. Sương đêm bay trong gió thoảng. Hương trầm thơm ngát, ngào ngạt quyện vào ánh sáng bập bùng của đèn nến lung linh tỏa khắp nhà từ các bàn thờ sơn son thiếp vàng chứa đầy lễ vật: nào hoa, nào nem, nào chả, nào thịt, nào rượu, nào trà, nào bánh trái…Cũng có đủ bộ tranh tứ linh rực rỡ, 4 con vật thiêng liêng mang phúc lợi đến cho gia chủ: long (rồng), lân (kỳ lân), quy (rùa), phụng (phượng) kèm theo 4 bức tứ quý vẽ 4 loại cây tượng trưng cho mùa tiết trong năm mà cũng côn bao hàm ý nghĩa đạo hạnh của con người: cây mai, cây lan (có khi thay vào là cây sen), cây cúc, cây trúc. Tranh rực rỡ tươi màu bao trùm các cây cột gỗ hoặc treo thõng thừa cân đối hai bên vách ván trang trí tô điểm cho căn nhà thêm chút hương sắc ngày xuân. Pháo càng nổ, càng đi sâu vào giữa lòng cảnh sắc tưng bừng náo nhiệt tập thể của mùa xuân. Pháo nổ là sự khích động gây thêm nhiễm cảm náo nhiệt, đẩy thần trí con người lên đỉnh cao HY VỌNG? Tết không đốt pháo, không còn là Tết nữa. Thời xửa thời xưa, chưa tìm ra chất nổ làm bằng diêm sinh (?) người dân quê lấy ống tre khô, càng khô càng tốt, đun vào lửa đốt, lửa cháy tới mắt tre thì phát nổ đùng đùng…Hai thân tre dài nổ rền bằng hơn 10 cây pháo trống lớn…

Trước mẩu bàn thờ nho nhỏ dựng giữa sân nhà, trong bóng tối của cảnh vật lập lòe ánh sáng yếu ớt của vài cây nến nhỏ, gia trưởng – là một nhà nho – thắp bó nhang, đất nắm trầm thơm trong chiếc lư đồng, khói bay nghi ngút, rót loại rượu trắng nồng men từ cái bình sành nhỏ xíu trắng xanh chảy dài vào các chén xinh xinh, to bằng quả trứng…Khăn màu huyền vấn trên đầu tóc bới, áo dài nhiễu xanh biếc, ông lâm râm ngân nga các ngôn từ cung kính đã trở thành ông thức để tiễn đưa cùng chào mừng 2 linh thần hành khiển trong năm: kẻ vô hình ra đi, người vô hình trịnh trọng bay về nhậm chức trong gió thoảng.

Rất chậm rãi, cụ lui gót bước lên thềm nhà, nhìn khoảng mờ mịt trước mặt, lặng người đứng đấy, để nghe giọng suốt tâm linh của mình giao hòa với thiên nhiên âm thầm cải sắc, vạn vật đang chuyển hóa mà cũng để lắng nghe động tĩnh xung quanh mình. Mỗi âm thanh vang lên trong giây phút thiêng liêng này thẩm đinh cho điều hung, điều kiết (cái xấu, cái tốt) trong suốt năm sắp đến.

Không biết từ nghìn xưa, ai đã quy đinh rằng một tiếng (tiếng người, tiếng vật) xuất hiện đầu tiên buổi Giao Thừa báo hiệu cho một điểm, lành có, dữ có. Nếu lúc ấy nghe tiếng trẻ con là sẽ gặp may mắn suốt năm. Tiếng khóc sẽ gặp chuyện buồn. Trâu bò kêu: suốt năm khỏe mạnh. Chó sủa: lông bông vô định. Mèo ngao: đau yếu. Ngựa hí: phát tài. Và cố nhiên, cú quạ là có tin buồn.

