HÀO KIỆT PHƯƠNG NAM: NHỮNG CHIẾN SĨ ANH HÙNG CỦA TIỂU ĐOÀN 3 NHẢY DÙ VNCH TỰ SÁT CHỨ KHÔNG ĐẦU HÀNG GIẶC 30-4-1975 (Mũ Đỏ NGUYỄN VĂN NƠI)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: 3 people

Mặc cho những khó khăn và thiếu thốn về quân cụ cũng như đạn dược vào những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến đấu bảo vệ Tự Do cho Miền Nam Việt Nam, nhưng các Chiến Sĩ Nhảy Dù QLVNCH vẫn hiên ngang ngạo nghễ sẵn sàng tử chiến với trước bọn giặc xâm lược vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tháng 4/1975.

Image may contain: one or more people, outdoor and text

Những Chiến Sĩ QLVNCH đang ngăn chận quân xâm lược trên xa lộ Sài Gòn vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến.

Image may contain: one or more people and outdoor

Một chiếc xe tăng T-54 của cộng sản bắc việt bị các Chiến Sĩ Quân Lực VNCH bắn hạ trên xa lộ vào những ngày cuối tháng 4/1975

Sáng sớm ngày 29 tháng 4, 1975, chúng tôi tiếp tục công việc như mọi ngày nhưng trong lòng nôn nao khôn tả. Từng đoàn dân chúng hoặc quân nhân của Sư Đoàn 18 Bộ Binh ào ạt kéo về hướng Sài Gòn, chúng tôi kêu gọi họ ở lại tiếp sức trấn giữ cây cầu nầy nhưng họ nói là được lệnh về bảo vệ Thủ Đô Sài Gòn.
Còn căn cứ Giang Thuyền của Hải Quân tại bờ sông Đồng Nai cạnh cây cầu nầy ngày hôm qua còn có bóng người thấp thoáng, đến hôm nay sao im vắng như vậy? Dưới sông còn mấy chiếc giang đỉnh nằm yên trên sóng nước lăn tăn dưới làn gió nhẹ.
Anh em tôi kéo đến hỏi ý kiến Trung Sĩ Ngôn là người có cấp bậc cao nhất và cũng lớn tuổi nhất trong bọn tôi:
– Tính sao Trung Sĩ?
Trung Sĩ Ngôn đáp tỉnh bơ:
– Không tính gì cả, giặc đến thì đánh chớ còn tính gì nữa, lúc trước ta phải sang Campuchia, sang Lào, đi ra Vùng I, Vùng II tìm giặc mà đánh, nay chúng kéo đến đây thì ta phải đánh chứ còn nghĩ ngợi gì nữa.
Lời nói khẳng khái của TS Ngôn khiến anh em Nhảy Dù và các chiến sĩ Công Binh, Địa Phương Quân cũng lên tinh thần. Một vài người phát biểu ý kiến:
– Trung Sĩ Ngôn đúng là một chiến sĩ can đảm của quân đội, lẽ ra anh phải có cấp bậc khác hơn mới đúng, quân đội cần phải có những chiến sĩ đảm lược như vậy.
Trung Sĩ Ngôn khoát tay bảo đừng nói tiếp nữa, ông nói:
– Các bạn đừng cho tôi uống nước đường tưởng tượng nữa, đời binh nghiệp của tôi nếu có được kéo dài thì cũng thế thôi, một tên quân phạm được Bộ Tổng Tham Mưu cho tiếp tục phục vụ thì còn lên xuống gì nữa!!!
Ai nấy đều không tin câu nói của Trung Sĩ Ngôn, ông ta phải xác minh tới lui mấy lần mà chưa có ai tin.
***
Riêng tôi thì tôi tin ông nói thật vì tôi là HSQ quân số của Tiểu Đoàn, tôi nắm giữ hồ sơ lý lịch của quân nhân trong đơn vị nên tôi biết nhiều về quân nhân trong đơn vị.
