Thi sỹ Nguyễn Chí Thiện, nhà thơ được gọi là Ngục sỹ của Việt Nam vừa qua đời vì ung thư phổi vào sáng thứ Ba 2-10-2012 tại Quận Cam, California, nơi ông đã sống từ năm 2001 và tham gia vào nhiều sinh hoạt đấu tranh chống Cộng ở đây.
Ông được thế giới biết đến qua sự kiện năm 1979 khi thi sỹ vào Sứ quán Anh ở Hà Nội, trao cho nhân viên ngoại giao tại đây tập thơ, yêu cầu họ mang ra khỏi Việt Nam để phổ biến.
Nguyễn Chí Thiện là văn nghệ sỹ bị tù nhiều lần và lâu nhất dưới chế độ Cộng sản Việt Nam, tổng cộng tất cả 27 năm.
Ông bị bắt giam lần đầu khi mới ngoài tuổi đôi mươi. Cuối năm 1960, một hôm vào trường dạy thế cho người bạn, ông đã giảng bài trong lớp sử khác với quan điểm của nhà nước ghi trong sách giáo khoa.
Sách viết Liên Xô đã đánh bại Nhật để chấm dứt Thế chiến thứ Nhì, còn thầy giáo Thiện hôm đó lại giảng cho học sinh là Thế chiến chấm dứt do Mỹ đã thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki khiến Nhật phải đầu hàng đồng minh vô điều kiện.
Vì lý do đó Nguyễn Chí Thiện bị bắt đi tù. Năm 1964 ông được thả nhưng rồi lại bị giam không xét xử từ năm 1966 cho đến 1977 vì lưu truyền những bài thơ phản kháng chế độ do ông sáng tác.
Trong lần đi tù thứ nhì, ông đã viết thêm nhiều vần thơ vừa châm biếm, vừa chống lại chế độ Cộng sản.
Đưa thơ ra nước ngoài
Khi được ra khỏi nhà tù, ông đã tìm cách đưa thơ của ông ra nước ngoài.
Kế hoạch này có nhiều phương án, như ông đã kể lại trong cuộc phỏng vấn dành cho mạng talawas.org vào tháng 11-2007. Ông nghĩ đến chuyện đưa cho linh mục Phạm Đình Tụng tại nhà thờ ở Hà Nội, ông cũng nghĩ đến việc lẻn vào Sứ quán Pháp nhân có liên hoan đón Quốc khánh 14-7.
Các kế hoạch trên không thành, sau cùng ông đã vào Sứ quán Anh ngày 16-7-1979 và trao cho nhân viên ngoại giao ở đó tập bản thảo những bài thơ của ông.
“Hai bóng ma chập chờn, lạng quoạng Ông miền Bắc, tôi miền Nam, chung kiếp nạn Cùng toàn dân lũ lượt vào tù…“
Võ Đại Tôn
Thơ của ông thoát được khỏi Việt Nam.
Phần ông, sau khi ra khỏi Sứ quán Anh liền bị công an bắt đem vào Hỏa Lò và bị chuyển qua nhiều trại giam trong đó có trại Cổng Trời. Thời gian ở tù ông đã gặp nhiều tù nhân nổi tiếng như Kiều Duy Vĩnh, Võ Đại Tôn, Dương Thu Hương, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu… Tháng 10-1991 ông được thả khỏi tù.
Tập thơ của ông được một nhà ngoại giao Anh mang về nước, trao lại cho Giáo sư Patrick J. Honey.
Bản thảo đến được Hoa Kỳ và được in lần đầu tiên tại đây vào năm 1980 với tựa Tiếng vọng từ đáy vực do Ủy ban Tranh đấu cho Tù nhân Chính trị tại Việt Nam và cơ sở Thời Tập ấn hành. Liền sau đó có ấn bản mang tên Bản chúc thư của một người Việt Nam do bán nguyệt san Tiền Phong phát hành. Cả hai ấn bản đều không ghi tên tác giả.
Những vần thơ về lao tù, về chế độ cộng sản Việt Nam tạo tiếng vang trong cộng đồng người Việt hải ngoại và được thế giới chú ý. Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc, in trong tập Mười bài ngục ca. Sinh viên, các tổ chức cộng đồng tổ chức những đêm đọc thơ và hát ngục ca.
“Hoa địa ngục”
Tựa tập thơ với tên Hoa địa ngục – Flowers from Hell – và tên tác giả của nó là Nguyễn Chí Thiện chính thức biết đến khi học giả Huỳnh Sanh Thông dịch ra tiếng Anh và được Đại học Yale phát hành năm 1984. Rất nhiều trong số 400 bài thơ của ông còn được dịch ra các thứ tiếng Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Hoa, Hàn và Séc. Năm 1985 thơ của Nguyễn Chí Thiện được trao giải International Poetry Award ở Rotterdam, Hà Lan.
Sau khi ra tù cuối năm 1991, nhờ vận động của quốc tế, các tổ chức nhân quyền như Ân xá Quốc tế và sự quan tâm của thế giới, đặc biệt là của cựu Đại tá Không quân Hoa Kỳ Noburo Masuoka nên tháng 1-1995 nhà nước Việt Nam đã cho ông sang Mỹ định cư sau gần nửa đời người sống qua nhiều nhà tù ở Việt Nam.
Sau một thời gian định cư tại Hoa Kỳ, ông được International Parliament of Writers mời sang Pháp ba năm từ 1998 đến 2001. Trong thời gian này ông đã ghi lại những câu chuyện trong tù và được xuất bản trong tập Hỏa Lò năm 2001. Tập truyện được dịch ra Anh ngữ mang tựa Hỏa Lò / Hanoi Hilton Stories được Southeast Asia Studies của Đại học Yale xuất bản năm 2007.
Ngay từ khi những vần thơ của Nguyễn Chí Thiện được thế giới bên ngoài biết đến thì đã có những nghi vấn cho rằng đó không phải là do ông sáng tác. Theo lời thi sĩ, việc đánh phá đó không phải do cộng sản chủ trương mà do một số người muốn đề cao vai trò của nhóm Duy Dân, đưa Lý Đông A lên..
Những năm gần đây trên một số diễn đàn tiếng Việt còn đề cập chuyện Nguyễn Chí Thiện thật và giả. Trước dư luận này, bà Jean Libby, cựu giáo sư sử học tại các đại học cộng đồng vùng San Jose, một người rất cảm phục và trân quý nhà thơ đã nhờ giới chuyên môn so sánh nét chữ viết, so sánh khuôn mặt ngoài đời và trong hình để chứng minh rằng Nguyễn Chí Thiện đã định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1995 là thật và những bài thơ chính là của ông. Bà Libby là người đã được thi sĩ trao lại các tư liệu để lưu giữ.
Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện sinh ngày 27-2-1939 và chưa bao giờ lập gia đình. Ông có hai chị và một anh. Một người chị đã qua đời năm 2004 ở quê nhà và một chị hiện còn ở Việt Nam. Anh của ông là một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã phải đi học tập cải tạo 13 năm sau tháng 4-1975 và hiện định cư tại Hoa Kỳ.
Trước khi qua đời thi sĩ Nguyễn Chí Thiện có ước nguyện theo đạo Thiên Chúa và ông đã được chịu bí tích thánh tẩy và xức dầu theo nghi thức Công giáo. Ông hưởng thọ 73 tuổi.
Tác giả Bùi Văn Phú dạy đại học cộng đồng. Tháng 11-2007 ông đã có cuộc phỏng vấn thi sĩ Nguyễn Chí Thiện cho mạng talawas.org