Bỗng đâu có tiếng sột soạt bên cạnh mình…Cụ quay đầu nhìn lại. Thì ra là con hoàng oanh nhỏ xíu trong lồng nan giật mình tỉnh giấc và khẽ kêu ríu rít một hồi dài. Nét mặt hân hoan nở ra trong đêm tối, cụ bỗng thở phào: Cát thanh (tiếng lành) Cát tường (điểm tốt) rồi ! Vì tiếng chim như chim se sẻ kêu là phúc lợi suất năm rồi đấy. Cụ bước ra phía trước, mở cổng chính, đi một vòng rồi trở vào nhà. Cụ tự xông đất lấy nhà mình, khỏi cần nhờ ai và cũng không lo đóng cửa nhà suốt Mồng Một Tết, lỡ người ta vía không tốt, số không may, tài cán đạo đức thua mình mà lạng quạng bước vào nhà mình sáng sớm tinh sương Mồng Một thì chắc là cả Ông lẫn Bà không vui, lo lắng phập phồng cho cả năm xui xẻo. Có khi ngày 30 gia chủ đã phải đến nhà một cụ già nổi tiếng là giàu có phúc đức trong vùng mời họ ngày Mồng Một sáng sớm đến xông đất nhà mình để rước cái may suốt cả năm dài.

Lại cũng vào năm ấy…Màn đêm lặng lẽ buông xuống một vùng ngoại ô Sài gòn, giữa lúc cuộc chiến đang hồi ác liệt…Từ sáng sớm, đã thấy một bầy trẻ nít bận quần áo mới đủ màu, tay cầm những bao lì xì đỏ chói, từ các căn nhà trong xóm nhỏ túa chạy ra, chạy nhảy, cười đùa rộn rịp trên đường trải đá xẫm màu…Chúng rủ nhau tổ chức một cuộc múa lân và ông Địa “bỏ túi” vào trưa nay, có mời Ca đoàn thiếu nhi từ Ngã Ba Ông Tạ đem đàn sáo đến cùng nhau hợp xướng và nhảy múa.

Trong khi ấy trên tầng lầu của căn nhà sát bên cạnh ngôi chùa mới xây mái ngói đỏ tươi, có chàng thanh niên xứ lạ mà cuộc sống hải hồ, mạo hiểm, lang thang từ Nam chí Bắc, từ thành thi đến bưng biên, vào sinh ra tử, đấu trí bao phen với địch lỡ làng gặp Tết đến bất ngờ trên hành trình của sứ mệnh. Không kịp về quê, chàng đành tạt vào nhà ăn Tết vui Xuân với bạn thân đồng khóa…Khe khẽ, chàng ngâm lên mấy câu thơ nhớ vội nhớ vàng:

Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan
Trong lúc gần xa pháo nổ ran
Rũ áo phong sương trên gác trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang

(Thế Lữ)

Nhìn xuống vườn người hàng xóm bên cạnh, mấy chòm hoa thược được tím biếc, láng mướt như nhung, chen lẫn các cây hướng dương cao vút đầy hoa vàng ôi, cánh hoa nở rộ, li ti điểm giọt sương đêm, vài ba cô gái nhởn nhơ cười nói trong gió sớm hiu hiu, ánh nắng vàng nhợt nhạt. Chàng buột miệng khẽ ngâm tiếp:

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

(Hàn Mặc Tử)

Không hiểu do một sự liên tưởng tâm tình nào, chàng bỗng thiết tha nhớ đến người em gái xinh như mộng đồng quê vùng Hậu Giang sắp trở nên vị hôn thê của mình, nếu chuyến đi Khinh Kha của chàng năm này rực rỡ thành công cho đại nghĩa.

Bùi ngùi nhớ đến quê mình nằm dưới triền núi gần sông Bến Hải, ở đấy có người mẹ già chưa bao giờ “chu du” ra khỏi làng để chiêm ngưỡng cố đô Huế mà Bà vô cùng mong ước, có hai đứa em vị thành niên, có bà chị đã là chinh phụ hơn 5 năm trời, hẳn bây giờ trong khí lạnh đìu hiu của một miền sơn cước, ngày đầu xuân này mọi người chắc đang tưởng nhớ đến mình, không biết mình dừng gót chân giang hồ mạo hiểm ở chân trời góc biển nào hay đang nằm trong lòng sào huyệt đích cũng nên…Chàng nhắm mắt, mơ màng…