Tôi xin mở dấu ngoặc nói về người Hạ Sĩ Quan nầy:
Sau những trận “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972, vì nhu cầu bổ sung quân số cho các đơn vị tác chiến đang thiếu hụt, Bộ Tổng Tham Mưu nghiên cứu và quyết định cho tiếp tục phục vụ các quân phạm được coi là thường phạm hiện đang bị giam giữ trong Quân Lao Gò Vấp. Ông Trung Sĩ Ngôn được xuất lao trong đợt đầu tiên và được bổ sung về Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù.
Ngày tôi đến Khối Bổ Sung nhận về 30 quân phạm trong đó có Trung Sĩ Ngôn, vừa gặp ông là tôi có thiện cảm liền. Tôi đưa các quân nhân nay về hậu cứ Tiểu Đoàn ở cổng số 9 trong Căn Cứ Long Bình, Biên Hòa, trang bị cho họ và chờ ngày tăng cường hành quân.
Trong những ngày chờ đợi tôi có dịp tiếp xúc với các quân nhân nầy để tìm hiểu và giúp đỡ chuyển thư từ, nhắn tin người nhà đến thăm, tiếp tế cho họ, phần các quân nhân ở xa hoặc ở trong vùng mất an ninh thì chỉ gởi thư theo đường bưu điện thôi.
Riêng Trung Sĩ Ngôn, quê ở Hốc Môn, tuy không xa lắm nhưng xã ấp ở vùng xôi đậu nên tôi không thể đem thư đến nhà cho ông được, tôi cố gắng đi đến chợ quận Hốc Môn, rồi hỏi thăm tìm những người cùng xã ấp với ông nhờ họ chuyển thư về gia đình ông. Cuối cùng, thân nhân của ông cũng đã tìm đến thăm ông được. Và nhờ vậy ông mang ơn tôi, có tâm sự gì ông đều phun ra hết, và con đường tù tội của ông như sau:
“Sau Tết Mậu Thân, Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến gần như thường xuyên có mặt tại Quân Khu I và Quân Khu II, những người lính Tổng Trừ Bị nầy hầu như là “Trấn thủ lưu đồn” của thời xa xưa, có khi hai ba năm chưa được về thăm gia đình một lần, Trung Sĩ Ngôn tuy là đã có gia đình, nhưng vì lính xa nhà trong lúc sức lực phương cường, nên thường lén rời đơn vị đi thăm “Đệ Thất Hạm Đội” cắm sào trên sông Hương.
Một lần, sau khi lãnh lương, anh đi lả lướt trên sông Hương, Đến sáng ngày tỉnh dậy mới hay bị mất ví cả giấy tờ tùy thân và tiền lương tháng mới lãnh chưa kịp gởi về cho vợ. Còn chiếc thuyền thì đã cập bến nhưng người lái không có ở đó.
Trên đường trở về vị trí đóng quân bị Quân Cảnh xét giấy tờ không có nên bị bắt giữ rồi giải giao về đơn vị thọ phạt. Quá uất ức, nên sau khi thọ phạt xong Trung Sỹ Ngôn cầm một quả lựu đạn tìm đến bờ sông thì rất may anh gặp lại cô lái đò hôm trước. Anh đòi lại cái ví và số tiền anh đã bị đánh cắp, cô lái chối cãi là không có lấy, anh đập trái lựu đạn vào đầu cô ta phun máu, cô ta mới chịu nhận là có lấy nhưng gã anh trai ma-cô của cô ta đã cất giữ rồi, theo lời cô lái đò nói lại là nếu anh có tiền chuộc mới được trả lại.
Quá tức giận, anh lại cầm trái lựu đạn đập vào đầu cô ta khá mạnh khiến cô ta kêu thét lên rồi ngất xỉu luôn. Các người trên thuyền bên cạnh tri hô lên là có án mạng nên lính Quân Cảnh và An Ninh Quân Đội đến bắt anh, anh kháng cự đưa ra trái lựu đạn dọa nếu ai đến gần sẽ cùng chết với anh. Anh về đơn vị trình diện và bị An Ninh Quân Đội của đơn vị bắt giải về Sài Gòn đưa ra tòa án Quân Sự Mặt Trận Quân Khu III.
Tôi hỏi chen vào:
– Anh có mướn luật sư bào chữa cho anh không? Tòa án xử anh có nặng lắm không?