Đang suy nghĩ, tư tưởng mông lung thì Vân Anh, cô em gái của bạn vừa cười cười nói nói bước lên lầu mời chàng xuống:

– Ba em nói: đây là một lễ tục đầy truyền thống văn hóa và cũng rất là linh ứng. Anh hãy xuống bói Kiều với chúng em. Thế là 3 anh em của bạn (Lễ và hai em gái là Nguyệt, Hương) và chàng đến xúm xít chung quanh một bàn tròn cùng nhau khấn nho nhỏ theo lời ông cụ dạy: “Xin thành tâm vái lạy hồn thiêng của cô Thấy Kiều cho chúng tôi một quẻ đầu xuân cho thực là linh nghiệm…” Tự kiềm chế cho được trang nghiêm đến đoạn cuối cùng của lời khấn thì cả 4 người đều phá lên cười dân dã.

Hương, cô gái nhỏ mới 19 tuổi học lớp 12 trường Gia Long bói trước. Tay run run, dở tập Kiều và cô chích nhanh với ngón trỏ vào dòng chính giữa bên trang tay mặt. Rồi nàng ngập ngừng đọc lớn:

…Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao
Mặt tơ tưởng mặt, lòng ngao ngân lòng.

– Ý? Nào em có yêu ai đâu mà cũng không ai trồng cây si mình sao lại thế này ? lại nói chuyện tương tư vớ vẩn !

– Đừng hiểu theo cái nghĩa thông thường của câu thơ mà phải lấy ý mà bàn rộng hoặc lấy nghĩa bóng hoặc cái nghĩa lắc léo của nó, hoặc nhận chân cái nghĩa thầm kín giữa hai dòng chữ mà đoán mới đúng được.

– Lễ vội nói: Cứ theo hai câu này mà xét hoàn cảnh của Hương thì năm nay em học gạo đến mệt lả người, học chúi mũi chúi mắt để đi thi Tú Tài II cuối năm cho nó đậu đó. Học từ đầu hôm đến sáng, học suốt tháng trời, học hết tuần trăng, học đến cạn dầu trong đĩa mà!

– Đèn điện làm gì có dầu mà hết, hử Anh? Hương cười rộ.

Đến lượt Nguyệt, nàng xin vong hồn Kiều cho nàng vài câu có ý nghĩa rõ, không lờ mờ, không úp mở, quanh co gì cả. Và nàng bật ngửa cuốn Kiểu đọc dòng thứ 14 tay trái đúng như nàng vái:

Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng thu phong đã đượm màu quan san.

– Thôi rồi, chi Nguyệt phải chia tay với anh Hồ rồi. ảnh bi gọi đi lính vào tháng 8 này! Mùa thu ly biệt. Hương liến thoắng giải hai câu thơ và liếc nhìn Nguyệt đắc chí.

– Mày chỉ được cái nói tầm bậy! Ly biệt thì có thể nhưng chắc ảnh phải đổi sở, không còn được ở Sài gòn nữa – Nguyệt cãi lại – Đoán như thế mới đúng. Cái miệng mày ăn mắm ăn muối , nói trật lất mà lại xui xẻo nữa. Thôi nghỉ đi Bà!

– Chị ăn cái gì, tôi ăn cái nấy chớ bộ! Nào có ai ăn riêng mâm bát bao giờ mà chi được ăn cá thịt còn tôi ăn mắm muối – Hương rán gân cổ nói lại. Nhất định, em đoán đúng đó ?

– Thôi, đến lượt Anh Phong (bạn của Lễ), anh bói đi, em Kiều ứng cho anh quẻ gì. Mà anh sĩ quan văn phòng lay sĩ quan tác chiến? Anh khấn lại, thành tâm đi ? Hương nói tiếp.

– Tôi làm ở văn phòng. Phong dấu các công tác đặc vụ xuất quỷ nhập thần của mình. Chàng dở cuốn Kiều và học hai câu ở dòng thứ 20 bên tay phải:

...Trong tay mười vạn tinh binh
Kéo về đóng chật một thành lâm chuy…

– Thôi rồi, phen này anh đổi ra tác chiến. Về điều anh khiển tướng, đại thắng trước cộng quân là cái chắc. Nguyệt mừng đùm cho Phong.

– Nếu đúng như lời các cô đoán thì Tết sang năm tôi sẽ mang nhiều chiến lợi phẩm về biếu cụ, các cô và anh Lễ.

– Nhưng phải đọc thêm các câu kế xem ý tiếp diễn thế nào mới chắc ý hơn, anh Phong ạ – Nguyệt nói thêm – Để em đọc cho:

…Tóc tơ các tính mỗi khi
Oán thì trả oán, ân thì trả ân
Đã nên có nghĩa có nhân
Trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen

Hay lắm và cũng rõ nghĩa quá. Vinh quy bái tổ rồi. Đại thắng đến nơi! Nhưng sao chỉ thấy nói “trả ân trả oán” mà Kiều không cho biết “tra tình” hay tỏ tình làm sao, hử anh Phong? Hương tinh nghịch dò ý Phong.

Ông Cụ vừa chăm sóc xong mấy chậu thược dược màu hồng, màu tím xẫm và các chậu cúc trắng, vàng trước sân nhà, bước vào phòng và góp ý:

– Để thầy nói đến chuyện bói Kiều có liên hệ đến việc quốc sự mà nhà văn Lãng Nhân có nhắc đến như trường hợp của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học:

“Thơ Kiều tả tâm trạng từng hạng người trước mỗi diễn biến của cuộc đời, cho nên cảnh ngộ nào cũng có một vài câu Kiều thích hợp. Những lúc ấy, thơ Kiều dường như lời tiên tri, và rồi quyển Kiều trở thành sách bói, ngoài sự toan tính của tác giả. Xin thuật lại sau đây một vài trường hợp điển hình:

Một ông vì bất đồng chính kiến bi hãm trong Chí Hòa. Ngồi bóc lịch hoài cũng ngán, nhân có cuốn Kiều trong tay, bèn xướng xuất nghề “thầy bói miễn phí” để giải trí. 3.245 câu, chia thành 651 đoạn 5 câu, ông cắt giấy bìa làm mỗi đoạn một thẻ nhỏ ghi số thứ tự, tùy khách hàng thắp hương khấn vái rồi rút ra một thẻ để đoán. Một buổi chiều, một can phạm tội giết người đến xin xóc quẻ, xem sáng hôm sau ra tòa bị xử nặng nhẹ thế nào. Anh ta lắc ống thẻ một lúc lâu rồi run rẩy rút ra thẻ số 481. ông thầy giở sách tìm đọc đoạn uý:

 

Nhớ ngày hành cước phương xa
Gặp sư Tam Hợp vốn là tiên tri
Bảo cho hội hợp chi kỳ
Năm nay là một, nữa thì năm năm
Mới hay tiền định chung lầm…
Thầy vừa đọc xong, người tù ngẩng lên thở phào:
– Cám ơn thầy, thế là khỏi tử hình rồi?
Hôm sau, thật là kỳ di, tòa xử đúng năm năm tù ở…