Trung Sĩ Ngôn thở ra, chán nản nói:
– Tiền đâu mà mướn luật sư, tiền của mình nó lấy hết rồi nên mình mới gây nên tội. Tôi trình bày tất cả sự việc để ông Chánh Án quyết định chứ không thèm xin ân giảm gì hết.
Tôi tò mò hỏi anh về quang cảnh của phiên Tòa, anh đáp:
– Đầu tiên, họ điệu tôi ra giữa phòng xử, các viên chức trong tòa lần lượt đi ra, cuối cùng tới ông Chánh Án, là một vị Trung Tá trong QĐ VNCH. Đầu tiên họ đọc cáo trạng về trường hợp phạm pháp của tôi, tiếp theo ông Ủy Viên Chính Phủ tức là Công Tố lên án tôi, tôi bị khép vào 3 tội.
Tội thứ I: Phạm vào điều Giáo Lệnh thứ 5: Không được bê tha, rượu chè, cờ bạc, trai gái, và nghiện hút.
Tội thứ 2: Can tội sát nhân, đánh chết người phụ nữ chân yếu tay mềm không thể tự vệ.
Tội thứ 3: Dùng vũ khí để chống lại nhân viên công lực làm nhiệm vụ. Cuối cùng Ủy viên Chính phủ xin ông Chánh Án lên án thật nặng đối với quân nhân vô kỷ luật để làm gương.
Đến phần luật sư biện hộ, vì không có luật sư của bị cáo nên Tòa chỉ định một luật sư tình nguyện giúp tôi, tôi nói là tôi không cần, tôi tự trả lời lấy.
Về tội thứ 1: Các điều bê tha, rượu chè, cờ bạc, nghiện hút tôi không có, còn vấn đề trai gái thì tôi sống theo luật tự nhiên, giải quyết sinh lý, vì một người bình thường mà phải xa nhà cả hai, ba năm, thậm chí bốn năm năm thì bị mất quân bình, họ còn lo chiến đấu, sống chết bất ngờ, ăn uống thiếu thốn, nằm rừng ngủ bụi, thì làm sao chịu nổi. Tôi đặt ví dụ: Một người công chức mỗi ngày làm việc 8 giờ, tan sở đã có công xa đưa đón, về nhà có vợ con săn sóc, họ được ba bữa ăn nóng. Còn giới quân nhân thì sao, có nhà mà cả mấy năm không được về, có vợ mà phải đi ngủ với gái điếm lại còn bị tội bê tha, trai gái.
Về tội thứ 2: Tôi nhìn nhận có nóng nảy, quá mạnh tay với cô đó. Nhưng thưa quan Tòa, tôi ăn bánh trả tiền sòng phẳng. Tại nó lấy tiền, lấy giấy tờ của tôi khiến tôi bị bắt, bị phạt kỷ luật, sau đó nó còn đòi tiền chuộc thì tôi không nóng sao được.
Về tội thứ 3: Tôi dùng lựu đạn để gây áp lực chứ không hề mở khóa an toàn, không gây thương tích hay nguy hiểm cho nhân viên công lực, tôi không để nhân viên công lực bắt tôi vì tôi không muốn để những người phè phỡn ở thành phố bắt những thằng đi tác chiến, tôi quyết về đơn vị để cấp chỉ huy định đoạt. Phần trình bày của tôi đã xong.
Tôi hỏi anh:
– Sau đó thì sao, Công tố viên còn nói gì không? Tòa tuyên bố thế nào? Có nặng lắm không?
– Khi tôi nói, Ủy Viên Chính Phủ có vẻ bất bình, muốn ngăn lại, nhưng ông Chánh Án không tỏ thái độ gì nên ông ta cũng nín luôn, cuối cùng Ông Chánh Án thay vì kết án là tôi “cố sát” hay ít ra là kết tội “Cố ý đả thương, nhân thương trí mạng” gì gì đó, thì Ông Chánh Án đã lên án là “ngộ sát” và hình phạt là năm năm tù ở. Nhưng mới hai năm thì được cho ra ngoài tiếp tục phục vụ. Tôi nói thiệt, nếu có được đi ra ngoài đó nữa, tôi sẽ vẫn đi thăm “Đệ Thất Hạm Đội” đó nữa”.