Thơ Kiều có khi linh ứng thật không, sao mà biết được. Chỉ thấy một vài hiện tượng thật là kỳ quái, nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy liệt sĩ Nguyễn Thái Học cũng bói Kiều! Từ ngày 21/12/1927 thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, tại trụ sở Nam Đồng Thư Xã ở số 6, đường 96, bờ hồ Trúc Bạch, Hà Nội, đảng trưởng Nguyễn Thái Học chăm lo kết nạp thêm đảng viên và chuẩn bị võ trang khởi nghĩa. Đến chiều 9/2/1929 vụ bắn chết Bazin, tên trùm mộ phu đi đồn điền cao su Nam Kỳ và Cao Miên, khiến cho nhà đương cuộc Pháp tăng cường canh phòng và bắt bớ tình nghi, lập Hội Đồng Đề Hình xét xử. Rồi ngày 8/7/1929 thả 152 người, cho 26 người án treo, kết 47 người từ 2 đến 15 năm tù. Thái Học còn tại đào, bi kêu vắng mặt 15 năm. Một giải thưởng 5 ngàn đồng cho ai nộp được đảng trưởng. Từ đó đảng trưởng cùng một số đồng chí phải giữ tung tích bí mật. Ngày 3/11/1930 (Mồng 2 Tết Canh Ngọ) trú chân nhà một tá điền xã Hưng Thắng, huyện Nam Sách, Hải Dương, một số đồng chí tuy nặng lòng việc nước nhưng ngày Tết xa nhà không khỏi bâng khuâng, khó vào giấc ngủ. Thái Học lom khom pha trà, thấy anh em yên lặng, muốn tìm chuyện cho khuây, bỗng rút được trong bọc ra cuốn truyện Kiều vẫn thường mang theo, lật lật vài trang rồi lẩm nhẩm: Đầu năm thử bói một quẻ xem sao…

Mấy đồng chí cười:

– Làm cách mạng mà cũng tin bói toán nhỉ!

Rồi cùng xúm lại quanh ngọn đèn dầu. Học ngồi xếp bằng, hai tay chắp vào quyển Kiều, thì thầm mấy cấu rồi mở đọc đầu trang bên trái:

Thân ta, ta phải lo âu
Miệng hùm nọc rắn, ở đâu chốn này
Ví chăng chấp cánh cao bay
Rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa

Một đồng chí lớn tuổi rụt rè nói:

– Chúng nó bủa vây tứ phía, nội bộ lại có mấy tên phản trắc, mình tấn công ngay không phải dễ, hay là hãy chờ dịp thuận tiện hơn…

Ký Con vùng vằng:

– Hơi đâu mà bận tâm về chuyện mê tín! Thôi đi ngủ lấy sức đối phó với quân thù đang rình rập khắp nơi kia kìa!

Thái Học nói thêm:

– Chúng ta làm việc nước phải vững tâm bền chí, không thành công thì cũng thành nhân, lời thánh hiền đã nói. Huống chi lòng người đang sôi sục trông về chúng ta, không thể nào chúng ta lùi bước được. Vả lại lệnh tổng động binh ngày 10-2-1930 này đã truyền đi rồi, anh em phải nhất tề đứng lên hiến thân cho tổ quốc!

Lệnh tuy đã ban ra nhưng việc giao liên phải tránh tai mắt mật thám, tránh cả những đảng viên chưa tin cậy được, nên tin không đến đích đúng hạn. Xứ Nhu chờ sốt ruột, đêm 9-2 cầm quân đánh Hưng Hóa và Lâm Thao, bị thương và cầm tù, đập đầu vào tường tự sát. Ngày 10-2 Ngô Hải Hoàng và Bùi Tư Đoàn đánh Yên Báy giết 10 sĩ quan và hạ sĩ  quan Pháp nhưng rồi phải rút lui. Chiều ngày này Ký Con cho ném tạc đạn vào nhà Chánh Mật Thám nhà pha Hỏa Lò, Sở Cảnh Sát Hàng Trống và Hàng Đậu, không gây thiệt hại quan trọng… Ngày 13-2 đánh đồn binh Kiến An thất bại. Ngày 15-2 đánh huyện  Phụ Dục (Thái Bình), tri huyện trốn thoát, ta tịch thu súng đạn và công văn rồi hợp với cánh quân đánh Vĩnh Bảo giết tri huyện Hoàng Gia Mô. Để khủng bố, Pháp cho ném bom làng Cổ Am. Đến 21-2-1930 Thái Học cùng hai đồng chí định do ngả Đông Triều vượt biên giới sang Quảng Tây thì khi qua địa phận ấp Cổ Vịt bi sa lưới.

Ví thử đảng trưởng tin dị đoan, nghe thơ Kiều mà dùng dằng không vội tổng động binh, rồi “xa chạy cao bay” thì biết đâu đại sự sau này không đến nỗi thảm bại như thế… (Lãng Nhân).

– Các con bói Kiều nhưng sao không thấy đứa nào thử khai bút đầu năm xem nào! Các cụ thuở trước và thầy đây cũng vậy, sáng Mông Một có lệ làm bài đường thi hoặc lục bát để vịnh cảnh, vịnh tình (tự vịnh, tự thuật…) hay giải bày niềm tâm sự của mình. Tuy là cảm hứng xuất thần trong linh khí của ngày đầu xuân nhưng có tương quan mật thiết kỳ diệu với cuộc đời và nhân thế của tác giả trong suốt một năm dài. Về bài thơ, do một sự huyền bí nào xui nên gieo vào tâm linh thi nhân ngòi bút sẽ phản ảnh hành động, sinh lực, vận mệnh của chính họ. Thi văn nhân thuở trước nâng cao việc khai bút đầu năm này thành một nghi lễ đầy cung kính. áo quần tề chỉnh, tắm rửa sạch sẽ, họ cầm cây bút thảo những giòng chữ Hán tài hoa như rồng bay phượng múa trên các vuông giấy màu đỏ choét làm thành những bức tranh tuyệt mỹ giống như các bức họa của họa sư. Để rồi long trọng treo vào chỗ danh dự nhất của ngôi nhà, thường thì hai bên nhà thờ, nơi cúng tế gia tiên. Thầy đọc cho các con nghe một bài khai bút mừng xuân mà nhà cách mạng Phan Bội Châu đã gởi gắm thầm kín trong đó tâm sự “xoay đổi thời thể” của mình để cứu nước:

“Quân bất kiến Nam, Xuân tự cổ đa danh sĩ?(1)
Đã chơi xuân đừng quên nghĩ chi chi
Khi ngâm nga xáo lộn cổ kim đi,
Lùa tám cõi ném về trong một túi.

Thơ rằng.

Nước  non Hồng Lạc còn đây mãi,
Mặt mũi anh hùng hổ chịu ri?
Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi,
Sinh thời thế, phải xoay nên thời thế.
Phùng xuân hội may ra, ừ cũng dễ,
Nắm địa cầu vừa một tí con con,
Đạp toang hai cánh càn khôn,

Mưỡu hậu:

Đem xuân về lại trong non nước nhà,
Hai vai gánh vác sơn ha,
Đã chơi, chơi nốt, ố chà chà xuân .

(Chơi xuân)

(Sáng tác trước 1905)

Cụ đồ dứt lời, Phong vội tiếp:

– Các con không có lệ khai bút như Ba, nhưng con đọc trong báo xuân năm nay, có bài thơ xuân trúng giải cuộc thi thơ do Đài Phát Thanh Sài gòn tổ chức. Tác giả là một vị giáo sư ở một thiên duyên hải. Bài thơ rất đặc sắc rợi lên những rung cảm dạt dào tình ái mà cũng mang một sắc thái hào hùng đầy thi vị trong cuộc hội ngộ mừng xuân giữa chinh phụ với người yêu chiến sĩ của mình:

XUÂN CHIẾN ĐẤU

Ly rượu này anh uống cạn đi
Lòng nên nguôi lại chuyện biên thùy
Hôm nay xuân đến rồi anh ạ
Anh hãy vì em uống cạn ly
Nàng với tay nâng rượu đến tôi
Ngoài kia xuân nhón gót qua đồi
Bướm bay hoa nở, tôi nàng thấy,
Im lặng nhìn nhau, chỉ thết hồi
Nào! Uống đi anh! Rượu khải hoàn
Tuổi anh vừa đúng tuổi hiên ngang
Tóc xanh anh đã nhiều sương gió
Thì mới hôm qua biệt chiến truồng
Để trở về đây đón lấy xuân
Vì anh! tay chuốc rượu em nâng
Vì anh! Em sẽ khâu lành lại
Áo chiến anh tôi rách mấy lần
Khi áo khâu rồi cả nút khuy
Và khi rượu cạn cả vành ly
Anh nên đứng dậy rồi quay mặt,
Sương gió chờ anh, anh cứ đi…

Nguyễn Văn Ty (1961)

Cụ đồ bảo con đọc lại bài thơ lần thứ hai. Rồi lớn giọng cụ bình thơ: Hay lắm! Xứng đáng được giải thưởng.