Vậy mà giờ đây, trước giây phút hấp hối của Thủ Đô VNCH anh vẫn hiên ngang đóng tại cửa ngõ vào thành phố, vẫn cùng 6 người thương binh tự đặt dưới quyền điều khiển của anh, cạnh đó, các quân nhân Công Binh, Địa Phương Quân cũng lây cái hào khí của anh, họ hứa sẽ ở lại cùng chiến đấu với anh em Nhảy Dù.
Và bây giờ chúng ta hãy nghe Binh I Hào Hoa của Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù kể tiếp:
***
“Từ buổi trưa đến chiều ngày 29 tháng 4, 1975, các quân nhân của SĐ 18 BB đi về càng nhiều, có người thì đi lẻ tẻ, có tốp thì đi chung nhiều người. Tôi nghĩ đây là họ “di tản chiến thuật” để sẽ được “tái phối trí” ở một vùng nào đó. Nhiều người dân di chuyển trên đường giục chúng tôi:
– Mấy chú Nhảy Dù ơi, bọn Việt cộng tới rồi kìa !
“Nghe họ nói, tôi cũng cảm thấy lo ngại, hàng đoàn quân còn chạy, thì mấy mươi người chúng tôi có nghĩa lý gì với cơn thác lũ của chiến cuộc. Tôi liếc nhìn các bạn Nhảy Dù tại đó, thấy họ vẫn bình tĩnh chờ giặc chứ không có vẻ lo sợ gì cả. Tôi nghĩ họ đã dày dạn phong sương, đã tôi luyện trong máu lửa nên lòng họ đã chai lì rồi chăng?
***
“Từ ngày Tổng Thống Nixon lên chức, ông quyết định rút hết quân về nước trong “danh dự”. Ông đưa ra áp dụng kế hoạch “Việt-Nam Hóa Chiến Tranh” nghĩa là (bỏ của chạy lấy người). Quân Mỹ và Đồng Minh ào ạt đến rồi cũng ào ạt rút lui. Các căn cứ quân sự được chuyển giao lại cho QĐ VNCH, trong các căn cứ đó có căn cứ Long Bình là rộng lớn và ở gần thủ đô Sài Gòn nhất.
Trong khi đó Chính Phủ Việt-Nam Cộng Hòa cũng đã có kế hoạch chỉnh trang thành phố, mà hai doanh trại của Nhảy Dù là trại Nguyễn Trung Hiếu của Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù nằm trên đường Lê Văn Duyệt đối diện với Nghĩa Trang Đô Thành Sài Gòn và doanh trại Phạm Công Quân của Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù nằm trong vườn cao su của nhà thờ Chí Hòa tại ngã tư Bảy Hiền là bị ưu tiên chiếu cố để chuyển đi. Cả hai Tiểu Đoàn 1 và 3 Nhảy Dù đều được giao cho một số nhà tole tại Cổng số 9 trong căn cứ Long Bình để làm doanh trại cho đơn vị mình.
***
Vì vậy mà tuổi chiến trường, kinh nghiệm chiến trận của tôi còn kém cỏi, nên khi nghe dân chúng bảo chạy đi tôi cũng thực sự lo ngại lắm, các binh sĩ kia cũng có vài người dao động, lo lắng trước những việc diễn biến quá nhanh. Binh 2 Kha rụt rè hỏi TS Ngôn mà cũng có thể hỏi chung anh em Nhảy Dù.
– Làm sao bây giờ Trung Sĩ?
Trung Sĩ Ngôn đáp không do dự:
– Như tôi đã nói ngày hôm qua, lúc trước ta tìm giặc mà đánh, bây giờ chúng nó tới thì ta phải đánh chứ còn tính gì nữa, nếu anh em nào sợ thì chạy theo đoàn người di tản đó đi, tôi không cản trở, còn anh em nào không sợ thì ở lại chúng ta cùng nhau chiến đấu tới cùng.
Trước lời nói quyết liệt của Trung Sĩ Ngôn, anh em lên tinh thần trở lại, họ hứa sẽ ở lại chiến đấu tới cùng với TS Ngôn. Riêng tôi không có ý kiến, ai làm sao tôi làm vậy thôi.
Trọn đêm đó tiếng súng nổ từ xa đến gần, hướng Sài Gòn thỉnh thoảng có tiếng pháo kích rải rác đó đây tuy không nhiều lắm. Chúng tôi cũng thay nhau ngủ gà ngủ gật trong các công sự bằng bao cát.
Trời vừa hừng sáng ngày 30 tháng 4, 1975, Trung Sĩ Ngôn đốc thúc anh em tìm chỗ có thể vừa ẩn nấp vừa chiến đấu bên dưới gầm cầu, chứ mấy cái công sự bằng cát đó chẳng có nghĩa lý gì đối với xe thiết giáp T-54 của bọn cộng phỉ. Trung Sĩ Ngôn còn phái Hạ Sĩ Đắc và Binh Nhất Tân sang bên kia đầu cầu lấy thêm một ít súng chống chiến xa M.72 để tăng cường cho đầu cầu bên này, hai người đi một chập trở lại với mấy khẩu M.72
Trung Sĩ Ngôn chưa kịp có ý kiến gì thì chợt có tiếng động cơ của xe thiết giáp chạy rần rần từ xa. Dân chúng chạy tán loạn vào vệ đường la hoảng lên:
– Việt cộng tới, tụi nó có xe tăng nữa.
Chúng tôi thấy giữa đường có 2 chiếc xe thiết giáp treo lá cờ thổ phỉ xanh, đỏ và ngôi sao vàng ở giữa, hai bên đường, một bầy cộng phỉ xâm lược hộc tốc chạy theo. Chợt chiếc xe chạy đầu dừng lại và bắn vào ụ cát làm công sự trên cầu, sau tiếng nổ lớn ụ cát đó biến mất, chúng lại bắn tiếp các ụ khác.
Chúng tôi nấp ở gầm cầu nên không bị thương tích gì, 3 người chúng tôi thủ M.72 bốn người kia thủ M.16 đồng loạt nhả đạn khiến lũ giặc cướp xâm lược sợ hãi nằm rạp xuống vệ đường, chiếc xe chạy đầu sau khi bắn mấy phát liền chạy tới bị trúng đạn M.72 bị đứt xích đang xoay tròn trên xa lộ. Chiếc xe T.54 còn lại và lũ giặc cộng phỉ bắt đầu phản công, chúng đã biết chỗ ẩn nấp của chúng tôi nên tất cả đều nhắm bắn vào chỗ chúng tôi.
TS Ngôn vừa chiến đấu vừa nói với anh em tôi:
– Súng M.16 bắn vào bọn vc chớ đừng bắn vào xe thiết giáp chỉ gãi ngứa cho nó thôi, còn súng M.72 bắn vào xích của nó có kết quả hơn.
Chúng tôi bắn xong một loạt liền thay đổi vị trí mới nên bọn cộng phỉ tuy đông người hơn nhưng chưa bắn trúng anh em chúng tôi một viên nào. TS Ngôn và HS Đắc bảo anh em tôi bắn phủ đầu bọn nó cho hai anh sử dụng súng M.72. Chúng tôi làm y lời họ và hai anh đã bắn cháy chiếc T.54 thứ 2.
Tuy áp lực trên 2 chiếc T.54 không còn, nhưng bọn giặc cướp xâm lược tràn tới càng lúc càng đông, TS Ngôn căn dặn anh em:
– Các bạn hãy tiết kiệm đạn, chúng ta phải chiến đấu lâu dài đó, không có ai tiếp viện đâu!