Ly rượu tân xuân! Một nguyên cớ để khiển hứng cho nhà thơ, để gợi tình cho nhân vật. Bức tranh gói trọn vẹn một thiên anh hùng ca đẹp nói lên những rung cảm dạt dào của người còn ở lại, những kích cảm sôi nổi của kẻ ra đi đã trở về để rồi sẽ ra đi nữa vì sứ mệnh, đại nghĩa chưa chu toàn.

Ly rượu này anh uống cạn đi
Lòng nên nguôi lại chuyện biên thùy
Hôm nay xuân đến rồi anh ạ,
Anh hãy vì em uống cạn ly…

Chén rượu khải hoàn tân xuân chỉ là một cơ hội nghỉ ngơi tạm thời của người chiến sĩ, để ôn lại những chiến công còn ghi trên “tóc xanh nhuốm đầy sương gió” để hưởng những giây phút đắm say tuyệt vời bên cạnh người yêu trong khi bên ngoài, chiếc áo xuân phủ tràn trên Đất Nước:

Nàng với tay nâng rượu đến tôi
Ngoài kia xuân nhón gót qua đời
Bướm bay hoa nở, tôi nàng thấy…

Các tiếng “nhón gót qua đồi” tuyệt diệu, đáng khuyên những vòng son đỏ chói! Hay lắm!

Lời chuốc rượu ty còn phảng phất một ít phong khí yêu đương kín đáo của người chinh phụ thuở nào của thế kỷ cổ điển trước nhưng diễm tình, tươi vui và đầy khích lệ hơn nhiều.

… Nào uống đi anh, rượu khải hoàn,
Để trở về đây, đón lấy xuân
Vì anh, tay chuốc rượu em nâng
Vì anh, em sẽ khâu lành lại
Áo chiến anh tôi rách mấy lần…

Tuyệt nhiên, không có những cử động giả tạo đầy kịch tính của một cảnh:

Múa gươm, rượu tiễn chưa tàn
Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo…

(Chinh phụ ngâm)

Và cũng không hề tỏ tình âu yếm một cách mềm yếu như nỗi lòng chinh phụ một thuở nào:

Xin vì chàng xếp bào cởi giáp
Xin vì chàng dủ lớp phong sương
Vì chàng tay chuốc chén vàng
Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng

(Chinh phụ ngâm)

Không! Trong lần gặp lại ở đây, nàng chỉ kịp nhận thấy ở người yêu: “Tóc xanh, anh đã nhiều sương gió” và “áo chiến anh tôi rách mấy lần” thôi. Chỉ có thế nhưng ai biết đâu những rạo rực sóng gió trong lòng mình? Để mà kính nể, cảm phục. Lòng ngưỡng mộ khích động được tượng trưng bằng ly rượu nồng gợi cảm mừng ngày xuân chiến thắng, dâng đến cho ai, trong cảnh bướm bay hoa nở bên ngoài.

Tuyệt! Hai câu cuối lại càng đắc thế lắm. Ý thơ không chút nào bi lụy mà lại hùng tráng đầy khích động và phấn khởi.

Anh nên đứng dậy rồi quay mặt
Sương gió chờ anh, anh cứ đi…

Hay và đạt lắm! Cụ đồ phụ họa với các con và khen nức nở… hồn thơ và cảm khái của thi nhân diễn xuất cảnh mừng xuân không được vui trọn vẹn bên cạnh vợ hiền của người chiến sĩ oai hùng đăm đăm nhìn về cõi biên thùy ngập tràn khói lửa. Đó cũng là điểm hẹn quyết tử của người lính biên phòng trong những ngày hiểm nguy đầy vinh quang sắp đến.

(Trích Nghệ Thuật Việt và Đọc Văn, Vũ Ký, in lần thứ tư, nhà in Viện Đại Học Belgium, 1985)

VŨ KÝ