Chúng tôi bắt đầu bắn dè sẻn từng loạt một cũng có thể chận đứng bọn cộng quân xâm lược được chốc lát. Hai chiếc PT.76 khác lại ào ào chạy đến, chúng tôi chỉ còn có hai khẩu M.72. TS Ngôn thủ một khẩu, HS Đắc thủ một khẩu, chúng tôi lại bắn ào ạt yểm trợ cho hai người bắn chiến xa, nhưng phía cộng quân cũng bắn rát quá nên hai anh bắn không trúng chỗ hiểm, hai chiếc thiết giáp liền chạy thẳng qua bên kia cầu, bọn bộ đội cũng nương đà đó chạy theo xe qua cầu, một số quây tại đầu cầu gọi chúng tôi đầu hàng, bọn tôi đáp lời lũ giặc xâm lược từ phương bắc bằng những phát đạn thật chính xác, vì thế chúng không dám xông vào chỗ ẩn nấp của chúng tôi.
Chúng tôi mong các quân nhân của đơn vị bạn giật sập cầu hoặc dùng súng M.72 bắn hạ mấy chiếc xe vừa thoát chạy sang bên đó, nếu để nó thoát được thì tai hại lắm. Nhưng chờ mãi mà chẳng thấy động tịnh gì cả, chúng tôi nghĩ là họ đã bỏ trốn hết rồi. Quá thất vọng TS Ngôn nói:
– Chúng ta muốn góp sức để ngăn chận đường tiến của bọn cộng phỉ xâm lược, nhưng chúng ta cô đơn chiến đấu, sức chúng ta chỉ có hạn, đạn dược sắp hết rồi, bây giờ các bạn muốn tiếp tục chiến đấu hay muốn trốn đi đâu tùy ý. Riêng tôi quyết chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.
Ai nấy lên tiếng quyết chiến đấu, không lùi bước, riêng tôi có hơi do dự. Thấy vậy, Trung Sĩ Ngôn nói với tôi:
– Em có thể chui vào đám lục bình trên mặt nước kia để rút đi, bây giờ còn kịp.
Tôi cảm thấy bị chạm tự ái nên quyết ở lại. Bây giờ, bọn cộng phỉ xâm lược trên cầu kêu lớn:
– Hàng sống, – chống chết!
– Hàng sống, – chống chết!
Chúng tôi trả lời bọn thổ phỉ xâm lược bằng mấy loạt đạn. Chống trả thêm một lúc, chúng tôi đã thực sự hết đạn.
Bây giờ đến quyết định cuối cùng, Trung Sĩ Ngôn nói:
– Anh em nào vì gánh nặng gia đình, muốn rút lui để giữ mạng sống thì cứ tự nhiên.
HS Đắc hỏi lại:
– Còn Trung sĩ thì sao?
TS Ngôn đáp:
– Tao không đầu hàng!
HS Đắc nói:
– Tôi cũng không đầu hàng!
Cả bốn anh Lương, Tân, Kim và Kha cũng đồng lên tiếng:
– Chúng tôi cũng vậy, không đầu hàng, còn mấy viên đạn bắn hết rồi tính.
Thế là chúng tôi lại tiếp tục bắn tỉa những tên nào ló đầu vào gầm cầu.
Rồi viên đạn cuối cùng cũng đã được bắn đi.
Trung Sĩ Ngôn tuyên bố:
– Chúng ta không đầu hàng giặc, cũng không để cho giặc bắt. Vậy chúng ta cùng nhau chia cái nầy.
– Tự tử đi anh em ! Chúng ta dứt khoát không đầu hàng !
Trung Sĩ Ngôn cầm trái lựu đạn M.26 đưa ra đoạn bắt tay từng người, xong tất cả ngồi quây vòng tròn quanh trái lựu đạn. Tôi cũng ngồi xuống như mọi người nhưng bất chợt Trung Sĩ Ngôn cầm cái ba-lô để trước mặt tôi, tôi vội đưa tay ra dẹp cái ba-lô nhưng không còn kịp nữa…
***
Khi tôi tỉnh dậy, cảm thấy mặt mũi đau buốt tôi khẽ rên lên, và một người thợ câu chèo thuyền nghe được ghé vào cứu giúp cho tôi. Từ đó đến nay tôi vẫn còn buồn anh em Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù đã chơi xấu với tôi, đã làm cái việc: “ăn đồng, chia… không đều” vì nhờ có cái ba lô Trung Sĩ Ngôn để trước mặt tôi mà tôi đã không chết cùng anh em.
(Sài Gòn trong tôi/ MĐ. Nguyễn Văn Nơi)